Linh hoàn toàn không ngờ, chưa đầy ba tháng sau, thằng Hòa lại trở vào trại. Nó không can phạm gì cả và cũng không ai bắt giải nó đi. Nó tự dẫn cái thân xác rách rưới tàn tạ của nó trở vào nơi mà mọi người đang từng ngày, từng giờ mong thoát khỏi. Thậm chí có những đứa tìm cách này cách khác trốn đi để rồi sau đó bị truy tìm, bị trói dẫn về và bị tra tấn, đánh đập ê chề. Nó gặp thằng Linh đang cuốc đất trồng sắn ngoài rẫy. Hai đứa mừng rỡ ôm chặt lấy nhau. Một anh lính gác bước lại, giọng gay gắt: -Thằng kia, mày ở đâu đến đây? Cút xéo đi ngay! -Dạ thưa chú, trước cháu ở trại này. -Thế bây giờ mày đến đây để làm gì? -Dạ thưa, chú thương tình cho cháu vào trại... -Mày không nói đùa đấy chứ?...Đồ ranh con, cút xéo. -Dạ mong chú rộng lượng....Hoàn cảnh cháu khó khăn quá. Cháu không thể ở ngoài được.... -Tao không đùa với mày, đừng có điên. Lần đầu tiên tao nghe mày nói..... -Dạ quả là cháu không thể sồng ở ngoài được...Mẹ cháu khổ quá đã bị bệnh chết. Bà chết cùng với đứa em út của cháu...Mấy đứa còn lại, mỗi đứa đi ăn xin một nơi. Còn cháu, cháu không đi ăn xin được vì không ai lại bố thí cho một người sức vóc như cháu. Ăn cắp, cướp giật thì cháu sợ lắm rồi...Cháu chỉ mong đi bộ đội. Đi bộ đội dù sao cũng kiếm được miếng cơm ăn, lại được tiếng yêu nước. Và nếu cháu có chết, cháu cũng còn được tấm bằng liệt sĩ. Nhưng cháu chưa đủ tuổi. Cháu mong chú đừng từ chối cháu....Cháu quả thật bơ vơ quá. Chú cho cháu sống tạm ở đây. Chỉ hơn một năm nữa là cháu đến tuổi, cháu sẽ đi bộ đội.... Những tiếng sau cùng, giọng thằng Hòa rời rạc, như một kẻ chết đuối mới vớt lên. Nó ngồi bệt xuống đất, đầu nghiêng qua một bên, mái tóc bù xù có đến ba tháng chưa cắt, chưa gội.... Thằng Linh đứng lặng, nỗi đau thấm dần vào nó, làm nó bần thần, rã rượi. Nó không hiểu, trên đời này còn có đứa khổ hơn nó, nhục nhã gấp trăm lần nó.... - Nó khổ qua chú ạ. Thằng Linh lên tiếng xin cho bạn. Có ai lại tự mình dẫn xác đóng khung trong cái trại giam này đâu chú? - Bảo nó đi theo tao lên gặp ban giám đốc trại, tao không có quyền. Bọn bay làm đi nhé. Tao mà trông thấy bọn bay thả cuốc là chết với tao đấy. Linh cố đỡ thằng Hòa đứng dậy. Quả thật nó mệt lắm rồi. - Chú cho cháu dẫn nó đi.... -Thằng này mánh. Từ đâu nó còn mò được tới đây, bây giờ đi vài trăm mét lên ban giám đốc lại không đi nổi à? Bọn bây vờ vịt để âm mưu gì đây.....Thôi, cút xéo đi ngay, không tao cho viên đạn vào đầu bây giờ. Thằng Hòa không còn ngồi được nữa. Nỗi mệt mỏi và đói khát đã vượt quá gạch đỏ an toàn của cơ thể nó. Nó nằm dài ra, thở dốc. Người lính gác đã nhìn thấy nó mặt mày xám bệch, mắt không cử động, mồm há hốc, hai mép sùi nước bọt....Mọi người cuống cuồng khiêng nó vào trạm y tế. Thằng Hòa được ở lại một tuần lễ. Trông nó tươi tỉnh hẳn lên. Trên gương mặt ốm đói xanh tái đã lấp ló nụ cười. Nhưng giám đốc trại cương quyết đuổi nó đi. -Ra ngoài ấy, cháu chết mất chú ạ. Giám đốc nhìn nó với đôi mắt đầy hoài nghi. - Mày đừng vờ vịt....Chết sống mặc mày. Mày biết đấy, trại này chỉ nhận phạm nhân. Ngoài ra, tao không có quyền. Đấy là nguyên tắc, hiểu chưa. - Chú thương cháu, chú cho cháu làm gì cũng được, miễn có được ngày hai lưng bát cơm rau. -Tao thương mày, ai thương tao? Đừng nói nhiều, ngày mai là phải cuốn gói. -Bây giờ cháu biết sống làm sao đây... -Việc ấy không phải trách nhiệm tao! Thằng Hòa buồn rũ rượi. Nó không thể nào lay chuyển được tình thương trong lòng người giám đốc trại này. Giá còn chú Lê Văn. Tuy nghiêm khắc, nhưng chú ấy còn có trái tim. Những con người như thế, thường lại ít được lòng cấp trên. Bọn trẻ rất nhạy cảm góp nhặt mỗi đứa một vài chi tiết và cuối cùng đan kết lại thành một mô hình: Giám đốc Lê Văn bị đi nhẹ nhàng theo lối thuyên chuyển công tác đến một nơi xa xôi hơn, heo hút hơn, ở đấy nước độc và sốt rét làm cho ông kiệt dần sức lực. -Thôi cậu ạ, đừng hy vọng gì ở cái ông sắt đá ấy. Linh an ủi bạn. Ông ấy ác còn hơn quỷ sa tăng nữa đấy, bắt bọn tao làm quần quật suốt chín tiếng liền – không phải sáu tiếng như thời chú Lê Văn đâu nhé. Đứa nào mệt mỏi lơi tay....”mánh há”, lập tức roi mây xoắn lấy người. Bây giờ còn có cả roi cá đuối và roi gân bò nữa đấy cậu ạ. Tồi về bị nhốt kín trong nhà, không có một tia sáng lọt vào. Cậu xem, các cửa sổ thời chú Lê Văn cho mở ra, thời ông này cho xây trát lại. Trước đây cái sự học còn được khuyến khích, giờ thì chịu. Tuần được ngày vệ sinh, giặt giũ, ông ấy bắt sinh hoạt, học tập, họp hành, phê và tự phê...Nói tóm lại, bọn tớ không còn một mảnh thì giờ riêng tư nào cho cá nhân cả. Bọn tớ khổ lắm, nhục lắm. cậu xem bọn tớ, đứa nào cũng nơm nớp lo bị phạt, bị đòn. Mấy ông bây giờ dữ đòn lắm. đánh không biết thương hại trẻ con đâu cậu ạ....Bọn tớ sẽ gom góp cho câu ít tiền để ra ngoài ấy mà sống..... Thằng Hòa im lặng thở dài. -Tớ nhớ cậu quá. -Tớ biết. Tớ với cậu không thuộc loại trẻ hư. Dù sao chúng mình còn biết điều phải trái. -Vì sao cậu bị bắt lại? -Họ bảo tớ ăn cắp. Có đơn tố cáo và có chứng cớ. -Cậu phải hỏi chứng cớ gì? -Nào họ có cho mình quyền được hỏi. -Thì cậu phải hỏi cho ra nhẽ chứ. -Tớ có hỏi, họ còn dọa tớ: “Đấy không thuộc trách nhiệm mày! Đã ăn cắp còn đòi làm thẩm phán. Muốn ở tù mọt gong hả?” Tớ có viết thư cho mẹ tớ, nhờ mẹ tớ nói với bố tớ minh oan cho, nhưng họ kiểm duyệt và phạt ba ngày giam hầm tối.....Thân tù tội, thời nào cũng thế thôi, cậu ạ. -Thế mà ở ngoài, báo chí, đài cứ oang oang ca ngợi cái trại mình là trại giáo dục mẫu mực, cải tạo được nhiều em hư thành công dân lương thiện....Trại dùng phương pháp vừa học vừa làm, lấy lao động rèn luyện và cải tạo..... -Họ cũng chỉ nghe báo cáo lại....Báo cáo thì bao giờ mà chẳng hay, chẳng đẹp. Điều quan trọng là họ nói đúng bài bản, chủ trương. Nói lệch đi, khác đi họ cũng chết. Miếng cơm manh áo của vợ con họ và cả của bản thân họ nữa. Họ bị ràng buộc nhiều thứ lắm, chẳng phải mình trần thân trụi như chúng mình đâu. - Cậu nghĩ họ có biết chúng mình như thế này không? - Người có lương tâm thì biết. Họ cũng khổ lắm đấy. Nhưng không làm khác được. Báo đài là công cụ của trên, phải nghe trên chứ ai lại đi nghe lũ phạm. Hòa nghệch mặt ra. Nó không ngờ cùng tuổi mười sáu như nó mà thắng Linh lại hiểu biết và nói năng như một người lớn có học thức. - Cậu thấy không – thằng Linh lại tiếp – cũng là Đảng, nhưng thời ông Lê Văn làm giám đốc trại, khác thời ông Trạch làm giám đốc. Đúng là một ông Thiện và một ông Ác. Cái ông ác thời nào cũng ác, còn cái ông thiện thời nào cũng lấy việc thương người làm mục đích. Thời ông Lê Văn, tụi mình đâu bị đối xử trâu bò như thế này. Hồi ấy ông còn tạo cho tớ điều kiện học hành. Bây giờ, mẹ tớ gởi sách học cho tớ mà ông ấy còn không cho nhận nữa kia. Ông không cho nhận bất cứ thứ gì, từ gói kẹo đến cân lương khô, gói đường đến cái quần, cái áo.... -Sao thế cậu? - Ông ấy bảo đây là trại giam chứ không phải trại an dưỡng “Phải rèn cặp, phải cho chúng nó thấy khổ, thấy nhục để đừng bao giờ phạm tội nữa”. Cũng là một quan niệm.... - Ông ấy hắc xì dầu quá cậu nhỉ Bây giờ thằng Hòa không còn hứng thú gì nài nỉ xin ở lại nữa.....Duy chỉ có điều ra đi, nó cảm thấy nhớ thằng Linh. Không phải anh em nhưng sao nó lại thương thằng Linh thế không biết nữa. Trước khi lên đường trở lại cái xã hội mà nó đầy những mặc cảm, thằng Hòa còn hỏi nhỏ thằng Linh. -Bố cậu làm lớn thế mà không xin được cho cậu ra à? -Ai cũng nghĩ như thế..... - Chắc thế nào đấy....Cậu thấy con trai ông bí thư tỉnh ủy vừa vào trại hôm trước, hôm sau có xe đón ra ngay không? Quyền lực đánh tan mọi tội lỗi. Giám đốc Lê Văn phản đối, lập tức bị thuyên chuyển công tác.... - Sao cậu biết chi tiết thê? -Tại cậu cứ lo mải học, cậu không để ý đấy thôi.... Chứ cả trại này ai lại không thấy. Cậu có tin cái anh trung thực thời nào cũng khó sống không? Cậu có công nhận với tớ cái anh cố lấy lòng cấp trên bao giờ cũng thường mất lòng dân... Hôm ra được tháng, tớ tìm đến cậu. Nhớ quá. Tớ đi suốt một ngày, gần tối mới đến nhà cậu. Hai thằng gặp nhau, được ngủ với nhau, được trút bao nhiêu điều vui buồn trong lòng. Không ngờ tớ gặp bố cậu ra mở cổng. Thấy mình ông sững lại, đôi mắt đảo từ trên tóc đảo xuống....Tớ sợ cái đôi mắt ấy quá. Nó vừa thâm vừa nham hiểm thế nào ấy.... -Thưa bác, cháu hỏi thăm anh Linh có nhà không ạ. Tớ gọi cậu bằng anh hẳn hoi nhé. Lúc bấy giờ ông ta mới đổi màu sắc đôi mắt đó. Ông cười xởi lởi. - À Linh đi vắng rồi cháu ạ....Cháu thông cảm đi chơi nơi khác nhá.... Ông ấy bóp ống khóa cái cách rồi đi vào..... Đêm ấy tớ nằm ngoài lều chợ làng cậu, vừa lạnh, vừa bị muỗi cắn, vừa hôi thối....lại vừa ức. Chính cái đêm ấy, tớ nghĩ tới ánh mắt ông ta. Đúng ra cái ánh nhìn ấy cứ ám ảnh tớ mãi. Và cuối cùng tớ nghĩ, con người này thâm lắm...cậu không ở được đâu. Tớ đâu có ngờ cậu bị bắt vào lại trong này.... Thằng Hòa dừng lại, thở dài. Sau rồi nó tiếp: - Cậu là người có học. Cậu khuyên tớ ra ngoài sống như thế nào đây? - Khó qua. Tớ biết khuyên cậu như thế nào bây giờ. Thật thà thì không sống nổi. Ma mãnh, gian dối, lừa gạt thì tớ không dám khuyên. Nhưng một đứa trẻ không nhà không cửa, không công ăn việc làm, mà sống lương thiện thì chỉ có chết đói thôi... Hay với số tiền ít ỏi của bạn bè giúp này, cậu tằn tiện, buôn bán lặt vặt gì đấy kiếm sống qua ngày được không. Ví dụ cậu mua một cái ấm bán nước chè ở các bến xe, nhà ga chẳng hạn. Hay mua một cái búa đi bổ củi thuê....Đại loại như thế. Ra ngoài cậu tùy cơ mà ứng biến. Con trai đừng ăn căp, con gái đừng làm đĩ. Tớ sợ nhất là hai cái nghề ấy.....Hồi ấy, vì thương em, tớ đã bẻ trộm nhà ông Bân hàng xóm mấy quả ổi, mãi đến sau này tớ vẫn day dứt, vẫn ân hận, nó trở thành cái cớ để người ta dựng chuyện bắt tớ..... - Việc bắt cậu vào đây, tớ nghi có bàn tay ông bố dượng cậu. - Đừng nghi oan cho ông ấy. Bố Thuật tớ không đến nỗi thế đâu. - Không có ông ấy bật đèn xanh, bố thằng nào dám động đến cậu. -Thôi, thôi, cậu đừng nói đến chuyện ấy nữa, tớ không nghe và tớ cũng không muốn nghe đâu. Đằng nào tớ cũng ở đây rồi. Sang năm tớ lại ra. -Tớ nói điều ấy vì cậu. Nếu không, cậu ra rồi cậu lại phải trở vào lại..... Đấy là một đêm mùa đông, trời lạnh như có kim châm ở ruột gan, hai đứa nằm dưới nền xi măng, quấn chung một chiếc chăn sợi Nam Định đã sờn. Ngày mai chúng nó chia tay nhau, kẻ ở người đi, mỗi đứa đều thấy trước mắt mình con đường vô vọng. Thằng Hòa không biết sẽ sống ra sao. Thật khó mà tránh khỏi những ổ bùn nhầy nhụa, tội lỗi. Hóa ra muốn làm người lương thiện đâu phải dễ. Nó mệt mỏi, ngao ngán và tâm tưởng luôn nghĩ về một trận đánh nhau với quân thù. Nó không muốn chết ở một dòng sông, ở một cành cây hay kèo nhà. Cái chết như thế không ai thương, không ai trọng. Nó muốn chết ở bãi chiến trường. Chết như thế vinh hơn. Suy đi, nghĩ lại, chuyến này ra nó quyết bám theo mấy chú bộ đội. Những người đi ra trận đối mặt với cái chết, chắc là họ không ác như mấy ông ngồi trên ghế có đệm ở đây. Nó sẽ xin bất cứ việc gì, hoặc cấp dưỡng, hoặc giao liên, hoặc gì gì cũng được. Chỉ cần ngày hai bát cơm, vơi cũng được..... Còn thằng Linh, dù nó có tự bào chữa thế nào thì lương tâm của nó cũng bắt nó trở về với bố Thuật của nó. Thằng Hòa đã nói đúng. Thỉnh thoảng nó bắt gặp cái ánh mắt khó hiểu như thằng Hòa đã gặp. Thằng Hòa nói đúng..... Không có bàn tay bố dượng nó, ai dám vu khống cho nó. Thế mà lâu nay mẹ nó luôn ca ngợi ông là người tử tế, là ân nhân của mẹ con nó..... Nhưng rồi, nghĩ lại, nó lại trách nó: sao nỡ nghi ngờ bố Thuật. Quả nó chưa thấy ông nổi giận với nó, dù là một lần. Hôm mới về, ông còn trách mẹ Trang: “Ai lại để con ăn mặc như thế, người ta cười cho”. Lúc ấy nó cảm động thật sự. Và cũng chính ông chạy lo cho nó vào trường – vào hẳn lớp mười cơ mà. Nó biết ơn bố Thuật vô cùng. Đối xử với con riêng như thế là hết sức tử tế rồi, còn đòi hỏi gì hơn nữa. Còn việc bắt nó, đâu phải do ông ấy. Bố Thuật đi công tác trước ngày nó bị bắt hàng tuần lễ cơ mà. Lần trước cũng thế..... sao họ cứ nhằm vào lúc ông đi công tác để bắt nó là thế nào? Có điều gì uẩn khúc ở bên trong hay không? Nó không hiểu nổi..... Nhưng sao ông ấy không xin cho nó, một người vô tội, mà lại xin cho con ông bí thư, can tội thật sự?..... Mẹ nói ông có xin nhưng không được. Bác Lê Văn lại hỏi nó: “Tại sao bố cháu ngại xin cho cháu ra?” Nó thở dài và không hiểu thế nào cả. Một lần, nó trốn về thăm bà cô, người còn lại duy nhất trong họ nhà nó. Bà cô đã ôm nó mà khóc. Sau đó bà đã đóng cửa lại và nói riêng cho nó: “Cô nghi ông Thuật có liên quan đến vụ án về bố Công của cháu...Nhưng cháu không được nói với bất kỳ một ai. Ông ấy quyền hành ghê gớm lắm. chưa đến lúc cô cháu mình đưa cái sự thật ấy ra ánh sáng được đâu. Nhưng nếu cô có chết thì cháu nhớ lấy điều ấy nhé. Đừng bao giờ được quên. Cháu chưa làm gì được thì nói lại cho con, cho cháu của cháu.” Khi tiễn cháu ra về, cô còn dúi tiền vào túi của nó và dặn: “Nhớ chôn chặt những điều cô nói. Lộ ra là mất đầu....Nhưng cháu cũng đừng đến đây nữa. Họ nghi thì cháu lại khổ.” Nó nghe lời cô, chôn chặt tất cả. Nó cố quên đi. Nhưng giờ thì....Thằng Hòa đã khơi gợi trong nó một mối nghi ngờ khác còn đắng cay hơn, chua chát hơn, bần tiện hơn. Nó chưa xâu chuỗi được việc đấu tố và đẩy bố Công nó trở thành một kẻ tội lỗi suốt đời, chui nhủi sống ở một góc rừng nào đấy với việc đẩy nó vào trại giam này có chung một đường dây, một mắt xích hay không. Ai tổ chức đường dây ấy? Ai tạo nên mắt xích ấy? Một người hay hai? Dần dần nó tự trả lời rằng: Đấy chắc chắn chỉ một người. Người ấy vốn là đồng chí của bố đẻ nó. Trước đây nó mơ ước được trở về cái tổ ấm gia đình với mẹ với em, nhờ bố Thuật xin cho nó đi học. Đêm nào, trước khi bước vào giấc ngủ, dù mệt nhọc đến đâu, nó cũng ôn lại những định đề, những định lý của các môn khoa học tự nhiên, hoặc tự nhẩm lấy một bài văn. Nó làm đầy đủ từ mở bài đến kết luận. Nó đọc những dẫn chứng thuộc làu ngay cả trong giấc mơ. Nó hy vọng, nó quyết tâm vào đại học....Trường đại học là mục đích của cuộc đời nó. Nhưng giờ thì, nó sợ quá cái tòa nhà uy nghi, tráng lệ kia. Trước đây, nó tự hào kiêu hãnh bao nhiêu về cái gia đình danh giá, về người bố - dù là bố dượng – tính tình điềm đạm và đầy lòng thương, thì giờ đây nó tởm lợm, muốn xa lánh bấy nhiêu. Con đường dẫn nó đến cổng trường đại học cũng chỉ là giấc mơ, mãi mãi không bao giờ đạt tới.... Hoang mang, nó không hiểu cuộc đời sẽ còn dẫn nó đi đến đâu. Nó sợ nhất là rơi vào tội lỗi. Hóa ra cuộc đời của nó cũng không hơn gì thằng Hòa. Nó quyết định không bao giờ trở về cai tòa nhà ấy nữa. Ở đấy nó có một căn buồng riêng. Ở đấy nó sống trong tình thương của mẹ nó, của em nó. Nhưng cũng hình như chính ở đấy, người ta đang giương ra trước nó một cái bẫy vô hình, nhưng lại đầy hiệu lực. Cứ mỗi lần nghĩ đến cảnh hai du kích mang AK và một công an mang K59 là nó đã sợ phát khiếp lên, mặt xanh như tàu lá, môi run, và tim đập cứ như trống ngày lễ. Ai cho nó một lời khuyên chân thành như nó đã cho thằng Hòa về cuộc sống sắp tới đây. Bên nội chỉ còn cô Vi. Nhưng nó không dám làm gì để người ta biết nó liên quan đến cô Vi, nếu họ biết thì thế nào cô Vi cũng đi tù. Sao thế nhỉ? Nó cũng không biết nữa. Nếu thế thì lại một gia đình nữa tan nát. Hôm nó đến, cô nó vừa mừng, mừng đến chảy nước mắt, nhưng cũng vừa sợ. Đôi mắt lúc long lanh niềm vui, lúc sụp xuống che giấu một nỗi buồn hay một nỗi sợ hãi nào đấy mà nó chưa hiểu được. Lúc ấy trông cô tồi tội thế nào ấy. Vừa muốn giữ cháu lại, cô vừa muốn đuổi cháu đi. Cô vừa muốn nói tất cả sự thật mà bao lâu nay cô ấp ủ cho cháu nghe, cô lại vừa sợ cháu mình bép xép thì tan cửa nát nhà. “Cô chắc bố Công cháu còn sống, cháu cố tìm....” Cô thầm thì vào tai cháu câu ấy như cô đang họat động trong lòng địch. Sẽ sống như thế nào bây giờ? Đấy là câu hỏi mà thằng Linh cứ nghĩ ngợi mãi vẫn không tìm ra câu trả lời. Nhiều lúc nó ì ra, mặc kệ, tới đâu thì tới. Nó bắt trí óc trở về với công thức toán, lý, những bài bình giảng....Đi vào các môn khoa học, dù là tự nhiên, hay xã hội, con người nó bỗng dưng thấy dễ chịu, nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn....Nhưng rồi tất cả cứ chuồi đi và đọng vào nó vẫn là câu hỏi chưa tìm ra lời giải: ra trại sẽ sống như thế nào? Làm sao tìm được thằng Hòa. Phải nhờ nó chỉ bảo giúp thôi. Lúc khó khăn có được một người bạn như nó, quí hóa biết bao nhiêu.