Chương Kết

Kể từ ngày hưu trí, ông bà phán Quới đã dọn về ở ấâp Cây Bàng, xóm dưới Thủ Thiêm, một vùng nhà quê dù chỉ cách Sài Gòn bằng một con sông không rộng lắm. Đứng tại bến Bạch Đằng, từ nơi cột cờ Thủ Ngữ cao nghệu ở sát bờ sông để nhìn qua thì Thủ Thiêm giống như một vùng thôn dã với những đồng ruộng và cỏ lác trải dài sau những dãy nhà sàn lụp sụp cất nhô ra khỏi bờ sông chạy dài từ cầu Ông Cậy xuống tới kho 15 theo hướng đi Nhà Bè, Cần Giờ. Từ Sài Gòn muốn qua Thủ Thiêm thì người ta phải đi đò chèo ở bến đò dưới hoặc đi phà ở bến đò trên.
Nhà của ông bà phán chỉ cách cầu Ông Cậy 50 thướt, cất theo kiểu xưa, 3 gian, một chái, chung quanh là một hàng rào dậu cây bông bụp rậm lá bao bọc. Đối với người dân ở xóm dưới cầu Ông Cậy, gia đình ông bà phán được kính nể ngang với những hàng phú hộ giàu có ở Thủ Thiêm. Đa số dân chúng ở xóm dưới là dân lao động, dân làm ruộng lẫn lộn với dân tứ chiến giang hồ từ các vùng khác tụ về đây. Khi họ có những loại giấy tờ, đơn từ khúc mắc hoặc bằng tiếng Tây khó hiểu hoặc gặp những chuyện khó khăn dính líu tới pháp luật chính quyền thì họ chạy đến nhà ông phán để nhờ ông giúp đỡ. Trong nhà bây giờ chỉ còn có hai ông bà và Thiện nhưng Thiện thì có khi vắng nhà đi hoang cả tháng không thấy về! Nhà nầy chỉ ồn ào huyên náo vào những ngày cuối tuần vì gia đình vợ chồng con cái hai người chị từ Sài Gòn đưa nhau qua đây để vừa để nghỉ xả hơi sau một tuần quần quật làm việc lại vừa để thăm viếng và chăm nôm ông bà Phán. Thỉnh thoảng anh trai của Thiện là Tâm cũng đưa vợ con về thăm ông bà Phán nhưng bà phán chỉ mong chờ mấy đứa cháu nội nhiều hơn là mong ngóng đứa con dâu! Không phải có Tâm biết rõ tình trạng xa cách giữa vợ mình và bà phán mà tất cả mọi người trong gia đình đều nhận thấy được hoàn cảnh đó. Mỗi lần gai đình hợp mặt đầy đủ là mỗi lần Tâm sai túy lý vì đau khổ âm thầm khiến cho Thiện càng thấy thương người anh của mình hơn. Tâm nghèo khổ nhất nhà; số tiền lương hạ sĩ nhất của Tâm chỉ vừa đủ để mua gạo nuôi sống cho 7 miệng ăn; phải chật vật lắm Tâm mới có tiền mua bia đãi đằng trong những dịp về thăm ông bà phán.
Người anh rể thứ nhất của Thiện được gọi là anh Hai Rớt, một kế toán trưởng của hảng Denis Frères, một công ty hàng hải xuất nhập cảng của người Pháp còn sót lại ở đường Catinat ngang rạp chiếu bóng Majestic (rạp nầy sau trở thành nhà hàng Maxim do ông Hoàng Thi Thơ phụ trách phần trình diễn ca vũ nhạc kịch hằng đêm). Anh Hai Rớt đã có một đời vợ ở Nha Trang và chưa theo đạo Ki Tô nhưng sau khi cưới chị Hai (chị cả) của Thiện thì anh đối xử với cha mẹ vợ như là cha mẹ sinh của mình, rất ngoan đạo và nhất là rất điệu nghệ với mấy đứa em vợ. Người anh rể thứ nhì, anh Ba, cũng là một tham sự, không lấy được cảm tình của Tâm và Thiện như anh Hai. Có lần Thiện nghe tâm than vãn xa gần rằng người anh rể nầy lăm le bờm xơm với người chị dâu của Thiện và kể từ ngày đó lòng kính trọng của Thiện đối với ông anh rể nầy không còn nữa.
°
Khi Thiện và Béatrice từ ghe bước lên cầu đò thì đàn bà, trẻ nít, ông già, bà lão đều chạy tới bao quanh. Khách ăn uống trong các hàng quán gần bến đò cũng ngừng đũa, đổ dồn mắt nhìn về phía hai người. Dân tình ở ấp Cây Bàng nầy đa số đều quen biết Thiện từ ngày Thiện còn nhỏ. Chàng mỉm cười chào hỏi hết người nầy tới người khác còn Béatrice thì cập sát tay Thiện, nét mặt vui tươi, cởi mở, gần gũi thu hút mọi người đi theo xem như đám rước dâu. Sự xuất hiện của một người ngoại quốc phái nữ nơi xóm lao động nghèo nàn nầy là một biến cố chấn động chưa xảy ra từ trước tới nay.
Khỏi đầu cầu của bến đò là nhà ông bà phán. Thiện đẩy nhẹ cổng hàng rào. Đám trẻ nít và một số phụ nữ nối đuôi đi theo vào tận bên trong. Các đứa cháu của Thiện từ trong nhà ào ra như đàn ong vỡ tổ, la hét mừng vui đón cậu Thiện, chú Thiện. Chàng xoa đầu cúi xuống ôm hôm từng đứa: chúng thương chú, thương cậu vì biết chắc rằng sẽ có tiền mua kẹo mua bánh.
Từ trên thềm nhà, Tâm lửng thửng đi ra. Thiện nheo mắt mỉm cười:
"Chị Hai, chị Ba có về không?"
"Có đủ mặt bá quan văn võ...Tuần nào cũng thế. Chỉ thiếu một mình mầy khiến "bà già" cứ rưng rưng mất vui! Đi đâu mà biệt tâm biệt tích mấy tháng nay? Làm gì thì làm nhưng cũng phải về ngó chừng ba mẹ....Còn cô đầm nào đó vậy?"
Thiện quay nhìn Béatrice rồi giới thiệu bằng tiếng Pháp:
"Đây là anh Tâm, người anh kế của anh..."
Béatrice bắt tay Tâm rồi mở lời chào hỏi bằng tiếng Việt Nam ngọng nghệu:
"Êm ki..ến chi..ào a..anh Ta..am..."
Thiện ngạc nhiên. Tâm bối rối:
"Chào cô...Béatrice! Hân hạnh được tiếp đón cô đến nhà nầy! "
Béatrice nhìn Thiện cầu cứu: nàng chỉ mới bặp bẹ học được bấy nhiêu chữ chào hỏi đó, mà anh Tâm thì nói dài quá! Thiện phì cười:
"Anh Tâm "Soyez bien venu" em đó! Em học nói tiếng Việt Nam hồi nào vậy?"
"Hồng Ngọc mới dạy cho em biết sơ sơ, hơi khó nhưng rồi em sẽ nói trôi chảy mà!"
"Em đừng lo, cả nhà nầy ai cũng có thể nói chuyện với em bằng tiếng Pháp chỉ trừ mấy đứa cháu còn nhỏ. "
Thiện giới thiệu từng người trong nhà. Điệu chào hỏi bằng tiếng Việt Nam của nàng khiến cả nhà vui nhộn, thích thú và thương mến:
"Cháu kính chào hai bác, em kính chào tất cả anh chị và các đứa cháu bé..."
Nàng rời khỏi vòng tay của Thiện đến trước mặt ông bà phán, trao hai gói quà cho bà và môt gói khác cho ông:
"Cháu có chút quà mọn kính biếu hai bác, xin hai bác hãy nhận cho..."
Bà phán cảm động, giọng nói của bà rung rung:
"Cái gì đây? Làm gì mà phải lể mể như thế nầy? Người trong Nam chúng tôi rất là hệch hạc, không cần phải cúc cung như vậy!..."
"Cháu biết, nhưng đây chỉ là một chút lòng thành của cháu kính biếu hai bác mặc dù nó không đáng giá là bao...Kính xin hai bác đừng chối từ..."
Bà phán chậm rãi tháo dây mấy gói quà: một gói là chai trà tàu Phúc Lộc Thọ, một gói là những lá trầu xanh với thuốc xỉa, còn gói kia là 12 quả cau tươi tròn mỉm.
Tiếng vỗ tay nổi lên như pháo nổ ngày tết. Bà phán nhìn Thiện"
"Con bảo cô ấy mua mấy thứ nầy phải không?"
Thiện lắc đầu. Chính Thiện cũng không ngờ! Chàng nhìn Béatrice:
"Ai chỉ cho em mua những thứ đó? Bà Bích Ngọc phải không?"
"Em đọc sách nói về các phong tục của người Việt Nam ta, trong đó có nói về tục uống trà, ăn trầu cho nên em mới lục lạo tìm mua ở chợ Bến Thành từ hôm thứ bảy...Em cũng đã biết cầm đũa và tập ăn nước mắm rồi đó..."
Thiện thấy thương người con gái nầy vô cùng! Nàng biết cách hội nhập và hoà mình với mọi người. Trong tiệc rượu, Béatrice lo nói chuyện và trả lời nhiều hơn là ăn uống. Bà phán cũng không ăn nhiều. Bà ngồi cạnh nhìn Béatrice không biết chán. Người anh rể thứ Ba cứ liên tục gắp thức ăn bỏ vào chén của Béatrice.Thiện nhìn thấy rõ nét háo sắc sàm sỡ của ông anh rể hiện ra bên ngoài.
Béatrice quay sang thì thầm với Thiện. Chàng đưa mắt nhìn ông bà phán và mọi người rồi nói bằng tiếng Việt Nam:
"Hôm nay con có điều quan trọng muốn thưa với ba mẹ và gia đình...Con sẽ cưới vợ! Con và Béatrice sẽ ra toà Đô Chính ở Sài Gòn lập hôn thú để thành vợ thành chồng một cách chính thức. Sẽ không có đám hỏi, đám cưới rình rang, sẽ không có rước dâu đãi đằng, cắt bánh...Tụi con làm đơn sơ..."
Bàn tiệc bổng nhiên lặng tiếng. Mọi người đều dồn mắt nhìn Béatrice. Nàng ngơ ngác, hồi họp. Mặt của Thiện có vẻ nghiêm trọng và lạnh lùng. Bà phán khóc, hai người chi và vợ của anh Tâm cũng sụt sùi. Còn ông phán thì chỉ ngồi gật gù lặng yên.
Tâm nhìn Thiện lo âu:
"Liệu mầy có nuôi nổi không? "
Thiện nhăn trán hỏi lại:
"Còn anh nuôi nấng vợ con của anh như thế nào?"
"Tao khác, mầy khác! Vợ tao không cần son phấn, dầu thơm hay đi mỹ viện mỗi tuần hai ba lần để làm đầu, làm tóc, sơn móng tay, sơn móng chân! Cả nhà chỉ cần có cơm với dưa mắm chứ không cần bơ sửa, thịt bò, rượu vang. Áo quần thì mỗi người chỉ cần hai bộ để thay đổi chứ không phải nay mode nầy, mai kiểu kia. Lương tháng của mầy hiện giờ chỉ đủ cho cô ta đi uốn tóc và làm móng tay! Tuy nhiên tao chỉ góp ý, mầy lấy vợ cho mầy chứ không phải tìm người về để làm dâu cho ba mẹ hai phục dịch cho bất cứ ai trong gia đình nầy. Tao thương mầy, tao đã khổ, tao không muốn mày lọt hố như tao! Đúng, cô ta đẹp và dễ mến nhưng mầy phải nhớ là máu Tây phương trong người của cô ta không phải chỉ một sớm một chiều mà biến thành máu người Việt Nam đâu!"
Thiện muốn cãi lại nhưng bà phán đã đứng lên vòng tay ôm Béatrice vào lòng, bà khóc to hơn, giọng bà ngắt từng đoạn:
"Trời ơi! Đây là con dâu út của tôi sao?...Có thật vậy không?..."
Béatrice không hiểu bà phán đang nói gì nhưng nàng cảm nhận được một cách rõ ràng dòng tình cảm rạt rào của người đang ôm mình trong lòng. Nàng nhìn Thiện. Thiện mĩm cười gật nhẹ đầu tỏ ý: bà phán đã chấp nhận.
Bây giờ Ông phán mới hỏi Béatrice bằng tiếng Pháp:
"Chừng nào tụi con ra toà Đô Chính? Ba mẹ qua đó để có mặt với tụi con được không? Ráng nhanh lên để cho ba mẹ có đươc cháu nội út!"
Béa trice như bay bổng! Căn nhà nầy trở nên quá dễ thương với nàng. Hạnh phúc hôm nay thật đầy tràn và kỳ dịu. Một tiếng đồng hồ trước đây nàng là kẻ xa lạ ngọai lai, cách biệt đối với mọi người nhưng kể từ gây phút nầy nàng với họ là một, không còn biên giới Đông, Tây ngăn cách, thật thắm thiết, thật đậm đà và đầy tràn tình nghĩa.
Nàng lính quính đi vòng quanh bàn ôm hôn tất cả mọi người. Hạnh phúc chợt tới như hoa nở rộ với những lời chúc tụng của những người thân. Tâm cầm tay Béatrice:
"Cô liệu đó! Thiện nó hư lắm...Ráng mà giữ..."
"Em biết từ lâu rồi! Anh ấy ghê lắm chứ không vừa gì! Em mà không nhanh chân thì người khác đã rước mất!"
Bà phán lớn tiếng:
"Nó không phải với con, bác sẽ đót roi mây vào đít Lớn đầu như thế nhưng vẫn bị ăn roi đều đều. Cái tội đi hoang không về nhà cả mấy tháng nay bác chưa nói tới! Hôm nay nếu không có con ở đây thì nó đã no roi từ ngoài cổng vào nhà..."
"Bác đánh anh ấy chi cho thêm đau tay, con có cách khác hiệu nghiệm hơn..."
Thiện nhăn mặt phân bua với mọi người:
"Không phải hiền đâu! Chưa chi mà đã hăm he chế dầu thui sống rồi! Ghen không thua gì bà Quờn đốt chồng đâu!..."
Tâm đã say nhừ. Trước khi bước xuống đò trở qua Sài Gòn, Thiện kín đáo nhét vào túi áo của người anh 2 tờ giấy bạc 100 rồi thì thầm:
"Bớt nhậu nhẹt đi ông tướng! Để tiền mua gạo cho mấy đứa nhỏ...."
°
Sau ngày cưới Béatrice và Thiện dọn về ở chung với gia đình của tôi. Tôi càng ngày càng cảm thấy lo âu thêm vì tình trạng thai nghén của Béatrice. Thân thể của Béatrice bắt đầu nặng nề nhưng vẫn cứ tiếp tục xong xáo khắp nơi để săn ảnh lấy tin. Thiện rất thương vợ nhưng không thể ngăn cản việc làm của Béatrice. Bụng càng to thì Béatrice càng đẹp: có lần cả nhà đi vắng, tôi vào phòng riêng của hai vợ chồng Béatrice thì thấy nơi tủ nhỏ để đầu giường có một bức hình polaroid chụp Béatrice khỏa thân với cái bụng bầu hum húp thật dễ thương. Ngày xưa khi có bầu Hồng Ngọc tôi cũng thèm có được một bức ảnh như thế nhưng không có gan ra tiệm chụp hình phơi bày ra cho người ta chụp và lòng cứ mãi ấm ức cho tới ngày nay.
Tôi đã phải cứng rắn lắm mới thuyết phục được Béatrice bỏ qua những chuyến săn tin nơi các vùng xa xôi hẻo lánh. Ở Hoa Kỳ, chỉ vài tuần lễ sau khi ông D bị sát hại, ông JFK cũng bị ám sát. Chính quyền bất lực của tướng Bích Êm chỉ kéo dài được 3 tháng rồi sau đó là hàng loạt những vụ lật đổ, chỉnh lý tranh giành quyền lực tại Sài Gòn. Tình trạng chính trị còn tồi tệ hơn dưới trào của ông D. Nhóm đấu tranh tín ngưởng vẫn cứ tiếp tục đấu tranh nhưng không còn phù hợp với mục tiêu bảo vệ tự do tín ngưởng như từ khởi thủy nhưng lại là đấu tranh chống lại chính quyền, chống Mỹ một cách công khai và qui mô. Bàn thờ và tượng, ảnh của đấng tôn nghiêm được mang theo trong những cuộc xuống đường rầm rộ. Loạn đã xảy ra hằng ngày trên các hè phố giữa những người khác nhau vì tôn giáo. Sinh viên, học sinh bỏ lớp học để đi biểu tình la hét đã đảo ông nầy, muôn năm ông kia. Vật giá sinh hoạt hằng ngày tăng vọt nhanh chóng khủng khiếp; đầu cơ tích trử mặc tình thao túng thị trường tiêu thụ, gian thương mặc sức làm giàu! Cảnh sát dã chiến và công an phải dùng những phương pháp cứng rắn đã có từ thời chế độ của ông D để trấn áp các nhóm biểu tình phá rối trật tự trị an.
Các ấp chiến lược có từ thời ông D bị chính quyền mới của tướng Bích Êm dẹp bỏ, phá tan hoang bỏ ngõ cho nằm vùng và du kích mặc tình thao túng quấy rối các vùng thôn quê hẻo lánh. Các đơn vị lớn quân chính quy của miền Bắc bắt đầu xâm nhập hàng loạt vào miền Nam bằng một đường mòn xuyên qua các vùng Lào, Cao Miên. Số lượng quân đội Mỹ và đồng minh không ngừng được đưa vào miền Nam. Luật tổng động viên được ban hành; tình trạng khẩn cấp được tuyên bố và chính quyền áp dụng quân luật để cai trị nhân dân miền Nam.
Thiện đã nhận được giấy gọi nhập ngũ và sẽ đi trình diện để vào khóa 18 trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức bắt đầu từ tháng 6 năm 1964.
°
Bụng của Béatrice chỉ mới được hơn bốn tháng. Ngày Thiện vào nghiệp lính đứa cháu ngoại đầu lòng của tôi vẫn còn nằm trong bụng mẹ nó. Tôi nhìn mình trong gương soi: tôi không già dù trên đuôi mắt đã xuất hiện một vài nếp nhăn nho nhỏ. Người ngoài nhìn tôi không có ai ngờ rằng tôi sắp có cháu ngoại. Đi chung với Hồng Ngọc và Béatrice trên đường Catinat (Tự Do) người ta cứ tưởng chúng tôi là ba chị em.
Chúng tôi ghé vào tiệm Tơ Vàng gần hẻm Catinat để chọn vải may mặc cho Hồng Ngọc: Hồng Ngọc vừa được cấp học bổng đi du học ở Úc theo chương trình viện trợ Colombo. Béatrice đã nói được tiếng Việt Nam khá trôi chảy dù thỉnh thoảng vẫn còn phải xen kẽ thêm tiếng Pháp hoặc tiếng Anh.Khách hàng trong tiệm bán vải đều ngạc nhiên thích thú khi nghe Béatrice nói chuyện bằng tiếng Việt Nam và gọi tôi là mẹ. Dáng dấp và bộ điệu của tôi không giống như những hạng me Tây, me Mỹ nhưng vẫn có những ánh mắt nghi vấn dò xét khi thấy tôi có một đứa con mắt xanh,mũi cao như Béatrice.
Ngoài hè phố các chú GI (lính Mỹ) nhìn chúng tôi một cách ngổ ngáo và buông lời chọc ghẹo thô tục. Sài Gòn bây giờ thượng vàng, hạ cám, vàng thau lẫn lộn. Trong đầu óc ấu trĩ của những người ngoại quốc ù lì và có sạn thì đàn bà, phụ nữ Việt Nam bây giờ đều trở thành những món hàng thịt sống đứng đường ỏng ẹo chờ khách, làm tiền, kiếm đô la!Gái điếm ăn mặc sang trọng, trang điểm lộng lẫy và khiêu dâm, rểu lên rểu xuống suốt dọc các đường Tự Do, Lê Lợi, Nguyễn Huệ. Trên các lề đường thì đủ các mặt hàng ngoại quốc được bày bán công khai: xà phòng, dầu thơm, thuốc lá, rượu mạnh, radio, cassettes, máy chụp hình, quần áo, bí tất, quần lót đàn bà kể cả bao cao su ngừa bệnh phong tình hoa liễu. Báo Play boy nhan nhản khắp nơi. Người ta nói rằng đó là những loại hàng hóa ăn cấp từ các tiệm tạp hóa Post Exchanges (PX) của quân đội Mỹ được tuồn ra ngoài để bán chợ đen chợ đỏ. Có khi nguyên một xe vận tãi chở hàng loại khổng lồ đã được những chú GI tài xế bán khoán hết cho những tên buôn lậu đầu cơ rồi về đơn vị khai báo là bị chận cướp! Có những anh trung sĩ, thượng sĩ đồng minh khi hết hạng công tác thì làm đơn xin ở lại Sài Gòn để tiếp tục buôn bán làm giàu qua ngỏ PX. Tất cả các cao óc, nhà phố, khách sạn đẹp, đầy đủ tiện nghi đều dành độc quyền cho lính Mỹ thuê mướn. Ngoài đường, xe nhà binh Mỹ chạy loạn, bất cần luật lệ giao thông, gây tai nạn chết chóc hằng ngày như ăn cơm bửa. Bây giờ người Mỹ là chủ, họ muốn gi cũng được kể cả việc biến miền Nam thành nơi để xài những loại vũ khí tân kỳ và hữu hiệu của họ.
°
Chiều nay, sau giờ tan sở, Thiện vẫn còn ngồi lại ở phòng làm việc để soạn các vật dụng riêng của mìng mang về nhà. Kể từ sáng mai, Thiện sẽ nghỉ phép 2 tuần trước khi trình diện nhập ngũ. Chàng đang gói ghém mọi thứ vào bọc giấy thì Thái Minh từ hành lang phía sau phòng làm việc đi vào. Thiện ngạc nhiên hỏi:
"Bạn chưa về sao?"
"Về được nửa đường rồi, nhưng phải quay trở lại!"
"Quên gì phải không?"
Thái Minh lắc đầu:
"Không phải! Chỉ vì muốn gặp bạn một lần cuối rồi thôi! Chắc còn lâu lắm mới được gặp lại nhau!"
"Cám ơn bạn đã nghĩ đến nhưng có đáng để cho bạn làm như thế hay không?"
"Có gì đâu mà đáng với không đáng. Bạn không đáng hay tôi không đáng?"
"Bạn hỏi tôi câu đó làm gì? Bạn dư biết quá rồi! Tôi làm sao sánh được với bạn! Còn thua bạn xa lắm!"
Tại bạn nghĩ như vậy chứ có ai dám xem thường bạn đâu?"
Thiện cười chua chác. Chàng nhìn Thái Minh mà không biết phải nói gì. Hơn một năm qua làm việc chung, gần gũi, hai người thật là tâm đầu ý hợp ngay cả sau ngày Thiện cưới vợ. Những lúc trò chuyện, cả hai không bao giờ đề cập đến chuyện vợ chồng riêng tư của mỗi người nhưng hôm nay Thái Minh phá lệ:
"Bà xã của bạn ra sao rồỉ? Chừng nào vào nhà bảo sanh?"
"Chắc cuối năm nay. Còn ông xã của bạn thì sao?"
"Khóa 17 sĩ quan hành chánh tài chánh cũng sắp làm lễ mãn khóa rồi, anh ấy đã chọn xong đơn vị công tác..."
"Ở đâu?"
"Sở hành chánh tài chánh số 6 ở Gò Vấp."
"Vậy là bạn khỏe! Đi lính mà được ở Sài Gòn là nhất rồi, khỏi phải xa vợ con! "
"Còn bạn, bạn đi rồi, bỏ vợ con ai nuôi?"
"Có mẹ vợ lo!"
"Bạn xạo vừa thôi. Cô ta là Tây chính cống, làm gì có má vợ ở đây để mà nuôi đẻ?"
"Bà Bích Ngọc đã nhận Béatrice làm con từ lâu rồi."
"Sau hồi đó không cưới Hồng Ngọc mà lại vớ vào cô bé Tây đó? Thích của lạ phải không?"
"Trời xui, đất khiến! Làm sao mà lựa chọn, cũng như bạn vậy đó, sao không chọn người khác mà lại dính ông xã?..."
"Trường hợp tụi nầy khác..."
"Khác ở chỗ nào?"
"Tụi nầy lở kẹt với nhau nên phải làm đám cưới gắp....'
"Thí dụ ông ấy không chịu cưới bạn thì sao?"
Thái Minh nhún vai:
"Thì một mình nuôi con, có sao đâu!"
"Bộ không thương anh ấy sao?"
"Tụi nầy thích xác thịt của nhau thì đúng hơn! Bây giờ thì bắt đầu thấy cũ rồi!..."
"Tôi nói điều nầy bạn đừng giận nghe... Ông xã bạn học cao mà còn ngu lắm!..."
"Tại sao?"
"Vợ đẹp, có học thức, có địa vi như vầy mà chán nỗi gì?"
"Tôi đẹp sao bằng cô đào ciné của bạn?"
Nói xong Thái Minh lửng thửng đi ra phía sau hành lang đứng tựa gầ khung cửa sổ. Nàng quay lại nhìn Thiện rồi hỏi:
Tại sao bạn cưới vợ gắp quá vậy?"
Thiện tiến đến gần Thái Minh, giọng trầm xuống:
"Không lẽ bạn muốn người ta khinh khi, gọi tôi là một tên sở khanh hay sao?"
Giọng của Thái Minh nhỏ lại:
"Có thương hay không mà lại cưới người ta?"
"Cũng không biết nữa!"
"Còn người ta có thương bạn hay chỉ muốn đổi món?"
"Hiện giờ thì nồng nhiệt lắm nhưng theo kiểu cách của người Tây, người Mỹ, không biết tương lai rồi sẽ ra sao!..."
Thái Minh không nói gì thêm. Nàng mở chiếc ví da cầm tay lấy ra một mảnh giấy nhỏ nhăn nheo xếp làm tư đưa cho Thiện:
"Bạn có nhớ miếng giấy nhỏ nầy không?"
"Giấy gì vậy?"
"Bạn xem đi..."
Thiện mở tờ giấy đọc thật nhanh: đúng là nét chữ viết vội vã của mình với hai câu thơ:
Nếu biết rằng em đã có chồng,
Trời ơi người ấy có buồn không?
Thiện ngước mắt nhìn Thái Minh:
"Lúc đó tôi chưa gặp Béatrice, mà bạn và tôi thì cũng chỉ mới biết nhau...Tôi bàng hoàng khi nhìn thấy chiếc nhẩn cưới trên ngón tay áp út của bạn rồi tự nhiên thấy tiếc nuối vu vơ cho nên mới quọt quẹt hai câu thơ nầy, không ngờ bạn vẫn giữ nó cho đến hôm nay. Bây giờ bạn đưa ra mảnh giấy nầy để làm chi? Bạn muốn hỏi tôi phải không?.."
"Tôi chờ câu trả lời hai câu thơ đó từ lâu lắm rồi!"
"Sao bạn không hỏi ngày tôi chưa có vợ? Còn tôi thì lúc đó làm gì có gan để nói cho bạn biết? Hồi đó đưa cho bạn xem tờ giầy nhỏ nầy chẳng qua là vì muốn cho bạn biết là bạn đẹp và có ma lực làm cho người khác phải tiếc nuối ước mơ..."
Thái Minh giải thích:
" Bạn nói đúng; hai câu thơ nầy đã được phổ vào một bản nhạc để nói lên mối hoài cảm tiếc nuối của một người đàn bà đã có chồng nhưng sau đó mới tìm thấy được một người tâm đầu ý hợp.. Hiện giờ tôi cũng cùng một tâm trạng với người đàn bà trong bản nhạc đó..."
"Người tâm đầu ý hợp đó là ai vậy?"
Thái Minh không trả lời. Nàng nhìn thẳng vào mắt Thiện rồi hỏi:
"Có cần phải nói tên người đó ra không?"
Thiện lắc đầu, giọng nói thật nhẹ:
"Cám ơn bạn! Bạn không cần phải nói ra, tôi đã biết! Ngày nay mỗi người đều có bổn phận phải chu toàn mất rồi!..."
°
Mãn khóa huấn luyện, Thiện được đưa đi phục vụ tại một đơn vị chiến đấu ở vùng Chiến khu D, chỉ cách tỉnh Biên Hòa vài chục cây số; đó là trung đoàn bộ binh 48 biệt lập, bộ chỉ huy hậu cứ đóng tại quận Tân Uyên. Đơn vị của Thiện là tiểu đoàn 3 mà nhiệm vụ chính là bảo vệ tuyến đường độc đạo từ ngả ba Chợ Đồn gần cầu sắt sông Đồng Nai ở Biên Hòa đến chợ Tân Uyên, một con đường loan lổ vì mìn bẫy và đầy dẫy quân du kích. Trung Đội thứ 13 do Thiện chỉ huy là thành phần nồng cốt đi đầu để mở đường và gìn giữ an ninh suốt dọc lộ trình 30 cây số Chợ Đồn-Tân Uyên mỗi khi có đoàn xe tiếp tế hằng tuần đưa quân nhu, đạn dược và tân binh quân dịch đến bộ chỉ huy hậu cứ của trung đoàn 48 ở Tân Uyên.
Người sĩ quan chỉ huy trung đội của Thiện trước đây đã bị tử trận vì bị du kích bắn sẻ trong một buổi sáng tờ mờ dẫn quân lính đi mở đường. Hai người sĩ quan khác thì một bị cụt chân, một nát ngực vì mìn bẫy trên con đường độc đạo nầy. Thiện là người chuân úy thứ tư được giao lại nhiệm vụ chỉ huy cái trung đội thứ 13 nầy.
Béatrice đã sinh hạ được một đứa con gái. Đứa bé giống mẹ nhiều hơn giống cha.
Cứ mỗi chu kỳ tiếp tế cho trung đoàn 48 bộ binh, trục lộ giao thông Chợ Đồn-Tân Uyên có lính nằm đường của Thiện giữ gìn an ninh, Béatrice thường bế con đến Chợ Đồn rồi đi xe lam ba bánh chở hành khách đi Tân Uyên và Thiện sẽ đứng đón vợ con của mình dọc theo tuyến đường khi chiếc xe lam chạy ngang qua chỗ Thiện đóng chốt.
°
Sáng sớm nay, trong chu kỳ hành quân mở đường như thường lệ, Thiện cùng một tiểu đội tiền sát di chuyển tới địa điểm đóng chốt sau khi đã phối tri và phân chia khu vực trách nhiệm cho các tiểu đội khác. Khi tiểu đội của Thiện vừa đến cây số thứ 21 trên trục lộ thì có tiếng nổ của những tràng đạn AK từ hai bên bụi rậm bắn ra. Một tràn đạn ghim vào ngực Thiện! Thiện gục xuống thở thoi thóp. Đám du kích bắn lén bị truy đuổi chạy tản mát hết vào sâu trong rừng...
Vào mười giờ sáng ngày hôm đó trên chiếc xe lam chở hành khách từ Chợ Đồn đi Tân Uyên người ta thấy có một người đàn bà ngoại quốc trẻ tuổi đang cầm bình sửa dỗ ăn cho một đứa bé gái chừng khoảng 5, 6 tháng. Có tiếng xì xào cho rằng đây là vợ con của một cố vấn Mỹ nào đó đang làm việc ở bộ chỉ huy hậu cứ của trung đoàn 48 bộ binh đóng ở Tân Uyên.
Lần nầy chiếc xe lam chạy suốt, không ngừng lại ở dọc đường vì không có ai ra đón như những lần trước!
°
Những lời tâm sự cuối cùng:
Quý bạn đọc thân mến,
Đáng lẽ tôi không viết ra đoạn kết của chuyện nầy, vì nó buồn quá! Và cũng vì thế mà đã từ lâu rồi tôi không muốn xuất bản cuốn truyện, cứ cất nó vào một chỗ riêng để thỉnh thoảng đem ra lẩm nhẩm đọc một mình.
Ngày hôm nay tôi đã phá lệ, đưa lên đây để quí bạn cùng tường lãm với một mong muốn chân tình:
Quý bạn hãy viết dùm cho tôi một đoạn kết hạnh phúc cho truyện.
Đoạn kết của mỗi quí bạn được đăng tiếp theo truyện nầy rồi chúng ta cùng nhau chọn một đoạn kết hạnh phúc nhất. Đoạn kết được quí bạn chọn sẽ được ghép vào để thay thế đoạn kết bi thảm kể trên của tôi và tôi sẽ cho xuất bản quyển truyện có kèm thêm tên của tác giả của đọan kết đó.
Mong quí bạn đóng góp.
nqs

Xem Tiếp: ----