Đang ngủ ngon lành, cô bỗng giật mình vì bị lay mạnh. Mở mắt ra Lam thấy bà Thư ngồi trên giường mình với bộ mặt hết sức khẩn trương. Khó chịu khi nghĩ sắp phải nghe giảng. Cô lòm cồm ngồi dậy và im lặng không hề hỏi xem bà Thư vào phòng mình làm gì. Nhìn Lam bằng cái nhìn sắc sảo, bà hỏi: - Nãy giờ con ngủ thật hay giả vờ vậy? - Con ngủ thật chớ giả vờ làm chi. Bà Thư cười nhạt: - Vậy là nhà bị mất trộm đồ, con đâu có hay! Lam ngạc nhiên: - Có trộm vào hả dì? Nó lấy cái gì vậy? Bà Thư gằn giọng: - Dượng con bị mất sợi dây chuyền 4 lượng và cái mặt cẩm thạch thường hay đeo. Lam bỗng thấy sợ, linh cảm chuyệnkhông hay sắp đến với mình khiến cô ớn lạnh, cô vẫn bình tỉnh hỏi: - Dượng Lộc đeo trong người, làm sao trộm lấy được? Bà Thư nói một hơi: - Hồi sáng này dượng Lộc cởi ra bỏ quên trong phòng tắm. Chỉ có con và con Mai ở nhà, tại sao sợi dây không cánh lại bay? Nếu có lượm được thì đưa đây, dì sẽ nói với dượng là con cất giùm, nhưng quên chưa trả lại. Lam sững sờ nhìn bà Thư, lâu lắm cô mới nói nên lời: - Con không hề thấy nó. Bà Thư rít lên: - Con Mai cũng nói vậy và dì đã xét phòng nó. Nếu con không đưa ra dì sẽ xét phòng con. Lỡ như mà có, thì không còn tình nghĩa ruột rà gì nữa đâu. Suy nghĩ cho kỹ đi! Lam uất ức kêu lên: - Dì nghi con sao? - Dì nghi tất cả. Nếu phòng con không có, dì sẽ qua phòng Trâm Anh, phòng thằng Phị Hừm! Thằng quỉ ấy đang đeo theo gái, biết đâu chừng. Nghe bà Thư nói thế, Lam chán nản khủng khiếp. Cô lập lại bằng giọng vô hồn: - Con không hề thấy nó. Bà Thư hùng hổ đứng dậy: - Được! Để tao tìm xong hãy nói. Kéo tung tấm ga giường xuống sàn, bà xổ áo gối, rũ mền mùng lên rồi kéo hết quần áo trong tủ Lam ra, nhưng không thấy gì hết. Bà Thư tức tối đứng chống nạnh nhìn quanh. Tự nhiên Lam buột miệng: - Biết đâu chừng dượng Lộc làm rơi ở nhà người khác. Chỉ tay vào mặt Lam, bà Thư quát: - Mày nói vậy là muốn ám chỉ gì? Cô lấp bắp: - Con chỉ đặt giả thuyết vậy thôi, chớ đâu ám chỉ gì? Mặt bà Thư thẫn thờ: - Ông ấy nhớ rất rõ là tháo nó ra để chà xà bông cho sáng rồi để quên trong toi-lét. Nếu mày không cất, chả lẽ thằng Phi hay con Trâm Anh sao? Không! không thể như vậy được. Vừa gào lên, bà Thư vừa xô ngã cái ghế ở bàn học của Lam. Cái ghế ngã làm chiếc ba lô nhỏ cô máng ở lưng rớt xuống theo. Viết, bút, tập vở rơi tung tóc ra sàn. Lam giật mình khi thấy nằm lẫn trong đống sách vở, một vật gì đó chói sáng vàng... Bà Thư vội cúi xuống nhặt lên. Cầm sợi dây chuyền trong tay, bà nhảy dựng: - Đồ khốn nạn! Mày trả ơn tao, trả hiếu cho cha mẹ mày như vầy đây sao? Tao không ngờ, tao thật không ngờ. Đấm vào ngực thùm thụp, bà rên rỉ: - Ối trời ơi là nhục nhã. Tao phải nói sao với ba mẹ mày đây Lam. Lam bủn rủn cả người, cô líu lưỡi: - Con không có lấy, con xin thề... - Không lấy sao nó ở trong túi xách của mày? Hừ! Định bỏ vào đó để một lát đem bán phải không. Uổng công tao xem mày như con ruột, lo cho mày đến mức nửa đêm phải chạy sang phòng mày xem ăn ngủ ra sao. Cuối cùng mày làm tao hết thất vọng vụ này đến khổ tâm chuyện khác. Bị buộc đủ thứ tội, Lam nói đại: - Nhất định dượng Lộc gài bẫy để tống con khỏi đây. Bà Thư nghiến răng tát cô một cái: - Nói bậy! Dượng ấy như cha chú sao lại gài bẫy mày chứ! Bị đánh đau, Lam giận quá mất khôn. Cô gào lên: - Dượng Lộc có bồ. Con nhìn thấy nên bây giờ phải lãnh hậu quả. Mặt bà Thư méo mó vì kinh ngạc. Bà đứng như trời trồng hết một hồi mới bừng tỉnh lại. Sẵn sợi dây chuyền to như sợi xích trong tay, bà vụt lia vụt lịa vào mặt Lam. Vừa đánh bà vừa la: - Đã ăn cắp còn bày đặt láo. Tao đánh mày cho chừa tật này. Vừa ôm mặt đau đớn, Lam vừa chạy ra hàng lang. Cô đụng phải ông Lộc đang bước tới. Ông ta giữ Lam trong tay, giọng ngọt ngào nói với dì Thư. - Em bình tĩnh lại, không thì lên cơn tim đấy! Chuyện xảy ra rồi mình phải xem coi có để cháu thiếu hụt gì không mà nên nông nỗi. Vùng khỏi tay ông, Lam hét lên: - Chính dượng bày ra trò này. Lâu nay tôi đã im lặng nhưng dượng vẫn chưa yên tâm về cái tật của mình. Rồi dượng sẽ khổ cả đời về chuyện lăng nhăng này. Ông Lộc cười nhạt: - Đã tham lam còn thêm dối trá. Hừm! Tôi nghĩ em gởi trả cho ba mẹ nó là vừa rồi đó Thư! Lam gằn từng tiếng: - Tôi không để dượng vu khống tôi đâu. Khoanh tay trước ngực, ông Lộc ngạo nghễ: - Vậy dượng sẽ mời cảnh sát khu vực và tổ trường dân phố tới cho cháu nhé! Tới lúc đó chả biết nhục đem cất vào đâu cho hết đây! Bà Thư tiếp tục nguyền rủa: - Đồ mặt dạn mày dày. Tao sẽ mời mẹ mày vào làm cho rõ những lời dối trá của mày. Ông Lộc khoác vai đỡ bà về phòng trước sự căm hận của Lam. Mắt ráo hoảnh, cô trở vào ngồi phịch xuống giường và nhìn mọi thứ tung tóe trên nền. Cô lặng lẽ sắp xếp mùng mền, chiếu gối lại với động tác cứng ngắc của một người mất hồn lạc vía. Ngực nặng như đeo gông, Lam muốn hét, muốn khóc cho hả nhưng không được. Nỗi oan ức nhục nhã làm Lam mụ mẫm. Cô chưa biết mình phải làm gì để giải oan, nhưng có lẽ cô không nên ở đây thêm giây phút nào nữa. Chậm chạp thay quần áo, cô bước đến gương soi và nhìn thấy trên trán bên trái bị sưng đỏ. Cảm giác đau thể xác dường như không tồn tại cạnh sự hoảng loạn của tinh thần. Lam đưa tay rờ lên mắt rồi xách giỏ quần áo, tập vở bước xuống nhà. Ra tới sân cô gặp Mai với đôi mắt đỏ hoe. Chị sụt sùi khóc: - Đúng là đổ oan lên đầu người thấp cổ bé họng. Chắc chị xin nghỉ việc quá! Lam cười héo hắt: - Tại em liên lụy tới chị. Em đi rồi chị sẽ yên thân thôi! Mai hỏi: - Nhưng em tính đi đâu vậy? Lam lắc đầu. Mai thầm thì: - Tới chỗ cậu Kiên đi. Cậu ấy ở công ty du lịch Trường Kỳ cậu Kiên sẽ giúp được em đó! Làm thinh, Lam đạp xe đi mặc cho Mai hốt hoảng gọi theo. Ngoài Kiên ra ở thành phố này cô còn nghĩ tới ai khác nữa đâu. Nhưng chẳng lẽ tìm đến anh với bộ dạng như vầy? Ngần ngừ mãi Lam cũng bước vào một ngôi nhà ba tầng khá rộng rãi. Cô hỏi thăm và được dẫn tới phòng phó giám đốc. Trong phòng có rất nhiều người, dường như họ đang họp. Cô không thấy Kiên đâu nhưng vẫn ngồi chờ bên ngoài. Đầu gục xuống, Lam đếm thời gian bằng tiếng tíc tắc của đồng hồ. Một người bước ra, rồi nhiều người bước ra. Họ tò mò nhìn Lam nhưng không ai là chú Kiên của cô hết. Dường như chiều lắm rồi.không khéo nhân viên ở đây về hết rồi cũng nên. Vậy chú Kiên đâu kìa? Có đúng chú làm ở đâykhông? Sao lần đó Lam không nghe chú ấy nói. Phải lúc nãy cô hỏi chị Mai kỹ một chút nhi? Lam đang thắc thỏm thì cửa phòng lại mở. Lầm này đúng là Kiên. Anh ngạc nhiên nhìn Lam đến sững sờ. Hai người im lặng, rồi Kiên đi như chạy tới bên cô, giọng xúc động: - Em đến lâu chưa? Lam chợt tụi thân ghê gớm, cô gục đầu xuống, cổ ứ nghẹn. Kiên thản thốt: - Chuyện gì thế! Lam bật khóc ngon lành làm anh hốt hoảng. Ngồi xuống trước mặt cô, Kiên hối hả nói: - Bình tĩnh lại đi Lam. Có anh, dù trời gầm cũngkhông sao đâu. Nào! Chuyện gì? Chuyện gì? Vừa nói Kiên vừa nhẹ nhàng nâng mặt cô lên bằng hai tay. Lam vẫn không thôi nức nở. Cô lắp bắp qua tiếng khóc: - Cháu muốn chết cho rồi. Hu... hu... - Sao lại thế? Ai ăn hiếp em, cho anh biết đi. Lam lắc đầu, Kiên vén những sợi tóc lòa xòa lên mặt cô và sửng sốt khi thấy vết bầm đen ngay đuôi mắt. Anh nhíu mày lại, giọng nóng nảy: - Em bị sao vậy? Lam lại khóc. Cô vốn rất ghét con gái mít ướt, nhưng không hiểu sao lúc này Lam cứ muốn khóc, muốn nhõng nhẽo với chú Kiên. Vẻ hốt hoảng, lo lắng của chú khiến tâm hồn cô được xoa dịu vị biết có người đang hết sức quan tâm yêu mến mình thật lòng. Đưa Lam vào phòng, Kiên dìu cô ngồi xuống salon rồi rót cho cô một ly nước lạnh: - Em uống đi! Lam ngoan ngoản cầm ly nước. Kiên vào toi-lét nhúng ướt khăn, nhẹ nhàng lau mặt cho cô. Anh xót xa hỏi: - Đau lắm phải không? Cô thút thít gật đầu. Kiên lầm lì: - Đừng nói với anh là em vô ý đụng đầu nhé! Anh đang muốn biết chuyện gì đã xảy ra đây. Vừa khóc, Lam vừa kể cho Kiên nghe... Anh đấm tay xuống bàn, răng nghiến lại: - Đúng là tồi bại khi dùng hạ sách đó để đối phó với một đứa bé đáng tuổi con cháu mình. Anh vẫn biết anh Lộc là người bất chấp thủ đoạn, nhưng không ngờ ảnh sử dụng cái kế vừa rẻ tiền vừa ấu trĩ như vậy mà chị Thư vẫn tin. Lam buồn bã: - Hạ sách hay thượng sách gì thì dượng Lộc, cũng đã đạt được mục đích. Cháu không còn mặt mũi nào để gặp ai hết. Rồi ba mẹ sẽ biết chuyện này, liệu ba mẹ có tin cháu không? Kiên vội nói: - Sao lại không tin. Em là cô bé rất tốt. Anh Lộc ngậm máu phun người sẽ dơ miệng mình. Em không phải chờ lâu đâu, anh ấy sẽ bị lột mặt na. Lam cười méo xẹo: - Cám ơn chú đã an ủi cháu. - Anh nói thật tình, chớ không hề an ủi suông. Chỉ có nông cạn, u mê như chị Thư mới tin lời anh Lộc. Chớp đôi mắt vẫn còn đỏ hoe, Lam hạ giọng: - Lúc này dắt xe ra khỏi nhà, cháu không biết đi đâu, làm gì cho người khác tin mình. May là còn có chú, người thân duy nhất của cháu ở thành phố xa lạ này. Kiên ủ đôi tay mỏng manh của Lam trong tay mình. Những lời của Lam vừa rồi như dòng nước mắt tưới qua khu vườn khô cằn của hồn anh, Kiên không thể đòi hỏi Lam nói rõ tình cảm của mình, nhưng như thế là đủ. Anh tin ngày nào đó rất gần, cô bé sẽ không gọi anh là chú nữa. Lam lại thầm thì: - Vào tìm chú, người ta bắt cháu ngồi chờ ở đây. Cứ thấy hết người này ra, tới người khác mà chú thì mất tiêu, cháu cứ tưởng bị hố rồi chứ. Nếu không có chú ở đây, cháu chả biết khóc với ai cho nhẹ bớt. Kiên nheo nheo mắt: - Sao... Cháu không tới khóc với người yêu? Anh chàng cận ấy chắc chắn có rất nhiều cách để dỗ cô nàng bé bỏng mít ướt của mình. Lam phụng phịu: - Bây giờ cháu tới khóc với Long vẫn còn kịp mà. Kiên tủm tỉm: - Vậy để chú đưa cháu đi nhé? - Cháu không làm phiền chú đâu. Kiên ậm ự: - Dù không muốn cũng đã phiền rồi còn gì. Lam đứng dậy, giọng tức tưởi: - Cháu xin lỗi đã quấy rầy chú. Mím môi lại Lam bước vội ra cửa. Nhưng chưa đi được tới bước thứ hai, cô đã thấy mình lọt vào vòng tay rắn chắc của Kiên. Anh vừa siết chặt cô, vừa thì thầm: - Nếu em đến với Long chắc anh điên lên mất! Lam dấu mặt vào ngực anh. Cô chợt thấy mình trở nên nhỏ bé bên cạnh Kiên. Trong một thoáng yếu lòng, cô đã để mặc cảm xúc dâng trào, giờ còn giấu vào đâu tình cảm thật nữa. Bên anh Lam sẽ được che chở, chăm sóc. Cô tin là như vậy, và đó cũng là điều cô đang cần vô cùng. Giọng Kiên vang lên rành rọt: - Việc trước mắt phải làm là tìm chỗ ở cho em. Anh Lộc và chị Thư đã như thế, anh không để em trở về đó đâu. Lam ngước lên nhìn Kiên, nước mắt tủi thân lại ứa ra. Nhớ tới lúc dì Thư vụt lia vụt lịa sợi dây chuyền vào mặt mình, Lam run rẩy sợ hãi. Lúc ấy dì Thư là một người khác hoàn toàn. Ở nhà dù giận cách mấy ba mẹ cũng chưa hề đánh cô, dù nhịp một roi vào đít. Vậy mà liên tục mấy cái, dì Thư đánh vào đầu vào mặt Lam như đánh kẻ thù. Dì Thư chưa nguôi giận đâu, nếu Lam trở về chả biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp. Có thể dì ấy bắt Lam ngồi hằng giờ để tụng niệm. Cũng có thể dì ấy tra hỏi về chuyện bồ bịch của dượng Lộc. Nói chung dù thế nào Lam cũng là người tội lỗi. Lam không thể chịu nhục hơn nữa đâu. Kiên lau nước mắt cho cô. Anh xót cả lòng: - Đừng khóc bé con. Có anh, không ai có thể ăn hiếp em được. Nhất định anh sẽ làm cho ra lẽ chuyện này. Với anh, Tuyết Sương đâu lạ lùng gì. Anh sẽ đưa chị Thư tới cho hai bên giáp mặt. Rồi sự thật sẽ là sự thật thôi, anh Lộc làm sao chối được. Lam như sực nhớ chuyện của Phi, cô vội vàng nói: - Trưa nay anh Phi bảo sẽ đưa Sương về nhà cho mọi người biết mặt. Khi nghe nhắc đến tên cô ta, dượng Lộc có vẻ quan tâm. Ông ta hỏi anh Phi: Sương làm gì, con cái nhà ai? Khi nghe ảnh nói xong dượng như thở phào nhẹ nhõm. Cháu tin cô ta đến với họ chỉ vì tiền, và với mỗi người Sương đóng một vai diễn khác nhau, nên dượng Lộc không thể ngờ người yêu của con trai là người tình của mình. Thở dài một cái, Lam lo lắng: - Chỉ sợ anh Phi chịu không nỗi sự thật oan nghiệt này. Cháu thương ảnh lắm! Kiên vuốt tóc Lam: - Đúng là ngốc nghếch. Em tưởng Sương sẽ đồng ý tới nhà anh chàng gà mờ Phi à! Cô ta chỉ muốn tiền chớ đâu có muốn chồng. Sẽ không có cảnh đụng độ tay ba đầy kịch tính như em tưởng đâu. - Vậy mình phải làm sao để anh Phi đừng buồn đây? Nựng nhẹ cằm Lam, Kiên nói: - Chẳng có cách nào để Phi đừng buồn hết. Mình phải cho Phi biết sự thật để cậu ta nhìn rõ hơn cô gái mình từng yêu. Nhưng đây không phải chuyện em lo vào lúc này. Ngồi im với điếu thuốc trên tay, Kiên nhíu mày ngẫm nghĩ rồi bảo: - Em nên cho ba mẹ biết chuyện này trước khi chị Thư lên tiếng. Trong phòng có điện thoại, em cứ gọi về nhà. Anh ra ngoài mua gói thuốc sẽ về ngay. Lam gật đầu, lẩm nhẩm nhất số, cô hồi hộp chờ. Giờ đây chắc ba mẹ đang ăn cơm chiều. hai người sẽ không nhấc máy ngay đâu. Nhưng khác với suy nghĩ của cô. Chuông bên kia chỉ vang lên đến hồi thứ hai Lam đã nghe giọng bà Tâm hồi hộp: - A lô! Xin lỗi ai ở đầu dây? Mũi Lam cay xè, cô cố giữ bình thường nhưng nước mắt đã ràn rụa. Cô nghẹn ngào: - Con đây! Bà Tâm rối rít hỏi: - Con đang ở đâu vậy? Đã trở về nhà dì Thư chưa? Tại sao con lại làm thế? Tại sao? Lam nhắm mắt. Thì ra mẹ đã biết rồi. Qua cách mẹ hỏi, chắc bà tin lời dì Thư và đang khổ sở vì cô. Cầm ống nghe cứng ngắc, Lam nói: - Con không có làm chuyện đó. Mẹ phải tin như vậy. Bên kia im lặng, Lam khổ sở phân vân: - Tất cả là do dượng Lộc. Dượng ấy muốn tống con đi vì chuyện có bồ. Bà Tâm gắt gỏng: - Đủ rồi Lam, mẹ đã nghe dì Thư nói về con cả tiếng đồng hồ. Mẹ không thể ngờ con lại với thằng Kiên. Rồi bây giờ lại thêm chuyện này. Nói đi! Ai xúi con lấy sợi dây chuyền ấy? Có phải là thằng Kiên không? Con ăn nhằm bùa mê, thuốc lú của cái thằng con hoang vô tích sự ấy rồi. Con làm mẹ nhục nhã, thất vọng vô cùng. Nếu biết con hư như vậy, mẹ không cho con vào Sài Gòn đâu! Chưa xa nhà bao lâu mà đã nhiễm đủ thứ thói hư tật xấu. Lam bàng hoàng: - Sao mẹ lại nói thế? Ngay mẹ mà cũng không tin con sao? - Hừ! Hồi nãy dì Thư cũng hỏi mẹ câu này. Ai cũng có lý để cho là mình đúng. Mẹ tin con nhưng cũng không bỏ qua những lời của dì Thư. Dì ấy khóc sướt mướt trong điện thoại vì giận con, và vì bứt rức với mẹ. Điều dì Thư giận nhất là chuyện con nói dượng Lộc có nhân tình. - Nhưng sự thật là vậy mà! - Sự thật nào cơ chứ! Con phải xin lỗi dì dượng ngay. Nhất là với dượng Lộc. Lam gào lên trong máy: - Con không có lỗi gì hết. Dượng Lộc đã bày ra chuyện này, sao con phải xin lỗi chứ! Bà Tâm im lặng nhưng Lam vẫn nghe tiếng thở dài của mẹ. Bà ngập ngừng: - Con đang ở đâu vậy? Lam liếm môi: - Ở nhà Hương. - Con về đi, dì Thư đang trông đấy! - Con không thể, vì nhìn dượng Lộc con thấy ghê tởm, nhìn dì Thư con thấy hận nhớ lại lúc dì ấy đánh vào mặt con. - Tại dì Thư quá giận. - Tại dì ấy ác thì đúng hơn. Trong nhà này ai cũng chỉ giả dối. Con nói sự thật thì lại bị đòn rồi bị vu khống là ăn cắp. Con sẽ im lặng nhìn cha con dượng Lộc, anh Phi là tình địch của nhau và cười thỏa thích. - Con lại nói điên nói khùng gì vậy. Mau về nhà ngay. Lam gầm từng tiếng: - Con không bao giờ về đó nữa. Giọng bà Tâm có vẻ mềm mỏng hơn: - Vậy thì điện cho Trâm Anh biết con đang ở nhà Hương. - Để làm gì? Chả ai nghĩ tới con đâu, mẹ cũng vậy. Tóm lại những lời nãy giờ mẹ chỉ bênh dì Thư, bênh dượng Lộc, chớ đâu hề lo cho con. Mẹ đâu cần biết con nhục nhã, đau đớn thế nào. Và mẹ có biết con đang nghĩ gì không. Lam khóc rưng rức, rồi giận dỗi gác máy luôn. Nhìn lên cô thấy Kiên. Lam mếu máo: - Mẹ đã biết chuyện và không hề tin em. Phải làm sao bây giờ hả chú Kiên? Không hề xấu hổ, Lam mếu máo khóc như con nít. Thay vì như những lần trước luôn miệng năn nỉ cô nín, lần này Kiên để mặc cho Lam sụt sùi đổ lệ. Khóc đã rồi cô bé sẽ nguôi. Với cô, cú sốc này quả là nặng. Nó làm Lam mất niềm tin ở những người thân yêu nhất. Mười tám tuổi cô bé còn quá non nớt để hiểu rằng trò đời còn nhiều tấn kịch tàn nhẫn hơn. Kiên đã nếm qua biết bao nhiêu đắng cay khi vật lộn với cuộc sống, nước mắt của anh không dễ dàng đổ ra vì những chuyện cỏn con này: Nhưng nhìn Lam khóc, anh vẫn xót xa nhói lòng. Kiên lấy trong túi ra chai dầu xanh còn mới nguyên rồi vỗ về: - Trán đã bầm tím rồi, em khóc mãi sẽ sưng mặt đó. Ngoan để anh thoa dầu cho. Lam ấm ức: - Mẹ bắt em quay về. Kiên trầm giọng: - Mẹ sợ em tìm đến anh đấy. Với ba mẹ em, anh chỉ là thằng bất hảo, không đáng tin cậy. Lam chớp đôi mắt tròn: - Nhưng... em tin chú thật mà! Kiên mê mải nhìn cô: - Nếu anh chưa tìm được chỗ, em dám ở đây không? Lam hơi bất ngờ vì câu hỏi của Kiên. Cô phụng phịu: - Chú dám cho em ở không? Kiên cười: - Ở một ngày thì dám, nhưng ở lâu thì không dám đâu. - Sao vậy? Chú sợ em khênh hết đồ đạc đem bán à? Kiên lắc đầu: - Anh chỉ lo gã cận của em tìm tới thoi cho mấy thoi về tội dám giữ trái phép cô người yêu xinh như mộng của gã thôi! Mặt Lam chợt đỏ lên, cô nói lảng đi: - Chú đã nói chúng ta là bạn, có phúc cùng hưởng có họa cùng chia. Chưa chi đã từ chối. Vậy để em đi ngay bây giờ cho xong. Chú khỏi phải lo gì hết. - Nhưng em sẽ đi đâu? Tới nhà Hương thật à? Hừ! Tới đó có khác nào tới nhà Long. Con gái con lứa ở chung nhà với bồ là không được đâu! Tốt nhất là ở với chú của mình. Khịt mũi Lam nói: - Ở với chú chắc chết ngạt vì khói thuốc quá? Kiên dụi ngay điếu thuốc đang hút dở vào cái gạt tàn: - Chuyện đó dễ ợt. Anh sẽ không động tới thuốc khi có mặt em. - Nhưng chú đang ở chỗ nào vậy? Kiên dang hai tay ra: - Chỗ này! Sau cánh cửa kia là cõi riêng của anh đó. Lam ngạc nhiên: - Công ty này xịn thật! Nhân viên được cấp cả chỗ ở. Kiên cười cười: - Tiêu chuẩn này chỉ dành cho phó giám đốc mà thôi. Lam kêu lên: - Phó giám đốc! Eo ơi! Chú oai dữ vậy sao? - Chỉ là làm công thôi. Oai gì mà oai. Em đã bớt tủi thân tủi phận rồi thì đi ăn với phó giám đốc. Nãy giờ mải dỗ em, anh đói bụng gần chết mà không dám than. Rờ lên cục u trên trán, Lam nhăn nhó: - Mặt mày như vầy, em không đi đâu! Kiên thản nhiên: - Lo gì, lấy băng cá nhân dán lại là xong. Chả ai biết em bị u đầu hay mẻ trán đâu! - Như vậy còn kinh dị hơn. Kiên chặc lưỡi: - Kinh dị cỡ nào em vẫn xinh đẹp mà. Nào đưa trán đây. Lấy trong túi áo ra miếng băng cá nhân, Kiên cẩn thận dán vào chỗ sưng cho Lam. Anh tủm tỉm: - Trông cũng xã hội đen lắm chứ. Vào trong rửa mặt cho tươi tỉnh chút đi... nhỏ. Lam nguýt anh một cái thật dài rồi đẩy cửa vào toi-lét. Nhìn vô gương, cô hết hồn vì nét bơ phờ xấu xí của mình, đã vậy trên trán còn bị bịt miếng băng dán xéo qua mới ghét chứ. Chú Kiên thật ác khi bày trò băng bó vết thương này. Lam bậm môi giật miếng băng ra rồi kéo tóc xuống phủ trán. Rồi chỗ sưng sẽ hết, nhưng trong lòng cô mối hận này suốt đời không phai. Cúi xuống vốc nước đập vào mặt, cô thấy tỉnh táo lại. Bao bực bội buồn phiền cũng vơi đi. Mình là người trong sạch, sao lại phải sợ chứ? Suy cho cùng chuyện có gì là ầm ĩ, sao lúc nãy mình lại khóc to, khóc nhiều đến thế? Bộ muốn khóc gợi lòng trắc ẩn từ chú Kiên à? Lam chợt xấu hổ với ý nghĩ vừa thoáng qua, cô vuốt lại mái tóc và bước ra. Kiên nhướng mày: - Đã hết u đầu rồi hả? Lam xa xôi: - Nỗi đau lặn hết cả vào trong rồi. Em sẽ không khóc dù gặp bất cứ khổ sở nào khác. - Vậy mới cừ chứ! Nào chúng ta đi! Kiên vừa dứt lời thì chuông điện thoại reo. Anh nhấc máy lên. Lam bước ra ngoài hành lang nhưng vẫn nghe giọng anh rõ mồm một: - Không đến được đâu cưng. Anh đang bận lắm! Chuyện gì ngày mai hảy nói tiếp. Thôi nghen! Lam bước chầm chậm bên Kiên. Cô chép miệng: - Chú vì em mà lỗi hẹn với người yêu sao? Kiên tỉnh bơ: - Người yêu không gặp hôm nay vẫn còn ngày mai, ngày mốt. Riêng em thì trăm năm mới có một lần. Anh không bỏ cơ hội cùng ăn, cùng ở, cùng hưởng phúc, cùng chia họa này đâu. Lam nhún vai: - Vậy thật tội cho ai lỡ là người yêu của chú! Kiên đưa Lam qua hết khoảng sân rộng rồi ra cổng. Anh nói: - Quán gần đây, chúng ta đi bộ sẽ thấy thanh thản hơn. Phó giám đốc này còn nghèo lắm, nên chỉ đãi cơm bụi thôi, cháu đừng chê nhé! Lam gượng gạo cười. Dù biết Kiên không ẩn ý gì khi nói thế, nhưng cô vẫn phải nghĩ xa xôi về ngày mai của mình. Cô sẽ sống thế nào khi tự động, bỏ nhà dì Thư đi mà chưa được ba mẹ đồng ý? Đi bên Kiên nhưng tâm trí Lam trôi dạt đâu đâu. Anh cũng im lặng như đang nghĩ ngợi điều gì dữ lắm! Đã bao nhiêu lần Lam ao ước được một mình với Kiên. Hôm nay cô đã đạt được ao ước ấy, nhưng sao mọi thứ tẻ nhạt buồn bã thế này. Kiên đang lo cho Lam, hay đang nghĩ tới cô bồ cưng của mình khi đi bên người khác nhỉ Cô chả hiểu anh nổi, cũng không giải quyết được chuyện của mình nổi. Cạnh bên anh nhưng Lam vẫn lẻ loi, đơn độc hơn cả lúc quạnh quẽ một mình trong phòng.