Người dịch và giới thiệu : Lê Bá Thự
10. Ngày thứ bảy:
Táo

Kể từ hôm vào Vườn và ăn táo, đêm nào Myszka cũng nằm mơ thấy mình múa như nữ nghệ sĩ ba lê trên tivi, như bướm lượn trên hoa, như chim lượn giữa bầu trời và mặt đất. Bé đã biết múa cho cảm xúc như thế nào. Lâu nay bé chỉ mường tượng mà thôi. Bây giờ cảm xúc này là không thể tưởng tượng nổi, không so sánh được với bất kỳ cái gì, kể cả những xúc cảm mạnh mẽ nhất mà đôi khi bé có được khi múa thử một cách vụng về.
“Mình đang múa chăng?” – bé tự hỏi mình trong giấc chiêm bao, để khi tỉnh dậy lại chịu đựng cái sức ì thường nhật, song đau lòng này. Bé biết rằng cơ thể những người khác, như cơ thể mẹ chẳng hạn, không đè xuống đất mạnh đến như vậy. Bố cũng chạy rất lẹ làng như ông trên màn quảng cáo, cứ như là đang bay trên nền nhà, người không hê chao đảo.
Việc cảm nhận mình múa thực sự là một cái gì đó tuyệt vời, nhưng đồng thời cũng là nỗi đau, khi hơn bao giờ hết, bây giờ Myszka cảm thấy da thịt mình như một lớp vỏ bó chặt bé. Cho nên khi mơ cũng như lúc tỉnh bé cảm thấy mình lại phải tới chỗ, nơi bé có thể thành một con bướm. Lúc nào bé cũng quên biến tất cả mọi thứ, song chuyện mình biết múa thì bé không thể nào quên được.
- “Mình biết múa”, bé thầm nhắc, cố rướn nhẹ,cố đứng trên các đầu ngón chân, như bé đã làm được một lần duy nhất ở trong Vườn.
Đôi khi bé nghe tươi giọng rầm rì, phì phì, xui bé thử múa, bất chấp mọi trở ngại và hạn chế. Cho nên bé thử. Bé thử múa ở ngoài tiền sảnh, cho dù đã biết, bố sẽ xem mình múa từ phía trong cánh cửa hé mở. Bé thử múa trên bãi cỏ trước nhà nhưng lúc đó mẹ đuổi bé vào nhà, mắt mẹ vội vàng quan sát xem có người láng giềng nào nhìn thấy hay không. Bé thử múa bất kỳ lúc nào có cơ hội, thế nhưng không ai nghĩ những động tácbé đang làm là múa.
Bây giờ bé thường hay nhớ đến phòng áp mái, nhất là khi bé đang ở nhà cô giáo dạy nói hoặc đang tập thể dục, cũng có khi vào lúc đêm khuya. Bé chẳng còn biết bé đã múa trong Vườn hôm qua, cách đây một tuần hay cách đây hàng tháng. Thời gian của Vườn, của phố xá, của ngôi nhà và của bản thân bé hoàn toàn khác nhau, và không thể đo chúng bằng cùng một đơn vị được.
Trước lần bé lại lên phòng áp mái để được múa trong Vườn, có một hôm bé đi cùng mẹ đến đại siêu thị. Myszka có cảm giác giọng nói rầm rì, phì phì, bí ẩn, xa xăm, không thể định vị nọ lại xui bé hãy múa ngay lập tức ở nơi bé đang có mặt. Ewa không ngại đi cùng Myszka đến đại siêu thị, bé cảm nhận điều này qua cách thức mẹ cầm tay bé. Mùi bướng bỉnh, ngó nghiêng, cố xem kỹ một thứ gì đó hoặc mó tay vào các loại hàng có màu sắc. Thậm chí trong đại siêu thị thời gian của Myszka trôi đi bằng nhịp điệu khác.
Ewa không thể để con gái ở nhà. Bây giờ trong đại siêu thị có “những chỗ nguy hiểm” hoặc ít hoặc nhiều. Nơi xếp hàng vào quầy trả tiền là một chỗ nguy hiểm. Các nữ nhân viên thu ngân và khách hàng nhìn trộm Myszka, họ giả đò là họ không nhìn, để rồi lại nhanh chóng liếc trộm một lần nữa. Và lại …và nữa …để quan sát người mẹ của đứa bé này và so sánh, con gái giống mẹ tới mức nào.
Ewa điếng người trước những cái nhìn đó, còn Myszka tiếp nhận và sợ. Ewa thích thà rằng một ai đó trong đám người đang nhìn trộm kia bước lại gần, không giấu giếm vẻ tò mò của mình và hỏi một cách bình thường “Con bé bị bệnh Down phải không?” còn hơn họ nhìn trộm, chừng như ngượng mặt, nhưng thực ra hết sức tò mò. Chứng kiến những cái nhìn đó, Ewa hoàn toàn thông cảm với Adam. Và khi như vậy, chị sinh ra ghen tị với sự lựac chọn của chồng.
Trong đại siêu thị, Ewa phải nhanh chân nhanh tay. Chẳng phải vì nhân viên người ta đuổi khách hàng mà là vì Ewa muốn ra khỏi nơi này càng nhanh càng tốt. Chị đến một vài quầy để chọn những thứ hàng cần thiết nhất. Chị khom người xuống tủ đựng thịt đông lạnh và các thực phẩm chế biến sẵn, chị chần chừ chút xít trước quây rượu. Rượu đôi khi được việc. Ewa cẩn thận chọn một chai….
Myszka bị tuột khỏi bàn tay an toàn của mẹ, tụt lại phía sau. Bé rẽ vào một quầy hàng, nơi óng ánh các gói hàng nhiều màu sắc. Tiếp nữa quầy thứ hai…thứ ba..một lát sau bao quanh bé là cả một mê cung hàng hoá mà bé không còn nhìn thấy mẹ nữa.
Và chính lúc này bé phát hiện thấy những quả táo được xếp rất khéo léo thành hình kim tự tháp ở quầy hoa quả, bé nghe thấy tiếng nhạc vọng tới từ loa phóng thanh. Đó là một giai điệu bé rất thích. Bé dừng lại để nghe cho rõ hơn. Tiếng nhạc mạnh, xập xình, đắm say. Thân người Myszka bắt đầu muốn múa. Chồng táo ở cách bé một bước. Bé với tay lấy một quả rồi cắn.
Không, đây không phải là quả táo có phép màu, bởi cảm giác nhẹ tênh không tới ngay lập tức, mà có khi cảm giác này sẽ chẳng đến, thế nhưng tiếng nhạc cho bé cảm giác hình như bé ít nặng nề hơn.
- Mi múa thử coi.. – bé nghe thấy giọng nói rầm rì-phì phì.
Bé không dám tin là bé nghe thấy giọng nói này, hay là bé lục ra trong trí nhớ, hay là bé nghe được từ băng ghi âm suốt buổi lập đi lập lại độc một giai điệu, được các loa phóng thanh truyền không sảnh rộng mênh mông đầy ắp hàng hoá.
Không nhìn thấy mẹ đâu cả, đứng giữa đại siêu thị Myszka chậm rãi nhai táo. Nước táo chảy xuống cằm bé và cứ mỗi miếng cắn bé lại càng cảm thấy mạnh mẽ hơn là mình rất muốn múa. Mạnh đến nỗi bé không biết đẩy nó ra khỏi người mình, mặc dù bé nhớ rất rõ lời mẹ dặn, ở những chỗ như thế này cần phải xử trí như thế nào. Như một con chuột nhắt..lặng lẽ, không đập vào mắt thiên hạ.
Đó là một ngày trời lạnh. Bị bó chặt người bằng mũ, áo lông, áo len, váy, quần dệt kim, cho nên bé không mú được là tại quần áo, chứ không phải tại thân hình ì ạch hay tay chân không phục tùng. Nếu như bình thường việc cởi quần áo chiếm mất khá nhiều thời gian của bé, thì lần này thậm chí chỉ cần vài phút. Khi cởi quần áo bé nhớ lại cảm giác tuyệt vời hôm ở Vườn, cô bé Myszka lượn vòng, lượn vòng như con ong lượn trên những đóa hoa. Hai tay uốn lượn, thân người uốn cong duyên dáng, hai chân tung lên cao, nhẹ như cánh bướm, một bàn chân cao ngang đầu, còn bàn chân thứ hai lúc này tì lên đầu các ngón chân và hầu như tách khỏi nền nhà khi bé quay tít…
Có ai đó vặn nhạcc to hơn, càng thúc giục bé múa. Myszka quẳng hết khỏi người mình những thứ còn lại. Đổ người xuống nền gạch men, bé thở mạnh, ăn nốt miếng táo cuối cùng đoạn giơ hai tay lên cao.
Ewa nghe thấy tiếng xâm xì ngày càng nhiều. Chị lao nhanh qua sảnh rộng, như trời sắp nổi cơn giông, những giọng bực tức,ác độc, những tiếng cười khúc khích, bắt đầu chuyển sang la ó ầm ĩ, và Ewa hiểu ngay điều gì đã xảy ra: Myszka…Myszka làm chuyện gì đó rồi. Quanh đây không thấy Myszka đâu cả. Con bé đã biến mất.
“Bé quănng thứ gì đó ra khỏi quầy hàng chăng?” Ewa nghĩ, ls và chị chạy lại chỗ mà từ đó vang vọng tiếng la ó điên loạn.
- Lạy Chúa … lạy Chúa … Tại sao con bé lại làm khổ me…
Ewa thốt lên khi nhìn thấy con gái, chị hụt hơi, tựa người theo phản xạ vào thành quầy hàng thứ nhất. Tất cả các thùng các tông đựng sữa ở đó đều bị rơi xuống đất do lực chị tì mạnh vào. Sữa trắng ở một số thùng chảy ra. Chị không hề để ý đến điều đó, cho dù chung quanh những giọng nói phẫn nộ vang lên. Chị không nghe thấy. Ewa nhìn quanh và không tin vào mắt mình.
- Không phải ở chỗ này… đừng ở chỗ này… Đừng làm khổ mẹ … - Ewa khẽ thốt lên, chị đứng như trời trồng.
Myszka thân hình béo ịch, trần truồng, đang ở đàng sau mấy quầy hàng, bé di chuyển một cách kỳ dị và lạ lùng, ì ạch như một con gấu cái, theo nhịp chậm, lố bịch đến ghê tởm. Hai mắt nhắm nghiền, miệng há to, cái lưỡi thè ra sà xuống cằm. Nước dãi chảy xuống tận ngực rồi rơi tiếp xuống cái bụng lồi trăng trắng. Hai bàn chân trần, phẳng, trượt một cách vụng về trên nền gạch hoa, hai ta lúc chạm vào thân, lúc vung lên một cách yếu ớt. Trên gương mặt cô bé hiện rõ nét đắm say và sự thăng hoa rất thương tâm.
Ewa đứng như trời trồng, chết điếng người. Trong đầu chị ý muốn chạy trốn giằng co với ý thức bảo rằng, con bé này là con của chị và nó đang cần được giúp đỡ.
Mấy cô nhân viên bán hàng la ó tức giận, nhiều giọng la tạo thành giàn đồng ca phẫn nộ với những ca từ:
- Mẹ nó đâu?
- Sao lại làm như thế ở chỗ đông người..
- Khủng khiếp quá đi mất.. Đồi bại…
- Hãy tóm lấy con bé
- Tôi không dám đụng vào người nó đâu
- Thật là kinh tởm
Myszka tỉnh lại. Bị bao bọc tứ bề bởi những tiếng la ó dữ tợn, Myszka mở mắt và lúc đó bé mới nhìn thấy. Một vòng tròn chật ních những bộ mặt lạ hoắc bao quanh bé. Đó là những bộ mặt không thiện cảm hoặc thù nghịch, có cả hoảng sợ, những giọng nói vút cao thành tiếng thét. Myszka nín thở. Rồi sau đó xảy ra chuyện bất khả kháng mà mẹ đã từng gọi không đúng là “một bất hạnh nhỏ”, thì Myszka ý thức rằng lần này là một tai họa (“trẻ em bị Down thường không làm chủ được nhu cầu sinh lý của mình, nhất là khi bị căng thẳng”). Tất cả mọi cảm giác hoảng sợ bắt đầu lồng lộn trong bụng Myszka và sau giây lát bé bĩnh ra nhà. Myszka đứng bất lực, sợ hãi, bé sợ đến nỗi chẳng biết ngang dọc ra sao nữa. Tiếng la ó của đám đông bay lên cao, sát trần nhà của đại siêu thị.
Myszka cũng bắt đầu la hét. Tiếng la hét của bé dần dần biến thành tiếng rú ghê rợn, đau lòng.
- Maaa! Maaa! Khôn..khôn..g! Aaaaaaaa! Không!
Sự phẫn nộ của đám người lạ mặt càng thêm mạnh mẽ. Tiếng la ó của họ làm rạn nứt những bức tường bằng kính, dội vào các quầy hàng. Chỉ có vài tiếng nói đồng cảm, đa phần là dữ tợn.
- Bẽ mặt!
- Ai sẽ là người quét dọn đây?
- Đúng vào khu thực phẩm! Tởm!
- Gọi cảnh sát đi thôi.
Ewa chẳng biết có phép màu nào mà chị đã kiềm chế không bỏ chạy vì hốt hoảng. Chị bị đám đông cản bước. Ewa quỳ xuống, hai tay run run mặc quần áo cho con gái. Chị giằng mạnh lấy con, vì tức, vì bực, vì đau đớn và vì xấu hổ. Thế là Myszka thôi không rú điên loạn nữa, bé bắt đầu khóc. Những tiếng la ó phẫn nộ lại vút bay lên trần nhà.
- Đồ súc sinh! Thật là nhơ nhuốc! – một người đàn bà nói to như vậy, rồi nhổ nước bọt xuống nền nhà.
Ewa không biết bằng cách nào và lúc nào mà chị đã mặc được quần áo cho Myszka, mang hết sức bình sinh, chi bắt đầu lôi con xềnh xệch ra khỏi cửa hàng. Nhưng không chỗ nào có đường thoát. Theo sau hai mẹ con từng bước một là đám đông những người tò mò và các nữ nhân viên bán hàng đang điên tiết. Ngay trước khác ra vào có hai cảnh sát đang đứng chắn lối.
- Chị là người hành hạ trẻ em phải không? – một cảnh sát hỏi, còn người thứ hai túm chặt lấy hai vai Ewa khi chị cố đi qua anh ta.
- Tại sao cái của nợ này lại không ở trong trại? – viên cảnh sát thứ hai hỏi, kinh tởm ra mặt khi nhìn Myszka.
- Có phải nó nguy hiểm với đám đông không? - nhân viên cảnh sát thứ nhất hỏi với giọng nghiêm khắc.
- Nó nguy hiểm…nó không bình thường … - đám đông xầm xì.
- Đây là cửa hàng dành cho người tử tế! – một nhân viên bán hàng la lớn.
- Nó phá hỏng hàng hoá! Ai là người sẽ bồi thường đây? – cô nhân viên bán hàng thứ hai nói.
- Chị ta định vứt con ở lại đây! – một người đàn bà tố cáo Ewa.
- Chúng tôi biết những người mẹ như thế này – viên cảnh sát thứ hai nhận định nghiêm khắc.
- Anh mà dám.. – Ewa định độp lại luôn, nhưng chị tiếc vì cảm thấy mình hoàn toàn bất lực và có lỗi.
Myszka tóc tai bù xù, mồ hôi mồ kê nhễ nhãi, nước dãi dây đầm đìa, sợ hãi nhìn hai người đàn ông mặc sắc phục. Mẹ nói nhanh đến nỗi con gái không kịp hiểu. Đámg người vây quanh bé trong cửa hàng và bám theo sau, không chịu rời bỏ hai mẹ con. Myszka lại há miệng hét to, thế nhưng Ewa bịt ngay miệng con lại theo phản xạ và nói gì đó với viên cảnh sát.
- Yêu cầu giải tán – một viên cảnh sát uể oải nói. Đám người lùi lại phía sau chút xíu. Viên cảnh sát thứ hai rút chiếc máy điện thoại thứ hai trong thắt lưng ra và nói mấy câu gì đó khó hiểu. Rồi sau đó mọi người chỉ còn biết đứng im lặng, mẹ, Myszka, hai viên cảnh sát dữ tợn liếc nhìn bé với vẻ lo sợ,song không thương xót, và đám người xem đầy tò mò.
Một chiếc xe đến đỗ trước cửa đại siêu thị. Xe màu xanh lá cây và ngay lập tức Myszka nhận ra xe của bố. Cho dù chưa bao giờ bé đụng tay vào chiếc xe này, thế nhưng bé nhớ rõ khung xe bóng nhoáng rất đẹp và ghế ngồi bên trong mềm mại. Đôi khi bé nằm chiêm bao thấy mình ngồi bên trong chiếc xe mát mẻ, thơm tâm hồn và bố nói “Myszka, bây giờ con muốn đi đâu nào?” Còn Myszka đáp lại nho nhỏ “Nơi tất cả mọi người nhảy múa…”.
Bố không chạy như mọi khi, mà đi rất chậm về phía hai mẹ con, không chút vội vàng.
“Sắp đến..bố sắp đến rồi” Myszka nghĩ. “Bố sẽ đến đứng cạnh mình và mọin chuyện sẽ ổn”.
Quả đúng là bố đứng bên cạnh con gái. Bố nói chuyện với hai người đàn ông mặc sắc phục, ra bộ không nhìn thấy vòng người tò mò chen nhau đứng xem. Myszka nhìn bố hau háu và bé có cảm giác dẫu đang mùa xuân gương mặt của bố phủ đầy sương giá.
Sau chót, bố mẹ và Myszka ngồi vào xe.
- Xe!... – con gái cười, hai mắt sáng bừng nhìn vào tấm lưng rộng của bố. Bé cảm thấy rất sung sướng - Xe! Bố! Ô! – bé nhắc lại giọng thô, thế nhưng cả mẹ lẫn bố đều im thin thít tựa hồ đang niệm thần chú.
Myszka im luôn, bé sợ. Bé có cảm giác cái giá lạnh ở mặt bố đang chậm rãi bò sang mặt mẹ, và sau đó bo ra khắp nơi. Bỗng nhiên bên trong chiếc xe xanh vui tươi, trở nên xám xịt và lạnh lẽo. Và cho dù ước mơ của bé đã thành sự thật – bé được đi cùng với bố trong chiếc xe mà lâu nay bé không được bén mảng tới – bé cảm thấy như mình đang mắc bẫy. Bé không ngạc nhiên khi thấy mẹ khóc. Bé cũng muốn khóc, chỉ có điều nước mắt của bé không chịu chảy ra.
- Mẹ, nhaaa – bé mếu máo đợi cho mẹ ốm lấy bé và an ủi bé, mẹ bảo, đúng là đã xảy ra chuyện “bất hạnh nhỏ”, thế nhưng lát nữa thôi mọi chuyện sẽ đâu ra đấy. Nhưng mẹ quay mặt đi.
“Mẹ ơi, bố ơi.. Con nhảy đấy.. Mẹ ơi, bố ơi … con nhảy đấy” Myszka nói, không biết biến ý nghĩ thành lời nói. Đó là những lời đơn giản, thế mà chúng không thể đi qua miệng được. Không một lời nào biết ra khỏi miệng bé, như bé đã nghe thấy chúng và sắp đặt chúng trong ý nghĩ. Bao giờ chúng cũng bị biến dạng hoặc lúng búng khi ra ngoài. Và chỉ có ở đó, trong Vườn, lần đầu tiên trong đời bé tin rằng bé đã biết nói. Rắn hiểu bé muốn nói gì. Cây cối, hoa trái, và mọi tạo vật hiểu bé nói gì. Bé hiểu chính bản thân bé. Thế nhưng phải ăn trái táo…. Có điều táo trong siêu thị không phải là táo ở nơi đó. Bé mở miệng, để nói gì đó nữa – và bé ngậm miệng lại ngay lập tức.
“Con bé lại múa. Múa chỗ đông người, giữa những người xa lạ, làm những động tác kỳ dị của mình. Và cởi hết quần áo như lúc nó ở tiền sảnh. Và bĩnh ngay trước mắt thiên hạ…Bây giờ người nó bẩn thỉu, thối hoắc, và mình phải nói đó là con gái của tôi chăng?” Adam nghĩ, anh nhận ra một cách chính xác bé nói “nhaaa” nghĩa là gì. Adam lái xe theo phản xạ, anh bực tức, anh buồn bã, anh nhục nhã. Và đồng thời, không hề chủ định, anh suy nghĩ tại sao Myszka lại ham nhảy múa đến phát cuồng lên như vậy. “Bé đinh ninh trong bụng nhờ có nhảy múa bé sẽ chụi ra ngoài lớp vỏ bọc này được” Adam nghĩ, rồi một ý nghĩ khác lại ập đến với anh, một khi bé muốn chui ra khỏi cái thân xác không cân đối này thì có nghĩa là, ở sâu bên trong cái thân hình này còn có một sinh linh không mà anh không biết, đang náu mình.
Adam xua ngay ý nghĩ này ra khỏi đầu mình. Chuyện xảy ra hôm nay cho thấy một điều rõ ràng rằng anh có lý khi anh muốn giải quyết dứt điểm vấn đề này. Cho đến nay anh đã cố gắng đảm bảo cho Ewa cùng Myszka có phương tiệ nsinh sống và anh không hề gây phiền toái cho hai mẹ con, với điều kiện là hai mẹ con cũng không gây phiền toái cho anh. Thế nhưng hôm nay thiện chí này bị đưa ra để thử thách. Hai mẹ con đã lôi kéo anh vào cuộc. Và cả..Khi cô thư ký của anh nhận được điện thoại của cảnh sát. Chắc là cả văn phòng đều đã biết… Anh đã phải giải thích với hai vị đại diện trật tự công cộng rằng “đúng, đúng, vợ tôi là một người mẹ tốt.. Không, vợ tôi không đem vứt con tật nguyền này đâu, đứa bé này không đe doạ gì mọi người, không, nó không thể làm gì hại ai đâu..nó cắn cô bán hàng? Hay là do nó hốt hoảng? mà đây là đứa trẻ, chứ đâu phải là con thú điên..Tất nhiên trong khuôn khổ bồi thường tôi sẽ đưa một khoản tiền xứng đáng…Đó là chuyện xảy ra không lường trước.. Bình thường con bé chơi rất điềm tĩnh, vợ tôi trông nom con, Đúng, nó có nhà cửa, bố mẹ…Tôi là bố, tất nhiên. Không, không chuyện này tự không bao giờ tái diễn nữa, tôi xin bảo đảm…”
Adam giải thích tuốt tuột mọi chuyện, anh cảm thấy thiên hạ đang nhìn mình, họ vây kín anh và hai mẹ con với những cái nhìn tức tối, dữ tợn.
- Đây, danh thiếp của tôi đây – sau chót Adam nói, như vậy anh đã làm cái anh từng thề trong bụng là sẽ không bao giờ anh làm: tôi xin bảo lãnh cho Myszka bằng họ và tên tôi. Adam làm như thể anh đã công nhận con gái rồi.
Còn bây giờ hai mẹ con đang ngồi trong xe của anh. Lần đầu tiên hai mẹ con ngồi xe này – Adam im lặng, đau khổ, bực tức – là khi anh chở cả hai từ bệnh viện về nhà. Myszka bé tí xíu, là đứa trẻ sơ sinh mười ngày, diện mạo hiện nay của bé, tính nết của bé và mức độ khuyết tật của bé đã vượt quá cả những dự kiến tệ hại nhất của anh. Và Ewa, người anh yêu và vần còn cócơ hội đảo ngược những gì minh làm: chỉ cần đưa đứa con này vào một trại thích hợp, là cả hai lại có thể là một cặp vợ chồng lý tưởng, hoà thuận và thương yêu nhau. Anh lẩm nhẩm cầu xin, một cách rõ ràng, khúc chiết và dễ hiểu, cứ như là cho đến nay anh chưa bao giờ làm như vậy.
Adam liếc nhìn, thấy hai cánh tay bự của Myszka ôm lấy mẹ đang khóc. Như bác sĩ đã lường trước, bé sẽ béo, rất béo, vì không kìm được bệnh phàm ăn. Hầu như tất cả mọi đứa trẻ bị Down đều béo và phàm ăn. Chúng ăn quá nhiều. Vì sợ hãi, như lời bác sĩ nói (“trẻ em bị Down kéo dài hành vi ăn, làm vậy chúng thấy yên tâm, cho chúng cảm giác an toàn trong chốc lát và bằng lòng”).
- Đừng khóc… đừng khóc … - Myszka làu bàu với mẹ.
- Mẹ có khóc đâu – Ewa đáp, chị khóc nức nở và ôm lấy con, đau khổ, điều đã quen thuộc với Myszka.
Adam không nói một lời nào. Anh dừng xe trước nhà, không nhìn xem hai mẹ con xuống xe ra sao, ngay lập tức phóng xe quay trở lại.
Ewa uống mấy viên thuốc, sốt ruột đi quanh nhà, nhớ lời bác sĩ đã nói:
- Chị phải hiểu, đây là một trong những hội chứng nặng nhất của bệnh Down. Và chỗnày còn có cái gì đó giống như bại liệt não, dẫu có hơi khác một tí. Không điển hình. Tôi đã thông báo điều này với chồng chị - bác sĩ nói với giọng dịu dàng theo thói quen.
- Khi nào? – Ewa ngạc nhiên.
- Lâu rồi- bác sĩ hoảng sợ. Ông đã hứa với Adam là giữ bí mật để được hậu ta, không kể khoản điều trị thông thường – Những đứa bé bị bệnh này thường hay tự động cởi quần áo và bĩnh ra ngay tại chỗ. Hay là bé làm như vậy là để chọc tức?
- Không phải bé chọc tức đâu – Ewa ngắt lời.
Ewa tin chắc rằng Myszka cởi quần áo ra không phải là do bực tức, nóng nảy hay sợ hãi. Chị cảm nhận làm như vậy con bé muốn thể hiện một cái gì đó. Ewa chẳng biết đó là cái gì, còn con gái thì không biết nói ra.
- Đó nhất định là một biểu hiện hung hãn – bác sĩ nói. Hung hãn một cách tự nhiên, mãnh liệt, đó là đặc tính điển hình của trẻ em khuyết tật. Và cái vết đen này nữa, chúng ta chẳng cần mổ sọ não để làm chẩn đoán, nhất là mổ hộp sọ cũng không cải thiện được bệnh tình của bé mà có khi còn đe doạ tính mạng nữa. Thế nhưng có cái gì đó đè lên vùng trung tâm quan trọng não bộ của bé và gây nên sự rối loạn rất không điển hình so với bệnh Down thông thường.
- Chuyện bé cởi hết quần áo ra xảy ra mấy lần rồi. Liệu có còn lập lại? liệu có khả năng bé sẽ làm chuyện này ở nơi công cộng? thí dụ ở trường, nếu bé đi học? – Ewa hỏi lúc bục mình, không dự tính chuyện này sẽ xảy ra ở đại siêu thị.
- Nó có thể làm vậy ở bất kỳ chỗ nào – bác sĩ đáp, đồng cảm.
- Và chứng này sẽ không mất theo tuổi tác?
Bác sĩ lắc đầu.
- Thưa bà, trong căn bệnh này, cái tự biến mất theo tuổi tác không có là bao. Thế nhưng lại xuất hiện nhiều rắc rối khác.
Và bây giờ theo chỉ dẫn của bác sĩ, Ewa uống tiếp mấy viên thuốc, rồi uống cô nhắc, và chị đi đi lại lại, langthang không mục đích khắp nhà, tiền sảnh, nhà bếp, tiền sảnh, phòng khách, tiền sảnh, phòng ngủ, tiền sảnh, cửa phòng làm việc của Adam đóng kín, tiền sảnh…
- Taaaa…taaa… Maaaa, taaa – Myszka nói, giọng khàn khàn, kiên trì từng bước ngắn theo mẹ, để đồng hành với mẹ trong cuộc đi bộ vô nghĩa này.
- Oooch, đã đến lúc phải tách khỏi cái giọng nói lúng búng này thôi! – Ewa hét điên loạn, chỉ chuyển sang chạy, và sập mạnh cánh cửa phòng khách ngay sau lưng mình.
Myszka ngồi ngoài tiền sảnh, cầm lên tay con búp bê Barbie bị lột trần. Bé vặn hai tay và hai chân, tóm lấy tóc búp bê. Rồi bé bắt đầu đập mạnh búp bê vào tường, mạnh, mạnh hơn, mỗi lúc càng mạnh hơn – thế nhưng Barbie không bị hỏng. Bé quăng búp bê trở lại nền nhà và đầu bé gật đều đều, về phía trước, rồi quay trở lại phía sau.
Và buổi tối đã đến, ngày thứ bảy. Ngày nghỉ.