……Dường như bây giờ người ta coi trọng lập trường mà ít chú ý đến nhân cách. Sự ham muốn quyền lực làm không ít người giẫm đạp lên cả bạn bè, đồng chí,….Sự ghen ghét là con người bẩn thỉu…Ở đời này không dễ tìm sự thậtKhông dễ thấy công bằng trên trái đấtĐừng tưởng anh thay đổi được đời này,Đừng ngồi lên cành cây anh định chặtOma Khayam CHƯƠNG MỘT
Trang đứng tựa cột bê tông hình lục lăng có ốp đá rửa màu hạnh nhân, đôi mắt bàng hoàng nhìn chéo qua khuôn mặt cửa kính. Những tia nắng sớm non nớt, gãy khúc, loa lóa lúc thực, lúc hư…Từ bao giờ, những dòng nước mắt rón rén theo hai sóng mũi, trườn lên đôi môi mím chặt chảy xuống khuôn ngực của người thiếu phụ. Và cũng không hiểu vì sao, chị không dám nhìn thẳng vào mặt thằng Linh, đứa con riêng của chị. Cũng như thế, Linh không dám nhìn mẹ. Cả hai đều thấy một nỗi đau xót; người này là nguyên nhân nỗi khổ tâm của người kia. Là người mẹ, Trang nghĩ chị không bằng một con gà mái, khi con bị lâm nạn, dám dũng cảm giang đôi cánh ra để bảo vệ, bao bọc nó. Linh lại nghĩ, dù bị oan ức thế nào đi chăng nữa, chính vì nó mà mẹ Trang sẽ gánh chịu nhiều tai tiếng trước bà con làng xóm. Nó bước lại phía hai đứa em cùng mẹ khác cha củ nó. - Anh đi cu Nhân nhé. Mai kia về anh lại bắt chim cho em. Ở nhà ngoan, chăm học, đừng đánh em, anh gởi quà về cho. Không biết nó định gởi quà gì nhưng cu Nhân lại rất tin. Nhìn qua rặng ổi nhà ông Bân, cu Nhân bỗng hỏi bâng quơ: - Anh Linh có gởi ổi về cho em không? - Có, anh sẽ gởi ổi về. Trả lời cu Nhân xong, nó lại võng dựng ngược con bé lên năm dậy, hôn tới tấp lên hai má con bé. - Anh đi Oanh nhé. Ở nhà đừng nhè, anh gửi quà về cho. Con bé khóc thét, giãy giụa trên tay thằng anh. Linh ấp em một lúc, tay vỗ vỗ vào lưng con bé, cho đến khi em gái tỉnh ngủ, nhoẻn cười. Lúc ấy cu Linh mới trao em lại cho mẹ. Bây giờ thì nó lấy can đảm nhìn mẹ nó, nhìn thẳng vào gương mặt như gương mặt của người lên cơn sốt tiều tụy, thiểu não. Trang vừa đưa tay ra đỡ bé Oanh, tiếng khóc bỗng đổ òa, lênh láng cả tòa nhà uy nghiêm. Nghe tiếng khóc của mẹ, thằng Linh không giữ được. Nó bật khóc ồ ồ át cả tiếng khóc của mẹ nó. Tiếng khóc như cơn dịch lây lan sang thằng Nhân rùi cái Oanh tiếng khóc của một nhà lâm nạn… Anh công an xã, có khổ người cao lớn, vai bè và khuôn mặt lầm lì, rắn đanh, bước lại phái cu Linh: - “Mời” cậu, ta đi! Giọng anh lạnh băng. Linh nấn ná lúc nữa. Nó cố nén tiếng khóc nói với mẹ một câu chia tay, nhưng không nói được. Dường như đầu óc mụ mị, dường như lưỡi nó cứng lại và xương quai hàm không xê dịch nổi. Trang ôm chặt cái Oanh đến mức chị cảm thấy hình như bây giờ đây con bé là cứu cánh của chị. Một lần nào đấy, khi nhìn vào gương mặt hai đứa con riêng chị đã nhận ra hai gương mặt khác nhau: gương mặt cu Nhân là của bố Thuật nó và gương mặt của bé Oanh giống hệt gương mặt cu Linh. Trong tiềm thức của mình, quả chị có thương cái Oanh hơn. Chị bỏ nhà, quên cả khóa cửa, đưa thằng Linh đi một đoạn. Lúc ấy hàng xóm đã đến đông nghẹt, chen lấn, xô đẩy nhau. Mỗi người nhìn đứa bé đi cạnh anh công an theo một suy nghĩ khác nhau: - Tội nghiệp thằng bé, ngoan thế… - Không ngờ, thằng bé lại hư thế. - Nó là thằng con riêng, thiếu tình cảm, thiếu sự chăm sóc, dạy bảo của người bố, còn mẹ thì lại…. Trang hiểu, lúc này im lặng là hơn cả. Ra đến con lộ đỏ, chị dúi vào tay con mấy tờ giấy bạc lúc đi chợ về hãy còn. - Thôi, con đi… Cố ngoan nhé. - Mẹ, mẹ đừng tin họ, mẹ nhé. Họ bịa chuyện bắt con đấy.. - Đi, thằng cu này láo. Tiếng anh công an xã gay gắt. Trang thấy nhói nơi lồng ngực. Chị càng cố ôm chặt đứa con gái út. Nhưng đôi mắt nhòe nước của chị lại dõi theo như hút đứa con trai, hồi hộp chờ nó quay lại, đón nhận cái bàn taqy nhỏ nhắn, xinh xắn của nó vẫy gọi. Nhưng thằng bé đã không quay lại. Đúng ra, chị hiểu, người ta đã không cho nó quay lại, người ta muốn cắt đứt. Trang đứng im lìm như một cây gỗ mục, lúc nào cũng muốn đổ gục xuống. Chị gượng đứng như thế cho đến khi bóng thằng con riêng chỉ còn như một que gầy khuất sau bóng của chú công an to lớn vai vè ấy, chị mới quay lại trở vào. Trang nghiêm túc nghĩ rằng, giá hôm nay có Thuật – người chồng sau của chị - ở nhà, chắc chắn anh ấy sẽ bảo lãnh được cho thằng cu Linh. Với cương vị một bí thư huyện ủy, ai người ta lại không nể vì anh ấy. Nhưng anh ấy lại đi công tác xa. Trước kho nhận lời lấy anh, chị mạnh dạn nói: - Em rất sợ cảnh con riêng, con chung. Thuật nhìn chị nói: - Con em là con anh. Anh không phải như người khác… - Anh hứa là không bao giờ anh đánh nó chứ? - Anh hứa….Em tin anh đi. Anh đã giữ đúng lời anh hứa. Chưa một lần chị thấy anh đánh nó. Duy chỉ có điều, nhiều lúc bất chợt chị gặp ở anh một cái nhìn lành lạnh đối với thằng bé. Lúc ấy chị nghĩ, chắc cu Linh vừa làm điều gì khuất tất. Và chị an ủi chính chị. Nó còn bé làm sao tránh khỏi những sai sót. Trẻ con mấy đứa làm vừa lòng người lớn. Có lần chị hỏi con: - Con vừa làm gì mà bố không vui thế? Thằng Linh ngơ ngác, trả lời: - Con có làm gì đâu ạ…. Nãy giờ con học mà. Bố vào xem vở chúng con. - Chắc là con học kém, hay không chăm, bố bắt gặp lời phê của cô hoặc điểm thấp trong vở con phải không? - Thằng Nhân thì có. Cu Nhân toàn điểm 3-4, có khi cả gậy nữa mẹ a`…Bố rầy thằng Nhân, bố có rầy con đâu. Chị lại nghĩ mình nhầm. Chắc anh ấy giận cu Nhân. Đúng là thằng bé ham chơi hơn chịu học. Dạy bảo, kèm cặp thế nào, nó vẫn cứ thế, không tiếp thu nổi. Lớp một “đúp”. Lên lớp hai lại học kém. Có lần anh đã gắt với chị: - Sao em ở nhà không kèm cặp, dạy bảo con học hành? - Có đấy chứ. Nhưng đầu óc thằng bé thế nào ấy… Nó chỉ được cái mải chơi. Anh xem thằng Linh, em có bày vẽ tiếng nào đâu, nó vẫn đứng đầu lớp. - Thằng Linh! Lúc nào nói đến thằng Nhân em cũng đưa thằng con riêng của em ra làm gương… - Anh lại con riêng, con chung! Anh quên mất lời hứa của anh rồi…. Thuật im lặng. Nhưng tối hôm ấy khi vào nằm với vợ, anh thành thật xin lỗi. Chị cảm động, tha lỗi cho anh và ngoan ngoãn chiều chuộng anh như một người vợ biết điều. Cho đến giờ, chị vẫn nghĩ, anh ấy không đến nỗi nào. Ấy thế mà chị vẫn nghe tiếng chì tiếng bấc rằng anh là một kẻ nham hiểm thâm trầm, một tên ác “mát tính”… Đời quả thật “ăn dễ ở khó”. Ở sao cho vừa lòng được bàn dân thiên hạ. Làm bí thư huyện ủy cũng là một kiểu làm dâu trăm họ. Sống cho vừa lòng trên mà không mếch lòng dưới, khó lắm. Nhiều lần, chị thấy anh về khuya, trăn trở đi ra rồi lại quay vào, nét mặt khác thường, lúc rạng lên đầy thỏa mãn, lúc tối sầm, đen như áng mây chì. Những lúc ấy chị thoáng nhận ra ở anh một đôi mắt… Không phải của anh thường nhật, cái nét mộc mạc, thật thà không còn nữa, nó y hệt đôi mắt của anh một lần nào đấy, nhìn xói vào thằng cu Linh. Vốn nhẫn nhục, chịu đựng, chị sợ những điều dữ và vì vậy, chị mang cảm giác tê dại. Người run lên, chị không dám mở mắt ra. Chị hiểu, những lúc ấy, anh đang trải qua cơn ác mộng nào đấy với chính bạn bè, chính đồng chí của anh. Một lần chị mạnh dạn, tâm sự: - Hay anh xin nghỉ đi… Quan nhất thời, dân vạn đại. Anh nhìn chị, đôi mắt trách móc: - Làm cách mạng, sao em lại nói là làm quan? - Chữ thì có khác, nhưng nội dung vẫn thế thôi. - Em vẫn chưa thay đổi được cái quan điểm tiểu tư sản bấp bênh dao động của em… Làm anh cán bộ cách mạng là làm đầy tớ của dân. Em phải quán triệt cái tinh thần cách mạng cao cả ấy, cái lập trường giai cấp kiên định ấy… Nếu không, có ngày em sẽ sa vào tư tưởng của bọn tư bản phản cách mạng. - Người ta nói đầy tớ của mình đi ô tô láng coong, mặt ngẩng lên trời, còn ông chủ, bà chủ thì cúi mặt xuống bùn… - Ai nói như thế? Ai nói như thế! Đấy chỉ có thể là lời lẽ của bọn phản cách mạng… Rất tiếc, rất tiếc, chúng ta đã không triệt để…Rất tiếc, chúng ta đã không thưc hiện đầy đủ cái công cụ chuyên chính vô sản của nhà nước cách mạng. Rất tiếc, rất tiếc! Trang im lặng. Vốn ưa nhín nhịn, chị bối rối nhìn chồng trong những trạng thái day dứt. Tính anh kín đáo, không hiểu sao hôm nay lại đi tranh luận với vợ những điều vớ vẩn. Quan trọng là những điều anh làm. Quyền lực ở trong tay anh. Anh có thể làm tất cả những gì anh muốn. Anh không có nhiều lý luận. Và vì vậy anh rất ghét tranh luận, rất thành kiến với những tay trí thức cứ thao thao bất tận. Toàn những thứ trừu tượng, toàn những điều uyên bác ở đâu đâu ấy, còn cái quan trong là lập trường giai cấp thì họ không có. Anh luôn tự hào về cái thành phần cố nông của mình. Anh ghi rất rõ ràng trong lý lịch: “Thành phần giai cấp: cố nông. Nghề nghiệp người bố: đánh dậm. Nghề nghiệp người mẹ: đi ở. Bản thân: được bà cô họ cho ăn họ đến lớp nhì… (1) Tham gia cách mạng ngày…”. Nhờ các thành phần cơ bản ấy, anh đã đi từ một chiến sĩ tự vệ lên chính trị viên đại đội, đội trưởng cải cách ruộng đất, thường vụ huyện ủy, thường vụ tỉnh ủy kiêm bí thư huyện ủy quê hương anh. Còn Công – người chồng trước của Trang – từ một chính trị viên phó đại đội qua cải cách ruộng đất, “rụng” xuống thảm hại… Hồi ấy, họ: Phương - ở bên kia hòn cù lao sông Hồng Công và Thuật cùng một làng. Họ đi học một trường, mốt lớp. Nhưng rất tiếc, Phương và Công mỗi năm một lớp, ngược lại Thuất thường cứ tụt lại dần.. Năm cuối cùng họ trọ học nhà Trang. Cuối năm ấy Thuật đành phải trở về quê, làm ruộng cho bà cô. Bà cô rất buồn vì đã cố hết sức cho cháu, nhưng kết quả mang lại không như bà mong muốn. Bà chua chát nhận ra một điều: Cái đứa nó đã tối dạ thì có thắp đèn vào trong đầu nó, nó vẫn tối. Cả cái dòng họ nhà bà chưa có người nào đỗ đạt ra gì. Âu cũng là số Trời! Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Phương và Công cũng vừa học xong đệ tứ (2). Họ trở về làng, cùng Thuật tham gia cách mạng. Trước khi giã từ làng quê thân thuộc cạnh dòng sông quanh năm nước đỏ phù sa ấy, Công đã cưới Trang làm vợ. Phương vui vẻ lo toan mọi việc cho bạn. Ngược lại, người buồn nhất là Thuật. Thuật chính thức đặt vấn đề với bà cô cậy mối lái lên hỏi Trang. Nhưng chị đã từ chối. Thuật đau đớn và ghi vào trong sổ cuộc đời mối hận không bao giờ quên. Nhưng được cái anh biết giấu tâm trạng mình và chờ đợi. Anh yêu Trang cuồng nhiệt ngay từ phút đầu tiên gặp mặt. Hình ảnh người con gái Hà Nội ấy luôn chập chờn hư ảo trong tâm trí anh. Mỗi lần xa cô, anh thẫn thờ, mong đợi, cầu cho sự gặp lại, để làm gì, anh không hiểu, bởi anh chưa dám ngỏ một lời nào với cô, và anh cũng chưa bao giờ dám có ý định tự mình bộc lộ tình yêu. Nhưng thiếu cô anh cảm thấy cô đơn, và nỗi trống trải hành hạ anh như một sự tra tấm. Anh hoàn toàn không ngờ, mình lại bị đuổi ra khỏi trường vì trình độ quá kém. Qua kỳ sát hạch anh không làm được một bài nào trọn vẹn, mặc dù Công và cả Phương nữa đã cố nhồi nhét cho anh những kiến thức cơ bản. Cho đến bây giờ anh vẫn nghĩ Công và Phương đã lừa bịp anh. Cả hai đều muốn đẩy anh trở về cái vùng quê quanh năm hết hạn lại lũ lụt…. Riêng Công, Thuật còn nghĩ chua cay hơn: anh ta muốn chiếm người yêu của anh. Anh chờ đợi! Chờ đợi. Điều quan trọng đối với anh là biết giấu mình và chờ đợi… Và cuối cùng, cái điều mong ước của anh đã đến. Đó là một đêm tháng mười năm 1953, khi hai người đi công tác qua Liêm, anh thấy Công thẫn thờ nhìn về Hà Nội, nơi có những quầng sáng vàng vọt. Hơn ai hết, anh hiểu tâm trạng của người đang yêu. - Công xong việc rồi, cậu có thể ghé về thăm Trang một vài hôm. Thuật nói nhỏ nhẹ, trong sự thông cảm thật sự. - Ai làm thế… Tổ chức người ta coi mình ra gì. - Ai chẳng thương vợ, nhớ con… Có điều chẳng anh nào dám bộc bạch, thế thôi. Cậu cứ đi đi, tớ sẽ ở đây, chờ cậu… - Anh nói thật đấy chứ, anh Thuật? - Sao cậu lại hỏi tớ như thế nhỉ? - Thế thì cảm ơn anh. Cảm ơn anh nhiều lắm…Tôi sẽ trở lại ngay, không quá hai hôm. - Cậu cứ ở chơi với gia đình ba hôm cũng được. Nhớ đừng trườn mặt cho hàng xóm biết nhé. - Vâng, anh tốt quá, anh Thuật. Bạn bè, đồng chí như anh thật hiếm. Công đã trở về Hà Nội ngay trong đêm theo một con đường vòng tránh các bốt gác của giặc. Đêm ấy trời rét, nhưng anh cởi áo bơi qua sông Hồng không một khó khăn. Mãi nhiều năm sau này anh vẫn không thể nào hiểu được mình đã đi bằng cách nào để vượt qua một cung đường ngoằn ngoèo dài gần ba chục cây số và một con sông mùa rét trong vòng ba tiếng. Lúc ấy là một giờ đêm. Trang chuẩn bị hàng họ để ngày mai đi bán vừa xong, chưa kịp đi nằm, chị nghe tiếng gõ cửa. Tiếng gõ quen thuộc quá, rụt rè, điểm từng tiếng một. Chị hoàn toàn không tin là anh về, nhưng không hiểu sao chị vẫn hồi hộp và hy vọng. Lúc còn yêu nhau, mỗi lần Công đến tìm chị, chị thường nhận được những tín hiệu mỏng manh, rụt rè của những bước chân anh và dường như cả hơi thở dồn dập của anh nữa. Lúc ấy chị đứng im và phập phồng chờ đợi… Và chị đã đoán đúng: tiếng gõ cửa khẽ khàng. Chị đọc được trong tiếng gõ cửa đầy tâm trạng xấu hổ, nỗi lo sợ vô lý, nhưng rất thật của người yêu. Cánh cửa vừa hé mở, chị bắt ngay cái luồng sáng của đôi mắt anh. Chị thấy tim đập mạnh và chị bối rối, vụng về đứng trân trước anh. Anh không cao lớn, vạm vỡ như Thuật. Anh mảnh người, gương mặt thông minh và rất thật. Mỗi lần nhìn vào đôi mắt anh, chị thường nghĩ rằng con người này không bao giờ biết giả dối. Mẹ thường dặn con gái: “Đừng lấy thằng chồng đần quá, con ạ. Đần quá hóa đụt, chỉ khổ cái con vợ. Nhưng cũng đừng lấy thằng lanh quá, lanh quá hóa đểu. Con người cốt ở thật thà con à”. Trang đã làm mẹ vừa lòng. Bà mẹ thương con rể còn hơn cả con trai bà. Bà nói: “Con nào cũng là con. Ở đời thiếu gì anh con trai coi mẹ đẻ như rác…”. Công đã ở lại với Trang ba ngày ba đêm. Đấy là những ngày đêm hạnh phúc nhất trong cuộc đời vốn nhiều không may của anh. Hơn nửa năm sau, từ một cách rừng ở Việt Bắc, anh nhận được tin Trang có mang. Cái thai đã làm chị sung sướng, gần như chợt bắt gặp một thứ hạnh phúc hoàn hảo nhất. Ngay trong những giấc ngủ ngắn ngủi, chị vẫn mơ về đứa con trai, khi nó gào khóc trên tay bà đỡ nhân từ, khi nó biết lật, cái đầu nặng trịch cổ ngẩng lên mãi vẫn không nổi do cái cổ quá yếu ớt, khi nó biết ngồi, lúc nó chập chững những bước đầu tiên theo hai bàn tay vẫy gọi của chị, và thích thú nhất, xúc động nhất là lúc con, lần đầu tiên bật ra tiếng kêu khó nhọc: M….ẹ! M..ẹ. Nhưng cũng chính trong những ngày ấy, chị đã phải nhẫn nhục chịu đựng những lời xì xào, đàm tiếu, những cái nhìn xoáy vào khuôn bụng khác lạ của chị. Chị nghĩ thà mắng chửi chị thế nào, chị cũng chịu được. Chị quá sợ những cái nhìn sắc hơn gươm giáo ấy. Nhiều đêm, một mình trăn trở với chính lương tâm của mình, và những giọt nước mắt “không gọi” lại cứ ùa ra, dầm dề khuôn mặt đang thai nghén vàng võ của chị. Chị luôn nghĩ rằng, anh hoàn toàn không biết nỗi khổ tâm của chị. “Biết để làm gì – chị nhủ thầm – Anh cứ thanh thản mà công tác, miễn sao, sau ngày hòa bình chiến thắng, anh trở về, đừng ruồng bỏ mẹ con em…”. Mãi sau này, khi gặp lại anh, chị mới hiểu, sau chuyến về thăm chị, anh đã phải ngồi một mình viết kiểm điểm và chịu kỷ luật: Khai trừ khỏi Đảng, cách chức chính trị viên phó đại đội xuống còn lính trơn. Cái kỷ luật như một nhát dao chém vào chính trái tim anh. Anh chịu đựng nỗi đau, không một lời thanh minh. Một lần, anh đã nhìn thẳng vào mắt Thuật, nghiêm khắc hỏi: - Anh hứa nén lại, chời tôi, sao anh lại về trước? - Tớ được lệnh phải trở về nhận nhiệm vụ khẩn cấp! Cậu biết đấy, mệnh lệnh là của cách mạng, còn lời hứa là của bạn bè… - Ai biết chúng ta đang ở Liêm mà mệnh lệnh? - Điều ấy thì tớ chịu… Tớ nghiệm ra, không gì giấu được với Đảng cả. - Tôi không tin… Bây giờ tôi mới thật sự hiểu anh.] - Cậu chưa thật hiểu tớ đâu. - Cũng có thể… Công đã trả lời một câu mai mỉa cho bõ cơn tức, nhưng không ngờ nó lại là sự thật… Sau hòa bình, cả ba người bạn cùng làng ấy đã trở về Hà Nội trong rừng cờ tung bay trước gió và tiếng reo mừng của nhân dân. Phương vẫn ở quân đội. Công và Thuật trở về quê. Thuật làm bí thư, Công sau khi được kết nạp Đảng, lại giữ chức chủ tịch. Nhưng chẳng bao lâu sau, Thuật được rút lên làm đội trưởng một đội cải cách ruộng đất. Cuộc đấu tranh giai cấp bắt đầu. Cả làng quê sôi sục không khí đấu tố, đánh gục các giai cấp, các thành phần bóc lột, ăn bám, việt gian phản động. Trang còn nhớ, lần ấy chị ôm cu Linh mới hơn một tuổi, chạy theo chồng, nước mắt chảy dài xuống gương mặt hốt hoảng của con trai. “Con ơi, con, bố bị bắt rồi, con có biết không con!” Vừa dụi khuôn mặt mình vào mặt con, chị vừa thì thào trong cơn đau đớn, xót xa mà chưa bao giờ chị gặp phải, ngay cả trong những giấc mơ kinh hoàng nhất. Công bị trói gô lại, bằng một cái dây gàu múc nước bện sợi gai. Hai tay sưng húp, bầm tím, bị bẽ quặp ra phía sau, anh đi khó nhọc. Theo sau anh là cả đoàn người, đủ các lứa tuổi: từ những em học sinh miền Nam mười – mười hai tuổi đến các cụ già sáu – bảy mươi tuổi. Người ta đưa anh ra trước sân vận động sình lầy của xã. Anh đứng đấy, im lặng, cúi đầu trước hàng ngàn tiếng “đả đão”, cùng hàng ngàn cánh tay vung lên chắc nịch. Từng người một, mà ai cũng biết đã được sắp đặt từ trước, lần lượt bước lại phía nah, chỉ tay vào mặt anh, thậm chí còn đấm đá, xô đẩy anh ngã dúi dụi. - Mày có biết bà là ai không? Bà là bà nông dân bần cố, mày hiểu chưa? Mày là tên Việt gian bán nước, mày hiểu chưa! Con trai bà đi giết giặc cứu nước, còn mày thì đi theo giặc bán nước! Quân khốn nạn, chỉ biết bơ sữa! Đả đảo! - Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo! Sau những cuộc đấu tố ấy, người ta lại lôi anh vòng quanh sân vận động. Trang không sao đứng vững được nữa. Hai mẹ con đã ngã nhoài xuống, bất tỉnh. Chính Thuật đã đích thân đưa chị về nhà, phân tích cho chị rõ sự phản bội của chồng chị. - Tôi với Công là bạn học cùng với nhau.. Đấy là câu mở đầu lời tâm sự với Trang của Thuật. Giọng anh nhỏ nhẹ mà cương quyết. Nhưng Trang thông cảm, lúc này là Công đã sa ngã. Rất tiếc, cậu ấy đã không từ bỏ được thành phần giai cấp gia đình cậu ấy, không từ bỏ được tư tưởng tiểu tư sản hưởng lạc của cậu ấy. Bọn họ không bao giờ đi được dài lâu với cách mạng. Và vì vậy, khi có dịp, cậu ta đã đi dần từng bước phản lại quyền lợi giai cấp. - Em không nghĩ là anh Công đã sa ngã… Sao anh lại nỡ “nặng nề” với anh ấy thế. Dù sao cũng là bạn bè với nhau. - Trang hiểu cho tôi. Cuộc đấu tranh giai cấp này rất quyết liệt. Cô còn mơ hồ về lập trường giai cấp lắm.. Đây là lần cuối cùng bà con nông dân chúng tôi phải đánh cho gục chúng nó cô à. Hơn lúc nào hết, bây giờ chúng tôi phải hết sức vững vàng. Lúc này mà ủy mị, mà thương hại…. là sao vào cạm bẫy của kẻ thù giai cấp ngay… Trang thấy đấy: Công đã đào tẩu. Tội đào tẩu xử theo luật nhà binh là tử hình. Nhưng lúc ấy là thời chiến. - Anh thông cảm giùm anh ấy. Anh ấy không đến nỗi nào đâu: Là vợ, em biết chắc chắn như vậy. Có điều anh ấy… Tất nhiên không thể nào vững vàng như anh. Anh ấy, về mặt tình cảm, thì đúng là rất yếu đuối, anh à. Em công nhận với anh điều ấy. Anh ấy yêu em thật, nhớ thật, “nhớ đến cồn cào ruột gan” – anh ấy nói với em thế. Dù sao anh ấy cũng đã trót nhỡ có một lần. Anh ấy cũng đã thành khẩn kiểm điểm và nhận kỷ luật. Và anh cũng biết đấy, anh ấy đã phải trả bằng máu của anh ấy trong nhiều trận chiến đấu sau đó để lấy lại danh dự và niềm tin trước đồng đội, trước đồng chí. Anh ấy có kể về một trận chiến đấu mà anh bị thương, phải, chính anh đã ngã nhoài xuống trước hỏa lực địch. Và anh ấy đã trườn lên trước làn đạnh đang như mưa của kẻ thù để cõng anh đưa về tuyến sau kịp thời băng bó… - Đây là ý nghĩ của riêng em. Không ai đưa chuyện tình cảm riêng tư để xét đoán lòng yêu nước hay sự phản bội của một người. Theo nhiều nguồn tin, Công đã làm Việt gian! Trang run lên, sửng sốt: - Em không tin. Em không tin. - Điều quan trọng là Đảng, là giai cấp có tin hay không, chứ không phải là em, một tòng phạm.. - Em là tòng phạm? - Đúng như thế! - Có oan cho em lắm không anh? - Nhiều chứng cứ cho biết rằng em có liên quan đến những mưu đồ phản quốc của chồng em Trang gục mặt xuống bàn. Chị như con nai vô tội đã bị các phường săn dồn đến tận cùng. Nghẹn ứ đến tận cổ, chị không còn khóc được nữa. -Tôi sẽ cố gắng hết sức giúp em thoát khỏi ảnh hưởng của Công, nhưng với điều kiện, em phải nghe tôi.. Mong em đừng phụ. - Anh có cách nào cứu giúp, cưu mang nhà em được không? Thuật lắc đầu: - Không! Cách mạng không nhu nhược như phụ nữ được. Cách mạng là phải cứng rắn. Anh không thể đánh đổi bất kỳ điều gì để mất tinh thần giai cấp mà cách mạng đã rèn luyện anh. Mong em thông cảm. Điều quan trọng bây giờ không phải là mạng sống của Công mà là em… Sự thật anh rất sợ ông bà nông dân sẽ đưa em ra hành quyết cùng với chồng em. - Em có tội gì? Trang ngẩn đầu lên, cứng rắn hỏi lại. - Trên đường đi công tác, Công đã bỏ vào thành với em…. Công là Việt gian phản quốc, em là tay chân của tên phản quốc ấy. Không còn bao lâu nữa người ta sẽ đưa Công và em ra trước tòa án của ông bà nông dân. Trang rùng mình. Đã nhiều lần chị cố quên đi hình ảnh những người đồng chí trung kiên của Đảng. Mới hôm qua đây… những con người ấy chưa một lần gục trước kẻ thù, thì hôm nay chịu gục trước bà con nông dân.. những vũng máu nhầy nhụa gay cảm giác hãi hùng! - Tôi không có thì giờ nhiều… Trang ngẩng đầu lên, vẻ lo sợ thật sự: - Bây giờ anh khuyên tôi như thế nào? - Cô phải tỏ rõ lập trường vững vàng. Cô phải chối từ cái giai cấp tư sản của cô… - Em là tư sản? - Con buôn không là tư sản là gì? - Một gian hàng khô như em mà cũng tư sản ư anh? - Vâng, đúng thế cô à.. Tất cả đều là con buôn mà thôi. Đã con buôn là bóc lột, là loại lười lao động.. là tư sản. Muốn thoát khỏi cái cảnh đứng trước toàn án nông dân, không còn cách nào khác là phải đấu, phải tố chồng cô. Cô phải gọi đích danh đấy là tên đào ngũ, kẻ phản bội giai cấp, phải bội Đảng thiêng liêng… - Em sẽ chết cùng với anh ấy. Không bao giờ em làm cái điều phản phúc, độc ác ấy. - Dễ thôi. Chỉ tội thằng Linh bơ vơ.. Trang ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào mắt Thuật. - Trang đừng nhìn tôi như thế. Giữa cá nhân tôi với Công hoàn toàn không có gì. Nhưng trước Đảng thiêng liêng, Công là kẻ có tội… và cả Trang nữa… Sử thật tôi rất thương thằng bé. Trông cháu kháu khỉnh và rất thông minh. Nó sẽ sống sao đây khi cha và mẹ nó không còn nữa! Người ta sẽ đưa nó vào trại mồ côi ư? Hay ai sẽ xin nó về nuôi? - Các người tàn nhẫn quá! - Trang đừng nói thế. Lúc này nóng nảy không có lợi đâu. Nếu tôi tàn nhẫn không bao giờ tôi có ý định cứu giúp mẹ con em…Phải biết hy sinh Trang à. Đừng nghĩ đến mình nhiều quá. Trang ngồi thừ một lúc lâu, rồi thở dài nói: - Em có thể làm tất cả những gì anh muốn, miễn anh tha cho em cái mục đấu tố nhà em. - Không được Trang à. Phải tỏ rõ mình là vô tội. Tội lỗi là do chính Công gây nên, chứ không phải em. Phải biết trút tội lỗi cho người khác nếu em muốn mình không có tội. Tôi tin Công sẽ hiểu những việc làm của em. Đằng nào Công cũng chết. Đằng nào Công cũng mất hết danh dự. Thêm hay bớt đi một vài câu tố khổ của em, cũng không phải vì thế mà danh dự của Công mất đi hay được đền bù trở lại. Phải nghĩ đến cái núm ruột của em.. Có thể em không nghĩ đến em, nhưng em phải nghĩ đến thằng bé kháu khỉnh ấy. Đừng để nó rơi vào tay một ai khác.. - Nhưng em sợ quá. Chưa bao giờ em làm điều gì thất đức. - Như thế nào là thất đức? Em bỏ con em lại trên đời này, nó sống ra sao, sống với ai? Sướng khổ, đau đớn, nhục nhã không ai biết đến, đấy là đức à? Người mẹ nhân đức thế hả em? Một người mẹ chỉ biết sống cho chồng, cho bản thân mình là người mẹ như thế nào? Tự em trả lời trước con em đi. - Anh là bạn thân, là đồng chí một thời với anh Công, anh cũng là người rất thương em, và cả yêu em nữa. Em cảm ơn tình yêu ấy của anh…Nhưng cái số em trời đã định rồi. Em mong anh thông cảm cho em. Em biết anh rất tốt. Và vì vậy em muốn gửi gắm cháu lại cho anh. Anh cứ gọi cháu như con của anh. Anh biết đấy, hoàn cảnh của hai đứa chúng em, nội ngoại chẳng còn ai nhờ cậy được. Trang nhìn thấy rất rõ, đôi mày rậm của người đàn ông đi từ từ trên cái vầng trán hẹp, tiến gần lại chỉ còn cách một cái rãnh sâu trên sóng mũi. Cái rãnh ấy như một dòng sông ngăn cách hai bờ phải trái. Chăm chẳm vào cái rãnh ấy, Trang thấy một vực đen ngòm những tội lỗi. Chị hốt hoảng và con tim đập dội lên. Nếu anh chấp nhận lời thỉnh cầu của chị, chị có dám chắc rằng, cái thằng Linh kháu khỉnh và thông minh của chị sẽ được sung sướng hay không? Chị có dám đoan chắc mọi điều tốt lành sẽ đến với con chị hay không? Không! Chị hiểu, ngoài vòng tay mẹ, không có vòng tay nào khác thay thế được. Không! Chị hiểu, ngoài trái tim của người mẹ, không một trái tim nào khác có thể ủ ấm đứa con của mình như mình mong muốn. Bây giờ chị lo thật sự nếu lời khẩn cầu ấy được anh chấp nhận. Thuật đứng lên, đi lại một lúc, gương mặt đây suy tư và dừng lại trước chị: - Được thôi. Chị bàng hoàng. - Anh không từ chối! Chị hỏi lại như mình vừa nghe nhầm. - Vì em, tôi sẽ không từ chối bất kỳ điều gì. Tôi sẽ nuôi thằng bé như chính con của tôi và của em. Nhưng tôi chỉ sợ một điều: chắc em hiểu, đằng nào thì tôi cũng phải lấy vợ. Nếu người vợ ấy coi cháu Linh như con của cô ấy, thương yêu, quí mến thằng bé như tôi mong muốn thì thật may mắn, thật phúc đức cho nó. Nếu ngược lại… Em biết, tôi còn phải làm việc, phải công tác. Công việc sẽ không bao giờ cho phép tôi ở nhà lâu, không bao giờ cho phép tôi có thì giờ để quan tâm nhiều đến nó. Dù nó là con riêng của tôi, thì cũng là cảnh dì ghẻ con chồng. Huống chi đây lại là con bạn bè. Em hiể điều tôi nói chứ? - Em hiểu. - Thế thì em hãy quyết định đi. - Có cách nào cứu anh Công được không anh? Em sẽ làm tất cả những gì anh muốn nếu anh tìm cách cứu được anh ấy. - Khó quá! Ốc không mang nổi mình ốc, còn đòi mang sên. Ngay việc cứu em thoát khỏi tội lỗi cũng là việc làm đầy mạo hiểm rồi.. Dù sao Công cũng có tội thật sự với cách mạng. với Đảng.. Nhưng tôi sẽ nghĩ, với điều kiện em phải tố mạn vào, em phải vạch mặt chỉ tên hắn thật quyết liệt, phải từ bỏ hắn, không nhận hắn là chồng nữa… Em sẽ làm như thế nào, rồi tôi sẽ liệu cách. - Em sẽ làm như thế. Nhưng anh không lừa dối em chứ? - Sao em lại nói thế? - Em xin lỗi anh, em nhỡ mồm…