Người dịch và giới thiệu : Lê Bá Thự
11. Ngày thứ bảy:
ngày nghỉ

Ewa thậm chí không để ý, Adam đi khỏi nhà khi nào. Chị đã thích nghi với nhịp sống của Myszka và chấp nhận nhịp sống này. Chị vào bếp làm bữa sáng khi những người khác đã ăn sớm bữa trưa. Lúc Adam đang ở công ty, trước khi sinh Myszka, ngày làm việc của Adam kéo dài trên mười tiếng đồng hồ, việc này được Ewa thông cảm, anh kiếm tiền để xây dựng và trang bị ngôi nhà chung của họ. Anh kiếm tiền còn là để lo bảo hiểm cho con và anh đã không sao nhãng việc ký các giấy tờ bảo hiểm ngay trong ngày thứ ba sau khi sinh con gái, khi đứa con của họ đã xuất hiện trong thế giới của bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm cuộc sống. Hợp đồng bảo hiểm sẽ đảm bảo cung cấp tiền cho con gái ăn học trong tương lai tại một trường đại học nổi tiếng ở châu Âu. Có thể là ở Mỹ chăng? Sao lại không phải là Harvard hoặc Yale?
- “Ngay cả trong trường hợp việc làm ăn của anh không thuận buồm xuôi gió, hoặc bất thình lình, anh bị túng thiếu, thì hợp đồng bảo hiểm sẽ đảm bảo cho con gái của chúng ta có cuộc sống tốt đẹp” – Adam giải thích với Ewa, người đã không phản đối, không phê phán khi Adam nói quá, khi Ewa vẫn nghĩ rằng, chị hiểu và thông cảm mọi trăn trở, mọi lo ngại, mọi ưu điểm và nhược điểm của chồng. Và cả những hốt hoảng lúc đêm thâu. Trong đó điều tệ hại nhất là con của họ có thể bị mồ côi.
Hồi Adam lên năm, bố mẹ của anh bị thiệt mạng do tai nạn xe hơi. Khi Adam lớn, dưới sự chăm sóc chu đáo của bà, anh đã lường trước mọi chuyện, kể cả (hay trước đó là như vậy? những khả năng tồi tệ nhất, mà Ewa cho là xa vời, không thực tế, còn Adam thì cho là khả dĩ. Tai nạn, đột tử, phá sản…Adam chỉ không nói tới chuyện sinh đứa con tật nguyền.
Ewa nghĩ rằng trong cuộc sống đã được kế hoạch hoá một cách tối đa của Adam, khi anh đã tính trước hàng chục phương án khác nhau và không có điều gì khiến anh bị bất ngờ, thì việc sinh ra Myszka đồng nghĩa với việc sinh ra sự đảo lộn mang dáng dấp của một cơn lốc xoáy xuất hiện ở một vùng chưa bao giờ xuất hiện loại lốc này. Myszka chính là “yếu tố X”, yếu tố phá tan tất cả những gì đã thiết lập được. Myszka chính là “Người Lạ” trong phim về người hành tinh khác.
Tuy ngỡ ngàng song Ewa hiểu Adam. Chị chỉ bị nát tan cuộc đời, còn Adam bị nát tan tất cả. Anh phải tự mình đối phó, còn Ewa chẳng biết mình phải làm gì.
Mỗi khi chạm trán nhau trong ngôi nhà rộng thênh than này – rất hãn hữu – họ chỉ trao đổi với nhau vài lời vôcảm, hoặc im lặng. Ewa hỏi một cách thờ ơ, ở công ty mọi và có ổn không, Adam cũg thờ ơ chẳng kém, và đáp lại bằng câu hỏi, Ewa có thiếu gì không? tiền chăng? Hay có cần mua sắm gì ở ngoài phố? Trong nhà mọi việc có trơn tru? Không cần thợ chữa nước chứ gì? Có cần thợ điện không? có phải gọi người đến cắt cỏ trong vườn không?
Trong cái gọi là cuộc trò chuyện này cả hai đều phớt lờ nhân vật Myszka, cho dù con người này suốt nhiều năm bò dưới chân họ.
“Giá Adam hỏi tại sao chuyện đó lại xảy ra ở tuổi bốn mươi” Ewa nghĩ thì chị sẵn sàng chia sẻ với chồng những kiến thức mà chị đã có được từ sách vở. Thế nhưng Adam đâu có cần loại kiến thức này. Còn Ewa thì đâu có hay Adam đã tiếp cận được với những kiên thức đó cũng bằng con đường giống hệt chị.
Khi lên năm, Myszka bắt đầu đứng được bám vào thành bàn, ghế, hoặc nắm thật chắc taycầm của ngăn kéo, ngăn kéo tuột ra ngoài và thế là bé ngã lăn quay xuống nền nhà – Adam đi lướt qua con gái, nhanh nhẹn như một nhà thể thao thuần thục đang luyện tập. Khi đi qua con gái, Adam có thể tránh xa vừa nhanh vừa nhẹ, không hề chạm vào người bé. Một tối nọ, Myszka bị sứt mũi, khi cánh tay chìa ra của bé nhằm trúng chỗ trống, thay vì bám lấy chân bố vừa ở ngay bên bé. Khi Ewa ôm chặt lấy con gái, chườm đá vào vết thương để cầm máu, thì Adam đã biến khỏi bếp.
Từ đó các lần họ chạm trán nhau càng hiếm hoi. Coi như là Adam sợ Myszka cảm nhận được rằng bố không thích con gái. Bố không muốn nhìn thấy con, không muốn chạm vào con, không muốn nghe giọng nói của con. Đôi khi nằm trên đi văng trong phòng khách – chiếc đi văng hồi trước có màu hoa hồng trà, bây giờ đầy vết bẩn của cà phê, của các loại nước ngọt, rượu vang và vết tay bẩn của mùi – Ewa nhìn thấy bóng Adam đang lướt nhanh qua tiền sảnh. Anh đi vào phòng làm việc, nơi đã trở thành pháo đài của anh, hoặc đi về phía cửa ra ngoài. Dần dà Ewa không còn để ý Adam có nói “chào” và “tạm biệt”, hình như anh có nói,anh là con nhà gia giáo cơ mà, thế nhưng tại radio hoặc tivi mở to cho nên át mất thng chào của anh mà thôi. Radio cũng át tiếng phì phò của Myszka, lúc mải chơi bé thường phát ra những âm thanh lạ. Có lúc những âm thanh đó khiến Ewa mủi lòng, co ‘lúc những âm thanh đó khiến chị điên tiết (Ewa đã biết, với cái giá không bỏ Myszka, những tình huống chị nóng nẩy với con gái là không thể kỉêm soát nổi, lúc thương lúc giận).
Tuần nào cũng có món tiền đặt trên bàn trong nhà bếp. Đó là tiền của Adam để lại, lượng tiền luôn vượt quá nhu cầu của hai mẹ con. Vì vậy khi trong tuần tiếp theo, trong những ngày được xác định, không thấy tiền xuất hiện trên bàn, Ewa lấy làm lạ trong chốc lát. Ngày hôm sau vòi nước trong nhà tắm bị hỏng – tất nhiên Myszka làm hỏng – và Ewa đã lục tìm một cách vô ích quyển lịch có ghi các số điện thoại. Đúng là trong đó có ghi số điện thoại của thợ chữa ống nước, nhưng ông ta đã đổi địa chỉ từ lâu rồi. Cuốn danh bạ điện thoại tìm không thấy đâu, giống như các đồ dùng, hễ cần đến là y như rằng không thấy đâu cả. Hay là Adam để ở trong phòng đã khoá cửa của mình. Trong khi vòi nước chảy mỗi lúc càng mạnh thêm.
Ewa quyết định gọi điện đến công ty của chồng. Chị không tự giới thiệu, mà chị cũng không nghĩ sau vài năm cô thư ký đã thay đổi hoặc đã quên mất giọng nói của chị.
- Ông chủ tịch đi việc riêng. Ông ấy nghỉ phép mấy ngày. Chị có cần nhắn gì không? có hẹn trước không? – giọng nữ kim, nói trống không, cất lên.
“Mình biết móc đâu ra thợ chữa nước bây giờ?” Ewa nghĩ, bất lực. “Như vậy Adam đã là chủ tịch” đó là ý nghĩ thứ hai của Ewa.
Adam luôn luôn muốn làm chủ tịch công ty của mình, công ty được thành lập chung với mấy người bạn, công ty ngay từ buổi đầu đã làm ăn phát đạt, còn sau khi hợp nhất với một công ty khác, công ty phương tây, thì trở thành một doanh nghiệp mẫu mực.
“Ông chủ tịch đã đi? đi đâu và Đi với ai?” đó là ý nghĩ thứ ba của Ewa, cũng thờ ơ như ý nghĩ thứ hai. Điều quan trọng số một bây giờ là thợ chữa ống nước.
Cuốn danh bạ điện thoại tìm thấy trong nhà bếp đương nhiên là nằm ở chỗ rất dễ nhận ra, trên tủ đựng thức ăn. Khi Ewa lật trang đầu tiên, chị thoáng nghĩ, gia’ Myszka mà khác, thì họ có thể cùng đi cả ba người. Tại vì Adam thích có tất thảy những gì tốt nhất (“vết thương của thời thơ ấu nghèo khó”, Ewa nghĩ) cho nên chắc chắn Adam đã đi Caribe, Bali, Hawai hoặc châu Phi.
“hay là anh đang ở châu Phi, đang ngắm những con chim hồng hạc?” Ewa nghĩ một cách thờ ơ.
Cách đây mấy ngày hai mẹ con đã xem chim hồng hạc trên tivi. Bỗng nhiên Ewa quên mất thợ chữa ống nước và nhớ lại chiếc lông hồng nhặt được trên tầng áp mái. Nó phải ở trong bếp. Chỗ cuốn danh bạ điện thoại. Nhưng nó đã biến mất. Và nhất định nó không phải là màu hồng.
Adam đang ở rất gần. Cách nhà không đầy ba mươi lăm cây số. Anh dừng xe, trải tấm bản đồ ra. Địa chỉ thì anh nhớ nhập tâm, hàng tháng anh vẫn gửi về đây một khoản tiền không nhỏ. Thực ra không phải anh gửi mà là cô thư ký gửi. Bản thân anh chưa bao giờ về đây.
Một vùng đất thanh bình, phong cảnh chẳng đẹp tới mức mê hồn, nhưng cũng không làm tổn thương mỹ cảm. Một ngồi nhà nằm giữa những lùm cây, trong một công viên không lớn. Bà của Adam đã ở đây. Anh mua chỗ cho bà, đã thanh toán hào phóng do tiện nghi sinh hoạt đầy dủ, được bảo đảm bởi cái tên ngôi nhà: Mùa thu Đẹp. Hồi nào ấy nhỉ?
“Không biết hồi ấy là khi nào nhỉ?” Adam suy nghĩ, nhưng không tài nào nhớ lại nổi. “Cách đây ba năm, năm năm?” anh định lấy quãng thời gian như vậy thế nhưng phía hợp lý của trí não Adam phản đối. “Cậu đã giao bà tại đây, khi cậu bắt đầu xây nhà”.
Như vậy là mười. Chín năm trước? bàn tay Adam vò tấm bản đồ theo phản xạ, nhưng ngay sau đó anh lại vuốt thẳng, gập lại cẩn thận, đoạn giấu kín.
“Mười năm và không một lần nào minh về thăm bà chăng?” Adam ngạc nhiên một cách thực thà.
Họ giao bà ở đây khi hai vợ chồng đã cùng nhau quyết định. Adam bắt đầu xây nhà. Công ty và việc làm mới choán hết sạch thời gian của anh. Ewa làm việc cho một tổ hợp các công ty nước ngoài và có cơ hội được đề bạt. Sau những nỗi khốn khổ trước đó với bà của mình, căn bệnh mất trí nhớ, Ewa thấy không an tâm với các hành vi của bà già. Mọi cái chị đều nghĩ là triệu chứng đầu tiên của căn bệnh khủng khiếp này. Mặc dù không có thời gian, Ewa vẫn muốn dẫn bà đi chơi và đưa bà trở về nhà (bà của chị đã nhiều lần bị thất lạc). Chị sợ đưa chìa khoá cho bà già, mỗi ngày trên chục lần gọi điện thoại cho bà chị hỏi có chắc chắn là bà đã tắt bếp ga rồi không.
Một hôm, Adam bận làm việc với nhà thiết kế nội thất ngôi nhà, còn Ewa bận cùng thủ trưởng tiếp đoan Nhật Bản, và y như rằng bà không tắt bếp ga. Vụ nổ ga phá hỏng một phần nhà bếp trong căn hộ cũ của họ, còn bà già bị sây sát nhẹ, may phúc lúc đó bà đang nói chuyện với bà láng giềng ở ngoài hành lang.
- Thế thì chẳng ăn nhằm gì – lúc đó Adam nói – Em sẽ bị mất việc, còn anh dồn tiền xây nhà mà không thể trông nom để nhà được xây đúng như anh mong ước. Tất cả chỉ tại vì bà phải được thường xuyên chăm sóc! Trong khi đó có những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, như nhà an dưỡng, ở đó chắc chắn bà sẽ được an toàn hơn.
- Trong thời gian xây nhà chúng mình sẽ thu xếp để cho bà ở đó – Ewa tán thành.
Bà, đầu óc lúc tỉnh táo ít, lúc tỉnh táo nhiều, cũng đồng ý.
- Trong ngôi nhà mới xây một căn phòng dành cho em, sẽ đợi em – Adam hứa.
Chính Ewa chở bà đến đó. Chính Ewa còn đến thăm bà hai hoặc ba lần gì đó nữa. Và vì vậy cho nên bây giờ Adam không thể tự mình tìm được chỗ đó. Cũng chính Ewa đã hỏi chồng khi nào đi đón bà về, còn Adam đáp, vẫn còn thời gian cho việc này, rằng việc chăm sóc có chuyên môn chắc khiên bà dễ chịu. Rằng ở đó có cảnh thanh bình này, có công viên quanh nhà mà Ewa đã kể này, có các bữa ăn đều đặn theo chế độ ăn uống thích hợp này, có bạn hữu là các cụ cùng lứa tuổi với bà..Thậm chí Adam còn đùa rằng bà mình có thể đi bước nữa, lấy một ông chồng ở cùng nhà an dưỡng chăng?
Rồi sau đó, cùng với các chuyên gia hảo hạng, họ trông coi việc hoàn thiện ngôi nhà mơ ước. Họ bước qua ngưỡng cửa vào ngôi nhà mới (Adam bế Ewa trên tay mình, cứ như là họ cưới lại) trong tiếng chuông gió ngân nhẹ nhàng. Họ treo chuông gió khắp nhà, họ tin rằng chuông gió sẽ mang lại cho họ hạnh phúc, tiếng chuông dịu dàng, hiền hoà cho họ cảm giác gia đình hoà thuận.
Khi bàn việc bố trí các căn phòng trong nhà, họ quên mất phòng của bà, thay vào đó họ bàn chuyện phòng cho trẻ con. Rồi sau đó Myszka ra đời.
“Chính tại Myszka mà bà đã ở đây chín năm” Adam nghĩ theo kiểu oán trách. “Chính tại Myszka mà mình đã quên mất bà”.
Adam hỏi đường khi đi qua một thị trấn lạ và bây giờ anh đang đứng trước cổng vào công viên mà không dám đi tiếp.
“Chín năm…” Adam nghĩ, không hiểu nổi sao lại có chuyện ngần ấy năm trôi qua mà anh không hề để ý. “Hay là mình không thật sự yêu bà?” một ý nghĩ thoáng qua trong đầu Adam, còn trí nhớ lôi ra những hình ảnh ngắn, đứt đoạn từ thời thơ ấu, từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường và từ thời trai trẻ.
Đúng, Adam không yêu bà, khi chỉ có hai vợ chồng với nhau, Adam cầu Chúa mang bà đi và trả lại bố mẹ cho anh. Cái chết của bố mẹ có vẻ như là một sự bất công khủng khiếp! bà đã già, bố mẹ còn trẻ. Adam vẫn còn nhớ bố mẹ như vậy, nếu như một đứa bé năm tuổi có thể nhớ được gì đó. Adam tin rằng anh có thể nhớ lại hầu như từng chi tiết, cái ngày khủng khiếp đó, khi bố mẹ ngồi vào xe cùng với con chó to – rồi không một ai quay về nhà nữa. Cả mẹ, cả bố cả con chó.
“Màu nâu…Con chó lông màu nâu. Có lẽ lông xù chăng? chắc chắn là khá to” Adam lục lại từng chi tiết trong trí nhớ.
Thoạt tiên Adam ghét bà chỉ tại bà còn sống mà không phải là bố mẹ. Rồi sau đó tại vì bà đã ép Adam học, mà cậu chàng thì không thích đến trường. Ở trường chúng nó rất hay hỏi về bố mẹ, chẳng hạn, bố mẹ cậu làm gì và họ như thế nào.
- Ông bà già của cậu có tử tế không?
- Mình không có ông bà già – Adam trả lời và thê là Adam chuyển trường xoành xoạch, cho tới khi anh đã ra rằng ngôi trường hay hơn ngôi trường mà anh phải kể lại mọi chuyện từ đầu, là ngôi trường nơi không có ai hỏi gì cả, vì tất cả mọi người đã biết. Thế nhưng Adam vẫn không thích đến trường, anh đỗ tốt nghiệp chẳng qua là nhờ phép màu.
Trước mắt Adam, như trong phim, trí nhớ đang chuyển động, chàng trai mười tám tuổi, thân hình to cao hơn tuổi, đứng trước mặt bà, nắm chặt hai tay và thét to:
- Bà đã giải quyết chuyện đó! Chắc bà lại bảo với họ tại sao cháu mồ côi chứ gì?
Bà giả vờ đang tìm gì đó trong ngăn kéo, chẳng nói chẳng rằng.
“Bà đã nói với các giáo viên tại vì mình mồ côi như thế nào nhỉ?” Adam suy ngẫm. Rõ ràng bà làm vậy chẳng qua tại thằng cháu học dốt. Khi nào cũng vậy, hễ có linh tính là cháu mình sắp bị đuổi học hoặc học đúp lại lớp (có một năm bị đúp) là bà già liền mặc chiếc áo khoác đen, đội chiếc mũ đen – những thứ Adam không thích vì gợi lại chuyện đã trên mười năm nay bà để tang người con gái duy nhất, mẹ Adam – đi đến trường để thực hiện một cuộc trao đổi bí mật nào đó. Sau đó anh chàng được bố thí điểm ba trừ và từ lớp này leo lên lớp khác. Hôm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thầy giáo dạy toán đã phải nhắc Adam là kết quả còn bị thiếu, còn cô dạy văn gà cho cậu tư tưởng chủ đạo của bài văn.
- Bà đã đẩy cháu từ lớp nọ lên lớp kia và vượt qua kỳ thi tốt nghiệp, cháu, một thằng bé mồ côi cha mẹ, đúng không? – Adam nhạo báng bà, khi bà cố giữ mảnh bằng tốt nghiệp của cháu.
Cho nên lúc đó Adam căm thù bà chỉ vì bà không phép cho anh làm loạn. Làm loạn chống lại tất thảy, kể cả nhà trường. Rồi sau đó ba năm liền anh chàng không làm bất cứ việc gì cả để cho bà biết tay. Hễ mọi được tiền của bà là anh chàng la cà hết quán cà phê này đến quán cà phê nọ. Adam dính vào nhóp hippy, tiền bán những thứ nhón được của nhà anhchàng đem mua ma tuỵ không bao giờ Adam rơi vào nghiện ngập. “Tại mình quá thoải mái với chuyện đó và khá nhút nhát, hay ngược lại, quá biết điều, quá khôn ngoan so với tuổi mình…”. Bây giờ anh đang suy ngẫm để đi đến kết luận, là chẳng phải cái no, mà cũng chẳng phải cái kia. Chính bà già, bà bé nhỏ người, lịch thiệp, thấp hơn Adam một cái đầu, đã không để cho anh chàng bị sa ngã hoàn toàn. Có lần bà tát vào mặt Adam, Adam đánh trả bà ngay lập tức. Bà ngã lăn quay, tay bị gẫy. Và khi đi, phô cánh tay bó bột, bà không nói một lời nào, chỉ nhìn thằng cháu, chính hôm thằng cháu nộp hồ sơ vào học đại học, thằng cháu giả vờ không nhìn thấy niềm vui của bà.
Bây giờ Adam sợ đi xe vào công viên, tìm ngôi nhà này, ngôi nhà trong đó có người đàn bà già này.
“Hay là bà không còn sống nữa?” Adam chợt nghĩ nhưng ngay lập tức anh ý thức rằng nếu vậy thì người ta phải thông báo cho anh chứ. Hàng tháng anh vẫn thanh toán các hoá đơn vì bà ở nhà này. Anh nhận được giấy xác nhận hẳn hoi. Ý nghĩ về cái chết của bà chẳng qua là một biện hộ trước khả năng phải giáp mặt bà. Vì bà sẽ nói gì đây? Sau ngần ấy năm không thấy mặt mũi cháu đâu cả?
“Tại sao ngần ấy năm mình không đến thăm bà? Mình cũng chẳng biết nữa..Nhưng rốt cuộc mình đang ở đây rồi còn gì. Và mình sẽ đón bà về nhà” Adam nghĩ để rồi ở giây phút tiếp theo tự nhắc mình, ngôi nhà mà anh hứa đưa bà trở về đã từ lâu không còn nữa.
“Mình không nỡ ấn bà già lên đôi vai của Ewa, để rồi Ewa phải è cổ gánh hai…hai người khuyết tật”. Adam tỉnh táo khẳng định và lúc này anh mới phân vân, việc anh đi tới đây liệu có nghĩa lý gì không.
Adam đến để hỏi bà, liệu trong gia đình mình đã có trường hợp nào bị thiểu năng trí tuệ hay không. Hoặc có biểu hiện nào của các bệnh thần kinh hoặc tâm thần hay không, Adam đến để khẳng định là anh trong sạch.
“đương nhiên là bà sẽ không nhớ nổi chuyện này. Giống như chín năm về trước bà không nhớ là cần phải tắt bếp, còn vợ mình lúc thì bà gọi là Ewa, lúc thì bà gọi là Marysia. Tên mẹ mình…Còn bà gọi mình là Adam, rồi lại Ian.. Mình cũng chẳng biết cái tên Ian liệu có hợp với bố mình hay không” Adam nghĩ để rồi tự trả lời dứt khoát “Tên luôn luôn hợp với người quá cố, vì không thể xác minh được nữa”.
“mẹ” “bố”… Adam không gọi “mẹ yêu” “bố yêu”. Adam không nhớ anh có xưng hô với họ như vậy hay không. Có cái gì đó thít mạnh cổ họng anh, nhưng anh làm chủ được mình. Adam lao xe qua cổng mở toang.
- Có chuyện gì vậy? – cô nhân viên thường trực ăn vận lịch sự vẻ e ngại hỏi (cô nhân viên này khiến ta liên tưởng đây là nhà an dưỡng chứ không là nhà dưỡng lão), khi Adam nói tên họ mình và sau đó là tên họ bà.
Adam chẳng biết phải trả lời như thế nào.chính anh mới phải hỏi, bà già tám mươi mốt tuổi có bị làm sao không. Có bị ốm đau không, bà có khoẻ mạnh không. Sau đó anh hiểu rằng đây là lần đầu tiên anh tới đây, chính người đàn bà phải khẳng định trong cuốn sổ bệnh nhân dầy cộm, khi chị ta chăm chú xem quyển sổ này. Chắc điều này khiến chị ta ngạc nhiên và ái ngại.
“Nhà ngươi đến đây làm gì hả?” cái nhìn lạnh như tiền của cô nhân viên thường trực hỏi vậy. “Nhà ngươi muốn biết bà còn sống thêm bao lâu nữa chứ gì? Xem ngươi còn phải nộp tiền bao lâu nữa chứ gì? Hay là nhà ngươi quan tâm đến chuyện thừa kế?”
- Tôi rất hài lòng về phương thức chăm sóc bà…Tôi ở nước ngoài. Tôi rất mừng là tôi không phải lo lắng gì về bà – Adam nói sau một vài giây suy nghĩ.
- Đây là một trung tâm có trình độ cao – cô nhân viên thường trực đáp, cứ như là chị ta muốn thuyết phục Adam là anh hãy để bà tiếp tục ở lại đây. Dường như chị ta tưởng Adam đến đây vì anh có ý định mới, phải làm gì với bà.
- Tình hình của bà tôi như thế nào? – anh hỏi thẳng, bởi tự nhiên anh nghĩ bụng, không có lý do gì để mình phải đi tự biện minh trước người đàn bà này. Anh trả cho họ quá nhiều để rồi phải tự thanh minh hay sao. Họ kiếm được của anh khá nhiều, để rồi họ cho mình cái quyền đánh giá anh hay sao.
- Tất cả các bệnh nhân của chúng tôi đều ở trong tình trạng rất tốt – cô thường trực đáp, nhấn mạnh từng lời.
- Tôi cũng nghĩ vậy. Tôi hỏi có thể nói chuyện với bà được không. Liệu bà có hiểu tôi nói gì với bà, liệu bà có nhận ra… - và chỗ này Adam dừng, nhưng cô nhân viên đỡ lời luôn
- Nhân viên?... Có. Bà nhận ra. Chỉ đôi khi bà nhầm chúng tôi – cô mỉm cười và nói tiếp một cách dễ thương – bà già ngọt ngào..
“Với khoản tiền to như vậy thì tất cả các bà già đều ngọt ngào” Adam nghĩ xấu nhưng đồng thời cũng thấy nhẹ người. Chưa bao giờ bà là bà già ngọt ngào cả. Cho nên nếu bây giờ bà là như vậy thì bà phải rất già. Già đến nỗi có khi không còn nhớ lời hứa của Adam là sẽ đưa bà ra khỏi nơi này.
Adam theo cô y tá đi dọc hành lang trải thảm màu, trên tường treo đầy những bức tranh vui. Cái gì ở đây cũng rất vui. Cứ như dành cho trẻ em vậy.
Vậy mà trước khi vặn quả đấm cửa phòng đã được chỉ dẫn, tim Adam đập liên hồi, như chú chim sẻ bị vướng vào hàng rào cây gai dày đặc. Có lần anh đã nhìn thấy một chú chim nhỏ lông xám này bị vướng như vậy và anh đã giúp con chim bay đi bằng cách rẽ những cành cây đầy gai nhọn. Adam ý thức rằng anh sợ giáp mặt với bà, giống như hồi anh lên mười tuổi, lêu lổng, hút thuốc và trốn học.
Bà già ngồi bất động trên chiếc ghế bành bên cửa sổ. Bà đang nhìn ra ngoài, nghe tiếng cánh cửa cọt kẹt bà quay lại. Thế nhưng trước khi bà quay lại, Adam nhận ra tấm lưng thẳng của bà. Bà luôn luôn như vậy, ăn vận sơ sài và đầy tự trọng. Còn bây giờ bà đang nhìn anh. Thoạt tiên Adam có cảm giác bà mở to hai mắt, nhưng sau đó anh sực nhớ, mắt bà phải thế này kia, tròn xoe như mắt trẻ con, như đang ngỡ ngàng. Adam bước lại gần bà, chần chừ, mình phải làm gì bây giờ đây, ôm chầm lấy bà chăng? chưa bao giờ anh làm như vậy. Đặt đầu mình lên đùi bà và khóc oà lên chăng?
“Tại sao chưa bao giờ mình làm điều này? Tại sao mình không ôm chặt lấy bà khi ngoài bà ra mình chẳng còn ai? Tại sao mình chưa bao giờ ôm bà? Giờ đây bà là người duy nhất mình có thể thổ lộ khi mình vô cùng đau khổ” Adam nghĩ.
- Bà ơi… - Adam nhút nhát cất lời, đứng một cách gò bó, cách chiếc ghế của bà ngồi hai mét. Đôi mắt bà vẫn mở to nhìn anh.
- Tôi có biết anh hay không nhỉ?
Giọng bà run run, thế nhưng trong đó vẫn ngân lên thanh âm của tính kiên định ngày nào. Và của sự tao nhã mà bà sẵn có trong người, còn Adam đã tiếp nhận một cách vô thức.cảnh khốn khó mà hai bà cháu đã rơi vào bắt đầu xuất hiện sau khi bố mẹ Adam qua đời. Cái nghèo biết chung sống với bà, cứ như là nó thuộc tầng lớp thượng lưu. Hàng tuần liền hai bà cháu ăn độc món bánh mì kẹp với loại pho mát rẻ tiền nhất, thế nhưng bà đã dạy Adam đừng cầm cả khoanh bánh mà ăn, mà bà cắt khoanh bánh thành những mẩu vuông nhỏ, lịch sự. “Bà cầm dao”, Adam nghĩ “Và bà dạy mình cách cầm”.
- Bà ơi.. Cháu…Adam đây.
Bà già mỉm cười, khi Adam định cười đáp lại thì anh nghe giọng lịch sự song dứt khoát của bà;
- Anh không phải là Adam, Adam không còn sống nữa.
Adam dừng thở trong chốc lát, cho tới khi não bộ đang thiếu ôxy của anh bảo anh rằng anh cần lấy không khí.
- Cháu đang đứng đây cơ mà! – Adam cảm thấy tức, nhưng bà nhắc lại.
- Adam không còn sống từ cách đây bốn mươi năm.
- Bà ơi… - Adam bắt đầu lại, nhưng bà ngắt lời với sự cao thượng vốn có của bà, cái cao thượng quen thuộc với anh.
- Tôi không phải là bà của anh. Và tôi không thích một người xa lạ nào đó xưng hô với tôi như vậy. Ngay các cô y tá tôi cũng không cho phép gọi tôi là bà, cho dù họ thích xưng hô như thế với các bệnh nhân. Họ tưởng gọi như vậy thì chúng tôi thấy sướng.
- Cháu là cháu của bà, Adam – Adam nói chậm rãi và nhấn mạnh – Đúng là đã năm năm rồi cháu không đến đây – Adam nói dối theo phản xạ, thế nhưng ánh mắt của bà khiến anh chữa lại ngay – Đã chín năm (“Mình khỏi phải sợ bà nữa rồi”, anh nghĩ bụng), cho nên có lẽ cháu đã thay đổi và nhất định bà không nhớ cháu, thế nhưng…
Bà già ngắt lời Adam một cách lạnh lùng và vẫn với sự dứt khoát không thay đổi:
- Đúng, tôi có hai thằng cháu, Adam và Jan, nhưng thứ nhất đã tử nạn khi còn bé còn thằng thứ hai đi nước ngoài và không trở về. Chớ có gọi các hồn ma, và đừng làm tôi bực mình. Yêu cầu anh ra khỏi phòng. Tôi không quen biết anh.
Adam đứng do dự một lát, không biết phải làm gì bây giờ, sau đó anh quay lưng và đi ra khỏi phòng – bỗng dưng Adam nghĩ là cô y tá đã có sự nhầm lẫn chết người. Không phải phòng này. Không phải bà già này. Không thấy mặt bà từ chín năm nay và anh coi bà là một người đàn bà xa lạ. Thêm nữa, Adam đã chọc tức bà. Và một cách gián tiếp anh đã thú nhận rằng anh không nhớ bà. Đúng, người đàn bà này giống bà, nhưng mà không đến mức này. Bà nhỏ con, nhưng khoẻ hơn.và cao hơn. Ngồi trên ghế bành là một bà già nhỏ xíu và gầy còm. Và hình như chưa đến tuổi tám mươi.
- Cô y tá dẫn tôi vào nhầm phòng – Adam nói với phòng thường trực.
- Không thể có chuyện như vậy – người đàn bà đáp - chúng tôi kiểm tra ngay bây giờ đây.
Tiếng chuông chát chúa gọi cô y tá.
- Chính ông nhầm thì có – cô y tá nói giọng chắc như đinh đóng cột – Các bệnh nhân của chúng tôi từ nhiều năm nay vẫn ở trong những căn phòng như hiện tại. Ông vừa ở trong căn phòng mà ngay từ đầu là phòng của bà anh. Các bệnh nhân của chúng tôi vẫn đeo nguyên những số phòng như vậy chính là để cho họ khỏi nhầm phòng.
- Tôi yêu cầu kiểm tra lại họ tên – Adam làm căng.
Người đàn bà thường trực mở cuốn sổ dầy cộm ra.
- Số phòng và họ tên hoàn toàn khớp với nhau.
- Có khi bà đổi phòng của mình với người nào đó thì sao? – Adam điềm tĩnh nói, cho dù mỗi lúc càng sốt ruột.
- Cũng có thể. Nhưng nếu đổi thì chúng tôi phải biết – người đàn bà đáp lại.
- Chị có điều người mà chị dẫn tôi vào gặp không hề nhận ra tôi! – Adam hét lên, bực tức.
Cả hai người đàn bà chăm chú nhìn Adam, một người vẻ thăm dò, còn người kia khinh ra mặt. Cô y tá lên tiếng trước.
- Vậy thì lần gần đây nhất ông đến thăm bà là khi nào?
Adam bặm môi, anh không có ý định thanh minh với bất kỳ ai, nhất là với người xa lạ mà thêm vào đó anh đã trả không phải là ít tiền.
- Bà già mà chị dẫn tôi vào đó có hai đứa cháu trai. Bà tôi chỉ có mình tôi thôi. Trường hợp bà người ngoài này thì có một đứa cháu không còn sống nữa, đứa thứ hai đi nước ngoài. Còn tôi, chị thấy đo, tôi đang đứng đây, nguyên vẹn và khoẻ mạnh, tôi chỉ đi nước ngoài ngắn hạn thôi.
Người đàn bà lặng lẽ nhìn danh mục họ tên trong sổ, rồi lại nhìn Adam.
- Ở chỗ này có ghi một chị người nhà đã chở bà của anh đến đây, chứ không phải anh. Chị Ewa?
- Vợ tôi – Adam ngắt lời.
- Vậy thì chính chị ấy là người cuối cùng nhìn thấy bà già. Và chị ấy có đến thăm bà mấy lần. Cách đây vài năm, thế nhưng luôn luôn … Ông chưa đến đây bao giờ và người già thì rất chóng quên. Hay hơn cả vợ ông hãy đến đây. Tôi nghĩ chị ấy sẽ nhận ra bà.
- Thế còn chuyện kể về hai đứa cháu… chị không thấy lạ hay sao? – Adam bắt đầu với vẻ tức giận, thế nhưng người đàn bà ngắt lời anh, lần này thì với sự lạnh lùng ra mặt.
- Tôi chẳng việc gì phải thấy lạ khi đó là những cư dân sống ở ngôi nhà này. Nhiều người trong số họ bị bệnh đãng trí. Một số người khác cảm thấy cô đơn và bị ruồng bỏ, cho nên họ nghĩ ra đủ lý do để cho người nhà không đến thăm họ. Khi đó họ thấy dễ chịu hơn.
Adam im thin thít. Khó khăn lắm anh mới nói nổi lời chào từ biệt vô hồn. Anh định sửng cồ với cô thường trực, nhưng anh kìm được. Một ý nghĩ chợt đến, sự sửng cồ này có thể nhằm vào chính bản thân anh hơn là vào người đàn bà kia.
Adam ngồi vào xe, nghĩ bụng cần phải đưa Ewa đến đây. Thế nhưng anh lại không muốn nói chuyện này với vợ. Anh cũng không muốn bứt vợ khỏi con gái, đứa con mà mẹ nó lúc nào cũng kề bên (“như nô tì”, Adam nghĩ, còn anh không thể - và không muốn – chở cả hai mẹ con tới đây, Ewa và Myszka).
“Mấy người đàn bà này chắc đi tới kết luận là cả nhà mình bị tật nguyền”, Adam nghĩ với sự mỉa mai cay đắng. “Mình, vì mình không nhận ra bà, bà, vì bà không nhớ mình, cả mình, cả Ewa vì hai người sinh ra một đứa bé không bình thường. Cả nhà có gien…”
Bỗng Adam muốn đi tới bệnh viện nọ, bệnh viện mà người ta đã chở bố mẹ anh tới sau khi bị tai nạn, chỉ là để khẳng định họ không còn sống nữa. Bà không mang theo Adam đến chỗ đó, cho dù anh năn nỉ rất lâu. Còn khi Adam đã lớn thì anh không muốn nhìn chỗ này và không bao giờ anh tới đó, tuy nhiên anh vẫn nhớ tên địa điểm này.
“Có lẽ người ta đã mổ tử thi chăng? người ta đã làm xét nghiệm máu chăng?” bây giờ anh nghĩ. “Phải chăng còn dấu tích trong hồ sơ của bệnh viện, cho dù đã qua ngần ấy năm?” Ai trong số hai người đã chết ngay tại chỗ, còn người thứ hai như bà nói, vẫn còn sống thêm được một ít nữa. Bao lâu? Một ngày? Hai ngày? Biết đâu bác sĩ có ghi lại cuộc nói chuyện. Trước khi mổ, trước khi phát thuốc các bác sĩ hỏi về các căn bệnh đã mắc phải.
Adam cảm thấy cần phải khẳng định chính gien của Ewa là nguyên do sinh ra Myszka tật nguyền.
“Và lúc đó mình sẽ ly dị” Adam quyết định. “Vì mình muốn có con trai. Một đứa con bình thường. Chỉ nhằm có vậy mà mình làm việc, chỉ nhằm có vậy mà mình thành đạt. Chỉ nhằm có vậy mà minh sẵn sàng trút sạch mọi thứ này cho ai đó…”
Gien của Ewa chính la nguyên nhân. Đúng. Adam đến ngôi nhà này là để khẳng định nguyên nhân. Adam chỉ muốn nói chuyện nguyên nhân với người đàn bà xa lạ kia, người mà thời nào đó, có thể như vậy, đã từng là bà của Adam, còn bây giờ tưởng tượng gì đó trong đầu và không muốn nhớ Adam.
Thế nhưng chuyện này không còn quan trọng nữa. Adam đã biếtcái gì đang thít chặt anh, khiến anh không quyết định nổi. Thế nhưng anh đã quyết định, rồi anh cảm thấy dễ chịu. Chuyện rõ mười mươi rồi còn gì. Anh sẽ ly dị, nhưng trước đó anh phải chứng minh phía của mình là trong sạch.
“Tại sao mình lại sinh ra trong thế kỷ 20? Tại sao mình không ra chào đời bây giờ, đầu thế kỷ 21, khi con người đã làm chủ được gien! Khi không lâu nữa con người không còn bị phụ thuộc gien, mà chính gien phụ thuộc con người!” Adam nghĩ, thất vọng. “Độ năm hoặc mười năm nữa mỗi người đàn ông, trước khi lấy vợ sẽ kiểm tra gein của ứng viên làm vợ mình. Trước khi sinh con, nhất định xem nó sẽ là trai hay gái, hoặc yếu tố ảnh hưởng đến diện mạo, sự phát triển của trí não, tính cách của bé. Loại trừ được tai hoạ, quan hệ vợ chồng không thích hợp với những đứa con tật nguyền..”
Adam ngồi vào xe và với tốc độ vượt quy định, anh tiến thẳng tới địa điểm đã được đánh dấu trên bản đồ bằng một chấm nhỏ, nơi bố mẹ anh đã qua đời. Hồi trước, khi Adam còn nhỏ, có khi anh ngồi nhìn chằm chằm vào điểm đen này hàng giờ đồng hồ liền. Nó chẳng to hơn cái chấm là bao. Đó không phải là một phải hay thị trấn, cùng lắm chỉ là một thị trấn nhỏ.
“Bố mẹ làm gì ở đó nhỉ?” Adam nghĩ, không phải là lần đầu tiên anh nghĩ như vậy. “Nơi này hầu như là đầu tận cùng đất nước. Bố mẹ tìm gì ở đấy nhỉ? Lại đi cùng với con chó. Bố mẹ đi nghỉ hè, quẳng mình cho bà trông nom là vì sao? Hay mình là đứa con không mong muốn, thế mà mình chẳng biết gì hay sao?”
“Là đứa con không mong muốn, như con gái mình…”. Một ý nghĩ lo ngại thoáng qua đầu Adam, nhưng anh loại bỏ luôn. Adam nhớ là bố mẹ yêu mình. Điều này anh không quên. “Cũng không quên chuyện quẳng mình cho bà”, văng vẳng bên tai anh lời mách nhỏ, nhưng ngay sau đó Adam tập trung vào tay lái.
Adam ngủ đêm trong một quán trọ dọc đường. Đêm anh nằm chiêm bao thấy Myszka. Bé múa. Đúng là bé múa. Nhẹ nhàng, bay bổng, đẹp. Nó múa trong một ngôi vườn rộng lớn, ngập nắng. Đang múa bỗng con bé gọi to “Bố ơi! Bố xem con này”.
Tiếng gọi này làm Adam thức giấc. Anh không ngủ cho đến tận sáng hôm sau, anh nằm, trằn trọc trên giường quán trọ cứng còng, đẫm mồ hôi, bực tức, kiên tâm.
Sau sự việc xảy ra ở đại siêu thị, lần đầu tiên Ewa gọi điện cho Anna. Suốt tám năm họ duy trì mối quan hệ không thường xuyên, chính thức. Thoạt tiên cứ sau một thời gian, vào đầu tháng, Anna gọi điện, sau đó thưa dần, chỉ hỏi, có gì mới không?
- Ổn cả - Ewa đáp khô khốc.
Người đàn bà cảm thấy Ewa không thích, cho nên sau một vài câu hỏi lấy lệ bèn đặt máy xuống. Ewa nghi ngờ Anna ăn tiền của một cơ quan cứu tế nào đó cho nên mới quan tâm tới trẻ em bị bệnh Down.
“Làm cho các bà mẹ có niêm tin đối với con mình cũng là một nghề, cho dù không dễ dàng gì. Cho nên không thể có chuyện làm không công” Ewa nghĩ với nụ cười chua chát.
Không bao giờ Ewa xác định nổi, hồi đó, cách đây tám năm, chị mang Myszka về nhà là do kết quả của cuộc nói chuyện với Anna, hay do chính Ewa lựa chọn.
Không, đó không phải là một sự lựa chọn. Lựa chọn là một quyết định có ý thức, còn Ewa cả hồi đó, cả bây giờ không biết lý giải quyết định này một cách hợp lý. Chị chỉ biết một điều, đó là một quyết định tức thời, và khi chị đã quyết định rồi thì kiên quyết thực hiện bằng mọi giá. Chị đâu biết cái giá này sao mà đắt khủng khiếp đến như vậy.
“Mình mà biết thì liệu mình có mang Myszka về nhà?” Ewa tự đặt câu hỏi cho mình, nhưng chị không tìm được câu trả lời.
Còn bây giờ chị muốn Anna tới đây, nhìn tận mắt Myszka. Và để chị bạn tìm ra những lời, thậm chí một chỉ một lời duy nhất, nhưng lời này cho Ewa sức mạnh để trụ vững.
- Sau một giờ nữa mình sẽ đến – người đàn bà ở đầu dây bên kia nói nhanh, cứ như chị sợ Ewa thay đổi ý kiến.
Ngay phút đầu cuộc viếng thăm hai người đã xung khắc với nhau. Anna mang đến làm quà một hộp sôcôla. Myszka ngay lập tức mở hộp kẹo này ra và bắt đầu ăn, cho cả vốc vào miệng, và lần lượt dây nước bọt vào tất cả các thỏi kẹo.
- Tôi phải giấu con bé mọi thứ đồ ngọt. Chị không thấy là nó béo ị hay sao? – Ewa hỏi, tức mình. Chị không thể giật khỏi tay Myszka hộp kẹo, khi btrg phản ứng của con gái sẽ rất hung hãn và điên rồ. Cách duy nhất để Myszka không ăn quá nhiều là cất giấu những thứ con bé rất thích ăn. Nhất là đồ ngọt.
- Tôi tưởng chị am hiểu chuyện béo phị của trẻ em bị bệnh Down – Ewa phàn nàn cách xử lý của Anna. “chị mà thông minh như chị tỏ vẻ thì chị phải không đưa chỗ sô cô la kia cho Myszka chứ”, Ewa nghĩ, tức mình. Bỗng Ewa ý thức rằng, mình đã cáu gắt và nghi ngờ quá đáng không cần thiết. “Phải chăng mình xử sự như vậy đối với tất cả mọi người?” Ewa thấy sợ.
- Có, tôi có am hiểu – Anna vẻ ăn năn nói – nhưng đôi khi tôi cứ nghĩ, những đứa trẻ như thế này chẳng có nhiều nhặn gì vui thú. Tôi biết không phải vậy. Chúng có thế giới nội tâm rất phong phú. Chúng ta nuôi nấng chúng, chỉ thấy mình bất lực, mà chúng ta không biết nhìn sâu vào thế giới này. Chúng ta rất muốn cho chúng một cái gì đó của mình, cho nên chúng ta cho chúng những thứ đơn giản nhất. Tôi cũng đã làm cho Elzbieta béo ịch – chị bạn cười thiếu tự tin.
Cả hai cảm thấy mất thăng bằng, dẫu mỗi người một lý do. Anna nhìn trộm Myszka và cảm thấy mình có lỗi. Không cần giải thích gì thêm, bằng mắt trần có thể thấy con bé bị Down ở thể nặng nhất. Có khi còn bị cái gì đó nữa rất phức tạp chăng? hay là bé cần phải vào ở trong trại? Ewa đoán, chị bạn đang nghĩ gì và theo phản xạ Ewa giận chị bạn này.
- Cho tôi xem tấm ảnh của cháu đi – Ewa đề nghị và Anna không nói một lời nào thò tay vào túi. Nỗi lo không giấu nổi thoáng qua gương mặt Anna.
Elzbietka mười sáu tuổi trong ảnh đang cười với Ewa. Tất nhiên cô gái rất bự, mắt tỉnh táo nhận ra ngay nếp nhăn điển hình của bệnh Down, cái mũi khoai tây và chiếc lưỡi quá to đè lên môi dưới khi cười. Thế nhưng một người nào đó không biết các biểu hiện của hội chứng Down có thể cho cô gái hầu như đã lớn này là một người bình thường, dù nhan sắc không điển hình. Đứng bên cô gái này thì Myszka là một cá thể ở dạng nặng hơn của căn bệnh này.
- Chị tiếc.. – Anna nói nhỏ.
- Không – Ewa lắc đầu.
- Không hả? – chị bạn lấy làm ngạc nhiên.
- Không, rằng khó nói điều này, nhưng tôi không tiếc. Tôi sợ. Nhưng đó là một cảm giác khác.
Myszka ôm con mèo, ngồi trên đùi mẹ, cố không bóp chết con mèo vì quá yêu. Bé nghe mẹ trò chuyện với người đàn bà lạ mặt này, với cảm giác không rõ ràng rằng hai người đang nói về mình. Những lúc như vậy bé luôn luôn cảm thấy mình có lỗi, dù rằng bé không biết tại sao. Bé cảm thấy mình có lỗi khi mẹ nói chuyện với bác sĩ, với cô giáo dạy nói, với cô giáo dạy thể dục, với những người đàn bà xa lạ ngoài công viên. Và với bố.
Cho đến khi người đàn bà cứ nhìn trộm bé thì bé không thích người này.Myszka không thích những người lạ nhìn trộm bé, thực ra là nhìn dò xét. Thế nhưng bây giờ người đàn bà này không hề giấu giếm là đang nhìn bé, cho nên Myszka mới đáp lại bằng nụ cười.
- Nụ cười này… - Anna nói nhỏ - Chị có nhận thấy rằng nụ cười của các em bị căn bệnh này có một lượng niềm tin làm tê tái cõi lòng? Nhiều hơn trẻ em bình thường. Niềm tin này không mất đi do tuổi tác, rồi chị sẽ thấy. Càng ngày càng tăng lên. Điều lo ngại duy nhất của tôi là niềm tin của Elzbiet đối với tất cả mọi người, cho dù chẳng có mấy người xứng đáng với niềm tin như vậy. Còn chị, chị sợ cái gì nào? Chị lo lắng cái gì nào?
- Tương lai – Ewa đáp ngắn gọn.
- Tương lai – Anna gật đầu – Đúng. Tôi hiểu chị nhiều hơn chị nghĩ.
- Không – Ewa nói- Chị có đứa con thứ hai, đúng không? con trai? Và mai kia nó sẽ chăm sóc chị nó.
- Tôi không có quyền bắt nó phải cáng đáng việc này. Tôi có thể làm nát tan đời nó – Anna nhỏ giọng nói.
- Nhưng mà con gái Elzbieta của chị gần như bình thường rồi còn gì – Ewa nói toáng lên.
- Gần hả? – Anna cười, lòng tê tái – Sáu mươi điểm trắc nghiệm IQ, một nửa trung bình. Đúng, có thể gọi cái đó là “gần”. Myszka chắc là…
- Tôi không dám làm trắc nghiệm đối với Myszka – Ewa ngắt lời khô khốc – Chẳng ăn nhằm gì khi tôi biết con tôi được bao nhiêu điểm. Ba mươi chăng? ba mươi lăm chăng? những điểm chẳng nói được gì nhiều về con người. Và chúng ảnh hưởng tới tương lai chẳng là bao.
- Đúng – Anna công nhận.
- Độ mươi năm nữa thì con chị và con tôi sẽ khác nhau như thế nào, nếu Elzbieta của chị học đan giỏ, còn đối với Myszka đó là chuyện không tưởng? – Ewa hỏi một cách phũ phàng – cậu em mà không chăm sóc chị thì ai chăm sóc nào?
- Cứu tế xã hội – Anna nói, thế nữa Elzbieta sẽ không học đan giỏ. Cô gái vẽ các mẫu trang trí trên đồ chơi và trên kính. Con bé có óc tưởng tượng tạo hình rất khá.
- Tôi cũng chẳng biết Myszka có đầu óc tưởng tượng gì – Ewa nói thật lòng – Có thể nó giàu óc tưởng tượng. Cũng có thể nó chẳng có óc tưởng tượng gì hết. Tôi không am hiểu thế giới nội tâm của con, dù biết rằng nó có một thế giới như vậy. Tôi chẳng biết chuyện gì đang xảy ra trong cái thế giới này. Có điều nếu con trai của chị một ngày nào đó không chăm nom con gái của chị, thì mức chênh lệch hai mươi hay ba mươi điểm trắc nghiệm chỉ số IQ sẽ! thay đổi không nhiều tương lai của con bé.
- Đúng – Anna nói.
Im lặng. Dường như cả hai người đàn bà đều đang cùng nhìn về tương lai này.
Myszka chăm chú nhìn hai người, bặm môi. Myszka luôn luôn ngậm miệng khi bé suy nghĩ. Mẹ lo lắng cho con, đó là điều chắc chắn. Mẹ nghĩ đến một ngày nào đó, chẳng biết khi nào, Myszka chỉ có một mình. Tuy đó không thể là sự thật.
- Maaa.. Vư ư ư.. – Myszka nói, không hết câu. Bé muốn nói với mẹ rằng lúc nào vườn cũng chờ đợi bé, nhưng bỗng nhiên bé nghĩ biết đâu Vườn phải là chuyện bí mật của riêng mình. Bé không suy nghĩ điều này, thế nhưng Vườn xuất hiện chỉ dành cho bé, ngay cả con mèo Vường cũng có cho vào đâu và chắc chắn Vườn cũng không cho mẹ vào. Cho nên có lẽ không nên nói về chuyện Vườn chăng?
- Tôi kể cho chị một chuyện – Anna cất lời – Có lần tôi đi xem một bộ phim trên tivi: những đứa trẻ Gai. Chị biết phim này không?
Ewa lắc đầu. Trên tivi Ewa chỉ xem các phim truyền hình nhiều tập và các trò chơi. “Mình ngốc kinh khủng”, Ewa nghĩ, nhưng ngay sau đó chị tự biện minh với chính mình “Từ sáng đến đêm, từ đêm đến sáng, mình là một nhân vật trong bộ phim nhiều tập bi đát nhất trên đời và mình đang trả lời những câu hỏi khó nhất trong một trò chơi truyền hình khó nhất. Sau đó mình chỉ còn muốn nghỉ ngơi..”
- Những đứa trẻ Gai – Anna nói tiếp – Đó là một bộ phim tài liệu của Anh nói về những con người tật nguyền. Trên phim có một người đầu rất to, cái đầu này cắm trên một thân lùn suốt đời ngồi xe lăn. Người đàn ông bị bệnh xương thuỷ tinh bẩm sinh, toàn thân bị bó bột vĩnh cửu, thậm chí người ta phải làm một cái giá đặc biệt để giữ cái đầu của người này. Một cô gái, nạn nhân của thaliđomi, từ khi sinh ra đã không có tay và chân. Và cô gái này nói rằng, cô ta và nữ thần Venus ở Milo khác nhau có là bao! Và cô ta muốn những người khác công nhận điều này! Cô gái hỏi tại sao trong trường hợp nữ thần Venus ở Milo thì việc thiếu haicánh tay chứng tỏ cái đẹp, còn trong trường hợp của cô thì lại bị coi là tàn phế? Cô gái này vẽ được những bức tranh tuyệt đẹp, cô ta ngậm bút vẽ trong miệng. Còn người lùn giòn xương phải bó bột thì thổ lộ rằng từng phút, từng giờ trong cuộc đời mình anh ta đã phấn đấu, để không một cái gì làm anh ta chán nản và cứ thế anh ta tồn tại một cách an toàn từ ngày nọ sang ngày kia, và rằng mỗi giây sự sống anh giành được một cách nhọc nhằn là một cái gì đó tuyệt vời và thú vị. Người đàn ông trên xe lăn tuyên bố thế giới thật là hấp dẫn và thế giới tônvinh khám phá của anh. Tất cả họ, từng người một, công nhận rằng họ yêu cuộc sống từng giây, từng giờ. H. Muốn sống, thậm chí chỉ vì một giây như vậy… Chị đã cho Myszka sống tám năm. Có thể đến một ngày nào đó khi thiếu vắng chị, người ta sẽ đưa bé vào trại, cháu sẽ không cảm thấy trống trải và cô đơn ở đó đâu. Chau ‘sẽ có đầy ắp hình ảnh của thế giới, tình yêu đối với những người mà cháu biết, cháu sẽ nhớ mãi, lông mèo sao mà mềm mại, sao mà nhẹ tênh làm vậy và hoa mùa xuân ngát hương như thế nào. Cháu sẽ có cái để mà nhung nhớ. Nhớ nhung cũng là một dạng thức của cuộc sống.
Cả hai nhìn nhau với sự thong cảm bất chợt rồi sau đó cả hai cùng nhìn Myszka. Cô bé vuốt lông con mèo và cười với hai người vẻ tin cậy. Bất thình linh bé chìa tay về phía Anna, quyết định trao cho người đàn bà này bí mật của mình. Bé nói:
- Maaa vư ư
Anna gật đầu.
- Chị biết bé nói gì nào? – Anna hỏi nhỏ. Ewa lắc đầu.
- Đôi khi tôi có cảm giác là tôi biết, đôi khi tôi nghĩ, con bé nói nhiều hơn mình nghĩ rất nhiều, chỉ có điều mình không hiểu được đó là những gì mà thôi. Có phải lúc nào chị cũng hiểu Elzbieta?
Anna lắc đầu.
- Không, Elizbieta kể cho tôi rằng các màu mà nó vẽ đang hát. Và con bé luôn luôn biết cái nó vẽ. Bằng hát. Thảng hoặc Elzbieta phát ra những âm thanh lạ, lúc đó tôi có cảm giác con gái tôi đang hát, cho dù tôi không nghe thấy tiếng hát này.. – Anna ngừng, hai tay có cử chỉ lạ lùng, như là chị ta muốn lôi gì đó ra khỏi ruột gan của mình và chỉ cho Ewa – Con bé hát ở trong lòng, bên trong mình.
- Bởi ở trong đó có một cái gì đó rất lạ, nhất là ở chính giữa – Ewa nói nhỏ - không một cuốn sách nào, không một thầy thuốc nào, không một chuyên gia nổi tiếng nào về bệnh Down bảo cho chúng ta bên trong con gái của chị có gì. Thế nhưng đường nào thì tôi cũng biết, ở bên trong có một con bướm, con bướm mà không bao giờ tôi nhìn thấy. Liệu chị đã hiểu, tại sao tôi không ân hận vì quyết định của mình hay chưa?
Anna gật đầu, Ewa nói tiếp:
- Tôi chăm sóc con bướm này, chỉ có điều khó lòng chăm sóc cái người chỉ cảm nhận rằng có.
- Vậy thì chị hãy đến bệnh viện v nói người đàn bà xa lạ, người đàn bà sẽ đẻ ra đứa con như con của chị và chị ta sẽ bị sốc. Chị đang mắc nợ với chị ta chuyện này – Anna nói song Ewa lắc đầu.
- Tôi không thể. Chị thì có thể vì chị cho người ta xem ảnh của Elzbieta và họ tin rằng có thể tránh được sự tò mò khó chịu của thiên hạ và ngăn ngừa thế gian bác bỏ đứa con của họ. Còn tôi thì có lẽ tôi phải cho họ xem Myszka. Lúc đó những người đàn bà kia sẽ bỏ chạy trước con mình và không bao giờ muốn nhìn mặt con nữa…
Cả hai im lặng. Myszka nhìn họ và càu nhàu gì đó, có vẻ như một giai điệu – với điều kiện ai đó trong hai người phải biết nhạc Mahler. Thế nhưng cả hai mù tịt.
- Chị Anna này, cuộc trò chuyện hôm nay làm tôi thấy dễ chịu, nhưng chị ra về được rồi đó. Myszka đang sốt ruột.. Chị nhìn kìa, đầu con bé lắc lư và miệng làu bàu cái gì đó…
Đúng là đầu bé lắc lư khi bé chỉ nghĩ rằng nó muốn ăn thật nhanh bữa trưa để được leo lên phòng áp mái.
Ngày thứ bảy tiếp diễn.