Chương 2

– Em làm sao thế?
– Giọng của Kiến Trung khó chịu, trong lúc Hạnh Nguyên vẫn lặng im. Anh hơi gắt:
– Bao nhiêu đó đủ rồi nha. Em nhất định giận anh hoài sao?
Hạnh Nguyên lạnh nhạt:
– Em không giận gì cả, em nghĩ đã đến lúc anh nên đi về đi.
Cuối cùng thì Hạnh Nguyên đã chịu lên tiếng, nhưng sự lên tiếng của cô càng như dầu chế vào lửa, tạo nên một khoảng cách giữa hai người.
Kiến Trung cắn nhẹ môi, mắt nhìn đăm đăm vào gương mặt lạnh lùng của Hạnh Nguyên:
– Em muốn anh phải làm sao đây? Anh phải nói xin lỗi em bao nhiêu lần cho em hết giận anh?
Hạnh Nguyên vẫn giữ nguyên vẻ mặt lạnh lùng:
– Em đâu có bắt anh xin lỗi em, điều này đâu có cần thiết. Em đang mệt lắm, anh nên đi về đi.
– Nhưng mà anh biết em giận anh, anh rất không tích khi em giận anh như thế này. Anh thích thấy em dịu dàng, khi em dịu dàng, anh thấy em đáng yêu.
Anh năn nỉ em nãy giờ lâu lắm rồi, em phải hiểu tự ái và lòng kiên nhẫn của anh ra sao rồi.
– Anh tự ái vì phải cầu cạnh năn nỉ em, em đâu cần anh năn nỉ em.
Kiến Trung bực dọc nhìn Hạnh Nguyên, anh bất lực trước tính ương bướng của cô, vừa giận vừa khổ sở. Không biết làm sao tạo hòa khí vui vẻ, anh cố dịu giọng thêm lần nữa:
– Anh nghĩ em cư xử như vầy không hay đâu. Em cho là nãy giờ em đúng hay sao?
Câu nói như đổ dầu vào lửa, Hạnh Nguyên quay phắt lại:
– Vậy anh cho là anh cư xử với em là đúng hay sao? Thái độ của anh lúc đó là gì vậy?
– Có lẻ anh đã không khéo léo trong lời nói, nhưng anh cho là anh không sai khi hỏi em về những điều ấy.
Hạnh Nguyên gắt, cô bắt đầu nỗi giận dù trước đó mấy giây, cô đã cố ghìm cơn giận của mình xuống:
– Anh cho là anh đúng, vậy thì em còn gì để nói. Anh nghĩ anh là cái gì của em mà anh có thể thốt ra lời lẽ như thế?
– Anh là hôn phu của em, anh thiết nghĩ anh cần biết em đi đâu và làm gì với những người ấy.
Hạnh Nguyên khẽ cười, nụ cười khinh khỉnh lẫn ương ngạnh:
– Chỉ mới là hôn phu của em mà anh đã có thái độ vậy sao. Nếu thực sự là chồng của em, có lẽ anh còn khiếm nhã hơn nữa, hả?
Hạnh Nguyên hít sâu một hơi vào buồng ngực, cố dằn cơn xúc động:
– Anh cho là em có lỗi, sao anh không kiểm điểm lại mình. Trước tiên là anh lỗi hẹn với em, không phải lần đầu anh hẹn nhưng để mặc cho em chờ. Em vẫn vui vẻ có trách cứ gì anh đâu. Vậy mà em đi dự sinh nhật của một người bạn, rồi một người bạn đưa em về... Là bạn thôi, không lẽ em không có quyền có bạn.
Như vậy anh có tôn trọng em không? Chẳng lẽ em không có tự do riêng cho em?
– Em đi về với một người đàn ông trong đêm tối, em cho đó là hành động đúng sao? Còn anh, anh không thấy dễ chịu chút nào.
– Hóa ra là anh chưa bao giờ có lòng tin ở em. Như vậy mỗi lúc gặp anh chở một cô gái trên xe, anh còn thân mật đùa giỡn với cô ta, em có nửa lời nào trách anh không.
– Chính sự phớt lờ của em đã làm cho anh tức, và anh cố tình thân với họ hơn. Tại sao em không ghen hay làm mình làm mẩy hạch sách anh, để anh thấy là mình được yêu?
Ánh mắt Hạnh Nguyên bây giờ đầy vẻ chấp nhận:
– Em không muốn ghen hay hạch hỏi anh vì em quan niệm cần có lòng tin ở nhau. Vả lại, nếu như em hạch sách anh, và nghe ở anh lời biện minh giả dối, tốt hơn là em nên im lặng.
Kiến Trung thở dài:
– Vậy em nói anh làm gì đúng đây? Lúc nào anh cũng quan tâm lo lắng và yêu thương em:
còn em, anh cảm nhận là em không yêu anh, có lúc em lại né tránh những quan tâm và yêu thương anh dành cho em.
– Sao anh nghĩ là em không yêu anh? Có người con gái nào không thích được người mình yêu chăm sóc, lo lắng. Nhưng anh có biết, em có cảm giác là em quá phụ thuộc vào anh, anh nói yêu em nhưng anh muốn em hoàn toàn thuộc về anh hay tuyệt đối là của anh. Em cũng phải có tự do cho riêng em chớ.
Em cần có bạn bè và vui chơi thoải mải trong lứa tuổi của em.
Kiến Trung đấu dịu, anh đặt tay lên tay người yêu:
– Được rồi, xem như anh sai. Anh sẽ cố gắng sửa chữa. Song anh cũng xin em một điều. Hãy hứa với anh, giận anh thì giận nhưng em cũng đừng lạnh lùng hay tỏ ra bất cần anh, anh khó chịu lắm.
Hạnh Nguyên bật cười, cô đan tay mình vào tay Kiến Trung và đưa lên môi hôn, dấu hiệu của sự hòa bình, không cãi nhau, không lạnh lùng nữa. Nụ cười của cô làm ấm long Kiến Trung. Anh kéo cô vào mình và hôn cô. Hạnh Nguyên muốn tránh nụ hôn, nhưng sực nhớ cô vừa hứa với anh nên khép mắt lại. Sao không là cảm xúc của tình yêu như cô hằng nghĩ mà là một sự chấp nhận. Có phải vì trong lòng cô hãy còn hằn sâu thái độ kém nhã nhặn của Kiến Trung đối với cô lúc cô vừa bước xuống xe của Tử Hào.
Nụ hôn của Kiến Trung bắt đầu tham lam hơn nữa...
Cơn gió thoảng nhẹ qua mang theo hương vị của hoa, những hoa bạch mai nhỏ xíu nhưng hương vị lại tuyệt diệu. Ngồi xuống ghế, Hạnh Nguyên ngước nhìn bầu trời đêm lấp lánh những vì sao mà hờn lại lãng đãng vào không khí ồn ào của buổi tiệc.
Hạnh Nguyên chợt rùng mình, không phải vì lạnh mà...
Buổi tiệc mừng thọ bà nội tám mươi bên trong, trong phút chốc biến thành bàn tròn kinh doanh giữa ba Kiến Trung, Kiến Trung và Hạnh Nguyên:
còn các vị khách khứa, họ đến để góp phần long trọng cho buổi tiệc và cũng để chứng tỏ họ cũng được mời trong buổi tiệc long trọng của dòng họ Nguyễn Kiến. Hạnh Nguyên không thích cách phô bày sự giàu có cũng như thế lực của cha Kiến Trung và là cha chồng tương lai của cô.
Bước chân lạo xạo trên đá sỏi làm Hạnh Nguyên quay lại. Người đang đến gần cô là chú Kiến An. Anh vừa đi vừa khom đầu để đốt điếu thuốc. Anh khựng lại khi nhìn thấy Hạnh Nguyên, rồi cười:
– Hạnh Nguyên! Sao lại ở đây mà không ở trong kia với Kiến Trung?
Hạnh Nguyên cười, đáp lại:
– Nguyên muốn ở ngoài này. – Hạnh Nguyên đùa – Còn chú, đừng nói là theo Nguyên ra đây nghe.
– Đi tìm chỗ hút thuốc, cô bé ơi. Hạnh Nguyên làm cài gì ngoài này?
– Tìm không gian yên tĩnh, không có tiếng ồn, rượu và thuốc lá. Chú làm không khí ở đây ô nhiễm rồi đó.
Câu nói của Hạnh Nguyên làm Kiến An cười thành tiếng. Lúc này trông gương mặt anh cuốn hút làm sao dưới đốm sáng của ngọn lửa trên đầu điếu thuốc. Anh nhìn Hạnh Nguyên rồi nhẹ giọng:
– Tôi ngồi đây được chứ?
Hạnh Nguyên vội ngồi nhích sang một bên chừa chỗ cho Kiến An:
– Dĩ nhiên là không được nếu chú không muốn.
– Càng ngày cô càng lém đó, cô bé.
Kiến An ngồi xuống:
– Dường như Kiến Trung đang đi tìm Hạnh Nguyên. Sao Nguyên lại bỏ ra ngoài này?
– Anh ấy đang say mê bàn việc ở công ty thì có.
Gác tay dưới cằm, Hạnh Nguyên ngước nhìn trời đêm:
– Mà chú nữa, trong ấy đang vui vẻ, sao không ở trỏng mà ra đây?
Kiến Trung rùn vai:
– Chuyện họ bàn, chằng có gì hứng thú cả. Ra đây nói chuyện với Nguyên có lẽ còn hay hơn.
Hạnh Nguyên liếc Kiến An:
– Vậy chú lấy Nguyên làm trò giải khuây sao?
– Đâu có. Hạnh Nguyên nói oan cho tôi rồi. Nhưng mà hôm nay, trông Hạnh Nguyên có vẻ rất vui.
– Chú cũng vui phải không?
– Ờ.
– Chú An này! Chú có nhớ lúc chú bỏ đi không?
– Nhớ. Sao?
– Nguyên đã bắt gặp chú trốn đi.
Kiến An cười:
– Ừ, lúc ấy, hình như Nguyên đang giận chú, nên định chạy đi méc ông nội.
– Mà Nguyên có méc đâu.
– Nhờ như vậy chú mới đi được.
– Chú gạt Nguyên thì có. Bây giờ chú về, Hạnh Nguyên nhất định đòi nợ xưa.
– Nợ gì?
– Thì hồi đó chú hứa sẽ thực hiện bất kỳ đòi hỏi nào của n. Để lừa Nguyên, chú đã chơi cái trò đó. Chú quên, nhưng Nguyên, không có quên đâu.
Kiến An xúc động, chuyện ngày ấy khi anh ôm quần ào bỏ đi, Hạnh Nguyên dọa chạy đi báo ông nội. Cô bé ôm chặt anh lại và đòi hét ầm lên, anh đã gạt cô bé với lời hứa sau này Nguyên muốn gì cũng được. Cô bé nhớ, còn anh đã quên biếng đi mất.
Kiến An cườ khẽ:
– Trò trẻ con ấy, Hạnh Nguyên vẫn nhớ hay sao?
Hạnh Nguyên đưa tay dứ dứ trước mặt Kiến An, dọa:
– Này! chú đừng có nói là quỵt nợ nghen.
Kiến An vờ chịu thua:
– Thôi, tùy cô đấy. Thật tôi không ngờ có lúc bị con bé ranh ma này ăn hiếp.
– Vậy là chú hứa rồi nghen.
– Hứa gì?
– Hứa phải lấy vợ trước Hạnh Nguyên có chồng. Nguyên đã sắp xếp đâu vào đó rồi.
Kiến An thảng thốt kêu:
– Chuyện gì chớ chuyện này không được. Tôi chưa muốn có vợ đâu cô bé.
Có ai thương tôi đâu.
– Nguyên tính rồi. Nguyên sẽ giới thiệu bạn thân của Nguyên cho chú, như vậy sẽ tiện cho chú mà cũng tiện cho Nguyên được gần bạn.
Kiến An lắc đầu:
– Hóa ra cô đang lợi dụng tôi đấy à?
– Nguyên lợi dụng, chú cũng có lợi vậy, Có vợ đẹp và thông minh, ban Nguyên còn xinh và thông minh hơn Nguyên nhiều.
– Nhưng tôi lại không thể là ông chồng tốt.
– Sao chú lại nói vậy? À! Mà chú còn nhớ chị Thương không?
Kiến An thoáng chau mày, song anh gật đầu.
– Nhớ, nhưng sao?
– Chị Thương yêu chú lắm. Lúc chú bỏ đi, chỉ chứ khóc hoài.
Kiến An lại cười, nụ cười không một hàm ý. Hạnh Nguyên nhăn nhó:
– Chú đừng có cười. Nguyên nói thật chứ không có đặt chuyện đau. Thấy ghét chú quá!
– Cô ấy hẳn bây giờ cũng đã có chồng?
Hạnh Nguyên bực dọc:
– Chớ sao nữa. Người ta là con gái, chẳng lẽ chờ đợi chú mãi.
Kiến An nhún vai, nhưng thái độ của anh lúc này khiến cô thương cảm – Nguyên sẽ giới thiệu em gái chị Thương cho chú.
– Bạn của Nguyên là em gái Thương?
Hạnh Nguyên gật đầu, còn Kiến An, anh nheo mắt. giọng thản nhiên:
– Để xem sao nữa chứ. Lỡ như chú chịu mà cô bạn của Nguyên không chịu thì sao?
– Chú không được hứa cho qua chuyện đâu đó.
– Biết rồi.
Kiến An gật đầu, cái gật đầu theo ý nghĩ của anh. Anh lần tay vào túi áo tìm điếu thuốc thứ hai, rồi khẽ giọng:
– Hạnh Nguyên và Kiến Trung là đôi bạn hạnh phúc, nhưng như hai gia đình định ngày cưới rồi mà.
– Chú đang hỏi Nguyên hay báo tin vậy?
– Sao? Chẳng lẽ Nguyên không biết?
– Thì biết. Nhưng Nguyên chưa quyết định gì cả.
Cô nhỏ giọng như tâm sự:
– Chú An đã yêu rồi phải không?
– Việc ấy có liên quan gì đến việc của cô, hả cô bé?
– Nguyên cười, nụ cười nhẹ nhàng xa vắng:
Nguyên hỏi đẻ biết, với chú thì thế nào là tình yêu? Theo chú, hạnh phúc là sao hả chú?
– Là giống như Nguyên vậy, yêu và được yêu, đó là hạnh phúc.
– Nguyên đang hạnh phúc?
Cô lắc đầu:
– Có phải Nguyên đang hạnh phúc không? Chữ hạnh phúc trừu tượng qua.
Nguyên lớn lên bên anh Trung, được cha mẹ hai bên chấp thuận. Nguyên thấy sao hạnh đến nhẹ nhàng, không có gì trở ngại, không có sự xôn xao.
– Hạnh phúc là do tự lòng mình cảm nhận được, vấn đề là ta phải biết giữ gìn và tôn trọng nhau. Nguyên có tất cả những điều ấy mà.
– Ai cũng nói hạnh phúc không phải dễ tìm, nhưng với Nguyên, nó như được đặt trong lòng bàn tay, làm cho Nguyên hồ nghi... giống như Nguyên đang giữ trong tay một bong bóng xà phòng lấp lánh rực rỡ muôn màu sắc, nhưng Nguyên có cảm giác nó không bền bỉ.
– Chỉ là ảo giác của Nguyên thôi, giống như người ta đang giữ viên kim cương quý giá nên cứ mãi lo lắng mình đánh mất.
Hạnh Nguyên thở nhẹ như tìm ra lối phân giải:
– Chú không hiểu đâu. Nguyên có những cảm giác mà không sao diễn tả được. Tâm hồn Nguyên cứ sao sao ấy. Nguyên không hiểu mình có thật sự hạnh phúc, có thật sự yêu anh Trung không?
Kiến An trấn an:
– Không có gì đâu, đó chỉ là suy nghĩ và lo sợ thường tình khi người ta đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân và hạnh phúc đôi lứa.
– Vậy mà không hiểu sao nghe nói đến đám cưới là Nguyên muốn phát sốt lên, còn anh Trung thì cứ thúc hối.
Có tiếng Kiến Trung gọi tên Hạnh Nguyên. Hạnh Nguyên đứng lên:
– Thôi, mình vào nhà đi chú An.
Kiến An lắc đầu:
– Nguyên vào với Kiến Trung đi.
Kiến Trung lại gọi to nữa, nên Hạnh Nguyên hấp tấp chạy đi. Kiến An nghe tiếng còn tiếng mất, Kiến Trung đang càu nhàu Hạnh Nguyên. Anh hình dung ra những lời của cô bé và lắc đầu rít thật mạnh một hơi thuốc, xong nhả ra cho làn khói trắng bay lãng đãng.
Hạnh Nguyên trở mình trên chiếc giường êm ái của mình, đôi mắt cô vô tình chạm vào khung ảnh chụp của mình và Kiến Trung. Cô vươn tay ra cầm khung ảnh lật úp xuống.
Tình cảm cô dành cho Kiến Trung liệu đó có phải là tình yêu?
Có tiếng chân vang trên cầu thang. Bà Nguyên đẩy cửa phòng Hạnh Nguyên nhìn vào:
– Có người tìm con.
Hạnh Nguyên lười biếng nằm yên:
– Ai vậy mẹ? Hay là mẹ bảo con mệt nên ngủ rồi.
– Con đang làm gì vậy?
– Con đọc sách, làm biếng xuống nhà lắm.
– Vậy để mẹ nói với chú An...
Hạnh Nguyên bật dậy như cái lò xo:
– Khoan đã mẹ! mẹ nói ai tìm con?
– Chú Kiến An, ông chú chông tương lai của con. Có xuống hay không?
– Có, có... Con xuống ngay.
Hạnh Nguyên nhanh như sóc, nhảy xuống giường, chải lại mái tóc rồi chạy nhanh xuống nhà. Gần cuối cầu thang, cô đi chậm lại, cũng là lúc Kiến An nhìn lên, anh cười với cô:
– Ngày chủ nhật tha hồ ngủ và làm con mèo lười, phải không Hạnh Nguyên?
– Có chuyện gì vậy chú?
Hạnh Nguyên bước nhanh xuống bậc thang cuối cùng. Kiến An vẫn cười:
– Ra ngoài với chú nghe!
Đôi mắt to tròn của Hạnh Nguyên thoáng bất ngờ. Cô vờ hối tiếc:
– Nguyên e... chắc không được.
Kiến An thất vọng, anh không nghĩ là cô bé từ chối mình, còn Hạnh Nguyên, cô cười phá lên trước vẻ thất vọng của Kiến An:
– Nguyên chưa nói hết mà. Chắc không được, nếu như chú không chịu chờ Nguyên trong mười lăm phút.
Kiến An thở phào nhẹ nhõm. Cô bé thật nghịch ngợm dám trêu anh. Anh gật đầu. Hạnh Nguyên liến thoắng:
– Mười lăm phút thôi nha chú!
Cô chạy ngược lên cầu thang, tiếng chân nghịch ngợm rầm rầm. Kiến An lắc đầu, song sao mà anh yêu vẻ nghịch ngợm của cô bé đến như thế không biết.
Không đầu mười lăm phút, Hạnh Nguyên trở xuống trong chiếc quần Jéan lửng màu xanh, áo thun trắng ngắn tay, trong cô thật đáng yêu. Cô cười với Kiến An:
– Mình đi chưa chú?
Hai người đi bên nhau, hai chiếc bóng ngã dài trên con đường đầu lá rụng.
Một làn gió thổi qua làm xôn xao những cành cây ngọn lá. Hạnh Nguyên đi chầm chậm bên Kiến An, trong cô bây giờ là những suy nghĩ bâng khuâng về người bên canh mình.
Cô muốn hiểu Kiến An, anh nửa xa lạ và nửa gần gũi với cô.Trầm lặng ít nói, đó là những gì cô từng biết. Cũng như bây giờ vậy, anh mời cô ra ngoài mà nãy giờ đi bên nhau, anh vẫn chưa chịu lên tiếng. Còn cô, một tâm trạng thật phức tạp, nửa hồi hộp, nửa vui sướng vì anh đến tìm cô. Cái cảm giác được Kiến An đi tìm mình, mang đến cho cô sự ấm áp gần gũi chân thành, hay là vì cũng có một nguyên nhân đơn giản:
chú là người bạn lớn tuổi cho cô tâm sự và chia sẻ.
Trông chú đơn giản quá, và hình như chú xem trọng Nguyên hơn Kiến Trung và Ngọc Trâm. Hai người đó đón nhận chú hờ hững lạnh nhạt.
Bình lặng quá, Hạnh Nguyên phải kêu lên:
– Chú An! Chú rủ Nguyên đi ra ngoài để lặng im đi mãi như vầy à?
Giọng Hạnh Nguyên phụng phịu. Kiến An chớp nhanh mắt. Sao mà anh yêu vẻ thơ ngây làm nũng của cô bé đến thế. Anh cười, nụ cười nhẹ nhàng ý nhị:
– Chú không nghĩ là Nguyên không thích, đi bộ như thế này cũng thú vị lắm chứ.
– Hôm nay chí có tâm sự không vui à?
– Không. Chú nhớ cô bé Nguyên hồi đó rất thích ăn kem, cho nên...
– Chú định mời Nguyên đi ăn kem. Hồi đó chú nói tại Nguyên thích ăn kem nên một cái răng mọc vô, một cái răng mọc ra. Lớn lên, bạn bè lại gọi Nguyên là cô bé răng khểnh. Bây giờ Nguyên hết mê ăn kem rồi, sở thích phải thay đổi theo thời gian chớ chú.
Giọng Kiến An đầy thất vọng:
– Thế à? Chú cứ tưởng Nguyên sẽ vui... Thôi vậy.
Hạnh Nguyên gật đầu, cô tinh nghịch:
– Thôi vậy...Nhưng Nguyên sẽ tiếc nếu không được chú mời ăn kem.
Kiến An bật cười. Lần thứ hai anh bị Hạnh Nguyên lừa. Anh nắm tay cô bé dọa dẫm:
– Thôi nào đừng giở trò khỉ nữa. Nguyên không biết là sức khỏe của chú không được tốt sao. Cứ như vầy, có ngày Nguyên làm chú đứng tim mất.
Hạnh Nguyên cười khúc khích:
– Người ta chỉ đứng tim khi đứng trước người mình yêu thôi chú ơi. Với lại, ai biểu chú đến nhà rủ Nguyên đi, rồi cứ im mãi.
– Vậy là chú bắt đầu mời nha. Nguyên phải hứa là không được từ chối.
Cuối cùng hai người đứng trước quán kem. Vào quán ngồi đối diện với nhau, và gọi hai ly kem giống như cách đây hơn năm năm vậy. Ngày ấy, Nguyên là cô bé mười ba, còn chú thì hai mươi lăm. Bây giờ cô đã thành thiếu nữ, có lẽ cái nhìn của chú cũng khác hơn, xa cách hơn để gìn giữ một khoảng cách cần giữ.
Hạnh Nguyên múc kem bỏ vào miệng. Miếng kem dâu lành lạnh tan trong miệng cô, mang lại hương vị thích thú như thuở nào. Ăn nửa ly kem, Hạnh Nguyên ngẩn lên, cô bắt gặp ánh mắt của Kiến An đang nhìn mình trìu mến, ấm áp. Một thoáng giao nhau, Hạnh Nguyên cười khẽ:
– Chú không ăn đi. Không thích ăn kem mà đi mời Nguyên.
– Bởi vì chú biết Nguyên thích ăn kem.
– Vậy hôm nay là một ngày đặc biệt, phải không chú?
– Kiến An lắc đầu, ánh mắt sâu lắng:
– Không, đâu có gì.
– Không có gì tức là có. Đối với chú, Nguyên phải hiểu ngược lại kìa.
Kiến An đành cười trừ trước lý luận ngang ngang của cô bé.
Hạnh Nguyên không chịu thua, cô nuốt muỗng kem, bắt nẻ lại:
– Ừ là sao? Nguyên không hiểu từ ừ của chú.
– Là một ngày cuối tháng, chú có đủ tiền để mời Nguyên đi ăn kem, có vậy thôi.
Vậy ra là chú có tiền lương? Vậy Nguyên sẽ ăn hai ly.
– Nguyên cứ ăn. Sợ Nguyên ăn hai ly không nổi thôi.
Hạnh Nguyên múc muỗng kem nữa cho vào miệng. Cô nghe hương vị kem dâu đậm đà hơn bao giờ hết. Cô nhướng mắt:
– Thế sao chú không rủ Ngọc Trâm đi cùng với?
Kiến An lại lắc đầu:
– Điều ấy không được. Ngọc Trâm nhiều bạn bè lắm, nó không thích đi với ông chú “ù ù cạc cạc” như chú đâu.
– Sao chú biết Nguyên sẽ đi với chú?
– Bởi vì đêm nay không có Kiến Trung, Nguyên ở nhà.
– Chú chắc như vậy sao? Lỡ như Nguyên cũng có nhiều bạn như Ngọc Trâm?
Đầu Kiến An hơi cúi xuống:
– Không hiểu nữa. Chú lại có niềm tin đến tìm, Nguyên có ở nhà và không làm gì cả.
Hạnh Nguyên cười khẽ, cô im lặng không đối đáp nữa, bởi vì cô hiểu hơn ai hết, lúc nãy nghe mẹ nói chú An tìm, cô đã vội bật dậy rồi.
Thật lâu, Hạnh Nguyên mới hỏi:
Bên Nam Vang, chú có đi ăn kem với “ai đó” không? Chắc là có chứ gì?
– Ừ.
– Tiếng ừ của chú không bao giờ đủ nghĩa cả.
– Với Nguyên thì lúc nào cũng vậy.
– Chú kể chuyện bên Nam Vang cho Nguyên nghe đi.
– Thì cũng có một thời có bạn gái, vậy thôi.
Hạnh Nguyên nài nỉ:
– Là một cô bạn gái thì không thể ở đó được. Nguyên thích nghe chuyện ấy.
– Thôi nào cô bé, chuyện không thể kể được, đừng tò mò nữa nhé!
Gương mặt đang vui của Hạnh Nguyên xịu xuống. Cô hờn dỗi:
– Thế thì thôi vậy. Nguyên không muốn ăn kem nữa.
Kiến An thở ra, anh phân giải:
– Chuyện buồn, Nguyên nghe để làm gì?
Giọng Hạnh Nguyên bướng bỉnh:
Chú sẽ không bao giờ vui nếu cứ giữ mãi chuyện buồn.
Lại tiếng thở dài của Kiến An, anh biết mình sẽ chiều cô bé. Anh cũng không hiểu vì sao như thế nữa.
Nguyên biết rồi đó, có những mối tình kết thúc trong thơ mộng, cũng có mối tình chia tay đau buồn mang lại những đau đớn nuối tiếc.
Anh nhìn vào ánh mắt trong veo, cố che giấu nỗi buồn của mình:
– Chú không biết mình đã đúng hay sai. Tất cả chúng ta là ba người bạn, những người bạn thân của nhau. Có lẽ con số ba không phải là con số tốt. Hai chàng trai đi yêu một cô gái, sau nàỵ. có lẽ người cô gái ấy chọn không phải là tôi.
Hạnh Nguyên ngơ ngác, cô không hiểu chú An nói gì nữa. Đôi mắt ngơ ngác của cô làm đau nhói trái tim một người. Kiến An khe khẽ:
– Cuộc đời luôn không đơn giản, có ai nghĩ cuối cùng tôi là người thua cuộc.
Tôi không phải đánh mất tình yêu của cô ấy, nhưng tôi không thể vượt qua định kiến của gia đình. Nguyên biết rồi đó, một đứa con mồ côi, không sự nghiệp, ai thèm mình. Một thời gian dài thất vọng chán chường rồi cũng đi qua, dù sao cũng nên vui cho người mình yêu.
Kiến An kết thúc câu chuyện bằng nụ cười buồn. Mặt anh thản thiên.
Hạnh Nguyên lại xót xa, cô chạm tay mình vào tay Kiến An:
– Lẽ ra Nguyên không nên bắt chú kể. Xin lỗi chú nghen.
Kiến An nhún vai cười. Nụ cười mà theo Nguyên hiểu, đang ẩn chứa đầy xúc cảm.
– Có gì đâu mà xin lỗi. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm, là chuyện của quá khứ.
– Chuyện của chú buồn thật. Có phải vì vậy mà chú rời bỏ nơi ấy?
– Cứ cho là như vậy, hiểu như cách của Nguyên hiểu đi.
Hạnh Nguyên trách nhẹ:
– Chú luôn là như vậy, không bao giờ chú để cho người khác hiểu chú.
– Hãy nhìn chú theo cách đơn giản, như thế sẽ tốt hơn.
Kiến An đáp lời Hạnh Nguyên bằng cái nhìn ý nhị. Một cơn gió chợt ào qua, mang theo bao xác lá. Kiến An ngẩng lên nhìn trời rồi nhìn khu vườn bao chung quanh quán:
– Trời sắp mưa rồi mình có nên về không đây?
Kiến An như dò hỏi. Hạnh Nguyên cười tinh nghịch – Chú nghĩ là kịp sao? Chú nhìn vai áo chú xem.
Kiến An nhìn ra sau, vài giọt mưa đang lất phất rơi ướt vai áo anh. Anh cười – Mưa thật rồi, chúng ta vào trong đi.
– Ngồi qua đây, chú sẽ không bị ướt còn nhìn được mưa. Vào trong ồn ào và tối lắm.
Cơn mưa đến mạnh hơn, hắt hạt mưa vào. Kiến An kéo ghế ngồi cạnh Hạnh Nguyên dưới tán dù. Hạnh Nguyên lơ đãng nhìn ra màn mưa.
– Tiếng mưa như thế này hay quá chú nhỉ! Chú có nghĩ là mình đang có những giây phút lãng mạn lắm không?
Kiến An gật đầu định nói, nhưng Hạnh Nguyên nói như “kê tủ đứng” vào miệng Kiến An:
– Anh Trung luôn bảo Nguyên ngớ ngẩn mỗi khi Nguyên khen mưa đẹp nhất là nhìn ra mưa.
Hạt mưa rơi tí tách lẫn trong gió và mang theo cả hơi lạnh. Kiến An bắt gặp cái rùng mình của Hạnh Nguyên. Anh khẽ hỏi đầy vẻ chăm sóc:
– Nguyên lạnh à?
– Hạnh Nguyên rùng mình lần nữa, song đầu lại lắc. Kiến An phì cười:
– Thôi đi cô, nói dối cũng chẳng qua được phải không?
Rồi anh đưa tay tìm lấy cho mình một cây nến, loại nến thường được đặt ở góc bàn dành cho khách. Kiến An bật quẹt đốt. Nến cháy bập bùng cho không gian trở nên ấm áp.
– Nguyên hơ tay vào lửa đi, làm như thế sẽ ấm hơn nhiều.
Hạnh Nguyên ngoan ngoãn áp hai tay vào ngọn nến đang cháy tìm hơi ấm.
Một cơn gió thoảng qua làm chao nghiêng ánh lửa.
– Đã ấm chút nào chưa Nguyên?
Bàn tay Kiến An chợt áp lấy bàn tay Hạnh Nguyên. Anh xoa nhẹ đôi tay của cô như giúp Hạnh Nguyên tìm cái ấm. Một thoáng bất ngờ trước hành động của anh, Hạnh Nguyên ngượng ngập rụt tay về trong bối rối. Một cảm giác ngượng ngùng lan tỏa khắp cả cơ thể cô.
Kiến An hơi bất ngờ, song vẫn chưa nhận ra là Hạnh Nguyên ngượng, rồi anh chợt hiểu cũng trở nên lúng túng, vẻ ngượng ngùng hiện rõ trên gương mặt.
Anh cố tình lờ đi bằng cách nhìn về phía khác. Anh tự trách mình điên thật, sao lại quên mất điều ấy...
Hạnh Nguyên bây giờ đâu phải là cô bé mười ba như ngày xưa cho anh tự nhiên. Cô cũng chẳng giống cháu gái của anh, có với anh một tình thân ruột thịt.
Trước mắt anh là một cô gái, một thiếu nữ với đầy nhạy cảm và những cảm xúc riêng của người thiếu nữ mà một người đàn ông như anh cần phải giữ gìn.
Anh cố tìm cho mình một câu nói để xóa tan không khí gượng gạo ngượng ngùng:
– Nguyên kể truyện của Nguyên với Kiến Trung đi, Hai người yêu nhau từ lúc nào?
– Hạnh Nguyên nhìn anh rồi cuối mặt cười:
– Chuyện ấy à? Có gì đâu mà kể hả chú.
– Sao lại không? Nguyên nhận ra mình yêu Trung từ lúc nào?
– Hạnh Nguyên cười thành tiếng, cô lắc đầu với vẻ hồn nhiên:
– Nguyên không biết, cứ đi lại với nhau mãi thành quen.
Hít một hơi thở sâu vào lồng ngực, mắt Hạnh Nguyên nhìn ra màn mưa:
– Giữa Nguyên và anh Trung trông có vẻ buồn cười, ngớ ngẩn lắm. Lần đầu tiên anh Trung nói yêu Nguyên, Nguyên nhìn ảnh đăm đăm rồi cười phá lên.
Thật điên quá phải không chú? Anh Trung bị quê, giận Nguyên cả tuần luôn.
Nguyên thấy buồn và như thiếu thiếu cái gì, Nguyên đi tìm, thế là cả hai huề nhau, hai nhà thấy vậy cho đính ước.
Hạnh Nguyên thở mạnh ra, giọng cô thắc mắc:
– Nguyên nghĩ mãi không ra, giữa Nguyên và anh Trung gặp nhau là cứ cãi nhau chí chóe, tại sao lại yêu nhau. Chú không biết đâu, Nguyên quá quắt lắm, khi Nguyên giận là khỏi nói; còn anh Trung cứ kiên nhẫn năn nỉ đến... một trăm lần luôn.
Kiến An trầm giọng:
– Đó là tình yêu. Đơn giản là yêu và muốn được chiều chuộng, không thể giải thích hơn nữa.
– Sao yêu lại có thể mù quáng như thế hả chú? Ngay cả khi người yêu mình có lỗi, mình vẫn phải mở lời xin lỗi người ta.
– Vì khi yêu là yêu cả khuyết điểm người mình yêu. Đó không phải là mù quáng mà là cách để dung hòa tình yêu.
Hạnh Nguyên khẽ cười:
– Nguyên thì không biết, vì có bao giờ Nguyên là người xin lỗi đâu.
Kiến An mĩm cười chịu thua. Anh lần tay vào túi áo tìm thuốc hút. Trong khói thuốc mơ màng, anh ngắm Hạnh Nguyên và bắt gặp cô cũng đang nhìn mình, cái nhìn hàm chứa ý nghĩ. Anh không tránh đôi mắt cô bé mà hỏi:
– Sao thế?
Hạnh Nguyên đáp, giọng không vui:
– Nguyên không thích chú hút thuốc.
Dụi tắt đầu thuốc, Kiến An khẽ giọng ấm áp:
– Nguyên không chịu được khói thuốc à?
– Không, mà vì hút thuốc không tốt cho sức khỏe.
– Chuyện này chú biết.
– Vậy sao chú vẫn hút?
– Nghiện thuốc, không bỏ được.
– Chú đang viêm họng nặng, đúng không? Vậy thì Nguyên cấm!
– Chưa ai cấm chú hay bảo không được như thế này, như thế kia.
Hạnh Nguyên bĩu môi:
Thế thì chú tập quen bây giờ đi, vì Nguyên sẽ bắt chú đó.
Cầm hộp quẹt trên bàn, cô vờ đe dọa:
– Còn nếu chú không bỏ được thì chính Nguyên sẽ mồi thuốc cho chú, lúc đó có cháy râu, chú đừng có la nghen.
Kiến An cười ta, mắt anh nhìn sâu vào gương mặt xinh xắn đáng yêu. Một thứ xúc cảm mới lạ chợt đến len nhẹ trong anh. Anh cảm nhận được tình cảm yêu thương ấm áp, một thứ tình cảm mà anh chưa rõ tên, chỉ biết anh yêu là mến cô bé. Ở Nguyên có những cái luôn làm anh thích, cô bé cứ như là niềm vui duy nhất, anh muốn mãi nhìn thấy và ở bên cạnh.