(Tác phẩm đạt giải nhì Giải thưởng văn học 10 năm Bộ công an và Hội nhà văn Việt Nam 1995-2005, được chuyển thể thành 11 tập phim truyền hình với tựa đề Lời sám hối muộn màng) Bây giờ thì hắn được dẫn đến chỗ chôn cây cột ấy. Một cây cột hình thánh giá, to, chắc, đẽo gọt đẹp đẽ, phẳng phiu hơn cây cột của hắn chôn cách đây hơn hai mươi năm. Hơn hai mươi năm trước hắn tổ chức cho lũ bạn bày đặt ra cảnh đưa thằng Hiến lên đoạn đầu đài. Cũng vì tò mò, cũng vì hắn được sinh ra và lớn lên cạnh cái nơi mà người ta thường kết liễu những kẻ tử tù. ở dưới những đoạn hào tối đen rậm rì những cỏ là cỏ kia có lẽ cũng có dăm bảy cái đầu đang thập thò, len lén nhìn về phía hắn. Từ bao nhiêu năm nay người ta vẫn chọn khoảng thời gian nửa đêm về sáng để nổ súng vào những tội nhân, trước khi đưa chúng vào những cỗ quan tài bật nắp chờ sẵn rồi táng xuống lòng đất lổn nhổn cát sỏi lẫn với vô số các loại đầu đạn. Ban ngày trường bắn thuộc về sự quản lý của một đơn vị bộ đội, ban đêm, nơi đây là chỗ để thực thi lẽ công bằng. Hắn đã háo hức mò đến trường bắn này để xem người ta thi hành án tử hình từ năm mười tuổi. Lần nào hắn cũng phải thức dậy từ một, hai giờ đêm, mò ra đến đầu làng thì gặp hơn chục thằng bạn đã lố nhố đứng đợi ở đấy. Cả bọn kéo nhau đi. Bò như ốc, trườn như rắn, nhảy như ếch, hắn cùng lũ bạn chui tọt xuống những đoạn hào bỏ không, sát sau lưng đội hành quyết căng mắt ra nhìn cái hình người bị xốc tới dựa cột. Hắn xem nhiều đến thế mà vẫn không chán có lẽ vì chưa bao giờ hắn được xem người ta hành quyết tội nhân vào ban ngày. Mọi thứ cứ mập mờ trong đêm, cả tiếng nổ cũng u u mê mê, tiếng người trao đổi với nhau thì thào, loang loãng, tiếng xe nổ vội vàng, tiếng cuốc xẻng lào xào, lạo xạo, những bóng người cử động như trong phim câm, đến khi sáng bạch ra thì chỉ còn nấm mộ lùm lùm với những chân hương cháy dở. Chẳng có gì rõ ràng. Vì thế xem mãi vẫn không chán. Giá người ta cứ cho hắn vào xem đàng hoàng một vụ hành quyết được thực hiện giữa ban ngày ban mặt, thậm chí cho hắn làm cái chân khâm liệm tử thi thì chỉ một lần thôi là hắn sẽ chán. Nhưng chưa có vụ hành quyết nào diễn ra vào ban ngày cả. Lần này với hắn cũng thế. Tối om. Và côn trùng rỉ rả... Quê hắn có trường bắn áng Sơn nổi tiếng cả tỉnh, nhưng cũng có một con sông thơ mộng chảy bảng lảng qua làng. Người dân áng Sơn ngoài cấy cày là việc muôn đời còn có nghề chèo đò và đập đá. Chèo đò thì cả làng hắn chỉ có một người, đó là ông Thảnh. Còn đập đá thì từ đứa trẻ lên ba đến ông lão tám mươi đều làm thành thạo vì đó là cách tạo thêm thu nhập duy nhất ở cái làng nghèo nhất tỉnh này. Hắn cũng là một tay đập đá có "hạng" của làng. Nhà có ba mẹ con, bố mất sớm nên anh em hắn phải làm việc từ khi lẫm chẫm biết đi. Đá được xẻ ra từng tảng lớn từ núi. Mà núi ở quê hắn lại nhiều. Cũng là sự lạ vì cả tỉnh chỉ có huyện hắn, xã hắn mới có núi. Toàn núi đá. Núi nhỏ, núi to, núi liên kết thành dãy, núi chơ vơ đứng riêng lẻ, núi chụm đầu làm hòn Trống Mái, núi nghiêng người ngả lưng làm Voi, làm Ngựa, núi dựng lên thành khu trường bắn, núi xẻ giữa cho đường cái chạy qua. Và núi đã trở thành mỏ đá cứu đói cho cả làng hắn. Bắt đầu từ cái văn bản đặc biệt của trung ương, trong đó người ta quyết cho tỉnh hắn được làm mới và nâng cấp bốn con đường cả thảy. Luận chứng kinh tế kỹ thuật của tỉnh thì nói đến việc phải phát huy nội lực, phải Nhà nước và nhân dân cùng làm. Muốn nhìn vào nội lực của một tỉnh thì phải xem đến nội lực của huyện của xã. Xã hắn có núi. Mà núi là đá. Làm đường rất cần đến đá. Thế là giữa lúc thói quen làm việc tập thể đang tàn phá dần những đồng làng quê hắn, giữa lúc nền kinh tế công điểm khiến cho gia đình hắn cũng như bao gia đình khác bần cùng, kiệt quệ thì có người nhận đổi đá lấy ngô, đổi đá lấy mì sợi, lạp xường, trứng muối. Lập tức cả làng hắn rùng rùng kéo nhau lên núi vần đá, khuân đá về để ghè, để đập. Nhà nhà sắm đe, sắm búa. Thanh niên trai tráng mang xà beng, choòng, đục, búa tạ lên núi xẻ từng tảng to đưa về. ở nhà đàn bà, con trẻ một đe một búa, cứ thế đập đá cho nhỏ ra, cho đều tăm tắp. Rồi dựng thành khối. Một mét khối mười lăm đồng. Rồi hai mươi, ba mươi, bốn mươi đồng. Một năm, hai năm, dăm năm trôi qua. Ba mẹ con hắn phải mua lại đá tảng của người ta nên mỗi mét khối đá dăm bán đi coi như chỉ còn được hưởng một nửa. ấy là thời kỳ anh em hắn chưa lớn. Sau này khi hắn đã dám theo đám thanh niên trong làng đi lên thị xã thi đấu vật thì hai anh em hắn cũng tự vần được đá tảng ở trên núi về cho mẹ hắn ngồi nhà chỉ việc một đe một búa mà ghè. Giữa tiếng chan chát, đôm đốp đã từng ám ảnh cả tuổi thơ ấy, hắn hỏi mẹ: - Tại sao con lại tên là Bạch Đàn? Mẹ hắn bảo: - Thì tao đi cấy ở ngoài đồng, mày đòi chui ra, tao chạy đến gốc bạch đàn, chẳng nhịn được nữa, ngồi xuống đấy cho mày ra. Hắn hỏi: - Thế anh Dương thì mẹ cho ra ở đâu? Mẹ hắn hắt ánh mắt ngời sáng lên người hắn, đưa tay quẹt mồ hôi rồi bảo: - Hồi ấy còn bố mày. Đẻ thằng Dương tao sướng chứ không như đẻ mày. Dương là tên bố mày đặt. Đến mày tao chẳng biết đặt là gì nên cứ gọi theo tên cây nơi mày chui ra. Lại đôm đốp, chan chát. Cả làng đôm đốp, chan chát. Người làng có đi chợ thị xã thì chủ yếu là mua đe với búa. Lửa toé dưới tay mẹ hắn. Có lần bà cô họ hắn ở trên thị xã về chơi. Ngồi nói chuyện với mẹ hắn, bà cô bảo: "Chị dừng tay nói chuyện với em có được không. Em nghe tiếng ghè đá cứ thấy gai gai người thế nào ấy. Nhoi nhói ở hai bên thái dương. Trẻ em mà nghe tiếng đập đá thế này lớn lên có hại lắm đấy chị ạ". Mẹ hắn bảo: "Thế mà trẻ con ở làng cứ lớn nồng nỗng, thằng nào cũng to, cũng khỏe. Quen hết cô ạ. Bốn, năm tuổi chúng nó cũng ngồi ghè được rồi. Không thì lấy gì mà ăn?". Bà cô hắn không nói gì nữa, đưa hai tay xoa xoa thái dương rồi đứng dậy xin phép về sớm. Hắn không hiểu những điều cô hắn nói, vì quả thực hắn không thấy giữa thứ âm thanh chát chúa kia với sự trưởng thành của một đứa trẻ thì có quan hệ gì với nhau? Với anh em hắn sự trưởng thành về cơ bắp và trí tuệ luôn đồng hành cùng thứ âm thanh ấy. Anh trai hắn là học sinh giỏi của trường huyện. Từ nhà hắn lên trường huyện những tám cây số. Anh Dương hắn cứ cuốc bộ đi học đều. Về đến nhà, vứt cái cặp da rách đáy xuống giường là lại vác choòng lên núi đánh đá hoặc xỏ găng tay ngồi ghè đá cùng với mẹ. Hắn cũng chả biết anh Dương học vào những lúc nào mà cứ năm hai lần có thầy giáo đến chở đi thi học sinh giỏi ở trên tỉnh. Có lần thầy giáo phải ngồi chờ vì anh Dương mải vần tảng đá to nửa khối ở trên núi Ngựa, cứ nấn ná không chịu về. Đó là lần anh Dương thi học sinh giỏi toán lớp 9. Hôm ấy anh Dương hắn thay quần áo xong, tu ực một hơi nước mưa rồi bơm mực vào bút, quay ra bảo thầy: "Đi!". Mẹ hắn bảo: "Cơm chỉ có canh thôi, lùa tạm một bát rồi hẵng đi". Anh Dương bảo: - Để con thi xong rồi về ăn cũng được. Thầy giáo anh Dương thấy thế, cám cảnh: - Bác để em đưa cháu ra tỉnh bồi dưỡng cho cháu bát phở rồi vào thi. Bây giờ mà ăn ở nhà xong mới đi thì muộn mất. Vậy mà anh hắn vẫn được giải nhất học sinh giỏi toán của tỉnh năm ấy. Bản thân hắn cũng học ít làm nhiều. Hắn chẳng bao giờ phải hỏi bài anh Dương cả mặc dù trong thâm tâm hắn rất kính nể. Năm hắn học lớp bảy, cô giáo chủ nhiệm có lần ghé qua nhà hắn chơi. Mẹ hắn hỏi: - Tháng vừa rồi cô được mấy khối? Cô giáo hắn bảo: - Nhà có một mẹ một con, em định sống tằn tiện cũng được, chả dám nhận đá. Nhưng học sinh nó bảo mỗi tuần chúng em đến nhà cô học thêm hai buổi, học nửa tiếng thôi còn chúng em ghè đá cho cô. Thế mà tháng rồi em cũng được gần hai khối đấy chị ạ. Mẹ hắn bảo: - ừ, để chúng nó giúp một tay chứ không thì hai mẹ con lấy gì mà sống. Hôm nào tôi bảo thằng Đàn khuân cho cô ít đá hộc. Cô giáo hắn quay ra nói nhỏ như tâm sự với mẹ hắn: - Em dạy cả hai thằng con chị, em biết, thằng Dương giỏi thì giỏi thật nhưng nhanh hẩu đoảng, thằng Đàn học chắc hơn chị ạ. Mà thằng Dương chỉ giỏi toán thôi, thằng Đàn bước sang năm nay lại nổi bật về môn văn. Cô Hường dạy văn khen nó lắm. Chị đẻ được hai thằng con trai như thế cũng mát ruột. Con Dung nhà em ấy à, èo uột lắm. Mà cái chứng ở đâu cứ ngồi vào bàn học là lại kêu đau đầu. Em mới bảo: Cho mày đi ghè đá thì hết đau đầu! Nó bảo: Con mà ngồi đập đá thì chỉ ba ngày là lên cơn thần kinh. Khổ thế chứ! Xách dép cho hai thằng con nhà chị không xong. Đúng là càng lớn hắn càng học giỏi văn. Đọc gì nhớ lấy. Cô Hường đưa cho mượn tập thơ Tố Hữu hôm trước, hôm sau hắn đọc cứ vanh vách. Hắn mê thơ Tố Hữu, đi đánh đá cũng đọc, ngồi đập đá cũng ngâm, ngủ mê cũng toàn nói thơ. Buổi tối hắn thường ra đò ông Thảnh nằm đọc sách nhờ. Nghề làm đá cứ tối xuống là chấm dứt. Đèn dầu tù mù, tham quá cứ ngồi mà ghè có khi nện vào ngón tay cũng nên. Với lại cả ngày đôm đốp, chan chát rồi. Khi ông mặt trời lặn cũng là lúc xương cốt nhão ra, gân bắp tê cứng, phải ngả lưng cho cái cơ thể nó được nghỉ ngơi. Thường thì khi ấy anh Dương ngồi học, còn hắn chạy đi chơi. Vào cuối cấp ba anh Dương bắt đầu học hành một cách nghiêm chỉnh. Anh Dương bảo: "Phải học thôi, thi đại học không xem thường được". Nhà có mỗi ngọn đèn, anh Dương ngồi học rồi thì hắn chạy đi chơi. Hắn thường mang sách của cô Hường cho mượn xuống đò ông Thảnh đọc nhờ. Đò ông Thảnh lúc nào cũng có một ngọn đèn để trong khoang lái. Đò dọc nên tối đến thường ít khách. Ông Thảnh ra đò sau nên không dám chở đò ngang. Dân xã bên người ta đã làm nghề ấy từ mấy đời nay rồi. Thực ra ông Thảnh ra đò cũng còn vì nhiều lý do khác nữa. Hồi ấy hắn còn bé nên chưa hiểu hết được những uẩn khúc của đời ông. Ông Thảnh ở có một mình thôi. Nhà ông có vườn chuối rất rộng. Sau này hắn mới biết vườn chuối ấy đã từng nuôi sống ông trong những năm khốn khó nhất. Ông có nguồn tiêu thụ lá chuối rất bí ẩn ở trên tỉnh. Cái thời mọi thứ đều mậu dịch hoá, những xếp lá chuối của ông biết đi đúng hướng, biết trôi đúng cửa nên nó cũng giúp ông có được cái ăn qua ngày. Vợ và con ông hình như vào Nam từ cái thời đất nước cắt chia. Sống trên cạn ông bị o ép nhiều nên ông xuống sông trải mình với sóng nước. Sau ngày đất nước thống nhất con cháu ông có ra Bắc tìm lại ông. Nhưng đấy là chuyện sau này. Còn ông Thảnh của thời hắn tìm đến đọc thơ nhờ bằng ánh sáng hắt xuống từ bóng đèn làm bằng thân chai sáu nhăm cô đơn và khó hiểu lắm. Ông Thảnh quí hắn, thương hắn, có thể còn hơn thế nữa, tìm thấy sự an ủi cho cuộc đời ông từ hắn. Ông có một cây nguyệt cầm đã cũ, hộp đàn sứt sẹo, đôi chỗ bong cả lớp gỗ dán, mười phím thô bẩn, dính keo nham nhở, xộc xệch nhưng ông nâng niu và giữ gìn nó rất cẩn thận. Lần đầu nhìn cây đàn hắn tưởng đó là thứ đồ bỏ. Đàn gì mà chỉ có hai dây bằng cước trắng đục, chẳng được thanh nhã, mĩ miều như cây ghi ta mà hắn đã từng gảy. Sau hắn cũng hiểu ra công dụng của cây đàn ấy. Ông Thảnh thường gảy nó và hát bằng một thứ giọng liêu trai, phảng phất sương khói, u mê thâm cốc, bàng bạc lau lách, trầm hùng, u uẩn như dãy núi đá bao quanh trường bắn. Lúc đầu hắn tưởng đó là hát chèo. Nhưng ông Thảnh lắc đầu bảo: "Không, hát văn, chầu văn!" ...Cũng mờ ảo khói sương, cũng mịt mờ sóng nước, tự ru mình trong khoảng trống thinh không, quay tám hướng vẫn lui về một góc, giữa lùm xanh thấp thoáng bóng tiên đồngMênh mang quá một ánh nhìn hư ảo, khi Phật Bà ban phước khắp muôn nơi. Phép nhiệm màu đựng trong bình nhỏ thế, đủ làm sao cho tất cả muôn ngườiChỉ còn lại một ngư ông bên núi, gác mái chèo ngửa mặt đón hư vô, con thuyền trĩu những nỗi niềm nhân thế, biết về đâu giữa bát quái trận đồ... Hắn bảo: - Cháu nghe ông hát thấy tủi thân lắm, nghe nữa là cháu khóc đấy. Cháu thích những câu như thế này cơ: Hai mươi tuổi hồn quay trong gió bão, gân đang săn và thớ thịt căng ra, đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa, hai mươi tuổi mới qua vòng thơ bé... Ông Thảnh nghe hắn nói thế, im lặng một lúc rồi xoay người treo cây đàn lên vách đò. Ông bảo: - Ta lỡ nhuộm hồn cháu bằng một thứ sóng u buồn từ dòng sông cuộc đời ta mất rồi. Nếu có thể cháu hãy xa lánh mọi dòng sông đi. Một chàng trai thích nghe những lời thì thầm của dòng sông cũng giống như một cô gái thích nghe tiếng réo rắt của đàn bầu. Con gái yếu mềm thì được còn con trai thì không, cháu nên bỏ văn đi, học thật giỏi toán như anh cháu để cuộc đời sau này đỡ nhuốm phần đa đoan. Hắn chẳng hiểu được những lời ấy của ông Thảnh. Hắn vẫn lớn lên bằng sức vóc của người bạt núi, vẫn nghịch ngợm như bao đứa trẻ làng áng Sơn, vẫn khoái cảm khi đêm đến mò vào trường bắn xem người ta kết liễu những kẻ tử tù. Anh Dương hắn đỗ đại học ngay từ lần thi đầu tiên, trường kinh tế kế hoạch. Hắn lại thay thế vị trí của anh hắn ở trường cấp ba huyện. Hắn được đánh giá là học giỏi hơn anh hắn, vậy mà khi lựa chọn môn thi học sinh giỏi hắn lại chọn văn. Và bài văn hắn được chấm loại ưu chính là bài phân tích quá trình tha hoá của Chí Phèo. Mẹ hắn thản nhiên khi nghe hắn thông báo kết quả thi học sinh giỏi. Bà bảo: "Chẳng bằng bố chúng mày ngày xưa. Học giỏi nhưng làm ruộng rất dở. Tính công điểm toàn xếp hạng bét. Tao khổ. Ông ấy cũng chết vì khổ". Hắn chẳng lấy thế làm điều hẫng hụt. ở nhà hắn học giỏi là chuyện bình thường. Học không giỏi mới là điều phải ngạc nhiên. Anh em hắn chẳng bao giờ nhận được sự chia sẻ những thành tựu học tập từ mẹ. Đồng ruộng và tiếng vỡ của đá đã làm mẹ hắn không thấy có gì giá trị hơn hạt gạo. Mà hạt gạo thì hình như không đến từ những bài thi học sinh giỏi. Mẹ hắn thờ ơ với kết quả học tập của anh em hắn cũng như đã có thời người ta thờ ơ với những tấm giấy khen. Hắn chạy sang nhà thằng Hiến để khoe thành tích của mình. Dù không hy vọng nhận được một lời động viên từ sự vô tâm của mẹ nhưng hắn không thể không khoe khoang niềm vui của mình với đám bạn bè ở làng. Và người mà hắn muốn khoe đầu tiên chính là thằng Hiến. Nhà thằng Hiến lốc nhốc một đàn bảy anh chị em. Bố Hiến ho lao nặng, suốt ngày ru rú ở nhà, trái gió trở trời là ho khồng khộc, ho đến tím tái cả người. Trên thằng Hiến là bốn chị gái, dưới nó còn hai em trai. Hắn thân với thằng Hiến từ năm học lớp ba. Bắt đầu từ cái chuyện thằng Hiến bị bọn học sinh xóm Chùa chặn đường...búng chim! Hôm ấy hắn xách chiếc túi lưới đựng lỏng chỏng vài quyển vở quăn mép đến chỗ bụi duối trước ngã rẽ vào xóm Chùa thì gặp thằng Hiến. Hắn thấy vẻ mặt thằng Hiến căng thẳng lắm, đôi mắt âu lo, nhìn ngang nhìn dọc vừa như cầu cứu, vừa như van xin, lại vừa lo sợ, giấu diếm. "Mày chờ ai thế hả Hiến?". "Không, không, mày cứ đi trước đi". "Sắp trống rồi mày không đi còn đứng đấy làm gì?". "Tao đau bụng, ngồi nghỉ một tí". Hắn đi vài bước nhưng nghĩ thế nào quay lại thấy thằng Hiến đứng nép mình bên bụi duối len lén nhìn về phía gốc gạo nơi ngã ba chợ Chùa. Thấy hắn quay đầu lại, thằng Hiến vội ngồi thụp xuống vờ ôm bụng. Chắc chắn thằng này có chuyện gì rồi. Hắn nghĩ thế và quay trở lại. Thằng Hiến nhìn hắn bằng con mắt khiếp nhược, giọng nói lạc đi như sắp khóc: - Mày có thấy bọn xóm Chùa đứng ở gốc gạo không? - Chúng nó bắt nạt mày à? - ừ... - Chúng nó làm gì mày? - Bắt chui qua háng rồi... rồi... - Làm sao? - Bắt tụt quần... - Sao mày để chúng nó làm thế? - Chúng nó đông, lại cậy gần nhà. Hôm qua bốn, năm thằng chúng nó thay nhau búng chim tao. Đêm qua đau quá, tao không đái được. - Mở ra tao xem? - Sưng to lắm, hôm nay chúng nó mà búng nữa thì tao chết mất. "Lên b. bống rồi", hắn thốt lên kinh ngạc khi nhìn thấy cái con chim của thằng Hiến sưng vù như cái kẹo dồi chó, mọng nước, hồng hồng, bây bấy. Ngay sau đó cảm giác thương hại thúc giục hắn phải làm việc gì đó để lấy lại sinh khí cho bộ mặt xám ngoét vì khiếp sợ kia của thằng Hiến. "Hãy đi theo tao, nhặt mấy cục gạch để sẵn trong cặp, nếu chúng nó đông một mình tao không đánh lại thì mày lấy gạch ra ném". "Nhưng chúng nó gần nhà, hôm sau đi học qua chúng nó lại bắt nạt thì sao?". "Thế cứ để chúng nó bắt nạt mãi à? Theo tao, không sợ!" Sau đận ấy bọn xóm Chùa không chặn đường đòi búng chim thằng Hiến nữa. Vào cấp hai thằng Hiến bỏ học liên tục vì nhà nghèo quá, phải chạy ăn đến phờ mặt, chẳng còn hơi đâu mà cắp sách đến trường. Bố Hiến cứ vài tháng lại lên viện một lần. Bố nó là người được đi viện nhiều nhất làng vì ông có cái sổ khám bệnh được phát từ hồi làm công nhân cầu đường. Có hôm hắn đang ngồi học thì thằng Hiến thập thò ở ngoài sân vẫy hắn ra. "Đi lên bệnh viện chỗ bố tao không?". "ở đâu?". "Trên huyện". "Xa lắm!". "Chị tao đi bộ được mà". "Thế mày có nhớ đường không?". "Mẹ tao chở tao lên đó một lần rồi". "Thế thì đi". Hắn và thằng Hiến lên tới nơi thì mẹ và chị gái lớn của nó đang bẻ lại người cho bố. Bố nó đã chết giữa một cơn ho khủng khiếp, thân xác co rút, hình hài vặn vẹo, rớt dãi trào xuống cằm, ướt đầm một khoảng áo ngực. Lần đầu tiên hắn được tận mắt thấy người chết. Thấy giữa ban ngày ban mặt hẳn hoi. Đau đớn, vật vã, kinh khủng quá. Những tội nhân bị bắn hàng đêm có lẽ cũng chỉ đau đớn đến mức ấy mà thôi. Sau đám tang bố được mấy hôm, thằng Hiến chia tay hắn để theo mẹ lên tỉnh bán tò he. Mẹ nó được thừa hưởng nghề nặn tò he từ ông ngoại. Gien ấy truyền đến thằng Hiến. Tò he thằng Hiến làm ra rất đẹp, đủ các sắc màu. Ngoài các hình Ngộ Không, Sa Tăng, Bát Giới thằng Hiến còn nặn được cả ngan, gà, chim, cá, lợn, ếch. Các loài vật ngộ nghĩnh ấy được thằng Hiến đút một cái ống sậy nhỏ vào lỗ khoét trên thân, lại khía ống sậy ra, nhét mẩu lá nón vào. Thế là ngan, gà, chim, cá, lợn của Hiến đều kêu được nếu ghé miệng vào ống sậy mà thổi. Bọn trẻ trên phố chắc thích lắm vì cứ độ nửa tháng mẹ con thằng Hiến lại về làng mang hàng đi một lần. Lần đầu lên tỉnh về thằng Hiến sang chơi nhà hắn, mang cho hắn con ếch màu gạch non. Hắn thổi vào ống sậy ở đít con ếch thấy kêu toe toe, khoái chí, trong lòng phục tài thằng Hiến lắm. "Tao với mẹ tao ngày chỉ ăn một bữa thôi - Thằng Hiến kể - Mang sẵn theo ngô, ngồi chợ buồn thì lại vun lá nướng ngô ăn thêm. Tối đến ngủ nhờ ở mái quán của người ta. Trên ấy có món bánh rán ngon lắm, bên ngoài bọc rất nhiều đường, ngọt lịm". "Bao giờ mày lại đi?". "Khoảng mươi ngày nữa, làm xong mẻ tò he mới thì lại xuôi đò ông Thảnh lên đó". "Đi dò của ông Thảnh có sướng không?". "Sướng. Bồng bềnh, êm êm nhưng cũng hơi sờ sợ". ở làng hắn người ta có việc lên tỉnh thường đi đò chứ không đi theo đường cái. Đi đò nhanh hơn, lại rẻ, có thể đi chịu ông Thảnh được. Mà đò ông Thảnh thường cập bến sát nách chợ tỉnh. Đi xe khách theo đường cái phải vào bến xe, từ bến xe vào chợ đi bộ cũng phải mất vài ba cây số. Mệt người, lại cách rách. Ông Thảnh đi tỉnh nhiều nên có nhiều thông tin nóng sốt nhất làng. Đêm nào trường bắn đỏ lửa, đêm nào không, cũng là do bởi ông Thảnh mà bọn hắn mới biết. Ông Thảnh biết được những chuyện mà bọn trẻ ở làng áng Sơn không thể nào biết được. Cả quãng đời tuổi thơ của hắn, những điều ông Thảnh nói đôi khi được đón nhận như chân lý. Đêm nay sẽ bắn Tiến lợn đấy. Nhiều khả năng đàn em của nó sẽ tổ chức cướp xác. Chắc là sẽ bắn sớm hơn mọi khi. Đêm mai sẽ tử hình con mụ Quyên thực phẩm. Mụ này tham ô lớn lắm, lại đốt cả kho hàng để phi tang, thiêu chết hai đồng chí bảo vệ. Ngày bắt mụ to béo thế mà giờ nghe bảo trông mụ như cái xác ve. Hai mươi chín này là bắn lão ất lương thực đấy. Nghe bảo lão là gián điệp của Mĩ cài vào để phá hoại ta. Kho tàng lão làm rỗng hết. Lão có mấy nhà liền, cô vợ ba chỉ bằng tuổi con gái lão. Thế mới kinh chứ! Ba mươi tháng sau là bắn thằng Long gấu. Thằng này còn ác hơn thằng Tiến lợn. Băng cướp của nó có bốn mươi tên cả thảy. Nó tuyên bố thời nay chỉ có bốn mươi tên cướp thôi chứ không có Alibaba, ai muốn làm Alibaba nó sẽ cho đàn em đến cắt tai. Hôm công an truy bắt, nó bắn trả đến hết đạn mới thôi. Thằng này nghe bảo phù thũng rồi. Có khi chưa ăn loạt đạn nào đã nghoẻo. Chưa có một thông tin nào về các vụ hành quyết từ mệng ông Thảnh lại sai bao giờ. Lần bắn Long gấu hắn đã liều mạng bò vào sát bên chiếc xe tù. Thì ra những người thực thi công lý cũng biết sợ hãi. Họ bịt mặt tử tù bằng một chiếc mũ vải màu đen. Tử tù được buộc vào một cây cột cao hơn đầu người. Trước khi đội bắn chui ra khỏi xe, đứng thành hàng, giương súng, khai hoả theo mệnh lệnh của đội trưởng, người ta đọc to một vài tờ giấy được soi sáng bởi ánh dèn pin. Rồi đạn nổ. Rồi phát súng nhân đạo. Rồi kiểm tra tử thi. Rồi mấy người chọc bút ký vào một tờ giấy nhờ nhờ trắng. Hắn bật cười khi nghe nghe giọng của người đàn ông lúc nãy sang sảng đọc Quyết định tử hình, bây giờ cứ rin rít trong cổ họng: Long ơi, cũng vì nhiệm vụ mà tôi phải làm việc thất nhân, thất đức này, xuống dưới đấy cậu đừng oán trách chúng tôi. Việc cậu làm cậu chịu, kết cục này là do cậu gây ra, tôi chỉ là người thực thi chức phận mà thôi. Xin vái cậu một vái gọi là tiễn cậu về với cõi âm cho nhẹ mình, siêu thoát. Những tàn hương vãi xuống, lập loè làm hắn thấy ớn lạnh. Hôm sau hắn rủ thằng Tá, thằng Học, thằng Xế ra xem cây cọc còn chôn ở đó không. Tất cả sạch trơn, như đêm qua chưa hề có vụ hành quyết nào diễn ra ở nơi hắn đang đứng cả. Nhưng rồi hắn phát hiện ra cái lỗ chôn cọc. Hắn bới chỗ đất xung quanh ra phát hiện thấy những vệt máu quệnvào sỏi cát. Hắn bỗng nghĩ đến một trò chơi giống như đêm hôm qua. Hắn rủ bọn thằng Tá vào doanh trại bộ đội gần đó trộm mấy cây tre dựng giàn mướp. Hắn sai thằng Học chạy lên núi gần đó mượn của những người đánh đá con dao dựa và chiếc búa đinh. Hắn đẽo gọt, chằng buộc thành một cây cột như hắn tưởng tượng rồi cùng thằng Xế khiêng đến bên chiếc hố sâu hoắm, chôn xuống. Cột có rồi nhưng không có tội nhân nào để treo lên cả. Bọn hắn liền nghĩ ngay đến thằng Hiến. Chỉ có thằng Hiến hiền lành, nhút nhát mới đóng vai vật hiến tế lúc này được. Hắn chạy đi tìm thằng hiến. Bọn thằng Tá, Thằng Học, thằng Xế lấp sẵn ở trong những đoạn hào, thấy thằng Hiến đến liền ào ra vật thằng Hiến xuống, lấy áo trùm mặt, lấy dây thừng choàng vào gáy vắt ngược ra hai nách rồi tung lên mấu cột, kéo cả người thằng Hiến lơ lửng trên cột, cách mặt đất tới gần một mét. Trong khi thằng Hiến đau đớn, gào không ra tiếng thì bọn hắn hò hét khoái trá, xếp thành đội hình giả giương súng lên nhằm thẳng tội nhân xiết cò. Bỗng thanh gỗ ngang trên đỉnh cột gẫy đánh "roạch" một cái. Thằng Hiến rơi xuống đất, gối khụy xuống, theo đà quán tính cả người từ từ đổ ập về phía trước, mặt úp vào đống cát sỏi. Thằng Học vội lao đến gỡ dây, mở áo chùm mặt ra cho thằng Hiến. Hắn và cả bọn ngỡ ngàng khi thấy từ bên mép Hiến một vệt máu tươi rỉ ra, loang xuống cằm. Hắn vội lao vào ôm lấy thằng Hiến xốc dậy. "Mày có đau không? Bọn tao chỉ đùa mày tí thôi". Thằng Hiến có vẻ như muốn khóc, nhưng nó bỗng vùng ra, nhổ từ trong miệng xuống đất một chiếc răng cửa rồi không nói không rằng cắm mặt chạy về làng. Hắn nhìn xuống bàn tay mình, nước đái thằng Hiến còn loang loáng ướt. Hắn quay ra bảo bọn thằng Xế: Nó sợ vãi đái cả ra quần, lại gẫy cả răng nữa. Bọn mình chơi ác quá! Hắn không phải là đứa trẻ thích nghịch ác. Đó là lần duy nhất hắn tìm khoái cảm trẻ thơ trên nỗi đau đớn của đứa bạn yếm thế. Tối hôm ấy hắn ăn cơm mà không nuốt được. Dọn dẹp xong hắn mò sang nhà thằng Hiến. Từ ngoài bờ rào nhìn vào hắn thấy thằng Hiến đang ngồi trên chiếc chõng tre đặt ở góc sân. Hôm ấy trăng sáng. Vậy mà trước mặt thằng Hiến vẫn còn đặt thêm một ngọn đèn dầu. Môi thằng Hiến sưng vù. Nó đang cố gắng đưa từng thìa cháo vào miệng. Bát cháo trước mặt nó vẫn còn đang bốc khói. Tay trái thằng Hiến cầm hai con tò he. Nó ngắm nghía, nó nâng lên, đặt xuống, rồi lại quay ra xít xoa đưa cháo vào miệng. Hắn mò đến sát sau lưng mà thằng Hiến vẫn không hay biết gì. Bỗng thằng Hiến để tuột cái thìa. Nó quờ tay đỡ lại làm đổ hai con tò he, một con lăn khỏi chõng rơi xuống đất. Hắn vội cúi xuống bò vào gầm chõng nhặt lên con tò he cho thằng Hiến. Thằng Hiến nhìn hắn hơi ngỡ ngàng, nhưng trong ánh mắt của nó, hắn không thấy có sự thù hận. - Mày sang từ bao giờ thế, sao tao không biết? - Tao vừa sang thôi. Mày ăn cháo à? - ừ, mẹ tao vừa nấu cho tao bát cháo này. Nhưng khó ăn quá. Buốt lắm. - Mai mày có đi lấy đất sét không? - Làm gì? - Cho tao đi với. Tao lấy hộ cho mày. - Không. Nhà tao không làm tò he nữa đâu. ế lắm. Mẹ tao vừa đổ đi đầy một thúng. Tao chỉ giữ lại hai con này thôi. Để làm kỷ niệm. - Thế mày không lên tỉnh nữa à? - Mẹ tao bảo nhận đá về ghè thôi. Làm tò he không bán được. Trẻ con trên phố không thích chơi tò he. Trẻ con nhà quê thì thích nhưng lại không có tiền. Hắn ngồi im chẳng biết nói gì nữa. Hắn thấy mình có lỗi, chỉ muốn làm một việc gì đó để cho thằng Hiến vui. Hắn tưởmg thằng Hiến còn nặn tò he thì hắn sẽ dành ra một buổi sáng mai để đi lấy đất sét hộ cho nó. Nhưng thằng Hiến lại vừa hất xuống ao cả một thúng tò he mà nó kỳ công nặn cả tháng trời. Hai con tò he mà mà nó giữ lại là hai bức tượng Phật. Một bức là Phật Thích Ca, bức kia là Phật Bà Quan Âm. Hai bức tượng này nó nặn lớn hơn những con tò he khác, cao tới gần một gang tay. Hắn từng hỏi thằng Hiến là bỏ học có tiếc không? Thằng Hiến bảo tiếc nhưng đi chợ cũng thích. Hắn biết mỗi đứa mỗi cảnh, có tiếc cho nó cũng chả giúp được gì. Trăng hôm ấy sáng, ánh vàng loang loáng trên những tàu lá chuối, chung chiêng dưới gốc cau ra, rờ rỡ cả khoảng sân hai đứa ngồi. Thằng Hiến bất chợt quay sang hỏi hắn: - Con trai đặt tên là Nguyệt có được không hả Đàn? - Sao mày lại hỏi vậy? - Sáng nay chị gái tao vừa sinh cháu. Mẹ tao ở trạm xá về bảo để cậu Hiến đặt tên. Thấy môi tao sưng vù mẹ tao hỏi bị làm sao. Tao bảo ngã. Mẹ tao nấu cho bát cháo xong lại lên trạm xá với chị tao rồi. Trước khi đi còn bảo: Nghĩ cho cháu nó cái tên! - Hôm nay trăng sáng lắm. Mà con trai đặt tên Nguyệt thì không oách tí nào cả. Đặt là Viên Minh hay hơn. - Viên Minh nghĩa là gì? - Viên là viên mãn, tròn đầy, minh là sáng sủa. Tao đoán thế. Để mai tao hỏi lại cô Hường xem thế nào. - ừ. Viên Minh. Chiều mai môi đỡ sưng tao sẽ lên trạm xá xem mặt nó, mẹ tao bảo kháu lắm. - Thế bố nó đâu? Không xin về được à? - Đang đánh nhau ở Campuchia Đó là lần duy nhất và cũng là lần cuối cùng hắn chơi trò xử bắn tội nhân. Từ ngày lên trường huyện học hắn trầm hơn. Hắn tự nhủ lòng không bao giờ để thằng Hiến phải buồn nữa. Nó là một thằng bạn tốt. ở làng ngoài thằng Hiến ra hắn chỉ còn thân với một đứa bạn nữa mà thôi. Đó là cái Dịu con cô giáo Hường. Cô Hường dạy văn hắn suốt ba năm cấp hai, hiểu hắn, thương hắn và đặt rất nhiều hy vọng vào con đường học vấn của hắn. Chồng cô Hường là bộ đội, hy sinh ở miền Nam từ trước năm bảy nhăm. Dịu là con gái duy nhất của cô Hường, kém hắn một tuổi nhưng học sớm nên suốt mấy năm học ở trường làng đều ngồi chung bàn với hắn. Hôm ấy hắn định bụng chạy sang nhà thằng Hiến khoe kết quả thi học sinh giỏi xong sẽ đến nhà mẹ con cô giáo Hường để "báo cáo thành tích" của hắn cho cô mừng. Nhưng thằng Hiến không có nhà. Trong buồng thằng Hiến hai bức tượng Phật cũng không còn để ở đầu giường nữa. Chỉ có đi đâu xa thằng Hiến mới mang hai vật kỷ niệm đó đi. Cũng đã lâu lắm hắn không sang nhà thằng Hiến chơi. Hay thằng Hiến lại lên tỉnh kiếm nghề gì đó làm rồi chăng? Càng lớn thằng Hiến càng đẹp trai. Nó có khuôn mặt quả lê, sống mũi thanh tú, con mắt sáng, trong trẻo, đôi mày rậm, môi đỏ, cằm chẻ, rất dễ gây thiện cảm. Nó lại khéo tay, chỉ tội tay nó cầm búa ghè đá không hợp. Kể ra nó được đi học hay làm nghề hàng mã thì đỡ tội hơn. Chờ mãi không thấy thằng Hiến về, hắn đành quay ra. Vừa ra đến ngõ thì hắn gặp mẹ thằng Hiến đi đâu về, tay cắp cái thúng bên trên có che mấy tàu lá chuối. "Thằng Hiến đâu bác?" - Hắn hỏi. "Ô, Đàn đấy à. Thế cháu chưa biết chuyện gì sao?". "Chuyện gì ạ". "Thằng Hiến nó bỏ bác lên chùa rồi cháu ạ. Nó đi được hơn một tháng rồi. Bác và các chị nó xin nó thế nào cũng không được. Nó bảo nó đi vào chùa chứ có đi chết đâu mà cả nhà cứ cuống lên thế. Đàn ơi, cháu có giúp bác bảo nó về được không?". "Chùa nào?". "Thì chùa áng Sơn chứ còn chùa nào, mé sau trường bắn ấy". "Nó làm gì ở đấy?". "Nó cơm nước, dọn dẹp phục vụ cho sư cụ. Nó bảo nếu bác cứ khóc lóc bắt nó về nó sẽ bỏ đi đến một nơi thật xa. Cháu bảo bác phải làm sao bây giờ?". Hắn nghe mà như không tin vào tai mình. Hắn vội chạy đến nhà cô giáo Hường. Chỉ có mình Dịu ở nhà. Hắn hỏi: "Dịu biết tin gì chưa?". Dịu bảo: "Biết rồi, Đàn vừa được giải học sinh giỏi chứ gì?". "Không, thằng Hiến nó bỏ nhà lên chùa rồi". "Đi tu à? Sao phải làm thế?". "Tớ với Dịu đi tìm nó về đi, mẹ nó nhờ đấy". Quả thật, ngày ấy hắn quí bạn nhưng không hiểu bạn. Hắn những tưởng ngôi chùa nằm ở lưng ngọn núi đất phía sau trường bắn kia có thứ bùa mê thuốc lú gì đó khiến cho thằng Hiến trót bước chân vào đó không thể ra được. Và hắn thấy mình phải có sứ mệnh của một vị anh hùng vào hang sâu đánh đuổi tà ma để cứu bạn. Hắn cùng Dịu chạy băng băng tới chân núi. Trong khi Dịu thở không ra hơi thì hắn gào toáng lên: Hiến ơi...Hiến! Cửa chùa đóng im ỉm. Mãi một lúc lâu sau mới có một chú tiểu lách mình bước ra bảo với hắn rằng Hiến đã chuyển đến một chùa khác rồi, xa lắm. Chú tiểu đặt vào tay hắn một gói giấy nhỏ. Hắn mở ra thấy bên trong là bức tượng Quan Thế Âm. Tự nhiên hắn khóc rú lên. Dịu sững sờ nhìn hắn. Chưa bao giờ hắn khóc như thế cả. Đó là tiếng khóc được bật ra từ một nỗi mất mát ghê gớm, trầm trọng lắm. Hắn mất thằng Hiến thật rồi. Hắn không còn biết tìm đâu cái bóng dáng khiêm nhường, côi cút để xẻ chia những vui buồn nữa. Chú tiểu đã quay vào trong chùa và cánh cổng gỗ lại được khép chặt ngay sau vạt áo nâu sòng. Hắn thất thểu ra về, quên biến niềm vui đoạt giải cần phải đem khoe với mọi người. Dịu đi bên cạnh hắn cũng rơm rớm nước mắt. Hắn không biết được rằng, đằng sau cánh cổng chùa, thằng Hiến cũng đang ôm mặt khóc khi bóng dáng hắn cùng Dịu nhỏ dần, nhỏ dần nơi chân núi.