Chương 9

    
a khỏi cổng trại, tôi đón xe về thẳng nhà chứ không tạt ngang tạt ngửa để xả giàn, để hưởng thụ mùi tự do cho đã đời như thói thường của những gã tù khác. Hình ảnh con Nết không cho phép tôi lừng chừng, tha thẩn dọc đường.
Nhưng đón tôi ở nhà chỉ có bố. Hỏi mẹ đâu, liền nhận được một tiếng trả lời thật lạnh:
Mẹ mày đang chăm con Nết ở khu điều dưỡng bệnh viện tỉnh.
Con Nết làm sao rồi ạ?
Mày đã đến công an trình báo chưa?
Việc đó bố không phải bảo.
Nói rồi tôi nhảy xe dông thẳng đến khu điều dưỡng cách nhà gần trăm cây số. Tôi hiểu bệnh tình mà đã phải vào tới đây là hết cách rồi, là chỉ còn có nằm chờ chết thôi. Vậy ra tất cả những thứ tôi tích cóp gửi về cho nó đều không có tác dụng chút nào hết ư?
Gần ba giờ đồng hồ lọc cọc mới tới nơi. Khu nhà thật buồn. Cứ lẻ loi, quạnh quẽ như khu nhà dành cho trại hủi. Con Nết nằm ở căn phòng cuối cùng trong dãy cuối cùng, mái lợp ngói, tường mốc mác, rộng chỉ vài thước vuông, thiếu ánh sáng và nồng nặc cái mùi quen thuộc của người bệnh. Nó đấy! Con Nết em tôi đấy! Nó nằm như chiếc mền chăn mỏng dính trên giường. Vừa nhìn thấy tôi, nó vội gượng dậy, miệng cố nở nụ cười héo hắt, không còn nhận ra giọng của nó nữa:
Anh... Hùng kìa mẹ!
Mẹ tôi quay lại, thoáng chút sững sờ. Rồi sau đó là một nét buồn mênh mông từ đôi mắt toả ra.
Hùng về đó ư con?... Sao không báo để mẹ ra đón?
Tôi sà đến cạnh con Nết, cầm lấy bàn tay gầy guộc, hâm hấp nóng của nó:
Em sao rồi, Nết?
Nó không trả lời chỉ nhìn trở lại, vẫn cái nhìn hun hút như hôm nào khi tôi bị còng tay giải đi, vẫn cái nhìn như khi người ta tuyên phạt tôi ở toà án. Cố không cho nước mắt chảy ra, tôi lào khào:
Anh... anh có tội với em. Đáng lẽ ra anh chẳng nên...
Nó khẽ cười, cái cười tinh khiết như của đứa trẻ lên ba:
Anh cho em về đi... Em không thích nằm ở đây đâu.
Ừ, ừ!... Anh sẽ đưa em về.
Tôi nhìn sang mẹ. Mắt rơm rớm nước, mẹ tôi kín đáo khẽ lắc đầu. Để nó nằm đó tôi đi như chạy lên phòng bác sĩ điều dưỡng trưởng. Vị bác sĩ nhìn tôi vô cảm và nói về con em tôi cũng vô cảm như nói về đất cát, bụi bậm ở đời:
Căn bệnh rò tuỷ sâu này nếu chữa sớm thì còn có thể, bây giờ thì hết cách rồi, nó ăn vào não rồi, chỉ còn là vấn đề thời gian thôi.
Nếu đưa đi bệnh viện trung ương bây giờ còn kịp không? - Tôi nói mà không tin ở tai mình.
Câu trả lời còn vô cảm hơn, thậm chí pha cả chút tự ái:
Tuỳ! Muốn tốn kém thì cứ việc đưa, nhưng theo chỗ tôi biết thì với trường hợp này, trung ương cũng bó tay. vẫn còn một cách...
Cách gì ạ? - Tôi khẽ chồm người lên như bắt được vàng - Cách gì tôi cũng chịu hết, xin ông cứ chỉ bảo.
Vị này nhìn tôi giây lâu rồi lắc đầu:
Đưa sang nước ngoài, sang Mỹ hay Đức chẳng hạn. Nhưng nói thì nói vậy thôi, chắc cậu không đủ sức đâu.
Sức gì ạ?
Tiền! Tiền đống.
Đống là chừng... chừng bao nhiêu ạ?
Trong túi cậu có bao nhiêu? - Câu hỏi chua như một tiếng cười mỉa.
Năm... trăm.
Không đủ tiền làm Vida.
Tôi sẽ đi vay đi mượn thêm.
Phải có ít nhất một trăm lần cái năm trăm đó, hoặc sang nước lân cận gần hơn như Sing cũng phải năm mươi lần, cậu vay trời. Đất nước người ta là quốc gia đầu bảng về y học, cả thế giới đều đến đó chữa trị, đùa thế nào được. Thôi tốt nhất là cậu đưa cô ấy về nhà đi, chắc cũng không còn lâu nữa đâu. Nhưng nhớ là thanh toán viện phí cho đủ hẵng nhé! Một tháng, cũng kha khá đấy.
Có con bọ gì chạy rần rật trong sọ, tôi rút cả nắm tiền nhẫy nhụa mồ hôi quáng lên mặt bàn, trước mũi ông ta, gằn giọng:
Đủ chưa? Thiếu trả sau, thừa, coi như bỏ. Và ông cũng bỏ ngay cái giọng kẻ cả, coi khinh người nghèo, thích đội đít cái quốc gia mà ông bảo là đầu bảng kia đi nhá! Tôi đếch cần cái đầu bảng đó, đếch cần cả ông nữa.
Có lẽ mắt mũi tôi lúc ấy chắc nhìn kinh lắm nên lão ta hơi lùi lại, định lắp bắp nói một câu gì đó song lại thôi. May cho lão, khoảnh khắc ấy mà lão buông ra một câu trịch thượng nữa là cả cái mồm có hàm răng giả trắng ởn kia sẽ được... bay ra ngoài khoảng không hôi hám ngay.
°
Mười sáu ngày sau thì con Nết ra đi.
Suốt mười sáu ngày ấy lúc nào tôi cũng ở cạnh nó. Ngày tôi ngồi bóp chân bóp tay cho nó, kể cho nó nghe đủ thứ chuyện linh tinh mà đến chính tôi cũng không hiểu mình đã kể những chuyện gì nữa, miễn là cho nó đỡ đau, đỡ buồn. Đêm tôi trải chiếu nằm ngay dưới đất, cạnh giường nó để đề phòng những lúc nó lên cơn co giật. Sợ tôi vất vả, dù đau đớn thế nào nó cũng cắn răng nén chịu, chỉ thấy tấm thân gầy guộc của nó lúc lúc lại dướn căng lên như đang bất lực chống trọi với thần chết. Mấy ngày cuối cùng đau quá, nó nài nỉ tôi nếu thương nó thì làm sao cho nó được chết nhanh đi. Tôi ôm nó vào lòng muốn khóc mà không khóc được. Người tôi rộc rạc đi. Mẹ tôi còn rộc rạc hơn. Bố tôi vẫn lầm lỳ ngồi như ụ mối ở nhà ngoài, cơm không ăn chỉ uống rượu, lâu lâu lại hộc lên một tiếng như cái chuyện này là do lỗi của bố. Đêm cuối cùng, nó bỗng tươi tỉnh hắn. Cầm tay tôi nó nói:
Em thương bố mẹ, thương anh Hùng lắm... Nếu em đi xa rồi anh phải hứa với em là đêm ngủ... không được tắt đèn để... để em còn biết đường trở về. Cả hứa là anh không được làm gì cho bố mẹ buồn nữa. Sau này lấy vợ, nếu đẻ con gái thì nhớ đặt tên em. Như... như thế coi như em vẫn ở nhà...
Gà gáy canh ba thì nó tắt thở. Tắt đúng vào cái lúc mệt quá tôi vừa chợp đi vài phút. Nó muốn trốn tôi để đi. Nhưng làm sao có thể trốn được cái hòn đá tảng về mặc cảm tội lỗi đang đè nặng lên toàn bộ tâm hồn tôi. Vì nó, tôi đi lính, vì nó tôi đã là một người lính không ra gì, và cũng vì nó mà tôi phạm tội đi tù. Tất cả chỉ vì tôi muốn có tiền để chữa chạy cho nó nhưng rồi cũng tất cả đều đã trở thành vô ích, vô vị. Tôi hận tôi, hận nó, hận đời.
Sau khi đưa em ra đồng, tôi đã nằm dầm sương bên mồ nó, một nấm mồ trinh nữ thống khổ và tức tưởi suốt cả đêm. Lúc đó tôi mới khóc, khóc thoả thuê, khóc lặng lẽ, khóc cho mình, khóc cho nó, khóc giữa thiên nhiên giữa đất trời thăm thẳm. Nết ơi! Tha thứ cho anh. Tại anh. Chỉ tại anh. Anh kém cỏi, anh đớn hèn, anh đã không cứu được em. Tất cả chỉ vì anh nghèo quá, nhà mình nghèo quá, con người đối xử với con người dửng dưng bạc bẽo quá mà em đến nỗi phải chết oan. Tiền! Đồng tiền là cái quái quỷ gì mà nó gây khổ cho con người đến thế? Đã thế, anh xin thề trước vong linh em là bằng giá nào anh cũng phải có tiền, rất nhiều tiền, có tiền càng nhanh càng tốt, kể cả nếu cần anh sẽ giẫm đạp không thương tiếc lên cuộc đời hỗn mang, chó chết này...
Rạng sáng. Da trời nhờn nhợt như da người chết trôi, như da con em tôi trước lúc cho vào quan tài. Tôi sẽ còn ngồi nữa, ngồi cho đến khi sáng hẵn nếu như lúc đó không có bước chân giẫm lên cỏ lại gần. Chân ai? Người hay ma? Hay bước chân em tôi hiện hồn? Trả lời tôi là một tiếng nói ướt đầm sương đêm, tiếng nói con gái:
Anh... em đến thắp hương cho Nết.
Tôi nhợn người. Tiếng nói của Cái nhìn! Cái nhìn lúc này thật khác. Cao ráo, sang trọng, xa cách, quý phái như một thương gia thành đạt. Và xa xa phía sau là một chiếc xe con cũng sang trọng không kém đang đỗ bên vệ đường. Giá vào lúc khác sự có mặt bất ngờ của cô ta sẽ đem lại cho tôi đôi chút xúc động đấy, thậm chí có thể sẽ ôm nghiến, đè ngửa ngay cô ta ra trên cỏ ướt nhưng tôi vẫn ngồi im, lừ lừ nhìn như thể đang nhìn về một biểu tượng hôi hám của đồng tiền, một biểu tượng tanh tưởi của sức mạnh vật chất. Nhưng dầu sao nghĩa tử là nghĩa tận...
Tùy!
Tôi nói và đứng dậy, phủi quần bước thẳng về nhà.
°
Hết ba ngày hương, còn bao nhiêu tiền trong túi, kể cả chiếc đồng hồ kỷ niệm đeo tay, tôi dốc tất cả ra để lại cho mẹ rồi lạy mẹ ba lạy, tôi quyết định lên đường. Mẹ ngước đôi mắt trũng sâu nhìn tôi:
Đi đâu? Mày đi thế vẫn chưa đủ ư con? Thôi, ở nhà với mẹ, rau cháo có mẹ có con, mẹ chỉ còn mình mày...
Mẹ để con đi. Con không thể sống mãi thế này được nữa. Con nhất đinh sẽ mang tiền về cho mẹ.
Không, mẹ không cần tiền, mẹ chỉ cần...
Tôi vùng người đi ra cổng vì nếu nán lại thêm chút nữa, chắc tôi sẽ không tài nào bước nổi.
Ra đến đường cái quan ngập mình trong nắng gió thiên nhiên rồi tôi mới ngơ ngác cả người. Ờ, giờ mình đi đâu nhỉ, đi hướng nào đây, khi trong túi chỉ còn độc có vài chục ngàn đồng bọ? Hình ảnh và câu nói chân tình của ông Khâm đặc công rừng Sác hiện lên. Đi tìm ông ấy thử xem, biết đâu ông ta có thể giúp được chút gì chăng? Nhưng khốn khổ, có thể giúp gì một khi ông ta chắc cũng như mình, đã làm thằng tù ra với đời là đều chịu cảnh cơ nhỡ, bẽ bàng hết, có khi lại xô nhau vào chỗ khó. Hay lên rừng chặt cây đốn gỗ làm thằng tiều phu quanh năm vận khố vậy? Nhưng rừng nào? Gỗ ở đâu trong khi thiên hạ đang rùng rùng bỏ rừng xuống ruộng vì cửa rừng bị phong toả gắt gao hết cả rồi. Hay là lại xuôi Hà Nội? Ở đó dù sao cũng còn có ruột thịt, cứ tá túc tạm cái đã rồi từ từ tính sau. Có thể mò ra bến xe bến tàu bến cảng bốc vác, làm cửu vạn? Không, cái nghề khốn khổ này may lắm chỉ đủ cơm hốc vào mồm. Vả lại bà ngoại cũng yếu lắm rồi, yếu đến nỗi không còn đủ sức lên đưa cháu về với tiên tổ, không khéo lại làm bà khổ thêm. Hay là xuôi Nam đi Sài Gòn? Ai cũng kháo đất đó dễ làm ăn? Nhưng Sài Gòn có khác gì Hà Nội, nơi hội tụ của đủ loại dân tứ chiếng, không vây cánh, không bè đảng, không đồng tiền thì có mà bốc cứt.
Thế thì làm gì, làm gì, làm gì, hả? Tôi muốn gào lên giữa trời xanh. Đất rộng trời cao dường này mà cái thằng tôi sức vóc là thế mà lại chịu cứng cựa ư? Đúng lúc ấy câu nói của thằng Khánh Tây đột nhiên chớp sáng khiến tôi nóng ran cả người, ừ nhỉ? Tại sao mình không nghĩ ngay đến nó nhỉ? Nó đã chả bảo mình tới đây sẽ đi đào vàng là gì? Vàng! Vàng! Vàng! Ba tiếng đó vang lên trong đầu tôi như ba phát pháo hoa tung toé cả trời.
Tôi liền phóng đến nhà nó ở bên kia sông. Để rổi ngẩn ngơ đứng trước một toà nhà ba tầng quét ve váng cao sừng sững, có vườn cây ăn quả xum xuê bao quanh. Trong nhà vắng tanh, thay vào đó là một chú chó khổng lồ, khổng lồ và lạ mắt hơn cả chú quân khuyển hung thần của ông phó giám thị. Hỏi, bà hàng xóm bán tạp hoá nhà bên canh bảo cậu Khánh vẫn đang ở bãi vàng, còn cha mẹ và mấy đứa em cậu ấy đi Sài Gòn chơi rồi. Đi Sài Gòn chơi! Một cụm từ lạ lẫm làm sao với một vùng đất chó ăn đá gà ăn sỏi như vùng đất quê tôi. Vàng đấy. Chắc là vàng đây. Chỉ có thể là vàng thôi. Vàng đã thổi cho kiếp nghèo hèn một bước lên ông. Tôi hỏi bãi vàng nào, thím ơi? Bãi Na Rì. Bà bán quán trả lời.
Na Rì! Bãi vàng Na Rì! Một cái tên thoạt nghe đã thấy mùi vị sơn cước xa xôi, đã thấy cái bóng đáng rờn rợn của một vùng lam sơn chướng khí, một vùng rừng thiêng nước độc. Na Rì. Nào, ta đi lên Na Rì! Còn chờ đợi gì nữa, hành quân!
Hoá ra trên xe đi Na Rì có rất đông người. Người ngồi không hết, người đứng cũng không đủ. Chật ních. Ngả nghiêng. Dồn cục. Va quệt. Sặc sụa mùi hôi nách, mùi tóc tai lâu ngày không gội. Mà lại toàn những người mang khuôn mặt hầm hầm, đen sần, khắc khổ cả. Những khuôn mặt đào vàng.
Gã bán vé đến gần, giọng khê khàn như thể phải quang quác nhiều quá:
Ê! Vé Na Rì mười ngàn, ai chưa mua, mua đi!
Cồn lên những tiếng nói còn khê khàn hơn:
Làm gì mà những mười? Tuần trước mới có bảy, đừng bắt chẹt nhau quá, ông tài ơi!
Trước khác, giờ khác, ai không đi thì xuống!
Chả một ai dám xuống. Đường lên ngược một ngày có một chuyến thậm chí hai ngày, xuống là lỡ cỡ hết. Gã đã đến gần chỗ tôi. Cái miệng râu ria lởm chởm nồng nặc mùi cháo lòng hành tỏi phả vào giữa mặt tôi. Tôi quay đi. Bỏ mẹ, phải làm gì bây giờ. Chả lẽ lại xuống? Xuống rồi bao giờ mới đi được với ba đồng bạc rách này? Vậy chỉ còn cách chơi bài cùn theo đúng câu dạy truyền kiếp của ông bà: Mềm nắn rắn buông.
Vé? - Gã hỏi lạnh ngắt.
Vé gì? - Tôi còn lạnh hơn.
Ơ hay! Vé xe chứ còn vé gì nữa. Cậu dở người à?
Không có.
Không có thì mua. Mười, đưa đây.
Chỉ có một thôi.
Một? Cậu đùa với tôi chắc?
Tôi không đùa và nói chung tôi đếch khoái đùa. Nếu ông cũng như tôi, một thằng vừa ra tù vì tội giết người (Tôi nhấn mạnh hai tiếng này) thì chắc ông có được một ngàn đã là quá phúc rồi, đúng không?
Gã trợn mắt nhìn tôi. Mọi người trong xe cũng quay lại trợn mắt nhìn tôi. Còn tôi lại nhìn đi nơi khác, mặt vẫn lạnh tanh như cá chết. Một tiếng còi xe vang lên. Gã quay lại. Khuôn mặt của lái xe hiện ra ở kính chiếu hậu. Khuồn mặt ấy khẽ lắc lắc. Gã hiểu và nói vớt một câu chả đâu vào đâu:
Tù, tù... Tù ai cũng như ông thì cánh lái xe có mà đói rã họng. Năm thì năm, đưa đây! Nào, người khác, còn ai chưa mua vé không?
Thế là xong. Xong một cách tủi nhục, nặng nề nhưng vẫn là xong. Sau này nằm nghĩ lại tôi mới chợt giật mình: Phải chăng hành động gần như đi lậu xe một cách trắng trợn ấy đã báo trước một chuỗi những hành vi trắng trợn hàng ngàn lần hơn của tôi về sau?