CHƯƠNG 10

     ời non nước - ra đi nguyện thề non nước - đổi máu xương để giữ lấy đất này - Người ơi! Lời vàng đá - dù phải cách xa..." ánh mắt Nga long lanh. Tiếng hát trong trẻo như rót vào tai các chàng trai tân binh giữa giây phút chia tay lên đường nhập ngũ, Nga thật sự cảm động hát bài hát của Đô sáng tác mà Nga đã thuộc từ lâu lắm rồi. Câu hát vừa dứt, Nga thấy lòng lâng lâng khẽ cúi chào. Tiếng vỗ tay rào rào. Những cánh tay trẻ trung khoẻ mạnh vung lên. Những tiếng hô vang dậy trên sân đình Nguyệt Hạ: "Hát nữa đi! Hát nữa đi..." Nga đứng lặng trước hàng trăm ánh mắt đau đáu nhìn Nga. Trong hàng trăm ánh mắt kia có ánh mắt của Đô và Bức. Bằng trái tim nhạy cảm và lòng nhân ái, Nga nhận thấy giờ phút chia tay này sao mà thiêng liêng. Câu hát này là tiếng lòng của Nga gửi cho Đô và Bức. Nga yêu cả hai người. Nga cũng không biết rằng như vậy có phải là tội lỗi không? Nhưng rõ ràng điều ấy đang xảy ra với Nga.
 Có lẽ cả Bức và Đô cũng nhận thấy rõ điều này. Chỉ vài giờ đồng hồ nữa thôi cả Đô và bức ra đi. Đi đến đâu? Đến bao giờ... Nga bối rối thấy cả Bức và Đô đều ngẩn ngơ nhìn mình. Giữa giây phút này Nga cố giữ thái độ thật ôn hòa trước cả hai. Từ mấy ngày nay Nga đã dùng mọi lời lẽ để hòa giải hai người. Nga nghĩ nếu không có cuộc ra đi này thì cái hố sâu thăm thẳm ngăn cách giữa họ sẽ không bao giờ san lấp nổi. Những gì xảy ra đã xảy ra không nên khơi lại làm gì thêm đau lòng. Hát xong, Nga chạy lại với Bức. Giữa cảnh nhốn nháo của người đi người ở đang rục rịch tiễn nhau ra xe, Nga chẳng biết nói gì với Bức, suốt đêm qua hai đứa đã nói với nhau tất cả. Trên bờ đê, đoàn xe đỗ thành một hàng dài cắm cờ, chăng khẩu hiệu đỏ rực. Tiếng trống dồn dập như thúc giục lòng người. Mẹ Bức và thằng cu con anh cả Lạnh từ phía nhà vịt của ông Vòng cũng long tong chạy lại nháo nhác tìm Bức. Thằng cu con anh cả Lạnh nhìn thấy Bức nó reo toáng lên gọi bà. Mẹ Bức dúi vào tay Bức nắm tiền, nước mắt ứa ra, giọng xúc động.
- Bức ơi con hãy tha lỗi cho mẹ. Mẹ vẫn thương con, mẹ cầu mong cho con đi được bình an. Con hãy năng biên thơ về cho vợ con. Người ở nhà khổ lắm đấy.
Mẹ Bức nói rồi vội vã dắt thằng cu con anh cả chạy về quán nước. Bức nhìn theo mẹ rồi quay sang với Nga.
- Em ở nhà nhớ năng đi lại với mẹ.
Bức cầm lấy tay Nga rồi buông vội, nhảy phốc lên xe. Trên xe cánh tân binh chen chúc nhau tìm chỗ ngồi. Lúc này Nga mới nhận ra Đô đã ngồi lặng trên xe từ bao giờ. Từ sáng, ánh mắt anh lúc nào cũng dõi theo Nga. Lòng Nga lại trào lên nỗi xót xa. Nga đứng ngây người nhìn hút theo đoàn xe rầm rầm chuyển bánh giữa những tiếng chào gọi reo réo bên tai Nga. Mọi người đi đưa tiễn tân binh tản ra các nẻo đường. Lúc này Nga mới nhìn thấy hai bố con Ngô Quất cũng đang đứng ngây ra nhìn Nga. Con Hà buông tay bố nhào đến nắm lấy  tay Nga. Ngô Quất cúi mặt bước đi lặng lẽ.
- Hôm nay chị hát hay ơi là hay - Con Hà níu tay Nga nói - Tối nay chị sang nhà em chơi nhé. Anh Đô bảo với em, ở nhà bố em có thế nào thì nhờ chị giúp đỡ. Chị Nga ơi, các anh ấy đi đánh nhau thì bao giờ về hả chị?
- Khi nào đánh đuổi hết thằng Mỹ thì các anh ấy được về.
- Có phải thằng Mỹ nó có những chiếc máy bay vẫn bay rầm rầm từ ngoài biển vào ném bom trên thị xã bữa nọ phải không chị?
Nga và cái Hà vừa đi vừa rí ráu nói chuyện. Sáng nay Nga và Bức dắt tay nhau sang chào mẹ Nga, mẹ dặn trưa nay mẹ nấu cơm về ăn cơm với mẹ. Nga rủ cái Hà cùng về nhưng nó ngúng nguẩy bảo sợ bố đánh. Nga về thấy mẹ dọn cơm sẵn để trên giường ngồi ngóng Nga. Mẹ vừa mở mâm cơm Nga đã reo lên.
- Ôi! Mẹ ăn sang nhỉ. Từ nay con về ở hẳn với mẹ nhé!
- Cha bố chị - Mẹ mắng yêu - Nó vừa mới đi đã tính chuyện về với mẹ. Mày chớ có coi thường chuyện ấy. Nó đi rồi ở nhà phải ý tứ ăn nói giữ gìn mọi chuyện. Con gái đi lấy chồng mà bỏ về nhà mẹ đẻ là cấm kỵ, lệ làng này xưa nay vẫn thế. Phận đàn bà "xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử".Với lại mày với gia đình bên ấy có yên ấm gì đâu. Bây giờ chỉ cần mày bỏ về đây là người ta lại ầm lên ngay. Chồng đi rồi ở nhà phải vững vàng mà sống con ạ. Cứ như mẹ đây...
Vừa khuyên nhủ con, mẹ Nga vừa ân cần gắp thức ăn vào bát cho Nga. Từ lâu lắm, nay Nga với mẹ mới có dịp ngồi thanh thản để nói chuyện với nhau. Mãi tới giờ phút này, càng nghe mẹ nói, Nga mới thật sự nhận ra rằng con người ta sống trên đời còn có bao nhiêu điều ràng buộc. Mỗi người một thân phận, mỗi người một ý nghĩ khác nhau. Từ Ngô Quất, vợ chồng lão Kình đến anh cả Lạnh, mụ Bông, Đô, Bức và cả Nga nữa đều phải cuốn vào dòng xoáy cuộc đời thật sôi sục, dữ dằn. Nga ngẫm thấy đời mình biến đổi thật là mau, đang yêu Đô thoắt cái lại thành vợ Bức.

 

Đứng chải tóc trước ngọn đèn dầu, nhìn ra cầu ao, nơi bà lão Kình chết ở đó, Nga bỗng thấy rờn rợn. Như mẹ Nga dặn thì phải kiêng cả chải đầu ban đêm. Quả thực ban đêm mà nhìn thấy người cứ xõa tóc ra chải nom như ma. Người ta bảo ma thường hay biến thành người đàn bà đứng xõa tóc... từ ngày Bức đi, Nga cứ hay nghĩ lung tung lo sợ vẩn vơ. Đêm đêm Nga cảm như có ai đang rình rập mình. Hình ảnh hai vợ chồng lão Kình cởi trần ngồi bắt rận luôn ám ảnh Nga trong cả những giấc mơ. Đêm qua Nga lại mơ tới cái chết của bố Bức bị treo cổ trên cần gầu sòng làm Nga hoảng loạn kêu rú lên.
.... Và lúc này đứng chải tóc, Nga tưởng tượng thấy bà lão Kình đang từ dưới ao đi lên. Nga quẳng lược xuống và búi gọn mớ tóc lại, không dám chải  nữa. Con mèo đen ở đâu lại mò đến dũi đầu vào chân Nga. Không hiểu sao con mèo đen nhà ai từ mấy hôm nay cứ đến bữa cơm Nga dọn ra, nó lại mon men ngoài cửa giương mắt lên nhìn Nga ra chiều muốn làm quen đòi ăn. Nga đã cho nó ăn. Nó biết ơn cô chủ đã quý nó, nó biểu lộ tình cảm bằng cách dũi dũi đầu vào chân Nga. Đúng là nó đã muốn ở hẳn lại đây với Nga... Ngày mai là ngày giỗ bố Bức, bên anh cả Lạnh đang giã giò bùm bụp, tiếng giã giò vang lên. Có tiếng chó sủa gắt ngoài ngõ, mụ Bông xộc vào ômg chầm lấy Nga. Con chó nhà anh Cả Lạnh nhảy xổ vào cửa gầm gừ nhìn mụ Bông.
- Đồ chó - Mụ Bông khẽ làu bàu chửi con chó - đúng là đồ chó ghẻ, mày không nhớ rằng chính tay bà đã nhặt mày về nuôi, cho mày ăn mà bây giờ mày không còn nhận ra bà sao? Mụ Bông vừa chửi chó vừa liếc khắp căn nhà của vợ chồng Nga. Nga mời mẹ chồng uống nước. Từ ngày bỏ nhà đi ở với ông Vòng, nay mụ Bông mới lại về. Dù sao mụ vẫn còn nhớ ngày giỗ chồng. Mụ khẽ thở dài.
- Tao thương thằng Bức mà không làm sao được. Nó đã có thư về chưa?
- Dạ chưa ạ.
- Mai là ngày giỗ bố nó đấy, thằng cả Lạnh có bảo mày không?
- Dạ không.
- Thế thì quá quắt quá đấy. Chúng nó phải biết rằng dù sao thằng Bức bây giờ cũng là bộ đội, hơn chán vạn những thằng ở nhà chúi vào váy vợ. Đi, mày đi sang với tao.
Mụ Bông tức mà hung hăng vậy thôi. Chứ sang nhà cả Lạnh, mụ vẫn thấy sờ sợ. Nỗi sợ cố hữu bắt nguồn từ sự mặc cảm. Thằng cu con cả Lạnh vừa nhìn thấy bà liền reo lên.
- Bố. Bố ơi! Bà nội về.
Cả Lạnh đang loay hoay ngồi bó giò. Anh Mát đang dọn quét bàn thờ. Hai nàng dâu đang đong gạo nếp đãi vỏ đỗ ngoài hè. Cả nhà vẫn lặng lẽ không ai nói lời nào. Nga chợt thấy thương mẹ chồng. Bỗng dưng bà trở thành người xa lạ với con cháu. Dù sao đi nữa thì mọi năm vào ngày giỗ chồng, mụ Bông vẫn còn được là chủ ngôi nhà này. Mụ sốt sắng lo toan chi tiêu từng mớ rau con cá. Bây giờ hai thằng con trai lại coi mụ không bằng người dưng, mụ bỗng òa khóc, lập cập chạy vào nhà đứng trước bàn thờ chắp tay vái lia lịa.
- Ôi ông ơi là ông, vong hồn ông có linh thiêng về chứng giám cho các con ông nó đối xử với tôi thế này đây. Tôi đã có với ông ba thằng con trai. Ba lần mang nặng đẻ đau nuôi nấng chăm bẵm cho chúng nó để bây giờ chúng nó đối xử với tôi tàn nhẫn đến đau lòng thế đấy ông ơi. Đành rằng tôi đã có lỗi. Cũng bởi lòng dạ đàn bà yếu mềm nên tôi trót thương cái cảnh người ta cô độc. Tôi thương người ta nhưng lòng dạ tôi vẫn một mực thờ phụng ông suốt đời, đến ngày nào tôi sẽ lại về với ông. Tôi thề với ông!...
Bà Bông kéo vạt áo lau nước mắt, quay lại nhìn mọi người. Anh cả Lạnh vẫn thản nhiên gói giò. Hai bàn tay anh bóng nhẫy, những đường gân nổi lên hai cánh tay săn chắc. Anh Mát quăng chiếc chổi xuống nền nhà đi ra cửa. Riêng có đứa cháu thì cứ trố mắt nhìn bà nội. Nga muốn bỏ đi nhưng không nỡ.
- Tôi đã tưởng không bao giờ bà còn dám bước về căn nhà này nữa - Cả Lạnh ném gói giò vừa gói ra cái mẹt, giọng tỉnh khô - các cụ đã có câu "xuất giá tòng phu", bà đã đi lấy chồng thì bà làm gì còn có quyền hành ở nhà này nữa. Quyền hành của bà bây giờ ở ngoài lò vịt của ông Vòng, bà hiểu chưa? Từ nay tôi cấm bà không được dụ dỗ con trai tôi. Anh cả Lạnh lừ mắt nhìn thằng con trai - Bây giờ nó còn trẻ con, nó không biết, sau này lớn lên nó hiểu được lòng dạ bà, ắt nó cũng căm thù bà. Vì bà! Đúng vậy, vì bà mà cái gia đình này có tiếng nề nếp từ xưa bỗng dưng tan nát. Tan nát đến thế này đây. Lẽ ra bà phải thấy rõ điều ấy mới phải.
- Đồ vô ơn - Mụ Bông cố nén giận, tay run rẩy thắp ba nén hương vái vội ba vái rồi bước ra cửa - Tao nói cho chúng mày biết, cả đời tao thắt lưng buộc bụng làm đổ mồ hôi sôi nước mắt nên bây giờ chúng mày mới được cái cơ ngơi này đấy các con ạ.
- Thôi đi bà. Bà đừng có kể công nghe dơ lắm, nhục lắm. Chính vì những cơn rửng mỡ của bà làm cụ nội tôi phải đâm đầu xuống ao mà chết: Cụ chết vì không chịu nổi được nhục đấy bà có biết không..
- Ôi, thật là khốn nạn, khốn nạn.
Mụ Bông sụt sùi khóc, Nga lặng lẽ bước theo sau mụ Bông ra đến cổng. Bóng mụ Bông mờ dần rồi mất hút trong ngõ xóm. Nga thấy trào lên nỗi uất nghẹn. Cô đứng sững trước mặt cả Lạnh, nhìn anh ta như nhìn một con quái vật.
- Anh cả này - Nga nói - Nếu anh không sớm nghĩ lại để đối xử với mẹ cho tử tế thì tôi tin rằng sau này các con của anh nó cũng đối xử với anh như vậy đấy.
Cả Lạnh sững người nhìn Nga.
- À, thì ra hồi này mày cũng đã nhiễm cái thói láo xược của thằng chồng mày rồi đấy hả - Cả Lạnh đứng phắt dậy lừ lừ bước đến trước mặt Nga như muốn ăn tươi nuốt sống cô em dâu - Mày là đứa nào mà dám chõ mồm vào việc riêng của nhà tao hả...hả? Mày có biết tao là ai không? Tao đây này, tao là cả Lạnh, tao nhắc lại lần nữa để mày nhớ rằng cả nhà mày vẫn chưa trả hết món nợ đời về cái chết của bố tao đâu. Mày chớ vội hý hửng thấy thằng em tao nó quay lưng lại với gia đình này. Nó nhu nhược thì còn có tạo. Tao sẽ có cách cư xử để mày thấy cái tội của bố mày đã treo cổ bố tao thì bây giờ mọi hậu quả mày phải gánh chịu. Mày! Chính mày mới phải chịu tội vời cái gia đình này suốt đời hiểu chưa.
Nga quay ngoắt bước về nhà. Căn nhà tranh tối bưng. Cô khép cửa lên giường nằm, thấy trống vắng lo sợ cả Lạnh "Mày vẫn chưa trả hết món nợ đời..." Lời cả Lạnh vẫn rít lên bên tai cô" Hãy vững vàng mà sống con ạ..." Lời của mẹ vỗ về làm lòng Nga dịu lại. Trong mơ Nga thấy mình đã trở thành diễn viên chèo chuyên nghiệp. Đó là điều Nga mơ ước từ lâu - từ cái đêm Nga diễn xuất sắc vai công chúa Nguyệt Cầm trên sân đình Nguyệt Hạ được chú Tòng ca ngợi hết lời. Ngay cuối đêm diễn, chú Tòng đã gặp gỡ Nga, thuyết phục Nga hãy đi dư tuyển vào đoàn chèo chuyên nghiệp của tỉnh. Ai chứ Nga mà đi thi tuyển chắc chắn là được. Chú Tòng bảo với Nga rằng, hãy nghe lời chú, chú sẽ giúp đỡ. Tương lai của Nga phải là con đường nghệ thuật. Giá mà ngày ấy Nga nghe lời chú Tòng thì đời Nga đâu phải khổ thế này... Nga mơ màng nghe có tiếng con mèo đen kêu, hình như nó đang cào soạn trên bậu cửa sổ. Nga cố mở mắt và kêu rú lên. Trong bóng tối hiện lên nhấp nhoáng con ma đang đứng sừng sững cạnh giường Nga. Con ma có cái đầu to bằng cái thúng, hai tay vươn dài ngoẵng. Nga vùng dậy, đẩy cửa lao ra đường. Trong tâm trạng hoảng loạn, Nga chạy về với mẹ.
- Con thề là từ nay không bao giờ con thèm ở căn nhà ấy nữa - Nga ôm lấy mẹ lo sợ.
- Nhưng mà đầu đuôi làm sao - Mẹ Nga lo lắng hỏi - Tao đã bảo mày...
- Mẹ chẳng hiểu gì cả. Ngôi nhà ấy có ma, chính mắt con nhìn thấy.
Nga kể lại tỷ mỷ với mẹ hết mọi chuyện. Mẹ Nga thở dài ôm ghì lấy cô con gái. Kể từ ngày Nga về nhà chồng, nay Nga mới thấy mẹ biểu lộ lòng thương yêu Nga, không hề giấu diếm.
- Thật là khốn khổ cho cái thân mày. Thôi con ạ, đã đến nước này thì con về hẳn đây với mẹ.
Nga ôm mẹ, thấy lòng mình ấm lại. Không biết thái độ mẹ thế nào khi biết Nga có ý định ra đi?
- Mẹ ơi, đêm qua con lại nằm mơ thấy con được vào đoàn chèo chuyên nghiệp của tỉnh.
- Đến nước này có khi con cũng nên tìm cách mà đi thôi con ạ - Mẹ Nga tỏ thái độ đồng tình một cách quá hăng hái - Nên tìm cách mà đi khỏi cái đất này cho nó rảnh rang con ạ. Đành vậy thôi. Trước thì quả thực mẹ không muốn con đi đâu hết. Mẹ muốn con được gần gũi mẹ, hòng lúc sớm tối được nhìn thấy con. Nhưng bây giờ mẹ lại thấy rằng con nên đi.
- Nhưng con đi, một mình mẹ ở nhà sao đành. Hay là mẹ nên...
Nga ấp úng định nói mẹ nên thương yêu ông Quất giống như mẹ mụ Bông với ông Vòng. Cả làng này, có lẽ chỉ có mỗi mình Nga hiểu và thương cảm cho hoàn cảnh ông Ngô Quất lúc này. Mẹ đã hiểu được câu nói lấp lửng của Nga, mẹ vội gạt đi.
- Mày đi thì cứ việc đi. Riêng mẹ, mày không phải lo - Nga cười thầm. Bao giờ mẹ cũng thế, cứ nhắc tới chuyện ấy mẹ lại nổi khùng lên. Nga thấy như mình có lỗi, cô rúc đầu vào ngực mẹ. Đêm tĩnh lặng, Nga nằm im bên mẹ mà lòng cứ mang mang bao ý nghĩ về quyết định ra đi của mình.

 

Cả ngày hôm nay, lang thang khắp thành phố, mãi tới lúc này Nga mới tìm thấy cơ quan của chú Tòng sơ tán. Bà thường trực ngồi ngủ gật giật mình đưa mắt nhìn xoi mói vào Nga.
- Ông Tòng hả, kia kìa, cô cứ ra cửa hàng kia ngồi đợi - Bà thường trực nhoài người ra khỏi khuông cửa, vừa như nhiệt tình vừa như muốn đuổi Nga đi cho rảnh để bà ta ngủ - Sao? Không hiểu à? Cái cửa hàng ngay bên đường trước cửa có cây dừa ấy, cứ ra đấy mà đứng, tý nữa là ông ấy ra đấy.
Nga lững thững bước ra đường, tới đứng bên gốc dừa theo lời chỉ bảo của bà thường trực. Nga cứ đứng đấy mặc dù Nga chẳng hiểu bà thường trực nói thế là thế nào. Sao chú Tòng lại đến cái cửa hàng ấy làm gì. Quả như lời nói của bà thường trực, chừng mười phút sau, một chiếc xe con từ đâu lao tới đỗ lại trước cửa hàng. Nga nhận ra chú Tòng từ trong xe trịnh trọng bước ra đưa mắt quan sát vào quầy hàng như một thanh tra. Mấy cô nhân viên bán hàng mặt tươi hơn hớn đon đả đó tiếp chú Tòng một cách vồ vập. Nga đứng nép vào gốc dừa. Buổi chiều oi nồng. Một cơn giông bất ngờ ập tới cuộn tung những lớp bụi quay tít trên mặt đường. Bầu trời xám xịt, sấm dây lên. Chú Tòng vào trong cửa hàng chỉ trỏ gì đó và loáng cái hai cô nhân viên bán hàng đã khệ nệ khênh ra một két bia và lỉnh kỉnh những thứ gì đó, Nga rụt rè bước tới gần chiếc xe đưa mắt nhìn chú Tòng từ trong quầy hàng bước ra.
- Chú Tòng - Nga thấy mặt nóng bừng. Chú Tòng đứng ngẩn ra một lúc nhìn Nga. Nga thật xấu hổ vì chú Tòng không còn nhận ra Nga là ai - Chú không nhận ra cháu sao? Cháu là Nga ở làng Nguyệt Hạ.
Ánh mắt chú Tòng chợt vụt sáng.
- Ồ, tôi nhớ ra rồi - Chú Tòng đập bàn tay đánh "đét " vào trán một cái - Trí nhớ của tôi rõ là tồi thế đấy. Người như cô mà tôi còn quên. Đúng là tôi thấy ngờ ngợ nhưng lại không còn nhớ là đã gặp cô ở đâu.
Thấy chú Tòng quá vồ vập với một cô gái trẻ, mấy cô nhân viên lặng lẽ bước vào quầy hàng.
- Thế nào? Đi đâu mà bỗng dưng lại xuất hiện ở đây hả?
- Cháu... cháu muốn gặp chú. Cháu nhờ chú giúp cháu....
Ánh mắt chú Tòng lại nhìn xoáy và Nga lần nữa rồi đưa tay xem đồng hồ. Sau một cơn giông ào tới, chú Tòng đưa tay mở cửa xe.
- Thôi được, hãy lên xe đi đã - Chú Tòng nói như ra lệnh. Nga lật đật bước vào trong xe ngồi xuống cạnh chú Tòng. Chú Tòng đưa tay kéo sập cánh cửa xe. Anh tài xế rồ máy chiếc xe lao vút đi. Cơn giông quay cuồng ngoài lớp kính, mưa bụi ràn rạt. Đất trời nhà cửa loang loáng tối sầm lại trước mắt Nga.
- Suốt từ sáng tới giờ cháu đi tìm cơ quan chú - Nga nói.
- Cũng may đấy, chỉ chậm chút nữa là sáng ngày kia chú mới lại đến cơ quan, có gặp được chú cũng còn khó. Cửa hàng số ba dừng nhé.
Đang nói dở câu chuyện với Nga, chú Tòng quay sang nói với người lái xe. Chiếc xe lại đỗ xịch lại trước cửa hàng số ba.
- Cứ ngồi yên đấy trông hàng cho chú, chú vào đây một tý đã.
Chú Tòng đẩy cánh cửa xe bước ra, một luồng gió tạt mạnh vào trong xe. Mưa lắc rắc. Người lái xe cũng nhẩy xuống bước vội theo chú Tòng vào trong quầy hàng. Loáng cái, mấy cô nhân viên bán hàng lại đội mưa khênh ra hai bao tải đầy những gạo, miến, bột mỳ, đỗ, lạc. Chú Tòng tươi cười cảm ơn mấy cô nhân viên bán hàng rồi lại tót lên xe. Chiếc xe lao vút đi.
- Cũng may mà có mưa dông chứ không mọi ngày vào giờ này thằng Mỹ nó quần riết lắm đấy. Ra thành phố mà lớ ngớ chỉ có ăn bom.
Mưa mỗi lúc một to. Chú Tòng xòe diêm châm thuốc hút. Mặt đường loang loáng có đoạn ngập nước mưa, hai bánh xe rít lên xe xé. Chiếc xe lao vào thành phố. Thỉnh thoảng lại có những khu nhà đổ vì bom, gạch ngói còn ngổn ngang chìm trong cơn mưa. Trên đường phố thưa thớt những bóng người trùm áo mưa mải miết đạp xe. Đây đó đèn điện đã bật sáng, thứ ánh sáng nhòe nhoẹt trong mưa hắt lên những thân cây cổ thụ bật rễ nằm trơ ra xơ xác trên vỉa hè.
- Cô thật là liều, liều thật đấy, chưa biết rõ tôi ở chỗ nào mà dám lên thành phố giữa lúc bom đạn ầm ầm. Nếu không gặp tôi thì tối nay cô định chui vào đâu nào. Chiến tranh nó khổ thế đấy. Mọi cái đều lộn nhào hết cả. Cô thấy đấy, tôi phải lo từng cân gạo đưa về nơi sơ tán cho bà và các cháu ở quê...
Nga cứ ngồi lặng nghe chú Tòng than thở cảnh khốn cùng của thời chiến tranh.
Chiếc xe bất chợt giảm tốc độ rẽ vào một cái ngõ nhỏ. Nga ngồi trong xe không còn nhận ra đây là nơi nào. Xe đỗ lại trước ngôi nhà có chiếc cổng xây khá kiên cố. Ánh đèn pha dọi thẳng vào giữa cánh cổng đóng kín bằng chiếc khóa đồng to như khóa đình. Chú Tòng nhảy xuống, bật công tác điện. Những giọt nước mưa còn đọng lại trên bức tường được cắm mảnh chai sáng loé lên dưới ánh sáng của chiếc bóng điện "bảo vệ" trên nóc cổng. Chú mở khóa đẩy cho hai cánh cổng rộng ra. Anh lái xe nhanh nhảu cùng Nga khuân hết mọi thứ ở trên xe mang vào trong nhà.
- Ở lại ăn cơm với tớ chứ - Chú Tòng vừa nói vừa mở khóa cửa.
- Thôi, để em về.
- Sáng mai có dậy sớm được không?
- Dạ được!
- Thế thì về đi cho vợ nó khỏi mong... đón tớ sớm nhé. Làm sao phải qua được phà trước giờ cao điểm không là bom nó xơi thịt.
Người lái xe khẽ gật đầu chào Nga rồi nhẩy lên xe nổ máy quay đầu lao thẳng ra đường phố chính.
- Hai chú cháu mình nấu cơm chén đã - chú Tòng nói - Đã về đây cứ tự nhiên như người nhà.
Thái độ cởi mở tự nhiên của chú Tòng khiến Nga thấy vui vui và yên tâm hơn. Chú Tòng sửa soạn đốt bếp dầu, Nga nhanh nhảu vo gạo nấu cơm.
- Nước ở cái bể cạnh bếp đấy. Thời chiến nên cứ phải đơn giản thế này là hơn. Mọi thứ chú cho chở sơ tán về quê hết.
Nga mang rá gạo vào đã thấy chú Tòng đặt chiếc xoong nấu cơm trên chiếc bếp dầu lửa cháy xanh lẹt. Nga đưa mắt quan sát quanh căn nhà khá rộng chỉ còn trơ lại chiếc giường và bộ bàn ghế trống trơn. Chú Tòng móc từ trong bao ra một hộp thịt hộp và một nắm miến dong để nấu.
- Mọi ngày chú vẫn ăn nghỉ ở cơ quan, thỉnh thoảng mới lại đảo về đây trông nhà. Khu này gần nhà máy điện nên nó quần dữ lắm, dân phải sơ tán hết. À cái tay đóng vai nông dân ấy bây giờ thế nào rồi.
- Anh ấy vào bộ đội rồi ạ.
- Vào bộ đội à! Tay ấy diễn khá đấy. Sao nghe nói cái vở "Huyền thoại tình yêu" là do tay ấy sáng tác chứ đâu phải do Ngô Quất.
- Vâng anh ấy sáng tác đấy chú ạ.
Chú Tòng vừa thu dọn nhà cửa vừa hỏi Nga đủ mọi chuyện. Nấu xong cơm, chú Tòng bổ hộp thịt ra nấu miến và bảo Nga đi tắm rửa rồi ăn cơm.
- Xà phòng trong nhà tắm đấy. Có cần nước nóng thì xách xô nước vào đấy cắm điện chỉ năm phút là sôi.
- Dạ, cháu không cần nước nóng đâu ạ! Ở nhà cháu tắm nước lạnh quen rồi. Đi làm về là cháu ào ra sông cái.
- Quê chú cũng có con sông, chiều nào về quê chú cũng ra sông tắm...
Nga lấy quần áo bước ra ngoài hè. Thành phố sáng bừng lên sau cơn mưa. Lần đầu tiên trong đời Nga được chứng kiến cảnh thành phố thật là đẹp. Nga vào buồng tắm, cảm nhận thấy trong lòng như có gì biến động khác thường, vui vui, lạ lạ ngỡ ngàng với mọi thứ cứ như thể trong mơ. Suốt một ngày lang thang trong thành phố mỏi mệt, lúc này xối nước lên người, Nga cảm thấy khoan khoái dễ chịu. Trong căn buồng tắm không mái che Nga nhìn rõ cả khoảng trời cao lồng lộng đầy sao và những ngọn đèn xa tít cao chót vót trên những dãy nhà cao tầng của thành phố. Nga bỗng nhớ tới Bức, tới Đô, giờ các anh đang ở đâu? Trong khoảng không gian chật hẹp của nhà tắm, Nga nhìn rõ thân thể mình như đang nở nang đầy đặn hơn. Ở tuổi hai mươi, xuân sắc của Nga đang thời kỳ rực rỡ và tràn trề sức sống. Bỗng nhiên một hồi còi báo động rú lên làm Nga giật mình luống cuống mãi mới mặc xong quần áo. Điện phụt tắt, cả thành phố biến mất tăm trong một khối đen đặc. Tiếng máy bay gầm rít, một lọat bom nổ dậy lên, đất trời như sụt lở. Nga lao ra khỏi nhà tắm.
- Xuống hầm đi mau lên. Nó đánh nhà máy điện đấy - Tiếng chú Tòng hét to.
Nga lao về phía có tiếng gọi của chú Tòng. Còn đang ngơ ngác chưa nhận ra cửa hầm ở đâu thì bàn tay chú Tòng đã tóm chặt lấy cổ tay Nga lôi tuột xuống hầm. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa bao giờ Nga lại nghe thấy tiếng nổ dữ dội như lúc này. Nga hoảng loạn lao vào lòng chú Tòng. Những lúc nguy nan bao giờ con người cũng dễ cảm thông và mong muốn được che chở. Nga thấy hai cánh tay chú Tòng cũng run rẩy ôm ghì lấy Nga. Giữa căn hầm tối tăm phảng phất mùi mốc - giây phút này hoàn toàn có thật. Nó sẽ kéo dài tới bao lâu? Nga ngỡ như mọi sự sống trên thế gian này đã mất hết chỉ còn lại mỗi mình Nga đang thoi thóp thở trong vòng tay của người đàn ông vừa quen quen vừa là lạ. Phút giây của tử thần qua đi. Không gian lặng yên. Sự yên tĩnh thật đáng sợ. Tiếng còi báo yên hú vang, bầu trời thành phố chợt bừng sáng, Nga chui ra khỏi hầm, chú Tòng bật công tắc điện, căn nhà lại ngập tràn ánh sáng. Nga vẫn còn bàng hoàng, gương mặt chú Tòng cũng thẫn thờ ngơ ngác. Chú Tòng bảo Nga dọn cơm cho chú đi tắm, tắm xong chú Tòng bước vào với bộ quần áo mới thay, trông chú trẻ ra. Chiếc áo ka rô ngắn tay với chiếc quần màu hạt dẻ là phẳng nếp, chú Tòng lấy lại vẻ tự nhiên, cười rõ tươi ngồi xuống trước mâm cơm:
- Ta ăn đi. Nga ăn tự nhiên nhé. Mẹ nó, tối nào nó cũng quần một chập như vậy đấy.
Nga ngồi trước mâm cơm ăn dè dặt. Chú Tòng mở bia rót ra hai cốc mời Nga uống. Nga cảm động về thái độ ân cần của chú. Nhìn cốc bia vàng tươi như nước chè, chú Tòng uống rất ngon lành. Nga ngần ngại mãi không dám uống. Chú Tòng cười nụ cười đầy thiện cảm.
- Uống đi cháu ạ. Bia ấy mà, uống cho nó mát.
- Cháu chưa bao giờ uống bia.
- Chưa bao giờ uống thì bây giờ uống. Bây giờ chưa quen, thì sau này sẽ quen và thấy hay đáo để. Chú cứ tiếc cho cháu, giá mà nghe lời chú ngay từ ngày ấy thì đến bây giờ có phải sướng rồi không. Nhưng không sao. Vẫn chưa muộn. Ngày mai chú phải mang mấy thứ này về quê tiếp tế cho gia đình. Chú sẽ lại lên ngay, triệu bằng được đoàn trưởng về đây - Tay Bẩu ấy mà, cũng đáo để ra phết, nhưng đối với chú dĩ nhiên là hắn phải nể. Ô kìa, uống đi Nga, uống uống...
Chú Tòng nâng cốc bia ấn vào tay Nga. Nể lời chú Tòng Nga cố cạn cốc bia.
- Thế chứ. Uống nữa đi - Chú Tòng lại rót tiếp cho Nga cốc nữa rồi cốc nữa - làm nghệ thuật đôi khi cũng phải tỏ ra thỏai mái một chút. Với giọng hát của cháu, chú tin là chú Bẩu sẽ ưng. Nhưng dù sao sáng mai cháu ở nhà cũng phải tập luyện lại cho thuộc, chọn những làn điệu nào thật hay mà hát. Vấn đề quan trọng  nữa là lúc ấy cháu phải thể hiện cho thật tình cảm, duyên dáng.
Nga thấy người nóng bừng, da thịt râm ran. Gương mặt chú Tòng lúc này trông trẻ, ánh mắt long lanh. Chú Tòng lại bật tiếp một chai nữa, bọt trào ra miệng chai. Chú Tòng lại dốc vội vào cốc Nga.
- Uống nữa đi cháu, cốc này là chú chúc mừng cho sự đổi mới tư duy của cháu và cháu phải uống cốc nữa để chúc mừng cho sự may mắn của hai chú cháu mình trong đợt bom vừa rồi nó không rơi trúng vào đầu mình. Chiến tranh mà cháu, biết thế quái nào được. Chú bây giờ có chết đi cũng không sao, nhưng còn cháu...chú là chú cứ lo cho cháu. Chú nói thực lòng đấy. Chú cứ tiếc cho cháu mãi, giá mà biết nghe lời chú sớm thì bây giờ đã là diễn viên chính rồi ấy chứ. Người như cháu tương lai là phải ở trên sân khấu.
Chú Tòng nói thật đúng, điều đó Nga đã mơ ước từ lâu lắm rồi. Nhưng cái số kiếp của Nga nó long đong thế đấy, có ai mà hiểu thấu cho hoàn cảnh của Nga.
- Chú thật là tốt - Nga xúc động thốt lên - Chú hãy cố giúp đỡ cháu. Cháu không bao giờ quên ơn chú. Chú không thể biết được đâu. Đời cháu khổ lắm chú ơi!
Nga rơm rớm nước mắt nhìn chú Tòng như một vị cứu tinh. Nga thổ lộ hết nỗi cực khổ của mình cho chú nghe, Nga nói nhiều lắm. Nga nói về mối tình của Nga và Đô với Bức. Nga cũng không nhận ra mình đã uống được mấy cốc bia. Chất bia lúc này lại có vị ngòn ngọt đọng lại trong cổ Nga. Nga thấy người rạo rực lâng lâng đầy xúc cảm. Nga nghe giọng nói của chú Tòng ấm áp lạ thường. Nga sẽ là diễn viên chèo chuyên nghiệp. Đời Nga sẽ được sung sướng. Nga sẽ được trả lại sân khấu như những ngày yêu Đô. Mới từ sáng tới giờ Nga cảm thấy cuộc đời mình đã thay đổi hẳn. Nga đang là con thuyền lênh đênh giữa biển khơi chưa biết đi đâu về đâu thì bỗng nhiên lại gặp được chú Tòng. Kể từ lúc gặp chú Tòng Nga thấy lòng mình ấm lại - chú Tòng nói đúng. Cũng tại mình ngu dại lao đầu vào gia đình Bức. Đành rằng Đô và Bức không có lỗi trong chuyện này. Cả hai người con trai đã đi vào đời Nga thành nỗi đau nhức nhối không bao giờ nguôi...
Giờ đây Nga khao khát một cuộc sống mới. Cuộc sống mới sẽ đến... đang đến với Nga từ giờ phút này. Lòng Nga đang phơi phới như cánh diều bay bổng trên không trung. Nga không nhận ra mình đã nói những gì với chú nữa. Cả cuộc đời Nga có mấy những phút thoải mái tự nhiên như lúc này. Gương mặt sáng ngời của chú Tòng ngả nghiêng trước mặt Nga.
- Eo ơi, cháu thấy người nó làm sao ấy - Nga nói -Chú tốt quá. Trên đời này cháu chưa thấy ai tốt như chú. Đô cũng tốt lắm chú ạ, anh ấy yêu cháu ghê lắm... từ ngày các anh ấy đi cháu thấy trơ trọi buồn đến chết đi được. Không biết bao giờ các anh ấy được về chú nhỉ...
- Cứ phải đến khi nào thằng Mĩ nó cút về nước - Chú Tòng nói.
Trước mắt chú Tòng Nga là hình bóng kỳ ảo. Gương mặt Nga hồng rực lên, ánh mắt lóng lánh lúc vui lúc buồn, khi cười khi khóc làm chao đảo lòng chú. Đêm thanh vắng lại có tiếng máy bay. Điện thành phố vụt tắt. Tiếng còi báo động lại réo lên. Chú Tòng bế xốc Nga chạy vào hầm. Bầu trời thành phố đỏ rực những đường đạn pháo cao xạ đan chéo nhau lao vun vút. Lần này trong căn hầm tối Nga không nhận biết nỗi sợ hãi. Nga nằm gọn trong tay chú Tòng như một lẽ đương nhiên phải được che chở, được cứu vớt, được bù đắp. Nga cũng không biết rõ mình đã nằm trên giường từ bao giờ. Nga cảm thấy người như bốc lửa. Nga đang đươc lột xác hóa thân vào cõi hư vô kỳ diệu. Trong đêm tối Nga thấy mình đang được vuốt ve mơn trớn. Đầu óc Nga u mê nhưng thân thể cứ rừng rực ham muốn theo bản năng đàn bà....
Nga tỉnh giấc, đầu tiên thấy toàn thân ê ẩm, Nga dần dần lục lại trí nhớ và hình dung ra mọi chuyện. Một thực trạng ê chề làm tan nát cõi lòng Nga. Nga sợ hãi run rẩy vùng dậy. Nga sợ hãi chính nơi Nga đang nằm. Mâm cơm đêm qua vẫn bừa bộn những vỏ chai bia lăn lóc. Căn nhà vắng lặng, cửa vẫn đóng kín. Một mảnh giấy kẹp giữa hai chiếc bánh nướng đặt trên bàn, Nga cầm đọc
"Chú xin lỗi nhé, đừng vội tức giận bỏ đi đâu mà khổ đấy. Chú  không cố tình đâu, cũng tại nhan sắc, hơi ấm nồng nàn của Nga làm tôi khổ sở. Tôi phải đi làm sớm để qua phà trước giờ thằng Mỹ nó quần. Hãy ăn bánh và nghỉ ngơi cho khỏe, tập luyện cho tốt để còn bước vào thi tuyển. Quan trọng đấy, chào Nga. Chú Tòng"
Nga xé tan mảnh giấy. Cái tên Đặng Xuân Tòng đã bắt đầu làm Nga thấy căm giận. Nga muốn bỏ chạy khỏi nơi đây. Chẳng lẽ cánh cửa tương lai vừa mới hé mở lại đóng sâp lại ngay từ lúc này sao? Không, đằng nào thì sự việc cũng đã diễn ra như thế. Nga đã trở thành kẻ hư hỏng, kẻ phản bộ lại tình yêu của Bức và  Đô. Hãy cứ ở lại xem sao? Nga cứ ngỡ mình sẽ được may mắn như cô Tấm. Sự việc đêm qua diễn ra quá sức tưởng tượng của Nga. Nga không thể ngờ chú Tòng là cán bộ to đến thế mà lại thế. Đúng là lòng dạ đàn ông chẳng biết đâu mà lần. Nga cố bám víu vào sự may rủi và thấy cuộc đời này thật lắm nỗi đắng cay.