Chương 14

Thuật đích thân đi tìm Linh, đứa con riêng của người đồng chí năm xưa của mình. Ông đến tận trại giam hy vọng sẽ đón Linh về cho Trang. Vợ ông đang mong nó từng ngày. Đêm nào bà cũng sụt sùi than khóc, van vỉ với ông rằng bà nhớ cái thằng con riêng ấy quá và tha thiết mong ông cố bớt chút thời gian đi tìm và đưa nó về. Hạn giam của nó đã hết. Không hiểu sao hơn một tháng rồi không thấy nó trở về. Thậm chí một dòng thư của nó bà cũng không nhận được nữa.
Linh cảm của người mẹ cho bà biết có điều gì đang đổ vỡ trong gia đình – nhìn vẻ ngòai ai cũng nghĩ tràn đềy hạnh phúc. Bà lo sợ cái sự đổ vỡ ấy bắt đầu từ sự ra đi và không bao giờ trở lại nữa của đứa con riêng của bà. Bà trách mình không làm tròn trách nhiệm của một người mẹ, chăm sóc, dạy bảo con cái bằng chính tình thương của mình, để nó chơi bời lêu lổng trở thành một đứa con hư, sa vào tội lỗi, sa vào vòng pháp luật.
Không biết cái tin Công có tình nhân khi còn ở chiến khu và đã bị kỷ luật có đúng không, cho đến bay giờ bà cũng không rõ nữa. Thuật có cho bà xem cái biên bản cuộc họp đơn vị kiểm điểm và cảnh cáo Công mà Công đã cố tình giấu bà. Những lúc ấy, quả lòng bà có tan nát, nỗi đau làm bà mất thăng bằng. Lần đầu tiên bà cảm thấy tình yêu chân chính bị xúc phạm và tan ra rừng mảnh vụn – Mối tình mà vì nó bà đã hy sinh tất cả, kể cả việc chấp nhận lấy Thuật, người mà trong đời chưa một lần bà cảm xúc, chưa một lần rung động để cứu ông khỏi chết. Khi bà thấy tình yêu bị phản bội, cũng là lúc tính nết bà trở nên khác thường. Và để trả thù sự phản bội ấy, bà đã bắt đầu “yêu” Thuật như một người vợ hiền, âu yếm, chiều chuông ông kể cả lúc giao hợp – khi mà trước đây bà thường hờ hững, phó thác cho ông muốn làm gì thì làm. Ngược lại, bây giờ, mỗi lần như thế, bà ôm ghì lấy ông, hôn hít ông bằng chính con tim bị xúc phạm đòi trả thù. Sau cơn tình cảm như thế, bà lại mộ mình dằn vặt lấy mình, trong những dòng lệ bà lại thấy Công hiện về với gương mặt cũng như bà, đầm đìa nước mắt. Ông nói với bà, giọng run run cảm độmg: Em ạ, anh không bao giờ như thế. Em hãy tin anh như những ngày đầu chúng mình đến với nhau trong tình yêu vụng về nhưng ngọt ngào, ấm áp. Em tin anh như thế nào, anh cũng tin em như thế. Tình yêu chân thành không có chữ cho sự phản phúc… Mai đây, do hòan cảnh bắt buộc, chứ không phải tình yêu em ạ. Điều quan trọng không phải là sự gần nhau cảu hai thân xác. Tất cả không nghĩa lý gì cả nếu không có tình yêu. Điều quan trọng là chúng mình vẫn hướng về nhau, trái tim người này thuộc người kia và ngược lại. Trong tình yêu thiêng liêng ấy, tâm trí chúng ta đã hòa làm một, bằng hồi ức, bằng kỷ niệm và bằng cả trí tưởng tượng của mỗi người nữa.
Sau những cơn mơ êm đềm như thế, bà lại ân hận, tự sỉ vả mình vì sự ghen tức đã hành hạ thằng con riêng của mình. Tội nghiệp thằng bé, lặng lẽ và âm thầm suốt ngày, chịu những trận đòn vô cớ và chấp nhận sự đối xử bất công và phũ phàng của chính người mẹ đẻ nó gây ra như chấp nhận một thân phận cay nghiệt mà cuộc đời dành riêng cho nó.
Dường như nó ngày càng lầm lì, càng ngày gương mặt nó càng vắng đi tiếng cười của trẻ thơ và cả những nét hồn nhiên, thanh khiết mà chỉ người mẹ mới nhận ra được cũng dần dần biến dạng, thay vào đấy là một gương mặt khác, ủ dột và nặng nề. Không còn nữa ở đứa trẻ 12 - 13 tuổi cái nhìn ngây thơ, trong trắng, ngược lại, mỗi lần bà bắt gặp đôi mắt nó nhìn xa xăm như đang nhìn vào cõi thần bí với lời cầu nguỵện chân tình về một niềm hạnh phúc được gặp lại người bố đẻ ra nó, những lúc ấy trái tim bà như bị ai bóp chặt, đau nhói.
Mãi sau này, khi bác Phương, bạn chiến đấu với Công tìm đến thăm bà, lúc ấy bà mới vỡ nhẽ mọi chuyện. Phương nhân danh một người cộng sản, nói với bà rằng: Công không bao giờ như thế. Hồi ấy, hai người tuy ở hai đơn vị khác nhau, nhưng gần như tháng nào hai người cũng gặp nhau một đôi lần, hoặc hỏi tin nhau qua bạn bè.
- Nếu chị còn tin ở tôi, thì tôi, nhân danh một đồng chí của anh ấy, bảo đảm với chị rằng, đấy là một người đồng chí tốt, một đồng chí trung kiên của Đảng, một người chồng thủy và sắc son với vợ.
Nhiều hôm nhớ chị, anh đã xin phép đơn vị lặn lội hàng chục cây số đường rừng núi, suối vực đến tìm tôi để tâm sự, để trút nỗi nhớ vợ của mình với tôi kia mà.
Trong đơn vị quả có một cô ở đòan văn công yêu anh ấy thật. Nhưng tôi bảo đảm với chị rằng, Công đã lẩn trốn cái tình yêu cuồng nhiệt ấy. Chị biết đấy, Công là một thanh niên tài hoa, một cây văn nghệ nổi tiếng của đơn vị. Dường như cuộc sống cảu anh ấy tồn tại được chính vì tiếng đàn, lời ca ấy. Ấy thế mà khi cảm thấy tình yêu tội lỗi đang đến với mình, chính anh ấy đã khước từ mọi lời mời, kể cả quyết định phân công của thủ trưởng đơn vị để phụ trách đội tuyên truyền. trong ấy có đòan văn công.
Công có tâm sự với tôi điều này. Chính tôi khuyên Công nên giữ mình chứ không nên từ chối sự phân công của Đảng. Nhưng Công đã không nghe lời tôi. Anh ấy sợ chính anh ấy, sợ cái giây phút yếu đuối chợt đến mà bất kì con người cứng rắn nào cũng có những phút giây như thế. Và như thế là anh ấy không còn là mình nữa và, điều quan trọng là chính con người trung thành, chung thủy của anh đã rơi vào tội lỗi.
- Nếu phải chịu kỷ luật – Công đã tâm sự với tôi vào một đêm, trước ngày anh lên đường đi công tác, trong chuyến đi ấy, anh đã phạm sai lầm là ghé vào thăm chị mà không báo cáo tổ chức – tôi sẵn sàng chấp nhận, nhưng tôi không chấp nhận làm anh chàng Tactuýp. Tôi kinh tởm những thứ ấy.
Và quả thật, Công đã bị kiểm điểm và bị quy chụp là trong mối quan hệ với cô Tuyết Mai, Công đã mắc phải những sai lầm không lành mạnh, Công đã phản đối kết luận ấy. Nhưng càng phản đối, ông càng rơi vào tội lỗi mà một số ai đấy đã gán ghép cho ông.
Đây là thời kì năm 1953, thời kì đấu tranh giai cấp, thời kì giảm tô, chuẩn bị cho giai đọan cải cách ruộng đất, mà sai lầm của nó như nhát dao chém vào cơ thể mình – vết chém sâu quá! Công bị qui, bị chụp là con địa chủ, tư tưởng tiểu tư sản bấp bênh, dao động, lãng mạn…Và tội lỗi ấy, đến năm 1995 đã dẫn ông trở thành kẻ thù của nhân dân, của Tổ quốc và của Đảng.
- Thật đau xót – ông nói – Đảng đã mắc những sai lầm, dù có tàhnh khẩn sửa chữa thế nào đi nữa, cũng không bao giờ hàn gắn được những vết thương trên cái thân thể vốn cường tráng của mình sau chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thật đáng tiếc! Đảng đã tự mình chặt đi những cánh tay khéo léo và tài hoa của mình như Công, chỉ để lại…
- Sao anh? Trang sốt ruột hỏi.
Nhưng Phương đã biết mình nhỡ lời. Ông chỉ thốt lên câu ta thán:
- Thật đáng tiếc!
- Anh vừa nói chỉ để lại cái gì?
- Chẳng có gì dấu diếm, che đậy được với thời gian đâu chị à. Công lao và tội lỗi của biết bao triều đại từ cổ chí kim, trước thời gian, đều lần lượt được phơi bày ra trước nhân dân. Thời gian là quan tòa công minh nhất của nhân dân và khắc nghiệt nhất đối với nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền nào khiêm tốn, biết sợ quan tòa thời gian, nhà cầm quyền ấy tránh bớt được tội lỗi, ngược lại, nhà cầm quyền nào kiêu căng, ngạo mạn bất chấp tất cả, coi mình là anh minh sáng suốt, coi mình là vị cứu tinh thiêng liêng, là chân lý tuyệt đối, nhà cầm quyền ấy chắc sẽ rơi vào tội lỗi…Phải chờ thời gian. Thời gian cho ta thấy gương mặt thật từng triều đại và từng con người cụ thể chị ạ.
Chị thông cảm, hôm nay tôi nói hơi nhiều. Có thể là do cái chai bia xuất khẩu của chị, có thể là do không khí cởi mở nhà chị là nhân chứng, hoặc cũng có thể là nạn nhân đang chờ tòa thời gian phán xét… Thật lòng, tôi thương anh Công quá, đau xót trước số phận không may của anh ấy, của một người đồng chí tin cậy của chúng tôi, mà tôi thì lại bất lực. Thật nhục nhã cho cái thằng tôi chị ạ. Chị có thể chửi tôi thậm tệ. Tôi không trách gì chị đâu. Chửi là phải. Đã gọi là đồng chí với nhau, nghĩa là sống chết có nhau, thế mà khi bạn gặp nạn, mình khôngcách gì ra tay cứu đỡ. Làm thằng người có tim, có óc, sao không biết đau, không biết xót hả chị. Nhiều đêm, đối mặt với lương tâm mình, tôi thấy kinh tởm cho cái thằng đảng viên cảu tôi. Tởm quá chứ, phải không chị…Nhưng nghĩ lại, còn số phận vợ mình, con mình và cao cả hơn, thiêng liêng là số phận dân tộc mình đang đứng trước họa xâm lăng của kẻ thù. Tôi nói như thế, mong chị hiểu tôi phần nào. Tôi không phải là thằng tham sống – tất nhiên tôi không bao giờ giẫm lên bạn bè, đồng chí để thõa mãn những ham muốn đê tiện của mình, để dấn thân trên con đường chính trị.
- Anh không nói anh, thế anh ám chỉ ai, anh Phương?
- Tôi biết ai … mà ám chỉ. Tôi chỉ lấy cái thằng tôi phanh phui cho chị rõ, mong chị hiểu và thông cảm. Tôi cũng biết chị giận tôi, khinh tôi. Cũng phải thôi. Một thằng đồng chí đang tâm bỏ bạn, bỏ đồng chí mình giữa dòng thác oan ức, mà không giận, không khinh nó sao được… Tuy nhiên, cũng như chị, tôi đang chờ vị quan tòa thời gian. Tôi có giơ tay ra lúc này cũng không kéo anh ấy lên được…Tuy nhiên, ngược lại, người ta sẽ kéo tôi, dìm ngay giữa dòng thác oan nghiệt như họ đã dìm anh ấy.
- Người ta là ai thế, anh Phương?...Chẳng lẽ anh không tin tôi sao?
- Chị đừng hỏi tôi thêm gì nữa. Chị thông cảm cho tôi…Tôi đã nói với chị, hãy kiên nhẫn chờ đợi. Thế nào chân lý và lẽ phải cũng trở về với người lương thiện. Tôi tin chắc chắn như thế. Nếu đời chị, đời tôi mọi việc vẫn còn trong bóng tối thì đời thằng Linh con chị, đời thằng Châm con tôi, chúng nó sẽ đủ bản lĩnh và trình độ đưa ra ánh sáng tất cả những tội lỗi mà thế hệ trước nó đã làm…
- Mời anh uống thêm tí nữa…
- Cám ơn chị, tôi đủ rồi.
- Anh sợ say thì phải nói thật với tôi những điều anh định giấu chứ gì.
- Chẳng phải thế đâu chị ạ. Tôi luôn biết đối tượng trong cuộc nói chuyện cảu tôi là ai, tôi nên nói tới đâu là vừa…Cuộc đời còn nhiều…cạm bẫy lắm chứ. Tôi ngây thơ, tôi chết từ lâu rồi.
- Các anh trước là ba người bạn?
- Thì trọ học ở nhà chị mà lị. Chị học dưới chúng tôi một lớp thôi… Chúng tôi ở cùng làng. Công và Thuật ở giữa làng, tôi ở cuối làng, cùng ra Hà Nội học với nhau một lớp, nhưng rồi Thuật bỏ cuộc vì … học không vào. Và ba chúng tôi cùng đi vào cách mạng một ngày. Phải nói Côgn đã giúp Thuật rất nhiều. Phải nói chúng tôi mỗi người mỗi tính chị à. Thuật thâm trầm, sâu và thâm nữa. Yêu ghét rất ít khi anh ấy bộc lộ cho ai biết. Nhiều người cứ tưởng anh ấy quý mình, nhiệt tình với mình…đến khi nhận ra mình nhầm thì đã muộn. Công ngược lại, xởi lởi, dễ thương, dễ tin người lắm. Anh ấy đã chết vì cái sự cả tin ấy đấy.
Tôi may mắn hơn, ở một đơn vị khác. Về mặt thông minh, phải nói anh Công thông minh nhất. Tự nhiên, xã hội, đều khá. Thời kì đầu anh ấy đã kèm tôi cũng như kèm anh Thuật. Duy chỉ có điều tôi tiếp thu được, còn Thuật thì chịu…Có thể Thuật trách anh ấy. Tôi nói có hể, vì tính Thuật kín lắm, không bao giờ mình bộc bạch một cách chân thật. Nhưng phải nói rằng con người như Công dẫu cô muốn làm điều xấu cũng không làm được.
- Anh thì khéo hơn anh Công nhiều.
- Quả có thế, co với Công, chị ạ. Nhưng tôi không hề có dã tâm. Cho đến bây giờ, kiểm điểm lại mình, tôi chưa bao giờ phải ân hận rằng tôi đã đối xử tệ với bạn bè, hay đồng chí mình. Tôi không có tính ích kỷ, tính ghen tị bẩn thỉu - một tính xấu của con người chị ạ. Thóat khỏi cái tính ấy, mình thấy con người cao lớn hơn nhiều.
- Anh ăn thêm một tí cơm?
- Cám ơn chị, tôi đủ rồi…Đáng nhẽ tôi ở chơi với chị và các cháu thêm một buổi nữa, nhưng ngày mai tôi phải lên đường trở vào chiến trường rồi.
- Anh Phương … Tôi hỏi câu này, anh đừng giấu tôi nhé.
- Chị cứ hỏi.
- Anh có biết tin tức gì nhà tôi không?
- …Tôi nghĩ, một người tốt như anh ấy, chắc gặp lành thôi. Chắc chắn là anh ấy còn sống…Thôi, tạm biệt chị. Khi nào trở ra tôi lại ghé thăm. Linh đâu, bác đi nhé…
Trang thẫn thờ nhìn theo cái dáng đi quen thuộc của người đồng chí thân thiết của chồng cũ mình. Anh ấy tốt quá – bà nghĩ – một đồng chí đáng tin cậy. Nhưng sao có điều anh vẫn còn giấu mình, đúng hơn anh chưa dám thổ lộ với mình. Chẳng nhẽ anh ấy chưa tin ta. Cái ý nghĩ ấy tự nhiên làm bà xốn xang. Ta đã làm gì mất lòng tin nơi anh. Bà đi tìm kiếm nơi bà những gì đã làm ông nghi ngờ cái sự chân thật mà bà luôn bảo vệ, gìn giữ. Đối với bà, điều xấu xa nhất của con người là sự dối trá. Bà đau đớn mỗi khi nghe thằng Linh ấp úng nói dối bà một điều gì đấy. Lúc ấy bà bắt thằng Linh vòng tay lại, vẻ mặt nghiêm trang, bà hỏi:
- Linh, tính xấu nhất của con người là gì?
- Dạ thưa mẹ, tính xấu nhất của con nguời là sự dối trá.
- Con vừa nói dối mẹ.
- Con xin lỗi mẹ. Con xin mẹ tha cho con lần này nữa…
Nhiều năm sau này, bà vẫn nhớ cái giây phút đầu tiên ông đến với bà bằng chính đôi mắt chân thật của ông. Từ đôi mắt ấy, bà suy ra con người ông không màu mè, không dối trá. Bà ghi trong nhật ký của mình: “ Em chỉ chấp nhận sự chân thật, đấy là cái chính yếu của con người trong tất cả mọi tình cảm, ý nghĩ, hành động, nếu nó bớt đi một chút chân thật đã là cả một sự mất tin và đau khổ chứ đừng nói đến giả tạo – điều khủng khiếp nếu ai gắp nó trong cuộc sống mà không biết. Nhưng để hiểu được con người chân thật, không phải ai cũng dũng cảm nhận được dễ dàng.
Đấy là điều đầu tiên em nói chuyện, tâm tình được với anh. Và sau nữa là tình yêu, một tình yêu chân thật như đếm, không màu mè, nhưng lại hấp dẫn em trong những đêm chúng mình dạo quanh hồ Tuyền Quang ăm ắp mùi hoa sữa.
Anh nói với em:
- Đây là mùi hương đặc biệt của Hà Nội.
- Sao anh nói thế?
- Anh đã đi nhiều nơi. Quả thật chưa bao giờ anh bắt gặp cái mùi hương nồng gắt và lại gợi cảm đến như thế.
- Em hiểu, có phải đâu cái mùi hương hoa sữa làm anh xao xuyến. Chỗ này thì anh dối với em, nhưng lại là sự nói dối dễ thương… dễ “ghét” vô cùng.
Chính cái đêm Hà Nội se lạnh ấy anh đã nói với em, anh quyết định bỏ học để đi Cách mạng. Năm ấy anh đang học đệ tứ.
- Học sau vài ba năm cũng không muộn em à. Anh cầm tay em và nói.
- Hãy thi xong cái “diplome” rồi hẵng hay.
- Bạn bè ra đi gần hết, mình ở lại cũng ngượng, em à…
Đám cưới được tổ chức vội vàng không ai hiểu vì sao, anh ra đi cũng vội vàng, không ai hiểu anh đi đâu…Cho đến ngày anh trở về, cũng như xưa, rất chân thật anh nói:
- Nhớ em chịu không được…Anh đã trốn về…
Và vì sự chân thật ấy, em đã ôm ghì lấy anh, hôn nah như mưa trong đêm ngắn ngủi của cuộc đời hai người…
Anh Phương nói đúng – bà vẫn trong dòng suy tư về người chồng cũ của mình. Con người như anh ấy không bao giờ là con người phản bội – Phản bội tình yêu, phản bội Tổ quốc! Nhưng chẳng nhẽ những người đồng chí của anh lại đặt điều vu khống cho anh ư? Để làm gì? Bà chưa thể nào hiểu nổi. Và bà đã cắn răng lại chờ đơn vị quan tòa thời gian.
Điều duy nhất, cho đến hôm nay bà vẫn còn dám ngẩng mặt nhìn thẳng vào bác Phương mà không xấu hổ là bà đã hy sinh tình yêu của mìnhđể cứu Công khỏi bản án tử hình, mặc dù trước đấy bà đã làm một công việc ghê tởm là chỉ tay vào mặt ông, vạch tội đào tẩu của ông trước hàng ngàn con người của chính quê hương ông. Bà cho đấy là một vết nhơ dù bà có muốn quên đi thế nào chăng nữa thì cũng không thể được. Cái vết nhơ ấy hằn trong tâm khảm bà như một vết thương lòng, mỗi lần có dịp lại nhức nhối, gây cho bà những dằn vặt, khổ đau. Cho đến hôm nay chắc nhiều ngày sau này nữa, bà vẫn không thể nào quên được cái buổi sáng mùa đông năm ấy, cùng với bàn tay bà giơ ra, chỉ vào mặt ông – cái gương mặt mà bà đã từng ôm ghì vào ngực mình, đã từng đặt nụ hôn đầu tiên trong đời người con gái trinh trắng với tình yêu cuồng nhiệt, tình yêu son sắt thủy chung – là rừng cánh tay chĩa về phía ông và hàng ngàn tiếng hô: Đả đảo! Đả đảo!
Ông cúi đầu, gương mặt đau đớn, xanh xao gục xuống… Lúc ấy bà mong ông ngẩng đầu lên, nhìn vào đôi mắt bà để bà có thể nói với ông câu gì đấy, hay một lời van xin ông thông cảm bằng chính ngôn ngữ cảu đôi mắt bà. Nhưng ông đã không dám làm điều ấy.
Thuật đã cứu ông khỏi chết. Dù sao, bà vẫn cho đấy là hàng động dũng cảm. Và bà đã đền đáp công ơn ấy, không phải không suy nghĩ. Tất nhiên bà đã chấp nhận cuộc sống vợ chồng, cuộc sống xác thịt thật không dễ dàng. Điều đơn giản, tính bà không ưa giả dối.
Đêm đầu tiên Thuật ôm hôn bà, bà đã đẩy ông ra. Bà ghê tởm đôi môi con người này. Nhưng rồi sao đó, chính bà phải im lặng để cho con người ấy cởi từng chiếc cúc áo cảu bà ra…đặt tay lên khuôn ngực trần của bà, lên rốn bà, lên đùi bà… Bà im lặng và không dám khóc. Bà chịu đựng cho đến khi cơn thèm khát của ông qua đi và bà sẽ lén ngồi dậy, vào buồng tắm. đóng chặt cửa lại, òa khóc…Đêm này qua đêm khác, bà sống với ông trong tâm trạng đầy nghịch cảnh như thế.
Đứa con đầu tiên ra đời. Bà nghĩ, sẽ chấm dứt cái cảnh xác thịt không tình yêu ấy. Nhưng rồi bà đã không làm được điều bà muốn. Bà chợt nhận ra, bà không còn là người tự do thuở nào nữa. Một tháng sau bà lại phải để cho ông mở từng chiếc cúc áo của bà ra… Cuộc đời của bà là một chuỗi ngày dài cảu những chịu đựng.
Bà coi sự chịu đựng cuả mình như một nghĩa vụ, một trách nhiệm. Và mọi việc đối với bà cũng trở thành quen thuộc. Nhưng, chỉ có điều đối với đứa con riêng của bà, thằng Linh, dường như không hợp tính ông. Hồi nó còn bé, ông rất quí nó. Nhưng càng ngày bà không hiểu vì sao, ông càng muốn xa cách nó. Nó ít nói, ông cho nó kiêu ngạo. Nó chịu khó học, ông cho là nó bắt mánh, tránh việc. Nó học giỏi hơn hai đứa con ông, ông không vui. Khi nó bị bắt, dường như ông không biết xót xa và khi bà kèo nài ông bảo lãnh đưa con về, ông dè dặt với lý do hết sức mơ hồ: mình phải làm gương cho người khác. Nhưng nghe đâu, con đồng chí bí thư bị bắt, chính ông là người xách cặp, đánh xe đi xin cho bằng được…
Một lần bà hỏi, ông lẩn tránh. Và khi thấy bà tỏ vẻ buồn giận, ông an ủi:
- Người ta bắt nhầm nó thật, em à. Còn thằng Linh thì khác. Tòan bộ hồ sơ về việc nó ăn cắp được lưu đầy đủ, không sao chối cãi được. Em thông cảm, anh cũng đau xót lắm. Anh chỉ hy vọng, ở đấy, con nó sẽ trưởng thành…Không đến nỗi nào đâu em ạ. Anh thấy chúng nó học hành, lao động tiến bộ lắm. Nhiều đứa ở đấy ra, về địa phương, giữ những cương vị khá cao.
Anh hứa với em, cứ ba tháng một lần anh sẽ tranh thủ đi thăm và tiếp tế cho con một lần.
Ông đã làm làm đúng như lời ông hứa. Linh gửi thư về cho bà biết ông đã làm việc ấy đều đặn, tậhm chí lần nào cũng cho linh thêm tiền.
Nhưng không hiểu sao, mấy tháng rồi, không thấy con gửi thư về cho bà. Và đến ngày con được ra, bà nóng ruột và chờ đợi…
Thuật đã trở về, mệt mỏi nói với bà:
- Anh đã tìm nó khắp nơi, nhưng …
- Nó không có ở trại ư?
- Nó được trả tự do cách đây hơn một tháng…
- Chứ nó đi đâu?
- Nó mê một cô gái con một gia đình ở nông trường gần đấy – cô Nứa.
- Anh không đến đấy mà lôi nó về. Con cái rõ mất dạy…
- Nhiều lần anh nói với em, đừng cưng chiều nó.
- Khổ quá! Nhưng thằng bé ngoan thế chứ hư đốn gì cho cam.
- Nhưng nó đã phạm pháp mấy lần, em còn bênh nó ư?
- Em hỏi anh, sao anh không đến nông trường ấy lôi nó về?
- Anh có đến. Đường sá nông trường trông phát sợ. Tội nghiệp cái xe…Vất vả quá, cực nhọc quá! Nhưng nào có được gì. Người ta nói nó đã cuỗm tiền cảu gia đình và trốn đi đâu, không ai biết.
- Lại có chuyện như thế nữa?
- Khổ quá. Anh chẳng muốn nói chuyện với em một chút nào. Em cứ sồn sồn, làm như anh là tội phạm không bằng. Con như thế, phải bình tĩnh mà xem xét, mà giải quyết, lần hồi mà tìm về giáo dục…
- Tôi không tin! Tôi sẽ đích thân đến cái nông trường ấy hỏi cặn kẽ thực hư. Nếu quả đúng như thế, tôi sẽ trả lại tiền cho người ta yên tâm, không tìm kiếm nữa…
Thuật có hơn bối rối một tí. Nhưng đối với ông, những việc đe dọa của phụ nữ như thế chẳng cần phải để tâm. Ông ôn tồn đáp:
- Nếu không tin, hôm nào em định đi, anh sẽ bố trí xe đưa em đi.
- Tôi không cần, tôi tự đi lấy…
Đây có nhẽ là lần đầu tiên Trang không kìm giữ được mình. Suốt ngày hôm ấy bà nằm vật vã trong buồng. Một lần nữa trong đời, bà cảm thấy tâm hồn mình trống trải, cô đơn.
Tâm trí lại dẫn bà trở về với Công, người chồng cũ. Bà ao ước đựợc sống trở lại mối tình đầu của mình. Đã bao nhiêu lần vì trách nhiệm, vì bổn phận, bà đã cố quên mối tình đấy thơ mộng và cũng hết sức chân thành kia, nhưng càng như thế, bà càng khổ đau và hình ảnh người chồng ấy càng hiện lên rõ nét. Có lúc bà cảm thấy rõ như đang ôm lấy ông, nhìn thẳng vào đôi mắt trung thực và thông minh của ông…Nỗi nhớ lại cồn lên da diết. Và chính những lúc như thế, bà cảm nhận được điều hết sức sâu sắc rằng: không ai có thể thay thế người mình yêu, không gì có thể khỏa lấp được sự mất mát của mối tình đầu.
Cho đến bay giờ bà vẫn nghĩ rằng bác Phương là người duy nhất biết Công còn sống và ở đâu. Nhưng ông đã cố tình lẩn trấnh câu hỏi của bà. Có thể ông chưa tin. Cũng phải thôi, bởi bà đang là vợ của một phó bí thư tỉnh ủy…lần ấy Thuật đã nói với bà: “Tôi sẽ làm theo ý chị, tìm cách giải thoát cho anh ấy, với điều kiện anh ấy phải lẩn trốn thât xa, không được liên lạc với mẹ con chị, không bao giờ được trở về đây nữa”. Cũng phải thôi. Công vẫn chưa thóat khỏi bản án “đào tẩu” kia mà. Làm cách nào Thuật bảo vệ được. Ở phần này bà thông cảm cho Thuật.
Nhưng sao hôm ghé lại chơi nhà, Phương không hề hỏi Thuật lấy một câu. Ông có giận gì chồng bà? Trước đây, ba người cùng đến trọ học nàh ba kia mà. Ông ấy là một trí thức, tế nhị, sao ông lại đối xử như thế. Bà cố bắt mình trả lời câu hỏi do bà đặt ra, bên trong mang đầy những uẩn khúc.
Cùng là đồng chí, ông Phương nói: “Nhân danh đồng chí của anh Công, tôi bảo đảm với chị rằng, đấy là một đồng chí tốt, một đồng chí trung kiên của Đảng!”. Còn Thuật lại nói: “Chị phải đứng dạng chân như thế này này và dõng dạc thét lên: Mày là một tên đào tẩu, một tên Việt gian bán nước, một kẻ phản Đảng!!! Tội của mày là tội tùng xẻo, đáng cho ngựa kéo giày xéo trước bà con nông dân chúng tao!!!”.
Ôi, cuộc đời sao lại rối rắm và phức tạp đến như thế? Bà vùi mặt vào giữa đống chăn gối và chỉ mong sao đừng bao giờ phải nhìn thấy cuộc đời nữa!