CHƯƠNG 3

    
onathan lấy hơi trước khi bước lên bục. Anh được đón tiếp bằng các tràng vỗ tay, rồi cử tọa chìm vào trong không gian mờ tối. Anh ngồi vào sau một cái bàn có lắp chiếc đèn bằng đồng như thổi ánh sáng lên bài viết của anh; Jonathan nắm rõ bài phát biểu của mình; anh đã thuộc lòng những gì muốn trình bày. Tác phẩm đầu tiên của Vladimir Radskin mà anh giới thiệu tối nay được chiếu lên một màn hình khổng lồ phía sau lưng. Anh chọn cách cho trình chiếu các bức tranh của nhà danh họa người Nga theo trình tự ngược thời gian. Loạt đầu tiên với các khung cảnh nông thôn nước Anh thể hiện rõ công trình mà Radskin đã hoàn thành vào cuối cuộc đời do bệnh tật mà yểu mệnh của ông.
  Radskin đã vẽ những bức họa cuối cùng trong phòng ngủ, nơi mà căn bệnh đã không cho phép ông rời bước. Ông qua đời ở tuổi sáu mươi hai. Hai bức chân dung lớn nhất của Ngài Edward Langton, thương gia, nhà sưu tầm danh tiếng đã bảo trợ cho Vladimir Radskin, một vẽ ông đang đứng, bức kia tả  ông ngồi sau một chiếc bàn làm việc bằng gỗ gụ. Mười bức tranh khắc họa với một sự nhạy cảm không giới hạn cuộc sống của dân nghèo tại các khu ngoại ô ở Luân-đôn vào cuối thế kỉ thứ XIX. Mười sáu bức tranh nữa cũng đã góp mặt trong buổi giới thiệu đầy đủ của Jonathan. Mặc dù vẫn chưa biết chính xác thời kì ra đời, nhưng chủ đề trong tranh khiến người ta nghĩ đến thời trai trẻ của họa sĩ tại nước Nga. Sáu bức trong số đó do chính Sa hoàng đặt hàng, tái hiện chân dung của những nhân vật quyền cao chức trọng của triều đình, và mười bức khác được vẽ theo cảm hứng về đời sống khổ cực của nhân dân. Những khung cảnh đường phố ấy chính là nguyên nhân khiến Radskin bị trục xuất vĩnh viễn và buộc phải vội vã rời khỏi quê hương mà không bao giờ còn được quay trở lại. Đó là khi Sa hoàng cho phép ông được trưng bày các tác phẩm trong gian triển lãm riêng của Người tại cung điện Ermitage ở Saint-Péterbourg, Vladimir đã cho treo một vài bức tranh trong số đó và đã gây ầm ĩ. Sa hoàng thoắt chuyển sang căm giận ông ghê gớm vì đã cả gan vẽ lại những nỗi thống khổ của dân chúng còn sống động hơn cả việc ca ngợi sự ưu việt của triều đại. Lịch sử kể lại rằng khi quan tham nghị văn hóa trong triều hỏi ông vì sao làm như vậy, Vladimir đã trả lời rằng nếu con người muốn thống trị bằng cách nuôi dưỡng những điều dối trá, thì tranh của ông tuân theo nguyên tắc hoàn toàn trái ngược.
  Nghệ thuật, trong những thời khắc yếu đuối nhất, cũng chỉ có thể đẹp hơn mà thôi. Phải chăng sự cùng quẫn của người dân Nga không đáng được miêu tả như chính bản thân Sa hoàng? Ngài cố vấn, một người rất coi trọng Vladimir, đã chào từ biệt ông bằng một cử chỉ cay đắng. Ông ta hé cánh cửa bí mật trong gian thư viện khổng lồ chất đầy bản chép tay quý giá và giục chàng trai trẻ chạy trốn thật nhanh trước khi mật vụ tới tìm anh. Từ nay trở đi, ông sẽ không còn giúp gì được cho anh nữa. Xuống hết chiếc cầu thang xoắn, Vladimir đi theo một hành lang dài tối tăm, giống như một lối mòn dẫn tới địa ngục. Đôi tay lần mò trong bóng tối theo các vách tường thô ráp, anh tiến dần về phía tây của cung điện, khom mình đi dưới những đường hầm hoặc những hang đá ẩm ướt. Những con chuột già xlavơ chạy lang thang ngược chiều thỉnh thoảng sượt qua mặt anh, rồi tỏ ra quan tâm tới kẻ đột nhập này đến mức quay lại chạy theo cắn vào chân anh.
  Cho tới khi đêm xuống, Vladimir ngoi lên mặt đất và tìm thấy chỗ trốn trên sàn một chiếc xe ngựa, náu mình trong đống rơm cũ đã bị đám ngựa của Sa hoàng xéo nát. Anh ẩn mình trong đó chờ trời sáng và chạy trốn khỏi cung điện khi ban mai vừa rạng.
  Tất cả các tác phẩm của Vladimir đã bị tịch thu ngay chiều hôm ấy. Chúng cháy bùng lên trong cái lò sưởi khổng lồ của một bữa tiệc lớn do ngài cố vấn của Sa hoàng tổ chức. Buổi tiệc kéo dài bốn giờ đồng hồ.
Tới nửa đêm, mọi khách mời vội xúm lại bên cửa sổ để thưởng thức một buổi trình diễn ở phía trong cung điện. Nép mình trong hốc tường, Vladimir chứng kiến vụ ám sát. Vợ anh – Clara, bị bắt ngay trong buổi tối, và bị hai tên lính gác kéo tới nơi hành hình. Ngay từ khi ra đến sân, mắt nàng đã không rời các vì tinh tú. Mười hai họng súng giương lên. Vladimir cầu trời để đôi mắt nàng quay lại nhìn anh lần cuối cùng. Nhưng nàng không làm như thế, nàng hít một hơi thật sâu, mười hai họng súng cùng phun lửa. Đôi chân khuỵu xuống và cơ thể bị xé nát của nàng ngã vật xuống nền tuyết dày vấy máu. Tiếng vọng tình yêu của nàng vượt qua những bờ tường vây lan xa, và sự im lặng lại bao trùm không gian. Trong sự soi sáng của nỗi đau đang bóp nghẹt tim anh, Vladimir phát hiện ra sự sống còn mãnh liệt hơn cả nghệ thuật của anh. Sự tương hợp hoàn hảo của tất cả các màu sắc trên đời này cũng không thể miêu tả được nỗi đau của anh. Đêm đó trong tâm trí anh, rượu vang chảy tràn trên các bàn tiệc chẳng khác nào dòng máu chảy ra từ cơ thể không sự sống của Clara. Từng dòng máu đỏ như son loang trên chiếc áo khoác màu trắng, vẽ thành những vệt ngoằn ngoèo trên nền gạch trơ trụi như khắc trong trái tim chàng họa sĩ những vết rạn đen ngòm. Vladimir đã mang trong tâm trí một trong những tác phẩm đẹp nhất mà ông thực hiện tại Luân-đôn mười năm sau đó. Trong thời gian sống tha hương, ông đã tái hiện lại quãng đời bị hủy hoại của mình tại nước Nga với phong cách thay đổi, bởi không bao giờ Vladimir còn vẽ thân thể hay khuôn mặt phụ nữ, cũng nư không bao giờ còn thấy trên tranh của ông xuất hiện bất kỳ một chấm đỏ nào nữa.
  Hình ảnh minh họa cuối cùng biến mất khỏi màn hình. Jonathan cảm ơn cử tọa đã hưởng ứng buổi hội thảo của anh với sự hoan hô nhiệt liệt. Những tràng pháo tay như đè lên đôi vai anh như những gánh nặng làm trăn trở cả tính kín đáo của anh. Anh cúi gập người, vuốt ve tấm bìa bọc tập tài liệu, ngón tay mân mê theo những nét chữ viết tên Vladimir Radskin. “Họ đang tung hô ông đấy, ông bạn già ah”, anh thì thầm. Đôi má bừng đỏ, anh cầm lấy cặp và vẫy tay chào cử tọa lần cuối một cách vụng về. Trong khan phong, một người đàn ông đứng lên và ra hiệu cho anh, Jonathan ôm chặt chiếc cặp vào ngực và lại quay người về phía cử tọa. Người đàn ông tự giới thiệu bằng dọng rõ ràng và dõng dạc.
  - Frantz Jarvitch, của tạp chí Nghệ thuật và Tin tức. Thưa ông Gardner, ông có thấy việc không một bức tranh nào của Vladimir Radskin được trưng bày trông một bảo tàng lớn là một điều bình thường không? Ông có nghĩ rằng những người phụ trách bảo tàng đã không nhận ra tài năng của ông ấy?
Jonathan tiến sát lại micro để trả lời người vừa đặt câu hỏi cho anh.
  - Tôi đã dành phần lớn cuộc đời nghiên cứu của mình để giới thiệu về ông và làm cho các tác phẩm của ông được công nhận. Radskin là một họa sĩ vĩ đại, song cũng như một số khác, ông đã bị thời đại của mình lãng quên. Ông chưa bao giờ tìm cách lấy lòng ai, sự chân thật là tâm điểm trong tác phẩm của ông. Vladimir đã cố gắng vẽ nên niềm hi vọng và quan tâm đến những gì chân thực nhất của con người. Điều này đã khiến ông không chiếm được cảm tình của giới phê bình.
  Jonathan ngẩng đầu lên. Ánh mắt của anh chợt như nhìn vào xa xăm, bị cuốn hút bởi một thời đại khác, một không gian khác. Anh thoát khỏi sự lúng túng, và những lời nói tuôn chảy như thể người họa sỹ già đã nhập vào anh để lên tiếng tự bảo vệ mình.
  - Hãy nhìn những khuôn mặt mà ông đã vẽ, những luồng sáng mà ông tạo nên, cũng như vẻ độ lượng và vẻ hổ thẹn của các nhân vật trong tranh ông. Không hề có bất cứ một bàn tay nào nắm lại, không một anh nhìn dối trá.
Gian phòng chìm trong im lặng, một người phụ nữ đứng lên.
  - Sylvie Leroy, gian Tekné của bảo tàng Louvre. Truyền thuyết kể lại rằng chưa một ai từng được nhìn thấy tác phẩm cuối cùng của Vladimir Radskin, một bức tranh cho đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Ông nghĩ thế nào về điều này?
  - Đó không phải là truyền thuyết, thưa bà. Trong một lá thư gửi tới Alexis Savrassov, Radskin viết rằng mặc dù đang bị căn bệnh hành hạ khiến ông ngày một yếu dần, ông vẫn đang thực hiện một tác phẩm mà ông cho là đẹp nhất trong đời ông. Khi Savrassov hồi đáp để hỏi thăm sức khỏe và hỏi ông đang ở gian đoạn nào của công việc, Vladimir trả lời: “Hoàn chỉnh bức tranh này là liều thuốc duy nhất chống lại nỗi đau ghê gớm đang cào xé ruột gan tôi”. Vladimir Radskin qua đời sau khi đã hoàn thành bức tranh cuối cùng. Bức tranh này đã biến mất một cách bí ẩn trong một buổi đấu giá danh tiếng đượctổ chức ở Luân-đôn năm 1868, một năm sau khi họa sỹ qua đời.
Jonathan giải thích rằng bức tranh đó, có thể là một tác phẩm lớn, đã được rút khỏi buổi bán đấu giá vào phút cuối vì một số lý do mà chính bản thân anh cũng không được biết, toàn bộ tranh của Vladimir Radskin đã không tìm được người mua trong suốt ngày hôm áy. Họa sỹ đã bị lãng quên trong một thời gian dài. Đó là một sự bất công làm buồn lòng Jonathan cũng như bất cứ ai coi người họa sỹ này là một trong những nghệ sỹ lớn nhất của thế kỉ mà ông đã sống.
  - Sự giàu có của một trái tim nghệ sĩ luôn khêu lên lòng ghen tị hoặc sự khinh miệt của những người cùng thời. Một số chỉ nhận thấy vẻ đẹp trong những gì đã chết. Nhưng ngày nay, thời gian chẳng còn tác động gì tới Vladimir Radskin nữa. Nghệ thuật nảy sinh từ xúc cảm, đó là điều khiến nó trở nên vĩnh hằng, bất tử. Tuy nhiên, phần lớn các tác phẩm của ông hiện được trưng bày trong các bảo tàng nhỏ hoặc nằm trong một vài bộ sưu tập tư nhân lớn.
  - Người ta kể rằng trong tác phẩm cuối cùng, hình như Radskin đã vi phạm quy tắc của mình và dường như đã sáng tạo ra một màu đỏ đặc biệt? Một người khác lại hỏi.
  Cả gian phòng như chờ đợi câu trả lời của Jonathan. Anh chắp tay sau lưng, nheo mắt và ngẩng đầu lên
  - Như tôi đã nói với các vị, bức tranh này đã đọt ngột biến mất, trước khi được ra mắt công chúng. Và cho tới nay, không hề để lại bất cứ một dấu vết nào. Bản thân tôi cũng tìm kiếm mọi bóng dáng của nó kể từ khi bước vào nghề. Chỉ duy nhất các bức thư mà Vladimir Radskin trao đổi với đồng sự Savrassov và một vài bài báo thời kì đó chứng tỏ nó đã từng tồn tại. Cần thận trọng mà đáp rằng mọt khẳng định khác về nội dung cũng như cấu tạo của nó đều là truyền thuyết. Xin cảm ơn quý vị.
  Jonathan lại đón nhận một tràng vỗ tay nữa rồi bước vội về cuối khán phòng, lui vào hậu trường. Peter đang chờ anh, ôm lấy vai anh và chúc mừng.