Người dịch và giới thiệu : Lê Bá Thự
17. Ngày thứ tám

Myszka ngủ và ngủ hoài. Giờ ăn sáng đã trôi qua từ lâu và sắp đến giờ ăn trưa. Thoạt tiên Ewa thích buổi ban mai tĩnh mịch này. Nhất là như thường ngày, Adam đã biến khỏi nhà trước khi vợ mở mắt.
Khoản “lương tuần” của hai mẹ con đã được đặt trên bàn nhà bếp, chứ vào thứ hai hàng tuần Adam đặt sẵn một khoản tiền đủ cho hai mẹ con chi tiêu cả tuần. Nhưng hôm nay là chủ nhật. Adam chưa bao giờ bị nhầm lẫn. Vậy thì Adam đã dự tính thứ hai anh sẽ vắng nhà.
“Adam lại đi đó đâu chăng?” Ewa nghĩ.
Khoảng một giờ chiều, Ewa đánh thức Myszka. Con gái mở mắt, mơ màng nhìn mẹ.
- Myszka … - mẹ gọi nhẹ nhàng. Myszka vẫn nhìn mẹ, nhưng Ewa dám chắc con gái không biết nó đang nhìn cái gì.
“Chắc nó đang nằm mơ thấy cái gì đó…Hình như nó đang ngơ ngác, đây là ở đâu thế này” Ewa nghĩ, tay đập mạnh vào vai con, gọi tiếp – Tỉnh dậy đi, Myszka!
Nhẽ ra bây giờ Myszka phải nháy mắt, duỗi thẳng người, quăng chăn (Ewa vẫn không thoát khỏi ý nghĩ bực mình là con gái béo ịch và dị dạng, rằng nó là con gái vậy mà không thể mặc tất cả các bộ thời trang tuyệt đẹp trưng bày tại các cửa hàng), rồi sau đó nó cười toe toét, tự tin, nụ cười mà mỗi lần xuất hiện cho cảm giác mẹ đã tha thứ cho con chuyện con đã làm mẹ thất vọng khi chào đời.
Tuy nhiên, nụ cười này không xuất hiện. Trái lại, Myszka bặm chặt môi, như khi đang tật trung cao độ.
- Myszka … - Ewa lo lắng nhắc lại, đặt lòng bàn tay vào trán con gái. Trán lạnh. Nhưng hai mắt con vẫn nhìn không phải vào mẹ, mà xuyên thấu qua mẹ, tựa hồ Ewa trong suốt vậy.
Ewa cầm lấy tay con gái, cố nhấc bổng con lên, bắt con phải dậy. Nhưng tay con gái nặng trịch, không nhúc nhích. Ewa thả ra thì nó rơi bịch xuống chăn.
- Con bị ốm rồi! – người mẹ thốt lên, chộp lấy điện thoại.
- Cháu không nói năng gì hả? nhưng không sốt chứ? – bác sĩ hỏi – Nó có ho không? có bị sổ mũi không? không…khó thở? Không..tất nhiên tôi sẽ đến, nhưng không có gì phải vội đâu. Qua mô tả của chị tôi thấy không có vấn đề gì. Hầu như cháu chẳng bao giờ nói năng, đúng không?
Ewa muốn thét lên “Ông nói cái gì mà vô lý như vậy hả? đây là đứa trẻ nói nhiều nhất trên trần đời! chỉ có kẻ ngu mới không biết trò chuyện với nó!” thế nhưng thay vì nói vậy chị nhắc lại, nhấn mạnh rằng theo chị, Myszka nom rất khác thường.
- Nếu không phải là ốm thì là gì nào?
- Trẻ em tật nguyền thường hay trở chứng. Trường hợp con gái của chị, ngoài bệnh Down lại còn bị một vết đen trong não nữa. Cho nên cháu thất thường là phải – Bác sĩ đáp để người mẹ yên tâm, ông nói thêm – Độ hai hoặc ba giờ nữa tôi sẽ đến. Hôm nay tôi có ba cuộc thăm bệnh khẩn tại gia, và ba người khách đang đợi. Cho tới lúc đó sẽ không có chuyện gì xấu xảy ra đâu, chị yên tâm đi. Tạm biệt…
“Não bị một vết đen nhỏ”, Ewa nhớ lại. Có thể là u não, là phồng động mạch, hoặc gì đó nữa chăng? nếu là phồng động mạch não thì chỗ phồng đó bị vỡ chăng? nếu vậy thì bé phải bị ngất chứ - Ewa thấy yên tâm, khi lục lại trong đầu những kiến thức cẩm nang của mình. Lúc này Myszka đã bất tỉnh, nhưng khác (“con gái thông minh khác, khéo léo khác, thậm chí bất tỉnh khác “, Ewa cay đắng nghĩ).
Myszka nhìn nhưng không thấy. Hoặc nhìn thấy cái gì đó khác, chứ không phải Ewa cho dù người mẹ đang cúi xuống mặt con, nhìn chằm chằm vào đôi mắt bị mai mi dây che khuất và nếu có ai đó đứng bên thì chắc người này sẽ nghĩ rằng con đang đáp lại cái nhìn của mẹ. Thế nhưng Myszka không cử động và không hiện diện nữa rồi.
Ewa chẳng còn biết làm gì ngoài việc chờ bác sĩ.
Tay cầm mảnh giấy có ghi địa chỉ, Adam loanh quanh trong khu phố thời thơ ấu của mình. Ra đi từ lúc bình minh, khoảng tám giờ sáng anh đã tới nơi này.
“Mình chẳng còn nhớ gì cả” anh lo ngại, quan sát chung quanh “Tại sao mình lại không nhớ những con phố ấy, những con hẻm ấy, những mảnh sân ấy, nơi mình đã cùng bạn bè chơi bóng hoặc trốn tìm?”
Adam không mang theo bản đồ, vì tin vào trí nhớ của mình. Còn bây giờ, tại thành phố chôn rau cắt rốn của mình, anh đang đi theo sự chỉ dẫn của những người đi đường tình chờ anh gặp và phải sau một giờ đồng hồ Adam mới tìm thấy ngôi nhà gạch tiêu điều, xây từ hồi trước chiến tranh. Khie leo lên các bậc cầu thang, Adam có cảm giác anh đang nhận ra ngôi nhà này, cho dù không dễ dàng, làm sao Adam có thể phát hiện ra ngôi nhà xinh đẹp thời thơ ấu của mình trong ngôi nhà mục nát và hoen ố này? Anh có cảm giác mọi thứ đều nhỏ hơn và xấu xí hơn xưa.
“Chỗ này.. Nhất định chỗ này…Chỗ cầu thang này…Mình đã cùng mấy thằng bạn chơi trò nắp chai. Có điều hồi đó cầu thang không kêu cọt kẹt như thế này và trải thảm đỏ. Con chó lúc nào cũng đi theo sau mình. Con chó của mình. Lông nâu, lực lưỡng. Mềm mại và ấm áp. Mình rất quý nó. Còn bà mình hay sang ngồi lê bên nhà bà bạn gái của bà “ Adam dần dần, song kiên dịnh, nhớ lại.
Adam nhận ra cánh cửa, cánh cửa thứ hai, phía đối diện, có tấm biển kim loại như xưa, tuy mờ đục song vẫn sang trọng. Trên cánh cửa căn hộ nhà Adam nổi bật hai cái tên lạ. Chẳng có gì phải ngạc nhiên. Đó là một căn hộ rộng. Cánh cửa mà Adam nhằm tới đã ở bên cạnh. Tấm biển với hàng chữ đục nghiêng, ghi họ tên, nét chữ đầu và chữ cuối cong tớn, không thay đổi sau mấy chục năm. Vẫn những con chữ ấy, vẫn những đường cong ấy, vẫn họ tên ấy.
Adam ấn chuông. Một hồi lâu im lặng, anh đã định bỏ di, đang thất vọng và bực mình thì nghe tiếng chân người. âm thanh đặc trưng này cho phép Adam nhận ra những bước đi của một đôi chân già nua. Trong mắt thần xuất hiện bóng đen, chắc là mắt của bà già. Ổ khóa hai lần kêu lẻng xẻng, xích sắt chạm vào nhau loảng xoảng khi bà già mở hé cửa để nhìn. Hai chiếc chìa khoá không hợp thời và dây xích buộc cửa là những thứ điển hình cho người già. Họ tin vào độ an toà nó của chúng, họ đâu có biết đối với kẻ trộm thì chỉ cần một khe hở nho nhỏ là đủ. Với niềm tin như vậy, qua mắt thần, bà già quan sát người đàn ông lạ mặt, bộ dạng lịch thiệp.
- Anh hỏi ai? – bà già lên tiếng, thò đầu ra giữa dây xích và cánh cửa, còn Adam dẫu khó khăn song đã nhận ra trong bà già này người phụ nữ trung niên sung sức và luôn luôn chau chuốt thuở nào. Đang nhìn anh bây giờ là một bà già mắt mờ, mặc chiếc áo len rách, rộng thùng thình.
- Cháu đến gặp bà – Adam trả lời với thái độ lãnh đạm và lễ phép theo thói quen. Sau đó anh chợt nhớ, hồi trước mình đã rất quý bà ta cơ mà. Rất quý nữa là đàng khác. Trước khi gia đình Adam chuỷên đi, chính người đàn bà này thường hay xoa dịu những đòi hỏi khắt khe của bà Adam, khi anh đang còn là một đứa trẻ và sau đó là một chàng trai. Người đàn bà này đã nhiều lần xin cho Adam được đi xem chiếu bóng, được ra sân chơi với lũ con trai, cho dù phải chịu hình phạt học bài. Một thời gian khá lâu, Adam luôn liên tưởng học bài là một hình phạt. Sau này, khi học đại học, đầy rẫy khó khăn, Adam mới hiểu ra rằng những gì anh làm là làm cho chính mình. Không phải cho người mẹ hoặc người bố mà bây giờ anh chỉ còn nhớ mang máng, cũng chẳng phải cho bà, người mà anh không chịu vâng lời. Cháu học là học cho mình đấy. Hồi đó, bà già này đã cố thuyết phục Adam như vậy, nhưng cậu chàng đâu có tin.
- Bà Ola ơi, cháu đây, Adam đây – Adam nói dịu dàng.
- Adam? – bà già nhắc lại, không tin. Adam thấy lo, thời gian đã làm lu mờ trí nhớ của bà già, tuy vậy đôi mắt đục của bà đã nhận ra anh.
- Janek…Jasio-Adasio – bà già mỉm cười, và trong nụ cười này Adam nhận ra bà lần thứ hai.
Adam không nhớ cái tên lóng này: Jasio-Adasio. Và Janek là ai mà vừa mới nhìn bà già đã nhầm Adam với người này. Phải chăng đó là một cậu bé khác bên sân nhà bà mà có lẽ bà đã trông nom, bởi cũng như đa phần những người cô đơn, bà yêu quý con cái của người khác. Hay là bà nhầm anh với bố anh? Vậy thì bà già này cũng bị loạn trí như bà mình chăng? Và anh lại chẳng khai thác được gì…
- Vâng, cháu đây, Adas đây. – Adam công nhận (cái tên “Adas” anh chỉ biết hồi còn bé, đã từ lâu tên gọi của anh chỉ là Adam). Lúc này bà già loay hoay với dây xích sắt. Bà tránh sang một bên để Adam bước vào dãy hàng lang dài và hẹp.
- Rốt cuộc anh về thăm bà ấy hả? – bà già hỏi không một lời khai nào, còn Adam, không cần hỏi bà già nói về ai, trả lời luôn.
- Không, cháu không thăm bà, vì… - anh đang tìm trong đầu một câu nói dối nhẹ nhàng nào đó – Vả lại bà cháu có nhận ra ai đâu. Ai đến thăm bà thì bà cũng thờ ơ vậy thôi.
Bà già cười to, nhưng Adam có cảm giác trong nụ cười này chẳng có gì vui. Bà già cười rất lạ, khiến Adam nghĩ bà đang khóc. Bà đẩy chiếc ghế đẩu ra, không đợi cho khách ngồi vào ghế, bà quay lưng lôi ngăn kéo của chiếc tủ cũ. Hai bó thư dầy cộp lấy từ ngăn kéo được đặt lên bàn, một bó buộc bằng băng vải, còn bó thứ hai bằng dây chun.
- Thư của bà ấy đấy, tôi không xem nên chẳng biết bà ấy viết gì – bỗng bà già nói giọng khô khốc, thiếu thiện cảm. Nụ cười biến mất trên gương mặt bà già. Bây giờ bà nhìn Adam, cái nhìn lãnh đạm và trác móc.
- Anh đã bỏ mặc bà ấy, và chỉ có thế - bà già nói tiếp – Không bao giờ anh quý bà anh, anh không thấy hết được những gì bà đã làm cho anh. Chính nhờ có bà thì anh mới có nổi mảnh bằng tốt nghiệp phổ thông trung học, bằng không anh cũng trượt vỏ chuối như lũ bạn của anh mà thôi. Tôi biết anh đã có bằng tốt nghiệp đại học, anh lập công ty riêng, anh đã xây nhà. Và có vợ. Có con. Bà ấy viết như vậy. Bà ấy rất hãnh diện về anh đấy.
- Hãnh diện? – Adam nhắc lại theo phản xạ, để trì hoãn thời gian.
- Hãnh diện. Và bà ấy đã tha thứ cho anh, kẻ đã bỏ mặc bà mình. Đó là một người đàn bà cương nghị. Cho nên bà ấy đã cắt đứt quan hệ với anh. Anh thấy không? – bà già chỉ vào chồng thư – Bà ấy viết cho tôi, nhưng cho anh thì không. Với tôi thì bà ấy nhớ, còn với anh thì không, bà ấy làm như vậy là tiện cho anh chứ gì?
- Bà không đóng bếp ga. Quên đủ thứ. Bà bị đãng trí – Adam nói thế nhưng bà già chỉ cười.
- Tôi cũng bị đãng trí. Thoạt tiên tôi gọi anh là Jan…
- Bà nhầm cháu với người khác. Chuyện thường tình – Adam nối lời.
- Tôi đã nhầm, nhẽ ra tôi không nên nhầm như vậy – Đôi mắt mờ của bà già hết đục, tỉnh táo nhìn Adam – Còn anh không biết một Jan nào hay sao?
- Cháu có biết vài người. Cho dù bố cháu..Bà định nói là bà cháu giả vờ hay sao? Gỉa vờ là bà không biết cháu, khi cách đây mấy ngày cháu vừa đến thăm bà chăng? – Adam hỏi một cách bình thản và lạnh lùng, cho dù tự dưng anh cảm nhận trong lòng mình là một cậu bé tí hon bị quở trách.
- Tôi chẳng biết, tôi có mặt ở đó đâu mà biết – bà già ngắt lời khô khốc – Chúng tôi thường xuyên thư từ với nhau, chỉ có điều không thăm viếng nhau được. Nơi đó đối với tôi là quá xa, tôi quá già, không đủ sức để đi tới đó. Bà ấy thì quá yếu, không đủ sức để đi tới đây. Lân cuối cùng chúng tôi gặp nhau cách đây đã mười lăm năm. Thế nhưng thư của bà ấy tôi nhận cách đây mới năm ngày.
- Cháu đã đến bệnh viện ấy – Adam nói, chuyển đề tài khi không biết phải xử sự ra sao. Anh rất muốn khóc oà như hồi trước, cách đây ba mươi năm, khi bà cấm đoán chuyện gì đó, cậu bé bèn dùng tiếng khóc để gọi bà Aleksandra sang bênh vực.
- Anh bị ốm hay sao? – bà già hỏi.
- Không. Cháu đã đến bệnh viện “đó”….
Bà già nhìn Adam ra chiều thông cảm.
- Vâng, ở đó…nơi bố mẹ cháu qua đời … - Adam nói tiếp – Nơi người ta đã chở bố mẹ cháu đến sau vụ tai nạn. Thế nhưng ở đó chỉ có một bà nhân viên cũ đã nghỉ hưu còn làm việc. Bà ấy chẳng còn nhớ gì nữa cả.
- Nhưng bà ta phải nhớ cái gì vậy? – bà già hỏi.
- Cháu chẳng biết – Adam trả lời thiếu trung thực. Anh không muốn thú nhận với bà già này rằng anh đã tìm kiếm trong hồ sơ của bệnh viện những đoạn có ghi về bệnh di truyền do gien của bố mẹ bị khiếm khuyết. Chính anh cũng chẳng biết đó là gì. Những dấu vết. Những vết tích của loại nhiễm sắc thể của mình.
- Bà nhân viên này chỉ nhớ được một điều, sa uvụ tai nạn người ta đã chở đến bệnh viện ba người. Bố mẹ và …một nạn nhân tình cờ của vụ tai nạn. Liệu có khả năng như vậy hay không? hình như đó là một đứa bé? Bà cháu có nói điều này với bà hay không? có phải đứa bé này tự ngã vào xe, có phải bố mẹ cũng.. – Adam ngừng giây lát, đoạn nói tiếp – Có phải đứa bé chết là tại lỗi của bố mẹ cháu?
Đôi mắt nâu lại nhìn cảnh giác, không còn mờ đục như lúc nãy nữa. Bà già hít thở mạnh:
- Sao lại là “một đứa trẻ nào đó”. Có lẽ anh không muốn bảo rằng…
Bà già ngừng rồi nhìn Adam như là người lần đầu tiên bà gặp. Bỗng nhiên nét mặt bà giãn ra, mềm mại và bà hỏi dịu dàng:
- Bà của anh không nói với anh chuyện đó hay sao? Chưa bao giờ hả? ngay cả khi anh đã là một người lớn?
- Chuyện gì cơ? – Adam hỏi lí nhí trong họng, cảm thấy anh sắp được nghe điều mà lẽ ra anh đã phải biết từ lâu, mà không, điều mà anh luôn luôn biết, có điều không thích ghi nhớ. “Mình phải rời khỏi nơi này, trước khi bà già sẽ nói điều gì đó làm mình sợ”. Adam sốt ruột nghĩ, thế nhưng anh lại đứng im, căng thẳng.
- Người anh ruột của anh… Anh không nhớ anh mình hay sao? Thế mà tôi cứ tưởng, anh rất yêu anh mình – bà già nói.
Căn phòng yên lặng. Một thứ yên lặng cho cảm giác thời gian ngừng trôi và không định trôi tiếp nữa. Adam nhắm hai mắt rồi lại mở mắt ra, quan sát quanh nhà, nơi biết bao lần anh đã sang chơi một mình hoặc đi cùng bà, mà chẳng phải chỉ đi cùng với bà… “Còn một người nữa cùng đi với mình. Luôn luôn như vậy. Lúc nào cũng có người này”. Adam lại nhắm mắt, và bỗng trong đầu anh hiện lên hình ảnh rõ mồn một: bố mẹ đi ra khỏinhà, để đi chuyến đi cuối cùng. Cùng đi với bố mẹ có con chó lông nâu lực lưỡng…”Không phải. Không phải con chó…”. Đó là đầu óc của anh biến tạo vật này thành con chó. “Làm vậy để dễ quên…” con chó nâu lông xù, con chó đáng yêu. “Lông nâu, xoăn và chiếc áo khoác nâu lông tơ…con gấu con…đáng yêu..”.
- Adas…Anh còn nhớ, đúng không nào? – bà già nhắc, nhưng Adam đã biết, đó là người anh tám tuổi của mình, là Adas. Người anh yêu thường được mệnh danh là con gấu con. Anh tai cùng với mình thường hay sang chơi nhà này, mình luôn luôn nắm chặt tay anh…Anh mình muốn vậy, còn mình thích...” Adas lớn hơn ba tuổi, có điều Adam, tức janek, dù mới lên năm, nhưng là người em khôn ngoan hơn anh và luôn chăm sóc anh mình. Adas có đôi mắt xếch tật nguyền, nụ cười mềm yếu, tự tin. Chính Adam đã dạy Adas cách buông tay ra khi đặt ly sữa lên bàn, làm thế nào để nói trọn một câu, tự mặc áo lông và buộc quai giày, xếp hình và làm bánh ga tô bằng cát. Vì yêu quý anh Adas mà Adam đã đánh thằng bạn dám gọi trêu anh mình là “thằng đần”, và cắn vào chân chị láng giềng khi chị này vì bênh đứa con trai độc nhất của mình mà bảo rằng “người đần là người tật nguyền, cho nên thằng bé không biết nghĩ xấu đâu”.
- Adas không tật nguyền, chính cô mới là người đần! – lúc đó Adam dậm chân, thét to, còn bố tóm lấy con trai ngoài cầu thang, lôi xềnh xệch về nhà.
- Con bình tĩnh lại đi – bố dỗ cậu con trai – bố mẹ biết Adas thông minh, tình cảm và tốt bụng. Bố mẹ biết như vậy, thế là đủ rồi.
Bỗng nhiên trong tai Adam vang lên những lời đối thoại lúc nô đùa với anh mà bây giờ sau bao năm tháng, ngân vang với đầy đủ mọi thang âm. Đây là khúc giao hưởng song tấu của anh em nhà Adam: giọng của người anh yêu quý, Adas, yếu mềm, lúng búng, nhưng luôn dễ hiểu (đối với Adam) – và giọng của chính Adam.
- Aaasio…lại đây, lại đây…
- Chúng mình chơi trò được không, Adas?
- Lại đây, lại đây …aasio…
Chính Cây Sồi Góa Bụa đã nói với Adam bằng hai thứ giọng như thế, thế nhưng anh, Jasio-Adasio, không muốn ghi nhớ những giọng nói đó,ngay cả nghe cũng vậy. Một Adas thật, đang sống trong Adam, cho dù đã chết bi thảm, đã nhập hoàn toàn vào Adam đến tận ranh giới của sự huỷ diệt, đã là của anh tới độ bị ném ra khỏi trí não. Và không phải tại tật nguyền cảm xúc và tổn thương trí tuệ, mà là vì đau khổ.
Một lần nữa Adam nhìn thấy trước mắt mình cảnh ấy. Cả ba người cùng ra đi. Từ cửa sổ hé mở của nhà mình, anh nhìn theo họ. Adas có mái tóc đen, dầy, mặc chiếc áo khoác lông gấu màu nâu. Adam vẫy tay, chào người anh được mẹ dắt. Mẹ mỉm cười trìu mến với Adam, còn bố gọi to “Janek, con nhớ chăm sóc bà nhé! Tối mai bố mẹ và anh sẽ về thôi!”
Cả ba không bao giờ trở về nữa.
Bỗng Adam nhớ lại bố mẹ và anh mình đến đó để làm gì. Tháng nào họ lại chẳng đến đó! Tại bệnh viện tỉnh lẻ bé nhỏ này có một bác sĩ nhi khoa rất chịu thương chịu khó, đã luống tuổi. Ông có một đứa con trai bị bệnh Down, chính ông đã tìm ra được một số phương pháp hữu hiệu dạy cho trẻ em bị Down thích nghi với cuộc sống bình thường. Bố mẹ cùng Adas đi gặp ông ta, hỏi ý kiến của bác sĩ vê những tiến bộ đã đạt được và học tiếp những bài tập nhọc nhằn.
Bỗng nhiên trong đầu Adam vang lên cuộc trò chuyện của bố mẹ mình – cuộc trò chuyện mà anh nghe trộm được ngay trước chuyến đi bi thảm – cuộc trò chuyện mà anh đột nhiên nhảy vào với cái dà trẻ con;
- Mai kia, khi không có chúng ta thì Adas sẽ sao đây? – bố hỏi.
- Em cũng chẳng biết nữa. Em thường không chợp mắt nổi mỗi khi nghĩ tới chuyện đó. Nhiều đêm em thấy chiêm bao về chuyện này – giọng buồn, du dương của mẹ nói vậy.
Adam chạy vào phòng của bố mẹ, hét to “Không, không! không bao giờ không có bố mẹ! lúc nào cũng có bố mẹ! lúc nào cũng có!” nhưng sau đó, chấp nhận điều không tránh khỏi, Adam nói giọng chắc như đinh đóng cột của một đứa trẻ:
- Không bao giờ con bỏ rơi anh Adas. Anh Adas sẽ ở với con.
bây giờ từ viễn cảnh bốn mươi năm, Adam đã hiểu rằng bố mẹ tin mình, rằng anh đã giải thoát cho bố mẹ khỏi nỗi lo lớn nhất, kinh khủng nhất. Rằng bố mẹ hoàn toàn tin tưởng vào anh, đứa con trai lên năm tuổi, đứa con tai đã tự hứa sẽ chăm sóc anh mình, không rời bỏ anh cho đến chết, hứa xoá bỏ hình ảnh tang thương của trại đặc biệt và sức cô đơn đau khổ của người anh trai.
- Jasio…Adasio..lại đây, lại đây …Chúng mình chơi với nhau… - Adam thốt lên nho nhỏ với chính mình, gọi về tuổi thơ ấu của mình. Đó là tuổi thơ đẹp và sung sướng. Cũng nhờ có Adas.
Trước lúc lên đường, Adas đã nói gì với em mình?
- Aaasio, anh sẽ..về…
- Và anh đã về.
Lần đầu tiên bà gọi Adam là “Adas” là khi nào? Phải chăng ngày hôm sau khi và từ bệnh viện xa xôi này trở về, nơi bà đã phải nhận dạng thi thể của ba người? hay là nhiều ngày sau đó? Anh không nhớ. Anh chỉ nhớ anh tiếp nhận điều này không một lời cự nự. Khi lại nghe cái tên này, Adam có cảm giác Adas vẫn còn đng sống trong anh. Cho nên anh không phản đối.
- Tại sao bà lại làm như vậy? – Adam hỏi, nhìn bà già đang ngồi bên chiếc bàn. Bà già mỉm cười:
- Tại sao bà của anh lại gọi anh là “Adas”? tại sao bà lại tước mất của anh cái tên thật, còn bệnh viện kia bà đã nói dối? phải chăng trong Adas đã qua đời bà nhận ra anh, và bà tuyên bố rằng Janek đã chết rồi? tại sao bà lại làm như vậy … Không bao giờ bà tiết lộ cho tôi biết tôi chỉ có thể ức đoán mà thôi. Những người phụ nữ mạnh mẽ, có tính cách, có nhân phẩm…còn bà anh thế nay..những người phụ nữ như vậy rất yêu những con vịt con xấu xí từ những con thiên nga mà ra. Họ yêu nhiệt thành những con chim non què quặt, những cô gái phận hèn – bà già kiêu hãnh nói – Cho nên anh chớ lấy làm lạ, bà anh đã yêu Adas hơn anh rất nhiều. Đừng nghĩ xấu về bà trong chuyện này.
- Vâng – Adam trả lời và nhìn thấy hình ảnh xưa: một cậu bé béo ục ịch, dị dạng, tóc nâu, xoăn, mặc chiếc áo lông màu nâu. Người anh nhỏ yêu quý của anh. Adam lại nhớ tới cái nhìn cuối cùng dưới đôi mi dày dị tật và nụ cười e lệ. “Con gấu của cả nhà, con gấu Misa Lông tơ của cả nhà”, như mẹ vẫn thường nói, cho dù Adas chậm chạp, nặng nề và tự tin như gấu Misa trong truyện tranh và cũng như Adas, chú gấu này được “tất cả các thú vật trong Rừng” yêu quý.
- Bà muốn cứu vớt sự tồn tại của Adas – bà già nói – Cho nên bà gắn hai anh em thành một. Gán cho anh cái tên Adas, bà đinh ninh rằng làm vậy là bà đã ban cho Adas một thân hình lực lưỡng, khoẻ mạnh, đầu óc thanh thoát, lưu giữ tâm hồn và sự nhạy bén của cháu mình. Từ hai anh em nhà1 anh bà đã tạo ra một người. Và bà yêu anh ấy gấp đôi.
Bà già im bặt. Adam cũng im lặng, anh chỉ đau lòng bởi ý nghĩ “Adas hứa sẽ trở về. Anh đã về. Thế mà mình lại ruồng bỏ anh”
- Cháu xin lỗi…Cháu đang vội – Adam bất thình lình nói, bật khỏi chiếcghế làm nó đổ lăn quay. Anh vội vàng đặt chiếc ghế trở lại một cách vụng về.
Bà già chăm chú nhin Adam.
- Cháu không có thời gian – anh nói vội, nói với chính mình hơn là với bà già – Cháu sẽ đến thăm bà ngay..tức là bà cháu…cháu sẽ đưa bà cháu về nhà…Cháu sẽ đưa bà cháu đến thăm bà, được không? thú thật là cháu không có thời gian..Xin bà đừng giận cháu…
Bà già với vẻ thông cảm nhìn Adam. Không một lời nào, bà già đóng sầm cánh cửa sau lưng anh, tai nghe thấy tiếng nện chân trên các bậc cầu thang. Adam chạy rất nhanh và nện gót rất mạnh, như có thời chú bé Janek đã chạy trên cầu thang này. Trong giây lát bà già có cảm giác vẫn còn nghe dư âm của những bước chân khác. Những bước chân chậm rãi,thận trọng của chú bé Adas. Một chân từ từ thả xuống bậc dưới của cầu thang, rồi chân thứ hai, lê theo một cách chậm chạp và e ngại. “Túp túp..túp túp…túp túp…” Bà thích thứ âm thanh này.
Bác sĩ trì hoãn việc chẩn đoán.
- Phổi sạch…Không sôt.Hay là não có vấn đề? – bác sĩ do dự nói – chúng ta hẵng đợi một hai ngày cho đến khi rõ bệnh tình. Không thể kê đơn thuốc cho căn bệnh mà chúng ta chưa biết.
- Còn nếu như nguyên nhân là vết đen nhỏ ấy thì sao? Nếu như nguyên do là, chẳng hạn, phồng động mạch não thì sao? – Ewa ái ngại hỏi.
- Một quả bom hẹn giờ trong đầu … - bác sĩ đăm chiêm – chỉ có điều con bé không bị hôn mê. Vẫn tỉnh táo, chỉ không nói mà thôi. Cháu nó cứ nhìn hoài, nó đang nhìn thấy cái gì đó, nhưng không phải chúng ta. Chúng ta không biết đó là cái gì. Mà có khi chẳng là cái gì cả.
- Chúng ta có thể làm gì được bây giờ, thưa bác sĩ? – Ewa sốt ruột hỏi.
- Đợi – bác sĩ đáp. Với trẻ em tật nguyền chẳng biết thế nào mà lần.
“Bác sĩ nói vậy chẳng qua là để gây cho mình hy vọng” – Ewa nghĩ bụng.
Bác sĩ ra về, Ewa còn lại một mình. Chị chẳng biết mình còn đợi gì nữa.
“Nếu mình cứ đợi cho đến khi con bé chết?...” Ewa nghĩ và lo sợ. Đó là nỗi sợ trước lúc Myszka ra đi, đồng thời cũng là nỗi sợ trước chính mình. Trong góc tối tăm nhất, sâu thẳm nhất trong trí não của Ewa đang ẩn náu niềm hy vọng, bắt đầu mọi thứ lại từ đầu. Và ở đó không có chỗ cho Myszka
Ewa ngồi trên giường con, hai tay ôm đầu, chị gật đầu về phía trước rồi lại hất đầu ra phía sau. Và chờ đợi. Chờ đợi điều sẽ xảy ra, và chờ đợi phản ứng của chính mình, phản ứng mà chị cũng chẳng biết, đó sẽ là phản ứng như thế nào.
Myszka cũng đợi. Sự bất động đã xâm chiếm toàn thân cô bé, khi lúc gân trưa cô bé mở to hai mắt và ra bộ cảm nhận như bình thường. Bằng cách như vậy thân xác của bé muốn vĩnh biệt ngôi nhà mà lâu nay bé sinh sống. Cô bé chỉ còn đụng chạm ngôi nhà bằng trí não. Bé nhìn và bé nghe mẹ, bé hiểu những lời mẹ nói với bác sĩ. Nhưng bé cũng đang nghe ngóng khi nào mình được gọi đi.
Đợi được gọi đi, cô bé cảm nhận, không có bố ở nhà. Bé luôn luôn biết, khi nào có bố, khi nào không, ngay cả khi bố khoá trái cửa ở trong phòng một mình và làm ra vẻ bố không hiện diện ở đó. Còn bây giờ, đích thực không có bố ở trong phòng. Myszka sợ bố không còn kịp chạy đến với mình và dừng lại.
Rồi sau đó bé linh cảm rằng bố sắp đến rồi. Không còn xa nữa. Bố đang chạy.
Adam đậu xe trên bãi cỏ, lao vào nhà. Ngôi nhà chìm trong bóng đêm. Anh lạch cạch mở cửa, chạy qua tiền sảnh. Lần đầu tiên Adam có cảm giác sao hôm nay tiền sảnh lại rộng và dài đến thế. Cả ngôi nhà như to hơn, dài ra, như định ngăn cản anh đi đến đích.
Tại cửa phòng ngủ, anh va mạnh vào người Ewa. Adam nghĩ một cách vô lý là Ewa chặn đường anh, thế nhưng người vợ nói.
- Myszka đang ốm…
- Không. Không phải. Không phải bây giờ, không thể như vậy được – Adam nói vội vàng – chúng ta gọi bác sĩ…những bác sĩ giỏi nhất…
- Con đang hấp hối… - Ewa thốt lên nho nhỏ, với sự thụ động lạ lùng – Em đã biết như vậy rồi. Anh hãy im lặng, cho con ra đi…
Adam mạnh tay gạt vợ sang một bên, đến nỗi Ewa bị hất văng vào tường, đứng bất động tựa lưng vào đó, còn Adam lao thẳng vào chiếc giường đại. Anh chợt nhớ cái ngày chính anh đã chọn mẫu giường này trong katalog: rộng khổ, đầu giường cao, chạm trổ công phu. Bây giờ chiếc giường rộng đến nỗi (“cái gì mình cũng chọn quá cỡ” anh nghĩ), thoạt tiên Adam có cảm giác là giường trống không. Sau đó anh nhìn thấy một dáng nhỏ trong chăn, tóc xoăn, đen, bết mồ hôi. Đôi mắt xếch không nhìn thấy gì của Myszka đang nhìn Adam.
Anh ngồi lên mép giường, sợ chạm tay vào Myszka. Ewa lặng lẽ đứng đàng sau.
- Anh phải làm gì bây giờ hả em? – Adam hỏi, bất lực.
- Chẳng làm gì cả - Ewa đáp (“bây giờ thì chẳng thể làm gì được nữa rồi”, chị nghĩ).
- Bác sĩ nói thế nào? Ông ta phải nói gì chứ?
- Bác sĩ bảo rằng những đứa trẻ như nó ra đi trước khi – Ewa trả lời.
- Trước khi thế nào? – Adam hét lên.
“Trước khi anh kịp yêu con”, Ewa nghĩ thầm, không nói năng gì chỉ chăm chú nhìn Adam.
- Con gái sẽ khỏi bệnh, và phải khỏi bệnh, khi đó chúng mình sẽ sửa chữa tất cả. Một lần nữa chúng ta làm lại từ đầu.
“Để có đầu thì trước đó phải có cuôi”, Ewa nghĩ, hai mắt vẫn nhìn Adam. Chị đồng cảm với chồng.
- Việc sửa chữa chỉ có độc một hướng – Ewa nói nhỏ.
- Em biết không… Anh đã có một người anh tật nguyền, bị bệnh Down… - Adam nói nhỏ, đứt quãng.
“Chính anh bị tật nguyền, chứ không phải anh của anh. Anh, chứ không phải Myszka” Ewa nghĩ.
- Khi con gái chào đời, anh đã bị thất vọng, nhưng … - Adam bắt đầu và lại bị đứt quãng.
“nhưng rốt cuộc chính con gái đã thất vọng vì anh”, Ewa tiếp tục nói thầm.
Myszka hấp hối suốt một ngày dài. Thoạt tiên bé không nhìn được nữa. Lần đầu tiên bé cảm nhận được gần bố - bây giờ bố không còn vội vàng đi đâu nữa cả, bố không còn trốn chạy, mà đang ngồi trên giường của con gái, có điều con gái không thể nhìn thấy bố được nữa rồi.
Sau đó Myszka không thể nghe được nữa. Không thể nghe được giọng mẹ, giọng bố ngay cả những tiếng sột soạt trong phòng cũng không. Cái im lặng nơi bé đang nằm sao mà ghê rợn.
Tuy nhiên khi nỗi sợ lên đến đỉnh điểm, bé nghe thấy Giọng nói. Vẫn là Giọng nói hàm chứa nỗi cô đơn vô bờ bến, Giọng nói trước đó đã hỏi, không đợi trả lời, còn tiếng vang của sự nghi ngờ của Ngài vọng lại bất lực từ thân cây trong Vườn. Giọng nói hàm chứa sự nghiêm khắc của một người đàn ông chín chắn, sự dịu dàng du dương của một người đàn bà, tiếng phì phì đa nghĩa của Rắn, tiếng thở sâu, âm áp của gió trời.
- Lại đây với ta, Myszka.
- Con đi đây – Myszka ngoan ngoãn đáp, không mở miệng – Thế nhưng nơi Ngài định mang con tới sẽ không óc bố và mẹ con.
- Tình yêu chẳng cần mang tên – giọng nói ngân vang và nồng ấm đáp.
- Thế nơi con đến với Ngài có gì nào? – Myszka hỏi.
- Phòng áp mái, sau đó là Vườn – giọng nói trả lời nghiêm túc và hết mực chuẩn xác.
- Có thật không? – Myszka hỏi lại cho chắc chắn, vì bé không sợ phòng áp mái, còn Vườn thì đẹp, dù hơi nhỏ bé.
- Đúng, ở đó sẽ có Phòng Áp Mái với màn đêm tăm tối của nó, và tất thảy mọi nỗi sợ hãi của thế giới này -0 giọng nói trả lời nghiêm khắc.
Myszka hoảng hốt, nét lo ngại hiện rõ trên gương mặt của bé.
- Hình như con gái đang sợ cái gì đấy – Adam đau khổ nói.
- Sự ra đi luôn luôn kèm theo nỗi sợ - Ewa thì thầm.
- Ở đó sẽ có phòng áp mái với tất thảy mọi bí ẩn, ước mơ và sự tuyệt diệu của thế giới này. Ở đó sẽ có mọi câu trả lời và những câu hỏi hoàn toàn mới – giọng du dương, nồng ấm nói.
- Con mà nêu ra tất thảy mọi câu hỏi, thì liệu con có nhận được mọi câu trả lời – Myszka lo ngại hỏi.
- Ha! ha! ha! con cứ thử xem…KHông làm vậy được đâu. Các câu hỏi và những câu trả lời không có Đầu và Cuối, chúng chỉ có khúc Giữa – giọng nói cười một tràng dài.
- Con mà đi vào mọi ngóc ngách của Phòng Áp Mái và toàn bộ ngôi Vườn thi sao? – Myszka hỏi.
- Các phòng áp mái không có Cuối giống như những điều bí ẩn và những điều mơ ước là vô cùng tận, nỗi sợ hãi là vô cùng tận – giọng nói kéo dài đáp.
- Con không muốn sợ nữa đâu – Myszka thỏ thẻ.
- Đừng sợ Myszka, sẽ có lần con tìm thấy một Phòng Áp Mái, nơi không có gì khác ngoài tình yêu – giọng nói du dưong an ủi cô bé.
- Thế còn Vườn… - bé nói tỏ ý lo ngại – vườn nhỏ như thế và chỉ có khúc Đầu.
- Bây giờ ta cho con xem toàn bộ khu Vườn, chứ không phải chỉ có một mảnh tạo ra dành riêng cho con. Ta sẽ cho con thấy rất nhiều khúc Đầu và toàn bộ khúc Giữa – giọng nói lại đáp dịu dàng.
- Thế còn khúc Cuối? – Myszka hỏi.
- Vườn của ta không có khúc Cuối – giọng nghiêm nghị không chút phân vân.
- Thế thì hay lắm – Myszka vui mừng.
- Em ơi, con gái cười kìa – Adam khẽ thốt lên.
- Phải chăng chỉ có chúng ta cảm thấy sự ra đi là khủng khiếp? phải chăng những gì còn ở lại làm anh tột cùng đau khổ? – Ewa nói. Adam áp bàn tay to lớn của mình vào bàn tay mảnh mai của vợ. Ewa nắm chặt tay chồng. Hai vợ chồng ngồi bên mép chiếc giường cưới của mình, cả hai cùng sợ chạm vào người con gái, cứ như cái đụng chạm này giục con đi nhanh, thay vì giữ con nán lại cõi trần.
“Mình đụng vào con và hoá ra là chưa bao giờ có nó” Ewa thầm nghĩ.
“Mình đụng vào con, nó sẽ chạy thật xa, nó sợ mình ở bên nó, điều nó chưa tận hưởng bao giờ” Adam nghĩ, không dám cầm lấy bàn tay con gái.
- Ta cho con xem cái này – giọng nói bất thình lình cất lên, không có cái dịu dàng của đàn bà và sự nghiêm khắc của đàn ông. Bây giờ Giọng là Giọng của mọi tiếng nói, Giọng của tất thảy mọi thứ.
- Xin Ngài cho con xem, Ngài tạo ra thế giới như thế nào? – Myszka hỏi với niềm hy vọng.
- Không thể cho xem việc này được đâu – Ngài đáp.
- Thế thì cái Ngài đã cho con xem và cái Ngài vẫn tiếp tục cho con xem là gì nếu không phải là tạo dựng? – Myszka ngạc nhiên.
- Cái đó… - giọng nói do dự - Cái đó khác. Là cái chỉ dành cho con, cái ta ban cho các con bé nhỏ của ta, để chúng không cảm thấy cô đơn. Còn bây giờ con hãy bước vào Vườn đi, Myszka…
Như mọi khi, Myszka sung sướng bước vào Vườn, nhưng bé có cảm giác bé sẽ ở lại đây mãi mãi.
- Con nhìn kìa… - giọng nói quen thuộc đối với cô bé ngân vang.
Myszka quan sát chung quanh. Đây không phải là ngôi vườn, nơi mẹ có thể thay đổi hình ảnh bằng điều khiển từ xa của tivi. Không còn có thể làm cho màu sắc của vườn sáng thêm hoặc tối bớt, không thể sắp đặt ngôi vườn, như những câuđố, từ những mảnh hình mà bé được xem ở dưới nhà, và tình cờ nhớ lại. Đã không thể tác động vào các gam ánh sáng của vườn và sắc màu của cỏ cây. Đây đã là ngôi Vườn của Đức Chúa Trời mà không một từ ngữ nào khả dĩ miêu tả nổi. Trong ngôi vườn này không có những cây táo, cũng như bất kỳ loại cây nào khác. Ngài chính là cây. Không có quả màu nhiệm tạo nên những biến hoá diệu kỳ. Bản thân Ngài llà sự biến hoá diệu kỳ. Không có con suối nhỏ khi Ngài chính là nước. Không có Adam và Ewa khi Ngài đồng thời là tất cả mọi người – và là sự phủ định họ. Ngài tạo ra con người giống mình, khi Ngài không giống bất kỳ thứ gì. Trong Vườn không có ánh sáng, cũng không có bóng, khi chính Ngài là ánh sáng và là bóng.
- Lại đây Myszka, ta cho xem cái này – Ngài nói.
Myszka tự tin bước theo sau Ngài vào sâu trong vườn – không vườn. Đàng xa xuất hiện cái gì đó mờ mờ ảo ảo, lúc hiện, lúc ẩn trước mắt cô bé. Không, không phải cái gì đó…mà là người nào đó. Vô vàn những sinh linh. Đang nhảy múa.
- Quà của Chúa – Rắn nói, giọng ngân vang.
- Đúng, đó là Quà của ta – giọng đàn bà du dương đầy thương yêu khẳng định.
- Tại sao Ngài lại gọi chúng là “Quà”? – Myszka lấy làm lạ - Đó là những đứa trẻ bình thường đấy chứ…
- Không bình thường đâu – Rắn phì phì.
- Chúng là Quà, khi người được ban có thể nhận hoặc từ chối – giọng nói nghiêm trang đáp.
Myszka bước lại chỗ đám trẻ em đang nhảy múa và ngắm nhìn.
Trong đám đông thấy một cô gái thay vì hai chân chỉ có hai đùi cụt lủn, thế mà cô bé vẫn nhảy đẹp chẳng kém gì các vũ nữ chân dài. Một cậu bé đầu to đùng, một cái bướu nhô lên ở giữa lưng, di chuyển bằng đôi chân mảnh mai của chú lùn. Một cô bé, thay vì cái mũi, có một lỗ sâu ở giữa mặt, đầu phình to lên trên như quả bóng bay, môi vẩu, đang cười. Trẻ em khuyết tay, khuyết chân, trẻ em không cơ quan sinh dục, hoặc bìu to, trẻ em câm, điếc, không tự đi lại được. Trẻ em bị quẳng ra khỏi hang đá thời cổ đại, chỉ thấy loáng thoáng thân thể dị dạng của chúng sau khi ra đời. Trẻ sơ sinh thời trung cổ, gọi là con của ác quỷ và bị thiêu sống. Trẻ em bị các bà mẹ dìm chết như dìm mèo con khi mẹ chún gốm sứ bóng ma phù thuỷ và trẻ em tật nguyền, lang thang như những con quái vật tại các chợ của các thành phố và thị trấn trên toàn thế giới. Những đứa trẻ mặc dù dị dạng song gặp vận may khi được đóng các vai kề bên những người to cao hơn mình rất nhiều. Những toán trẻ em mà trên cơ thể của chúng người ta đã tiến hành các thí nghiệm, nghiên cứu sự biến dạng hình thành như thế nào và cần tránh điều gì khi tạo ra con người hoàn hảo. Trẻ em bị nhốt trong chuồng ngựa, tầng hầm, buồng kín để che mắt thiên hạ, chúng sống trong bóng tối triền miên và bị cô lập với thế giới bên ngoài. Trẻ em suốt đời sống trong các khu trại kín cổng cao tường, không được gặp bố mẹ. Hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn con nhộng mãi mãi giam hãm trong mình những chú bướm với những đôi cánh kép, muôn màu.
Tại đây, trong Vườn, tất cả các đứa trẻ này đều nhảy những cảm xúc của chúng lọt qua lớp áo giáp vô hình của cơ thể bay vòng vèo lên cao, nhẹ hơn hơi thở. Myszka cảm nhận hoàn toàn những xúc cảm đó, bé nghe được và hiểu được.
- Cậu là ai? – Myszka hỏi một sinh linh đang nhảy múa gần đó.
- Nói chung chẳng có tớ đâu, chưa bao giờ tớ ra chào đời cả đâu. Mẹ tớ nhìn thấy khi tớ bé xíu bằng bàn tay mẹ và mẹ đã chặn đường không cho tớ làm người –một chú bé có các ngón tay và ngón chân dính liền nhau, dị dạng, trả lời – Mình ghen với các cậu đó, vì các cậu đã được thấy trần gian. Tớ rất thèm được ở đó cho dù trong chốclát và đau khổ…
- Đau khổ, đúng, ở đó đau khổ - một cô bé khẳng định, vỗ những mẩu tứ chi như chim vỗ cánh – Thế nhưng ở đó có rất nhiều cái để xem và vô vàn tình yêu. Tớ đã được yêu thương ở đó! – Bất thình lình cô bé hát vang khắp Vườn-Không-Vườn – tớ được yêu thương! Được yêu thương!
- Tớ thì bố mẹ không thích – chú bé chân lùn, đầu to, nói – bố mẹ tớ mang tớ lại một trại đặc biệt và tớ đã ở đó suốt đời. Thế nhưng sự đã được ngắm nhìn thế giới qua cửa sổ, ngắm những con người khác tớ, ngắm bầu trời, không xanh như bầu trời ở đây, nhưng ngày nào cũng đổi khác. Và bây giờ tớ nhớ những cảnh vật đó, cho nên tớ đã biết thế nào là nỗi nhớ. Vì nhớ mà tớ rất muốn xuống thăm trân giới.
- Người ta đã nhốt bọn mình trong cũi sắt, chở đi hết thành phố này đến thành phố khác và thu tiền của người xem. Thiên hạ cười và hoảng sợ, bù lại bọn tớ được thăm thú rất nhiều nơi và thấy rất nhiều hiện tượng rất ngạc nhiên – Trái đất đẹp – Cặp chị em song sinh dính liền nhau, dị dạng, đầu to quá cỡ, nghiêng về hai phía, đồng thanh nói.
- Tớ muốn được sống, cho dù đó là cuộc sống kinh khủng, vậy mà người ta vẫn không cho. Tớ sinh ra trong thời kỳ khi người ta hỉ cho những đứa trẻ lành lặn được sống mà thôi. Tớ ghen với cậu đấy Myszka ạ. Cậu được ở dưới trần tám năm ròng – một chú bé không có cổ, đầu nhỏ xíu, mọc thẳng từ cái gáy to đùng, nói.
- Bọn tớ ghen với cậu đó, Myszka..Cậu được chiêm ngưỡng bao nhiêu là thứ …Cậu từng trải nhiều…Cậu được yêu thương.. – những đứa trẻ là Quà của Chúa sống rất ngắn ngủi dưới trần hoặc không hề được nhìn thấy mặt đất, cùng hát.
- Mỗi giây dưới trần giới đáng nhớ hàng triệu năm – những đứa trẻ khác ngân nga, nhớ lại thời mặc dù đau khổ nhưng là bằng chứng chúng đã từng được sống.
Những món Quà của Chúa nhảy múa, mừng cuộc đời ngắn ngủi chúng đã có dưới trần, những cảm xúc, tuy ngắn nhưng thật, những cảm xúc chúng đã nếm trải – tình yêu, căm giận, chấp nhận hoặc chối bỏ, cô lập hoặc cô đơn, bị vây bọc bởi những cái nhìn, sự hiếu kỳ một cách lạnh lùng hoặc sự xót thương quá thái, đôi khi dẫu rất hiếm, chúng thờ ơ chấp nhận sự khác biệt của mình. Con bướm náu mình trong con nhộng của cơ thể chúng bất lực khi muốn vỗ đôi cánh vô hình đối với con người, đôi khi có ai đó vuốt ve đôi cánh cụp vĩnh viễn của con bướm này, và đó là khoảnh khắc những món Quà của Chúa nhớ lâu nhất. Một số trẻ em khác nhảy múa để bỉêu lộ sự tiếc nuối món quà sự sống mà chúng không bao giờ được tận hưởng, tiếc nuối cõi trần mà chúng không được biết, tiếc nuối những cảmxúc tuy chẳng tốt lành, nhưng là những cảm xúc thực, những cảm xúc chỉ có thể có nơi trần giới.
Bỗng nhiên trong đám trẻ đang nhảy múa Myszka bắt gặp một cậu bé có đôi mắt giống hệt mắt mình, miệng tròn xoe, dị dạng và có nụ cười gần gũi đến lạ lùng.
- Hình như mình quen cậu chăng? – Myszka hỏi, cầm lấy tay cậu bé.
- Đúng thế đó – cậu bé trả lời – Cháu từng luôn luôn cảm nhận bác trong người của bố cháu – cậu bé lại cười, không bạo dạn, song tự tin.
- Đúng rồi! – Myszka nói to – Đúng rồi! và cháu biết, bác là ai rồi! Bác là một phần nhỏ nhoi của bố cháu đi tìm cháu!
- Đúng thê, Myszka. Hồicòn ở dưới trần bác đã rất sung sướng khi ai cũng yêu quý bác.
- Cả bố cháu cũng vậy hay sao? – Myszka hỏi với niềm hy vọng.
- Bố cháu vô cùng yêu bác.
- Và bố cháu không bỏ chạy hay sao? – Myszka lại hỏi, nín thở.
- Lúc nào bố cháu cũng cầm tay bác. Bố cháu yêu bác như bây giờ đang yêu cháu vậy.
- Yêu cháu? – Myszka thốt lên.
- Lúc nào bố cháu cũng yêu cháu, nhưng mãi tận bây giờ bố cháu mới hay điều này.lắm khi con người ta biết được một điều gì đó khi đã quá muộn mằn – cậu bé nói, thế nhưng những đứa trẻ là Quà của Chúa chạy ùa lại chỗ hai người và cậu bé biến mất tăm ngay trước mắt Myszka. “Mình sẽ tìm được bác mình, mình tin là như vậy”, Myszka nghĩ, mừng trong bụng. “Trên thiên đàng có thể tìm thấy mọi thứ bị mất ở dưới trần”.
- Myszka à, đời đẹp lắm! nhưng cậu đừng có tiếc là đã hết đời. Mọi cá đều phải kết thúc, không chỉ mừng vui mà cả khổ đau nữa. Ở trên này cậu sẽ sung sướng vì không có khổ đau – cô bé đầu to, mặt có lỗ thủng thay vì cái mũi, động viên Myszka.
Lũ trẻ là Quà của Chúa nhảy múa. Myszka muốn nhập bọn với chúng, khi bé lại nghe Giọng nói nghiêm minh:
- Ta cho phép con được xuống dưới trần lần cuối. Xuống một lát thôi…
- Một lát – Myszka nhún nhường nhắc lại và mở to hai mắt.
Myszka nằm trên giường, chiếc chăn nặng trịch khiến bé không cử động được, người đẫm mô hôi, qua màn sương do mồ hôi chảy vào mắt, Myszka có cảm giác bé đang nhìn thấy bên trên mình không chỉ có mẹ mà cả bố.
- Bố hả? Ô – Myszka thì thầm, chẳng ai nghe nổi, khi lời thì thầm giống tiếng thở dài hơn là lời nói.
- Bé đang cười hay sao? Cười với ta chăng? – bố hỏi (hoặc Ngài, lúc này Myszka không phân biệt được bố hay Ngài nữa rồi).
- Đưa tay đây nào, Myszka – bố hoặc Ngài nói.
- Đưa tay đây nào. Chúng mình đi về thôi. Con phải dọn chỗ cho em gái con…
- Cho Em gái? – Myszka mừng, nhưng ngay sau đó bé buồn thiu – Phải chăng không bao giờ con được gặp em gái của con?
- Không bao giờ. Em con rồi sẽ ra chào đời, và sẽ không giống như con đâu mà bìn thường. Thế nhưng con đừng lo, trong Vườn con có rất nhiều anh chị em. Đi thôi, Myszka, đưa tay đây nào – giọng du dương, dịu dàng ngân vang.
Myszka tự tin chìa tay ra, bé cảm nhận cái nắm tay mạnh mẽ ấm áp.
“Bố mà cùng đi dạo chơi với mình nắm tay bố chắc là cũng y như thế này đây” Myszka nghĩ.
Lần đầu tiên Adam ôm chặt bàn tay bé nhỏ của con gái. “bàn tay Adas”, bỗng nhiên Adam nhớ lại. “Vẫn bàn tay dị dạng, các ngón tay ngắn ngủn, bàn tay mềm yếu, đẫm mồ hôi của Adas”, trong khoảnh khắc anh cảm nhận những ngón tay ngắn ngủn đang nắm chặt bàn tay to lớn của anh. “Liệu đây có phải là Adas, hay Myszka, hai trong một, người này trong người kia?” Adam nghĩ thầm.
- Myszka … - Adam thì thầm.
- Myszka. Chúng ta đi thôi – giọng nói vang lên một cách kiên quyết.
- Chúng mình đi thôi – cô bé thì thầm, không lời suy nghĩ, bàn tay ai mà to lớn, mà thương yêy, mà an toàn làm vậy.
- Ngài đang ở đâu vậy? – Myszka hỏi.
- Ta ở mọi nơi – giọng nói đáp.
- Con không nhìn thấy Ngài – Myszka lo ngại.
- Co nnhìn thấy đấy chứ.. Con nhìn kìa… Con nhìn thấy ta trong ánh sáng – bóng của Vườn này và của mọi ngôi vườn khác. Con nghe thấy ta trong tiếng ca của gió, con cảm nhận ta trong sương ẩm, trong nước mềm..Ta hiện diện dưới hạ giới, ta hiện diện trên thượng giới, ta đang ở Đầu, ở Cuối và ở Giữa…
- Con đang nhìn thấy, con đang nghe thấy, con đang cảm thấy – Myszka vui mừng, nhưng ngay lập tức cô bé hỏi ngay, khi nghĩ về bố mẹ mà bé để lại dưới trần gian – Chẳng biết bố mẹ con có buồn khi vắng con?
- Bố mẹ con đã sinh em bé khác rồi – giọng nói dịu dàng thông báo.
- Và em con sẽ thanh thoát chứ? sẽ nhanh nhẹn chứ? nó sẽ nhảy múa mỗi khi nghe tiếng nhạc chứ?
- Đúng.
- Thế bố của con thì sao? Con muốn bố con yêu con, cho dù không còn có con…
- Bố con yêu con.
- Như? – Myszka hỏi.
- Như yêu chính mình.
- Đó có phải là một tình yêu vĩ đại?
- Là tình yêu vĩ đại nhất mà con người có thể có được – giọng nói trả lời chắc như đinh đóng cột.
Myszka thở phào, suy nghĩ, xem còn cần phải hỏi Ngài gì nữa. Sau chót bé thỏ thẻ:
- Vậy còn Ngài, Ngài có yêu con không?
- Myszka này, ta rất yêu mi – Rắn phì phì.
- Thế còn Đức Chúa Trời?
- Myszka này, sao mi đỏng đảnh thế - Rắn nói nhưng Đức Chúa Trời đã trả lời bằng giọng của bố cô bé:
- Ta yêu con. Ta rất yêu con.
Và thế là Myszka ngã vào lòng Đức Chúa Trời. Bé đắm chìm trong đó, quay tròn trên các đầu ngón chân, trong vũ điệu không bao giờ kết thúc. Mùi quay mạnh đến nỗi cô bé bắt đầu biến thành một vệt màu, nhoè, lấp lánh, mỗi lúc một mờ đi. Nhảy múa trong đôi cánh tay khổng lồ, vô tận của Ngài, Myszka càng lúc càng nhẹ tênh, đến nỗi rốt cuộc Myszka nhẹ như thể chưa bao giờ có bé cả.