Cư sĩ Diệu Âm (Diệu Ngộ) biên soạn
- II -

Đánh đuổi tâm ma
Kính thưa quý bạn, nói về tâm ma, tâm thú, thì trong mỗi chúng ta đều có vô số tâm ma, tâm thú khác nhau.  Có người tâm ma mạnh, có người tâm ma yếu, nhưng dù có tâm ma mạnh hay yếu cũg không quan trọng.  Điều quan trọng là ý chí và tâm Phật của chúng ta có đủ mạnh để đánh đuổi được tánh ma, tâm thú ra khỏi người chúng ta hay không?
Ở đây, tôi xin kể cho quý bạn nghe một câu chuyện mà tôi đã trải qua khi đánh đuổi tâm ma, tâm thú để quý bạn hiểu thêm tâm ma, tâm thú trong ta như thế nào.  Chỉ cần hiểu rõ, chúng ta sẽ không sợ khi phải đối diện với chúng.  Tuy mỗi người đều có tâm ma, tâm thú khác nhau.  Nhưng các đánh đuổi tâm ma, tâm thú trong ta thì chỉ có một.  Đó là ý chí dũng mãnh và quyết tâm niệm Phật không thối chuyển (chỉ có câu Phật hiệu A Di Đà mới đánh đuổi được hết tâm ma, tâm thú trong ta).
Có một đêm tôi nằm mơ (giấc mơ của nội tâm), tôi đi vào một khu rừng có nhiều cây cối âm u rất lớn.  Trong tâm tôi cho biết ở đây có nhiều rắn độc.  Ý nghĩ trong tâm chưa kịp dứt, thì tự nhiên có 3 con rắn độc rất lớn nhào tới, chúng muốn giết hại tôi.  Lúc đó, trong tay tôi tự nhiên có một sợi dây thừng rất lớn, trong tâm tôi cho biết, chỉ có sợi dây thừng này mới đối phó được với chúng.  Tôi dùng dây quất chúng túi bụi, vừa đánh trong tâm tôi vừa nghĩ, tôi phải tiêu diệt chúng.  Nếu không, chúng sẽ hại tôi và hại vô số người.
Đánh nhau một hồi, chúng sợ bỏ chạy, tôi rượt theo đến hang của chúng.  Hang của chúng rất lớn ở trong một hang núi.  Tôi đứng núp một bên để rình.  Trong hang âm u có một ngọn đền lập loè.  Khi chúng bò vào trong chúng liền biến thành người.  Chúng kề tai to nhỏ như bày mưu để đối phó với tôi.  Tôi đứng ở ngoài, vừa sợ vừa quyết tâm phải tiêu diệt chúng, nên tôi canh ở ngoài chờ chúng bò ra.
Một lát sau, chúng biến thành rắn bò ra ngoài.  Chúng vừa ló đầu, tôi dùng dây thừng quất chúng tới tấp.  Dây thừng quất tới đâu, chúng đứt ra từng khúc tới đó.  Nhưng chúng rất mạnh và có phép thuật, nên dù bị đứt khúc, chúng tự nối và trở lại nguyên hình.  Tôi càng đánh càng sợ hãi, nhưng ý chí của tôi lúc đó nói không được thua, nhất định phải thắng nếu thắng không được, thì bất quá ôm nhau chết chung.  Ý nghĩ trong tôi chưa kịp dứt, thì bỗng nhiên sợi dây thừng trên tay tôi biến thành con rắn.  Tôi hốt hoảng vứt con rắn xuống đất và trong tâm tôi lúc đó nói với chúng: Dù không có dây thừng, tao vẫn chết sống với tụi bây.  Không ngờ con rắn tôi vừa vứt xuống đất, nó lăn tới, quấn 3 con rắn kia rồi chết chung, chúng từ từ tan rã.  Tự nhiên có một dòng nước trong mát từ đâu chảy đến làm tiêu tan hết những chất dơ bẩn, tanh hôi, cây cối cỏ hoa cũng bắt đầu từ từ mọc lên xanh tươi hết cả khu rừng.  Tâm tôi cũng từ từ mát rượi, nhẹ nhàng và thoải mái.
Lúc đó, tôi mừng đã thoát được một cơn sống chết, nhưng tôi buồn và hối hận vì đã hiểu lầm sợi dây thừng, tôi cứ tưởng nó biến thành rắn để hại tôi.  Không ngờ nó vì tôi mà liều mạng chết chung với 3 con rắn kia.  Trong lúc thương tiếc, bỗng nhiên có một giọng nói đàn bà nhẹ nhàng thoảng qua tai "con đã thắng rồi, con đã thắng rồi."
Sau khi  được nhất tâm, tôi mới hiểu được chân tướng của giấc mơ đó.  Thì ra 3 con rắn độc kia là 3 tâm độc tham, sân, si của tôi (trong mỗi chúng ta, ai cũng đều có 3 tâm độc này, vì vậy mà chúng ta mới bị chúng hành hạ đau khổ luân hồi vô số kiếp).  Còn sợi dây thừng trong tay tôi chính là tôi.  Vì vậy trong lúc tôi nghĩ đến là sẽ ôm chúng chết chung, thì sợi dây liền biến thành con rắn lăn tới ôm chúng chết chung.  Còn khu rừng trước đó âm u, sau khi tiêu diệt 3 con rắn độc, thì khu rùng trở lại sáng sủa, xanh tươi mát rượi.  Khu rừng là biểu tượng cho tâm thanh tịnh của chúng ta (nghĩa là tâm Phật).  Tâm Phật của chúng ta lúc nào cũng trong sáng thanh tịnh, chẳng qua 3 tâm độc trong chúng ta quá mạnh, nên đã chôn vùi tâm Phật của chúng ta.  Khiến chúng ta bị lặn hụp luân hồi vô số kiếp.
Nhờ tôi niệm Phật nhiều năm không gián đoạn nên tâm Phật của tôi mới có đầy đủ thần lực và ý chí dũng mãnh để tiêu diệt 3 tâm độc: tham, sân, si của tôi, để tôi được nhất tâm (nhất tâm nghĩa là chỉ còn lại một tâm thanh tịnh trong chúng ta).
Kính thưa quý bạn, câu chuyện tôi vừa kể ở trên chỉ là cách đối phó với tâm thú trong ta.  Còn đánh đuổi tâm ma trong ta thì khác.  Mỗi khi đối phó với tâm ma, chúng ta chỉ cần niệm Phật, là chúng tự nhiêu tiêu tan, biến mất.  Nhưng nếu muốn tâm ta niệm Phật được thuần thục, chúng ta phải siêng năng niệm Phật mỗi ngày không gián đoạn, thì tâm Phật trong ta mới có đủ thần lực niệm câu A Di Đà để đánh đuổi tâm ma, tâm thú ra khỏi người chúng ta.
Trong mỗi chúng ta, ai cũng có 4 chủng tử tâm: đó là tâm Phật, tâm người, tâm ma, tâm thú.  Khi chúng ta chết, tâm nào trong chúng ta mạnh hơn thì tâm đó dẫn chúng ta đi đầu thai làm thân đó.  Nghĩa là tâm thú của chúng ta mạnh hơn, thì ta đi đầu thai làm thân thú.  Tại sao?  Vì tâm thú phải đi đầu thai làm thua, đó là điều đương nhiên.
Cũng như cuộc sống hằng ngày chúng ta thường thấy.  Người có tâm tốt thì đi tới những nơi làm việc từ thiện, giúp người (tâm người).  Người có tâm tham thì đi lường gạt, trộm cướp (tâm thú).  Người có tâm ác thì đi hãm hại, giết người (tâm ma).  Người có tâm Phật thì đi tu hành độ chúng (tâm Phật).
Khi chúng ta sống, tâm chúng ta dẫn dắt.  Khi chết, tâm chúng ta cũng dẫn dắt chúng ta, chớ không có trời phật hay một đấng thiêng liêng nào có thể xếp đặt, trừng phạt hay ban phước cho chúng ta.  (Nếu chúng ta tốt, tu hành độ chúng, thì chư Phật và chư Bồ Tát lúc nào cũng gia hộ cho chúng ta.  Gia hộ không có nghĩa là xếp đặt việc luân hồi của chúng ta, mà là trợ lực cho chúng ta có đủ phương tiện, khả năng tự độ và độ tha.)  Dù Trời Phật có muốn xếp đặt việc luân hồi của chúng ta cũng không được.  Tại sao? Vì tạo hóa có luật của tạo hóa.  Nếu Trời Phật có thể xếp đặt, thì quý ngài đã biến cõi ta bà đau khổ này thành thiên đàng vĩnh cửu hết rồi.  Quý ngài đâu cần phải cực nhọc xuống đây, dạy dỗ chúng ta làm sao tu hành để giải thoát?
Phật A Di Đà là người có pháp nhãn thần thông nên ngài thấy rõ cõi trời, địa ngục, đâu đâu Ngài cũng thấy.  Vì thấy, nên Ngài hiểu rõ tại sao chúng sanh phải bị luân hồi đau khổ vô số kiếp.  Ngài thương, muốn cứu hết chúng sanh nên Ngài dạy dỗ chúng ta tu hành niệm Phật, để tâm Phật chúng ta có đủ thần thông đánh đuổi được tâm ma, tâm thú ra khỏi người chúng ta.  Để phút lâm chung, tâm Phật của chúng ta mới có đủ thần lực chiêu cảm được chư Phật đến nơi tiếp dẫn chúng ta sanh về cõi Phật.
Không niệm
Sau khi được nhất tâm chỉ còn một niệm, tôi càng tin sâu vào sự nhiệm mầu của Phật pháp.  Tôi quyết tâm niệm tinh tấn hơn.  Lâu ngày, không ngờ Phật pháp vô cùng hy hữu.  Trước kia, khi nào tôi khởi niệm thì tôi mới nghe tiếng niệm.  Còn bây giờ, tôi không khởi niệm chi cả, tự động nhạc nhiệm trong đầu tôi trổi lên và một điều kỳ lạ hơn là: nhạc niệm Phật này có linh tánh.  Khi nào tôi suy nghĩ hay nói chuyện thì nó tạm ngừng, còn khi nào đầu óc tôi rảnh thì nó niệm.  Sự hoạt động tay chân không làm trở ngại tiếng niệm.  Nếu tôi suy nghĩ ít thì tiếng niệm vẫn tiếp tục.  Chỉ khi nào tôi suy nghĩ thật sự thì nó tạm ngưng.  Nói tóm lại, nghĩa là nhạc niệm trong đầu tôi không bao giờ ngưng.  Nếu ngủ mê thì lại nghe.  Thật ra không phải nhạc niệm Phật có linh tánh, mà là khi chúng ta niệm Phật tới cảnh giới không niệm, thì ông Phật trong ta niệm hoài không dứt.  Chẳng qua khi chúng ta suy nghĩ hay tức giận, thì chúng ta không còn đủ định tâm để nghe câu niệm Phật.
Chắc quý bạn sẽ nghĩ, nếu nghe cả ngày lẫn đêm như vậy thì chán chết.  Kính thưa quý bạn, không phải vậy đâu.  Ngược lại, âm thanh thật là an lạc và tự tại không chi sánh bằng.  Ở trên đời này, không có điệu nhạc nào hay bằng nhạc niệm Phật.  Trước kia, tôi rất thích nghe nhạc.  Nhạc là một phần sự sống của tôi.  Nhưng bây giờ, tôi không còn muốn nghe nhạc nữa, vì tiếng nhạc niệm trong đầu tôi là một dòng suối mát, là khúc nhạc trời với âm thanh du dương huyền diệu; làm cho cõi lòng tôi thanh thản thoát tục.
Còn một điều kỳ diệu nữa là, khi chúng ta đã niệm tới cảnh giới không niệm thì có thể thay đổi nhạc niệm Phật trong tâm.  Cũng như chúng ta nghe một điệu nhạc niệm hoài thấy chán.  Muốn thay đổi, thì chỉ cần nghe nhạc niệm Phật khác cho thâm nhập vào tâm, là sẽ có thêm nhạc niệm mới.  Thậm chí, chúng ta có thể nghe một lúc hai hoặc ba loại nhạc niệm khác nhau, tùy theo chúng ta khởi niệm.  Nhưng nếu muốn giữ được tiếng nhạc niệm trong tâm rõ ràng, thì ta nên thường xuyên nghe băng niệm Phật.  Nếu không, chúng ta chỉ còn lại một loại nhạc niệm nguyên thủy mà thôi. (ở đây tôi chỉ nêu thêm vài điều nhiệm màu của Phật pháp.  Trên thực tế, khi chúng ta đã tới cảnh giới không niệm, thì sẽ không còn phân biệt).
Không
Miệng tôi khoe, tâm tôi không động.
Ý độ người, mặc kệ chê khen.
Khen, chê, chửi, trách, chuyện của đời.
Đời là giả, cần chi chấp trước.
Bút giả tôi đặt kệ viết bài,
Đã chấp nhận khen, chê, chửi trách.
Vốn thế gian tất cả là không,
Lời phiếm dị, nhẹ hơn gió thoảng!
ý nghĩa Diệu Âm
Trước kia, tôi nghe ngài pháp sư Tịnh Không thuyết giảng trong bộ Kinh Vô Lượng Thọ.  Ngài nói: "Tất cả đệ tử của Phật đều được thọ ký pháp danh là Diệu Âm."  Lúc đó tôi hiểu: Diệu là huyền diệu, Âm là âm thanh, cộng lại là âm thanh huyền diệu.  Lúc đó hiểu là hiểu vậy thôi, nhưng lại không hiểu ẩn ý của Phật.  Sau khi được nhất tâm, tôi mới thấm ý nghĩa cao thâm của hai chữ Diệu Âm.  Thì ra, bất cứ đệ tử nào của Phật khi được nhất tâm, thì đều nghe được âm thanh huyền diệu này.  Vì vậy mà Phật đặt pháp danh cho tất cả Phật tử là Diệu Âm, bao hàm một ý nghĩa cao thâm, không thể nghĩ bàn.
Vì chỉ có hai chữ Diệu Âm, mới có thể diễn đạt một cách chính xác sự huyền diệu âm thanh, mà hằng ngày tôi đang nghe được.  Không những chỉ một niệm âm thanh huyền diệu, mà còn là một dòng suối mát nhiệm màu tuôn chảy trong tâm, không cùng tận.  Âm thanh huyền diệu hòa nhập với dòng suối mát trong tâm, khiến tôi lúc nào cũng sống trong niềm an lạc, tự tại, đúng với câu: Niết bàn giữa chốn ta bà, cho tôi một cảm giác thoát tục, như một đóa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Ý nghĩa câu "Nhất tâm bất loạn"
Lúc mới học đạo, có ba điều tôi luôn luôn suy nghĩ, thắc mắc.  Tại sao chúng ta có thể niệm đến:
nhất tâm bất loạn?
nhất tâm, chỉ còn một niệm?
niệm mà không niệm, không niệm mà niệm?
Sau khi được nhất tâm, tôi mới lãnh ngộ được ba ý nghĩa cao thâm này.
Lời của Ngài Cưu Ma La Thập dịch: Nhất tâm bất loạn.  Câu này hoàn toàn chính xác.  Không những chính xác, mà còn có dụng ý thâm sâu, nên khiến chúng ta hiểu lầm, cho là ngài dịch không được chính xác.
Chúng ta đều có một câu hỏi: Làm sao niệm Phật có thể đạt đến nhất tâm bất loạn?  Điều này vô cùng khó khăn, lỡ chúng ta niệm Phật cả đời mà vọng tưởng vẫn còn, thì làm sao có hy vọng vãng sanh?  Vì vậy mà chúng ta hoang mang, không có tự tin.  Chúng ta hoang mang là vì chúng ta không hiểu ý của ngài (thật ra ý Ngài dịch rất đơn giản, vì chúng ta không hiểu nên trở thành phức tạp).
Ngài nói trên cái chơn tâm Phật tánh của chúng ta, không phải nói trên cái tâm vọng tưởng, chấp trước của chúng ta.  Vọng tưởng và nghiệp chướng của chúng sanh không bao giờ hết.  Nếu có thể, Phật đâu cần dạy chúng ta phương pháp tu để đới nghiệp vãng sanh?  (đới nghiệp là mang theo nghiệp, vãng sanh là thoát khỏi luân hồi, luân hồi là đầu thai trở lại).
Chúng ta xưa nay, bỏ quên tâm thật (tâm Phật) của chúng ta.  Chúng ta hằng ngày, chỉ dùng cái tâm vọng tưởng, chấp trước của thân giả tạm (tâm giả) để nhìn sự việc nên chúng ta mới hiểu lầm ý của Ngài.
Dụng ý của Ngài là khi chúng ta phát tâm niệm Phật, là chúng ta đã dùng tâm Phật của chúng ta để mà niệm Phật.
Lúc mới phát tâm tu niệm, dĩ nhiên vọng tưởng kéo đến dồn dập.  Niệm một thời gian, thì tâm Phật mới được thức tỉnh.  Khi tâm Phật được thức tỉnh, thì tâm mới biết phân biệt đâu là tốt xấu, chánh tà.  Niệm tinh tấn lâu ngày, chơn tâm Phật tánh của chúng ta hiển hiện.  Trí tuệ khai mở, xua đuổi hết các tâm ma, nhơ bẩn, xấu xa của chúng ta, khống chế được vọng tưởng (khống chế không có nghĩa là diệt sạch).  Khi tâm hoàn toàn được thanh tịnh, không còn bị các tâm loạn dẫn dắt, mê hoặc (tâm loajn, không phải vọng tưởng loạn).  Quyết một lòng niệm Phật để thành Phật, dù cho vật đổi sao dời, vũ trụ sụp đổi, tâm ta vẫn kiên định giữ câu A Di Đà.
Nhất - một lòng
Tâm - chuyên tâm niệm Phật
Bất - không thối chuyển
Loạn - không bị loạn tâm mê hoặc.
Vậy câu nhất tâm bất loạn của Ngài Cưu Ma la Thập dịch, hoàn toàn chính xác, đúng với ý nghĩa kinh điển của Phật.
Ngài Huyền Trang Tam Tạng dịch: nhất tâm hệ niệm.  Ngài nói trên cái căn cơ hiểu biết của chúng sanh.  Ngài hoàn toàn không nói trên cái sự hiểu biết của Ngài, đây là khổ tâm dụng ý của Ngài.  Tại sao?  Vì Ngài thấy câu nhất tâm bất loạn quá cao thâm.  Ngài sợ căn cơ chúng sanh không hiểu suốt.  Vì muốn độ chúng sanh, nên Ngài dịch nhất tâm hệ niệm.  Vì Ngài biết rõ, chỉ cần chúng sanh nhất tâm hệ niệm, thì chúng sanh sẽ đạt đến nhất tâm bất loạn.
Một Ngài dịch trên tâm của chúng sanh.  Một Ngài dịch trên căn cơ của chúng sanh.  Nhập hai câu dịch của hai Ngài chung lại với nhau, chúng ta sẽ thấy "thập toàn thập mỹ".  Hai câu này bổ túc và trợ lực cho nhau, khiến cho chúng sanh được nhiều sự lợi lạc hiểu biết từ phát tâm tu, cho tới khi thành quả.  Công đức của hai Ngài sư tổ thật là vô lượng vô biên.
Tại sao người tu lưu lại xá lợi
Phật dạy chúng ta tu niệm Phật, là niệm cho ông Phật của chúng ta thức tỉnh.  Khi tâm Phật chúng ta hiển hiện, thì tự nhiên, tâm chúng ta sẽ hòa nhập vào tâm của Phật.  Ánh sáng thần lực của Phật lúc nào cũng tỏa  hết không gian, chỉ cần tâm Phật của chúng ta thức tỉnh, hòa nhập vào tâm Phật, thì chúng ta sẽ được thần lực của chư Phật gia trì.  Phật nói: "Tâm Phật và tâm của chúng sanh vốn đồng một thể không hai."  Nếu tâm Phật của chúng hiển hiện, thì cảm ứng được Ngài đang ở cạnh chúng ta.
Cũng như một cục nam châm, bị đóng đất lâu năm sẽ mất đi sức hút.  Nhưng nếu chúng ta rửa sạch cục nam châm, thì nó sẽ thu hút được cục nam châm đối diện.  Tâm Phật và tâm của chúng sanh cũng như hai cục nam châm đối diện.  Ánh sáng thần lực của Phật, lúc nào cũng bao phủ sáu ngã mười phương vô cùng tận.  Chẳng qua tâm Phật của chúng ta bị chôn vùi vô thỉ kiếp, chỉ còn đầy dẫy tâm ma dơ bẩn.  Nên thần lực tâm Phật của chúng ta, không thu hút được ánh sáng thần lực của Ngài.
Câu Phật hiệu A Di Đà có một thần lực vô song có thể giúp chúng ta rửa sạch nghiệp tội, để chơn tâm Phật tánh hiển hiện.  Chúng ta niệm một ngày, là một ngày rửa bớt tâm ma.  Niệm càng nhiều, tundefinedam ma vọng tưởng càng bớt.  Tâm Phật càng tăng.  Lâu ngày, nhờ thu hút được thần lực của chư Phật, mà tâm ta được định.  Định lâu này, tích luỹ thành những viên xá lợi đủ màu.  Màu sắc của xá lợi là nhờ thu hút được thần lực ánh sáng đủ màu của Phật.
Nhờ thu hút được thần lực của Phật, mà người niệm Phật tâm thần an định.  Ánh sáng thần lực của Ngài từ bi, mát rượi, như dòng suối nhiệm màu tuôn chảy trong tâm.  Lâu ngày, tâm chúng ta từ bi như tâm Phật.  Chúng ta sẽ cảm ứng được Ngài đang ở cạnh bên.  Phút lâm chung, chỉ cần khởi niệm, Ngài và chư Thánh ở ngay trước mặt, tiếp dẫn chúng ta sanh về cõi Phật.
Niệm Phật Đại Thừa
Kính thưa quý bạn, ngoài phát tâm bồ đề, nguyện niệm Phật để thành Phật, chúng ta còn phải làm những hạnh nguyện như Phật dạy, là tự độ và độ tha (tự độ: là tự cứu mình, độ tha: là cứu người).  Chúng ta đang tu tịnh độ, nghĩa là chúng ta đang tu pháp môn đại thừa cao siêu nhất của Phật.  Tịnh: là tịnh nghiệp và tịnh tâm.  Độ: là tự độ và độ tha.  Đại thừa: là bao la vô cùng tận; ý nghĩa là, khi chúng ta tu niệm Phật đại thừa, phải có tấm lòng bao la vô cùng tận như Phật.
Độ người là công đức, không phải là phước đức.  Nếu chúng ta có tiền thì đem bố thí, để tạo phước đức.  Còn nếu chúng ta nghèo không có tiền, thì chúng ta khuyên người tu niệm Phật.  Công đức lớn hơn phước đức.  Nhưng công đức mà thiếu phước đức, thì cũng không được hoàn toàn mỹ mãn.  Không phải chúng ta bố thí nhiều tiền, thì mới có nhiều phước đức, mà phải tính ở chỗ, chúng ta làm hết sứ của chúng ta.
Cũng như người giàu có, họ bố thí nhiều tiền, nhưng họ lại không tu niệm Phật, thì họ cũng không được vãng sanh.  Họ chỉ được kiếp sau làm người giàu có mà thôi, rồi cũng phải bị luân hồi.  Thời nay nhiều người chỉ lo tu phước, không lo tu giải thoát, đây mới thật là đáng tiếc.
Khi chúng ta phát nguyện, niệm Phật để thành Phật, chúng ta phải một lòng buông xả, tinh tấn tự độ và độ tha.  Chúng ta phải quyết tâm tu, để lấy được phẩm cao nhất.  Quý bạn đừng hiểu lầm, cho là chúng ta nghĩ như vậy, là cống cao ngã mạn hay là tham; hoàn toàn không phải.  Đây là mục đích, mà chúng ta phải quyết tâm tu, để đi đến viên mãn.  Vì khi chúng ta tu, không có tín tâm quyết liệt, thì chúng ta sẽ bị thối chuyển.
Trên cõi Cực Lạc có chín phẩn vãng sanh: ba phẩm thượng sanh, ba phẩm trung và ba phẩm hạ.  Nếu chúng ta được thượng thượng sanh, sẽ biết trước ngày giờ vãng sanh.  Phút lâm chung, Tam Thánh sẽ đem hoa sen ngàn cánh của chúng ta tu bấy lâu, có được trên ao báu.  Để chúng ta ngồi vào, rồi tiếp dẫn chúng ta sanh về cõi Phật.  Khi đến cõi Phật, thì hoa sen liền nở ra, chúng ta sẽ thấy Phật A Di Đà.  Ngay lúc đó, chúng ta sẽ có kim thân to lớn, có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, và 6 loại thần thông giống y như Ngài.
Còn nếu chúng ta chỉ tự độ, mà không có tấm lòng độ tha, không chịu bố thí để tạo phước đức, thì chúng ta chỉ được hạ hạ sanh.  Chúng ta sẽ không có được nhiều ưu điểm, như người chứng quả thượng thượng sanh.  Tuy nhiên, chúng ta cũng được vãng sanh về cõi Cực Lạc, nhưng phải sống trong hoa sen, một thời gian rất lâu để tu tập.  Sau khi tu tập thành công, chúng ta sẽ được gặp Phật A Di Đà.  Lúc đó chúng ta mới có đủ kim thân vẹn toàn giống y như Ngài.  Tuy nói là ở trong hoa sen tu tập, nhưng cũng được sung sướng như cõi tiên, luôn luôn có chư Bồ Tát ngày đêm dạy cho chúng ta tu hành.
Ở cõi Cực Lạc không có thai sanh, không có luân hồi, chỉ có hoa sen hóa sanh, nên khi hoa sen nở ra, thì là ngày chúng ta thành Phật.  Vì vậy mà Phật dạy: "Khi chúng sanh, bất cứ ai niệm Phật đại thừa, thì đều có một hoa sen mọc lên trong ao báu ở trên cõi Phật."  Hoa sen lớn hay nhỏ, màu sắc khác nhau và nhiều hay ít thần lực, là phải coi công phu tu thập và hạnh nguyện của mỗi người.  Khi chư Phật nhìn hoa sen, là biết được công phu cao thấp hạnh nguyện của mỗi người, chớ không có chư Phật nào ngồi trên đó theo dõi, để ý chúng ta mà chấm điểm thấp cao.
Cũng như chúng ta trồng một chậu kiểng trong nhà, nếu chúng ta siêng tỉa, tưới nước, chăm sóc, thì nó mọc tươi tốt, mau có nụ, nở hoa, màu sắc rực rỡ.  Nếu bỏ bê, thì hoa sẽ nhỏ, héo, xấu, thậm chí còn bị chết.  Khi niệm Phật cũng vậy, một câu niệm Phật là một giọt nước thần, tưới cho hoa sen chúng ta tươi tốt.  Nên khi niệm Phật, chúng ta phải niệm tinh tấn không thối chuyển, không bỏ nửa chừng.  Nếu bỏ nửa chừng, hoa sen sẽ bị chết và biến mất trong ao báu.
Chúng ta có thể bỏ ăn, bỏ ngủ, bỏ làm, nhưng không thể bỏ câu niệm Phật.  Vì đây là tương lai vĩnh cửu của chúng ta, còn tương lai hiện tại chỉ là tạm thời.  Chúng ta hãy bình tâm mà suy nghĩ lại đừng ham thân giả để mất thân Phật, cuối cùng hối tiếc sẽ không còn kịp nữa.
Khi niệm Phật phải niệm mỗi ngày, đừng ba hồi niệm ba hồi không, lỡ hoa sen bị chết, là công phu tu niệm của chúng ta cũng mất theo, vì công đức khác với phước đức.  Phước đức mình tạo bao nhiêu là có bấy nhiêu, không bao giờ mất; nhưng công đức mà bỏ nửa chừng, thì mất hết tất cả.
Mất hết có nghĩa là mất hết công phu tu tập trước kia, nhưng chủng tử của câu niệm Phật vẫn còn.  Chỉ cần chúng ta quyết tâm tu lại, thì chủng tử cũng như hạt giống nẩy mầm mọc lại.  Tuy nói là nói vậy, nhưng thử hỏi mạng sống của chúng ta rất ngắn ngủi, nếu không cố gắng, lỡ mất thân này, thì đâu còn cơ hội mà trồng lại.  Nếu lỡ trồng lại không kịp, tới phút lâm chung, không có hoa sen ngàn cánh, thì làm sao chúng ta sanh về cõi Phật, để xa lìa thế gian tà ma này?
Đức Từ Phụ từ bi thương chúng sanh vô bờ bến.  Ngài biết chúng sanh ngu si, không đủ căn duyên, khó có thể tự tu để giải thoát, nên Ngài tìm ra môn tu niệm Phật, để giúp chúng ta đới nghiệp vãng sanh (nghĩa là mang theo nghiệp để vãng sanh).  Khi lên được cõi Phật, dù cho chúng ta có ngu si, nhờ thần lực của chư Phật gia hộ, chúng ta sẽ có đủ trí tuệ, để tu tập thành Phật.  Tại sao môn tu tịnh độ lại cao siêu đệ nhất?  Vì chúng ta có nội lực và tha lực.  Nếu không có thần lực của chư Phật gia hộ, chúng ta có tu bao nhiêu a tăng kỳ kiếp, cũng không thể thành Phật, nói chi là một đời.
Phật nói: "Môn tu này cao siêu khó tin, nếu ai tin được, là người này đã có tu nhiều kiếp, nên kiếp này cơ duyên thuần thục chín mùi mới có đủ trí tuệ, chủng tử, mà thâu nhập được huyền cơ cao thâm của nó."  Ngài pháp sư Tịnh Không nói: "Kiếp này, chúng ta gặp được môn tu cao siêu này, là chúng ta may mắn còn hơn là trúng số bạc tỷ.  Gặp đã là khó, mà tín sâu tu niệm, thì lại càng khó hơn.  Quý cũng như mò kim đáy biển ngàn năm một thuở."  Ngoài môn tu này ra thiết nghĩ trên đời này, không còn môn tu nào cao siêu, có thể tu trong một đời, mà được vãng sanh (vãng sanh đồng nghĩa với thành Phật).
Đại nguyện thứ mười tám
Vì thương chúng sanh, nên đấng Từ Phụ A Di Đà đã lập ra 48 đại nguyện (nghĩa là đại thề).  Ở đây, tôi chỉ nêu ra đại nguyện thứ 18 của Ngài, vì trong 48 đại nguyện, đại nguyện thứ 18 là quan trọng nhất.
Đây là đại nguyện thứ 18 của đức Từ Phụ A Di Đà: "Giả sử tôi thành Phật, chúng sanh mười phương hết lòng tin ưa, mong muốn sanh về cõi nước của tôi, xưng danh hiệu tôi cho đến mười niệm, mà chẳng được sanh, thời tôi không giữ ngôi chánh đẳng, chánh giác, chỉ trừ những kẻ tạo tội nghịch, chê bai chánh pháp."
Kính thưa quý bạn, đó là đại nguyện thứ 18 của Phật.  Ngài nói, nếu chúng sanh trước khi chết mà niệm được mười niệm liên tục (nghĩa là mười hơi, không cần hơi ngắn hay dài) mà Ngài không đến nơi tiếp dẫn người đó sanh về cõi Cực Lạc của Ngài, thì Ngài thề không làm Phật.
Qua 48 đại nguyện của Phật, chúng ta thấy Ngài thương chúng ta vô bờ bến.  Cha mẹ chúng ta còn chưa thề thốt với chúng ta, vậy mà Ngài thề với chúng ta, cho thấy nổi khổ tâm và lòng từ bi của Ngài còn lớn hơn trời biển.  Chúng ta là phàm phu còn coi nặng lời thề, không dám thề bừa bãi, không lẽ lời thề của đấng Từ Phụ chúng ta không dám tin sao?  Vì thương chúng sanh ngu si không có đủ lòng tin, nên Ngài lập lời thề để giúp chúng sanh có vững lòng tin.
Ngài đã làm hết sức của Ngài, chẳng qua chúng ta không có đủ căn duyên phước phần, tin sâu niệm Phật.  Đây là điều tội nghiệp cho chúng ta.  Có nhiều  người trong chúng ta nghi ngờ, nghĩ là nếu trước khi chết mà niệm được mười niệm, sẽ được vãng sanh về cõi Phật, vậy trên thế gian này đâu còn ai?
Kính thưa quý bạn, nghe qua mười niệm dễ quá, nhưng không dễ, vì có mấy ai trên đời này, trước khi chết mà niệm được mười niệm liên tục?  Tại sao?  Vì khi một người sắp chết, thần thức bị mê man, tứ đại tan rã (tứ đại: là thân của chúng ta) chúng ma dành giựt, oan gia, trái chủ vây quanh đòi nợ, tâm thần hoảng hốt, luyến tiếc mạng sống, vợ con, tiền bạc, và danh vọng, v.v... Chưa nói là trước khi chết gặp chuyện không may, thể xác bị đau đớn, sanh tâm oán hận, thì làm sao có đủ sáng suốt để mà giữ chánh niệm?
Nghe qua thấy dễ nhưng không dễ, vì một người trước khi chết mà có thể niệm được mười niệm liên tục, là người này đã có công phu tu niệm Phật nhiều năm, nên câu niệm Phật mới được thuần thục in sẵn vào tâm thức.  Nhờ niệm Phật nhiều năm mà tâm thần được an định, biết thân này là giả, coi nhẹ bản thân, buông xả tất cả, dù trước khi chết thể xác có bị đau đớn.  Họ không bị phân tâm, vì vậy mà người này mới có đủ sáng suốt giữ được chánh niệm, để niệm liên tục mười niệm.
Dù là một người đã niệm Phật nhiều năm, trước khi chết, nghiệp nặng còn nhiều, không may bị sự đau đớn thể xác, sanh tâm sân hận, không giữ được chánh niệm, cũng khó được vãng sanh.  Điều này chúng ta luôn luôn ghi nhớ và lưu ý.  Lỡ chúng ta bị ai đâm chết, ngay giây phút đó, chúng ta nên nghĩ đây là nghiệp chúng ta đã gieo, giờ chúng ta phải trả, không nên sanh tâm thù hận, mà hãy giữ chánh niệm để niệm Phật cho đến khi tắt thở, thì chư Phật sẽ đến tiếp dẫn chúng ta sanh về cõi Phật.
Còn nếu phút cuối, chúng ta oán hận, quên đi niệm Phật.  Phật có muốn cứu chúng ta cũng không được, mà chúng ma sẽ đến rước chúng ta.  Cho nên thần thức trước khi chết rất là quan trọng, làm Phật hay làm ma, chỉ cách nhau một suy nghĩ của thần thức, mà dẫn dắt luân hồi.  Vì thấy thần thức trước khi chết rất là quan trọng, nên đấng Từ Phụ mới dạy chúng ta tu niệm Phật, đây là khổ tâm và dụng ý của Ngài.
Tại sao người tu niệm Phật trước khi chết, cũng cần có thân bằng quyến thuộc, hay bạn bè đồng tu giúp đỡ trợ niệm?  Tuy chúng ta niệm Phật đã nhiều năm, nhưng có mấy ai dám chắc 100/100 vãng sanh.  Vì vậy, mà người trợ niệm rất là quan trọng, không những người trợ niệm giúp nhắc nhở thần thức của người sắp chết giữ được chánh niệm, mà còn giúp xua đuổi đi những vong hồn oan gia trái chủ, đang vây quanh người sắp chết.
Kính thưa quý bạn, nếu chúng ta khuyên cha mẹ, hay chồng con chúng ta niệm Phật, mà họ không có đủ căn duyên, phước phần để tin sâu niệm Phật.  Thì chúng ta phải cần niệm Phật tinh tấn và chuyên cần hơn.  Tại sao?  Vì lỡ trong gia đình chúng ta có người thân sắp chết.  Lúc đó, chúng ta giữ được chánh niệm, bình tĩnh, dẫn dắt, khai thị và trợ niệm cho người sắp chết, khuyên họ niệm Phật, thì chúng ta có thể cứu được vong linh của người thân.  Còn nếu chúng ta chết trước người thân của chúng ta, người thân chúng ta sẽ khởi tâm tin Phật, niệm Phật.  Như vậy, dù chúng ta đi trước hay đi sau, chúng ta đều có thể cứu được thân nhân của chúng ta.  Đây mới là tình thương chân thật.
Đạo Phật không phải là tôn giáo
Đạo Phật không phải là tôn giáo.  Đạo Phật là giáo học dạy về chân lý, lẽ thật của vũ trụ, tạo hóa luân hồi, đạo tâm và giải thoát.
Phật A Di Đà là người có pháp nhãn, thần thông và trí tuệ viên mãn.  Ngài thấy khắp cả tận hư không hết pháp giới, cõi trời, địa ngục, đâu đâu Ngài cũng thấy.  Vì thấy, nên Ngài biết được lẽ tạo hóa, luân hồi, đau khổ của chúng sanh ở khắp mười phương.  Ngài đến đây làm thầy, làm cha để cứu, dạy dỗ, dẫn dắt chúng sanh lìa mê giác ngộ, thoát vòng sanh tử.
Đạo Phật là đạo từ bi đã có gần 3000 năm, nhưng chưa có ai đổ một giọt máu vì đạo Phật.  Phật dạy chúng ta: "Hãy nối hạnh của Ngài, đem giáo học Phật pháp lưu truyền khắp nhân gian, để dạy chúng sanh giác ngộ lìa mê."  Phật dạy, trên đường lưu truyền Phật pháp, không tránh khỏi những chuyện không tin hay phỉ báng.  "Nếu có ai phỉ báng chê bai, thì đó là chuyện bình thường.  Chúng ta không nên giận họ, mà còn thương họ nhiều hơn."  Tại sao?  Vì họ không có đủ phước duyên căn lành, nên không thể lãnh ngộ nổi huyền cơ cao thâm của Phật pháp.  Phật dạy: "Chúng ta phải thương, cứu hết tất cả mọi loài, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, giàu nghèo, già trẻ, súc sanh hay quỷ thần.  Vì tất cả chungs anh đều bình đẳng."
Phật thấy tất cả chúng sanh dù là loài nhỏ như vi khuẩn đều có chủng tử Phật tánh.  Trong những chúng sanh đó, cũng có nhiều đời ông bà cha mẹ của chúng ta, và chính bản thân của chúng ta đã trải qua làm thú, thay hình đổi dạng vô số kiếp.  Chẳng qua, kiếp này chúng ta không nhớ, nhưng Phật thấy và biết rõ.  Nếu kiếp này chúng ta không mau giác ngộ tu hành để giải thoát, thì kiếp sau chúng ta sẽ là một chúng sanh trong sáu ngã luân hồi.
Tạo hóa của vũ trụ:
Trước kia, tôi tưởng trên trời chỉ có ông trời, chư Phật và các đấng Thiêng Liêng khác.  Dưới đất chỉ có trái đất của chúng ta.  Sau khi học hỏi kinh sách của Phật, tôi mới hiểu:
Trên trời có 28 tầng trời.  Có 3000 đại thiên thế giới khác nhau.  Nói riêng về cõi Phật, đã có nhiều cõi Phật khác nhau rồi, nên mới gọi là 10 phương chư Phật.  Còn địa ngục thì có 18 tầng, mỗi tầng đều có hình phạt khác nhau.  Còn trái đất mà chúng ta đang ở, so với mấy thế giới trên đó thì chỉ bằng hạt cát.  Không phải chỉ có trái đất chúng ta là có chúng sanh, (chúng sanh nghĩa là sinh tử luân hồi) mà còn nhiều trái đất ở chung quanh trái đất của chúng ta cũng có chúng sanh.  Phật không phải chỉ xuống trái đất này để cứu chúng ta thôi đâu, mà Ngài mỗi giây mỗi phút đang đi khắp nơi 10 phương thế giới cứu độ chúng sanh, nên tới giờ Ngài vẫn chưa nhập Niết bàn.
Tất cả vũ trụ chúng sanh là do tạo hóa tự nhiên do duyên hợp mà thành, chớ không có riêng một đấng Thiêng Liêng nào tạo nên.  Riêng chỉ có cõi Tây phương Cực Lạc là do Phật A Di Đà dùng phép lực thần thông, trong nhiều kiếp tu tập của Ngài mà xây thành.  Các đấng Thiêng Liêng khác cũng vậy, họ đều có thế giới riêng của họ.  Họ tới đây đều cùng một mục đích: dạy cho chúng sanh làm sao thoát khỏi khổ đau luân hồi (nói về chánh đạo).  Vì vậy trên trái đất của chúng ta mới có nhiều đạo và tôn giáo khác nhau.  Chẳng qua mỗi đạo và mỗi tôn giáo đều có đặc điểm riêng của họ.  Trước kia chúng ta không hiểu rõ, nên chúng ta nghi ngờ.  Nay hiểu rõ tạo hóa của vũ trụ, chúng ta nên dẫn dắt gia đình tu niệm Phật, để di cư về cõi Phật.
Hiểu lầm cúng dường và lễ bái
Lúc tôi chưa hiểu Phật pháp, tôi thường thắc mắc tại sao Phật tử phải cúng đèn, hương, hoa, quả và nước cho chư Phật?  Tôi nghĩ: Ngài là Phật, thì Ngài đâu cần mấy thứ này làm gì?  Nếu Ngài cầu mấy thứ này, thì Ngài đâu phải là Phật từ bi như người đời ca tụng.  Tôi thấy không đúng nên đi tìm hiểu.  Tôi hỏi nhiều bác lớn tuổi, luôn cả ba mẹ tôi.  Có người nói cúng cho chư Phật dùng, có người nói cúng là để tỏ lòng thành kính.  Tôi thấy hai lý do trên không hợp lý.  Tôi hỏi: "Luật lệ này do Phật đề ra, hay do người đời đặt ra?"  Họ nói là Phật đề ra.
Thậm chí, tôi nghe nhiều người nói: "Ồ!  Tôi bây giờ bị khổ, là vì bị Phật và mẹ Quán Âm trừng phạt, vì năm trước, tôi có đến xin Phật và mẹ Quán Âm phù hộ cho con tôi khỏi bệnh, tôi sẽ cúng một mâm trái cây.  Rồi sau đó, con tôi được khoẻ lại, tôi lại không đi tạ lễ, nên bây giờ bị tai nạn này, là vì trời, Phật trừng phạt tôi."
Tôi nghe riết rồi cũng hiểu lầm chư Phật.  Tuy là tôi tin Phật, nhưng trong tận đáy lòng, tôi vẫn còn một chút hoài nghi: là tại sao Phật lại dạy cho chúng sanh phải mua hương, đèn, hoa, quả và nước để lên bàn thờ trước, rồi mới lễ lạy sau?  Dù tôi là người phàm phu, khi giúp đỡ người ta tôi còn ẩn danh, tại sao Ngài là Phật lại dạy chúng sanh cúng dường, lỡ chúng sanh nghèo không tiền thì không được phù hộ hay sao?  Như vậy hai chữ "từ bi" là giả, không thật?
Lúc đó, tôi thật muốn đến chùa tìm tăng, ni giúp đỡ để giải tỏa nghi vấn.  Nhưng vì cuộc sống trôi nổi bôn ba nên không có dịp gặp tăng, ni.  Sau này cuộc sống được ổn định một chút, tôi tìm hiểu về kinh sách của Phật.  Sau khi học hiểu, tôi thật là xấu hổ và hối hận, thấy tôi quá ngu si.  Chỗ cần tìm hiểu thì không tìm hiểu; cứ đi hỏi bá tánh ở ngoài, đa số họ là đạo ông bà và ngoại đạo mê tín dị đoan, chính bản thân họ còn tưởng họ là đạo Phật và bản thân tôi trước đó cũng như vậy, thật là đáng thương.  Tội cho tôi bao nhiêu năm, mỗi đêm cắm nhang lạy Phật, nhưng lại không tin Phật thật lòng, cứ hoài nghi chư Phật.  Khi hiểu được mới thấy hổ thẹn, hối hận.  Vậy mà bao nhiêu năm, ai hỏi tôi đạo gì, tôi đều nói là tôi đạo Phật, đúng là ngu si đến đáng hận.
Tôi nói tôi là đạo Phật, mà bản thân tôi không hiểu một chút gì về Phật pháp, không tìm hiểu học hỏi kinh sách của Phật.  Chỉ nghe lời cha mẹ và những người mê tín ngoại đạo, rồi đi phỉ báng, nghi ngờ khiến cho các tôn giáo khác hiểu lầm về đạo Phật.  Thử hỏi, tội lỗi của tôi có nhảy xuống mấy sống Hồng Hà rửa cũng không sạch.  Sau khi hối hận, tôi tự sám hối, quyết tâm học hỏi Kinh Phật để tìm ra lẽ thật, để tuyên dương Phật pháp ra ngoài, đánh tan sự hiểu lầm về chư Phật.
Phật dạy: "Chúng ta lập bàn thờ, khắc tượng và dùng năm thứ lễ vật để lên bàn thờ, không phải là để cúng dường cho chư Phật.  Vì cho tất cả chúng sanh, mà Ngài đặt ra năm thứ lễ vật này, bao hàm năm pháp của Phật, có ngụ ý rất sâu."  Ý Ngài là muốn chúng ta mỗi khi lễ lạy, nhìn thấy năm pháp này, nhắc nhở chúng ta hằng ngày siêng năng tu hành, để thành chánh quả như Ngài.  Mỗi một pháp có một ý nghĩa cao thâm của nó.
Hoa: là tượng trưng cho hoa sen ngàn cánh và cũng là tượng trưng cho tâm bồ đề của chúng ta (tâm bồ đề nghĩa là tâm Phật của chúng ta).  Vì mỗi một người tu hành đều có một hoa sen ngàn cánh mọc trong ao báu ở trên cõi Phật.  Ai tu niệm càng nhiều thì hoa sen càng lớn, phẩm Phật càng cao.  Một câu niệm Phật là một phép thần lực chuyển hóa tâm bồ đề và nuôi dưỡng hoa sen ngàn cánh của chúng ta.  Khi chúng ta chết, sẽ không mang theo được bất cứ vật gì ở trên thế gian, luôn cả thân giả tạm này.  Mà chúng ta chỉ mang theo được tâm bồ đề và hoa sen ngàn cánh này thôi.  Phút lâm chung, chư Phật đem hoa sen của chúng ta đến tiếp dẫn.  Lúc đó, chúng ta sẽ ngồi trên hoa sen này mà sanh về cõi Phật.
Quả: là tượng trưng cho quả vị Phật.  Sự tu hành của chúng ta phải đạt đến thánh quả viên mãn.
Hương: là tượng trưng cho mùi hương thơm thanh khiết của hoa sen ngàn cánh và cũng là hương thơm tu hành, giữ năm giới, tu thập thiện của chúng ta.  Khi chư Phật đến tiếp dẫn chúng ta, mùi hương thơm của hoa sen ngàn cánh, vẫn còn để lại trong nhà đến mấy ngày sau (không phải người nào vãng sanh cũng có mùi hương thơm để lại, mà còn tùy phẩm vãng sanh cao, thấp, và mỗi người đều thấy được những điềm lành khác nhau.)
Đèn: là tượng trưng cho trí tuệ bát nhã của chúng ta.  Trí tuệ là phá ngu si, như mặt trời phá tan màn đêm tăm tối.  Chúng ta phải biết dùng trí tuệ đẻ phân biệt đâu là chánh đâu là tà, đâu là hư đâu là thật.  Bát nhã là thấy hiểu biết thế gian, tất cả là không là giả tạm.
Nước: là tượng trưng cho tâm thanh tịnh, tinh khiết, không bị ô nhiễm.  Nước còn tượng trưng cho một tấm lòng từ bi, lai láng vô cùng tận, thấm nhuần tình thương, đi khắp mọi nơi.
Hình tượng của chư Phật: là để chúng ta nhìn tưởng, noi gương các Ngài mà tu tập.  Khi thành chánh quả, chúng ta sẽ có kim thân vẹn toàn giống như quý Ngài.
Ý nghĩa cúng dường chư Phật: quý Ngài là Phật, không phải là ma, nên không cần dùng trái câu hoa quả của chúng ta cúng dường (nói như vậy không có nghĩa là chúng ta dẹp bỏ bàn thờ hay không còn dâng hương, hoa, quả, đèn, nước, mà chỉ dẹp bỏ sự hiểu lầm của chúng ta về chư Phật).  Ý nghĩa cúng dường ở đây, là nếu chúng ta là đệ tử của Phật, thì phải nghe lời Phật dạy, học hỏi Kinh sách của Phật, tu hành, tự độ và độ tha.  Như vậy là chúng ta đã cúng dường mười phương chư Phật rồi.  Quý Ngài hy sinh cho chúng ta đã nhiều kiếp mục đích là vì cái gì?  Là vì mong chúng ta thoát khỏi luân hồi vãng sanh thành Phật.
Nay thấy chúng ta siêng năng tu tập, dĩ nhiên quý Ngài vô cùng hoan hỷ.  Cũng như người làm cha mẹ, nào mong con cái làm nhiều tiền để nuôi chúng ta, mà chỉ mong con cái được thành tài, nghe lời và làm người tốt, bậc làm cha mẹ đã vô cùng mãn nguyện.  Khi chúng ta tu hành, dẫn dắt chúng sanh tu đạo là chúng ta đã gánh bớt một phần cực nhọc cho đấng Từ Phụ, chư Phật và chư Bồ Tát.  Đây mới là ý nghĩa cúng dường.
Lễ bái: Phật là thầy, là cha đến đây để cứu độ chúng sanh.  Ngài không phải là giáo chủ môn phái, hay là đại vương.  Nên Ngài cũng không cần chúng ta quỳ gối bái lạy, hay để vinh danh Ngài.  Ngài chỉ muốn chúng ta cung kính Ngài, như cung kính chính bản thân của chúng ta.  Chúng ta cung kính Ngài, nên chúng ta bái lạy, điều này đúng không sai.  Nhưng chúng ta không nên chỉ dùng hình thức bên ngoài, rồi hiểu lầm là mình quỳ bái lạy càng nhiều càng tốt, Phật sẽ gia hộ cho chúng ta.  Điều này hoàn toàn sai lầm, không hiểu ý của Phật.
Khi chúng ta bái lạy, trong tâm không nhất tâm thành kính, không một lòng noi gương Ngài dạy bảo, không quyết tâm tu sửa.  Dù bạn có quỳ đến lủng sàng, bể gối cũng chỉ vô dụng thôi, vì Phật có muốn cứu bạn, Ngài cứu cũng không nổi.  Tại sao?  Vì Ngài là Phật, là đấng có trí tuệ toàn năng viên mãn.  Ngài thấy tất cả pháp là không, đã là không, thì Ngài đâu còn chấp cái hình thức ở bên ngoài.  Cái mà Ngài muốn thấy, đó là tâm Phật của chúng ta.  Ngài chỉ chấp nhận sự bái lạy từ tâm Phật của chúng ta, một lòng thành kính, sám hối, noi gương của Ngài để mà tự độ và độ tha.  Có được cái tâm chân thật lễ bái như vậy, thì chúng ta chắc chắn cảm ứng được với chư Phật và được thần lực của chư Phật gia trì.  Điều này là vạn lần chân thật.
Sám hối: trước kia, tôi cũng hiểu lầm về sám hối.  Sau này tôi mới hiểu, không phải chúng ta ngày đêm đọc tụng kinh sám hối, hay sám hối với Phật, là tội lỗi của chúng ta được vơi hay là hết.  Vì Phật không có thể giúp chúng ta hết nghiệp, mà bớt nghiệp hay không, là do chúng ta tự sám hối, nghĩa là: chúng ta tự sám hối với lương tâm của chúng ta.  Quyết tâm không tái phạm, quyết tâm niệm Phật để được tiêu trừ nghiệp tội của chúng ta.  Phật nói chỉ có câu Phật hiệu A Di Đà là giúp chúng ta sám hối hữu hiệu nhất.
Trước kia tôi có nhiều tật xấu, tưởng tới chết sẽ mang theo, không bao giờ sửa đổi được.  Tôi đã dùng đủ cách, nhưng không hiệu quả.  Sau này nhờ niệm Phật, mà tật xấu đều bỏ được hết.  Thật là thần diệu, không thể nghĩ bàn.
Hiểu lầm hai chữ buông xả
Trước kia, tôi nghe quý thầy thuyết pháp, nói chúng ta phải buông xả hết, thì mới tu được, mới mong giải thoát.  Tôi nghĩ: làm sao mà có thể buông xả, nếu buông xả được, thì chúng ta đã vào chùa tu rồi?  Tôi lại nghĩ: không buông xả, thì không được giải thoát, vậy Phật cứu được bao nhiêu người?  Sau này tôi mới hiểu, thì ra hai chữ buông xả, là ngụ ý nói tâm của chúng ta phải buông xả, không phải buông xả sự việc hằng ngày của chúng ta.  Công việc làm hằng ngày, chúng ta vẫn giữ, trách nhiệm vẫn tròn, không thay đổi, chỉ thay đổi tâm của chúng ta mà thôi.  Tâm chúng ta phải buông xả, không tham đắm danh, tiền, chấp trước, thị phi, luỵ tình, v.v... Chúng ta phải dùng trí tuệ, nhìn rõ sự việc giả tạm của thế gian, một lòng phát nguyện niệm Phật để thành Phật.
Trước kia, tôi tưởng vào chùa mới buông xả được.  Thật sự không phải là như vậy.  Hai chữ buông xả không liên quan gì đến trong chùa hay tại gia, mà chỉ liên quan đến tâm của chúng ta.  Ý nói, tâm chúng ta có chịu buông xả hay không?  Không những chúng ta buông xả hết tham đắm của thế gian, mà tỏng chuyện học kinh sách và tu hành, phải cần buông xả một cách rốt ráo.  Nghĩa là khi tu hành, nên buông xả hết hình thức không cần thiết.  Học kinh sách, chỉ cần học một bộ kinh cho thật nhuần thục.  Chỉ cần hiểu thông một bộ, thì các bộ kinh khác đều thông.
Khi học kinh sách, chúng ta phải buông xả hết văn chương, đối đãi danh hiệu, hoàn cảnh v.v... Tóm lại, bỏ hết đối đãi từ ngữ ra ngoài.  Chỉ tập trung vào ý nghĩa cao thâm, gốc, tủy của kinh.  Cũng như chúng ta đọc một cuốn tiểu thuyết tình cảm, đừng để ý cô đó tên gì, cô đi từ đâu đến, mà chỉ để ý kết luận cô ta hạnh phúc hay đau khổ.  Còn tên tuổi, đối đãi, chữ nghĩa, v.v... chỉ là phương tiện, giúp cho chúng ta hiểu thông câu chuyện.  Chúng ta càng buông xả thì càng tự tại (buông xả trên sự chấp, không phải buông xả trên sự học hiểu).
Tôi biết các bạn sẽ nghĩ: nói thì dễ làm thì khó; kính thưa quý bạn, trên đời này không có gì là khó.  Nếu chúng ta quyết tâm, thì sắt cũng có thể mài thành kim.  Huống chi, Phật không để cho chúng ta một mình đơn độc đi tìm con đường giải thoát.  Chỉ cần chúng ta chịu cất bước, thì chư Phật sẽ gia hộ dẫn dắt chúng ta đi tới bờ giải thoát; huống chi, câu Phật hiệu A Di Đà có thể thay đổi tất cả.
Hiểu lầm hai chữ thanh tịnh
Có rất nhiều người trong chúng ta, hiểu lầm hai chữ "thanh tịnh".  Mỗi khi tôi khuyên gia đình, bạn bè hay người chung quanh niệm Phật, họ đều nói với tôi: tâm họ chưa được thanh tịnh, thì làm sao có thể niệm Phật.  Tôi hỏi họ tại sao?  Đa số họ trả lời, nghe quý thầy giảng và trong kinh Phật dạy, là phải dùng cái tâm thanh tịnh để niệm Phật.  Tôi hỏi họ: "Vậy tâm thanh tịnh nghĩa là gì?" Họ đều nói là tâm không được suy nghĩ hay vọng tưởng chi cả.  Tôi hỏi họ; "Vậy chờ đến bao giờ mới hết vọng tưởng, mới có cái tâm thanh tịnh?"  Họ đều ngập ngừng không trả lời được, rồi họ nói: "Niệm Phật sao khó quá, mới khởi niệm thì vọng tưởng kéo đến dồn dập."  Vì sợ mang  tội với Phật, nên họ không dám niệm Phật.  Cũng vì sự hiểu lầm này, khiến nhiều người không dám niệm Phật.
Kính thưa quý bạn, nếu tâm chúng ta được thanh tịnh, thì Phật đâu cần đến thế gian này, để dạy chúng ta tu hành lìa mê, tìm đường giải thoát?  Chúng ta đã hiểu lầm hai chữ thanh tịnh của Phật dạy trong kinh rồi.  Phật dạy: "Chúng ta phải dùng cái tâm thanh tịnh để niệm Phật."  Ý Ngài nói trên cái chơn tâm Phật tánh của chúng ta, không phải nói trên cái tâm vọng tưởng, chấp trước của chúng ta.  Trong mỗi một người, có nhiều tâm khác nhau, chúng ta không cần đi tìm hiểu nhiều tâm khác làm gì, vì càng tìm hiểu, càng làm chúng ta thêm lộn xộn, phân tâm, rồi sinh ra phân biệt chấp trước.
Ở đây, tôi xin tóm lại còn hai tâm:
1. Chơn tâm Phật tánh (tâm thật của ta).
2. Tâm vọng tưởng chấp trước (tâm giả từ thân ta mà có).
Khi chúng ta phát tâm niệm Phật, là chúng ta đã phát cái tâm thanh tịnh của chúng ta rồi.  Tại sao? Vì tâm thanh tịnh, nghĩa là tâm Phật của chúng ta, chỉ có tâm Phật mới niệm được câu Phật hiệu A Di Đà.  Còn tâm vọng tưởng, chấp trước là giả, thì làm sao có thể niệm Phật?  Chúng ta xưa nay, cứ dùng cái tâm vọng tưởng, chấp trước rồi cho là tâm thật.  Còn tâm thật của chúng ta, thì cho là tâm giả rồi bỏ qua một bên, không ngó ngàng chi cả.  Vì vậy, chúng ta mới hiểu lầm ý của Phật.
Khi chúng ta niệm Phật, vọng tưởng kéo đến, chúng ta tưởng là vì niệm Phật mà có nhiều vọng tưởng.  Thật ra không phải vậy, vọng tưởng của chúng ta lúc nào cũng nhiều vô cùng tận.  Chẳng qua, trước kia chúng ta dùng tâm giả, nên chúng ta không thấy chúng. Giờ chúng ta niệm Phật, tâm Phật chúng ta thức tỉnh.  Tâm Phật là ánh sáng trí tuệ, soi đường cho chúng ta thấy được vọng tưởng, để chúng ta nhận diện mà tiêu diệt chúng, để chúng không làm cho chúng ta bị đau khổ luân hồi.
Cũng như một viên ngọc bị đóng sình đất lâu năm, chúng ta đem đi rửa.  Lúc bắt đầu rửa, tay chúng ta sẽ bị dơ bẩn, thau nước sẽ bị đen hôi.  Nhưng chúng ta cứ tiếp tục thay nước và chấp nhận tay bị dơ bẩn, sau khi rửa nhiều lần, thì tay chúng ta, nước và viên ngọc sẽ được sạch sẽ, thơm tho, chiéu sáng.  Niệm Phật cũng vậy, vọng tưởng là dơ, câu Phật hiệu là nước thần rửa sạch tâm dơ bẩn của chúng ta, để viên ngọc chơn tâm Phật tánh hiển hiện.  Khi ông Phật trong tâm hoàn toàn phát ra thần lực, thì trí tuệ chúng ta theo đó mà được thông, đây gọi là thần thông.  Thần là thần lực ánh sáng của tâm Phật chúng ta phát ra, làm tiêu tan tâm ma.  Thông là trí tuệ bát nhã, nhờ có thần lực ánh sáng của tâm Phật mà trí tuệ được thông, hiểu biết tất cả pháp của thế gian.
Tâm niệm
Tâm ta niệm, nào ngoại cảnh niệm
Chợ đông người, mặc kệ chợ đông.
Khen, chê, chửi, trách, chuyện của người
Mưa, nắng, đêm, ngày, chuyện thiên nhiên.
Tâm ta niệm, nào thân ta niệm
Bận rộn đêm, ngày, chuyện của thân
Đi, đứng, nằm, ngồi, không chướng ngại
Thân mất, cảnh tàn, vốn tự nhiên.
Tâm đã định, ngại chi ngoại động
Niệm niệm Di Đà, niệm tự tâm
Trí tuệ, chơn tâm, thần thông đủ
Cực Lạc, danh đề, Phật vị lai!
(Ta là Phật sẽ thành)