Dịch giả: Hoàng Hải Thủy
Sebastopol, tháng Năm năm 1855

     áu tháng đã trôi qua kể từ những loạt đạn trọng pháo đầu tiên bắn đi từ chiến lũy Sebastopol cầy lên đất đá cho rớt xuống đầu quân địch. Kể từ ngày đó, cả triệu viên đạn lớn nhỏ đã bay đều và vẫn bay đều từ chiến lũy này sang chiến lũy kia, từ ổ súng này sang ổ súng nọ và Thần Chết thường trực xõa cánh bay trên những chiến hào.
Cũng trong thời gian ấy, nhiều ngàn người ở đây đã bị thương, đã kiêu hãnh, đã chết. Chưa thể biết có bao nhiêu cỗ quan tài mộc mạc đã được đặt nằm trong lòng đất lạnh...! - chỉ biết những pháo đài vẫn gầm thét tiếng sóng làm rung chuyển mặt đất. Những binh sĩ Pháp trong chiến lũy của họ, lo âu và sợ hãi, nhìn trong bóng chiều tà lên vùng đất vàng võ bị xáo trộn của Sebaslopol, nơi có những bóng đen đi đi lại lại họ đếm những ổ súng có những họng đại bác ngạo nghễ. Trên đài Vô tuyến điện, một viên hạ sĩ quan đang chiếu ống nhòm quan sát mặt trận địch, vị trí những ổ súng, sư di chuyển của quân địch trên ngọn đồi được đặt tên là Vú Xanh cùng những vừng khói bốc lên từ những chiến hào. Một đám đông gồm nhiều chủng tộc khác nhau, bị thúc đẩy vì nhiều ham muốn khác nhau, từ khắp trái đất quy tụ về địa điểm bi thảm này. Và súng đạn và máu vẫn chưa giải quyết được vấn đề mà những nhà chính trị ngoại giao từng không giải quyết nổi.

I

Ban quân nhạc đang trình tấu trong thành phố Sebastopol bị bao vây, binh sĩ và những người đàn bà bận những bộ y phục đẹp thường vẫn dành để bận trong những ngày chủ nhật đi lại đông đảo trong phố. Mặt trời trong của mùa xuân chiếu ánh nắng vàng lên trên những chiến lũy, chiến hào, trên những ổ súng và trên thành phố, ánh nắng vui chan hòa khắp nơi, trên biển xanh những đợt sóng cũng lấp lánh ánh vàng.
Một sĩ quan bộ binh, khổ người cao nhưng lưng hơi gù, bận rộn với việc đi đôi bao tay trắng vào tay, đôi bao tay có vẻ không còn được trắng và sạch lắm nhưng trông vẫn còn rất chỉnh, vừa bước từ một tòa nhà nhỏ nằm ở bên trái đường Hải Quân. Chàng bước đi về phía công viên đang có hòa nhạc, đôi mắt lơ đãng nhìn xuống mũi giầy. Nét buồn rầu trên vẻ mặt khắc khổ của chàng cho người ta nghĩ rằng tầm học vấn của chàng không đuợc cao lắm nhưng những nét biểu lộ tình bạn cương trực, sự biết điều, lương thiện và thói quen ưa thích ngăn nắp, cẩn thận hiện rõ trên mặt chàng. Khổ người của chàng tuy cao nhưng không được cân đối lắm, đôi khi chàng có vẻ như bối rối vì chính những cử chỉ của chàng. Trên đầu, chàng đội cái mũ sĩ quan đã cũ, trên vai chàng khoác cái áo choàng nhẹ có màu sắc hơi lạ là màu đỏ tía. Giữa hai vạt áo nỉ, người ta thấy sợi dây đeo đồng hồ, dưới đó là cái quần bó sát hai ống chân và đôi giày cao cổ được đánh si kỹ lưỡng. Nếu nét mặt chàng không chứng tỏ một cách rõ rệt chàng là người Nga chính tông, người ta có thể lầm chàng với một người Đức, hoặc một sĩ quan hầu cận, một sĩ quan phụ trách quân cụ cho một tiểu đoàn nào đó - đôi giày cao cổ của chàng không có cựa sắt để thúc ngựa đeo ở gót giày những sĩ quan như kỵ binh được chuyển sang bộ binh để trở thành sĩ quan hiện dịch. Vậy mà sự thật, chàng thuộc loại sĩ quan sau cùng này. Trong lúc đi trên đại lộ hướng về công viên, chàng mãi nghĩ tới lá thư chàng vừa nhận được của một bạn đồng ngũ cũ, nay là điền chủ ở miền F.... chàng đang tưởng tượng đến hình ảnh người vợ của bạn, nàng Natacha mắt xanh, da trắng. Chàng đặc biệt nhớ rõ một đoạn trong bức thư:
“Khi họ mạng tới nhà tờ báo Chiến Sĩ, Poupka (đó là cái tên người cựu sĩ quan gọi yêu cô vợ trẻ) chạy vội ra cửa, dằng lấy tờ báo và ngồi ngay trên hiên nhà - nơi chúng ta từng ngồi nói chuyện nhiều buổi tối vui mua hè - đọc ngấu nghiến những bài tường thuật cuộc chiến đấu oai hùng của các bạn ở Sebastopol. Anh không thể tưởng tượng được vẻ hào hứng của nàng khi nàng đọc những chiến thắng lẫy lừng của quan ta ở đó. Nàng vẫn kiêu hãnh nói về anh: ‘Mikhailoff là một người đàn ông phi thường. Ngày nào tôi gặp lại Mikhailoff, tôi sẽ ôm lấy ảnh. Mikhailoff đang chiến đấu trong chiến hào Sebastopol...! Nhất định anh sẽ được tưởng thưởng huy chương Thánh George và các báo sẽ đăng hình Mikhailoff, các báo sẽ viết những bài dài về ảnh...’ Nói thực với anh nghe nàng nói như thế, tôi ghen với anh đó. Ở nơi tôi đang sống, các tờ báo phải mất nhiều ngày mới tới, mặc dầu có nhiều chuyện được người ta đồn đãi, chúng tôi không thể tin được ngay những chuyện ấy. Chẳng hạn như cô bạn ca sĩ của anh kể rằng quân Cossack của ta đã bắt sống được Napoleon, đã giải Napoleon đến Petesburg. Tất nhiên bạn hiểu tôi khi tôi nói rằng tôi không thể tin được một chuyện như thế. Rồi lại có một viên chức thuộc Sở Chiến Tranh, nói với chúng tôi rằng quân đội ta đã chiếm trọn miền Eupatoria, làm cho quân Pháp hoàn loàn mất liên lạc với Balakhaya. Y cũng nói là trong chiến dịch này quân ta thiệt mất hai trăm người còn địch mất mười lăm ngàn người. Vợ tôi tin tất cả những chuyện dồn đại này là chuyện thực, nàng tổ chức ăn mừng hết đêm này sang đêm khác. Nàng tin rằng anh là người tham dự vào tất cả những trận thắng ấy và anh sẽ nổi tiếng khắp nước..”
Mặc dù những lời khích lệ ấy của lá thư, Đại úy Mikhailoff vẫn âu sầu tưởng nhớ đến cô vợ trẻ da trắng, mắt xanh của người bạn ở tỉnh lẻ. Chàng nhớ lại những buổi tối tối chuyện tình cảm với nàng trên hiên nhà, rồi chàng nhớ lại những buổi chàng đánh bạc cò con giết thì giờ với chồng nàng và chồng nàng tỏ ra cáu giận vì bị thua, đến những lời nàng chế nhậo chồng nàng vì thái độ cáu giận bần tiện đó. Chàng nhớ lại cảm tình hai vợ chồng nàng dành cho chàng. Riêng nàng đối với chàng hình như có một cái gì khác hơn, mạnh hơn là tình bạn. Những hình ảnh cũ hiện lên trước mắt chàng; óc tưởng tượng của chàng tô điểm, vẽ vời cho những cảnh đó trở thành kỳ diệu. Chàng nhìn thấy vợ chồng nàng trong ký ức đầy ánh hồng và chàng mỉm cười với họ, tay chàng vỗ nhẹ lên bức thư để trong túi áo.
Những hình ảnh ký ức này đem lại cho chàng Đại úy những mơ mộng và những hy vọng chàng từng có kể từ ngày chàng đến Sebastopol. Chàng vừa đi vừa tưởng tượng: “Natacha sẽ vui và ngạc nhiên biết là chừng nào khi nàng đọc trong tờ Chiến Sĩ tin mình là sĩ quan đầu tiên chiếm được một cỗ trọng pháo của địch, mình là sĩ quan thứ nhất ở Sebastopol được thưởng huy chương Thánh George? Nếu chuyện ấy xảy ra, mình sẽ được đặc cách thăng cấp Thiếu tá ngay lập tức. Một năm sau đó, mình sẽ dễ dàng được làm Tiểu đoàn trưởng, bởi vì sẽ có nhiều sĩ quan tử trận. Mình sẽ kết thúc trận chiến tranh này với chức Trung tá. Thế rồi đến trận chiến tranh sau, mình sẽ ra trận với chức Đại tá. Khi ấy, mình có quyền nắm Sư đoàn. Đại tá Sư đoàn trưởng... mang huy chương quân công Thánh George và Thánh Anne - từ Đại tá lên Tướng không khó...” Và thế là chàng đã tưởng tượng ra chàng là một vị Trung tướng tới thăm nàng Natacha đẹp não nùng - lúc này nàng đã là sương phụ, bởi vì trong giấc mơ của chàng người bạn cũ của chàng, ông chồng nàng, đã chết - Tưởng tượng đến đây Mikhailoff tỉnh lại vì tiếng kèn trống của ban quân nhạc đập vào tai chàng. Chàng ngửng lên và thấy quanh chàng có nhiều người đi lại, và chàng trở về với thực tại: một viên Đại úy đang đi vào công viên.

II

Chàng đi đến gần căn nhà trống bốn bề, xây theo hình lục lăng, nằm ở giữa công viên, nơi có ban quân nhạc đang trình tấu, trên con đường trải sỏi. Nhiều người lính khác đứng trước mặt những người lính kèn, tay mở những tập sách nhạc giơ ra trước mặt họ. Đàn bà, con nít, hạ sĩ quan đứng xúm xích quanh đó. Những người tới gần để nhìn hơn là để nghe. Ở vòng ngoải, những binh sĩ hải quân, những sĩ quan đi bao tay trắng, đứng ngồi thành lừng nhóm hoặc đi đi lại lại.
Đối diện với ban quân nhạc, ở khoảng đầu đại lộ nối với công viên, người ta thấy một đám đông gồm sĩ quan của tất cả những quân binh chủng có mặt ở Sebastopol, những phụ nữ ở tất cả những giai tầng xã hội, trong số phụ nữ này nhiều người đội mũ đa số choàng khăn trên mái tóc, cũng có một số người không đội mũ cũng không choàng khăn, nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là trong số phụ nữ này không có qua một bà già nào, tất cả đều còn trẻ. Xa hơn nữa, trong những con đường sỏi nhiều bóng cây và thơm mùi hoa xuân của công viên, còn nhiều nhóm người lẻ loi ngồi hay đi lại.
Không một ai biểu lộ sự vui vẻ khi thấy Đại úy Mikhailoff xuất hiện, trừ hai người. Đó là hai sĩ quan cũng cấp bậc Đại úy cùng đơn vị với Mikhailoff: Đại úy Objogoff và Đại úy Sonslikoff. Hai Đại úy này sốt sắng bắt tay Mikhailoff, nhưng Đại úy Objogoff không có bao tay, bận quần bằng vải lông lạc đà, chiếc áo qưá cũ sờn cổ, sờn tay và méo mó, bộ mặt đỏ như gấc của Objogoff lại bóng nhẫy mồ hôi, còn Đại úy Sonslikoff thì cười nói lớn quá và nói năng chẳng có ý tử gì cả. Mikhailoff nghĩ rằng việc cùng đi, cùng đứng với hai người này là việc không nên làm trước mặt đám đông, nhất là khi trong đám đông lại có những sĩ quan quý phái mang những đôi bao tay trắng tinh, những bộ quân phục đắc tiền, thẳng nếp. Hơn nữa, hai người sĩ quan này lại cùng đơn vị với chàng. Mỗi ngày chàng đều phải gặp họ chừng năm, sáu lần. Chàng không tới công viên này để bắt tay họ.
Mikhailoff muốn đi tới đứng cạnh người sĩ quan hầu cận ông Tướng đứng kia, đến nói chuyện với những sĩ quan quý phái, đàng hoàng kia. Chàng muốn đến gần họ không phải là để cho những người như Đại úy Objokoff, Đại úy Sonslikoff, Trung úy Paschtezky hoặc những người khác nhìn thấy, chàng chỉ muốn đến gần họ vì họ là những người biết nhiều, họ có thể nói cho chàng biết nhiều chuyện chàng cần biết.
Nhưng tại sao Mikhailoff lại sợ? Tại sao chàng không thẳng thắn, mạnh bạo đi tới gần những người chàng muốn tới? Tại vì chàng vừa tự hỏi chàng sẽ làm gì nếu những người kia không thèm chào lại chàng? Nếu họ cứ tiếp tục nói chuyện với nhau như không trông thấy chàng? Hoặc nếu trông thấy chàng đến, họ đưa nhau đi chỗ khác? Tại vì trước mắt chàng, họ là những người quý phái. Tiếng quý phái được hiểu theo nghĩa là một số người được chọn lọc kỹ càng trong mọi giai tầng xã hội, trong thời gian gần đây, đã lan tràn trong nước Nga và được nhiều người hoan nghinh. Nó là một cái tật xâm lấn trong mọi giai tầng. Nơi nào có sự kiêu mạn là có nó. Và làm gì nơi nào mà sự kiêu mạn lại không len vào được? Tất cả, trong đám lái buôn cũng có những lái buôn quý phái, quý phái có nhiều nhất và được kính trọng nhất ở trong giới sĩ quan. Và ở trong một thành phố bị bao vây như Sebastopol tất nhiên là có nhiều sĩ quan hơn bất cứ ở đâu, do đó trong Sebastopol, kiêu mạn cũng có nhiều hơn mọi nơi. Kết quả là trong Sebastopol có nhiều quý phái hơn bất cứ đâu mặc dầu ở đây Thần Chết vẫn hay lượn thường xuyên trên đầu mọi người, bất kể người đó có là quý phái hay không.
Với Đại úy Objogoff, Đại úy Mikhailoff là một người quý phái, với Đại úy Mikhailoff, sĩ quan hầu cận Kalouguine là một người quý phái bởi vì ông này được gần gụi những ông Tướng, được tquyền thân mật với những sĩ quan hầu cận khác. Cuối cùng, trước mắt Kalouguine, Công tước Nordoff là một người quý phái bởi vì ông Công tước này là quan hầu cận Nga hoàng.
Kiêu mạn, kiêu mạn, tất cả chỉ là kiêu mạn, không có gì khác ngoài kiêu mạn! Ngay cả trước cái chết, bọn đàn ông này vẫn kiêu mạn, họ vẫn khinh nhau mặc dầu trong số họ có những người sẵn sàng chết cho một lý tưởng cao đẹp. Phải chăng kiêu mạn là một đặc tánh, là căn bệnh chí tử của thời đại chúng ta? Tại sao căn bệnh này không bị người ta ghi nhận là một bệnh, như bệnh thủy đậu hoặc thổ tả? Tại sao trong thời đại chúng ta chỉ có ba hạng đàn ông - hạng thứ nhất coi kiêu mạn như một sự kiện tất nhiên phải có, một cái gì cần thiết và do đó, là một sự kiện đúng, hạng người này chạy theo kiêu mạn, chiều theo kiêu mạn, hạng thứ hai coi kiêu mạn là một tật xấu nhưng không sao tiêu diệt được, và hạng người thứ ba hầu hạ kiêu mạn như những đứa ở. Tại sao Homer và Shakespeare nói đến tình yêu, đến vinh quang, đến đau khổ trong khi nền văn chương của dân tộc Nga trong thế kỷ này chỉ là một chuỗi dài lịch sử của lập dị và kiêu mạn?
Mikhailoff, vì không quyết định được thái độ, đi qua đi lại hai lần trước nhóm người quý phái. Lần thứ ba, chàng cố gắng tự cưỡng để đi tới gần họ. Nhóm này gồm bốn sĩ quan- trước hết là sĩ quan hầu cận Kalouguine, người mà Mikhailoff đã quen biết, rồi đến Vương tử Galtzine, ông này cũng là sĩ quan hầu cận nhưng là một nhà quý phái đối với Kalouguine, người thứ ba là Đại tá Neferdoff, ông này ở trong nhóm có tên là nhóm “Một Trăm Hai Mươi Hai” (nhóm này gồm những sĩ quan cao cap đã giải ngũ nhưng tình nguyên tái nhập ngũ để tham gia chiến dịch số 122), người sau cùng là Đại úy Kỵ binh Praskoukine, ông này cũng ở trong nhóm “Một Trăm Hai Mươi Hai”. May mắn cho Mikhailoff là Kalouguine đang vui vẻ, trước đó ông Tướng vừa mới nói chuyện rất thân mật với y và Vương tử Galtzine, người mới đến từ Petesburg, hiện tạm ngụ cùng một nhà với y, vì vậy Kalouguine thấy không có gì thiệt hại cho uy tín và giá trị của y cả khi y chìa tay ra bắt tay Đại úy Mikhailoff. Ngược lại, Praskoukine không muốn tỏ ra thân thiện với Mikhailoff trước đám đông chút nào mặc dầu y vẫn gặp Mikhailoff gần như mỗi ngày ở trong những pháo đài, từng uống rượu của Mikhailoff và hiện y còn thiếu nợ Mikhailoff mười hai đồng ruble, y thua số tiền này trong một cuộc đánh cá. Vì Praskoukine mới được quen biết với Vương tử Galtzine nên y không muốn cho vị Vương tử quý phái này thấy rằng y thân mật với một sĩ quan bộ binh tầm thường như Mikhailoff. Do đó, y chỉ nghiêng đầu lạnh nhạt chào lại Mikhailoff.
- Sao, Đại úy? - Kalouguine hỏi - Bao giờ chúng mình lại trở lên pháo đài đây? Ông còn nhờ hôm chúng mình gặp nhau ở Pháo đài Số Bốn không? Hôm ấy dữ đội hả?
- Dạ. Hôm ấy dữ dội thật! - Mikhailoff đáp lại. Chàng nhớ lại đêm hôm đó, trong lúc chàng đi theo đường chiến hào để tới Pháo đài, chàng gặp Kalouguine đi với vẻ nghênh ngang của một người can đảm không biết sợ là gì. Chàng nhớ rõ trong lúc đi như thế, Kalouguine dường như còn cố ý làm cho cây kiếm y đeo bên mình phát ra những tiếng động lách cách - Lẽ ra ngày mai mới đến phiên tôi nhưng có thể là đêm nay tôi đã lên đó rồi, vì ở đó có một sĩ quan bị đau phải về nghỉ...
Người sĩ quan bị đau ấy là Nepchissetzky. Mikhailoff còn muốn nói nhiều nữa về chuyện này - việc chàng hăng hái lên Pháo đài trước giờ bổn phận bắt buộc chàng phải có mặt ở đó - nhưng Kalouguine không để cho chàng có thì giờ nói hết.
Kalouguine quay lại nói với Vương tử Galtzine:
- Tôi cảm thấy rằng sắp có chuyện gì lớn xảy ra trong một hai ngày nữa.
- Chuyện lớn cũng có thể xảy ra ngay trong đêm hay chư? - Mikhailoff rụt rè hỏi, chàng nhìn Kalouguine rồi nhìn sang Galtzine.
Không ai trả lời chàng. Galtzine nhăn mặt rồi phóng mắt nhìn ngang vai Mikhailoff về phía đám đông, ông nói sau một phút im lặng:
- Thiếu nữ kia đẹp quá. Cô choàng khăn đỏ đựng ở kia kìa. Đại úy có biết cô ta là ai không?
- Thưa... cô ấy là con một thủy thủ. Nhà cô ấy ở gần chỗ tôi ở. - Mikhailoff đáp.
- Mình đến gần ngắm cô ấy đi.
Nòi xong, Vương tử Galtzine một tay nắm cánh tay Kalouguine, tay kia nắm cánh tay Mikhailoff đi về chỗ người thiếu nữ đứng. Galtzine biết rằng với cái nắm tay thân mật này, ông làm cho người sĩ quan rụt rè tên là Mikhailoff hài lòng. Và đúng như ông nghĩ, Mikhailoff vẫn mê tín, chàng vẫn nghĩ rằng kẻ sắp lên mặt trận mà dính líu tới đàn bà là một trọng tội, kẻ đó sẽ gặp sui sẻo, nhưng hôm nay với Vương tử Galtzine, một nhà quý phái chân chính, chàng thấy chàng có quyền tỏ ra coi thường đàn bà. Chàng từng để ý đến người thiếu nữ xinh đẹp này và nàng cũng từng nhiều lần để ý thấy chàng sĩ quan Mikhailoff đỏ mặt tưng bừng mỗi lần chàng đi ngang cửa sổ nhà nàng.
Praskoukine đi sau lưng Galtzine. Để tỏ ra mình là người học thức, y nói nhiều câu tiếng Pháp riêng với Galtzine. Praskoukine hơi bực vì đường đi không đủ rộng, để y có thể cùng đi một hàng với ba người trên, thành ra y phải đi sau và bắt buộc phải đi ngang hàng với Serviaguine.
Serviaguine là một sĩ quan hải quân từng được nhiều người thán phục là rất can đảm. Chàng cũng rất thích được gia nhập vào giới quý phái và chàng tỏ ra sốt sắng đi ngang Praskoukine mặc dầu chàng biết rằng Praskoukine không phải là người đàng hoàng gì mấy.
Praskoukine, trong lúc giới thiệu sĩ quan Serviaguine với Vương tử Galtzine, có nói thêm rằng Serviaguine là một sĩ quan can đảm phi thường, nhưng Galtzine, vì đêm trước đã lên thăm Pháo đài Số Bốn và từng thấy những trái đạn đại bác rớt, nổ cách chỗ mình nấp chừng năm mươi thước nên tự cho mình cũng can đảm không kém gì những người can đảm nhất ở Sebastopol. Ông cũng cho rằng những lời đề cao sự can đảm của các sĩ quan ở đây đều là quá đáng nên vì vậy ông chẳng chú ý gì đến Serviaguine.
Mikhailoff sung sướng và hãnh diện được đi dạo trong nhóm người quý phái này nên chàng không còn nhớ gì đến bức thư chàng vừa nhận được của vợ chồng người bạn ở hậu phương xa xôi nữa, chàng cũng quên cái cảm giác nặng nề, lo âu thường ám ảnh và hành hạ chàng sắp phải lên pháo đài. Chàng đi theo họ mãi cho đến lúc họ tỏ rõ thái độ đẩy chàng ra khỏi nhóm. Họ chỉ nói chuyện với nhau và họ cũng tránh nhìn vào mặt chàng như để ngầm nói cho chàng hiểu rằng chàng đã có thể rời họ để đi chỗ khác. Sau cùng, họ đột ngột bỏ rơi chàng. Nhưng tuy vậy, Mikhailoff vẫn hài lòng và chàng tỏ ra thản nhiên trước vẻ lạnh nhạt, kiêu ngạo của Bá tước Pesth. Ông này cũng chỉ là một sĩ quan trẻ tuổi nhưng hơn các sĩ quan khác ở tước hiệu Bá tước đi trước tên riêng. Bá tước Pesth chỉ nghiêng đầu chào đáp lại Mikhailoff chứ không đưa tay ra bắt tay chàng. Bá tước Pesth từng sống qua một đêm dài ở Pháo đài Số Bốn nên tự coi mình cũng là một “người hùng”!

III

Vừa bước qua ngưỡng cửa vào căn phỏng nhỏ của mình, Mikhailoff đã thay đổi hẳn tâm trạng. Những ý tưởng đen tối trở lại với chàng. Chàng lại nhìn thấy quang cảnh căn phòng nhỏ tồi tàn, u ám, ẩm thấp, nơi chàng phải sống trong thành phố Sebastopol ngoài những ngày, những đêm chàng đối diện với cái chết trong những chiến hào, những pháo đài. Nền phòng là nền đát, khung kiếng cửa sổ bị vỡ phải dán lại bằng giấy bồi để ngăn khi lạnh bên ngoài tràn vào, cái giường già lão của chàng kê sát vào tường, thành tường ẩm được che đi bằng một tấm thảm thêu hình Amazon, cặp súng lục Toula một nàng của chàng treo ở đầu giường. Ở góc phòng bên kia có một cái giường nhỏ khác, mền gối trên giường bề bộn. Đó là giường của một sĩ quan khác ngụ chung căn phòng này với chàng. Chàng nhìn thấy Nikita, gã đầy tờ của chàng, đang ngồi thu lu một đống trên mặt đất, đứng dậy chào chàng, những ngón tay bẩn của gã gãi gãi vào mớ tóc bù sù, bóng mỡ trên đầu gã. Chàng nhìn thấy chiếc áo choàng đã cũ của chàng đặt ở cuối giường, nhìn thấy đôi giày ống thứ hai của chàng nằm ở chân giường, và sau cùng, chàng nhìn thấy cái túi vải được Nikita soạn sẵn cho chàng mang theo khi chàng lên pháo đài đặt trên ghế đẩu bên giường. Từ miệng túi vải này thò ra chai rượu brandy và một gói phô-mai. Bỗng dưng, chàng nhớ lại rằng chàng phải đưa Đại đội của chàng lên tuyến đầu ngay trong đêm nay.
“Lần này, chắc là mình phải chết..” Mikhailoff nói nhỏ với chính chàng, “Mình cảm thấy thế. Hơn nữa, đêm nay mình lại tình nguyện lên đó, kẻ nào tình nguyện đều cũng chết. Anh chàng Nepchissetzky vô duyên ốm đau ra làm sao? Ai biết được là hắn có đau ốm thật hay không? Rất có thể là hắn vẫn khỏe như vâm. Hắn chẳng đau ốm gì cả nhưng hắn vờ đau để khỏi phải ở lại trên đó hết đêm nay. Hắn đẩy cái chết sang cho mình. Chắc là mình phải chết.. Xong, nếu mình không chết, mình sẽ ghi tên vào danh sách những sĩ quan anh dũng được đặc cách thăng cấp trên mặt trận. Đại tá tỏ ra hài lòng khi ông thấy mình tình nguyện thế chỗ cho Nepchissetzky. Nếu mình không được lên cấp Thiếu tá, chắc chắn là mình sẽ được thưởng Huy chương Vladimir nhờ vụ này. Đây là lần thứ mười ba mình lên pháo đài. Ồ... ồ... ồ... Nguy rồi, đúng con số 13 sui sẻo! Vớ phải con số chết bầm này, mình phải chết rồi, không còn nghi ngờ gì cả. Nhưng dù sao, mình cũng vẫn phải hăng hái đi làm bổn phận. Pháo đài không thể không có sĩ quan chỉ huy. Nepchissetzky được đưa về trên đó chỉ còn có mỗi một viên Thiếu úy thì làm được cái gì? Nếu đêm nay có chuyện gì xảy ra ở trên đó, như quân địch tràn sang chẳng hạn, mà pháo đài không có mình, danh dự của Trung đoàn mình, danh dự của cả quân đội, sẽ bị tổn hại lớn. Mình có bổn phận phải đi. Đúng vậy, bổn phận cao quý. Nhưng... mình vẫn có linh cảm...”
Makhailoff quên rằng mỗi lần chàng phải lên pháo đài, chàng đều cảm thấy đây là lần chàng sẽ phải chết, cảm giác này chỉ đến với chàng mỗi lần mạnh hơn hay nhẹ hơn mà thôi, chàng cũng biết rằng tất cả những người phải lên tuyến đầu đều có cảm nghĩ như chàng. Rồi ý niệm về bổn phận phải làm tròn đem lại cho chàng sự bình tĩnh cần thiết, chàng ngồi vào bàn viết một bức thư vĩnh biệt gửi về cho ông thân sinh của chàng ở quê nhà. Trong vòng mười phút, chàng viết xong bức thư. Với đôi mắt hơi ướt, chàng đứng dậy và bắt đầu thay quân phục để ra đi, vừa thay đồ, chàng vừa lẩm nhẩm đọc tất cả những bài kinh cầu mà chàng thuộc lòng từ ngày còn nhỏ. Gã đầy tớ của chàng, một gã ngu đần, lúc này lại đang say rượu, giúp chàng bận chiếc áo choàng mới. Chiếc áo choàng cũ chàng thường bận mỗi lần lên pháo đài bị rách một miếng vẫn chưa được vá.
- Sao mày không mang áo của tao đi nhờ vá hả? Thằng khốn này, mày chỉ biết ăn với ngủ suốt ngày thôi.
Nikita càu nhàu:
- Ngủ? Ông bảo tôi ngủ? Trời đất, tôi chạy như con chỏ suốt ngày để hầu ông. Tôi mệt muốn chết, ông cấm cả tôi ngủ sao?
- Mày lại say rồi...
- Tôi đâu có uống rượu bằng tiền của ông? Tôi có say thì đã làm sao?
- Câm ngay...
Makhailoff bực dọc kêu lên, tay chàng đã giơ lên sẵn sàng dáng cho Nikita vài cái tát. Chàng đang bị xúc động và những câu trả lời hỗn hào của gã đầy tớ làm cho chàng điên lên. Tuy vậy, chàng vẫn thương mến Nikita, đôi khi chàng còn thận mật và chiều gã quá đáng, dù sao Nikita cũng đã theo hầu chàng tới nay đã hơn mười năm.
- Thằng khốn, thằng ngu...- Nikita rên rỉ - Lúc nào ông cũng gọi tôi bằng hai cái tên ấy. Ông coi khinh tôi quá. Ông hành hạ tôi có ích gì cho ông không?
Mikhailoff nghĩ đến chỗ chết mà chàng sắp phải đến, và chàng bỗng cảm thấy hổ thẹn. Chàng dịu giọng:
- Nikita.. Đến thánh cũng không chịu nổi mày. Tao để cái thư trên bàn, mang về cho ông già tao. Nhớ đấy...
Và chàng tiếp:
- Đừng có mở ra coi ạ...
Thái độ của Nikita cũng mềm sìu đi. Gã đang say và gã sắp khóc.
Khi chàng Đại úy vừa đi ra khỏi phòng vừa nói: “Vĩnh biệt Nikata!”, gã đầy tớ bật lên khóc nức nở. Gã chạy theo nắm lấy bàn tay chủ, vừa khóc hú lên vừa hôn lên đấy, vừa nói như rú lên
- Lạy thầy.. Lạy thầy.. Tạm biệt thầy thôi... Không vĩnh biệt đâu... Không. Không...
Gã làm như nếu gã không chịu vĩnh biệt với chủ, chủ gã sẽ bắt buộc phải trở lại với gã.
Người thiếu phụ vợ góa của một thủy thủ đã tử trận, bà chủ của căn nhà này tình cờ đi ngang cửa phòng lúc ấy, dừng lại để chứng kiến cảnh chia tay cảm động của thầy trò Nikita. Bà ta cũng khóc và đưa tay áo bẩn lên chùi nước mắt. Và khi Mikhailoff đã dằng bàn tay ra khỏi vành môi rớt rãi của Nikita để rảo bước ra khỏi nhà, bà ta vẫn đứng đó kể lể với Nikita cuộc sống khổ sở của mẹ con bà sau ngày ông chồng bà tử trận, ông chồng bà chết vì trận pháo kích đầu tiên vào Sebastopol. Bà ta đã kể đi, kể lại chuyện này cả trăm lần với Nikita. Trong lúc đó, Nikita đã nhồi thuốc vào tẩu, đốt hút và yêu cầu bà chủ nhà bảo cô con gái đi lấy cho gã một chai rượu nữa tới. Chỉ một lát sau Nikita và bà chủ nhà đã cãi nhau tưng bừng về chuyện một chai rượu Nikita nói gã đã trả tiền rồi, bà chủ nhà nhất quyết là gã chưa trả.
Trong bóng đêm đang xuống, chàng Đại úy Mikhailoff đi đầu Đại đội của chàng, tiến lên chiến tuyến, vừa đi vừa nghĩ thầm:
“Cũng có thể lần này mình chỉ bị thương chứ không chết. Nhưng không biết mình sẽ bị thương ở đâu? Ở đây hay ở đây?”
Vừa nghĩ, chàng vừa đặt ngón tay trỏ lên bụng, rồi đặt lên ngực.
- “Nếu mình trúng đạn vào đây thì hay...” chàng nghĩ tiếp và đặt ngón tay lên đùi - “nếu viên đạn đi qua không đụng phải xương thì càng hay nữa! Xong nếu bị gãy chân thì có sống đời cũng coi như tàn...”
Đại đội dưới quyền chỉ huy của Đại úy Mikhailoff lặng lẽ đi theo những giao thông hào, tới được pháo đài không có chuyện gì xảy ra cả. Tới đây, trong bóng đêm dầy dặc, với sự trợ giúp của viên Thiếu úy đã có mặt ở đây từ trước, Mikhailoff cắt đặt các tiểu đội vào các ụ súng, chia trách nhiệm cho mọi người rồi vào ngồi trong căn hầm dành cho sĩ quan chỉ huy. Đêm nay đôi bên chỉ bắn nhau cầm chừng, bên này bắn thì bèn kia nghỉ và ngược lại. Từng tia sáng lóe lên đây đó rồi một đường đạn bay ngang nền trời đen sì, nhưng những viên đạn bắn ngang phía Mikhailoff đều rơi quá xa, phía sau lưng chàng. Ngồi trong hầm, chàng có cảm tưởng như đang ngồi dưới đáy một cái giếng sâu khô nước. Chàng mở gói ăn một miếng phô-mai uống vài hớp rượu, đốt một điếu thuốc lá và sau khi đọc kinh, sửa soạn ngủ.

IV

Vương tử Galtzine, Trung tá Neferdoff và Praskoukine - chẳng ai mời Praskoukine và cũng chàng ai nói chuyện với y cả, nhưng y vẫn cứ nhập bọn - rời công viên để về nhà Kalouguine uống trà.
- Kể nốt câu chuyện về Vaska Mendel đi chứ? - Kalouguine nói.
Kalouguine đã cởi áo khoác treo lên mắc, chàng ngồi trong chiếc ghế bọc da kê gần cửa sổ và đã cởi nút áo cổ sơ-mi lụa trắng tinh của chàng cho thoải mái.
- Vaska Mendel lại cưới vợ được sao?
Vương tử Galtzine vừa cười vừa đáp:
- Chuyện hắn ly kỳ lắm. Thật mà. Có thời ở Petesburg, đi đâu cũng nghe người ta nói chuyện hắn.
Galtzine rời ghế ngồi ở sau dương cầm để đi đến đứng gần cửa sổ.
Rồi vui vẻ và duyên dáng, Galtzine kể cho mọi người nghe những mẫu chuyện tình ái xảy ra ở Petesburg. Chúng ta bỏ qua những mẫu chuyện này vì chúng không chứa đựng gì đáng để cho chúng ta phải biết. Điều đáng nói là những người quý phái trẻ tuổi ngồi quay quần với nhau trong căn phòng ấm cúng này khác hẳn với chính họ trước đó một tiếng đồng hồ khi họ đứng với nhau ngoài công viên thành phố. Vẻ kênh kiệu, lập dị của họ đã biến mất. Họ không còn phải tỏ ra khinh thị, xa cách những sĩ quan bộ binh khác ở quanh họ như khi họ đứng ngoài công viên đông người. Giờ đây không còn ai là người lạ, người ngoài giới, họ tỏ ra vui vẻ, thân mật hồn nhiên với nhau. Họ nói chuyện với nhau về những thân hữu của họ đang sống ở Petesburg.
- Còn Maslovky?
- Maslovky nào? Maslovky Kỵ binh hay là Maslovky Phòng vệ?
- Tôi quen cả hai. Hồi tôi ở Petesburg Maslovky Phòng vệ mới ra trường huấn luyện. Hắn nhiều tuổi hơn Maslovky Kỵ binh thì phải. Hắn Đại úy chưa nhỉ?
- Đại úy lâu rồi.
- Hắn còn sống với cô tình nhân Bô-Hê-Miên không?
- Không. Hắn bỏ cô đó rồi...
Và cuộc đối thoại tiếp diễn với những lời trao đổi tương tự.
Rồi Vương tử Galtzine ngồi vào đàn dương cầm, vừa đàn vừa hát một bài ca du mục. Praskoukine, mặc dầu không được ai yêu cầu, đến bên dương cầm hát bài thứ hai. Y hát nghe được đến nỗi sau đó tất cả moi người đèu vỗ tay và mời y hát thêm.
Một người hầu bưng trà, cà rem và bánh ngọt trên chiếc khay bạc vào phòng.
- Mời Vương tử trước. - Kalouguine ra lệnh cho người hầu của chàng.
Vương tử Galtzine, với ly trà nóng bốc hơi trên tay, đứng bên cửa sổ, cất tiếng:
- Thật là lạ kỳ khi ta nghĩ rằng chúng ta đang sống trong một thành phố bị bao vây mà chúng ta vẫn có dương cầm, vẫn có trà với cà rem, vẫn được ngồi yên ổn với nhau trong một căn phòng đầy đủ tiện nghi như thế này. Tôi nghĩ tôi có thể sống như thế này mãi được. Ngay cả ở Petersburg, mình cũng chỉ được sống đầy đủ đến như thế này là cùng.
Trung tá Neferdoff, người lúc nào cũng bất mãn với hiện cảnh, lắc đầu nói tiếp:
- Nếu chúng ta không được hưởng nhưng tiện nghi này, tôi dám chắc là chúng ta sẽ không sao chịu đựng nổi cuộc sống luôn luôn hồi hợp chờ đợi một cái gì ghê gớm xảy đến với chúng ta ở đây. Tôi muốn nói đến cuộc sống nhìn thấy người khác chết quanh chúng ta mỗi ngày, cuộc sống chịu đựng trong sinh lầy ở những chiến hào...
Kalouguine ngắt lời:
- Những sĩ quan bộ binh của mình, những người phải sống thường trực trong các pháo đài với binh sĩ, ăn ngủ chung với binh sĩ, họ làm sao sống nổi chứ?
- Họ vẫn sống nổi như thường - Praskoukine đáp - có khi cả mười ngày họ không được thay quần áo lót, không được tắm một lần. Vậy mà họ vẫn sống, vẫn chiến đấu. Đúng là những anh hùng...
Đúng lúc ấy một sĩ quan bộ binh bước vào phòng. Người sĩ quan này đứng nghiêm, đưa tay lên vành mũ chào chung mọi người rồi rụt rè nói:
- Thưa quý vị... tôi có lệnh đến gặp Thiếu tướng... Bộ Tư Lệnh phái tôi đến gặp Thiếu tướng...
Kalouguine đứng dậy, chàng không chào trả người sĩ quan, cũng không mời ngồi, bằng nụ cười rất lạnh và giọng nói lịch sự rất ác, chàng bảo người sĩ quan làm ơn chờ một chút. Rồi chàng quay lại nói chuyện với Galtzine bằng tiếng Pháp, để mặc cho người sĩ quan khổ sở, bối rối đứng ngây ra đó.
Một lát sau, thấy không ai thèm chú ý đến mình, người sĩ quan lại cố gượng để nói:
- Thưa quý vị... tôi được Bộ Tư Lệnh phải đến gặp Thiếu tướng mang theo một tin quan trọng...
- Nếu vậy... Mời bạn theo tôi...
Kalouguine khoác áo ngoài lên vai và đi ra cửa. Người sĩ quan đi theo. Chừng năm phút sau, Kalouguine từ phòng riêng của Thiếu tướng trở lại, chàng nói ngay khi vừa đặt chân vào phòng:
- Các bạn. Đêm nay coi bộ có chuyện dữ ạ!
Mọi người trong phòng cùng hỏi:
- Quân mình tấn công à?
Kalouguine đáp với nụ cười bí mật trên môi:
- Tôi không biết rõ. Nhưng chỉ lát nữa thôi các bạn sẽ thấy...
Prashoukine đeo vội cây kiếm vào dây lưng:
- Đại tá của tôi ở trên pháo đài. Tôi phải tới đó ngay mới được.
Không ai nói nhiều. Mọi người đều biết rõ mình phải làm gì. Trung tá Neferdoff cũng vội vã từ biệt để về với đơn vị của mình
Kalouguine nói lớn với Praskoukine và Neferdoff qua khung cửa sổ mở rộng trong lúc hai sĩ quan này nhảy lên lưng ngựa ở ngoài sân:
- Tạm biệt quý vị, au revoir. Chúng ta sẽ gặp lại nhau đêm nay...
Hai người sĩ quan cúi mình trên lưng ngựa và thúc ngựa chạy mau. Tiếng vó ngựa chìm mất ngay trong con phố đầy bóng tối.
Trong phòng chỉ còn lại Vương tử Galtzine và Kalouguine. Hai người cùng đứng yên lặng bên cửa sổ nhìn về phía nền trời đen sáng lấp lánh những ánh đạn nổ và những đường đạn bay.
Vương tử Galtzine khẽ hỏi:
- Có thật là đêm nay mình tấn công không?
Kalouguine cũng hạ giọng bí mật đáp:
- Thật đấy. Riêng với ông tôi có thể tiết lộ... Đêm nay quân mình đánh sang chiến lũy địch.. Kế hoạch tấn công của mình sẽ như thế này...
Thực sự Kalouguine, với tư cách là sĩ quan hầu cận của ông Tướng, chẳng biết gì nhiều về thực trạng của chiến trường, về vị trí những chiến lũy, nhưng cũng nhờ những chuyện chàng nghe được trong văn phòng của ông Tướng, nói được khá nhiều chi tiết về trận đột kích đêm nay cho Galtzine nghe.
- Coi kia... - Galtzine la lớn - Trọng pháo bắn nhiều quá rồi đó. Mình bắn hay địch bắn? Hả?
Kalouguine, mặc dầu sống trong Sebastopol đã khá lâu, vẫn không thể trả lời được câu hỏi của Vương tử Galtzine vì những đường đạn dường như đan vào nhau chằng chịt trên nền trời đen Đứng bên cửa sổ, hai người chỉ nghe thấy tiếng nổ ầm ầm vọng về và chỉ biết là trọng pháo đang nổ dữ dội trên mặt trận. Và mỗi lúc trọng pháo càng nổ nhiều hơn.
Muốn tỏ ra mình đã quen thuộc cảnh này, Kalouguine cố lấy giọng thản nhiên:
- Ông thấy cảnh đẹp không? Ông có biết rằng nhiều khi viên đạn sáng ở trên trời lâu đến nỗi mình tưởng đó là ngôi sao chứ không phải là đạn không? Ban đêm, nếu trời có nhiều sao, mình không thể phân biệt được sao với viên đạn sắp rơi xuống đầu mình.
- Đúng - Galtzine xúc động, đáp - Kìa, chấm sáng kia... Tôi tưởng là ngôi sao chứ. Nhưng nó đang rơi xuống đó. Ông thấy không? Chấm sáng kia nữa? Là sao hay là đạn?
- Tôi quen với cảnh này quá rồi. Mai đây khi trở về hậu phương, mỗi lần nhìn lên bầu trời đầy sao sáng, tôi sẽ tưởng đó là những viên đạn trọng pháo sắp rơi xuống. Rồi ông sẽ quen...
Galtzine nói sau vài phút im lặng:
- Tôi có nên tham dự trận tấn công đêm nay không?
- Tham dự là thế nào? Ông đâu đã biết gì về mặt trân. Đừng vội. Ông sẽ còn nhiều dịp mà...
Galfzine ngập ngừng:
- Thực sự, ông nghĩ rằng tôi không nên.. ư?
Đúng lúc ấy, từ vùng chiến hào âm u hai người đang nhìn ngây, dưới những tiếng nổ lớn của trọng pháo, chợt vang rền tiếng nổ của cả ngàn khẩu súng tay. Cả ngàn ánh lửa nhỏ lấp lánh dọc theo những đường chiến hào.
- Bắt đầu rồi đó - Kalouguine nói - Tôi không thể nào đứng yên được khi nghe tiếng súng tay nổ. Tim tôi rộn lên...
Chàng nghiêng tai về phía chiến hào như để nghe cho rõ hơn:
- Họ la hò. Ông nghe thấy không?
Galtzine ngẩn ngơ hỏi lại:
- Ai la? Quân mình hay quân địch?
- Không biết. Chỉ biết là có tiếng la. Mỗi lần đánh nhau bằng lưỡi lê, họ vẫn la như thế. Cả hai bên.
Vài giây sau Kalouguine run giọng nói tiếp:
- Ông thấy không? Tiếng súng bớt rồi, chỉ còn tiếng la. Họ đang đánh cận chiến đó. Chắc quân mình đã tràn sang chiến lũy địch.
Một sĩ quan trên lưng ngựa, có một người lính Cossack cầm súng chạy theo, tới ngừng ở ngoài cửa sổ. Người sĩ quan tung mình nhảy xuống ngựa.
- Bạn ở đâu tới đó? - Kalouguine lớn tiếng hỏi.
- Từ chiến hào - Người sĩ quan đáp - Tôi cần gặp Thiếu tướng.
- Chuyện gì? Chuyện gì? Nói đi...
- Địch tấn công.. Chiếm hai chiến hào của mình. - Người sĩ quan vừa thở vừa nói - Bọn Pháp có quân tiếp viện. Chúng kéo sang đông lắm. Quân mình chỉ có hai tiểu đoàn ở đó.
Người sĩ quan này cũng chính là người sĩ quan đã tới đây hồi nãy, nhưng lần này y không còn rụt rè như lần trước nữa. Y bước nhanh vào nhà và Kalonguine, qua đúng điệu của y, biết rằng lần này nếu mình không mau đưa y tới văn phỏng của ông Tướng, y sẽ đi thẳng tới đó không cần có chàng.
- Sao? Mình rút lui ư? - Galtzine hồi hộp hỏi.
- Không - Người sĩ quan đáp cộc lốc - Một tiểu đoàn trừ bị của mình đến kịp. Mình đẩy lui địch, chiếm lại chiến hào nhưng bị thiệt hại nặng. Tiểu đoàn trưởng hy sinh, nhiều sĩ quan bị thương. Họ xin tiếp viện.
Nói xong, người sĩ quan cùng đi với Kalouguine tới phòng ông Tướng.
Năm phút sau, Kalouguine cưỡi ngựa phóng lên chiến hào. Chàng mang theo một số mệnh lệnh quan trọng của ông Tướng và phải ở lại đó chờ kết quả về báo cáo. Và Vương tử Galtzine, bị xúc động vì trận xung đột đang xảy ra mà mình không tham dự, bỏ ra khỏi nhà đi lang thang trong thành phố.

V

Đường phố đêm đầy những bóng người lính khiêng cáng hoặc dìu, hoặc cõng những người bạn bị thương đi về Quân Y Viện. Thành phố tối đen. Chỉ trong Quân Y Viện là có ánh đèn sáng. Tiếng trọng pháo và tiếng súng nhỏ lại nổ rền và nền trời đen lại sáng lên ánh đạn. Thỉnh thoảng người ta nghe thấy tiếng vó ngựa dồn dập của một sĩ quan chạy ngang, tiếng rên của một thương binh trên cáng, tiếng chân những người lính khiên cáng và tiếng kêu của những người đàn bà tụ tập ở góc phố nhìn về chiến hào.
Trong số những thường dân không ngủ kéo ra phố đứng nhìn về phía đánh nhau có Nikita, gã đầy tớ của Đại úy Mikhailoff, bà vợ góa của người thủy thủ đã chết vừa cãi nhau với Nikita về chuyện chai rượu và cô con gái nhỏ của bà này, một cô bé mười tuổi.
- Lạy Chúa tôi, lạy Đức Mẹ Đồng Trinh! - Người đàn bà góa nói trong tiếng thở dài, đôi mắt mở lớn nhìn theo những vệt đạn bay ngang trời như những đốm lửa - Khủng khiếp quá. Trận pháo kích đầu tiên cũng dữ nhưng chưa bằng một phần mười trận này. Càng ngày càng dữ.
Chợt, bà hoảng hốt kêu lên:
- Kia. Có viên đạn rơi ngay vào nhà mình kìa!
- Không phải đâu - Cô con gái của bà nói - Đạn rơi xa hơn. Rơi vào vườn nhà dì Arina.
Nikita - lúc này còn say hơn cả lúc gã từ biệt chủ gã là Đại úy Mikhailoff - lưỡi gã ríu lại và gã hộc lên:
- Chủ tôi đâu? Thầy ơi, bây giờ thầy ở đâu? Cô bác tin tôi đi. Chúng nó mà giết chủ tôi, tôi sẽ... tôi sẽ... Thật mà... Chúng nó sẽ chết hết với tôi. Tôi sẽ báo thù cho chủ tôi. Tôi sẽ không tha chúng nó.
Chẳng ai để ý gì đến gã say. Mọi người mải mê nhìn những đường đạn trên trời. Giọng nói trong lanh lảnh của cô bé vang lên sau giọng lè nhè của gã say:
- Trời nhiều sao quá... Coi kìa... Một ngôi sao rơi... Sao rơi vào chỗ nào đó mẹ?
Bà mẹ rên rỉ:
- Nhà mình đổ mất... Nhà mình đổ mất... Thật khổ... Người ta có chồng, người ta có tiền, người ta đi nơi khác... Mẹ con tôi liều sống ở đây... Mẹ con tôi chỉ còn có cái nhà nát... Họ cũng bắn cho đổ nát.. Mẹ con tôi đến chết đói mất thôi...