Dịch giả: Vũ Đình Phòng
Chương hai
Ngày xử án thứ hai

     uật sư đưa ra một số câu hỏi mới, nhưng ông đã không còn vẻ mặt mỉa mai hôm qua nữa.
- Tôi xin trở lại chiếc va-li nổi tiếng kia - Ông ta nói bằng giọng khô khan - Ngày 28 tháng Sáu, cái va-li ấy được để trong gian tiền sảnh lâu đài Hunterbury cả đêm?
- Đúng thế. - Bà y tá Hopkins thừa nhận.
- Có nghĩa bà đã phạm một sơ suất đáng lên án, đúng vậy không?
Bà y tá đỏ mặt:
- Vâng, đúng thế.
- Bà có thói quen để quên thuốc men tại những nơi nằm trong tầm tay của những người không trong nghề không?
- Không đâu.
- Đúng vậy không? Nhưng lần này bà lại để quên?
- Vâng.
- Và một người nào đó đã lấy lọ thuốc đó?
- Tôi đoán thế.
- Đây không phải là chuyện đoán. Bà hãy trả lời có hay không.
- Vâng... có.
- Không phải bị cáo là người duy nhất có khả năng lấy lọ thuốc moóc-phin đó. Bất cứ một gia nhân nào trong lâu đài có thể lấy. Hoặc bác sĩ Lord, hoặc ông Roddy Welman. Hoặc bà O’Brien. Hoặc có thể là bị cáo.
- Có thể như thế.
- Đúng thế hay không đúng?
- Đúng thế.
- Có ai biết trong va-li thuốc của bà có lọ moóc-phin không?
- Tôi không rõ.
- Bà có nói cho ai không?
- Không.
- Nếu vậy cô Elinor Carlisle cũng rất có thể không biết là trong va-li thuốc của bà có lọ moóc-phin?
- Nhưng cũng không có gì bảo đảm là cô ấy không biết.
- Điều phỏng đoán của bà không có cơ sở.
- Tôi không biết.
- Nhiều người khác có khả năng biết trong va-li của bà có moóc-phin hơn cô Elinor, thí dụ bác sĩ Lord chẳng hạn? Chắc ông ấy phải biết. Bà cho thuốc bệnh nhân là theo đơn ông Lord, đúng thế không?
- Tất nhiên là đúng như thế.
- Cô Mary có biết trong va-li của bà moóc-phin không?
- Không?
- Cô ấy có hay đến nhà bà không?
- Không đến luôn lắm.
- Tôi lại cho rằng cô Mary đến nhà bà luôn, và trong tất cả những người trong lâu đài, cô ấy là người có nhiều khả năng biết trong va-li bà có đựng những thứ gì nhất.
- Tôi phản đối.
Luật sư Bulmer ngừng lại một lát.
- Sáng hôm ấy bà nói với bà O’Brien chuyện mất lọ moóc-phin, đúng thế không?
- Đúng.
- Tôi xin nhắc lại câu bà đã nói hôm ấy: “Tôi để quên lọ thuốc ở nhà. Tôi lại phải quay về nhà lấy”.
- Không. Tôi không nói như thế.
- Bà đã nói có lẽ bà để lọ thuốc trên lò sưởi và hiện nó vẫn nằm trên đó.
- Vì không thấy lọ thuốc trong va-li cho nên tôi đoán như vậy.
- Thật ra bà không biết bà để ở đâu chứ gì?
- Có tôi biết, tôi đã cho nó vào va-li thuốc.
- Nếu vậy, tại sao sáng ngày 29 bà lại bảo bà để quên ở nhà?
- Bởi lúc đó tôi tưởng như vậy.
- Tôi xin nhắc lại, bà là một phụ nữ hết sức lơ đễnh.
- Điều ấy thì ông nói không đúng.
- Và các lời khai của bà nhiều khi không chính xác.
- Không phải. Tôi cân nhắc rất kỹ những lời tôi khai.
- Hôm cô Mary chết, ngày 27 tháng Bảy, bà có nói bà bị gai hoa hồng đâm, đúng thế không?
- Tôi không hiểu câu đó có ảnh hưởng gì ở đây?
Chủ tọa phiên tòa hỏi:
- Câu hỏi đó có thích đáng không, thưa luật sư Bulmer?
- Có, bởi câu nói đó rất quan trọng đối với việc bào chữa. Tôi đang muốn mời một nhân chứng khác nói để khẳng định câu nói kia của bà Hopkins là sai.
Ông ta nói tiếp:
- Bà vẫn cho rằng hôm ấy bà bị gai hoa hồng đâm, ngày 27 ấy?
- Đúng thế. - Bà y tá đáp lại một cách bướng bỉnh.
- Bà bị gai đâm lúc nào?
- Lúc tôi rời trạm bảo vệ, trên đường vào lâu đài Hunterbury, sáng hôm 27 tháng Bảy.
Luật sư Bulmer nghi ngờ hỏi:
- Bà bị gai cây hoa hồng nào đâm phải?
- Cây hồng leo lên dàn trạm bảo vệ.
- Bà tin chắc như thế?
- Hoàn toàn chắc.
Ngừng lại một lát, luật sư hỏi tiếp:
- Đến lúc này bà vẫn quả quyết rằng lúc bà đến lâu đài Hunterbury ngày 28 tháng Sáu, trong va-li của bà có lọ moóc-phin?
- Đúng thế.
- Nhưng mới vừa rồi, trước tòa, bà O’Brien lại khai rằng chính bà đã nói với bà ấy rằng bà để quên ở nhà, vậy là sao?
- Tôi bảo đảm tôi có đem theo lọ moóc-phin ấy trong va-li thuốc.
Luật sư Bulmer thở dài.
- Lúc đó bà lo lắng về việc mất lọ thuốc ấy không?
- Không, tôi không lo lắng.
- Mặc dù một lượng lớn moóc-phin bị mất?
- Bởi lúc đó tôi không nghĩ là ai lại lấy của tôi.
- Tôi hiểu. Lúc đó bà không nhớ rõ là bà đã để lọ thuốc đó ở đâu, đúng thế không?
- Tôi nhớ chứ. Lọ moóc-phin trong va-li thuốc của tôi.
- Hai mươi viên một phần hai mươi gam, tức là một gam moóc-phin, có thể làm chết cả tiểu đội, đúng vậy không?
- Đúng.
- Vậy mà bà không hề hốt hoảng... Thậm chí bà cũng không kêu ầm lên là bị mất?
- Lúc đó tôi không cho đấy là chuyên quan trọng lắm.
- Tôi cho rằng nếu bà thấy mất một số lượng moóc-phin lớn như thế, lẽ ra bà phải báo cho nhà chức trách.
Mặt bà y tá Hopkins đỏ bừng:
- Tôi đã không làm như thế.
- Bà đã phạm một tội sơ suất nguy hiểm, không xứng đáng với một y tá nghiêm túc. Bà có hay làm mất những thứ thuốc nguy hiểm không?
- Không. Đấy là lần đầu tiên.
Cuộc chất vấn kéo dài thêm vài phút nữa. Bà Hopkins bối rối, mặt đỏ bừng, trả lời lúng túng, không nhất quán... và dễ dàng trở thành con mồi cho luật sư khôn khéo Bulmer.
- Có đúng là Thứ năm 6 tháng Bảy, cô Mary làm bản di chúc không?
- Đúng.
- Cô ấy làm để làm gì?
- Vì cô ấy cho rằng nên làm. Còn tôi thì tán thành.
- Bà có nghĩ rằng cô ấy đang buồn và quá lo cho tương lai không?
- Hoàn toàn không.
- Tuy nhiên việc làm di chúc chứng tỏ cô ấy nghĩ đến cái chết... và nỗi ám ảnh ấy bám theo cô ấy.
- Hoàn toàn không phải! Cô ấy chỉ nghĩ là nên làm thế.
- Phải chăng đây chính là bản di chúc ấy? Ký tên Mary Gerrard, hai người làm chứng là Emily Biggs và Roger Wade, làm công trong hiệu bánh kẹo. Người viết di chúc chỉ định người hưởng thừa kế là Mary Riley, em gái bà Elisa Riley.
- Đúng thế.
Bản di chúc được đưa lên cho các thẩm phán.
- Theo bà thì cô Mary có tài sản gì không?
- Lúc đó thì chưa có.
- Nhưng sau đây ít lâu cô ấy sẽ được nhận?
- Đúng thế.
- Có đúng một khoản tiền khá lớn... hai ngàn bảng... cô ấy sẽ nhận được của Elinor Carlisle không?
- Đúng.
- Elinor Carlisle tặng cô ấy khoản tiền trên là tự nguyện chứ? Hoàn toàn do tấm lòng hào hiệp phải không?
- Đúng thế. Không ai bắt cô Elinor phải cho Mary số tiền đó.
- Nếu Elinor Carlisle thật sự căm ghét Mary Gerrad như người ta suy luận, thì Elinor đã không cho Mary một số tiền lớn đến như thế.
- Có thể.
- Bà nói “Có thể” nghĩa là sao?
- Không có nghĩa gì cả.
- Thôi được. Bây giờ bà có biết là người ta đồn mối quan hệ giữa cô Mary và ông Roddy Welman không?
- Ông ta theo đuổi Mary.
- Bà có bằng chứng gì không?
- Tôi biết, có vậy thôi.
- Bà biết! Câu trả lời đó không có sức thuyết phục đối với tòa. Có lần bà đã khai rằng Mary khước từ vì ông Roddy đã đính hôn với Elinor Carlisle, và hôm đó ở London, Mary một lần nữa nhắc lại câu trả lời đó. Có đúng như thế không?
- Mary kể với tôi như thế.
Viên công tố Attenburu chen vào:
- Có phải lúc bà và cô Mary đang trao đổi về nội dung bản di chúc thì Elinor Carlisle đứng ngoài cửa sổ ngó vào không?
- Đúng.
- Elinor nói thế nào?
- Cô ấy bảo: “Mary, cô làm di chúc đấy à? Đúng là buồn cười!” Rồi cô ấy đi, miệng vẫn cười ngặt nghẹo. Theo tôi, chính vào lúc đó trong đầu Elinor lần đầu tiên nảy ra ý định thủ tiêu Mary.
Chủ tọa phiên tòa nhắc nhân chứng:
- Tòa yêu cầu nhân chứng trả lời vào câu hỏi thôi. Câu vừa rồi của bà là hoàn toàn vô ích.
Elinor thầm nghĩ: “Cứ hễ nhân chứng nói sự thật thì tòa lại bảo lạc đề!” Và nàng thấy không nhịn được cười.
Đến lượt chị y tá O’Brien được tòa mời ra.
- Sáng ngày 29 tháng Sáu, bà Hopkins nói với bà thế nào?
- Bà ấy cho tôi biết mất lọ moóc-phin mà bà ấy để trong va-li thuốc.
- Bà đáp lại thế nào?
- Tôi giúp bà ấy tìm.
- Nhưng bà không tìm thấy?
- Không.
- Theo bà thì cái va-li ấy nằm suốt đêm ở gian tiền sảnh của lâu đài?
- Đúng thế.
- Xin bà kể lại chuyện gì đã xảy ra ngày 29 tháng Sáu, tức là sau hôm phu nhân Welman chết.
- Tôi bắt gặp cậu Roddy ngỏ lời cầu hôn với Mary. Cậu ấy định ôm hôn Mary.
- Lúc ấy ông ta vẫn còn đính hôn với bị cáo?
- Vâng.
- Sau thế nào nữa?
- Mary trách cậu Roddy, bảo cậu đã đính hôn với tiểu thư Elinor, sao còn cầu hôn với nó.
- Theo bà thì tình cảm của bị cáo đối với Mary Gerrard ra sao?
- Cô ấy rất căm Mary, mỗi khi nhìn Mary, cô Elinor như thể muốn ăn sống nuốt tươi nó.
Luật sư Bulmer bật đứng lên:
- Có đúng là bà Hopkins nói với bà rằng bà ta để lọ moóc-phin ở nhà bà ấy không?
- Đúng.
- Lúc ấy bà Hopkins có vẻ gì hốt hoảng không?
- Lúc ấy thì tôi không thấy.
- Bởi bà Hopkins tin rằng để quên ở nhà. Cho nên bà không lo lắng gì hết.
- Bà ta chỉ cho rằng đã có kẻ lấy lọ thuốc đó của bà ấy.
- Đúng thế, nhưng đấy là về sau, khi cô Mary đã bị chết vì moóc-phin, óc tưởng tượng của bà ấy mới hoạt động.
Chủ tọa phiên tòa ngắt lời:
- Thưa ông luật sư, theo tôi nhớ ông đã hỏi vấn đề này với nhân chứng trước.
- Tôi thừa nhận. Có cuộc cãi cọ nào xảy ra giữa bị cáo và cô Mary Gerrard không? - Viên luật sư hỏi quay sang chị O’Brien.
- Không, không hề có.
- Elinor lúc nào cũng tỏ ra dịu dàng với Mary Gerrard phải không?
- Bề ngoài thì như vậy.
- Đúng, đúng, đúng! Nhưng câu trả lời của bà làm chúng tôi chưa thỏa mãn. Bà là người Ai-len phải không?
- Vâng.
- Người Ai-len thường có óc tưởng tượng mạnh.
Chị y tá O’Brien kêu lên:
- Tất cả những gì tôi nói ở đây đều là sự thật hoàn toàn.

II
Ông Abbott, chủ hiệu thực phẩm đứng vào vị trí dành cho nhân chứng, ông ta rất sợ hãi, mặc dù có phần nào tự hào về vai trò quan trọng của ông ta.
Lời khai của ông ta ngắn gọn. Ông ta kể về việc Elinor mua hai lọ cá chiên bơ. Bị cáo có nói với ông “Đã có nhiều người ngộ độc về cá chiên bơ đấy!” Ông ta nhận thấy hôm đó bị cáo bồn chồn và có thái độ rất lạ.
Cuộc thẩm vấn tạm ngừng.