Chương 6

Hắn trở thành kẻ giết người, lần đầu tiên, vào khi nào? Không say rượu, không dùng chất kích thích, không thèm bạc vàng, không đói ăn, cũng chả tranh nước uống. Hai bàn tay hắn như hai gọng kìm cứ xiết lại, xiết lại mãi để Lân sáu ngón có thời gian đẩy bật chấn song sắt cửa sổ phòng giam ra, đem tự do cho cả hai đứa. Có vẻ như lại là số phận đưa đẩy, có vẻ như lại là một sự tình cờ, tình cờ như hôm hắn đến bãi vàng Lũng Sơn bị hội Yên Mĩ đánh thì phải đánh lại vậy. Phòng giam của hắn có bẩy người. Hắn và Lân sáu ngón là một, bốn phạm nhân thấp cổ bé họng còn lại là một và trưởng phòng Hân là một. Với việc trốn trại của bọn hắn, bốn phạm nhân còn lại sẽ không đáng phải bận tâm, nhưng trưởng phòng Hân mà biết thì coi như việc của chúng sẽ đi toi, bao nhiêu công lao ngồi cưa song sắt của Lân sáu ngón cũng sẽ đi toi. Trưởng phòng Hân to béo như con gấu đen. Hân quá tin tưởng ở sự quản lý của mình nên không thể ngờ được dưới trướng Hân có hai thằng phạm đang ngày đêm tìm cách thoát khỏi phòng giam. Hân đủ sức mạnh và uy dũng để bóp nát những ý đồ tạo phản nhằm thoát khỏi án đời đối với sáu phòng viên vẫn ngày ngày làm việc, ăn ngủ cùng buồng. Hân đang bước dần từng bước đến cánh cửa tự do để trở về với người vợ có nghề tráng bánh cuốn ở một huyện ngoại thành Hà Nội, vì thế Hân trân trọng khoảng thời gian này, mọi biến động bất lợi cho lộ trình đi đến tự do của Hân sẽ bị dẹp ngay khi còn ở dạng mầm mống. Lân sáu ngón và hắn hiểu rõ điều đó nên một mặt tỏ ra cần mẫn cải tạo trước cái nhìn săm soi của Hân, một mặt bí mật nhét từng hạt muối vào vết cưa dở trên song sắt phòng giam, chờ đến ngày hành sự. Và ngày hành sự đã đến. Đúng lúc Lân đang tìm cách đẩy bật chấn song sắt ra khỏi vị trí của nó nơi thành cửa sổ thì bất ngờ Hân tỉnh ngủ, chồm ngồi dậy. Hắn vẫn nằm bên cạnh Hân, cố nghiêng người che khuất góc nhìn của Hân để Lân sáu ngón yên tâm làm việc. Đến khi Hân bật ngồi dậy, mắt nhắm mắt mở xác định tiếng động nơi thành cửa sổ thì hắn hoảng hồn, nhận ra mọi việc đã vỡ lở, hắn và Lân không những không thoát được mà còn phải nhận thêm án kỷ luật của trại. Một giây tê dại điếng qua người hắn. Rồi một tia sáng loé lên trong đầu, hắn vật Hân nằm xuống, hai tay bóp chặt vào yết hầu Hân. Tất cả sức mạnh của một thằng con trai có nghề đập đá như hắn trút cả vào mười đầu ngón tay. Hân ằng ặc trong cơn mê ngủ rồi cứ thế lịm dần, lịm dần đi trong tay hắn. Ngồi xổm trên bụng Hân, hai đầu gối thúc mạnh vào mạng sườn Hân, riêng mắt hắn thì nhìn không chớp về phía thành cửa sổ nơi Lân sáu ngón đang đưa nốt những nhát cưa cuối cùng. Đến khi Lân quay lại khẽ ra hiệu cho hắn chuồn thì hắn mới rời khỏi bụng Hân, cơ thể rã rời, tâm thần bất định, đờ đẫn ngồi dựa lưng vào thành tường, không hiểu là mình đang làm gì. Lân phải quay lại, vỗ vỗ vào người hắn mới làm cho hắn tỉnh táo trở lại. Và như một con báo, hắn lần tay ôm lấy bọc quần áo, lẳng lặng theo Hân luồn qua cửa sổ, bỏ phòng giam lại sau lưng với một xác chết còn ấm nóng.
"Hình thánh giá, thánh giá...". Khi hai đứa mệt lả, gục xuống ngồi nghỉ bên khe núi, hắn mới ú ớ lẩm nhẩm câu đó làm Lân sáu ngón kinh ngạc.
- Mày lẩm nhẩm cái gì vậy? Thánh giá nào?
- Tay Hân ấy mà. Có lẽ tao đã bóp chết nó rồi.
- Hãy quên chuyện đó đi. Nghỉ một lát rồi chuồn nhanh khỏi nơi đây. Nhưng mà mày vừa nói cái gì... thánh giá?
- Trên cổ thằng Hân có một sợi dây đeo thánh giá. Chiếc thánh giá đó nằm ở ngay yết hầu. Tao bám vào đó làm tâm điểm, bóp mạnh.
- Xì, tao tưởng chuyện gì. Ngày mai khám nghiệm tử thi người ta sẽ ghi vào biên bản là cổ nó có vật hình thánh giá tác động vào cho đến khi nghẹt thở. Nó theo đạo đấy. Chúa nhờ tay mày lấy nó về bên mình Chúa. Chắc bây giờ nó được lên thiên đàng rồi.
- Sao mày cứ tỉnh bơ thế? Tao bắt đầu thấy sợ Lân ạ.
- Sợ gì? Thôi, nghỉ đủ rồi, dậy chuồn thôi. Sáng mai tao với mày phải sang đến đất Hoà Bình. Nếu không, cầm chắc là bị bắt lại. Mày sẽ dính thêm một án giết người. Không có thời gian cho mày nghĩ linh tinh nữa đâu. Theo tao, mau!
Thánh giá! Hắn không thể nào quên được cái biểu tượng ghê gớm đó. Hắn là kẻ vô đạo. Thánh giá hiện hữu trong hắn là cái chết của Hân. Thi thoảng vào những buổi chiều sẩm tối hắn cũng có thấy Hân làm dấu thánh giá và lẩm nhẩm đọc kinh. Cây thánh giá hắn vẫn nhìn thấy ở đâu đó, có khi lủng lẳng ngay trên vòm ngực vạm vỡ của Hân, nhưng không để lại trong hắn ấn tượng gì cả. Còn bây giờ cây thánh giá găm vào óc hắn là hình ảnh của cái chết nằm thẳng đuột của Hân. Khủng khiếp quá! Không ít lần hắn liên tưởng đến cây cột mà người ta vẫn dùng để bắn tử tù ở quê hắn. Tại sao hình thánh giá không gợi cho người ta nghĩ đến một điều gì tốt đẹp hơn nhỉ? Hắn đã từng hỏi thế rồi lắc đầu chán ngán. Biểu tượng khủng khiếp hình chữ thập kia không thể xoá đi được trong đầu hắn, nó trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng, đôi khi tưởng đã bị vùi sâu dưới nền tiềm thức, lại vùng bật dậy, sừng sững trong óc hắn.
Chính Nhung đã làm cây thập giá trong óc hắn dựng đứng dậy.
Từ áng Sơn quán đến chiếc hang đá nơi hắn ẩn nấp quanh co, khúc khuỷu, tính ra cũng phải mất mấy cây số. Hắn xuống quán rồi lại ngược về hang không ra một quy luật nào cả. Hắn và Lân sáu ngón là hai kẻ đã mất quyền công dân nên áng Sơn quán không phải là nơi chúng có thể thường xuyên chường mặt ra được. Nhung là chủ quán, là phát ngôn viên của hội áng Sơn nhưng kẻ cai quản, quán xuyến mọi hoạt động của quán thực chất là hắn. Thông qua một đường dây liên lạc rất đáng tin cậy là thằng Xế, hắn đã làm cho các hoạt động của hội áng Sơn ở bãi vàng Lũng Sơn trở nên sinh động và có sức sống hơn. Từ ngày ở trại ra cho đến khi tạo lập được một hội nhóm mạnh nhất bãi vàng, có thể uy hiếp được toàn bộ hoạt động đào đãi của gần năm nghìn cửu và hàng trăm bưởng lớn nhỏ đối với hắn là cả một quá trình không đơn giản chút nào. Hội áng Sơn có cái đầu biết nghĩ là hắn, có mười hai ngón tay thép là Lân, có sự khôn ngoan, ranh cáo của thằng Xế nên các nhóm khác không thể xem thường. Cho đến khi gặp Nhung, chữa khỏi bệnh cho Nhung hắn vẫn không có chút tình ý gì ngoài việc cần có một bàn tay phụ nữ phục vụ cho việc bán mua, trao đổi giữa chốn đào vàng toàn những thằng đàn ông thô lậu. Đêm hôm ấy tự dưng hắn thấy buồn tình, liền một mình rời khỏi hang lần mò xuống quán. Bãi vàng hắn đi qua im ắng, các hầm đều đã nghỉ, những thân người nằm ngang dọc trong lán trại làm hắn chợt nhớ đến cái đêm đầu tiên hắn cũng ngủ như thế này và phải lấy nồi úp lên đầu để tránh đòn phủ đầu của bọn Yên Mĩ. Tất cả đãxa rồi. Thời gian đã nhuộm hắn trở thành một con người khác. Rất khác. Hắn vừa nhổ bọt vừa đi như mộng du quanh mép bãi, dọc theo bờ suối nham nhở. Xuống tới quán, hắn đi vòng lối cửa sau gõ theo ám hiệu. Nhưng bàn tay hắn đưa lên đến nửa chừng thì dừng lại vì hắn nghe thấy có thứ âm thanh lạ ở trong buồng của Nhung. Hắn vội cúi xuống nhòm qua khe cửa. ánh sáng hắt xuống từ bóng điện nhỏ như quả nhót nối từ ắc quy đủ để hắn thấy toàn bộ cảnh tượng trong buồng. Cảnh tượng ấy làm cho cây thập giá bật dựng đứng dậy trong đầu hắn, khiến hắn thở dốc, hai tay ôm chặt thái dương. Nhung đang quỳ gối trước chiếc hòm cá nhân. Trên nắp hòm là cây thánh giá cắm vào chân nến cháy dở to bằng bàn tay, màu bạc. Nhung vừa làm dấu thánh vừa đọc một bài kinh bằng thứ giọng ê a nghe rất buồn ngủ. Mái tóc buông rối xuống một bên ngực Nhung, sợi dây có đeo thánh giá mắc hờ trên mép cổ áo làm Nhung hiện lên như một nữ tu uẩn khúc, đớn đau trong dáng hình trinh nữ thánh thiện. Trí tò mò làm hắn đứng yên như một bức tượng, lắng nghe cho bằng hết những lời cầu nguyện của Nhung. Nhung đọc đi đọc lại một bài kinh nói về cây thập giá. Hắn không bỏ sót một từ. Tự nhiên thấy nhập tâm.
Con lạy thánh giá, con kính thánh giá, thánh giá là phép màu nhiệm của lòng thương xót vô cùng. Đấng hằng sống đã chịu chết, cho người chết được sống.
Thánh giá là bàn thờ Đức Chúa Con dâng mình tế lễ trước Đức Chúa Cha.
Thánh giá là giường Chúa muôn vật nằm khi tắt thở.
Thánh giá là cờ Vua cả toàn thắng đã cứu chúng con cho khỏi tay ma quỷ.
Thánh giá là tàu vượt qua biển, đem chúng con đến nơi vĩnh phúc.
Thánh giá là chìa khoá mở của Thiên Đàng cho chúng con được vào.
Lạy cây thánh giá, từ xưa đến nay chẳng có cây nào sánh bằng cây thánh giá.
Lạy Chúa nằm trên cây thánh giá chịu chết vì chúng con.
Hắn rùng mình. Đêm thanh vắng quá thể. Tất cả đều đã chìm vào màn đêm màu nhiệm để lấy lại chút sinh lực đã tiêu phí cả vào ngày, chỉ riêng Nhung vẫn một mình lặng lẽ cầu nguyện nơi góc khuất này. Hắn vô cùng ngạc nhiên vì ngay cả khi Nhung phơi toàn bộ thân thể trước mắt hắn, hắn cũng chưa hề thấy cây thánh giá đeo trước ngực bao giờ. Đôi mắt Nhung thường nhìn xuống, lẩn trốn, chứ không mấy khi ngước lên thành kính thế kia. à, hắn nhớ ra rồi. Đôi mắt ấy có ngước lên một lần, nhìn thẳng vào hắn, trong đêm mờ tối ở hang đá ẩm ướt, khi hắn quyết định trả Nhung về với Hùng quăn. ánh nhìn ngước lên ấy có sức lay động đến mức khó lý giải. Nó có khả năng kêu gọi được chút tình thương duy nhất còn sót lại ở trong bất kỳ một con quỷ dữ nào. Bây giờ thì hắn biết thêm rằng trong người con gái kia không chỉ có sự hời hợt, vô tâm của một đứa con gái giang hồ. Hắn bỗng thèm được khám phá cái thân thể bỗng chốc trở nên hấp dẫn bởi thứ sắc màu tâm linh đang vây bủa quanh Nhung. Khi Nhung thu dọn các biểu tượng tôn giáo lại, chuẩn bị đi ngủ thì hắn gõ cửa. Chỉ cần đếm tiếng gõ vào cửa là Nhung biết hắn đến. Nhung mở cửa cho hắn vào rồi như thường lệ nàng lôi sổ sách, tiền bạc ra để báo cáo công việc hàng ngày với hắn. Nhưng hắn gạt bỏ tất cả những thứ đó sang một bên. Đôi mắt hắn nhìn như thôi miên vào ngực áo buông trễ một bên của Nhung. Đêm ấy hắn làm chàng Ađam còn Nhung là Eva. Nhung ngỡ ngàng trước cơn hứng tình hừng hực từ hắn. Nhung cảm thấy hạnh phúc vì rồi cuối cùng nàng đã quyến rũ được hắn. Và trên cả những đam mê chăn gối, nàng còn nhận ra một thứ tình cảm khác đang nảy nở trong hắn. Không như những thằng đàn ông khác, sau khi được nàng là gạt nàng ra như một tấm rẻ rách, hắn nằm lại bên Nhung, ôm ấp vuốt ve nàng rất lâu, rất kỹ, và lắng nghe những chuyện nàng kể.
Tuổi thơ của nàng ư? Nàng chỉ có một tuổi thơ lên sáu thôi, còn sau đó không còn gọi là tuổi thơ nữa, vì thế nàng không muốn nhớ đến cái đoạn đời khủng khiếp đó. Nhưng ngay cả cái tuổi thơ lên sáu của nàng cũng chỉ còn lại lờ mờ trong ký ức, không sao gọi về hoàn chỉnh được. Nàng nhớ về một cái nhà thờ lớn rất rộng. Mẹ nàng thường đưa nàng đến đó tham gia các buổi hành lễ với rất nhiều những thủ tục rắm rối, phức tạp. Đôi mắt trẻ thơ của nàng tìm thấy niềm vui thú ở những khối kiến trúc đồ sộ, những hình ảnh, màu sắc gây ấn tượng rất đặc biệt đối với trí óc non nớt của nàng. Ngôi giáo đường ấy nằm giữa một bên là nhà thờ thành Giuse và một bên là nhà thờ thánh Phê Rô. Phía trước có một lầu chuông nhỏ, hai tầng. Nền nhà thờ rất cao, có cột, xà, tường, chấn song, tháp, bàn thờ đều bằng đá hoặc gỗ đen bóng. Mặt trước là toà Đức Mẹ ở giữa hai ngọn tháp hình vuông, nhiều tầng, có khắc bốn thứ tiếng: Việt - Hán - Pháp - La tinh. Nội dung những dòng chữ ấy đại loại là: Trái tim rất thánh Đức Bà chẳng hề mắc tội tổ tông, cầu cho chúng tôi. Những hình khối trong nhà thờ đường nét thanh thoát, nhẹ nhàng. Hai bên vách có những chấn song đá, viền những bức chạm hình cây tùng, cúc, trúc, mai. Ba bàn thờ chạm trổ rất đẹp, bàn thờ chính ở giữa có hình trái tim với lưỡi gươm đâm xuyên qua, bên trái tạc một cái giếng đậy nắp gọi là giếng niêm phong, bên phải tạc một khu vườn rào kín. Những thứ ấy hàm ý chỉ Đức Mẹ trắng trong trinh khiết. Phía trên bàn thờ chính là Nhà Tạm bằng gỗ chạm khắc, sơn son, thiếp vàng, bên ngoài có những bức chạm thông phong bằng đá rất đẹp với các hình chim phượng xòe cánh mang bút nghiên, sư tử có bờm dài, nhe răng nanh trông như mặt người đang cười. Quanh nhà thờ có rất nhiều những cửa đá nhỏ xinh xắn. Nàng đặc biệt thích phiến đá dài ở trước cửa nhà thờ. Buổi đi lễ nào mẹ nàng cũng dắt nàng ra chỗ đó, chỉ cho nàng thấy bụi hoa Mân côi khắc trên đá, bảo cho nàng biết ý nghĩa của cái tên mà mẹ nàng đặt cho nàng. Bụi Mân côi tức hoa hồng từ giữa phiến đá toả ra thành nhiều ngành, trên các ngành mười bẩy vị thiên thần mang khuôn mặt trẻ thơ, có cánh sau lưng đang đeo bám, chơi hoa, vặt quả, vô cùng sống động trong mắt nàng. Sau này, khi chán những buổi lễ dài lê thê với những lời rao giảng nhàm chán, nàng thường bỏ thánh đường, tìm ra chơi chỗ bụi Mẫn côi khắc trên đá. ở đây nàng gặp một người đàn bà lúc nào cũng bịt khăn che kín mặt. Người đàn bà này có giọng nói ngọt ngào không thể tả. Mụ ta làm quen với nàng bằng những cây kem bông trắng muốt. Những cây kem ấy có sức hấp dẫn nàng đến mức nàng sẵn sàng lên xe theo mụ ta đi đến một nơi rất xa. ở đó, khi đêm xuống nàng nhớ nhà, nhớ mẹ và khóc đến khản cả cổ. Mụ ta vẫn nói với nàng bằng thứ giọng ngọt ngào như những miếng kem bông xôm xốp, trắng muốt kia. Mụ bảo thế là cô cháu ta lạc đường rồi, cháu đừng khóc nữa, chịu khó ăn đi, ngủ đi, chờ cô hỏi tìm đường để đưa cháu về với mẹ. Nàng chẳng biết mụ hỏi đường những ai, chỉ thấy càng đi càng không còn nhìn đâu thấy tháp chuông có toà Đức Mẹ nữa. Lần đầu tiên nàng biết đến các bến xe, bến tầu. Đôi mắt nàng ngơ ngác, ngước lên nhìn mọi sự một cách trong trẻo và lạ lẫm. Nàng không biết rằng đôi mắt nàng đáng đồng tiền đến mức mụ đàn bà kia phải cất công bỏ đi gần hai trăm cây số để tìm cho bằng được. Mụ mang nàng về một thành phố nhỏ có những dãy phố sầm uất, trao nàng cho một gia đình giầu có. Nàng bị bắt phải gọi một người đàn ông có bộ râu xồm, lúc nào cũng mắc một cái quần soóc trắng, cả khi đi ngủ, lẫn khi ngồi lên xe máy đi ra ngoài đường, bằng bố. Nàng cũng phải gọi một người đàn bà gầy đét, cổ tay, cổ chân nhỏ như những cành củi khô, bằng mẹ. Mẹ Lan. Mẹ Lan buôn buôn bán bán, chủ yếu với những người đàn ông trở về từ những cuộc viễn dương dài ngày. Mẹ Lan rất giàu, giàu đến mức khó tin. Nhưng mẹ Lan lại nghèo đường con cái. Mẹ Lan cũng là người đàn bà mê tín nhất trên cõi đời này. Mẹ Lan có một bác sĩ riêng, một lái xe riêng (Tất nhiên mẹ toàn đi xích lô), một vệ sĩ riêng và một thầy bói riêng. Tất cả những người làm việc cho mẹ Lan đều trên cơ sở hợp đồng miệng, rất lỏng lẻo về cơ chế nhưng lại rất chắc chắn về nghĩa vụ. Thầy bói riêng của mẹ Lan có ảnh hưởng nhiều nhất đến các hoạt động của mẹ. Khi mẹ Lan muốn kiếm con nuôi, thầy bảo: "Bà phải kiếm một đứa con gái độ tám tuổi trở lại, sùng đạo, có đôi mắt Đức Mẹ, sự trong trắng, thánh thiện của nó sẽ tránh cho bà khỏi mọi sự trừng phạt". Mẹ Lan đã bỏ ra mấy cây vàng để thuê lũ người chuyên đi bắt trẻ con tìm về quê nàng. Chúng đã chọn nàng và nàng trở thành con gái yêu của mẹ Lan.
Nàng được mẹ Lan chăm sóc như một cô công chúa. Nàng lại tiếp tục đến trường. Nàng đã dần quên ngôi làng nhỏ có nhà thờ đạo rộng lớn với bụi Mân côi trên đá. Bài kinh duy nhất mà nàng còn thuộc là bài kinh Kính thánh giá, bài giảng duy nhất mà nàng còn nhớ là bài Chiên lạc, mẩu chuyện duy nhất trong kinh thánh mà nàng không quên là chuyện Đàn ông, đàn bà và con rắn. Bài Chiên lạc có nội dung như thế này:
Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Đức Giêsu mà nghe người, còn những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng". Đức Giêsu mới kể cho họ nghe một dụ ngôn:
Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con lại không để chín mươi chín con ngoài đồng hoang đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó". Vậy, tôi nói cho các ông hay: Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn. Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được. Tìm được rồi bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đánh mất". Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: Giữa triều thần Thiên Chúa ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối. Rồi Đức Giêsu nói tiếp: Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: Thưa cha, xin cho con phần tài sản được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. Khi anh ta ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu nên phải đi ở cho một người dân trong vùng. Người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói. Thôi, đứng lên đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng nên đáng gọi là con cha nữa. Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng. Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng. Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhẩy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: Em cậu đã về và cha cậu làm thịt con bê béo vì được lại cậu ấy mạnh khoẻ. Người anh cả nổi giận và không chịu vào nhà. Cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: Cha coi, đã bao năm trời con hầu hạ cha, chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng. Nhưng người cha nói với anh ta: Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết, nay lại sống, đã mất, nay lại tìm thấy.
Mẩu chuyện Đàn ông, Đàn bà và con rắn như sau:
Ngày Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ nào mọc lên vì Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai. Nhưng có một dòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất.
Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra Con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và Con người trở nên một sinh vật. Rồi Thiên Chúa trồng một bụi cây ở Êđen, về phía đông, và đặt vào đó Con người do chính mình nặn ra.Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trồng thì đẹp, ăn thì ngon, cả cây trường sinh ở giữa vườn và một cây cho biết điều thiện điều ác. Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen để cấy cầy và canh giữ đất đai. Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: "Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn, nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết".
Rồi Thiên Chúa lại phán: "Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó". Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với Con người, xem Con người gọi chúng là gì. Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú nhưng Con người không tìm cho mình một trợ tá tương xứng. Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên Con người, và Con người thiếp đi. Rồi thiên Chúa rút một cái xương sườn của Con người ra, lắp thịt thế vào, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với Con người.
Con người nói:- Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!
Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.
Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ để gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt. Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau.
Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng mà Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: "Có thật Thiên Chúa bảo các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?". Người đàn bà nói với con rắn: Trái các cây trong vườn thì chúng tôi được ăn, còn trái trên cây ở giữa vườn Thiên Chúa bảo không được động tới kẻo phải chết. Rắn nói với người đàn bà: "Chẳng chết chóc gì đâu. Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện, điều ác". Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quí vì làm cho mình được tinh khôn. Bà ta liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó cùng ăn với mình. Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng, họ mới kết lá và làm khố che thân.
Nghe thấy tiếng Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, Con người và vợ mình trốn vào giữa đám cây cối để khỏi giáp mặt Thiên Chúa. Thiên Chúa gọi con người ra và hỏi:
- Người ở đâu?
Con người thưa:
- Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì trần truồng, nên con lẩn trốn.
Thiên Chúa hỏi:- Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?
Con người thưa:
- Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.
Thiên Chúa bảo người đàn bà:
- Người đàn bà làm gì thế?
Người đàn bà thưa:
- Con rắn đã lừa dối con nên con ăn.
Thiên Chúa phán với con rắn:
- Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy, dòng giống ấy sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.
Với người đàn bà, Chúa phán:
- Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén, ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi.
Với Con người, Chúa phán:
- Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta truyền ngươi đừng ăn nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi, ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất.
Thiên Chúa nói: "Nay con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ đừng để chúng giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi". Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Êđen để cày cấy đất đai. Từ đó ở phía đông vườn Êđen, Thiên Chúa đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng loé, canh giữ đường đến cây trường sinh...
Hắn ngồi nghe Nhung kể chuyện đến khi trời sáng bạch thì bước xuống giường, bảo:
- Tối nay chúng ta sẽ làm đám cưới. Chúa sinh ra anh là đàn ông, sinh ra em là đàn bà, chúng ta phải làm chồng vợ thôi.
Nhung tròn mắt ngạc nhiên:
- Anh nói thật hay đùa đấy? Mà ở cái nơi khỉ ho cò gáy này cưới cheo làm gì? Nếu anh thích em sẽ là của anh. Em vẫn đang thuộc về anh đấy thôi.
Hắn không nói không rằng, bước ra phía cửa sau, lần về hang đá tìm thằng Xế. Buổi tối hôm ấy, những nhân vật chủ chốt của hội áng Sơn tập trung ở ngay bãi cỏ cách nơi ở của hắn không xa. Một đống lửa được đốt lên. Bốn bình ắc quy đặt bốn góc thắp sáng tám ngọn điện hình quả quýt. Hắn vẫn chiếc áo da mốc meo, hôi xì, còn Nhung rực sáng trong chiếc áo dài trắng có đeo dây thánh giá trước ngực. Gà quay, thịt nướng, bia hộp la liệt, khả năng ăn uống được đáp ứng đến mức tối đa, khách mời cứ việc thực lòng vui cho đám cưới của hắn. Nhung đẹp đến mức đờ đẫn trước những con mắt đang bắt đầu ngầu lên vì bia. Hắn cũng thấy là Nhung đẹp. Nét bầm giập của một đứa con gái qua tay hết thằng này đến thằng khác đã được thay thế bằng vẻ thuỳ mị, đoan trang đến khó ngờ. Lân sáu ngón hôm ấy là người uống nhiều nhất. Càng uống mặt Lân càng đanh lại, khô lạnh, vô cảm. Sống với Lân đã lâu, là chiến hữu thân thiết từng vào sống ra chết với nhau nhưng quả thực hắn không hiểu Lânlắm. Hắn đánh giá rất cao bản lĩnh chiến trận của Lân, ngoài ra hắn không hiểu gì về con người này. Lần hai đứa trốn trại ra, hắn đã từng ở nhà Lân. Đó là một ngôi nhà tồi tàn và ẩm mốc. Trong ngôi nhà đó có một người đàn bà khắc khổ cùng một đứa trẻ gái lên tám. Người đàn bà gọi Lân là cậu- Cậu Lân. Đứa bé gái gọi Lân là bố. Suốt ba ngày hắn ru rú trong buồng nên không hiểu quan hệ giữa người đàn bà đó với Lân là thế nào. Lúc đầu hắn tưởng là hai chị em. Nhưng rồi hắn thấy lạ là khi bữa cơm cuối cùng có đông đủ mọi người đứa bé lại gọi người đàn bà đó là mẹ. Hắn không muốn hỏi Lân về cái sự lạ đó. Sau này khi lên trên bãi vàng hắn ở hang trên, Lân ở hang dưới, hai đứa ít có dịp tâm sự với nhau. Mà Lân thuộc típ người không thích tâm sự. Chỉ một lần duy nhất Lân kể chuyện, ấy là trên chuyến xe chạy ba trăm cây số từ quê Lân tới bãi vàng. Qua câu chuyện hắn biết được Lân đã từng là lính ở Campuchia. Sau khi giải ngũ Lân có lấy vợ. Song người đàn bà vẫn gọi Lân là Cậu ấy chắc chắn không phải là vợ Lân. Chuyện Lân kể là chuyện về chiếc xe bò. Khi ấy chiếc xe khách chở hai thằng đang đi bỗng phanh dúi lại để tránh một chiếc xe bò qua đường. Lân buông ra một tiếng chửi thề, rồi bảo: "Xe bò của mình buồn cười thật, không giống như xe bò của người Khơme".
Hắn hỏi: " Ông đi đâu mà biết xe bò của người Khơme?"
Lân bảo: "Trước kia tôi đánh nhau ở Campuchia mấy năm. Bên ấy nhiều xe bò lắm, nó giống y như hình khắc ở những tấm phù điêu của đền thờ Bay on. Đôi bánh của nó cao lênh khênh, bằng gỗ đóng vành sắt. Thành chiếc thùng xe không vươn quá vành bánh. Đặc biệt xe nào cũng có một cái cần cong vút ra phía trước".
Hắn thấy lạ, hỏi: "Sao lại có cái cần cong vút ra phía trước?"
Lân kể: "Vì truyện cổ Campuchia nói về một người đàn ông làm cá ở Biển Hồ. Người đàn ông hễ đưa xe cá qua đoạn sông kia thì bị một con cá sấu ra ngăn đường, đòi phải nộp một số cá lớn cho cá sấu ăn đủ no. Người làm cá rất uất ức vì đưa cho cá sấu thì vợ con ở nhà sẽ đói. Nếu không thì cá sấu đòi nuốt cả bò lẫn người. Đã vậy cá sấu ngày một tham lam, nó đòi ăn ngày càng nhiều hơn. Người làm cá bàn với sấu: "Cao sang như ông sao lại chịu hạ mình ăn cá ươn. Ông hãy để tôi mang theo ông trên xe, hễ đói là ông có cá tươi ăn cho đã". Sấu nghe bùi tai đành để kéo lên thùng xe. Xe tiếp tục đi trên con đường quá ư gồ ghề. Mỗi lần bánh xe lục khục thì sấu cũng bị xô gập mình vào thành xe đau ê ẩm. Người làm cá lại nói: " Ông sấu ơi, để tôi cột tạm ông bên thùng xe, nếu không xương sống của ông sẽ gẫy mất". Sấu ta cũng biết đề phòng, chỉ cho cột qua loa. Người làm cá liền cho xe rẽ vào lối đi gập ghềnh hơn nữa. Sấu bị lắc qua lắc lại tưởng đến đứt hơi, bèn vội nài người làm cá cột mình vào thành xe thật chặt. Được thể, người làm cá bèn đem hết số thừng chão dự trữ cột thật chặt sấu vào thành xe, vào cả càng xe. Xe cứ đi và sấu ta thì đau đớn vô cùng, nhưng càng quẫy thì chão thấm nước càng thít chặt thêm, làm thân sấu phù thành từng khúc. Cái đầu sấu ưỡn ra, rền rĩ xin tha nhưng người làm cá đời nào chịu tha cho sấu. Đến lúc chết thân sấu cứng ngắc, đầu sấu vươn dài ra trước xe. Chiếc cần cong bây giờ chính là cái đầu cá sấu xửa xưa ấy biến cách mà ra".
Hắn nghe xong chuyện, gật gù: "Thì ra cái cần câu đó nhắc nhở đến trí thông minh và lòng dũng cảm của người Khơme".
Lân bỗng buột miệng: "Hồi đám cưới tôi, cả hai họ cũng đều đi xe bò. Nhưng sau này con vợ tôi khốn nạn quá. Tôi đã giết nó. Rồi cũng lại dùng xe bò chở đi ra sông vứt xác. Tôi trốn chạy trên một chiếc xe bò và bị bắt cũng ở ngay trên thùng chiếc xe bò khi trên người phủ đầy cá ươn".
Lân nói xong câu đó thì im lặng, không hé răng nửa lời cho đến khi chiếc xe dừng lại cho hai thằng nhảy xuống. Hôm nay Lân lại chia vui với hắn bằng bộ mặt lạnh như đá núi. Đám cưới của hắn gợi nhắc cho Lân nhớ về chuyến xe hoa có bò kéo ngày nào chăng? Lân hơn hắn bốn tuổi, từng là lính chiến, lại đã có vợ con nên cuộc đời nhiều trang vui buồn hơn hắn. Chính Lân là người đã dạy hắn bắn những viên đạn đầu tiên từ khẩu K54 mua được bằng số tiền cướp ở tiệm vàng sau khi trốn trại. Cũng chính Lân vạch ra kế hoạch cướp súng của bọn Thành dê ngay đêm đầu đặt chân đến bãi vàng này. Lân bảo: "ở đây muốn làm ăn được phải là bưởng của các bưởng. Hội áng Sơn của mày phải mạnh hơn các hội khác. Muốn mạnh phải có vũ khí. Thời này chỉ trông chờ vào vài ba khúc côn với mấy con lê thì vứt. Phải có súng. Đòm một phát là đâu vào đấy hết. Chiều nay tao thấy hai thằng đàn em của Thành dê tháo AK ra lau ở bãi cỏ bên cạnh lán trại. Phải lấy hai khẩu súng ấy cho bằng được". Hắn hỏi: "Lấy bằng cách nào?". Lân bảo: "Kiếm khoảng mười thằng, bịt mặt lại, mang theo dao và kiếm. Tao với mày sẽ nhái giọng miền trong. Nửa đêm nay ập vào cướp. Sáng mai vẫn sang chia buồn như thường. Nếu chúng nó chống cự đến cùng thì tao sẽ rút quả mỏ vịt này ra, đốn chúng như đốn cây non ấy".
Đêm ấy bọn hắn đã thành công. Cũng chính Lân đã tháo lắp từng bộ phận trên súng AK chỉ cho hắn biết đâu là nòng, là qui lát, là hộp tiếp đạn, là báng, là lò so, là kim hoả, là đầu ruồi của một khẩu súng. Sau đó Lân cũng dạy hắn cách bắn tà âm, tà dương, cách để nấc liên thanh, tắc cú, điểm xạ. Lân lì lợm, giỏi tác chiến, hơi hiếu sát và đôi lúc tâm tính bất thường như người có biểu hiện mắc bệnh thần kinh. Hắn chịu trách nhiệm tổ chức hội nhóm, khai thác, cô đúc, lưu thông, phân phối số cám vàng thu được. Lân luôn ủng hộ hắn. Dù sao hắn cũng là thằng có học. Hắn chịu khó đọc báo, nhận biết được những thay đổi từng ngày của xã hội, biết tiến ra, rút vào đúng lúc, phù hợp nên hội áng Sơn của hắn không ngừng lớn mạnh. Ngay cả việc hắn tổ chức thành công quán hàng tổng hợp do Nhung đứng quản lý cũng chứng tỏ hắn có đầu óc hơn những bưởng khác có thâm niên ở bãi vàng này.
Cuộc vui của hắn rồi cũng đến lúc tàn. Lân đến bên hắn, bảo: "Ông chui vào hang cho sớm đi. Bắt đầu từ ngày hôm nay ông sẽ phải nghĩ đến việc có ra tự thú hay không đấy. Con vợ ông nó sẽ nhắc nhở ông điều ấy. Nếu đúng thế, nó là con vợ tốt. Dù có phải bóp cổ nó thì cũng nên xây cho nó một nấm mộ đàng hoàng".
Rồi Lân lững thững bước về hang đá của mình. Lân cũng được hưởng lợi từ bãi vàng này tỉ lệ tương đương như hắn. Lân đánh thành từng lá to bằng đốt ngón tay cho vào con lợn đất. Lân bảo: "Bao giờ ruột con lợn này được lèn chặt thì tao sẽ tìm về quê, đặt nó lên đầu giường đứa con gái, rồi ra gốc chuối sau vườn nhà, đòm một phát, thế là xong".
Chính vì Lân có một mục đích sống khá rõ ràng như thế nên phong thái Lân lúc nào cũng ung dung tự tại. Lân tàn bạo và hiếu sát là để giành giật lấy khoảng thời gian và không gian ngắn ngủi này mà kiếm vàng nhét cho đầy con lợn đất kia. Lân cần sống, cần vàng, vì thế Lân sẵn sàng làm tất cả. Còn hắn? Hắn không nhìn thấy tương lai của mình có một phát đòm nhẹ nhàng ở dưới gốc cây chuối sau vườn nhà như Lân. Hắn ham sống nhưng chẳng biết sống để làm gì? Hắn cần vàng nhưng vàng chẳng là gì trước cái giá của sự tự do, trước mẹ hắn và Dịu. Hắn rơi vào hoảng loạn triền miên. Lối thoát của hắn chỉ là đáy hang đen ngòm, lạnh ngắt. Bây giờ thì hắn có thêm Nhung. Nhung đã chấm hết tuổi con gái của mình ở tuổi mười ba. Sau khi mẹ Lan chết bởi bệnh tim bẩm sinh quái ác, Nhung bị ông bố nuôi râu xồm đánh cướp lạc thú làm người ở cái tuổi mà cơ thể chưa được Chúa vẽ lên những vệt mực tầu cần thiết. Đôi mắt luôn ngước lên của Nhung không tìm được sự lý giải nơi trần nhà lúc nào cũng vàng vọt ánh nêông, đã phải khép mi lại thả trôi theo dòng nước. Nhưng dòng nước cũng chả nỡ giết hại một đứa trẻ đẹp đẽ như Nhung nên đã trả Nhung về với vạn chài nhỏ nép mình nơi cửa sông. Những người đàn ông ở vạn chài tìm thấy ý nghĩa của tạo hoá ở Nhung nên họ nuôi cô để lấy thân xác cô chứ không cần đôi mắt ngước lên, thánh thiện, trước mỗi mùa giông bão. Nhung kinh tởm đám người lúc nào cũng nồng nặc mùi vị tanh tưởi của cá, cô tháo chạy lên bờ, và tìm đường trở về với ngôi làng có tháp chuông hai tầng trước cửa có bụi Mân côi khắc trên đá. Đường về của cô cứ dài ra mãi, chỉ dằng dặc những đàn ông là đàn ông, cho đến khi cô ngỡ là Chúa sinh ra mình chỉ để đi trên con đường ấy và cô đành chấp nhận sự an bài. Con đường đó đã dẫn Nhung đến với bãi vàng Lũng Sơn và ở đây cô gặp người đàn ông cuối cùng của đời mình. Chỉ có điều người đàn ông ấy không được tự do. Người đàn ông đó luôn nhốt mình trong hang đá, triền miên hoảng loạn, triền miên toan tính, triền miên đâm chém và triền miên mơ về một cõi xa xôi, rất thực nhưng lại chẳng thể nào tìm đến được.
Đúng như Lân nói. Mỗi khi nhìn cái bụng của Nhung nhô dần lên sau làn áo thun mỗi ngày một chật cứng, hắn lại nghĩ đến hai chữ: Tự thú. Bẩy năm, mười năm, hay mười lăm năm ở tù đi nữa thì vẫn còn có một ánh đèn ở cuối đường hầm kia làm đích cho hắn đi tới. Đằng này quanh hắn chỉ là hang đá tối đen, hun hút, vô định, mông lung lắm. Hắn sợ. Rồi hắn ghen với sự bình thản ở Lân. Sao hắn không tìm thấy sự thanh thản cho mình ở đằng sau một phát đòm dưới gốc cây chuối nơi vườn nhà hắn nhỉ? Nhiều đêm, hắn ngồi ôm bụng Nhung mà nước mắt ứa ra.
Xung quanh hắn hang đá ẩm ướt và lạnh lẽo.