uổi chiều Nga đang nằm mơ màng bỗng nghe có tiếng xe máy lao vào cổng, tiếng bước chân lộc cộc gõ trên thềm nhà.
- Nga ơi, có khách đây này. Khách quý đấy.
Tiếng chú Tòng ngọt ngào. Nga vùng dậy. Chú Tòng mở cửa. Nga nhìn người đàn ông về cùng chú Tòng bằng ánh mắt thăm dò. Chú Tòng giới thiệu:
- Đây là đứa cháu tôi, chú mày có duyệt được thì tao cho không. Thời buổi chiến tranh chả cần dài dòng, tý nữa chú mày nghe nó biểu diễn thử - Tao tin là chú mày sẽ mê liền.
Chú Tòng mở bia tiếp khách rất tự nhiên. Vị khách vừa uống vừa nhìn Nga chằm chặp như người xem tướng.
- Năm nay cô bao nhiêu tuổi - Vị khách bắt đầu làm cuộc phỏng vấn nho nhỏ.
- Dạ cháu... cháu hai mươi tuổi.
- Đã lên sâu khấu bao giờ chưa?
- Dạ rồi ạ.
- Cô hãy hát thử mấy làn điệu nào cô thích.
- Dạ
- Có thể diễn trích đoạn...
- Cứ tự nhiên cháu nhé - Chú Tòng nói chen vào - Chú Bẩu đây là đoàn trưởng đoàn chèo mà chú đã nói với cháu rồi đấy.
Bẩu rót bia trao tận tay cho Nga.
- Tôi mời cô! Trước khi hát hãy uống một cốc cho tỉnh cái đã. Nào uống đi.
Nga thấy rùng mình hoảng sợ cái thứ nước vàng vàng mà cô đã uống đêm qua đã làm Nga mê mụ và những gì diễn ra trong đêm với chú Tòng tới lúc này vẫn còn ám ảnh Nga. Lòng Nga lại nhói đau - số phận của Nga bây giờ lại nằm trong tay người đàn ông mới lạ này. Nga biết rõ điều đó nên cố bán lấy hy vọng cuối cùng tuy mỏng manh nhưng vẫn chưa tắt hẳn. Nga cố uống cạn cốc bia và vụt đứng dậy.
- Cháu sẽ hát. Vâng, hôm nay cháu sẽ hát - Nga đứng lặng nhìn thẳng vào hai người đàn ông trước mặt lấy lại bình tĩnh - Cháu sẽ hát bài thứ nhất "Bát mật con ruồi".
- Sao lại "Bát mật con ruồi" - Chú Tòng nói - Chú Bẩu muốn nghe cháu hát chèo cơ mà.
- Cái bố này rõ ngốc - Bẩu nói - Đấy là chèo chính tông đấy bố ạ. Bố tưởng đấy là cải lương chắc.
Câu nói của chú Tòng làm Nga ấp úng mãi vẫn không sao cất giọng lên được. Nga chuyển sang hát trích đoạn vở "Súy Vân" mà Nga đã thuộc làu. Nga nhập vai Súy Vân nhanh đến nỗi Nga thấy chính Nga lúc này chẳng khác gì thân phận Súy Vân. Gương mặt Nga hiền dịu như vầng trăng bỗng đờ dại, lúc uất giận đanh cứng như đá, lúc đau đớn tê tái, Nga thoắt cười, thoắt khóc đến rợn người...
-
"Trời xanh hỡi... ta là con chim lạc lối biết đi đâu - biết hỏi ai - đã đành lỡ một lần hai - tiếc chi cuộc đời đen bạc..." - Tiếng kêu của Nga thấu tận trời xanh, tím bầm gan ruột. Nga phóng ánh mắt sắc lạnh vào hai người đàn ông trước mặt. Chú Tòng vội cúi gằm mặt xuống. Tiếng Nga lại lanh lảnh réo gọi kêu than muốn dãi bày nỗi lòng mình "
Ơi chị nhiên ơi - ơi các bạn tình ơi - đời tôi không giăng gió - nay gặp gió giăng..." câu hát dồn dập chơi vơi. Bóng Nga chao đảo chới với trước mắt chú Tòng và Bẩu "
Tôi than cho thế sự - tôi lại trách nhân tình - đêm năm canh tôi thức một mình - thì thằng nhân ngãi chung tình nơi đâu á á á" Nga kêu thét lên. Mặt chú Tòng tái đi tưởng Nga phát điên thật, Nga cũng ngỡ mình đang lên cơn điên loạn. Đôi tay Nga múa loạn lên run rẩy. Bằng một động tác thật điêu luyện Nga ngã vật ra rũ rượi, đôi bàn tay Nga quờ quạng như kiếm tìm gì đó trên nền nhà. Cái mà Nga tìm thấy lại chính là mớ tóc đen nháy của mình xoã ra. Những ngón tay run rẩy mân mê mớ tóc rối bời và hai dòng nước mắt ứa ra từ trong khoét mắt buồn thăm thẳm. Nga khóc và ngồi lặng đi. Lúc này Nga không còn đóng kịch mà Nga khóc thật, khóc âm thầm cho thân phận đau đơn của mình, khóc cho cả số phận nàng Súy Vân tội nghiệp.
- Tôi thật không ngờ anh lại có cô cháu tuyệt vời đến vậy - Bẩu thốt lên - một nghệ sĩ thực thụ. Tôi sẽ tiếp nhận. Cô Nga ạ, tôi sẽ tiếp nhận cô từ giờ phút này. Tôi hy vọng cô sẽ trở thành một diễn viên xuất sắc trong đoàn chèo tỉnh nhà.
Nga bỗng khóc to lên. Chính Nga cũng không hiểu rõ mình khóc vì lẽ gì.
- Ấy, sao lại khóc thế - chú Tòng thoáng chút bối rối.
- Bố mày chẳng hiểu quái gì về nghệ thuật. Đấy là cảm xúc đáng quý của người nghệ sĩ...
Khi còn lại Nga và chú Tòng trong căn nhà vắng lặng thì trời vừa tối. Chú Tòng cứ ngồi ngây trên ghế không nói không rằng. Nga hiểu rằng ông ta cũng không cần nói thêm lời nào. Mọi việc đã được xếp đặt đâu vào đấy như thể nó phải thế và cứ thế. Tất cả đều có giá của nó. Cái giá mà Nga phải trả bằng chính thân xác của mình. Nga cay đắng nhận ra cuộc đời mình từ giây phút này hoàn toàn khác xưa. Mối quan hệ của Nga và Tòng bây giờ hoàn toàn khác. Nga phải tự nguyện chấp nhận sự đánh đổi lấy tương lai bằng sự ô nhục nhất của một người đàn bà....
Căn nhà cứ lặng đi chỉ có Nga và Tòng với ngọn đèn điện cứ sáng trắng ra. Tối nay lại không có tiếng máy bay, ngọn đèn bảo vệ trước cổng cũng sáng trắng ra. Bức tường bao quanh khu nhà cao ngất. Những mũi mảnh chai nhọn sắc sáng lóe lên. Mãi lúc này Nga mới thực sự nhận ra ánh mắt Tòng. Ánh mắt rừng rực dục vọng. Cũng có thể Tòng vờ lạnh lùng mãn nguyện. Sự mãn nguyện thật cao ngạo.
- Được chứ! Tòng khẽ mỉm cười kiêu hãnh.
- Được.
- Chưa đủ đâu. Trong ngày mai tôi phải xoay cho Nga bộ quần áo thật tuyệt, một đôi guốc...
- Có lẽ không cần phải thế đâu.
- Cần chứ. Với tôi chẳng đáng là bao. Tôi muốn Nga phải là một nàng tiên. Nga đẹp lắm. Thật đấy! Rồi cuộc đời Nga sẽ được sung sướng.
- Tôi lầm! - Nga nói - Thú thực tôi đã lầm tưởng ông là người tốt. Lúc đầu tôi nghĩ về ông khác.
- Đừng vội nghĩ xấu về tôi thế, cô bé. Đàn ông mà, chính là do hoàn cảnh. Trong trường hợp đêm qua tôi không sao kìm lòng, trước thân thể của em đầy ma lực cuốn hút tôi. Đêm qua tôi đã lợi dụng em nhưng lúc này tôi thực sự yêu em. Từ giờ phút này tôi sẽ làm tất cả vì em.
Bằng một sức mạnh phi thường. Tòng lao vào bế bổng Nga lên đặt xuống giường. Nga run rẩy nén chịu một cách đau đớn. Hai bàn tay thô bạo của Tòng lần lượt cởi hàng cúc áo Nga. Tòng lúc này không khác gì Bức trong đêm tân hôn. Có khác chăng căn buồng của vợ chồng Bức chật hẹp hôi hám thì đây cứ sáng rực mênh mông. Nga nhắm mắt không dám nhìn khuôn mặt đỏ gay và tấm thân Tòng béo núng nính như một khối thịt đang vần vò dày xéo lên thân thể mình....
Chiếc xe u oát lao trên đường về làng Nguyệt Hạ, nắng chiều rừng rực trên cánh đồng loang loáng nước. Những người lom khom cấy lúa và những thân trâu đen chũi kiên nhẫn kéo cày. Nga bỗng nhận ra mình trở nên xa lạ - kẻ xa lạ đáng ghê tởm. Một nỗi kinh hoàng bao trùm lên cuộc đời này làm cho Nga co rúm run rẩy. Bàn tay Tòng không biết từ khi nào đã xiết chặt lấy cổ tay Nga, Nga chợt bừng tỉnh. Mấy hôm trước Nga cũng là cô thợ cấy giỏi của làng Nguyệt. Vậy mà bây giờ bỗng dưng Nga đã giống như một cô gái giang hồ với tâm hồn đã hoen ố trong bộ quần áo thị thành không phải của mình. Ngồi trên chiếc xe sang trọng lướt qua gương mặt thân quen trên đường làng mà Nga không dám nhìn vào ai...
Chiếc xe đỗ xịch trước ngõ. Nga ngượng ngùng bước xuống. Trẻ con ở đâu túa ra giương mắt ngỡ ngàng rồi la toáng lên:
- Cô Nga chúng mày ơi! Cô Nga làng ta.
Bọn trẻ kéo đến mỗi lúc một đông bu quanh chiếc xe sờ mó, ngó nghiêng. Nhà vắng vẻ, mẹ đã khóa cửa đi làm. Nhờ đứa trẻ hàng xóm chạy ra đồng tìm mẹ, Nga vào bếp nấu nước tiếp Tòng và anh lái xe. Loáng một cái mẹ Nga đã tất bật gánh một gánh mạ về đặt ở ngõ.
- Chào bác ạ - Tiếng Tòng oang oang, Nga ngồi lặng trong bếp không dám nhìn mẹ - Hôm nay thì bác phải giết gà ăn mừng cho cô Nga nhà ta.
Mẹ Nga đon đả chào khách rồi chạy vào bếp. Mẹ sững sờ nhìn Nga. Đúng hơn là mẹ nhìn bộ quần áo mới của Nga.
- Thằng Bức nó ghi thư về đấy con ạ - Mẹ khẽ thì thào với Nga - Cả thằng Đô nữa. Hai đứa chúng nó chung một đơn vị đóng quân ở mãi tít trong Đồng Hới.
Nga cố nén xúc động bảo mẹ làm cơm tiếp khách. Nắng chiều đổ nghiêng trên hàng dậu trước nhà. Mẹ nhon nhón chân đứng bên gốc cau ngấp ngó nhìn mấy chú gà vô lo đang hí húi bới rác ngoài vườn. Tòng ngửa cổ nhìn lên ngắm thân cau mới trổ bông xòe ra những nụ hoa trắng nõn tỏa hương thơm ngát. Mẹ đến bảo nhỏ cậu lái xe câu gì đó rồi cất tiếng gọi "cúc cúc cúc... bập bập bập..." Đàn gà từ ngoài vườn bay qua bờ dậu bổ nhào về sân. Mẹ vung ra nắm thóc. Cậu lái xe cầm một đoạn gốc tre đứng nép vào chân đống rạ quăng một nhát, đàn gà hốt hoảng chạy túa ra. Một chú gà trống bị trúng thương nằm giẫy đành đạch giữa sân, Cậu lái xe lao tới tóm lấy đôi chân chú gà trống nâng lên hạ xuống lùa những ngón tay vào lườn chú gà.
- Chà chà! Béo phải biết - người lái xe nói, phải cắt tiết nhanh kẻo nó chết mất...
Nga cứ ngồi lặng bên bếp nghĩ ngợi lan man. Mẹ bê rá gạo vào bếp cho Nga rồi xách siêu nước lên nhà trên.
- Em đã bảo cháu nó ngay từ hồi ấy - vẫn tiếng Tòng vang váng - Nó mà nghe lời em thì bây giờ sướng rồi. Nhưng không sao, bây giờ vẫn chưa muộn. Từ giờ đến trưa mai cháu nó cố gắng làm xong hồ sơ, chiều mai em đưa ra Ủy ban xin dấu còn đơn từ thì lên trên đó viết cũng được.
- Thật là phúc đức cho cháu - Mẹ Nga nói - thôi thì trăm sự nhờ các chú giúp đỡ.
Ăn cơm tối xong, nhà có mỗi ngọn đèn dầu phải để mẹ tiếp khách, Nga chạy sang nhà Đô để đọc thư của Bức và Đô gửi về.
Vừa bước chân vào cửa, cái Hà đang học bài vội chạy tới ôm chầm lấy Nga reo lên:
- Ôi chị Nga, mấy bữa nay chị đi đâu vậy? Anh Đô gửi thư về cho bố em rồi đấy.
Tiếng nói ngây thơ trong vắt và tình cảm quý mến của cái Hà làm Nga xúc động. Nga chợt sững người nhận ra con mực bữa nay lại bỗng dưng gầm gừ với Nga. Từ ngày Đô đi, Nga thường sang chơi với cái Hà, con mực vẫn thường tỏ ra quý mến với Nga vậy mà lúc này nó tỏ ra thờ ơ đến thế, chả lẽ giống chó lại tinh khôn? Chả lẽ nó lại nhận biết ra sự ô nhục của Nga?
- Mực mày hư lắm! Chị Nga đấy - cái Hà cười rúc rích - Ôi, nó không nhận ra chị vì hôm nay chị có bộ quần áo đẹp quá đấy mà.
Nghe tiếng Nga, Ngô Quất từ trong buồng bước ra với dáng vẻ tiều tụy.
- Bác đi ngủ sớm thế.
- Ngủ ngáy gì đâu. Tao ghi cho thằng Đô mấy chữ - Ngô Quất nói - Tạo vừa mới nhận được thư nó, tao cứ thấy bần thần cả người, vừa giận mình vừa thương nó. Các cụ nói cấm có sai: "Gần nhau thì thấy bình thường, xa nhau mới thấy tình thương dạt dào".
- Bác cứ vào biên thư cho anh Đô, để mặc con với em Hà.
Ngô Quất ngồi xuống ghế rít thuốc lào sòng sọc. Nga đến bên bậu cửa sổ bỏ thư của Đô và Bức ra đọc. Cái Hà vừa học vừa rí ráu hỏi Nga đủ chuyện:
- Chị Nga ơi, đi bộ đội đánh nhau có chết người không chị?
- Có chứ.
- Chị Nga ơi, em hỏi thực chị nhé, chị bây giờ còn yêu anh Đô không?
- Lúc nào chị cũng yêu anh Đô. Thôi em học bài đi đừng hỏi vớ vẩn nữa. Đọc xong lá thư, Nga mừng thấy Đô và Bức đã trở nên thân thiết nhưng lại buồn vì tháy mình đã phản bội lại cả hai người. Trong thư, Đô và Bức đều nói các anh chuẩn bị hành quân vào chiến trường Miền Nam, hẹn ngày chiến thắng trở về.
Đọc xong hai lá thư Nga vẫn thấy Ngô Quất ngồi lặng trước ngọn đèn dầu chẳng nói chẳng rằng. Sự cô quạnh buồn tẻ hiện rõ trên gương mặt Ngô Quất.
- Nga, lại đây bác bảo cái này
Nga đến bên cạnh Ngô Quất. Con mực nằm ở cạnh cửa vẫn gầm gừ nhìn Nga vẻ hằn học.
- Đã bao nhiêu lần bác định nói với con điều này mà vẫn không sao nói được - Ngô Quất lại ngồi lặng thinh lúc lâu rít đẫy một hơi thuốc lào rồi bất thình lình nắm chặt cổ tay Nga - Bác xin con hãy tha thứ cho bác. Con hãy thông cảm nhận giùm bác số tiền này. Số tiền này chính là của con đấy.
Ngô Quất đặt vào giữa lòng bàn tay Nga chính cái túi tiền xu lão Kình đã trao cho Nga mà Ngô Quất đã tiêu đi mất một ít.
- Bác, cháu không nhận đâu. Làm sao mà bác cứ phải nghĩ mãi về chuyện ấy làm gì cho khổ. Bác hãy quên đi bác ạ.
- Không, con không nhận giúp bác số tiền này thì không bao giờ bác quên được. Những đồng tiền này nó cứ ám ảnh bác mãi. Con không hiểu được lòng bác đâu. Bác đã đi xuống địa ngục rửa tội rồi, con không thể hiểu được.
- Bác, bác nói gì vậy? Ôi, bác lại say rồi phải không.
- Không! Từ lâu nay bác bỏ rượu rồi, bác có uống đâu mà say. Con cứ tưởng tượng xem những viên đá... những viên đá thằng Đô mua về.. những viên đá cưới đấy, nó vẫn cất giữ cẩn thận ở trong góc buồng. Ôi, những viên đá ấy nó cứ ám ảnh bác, không tin, con cứ cầm đèn vào trong buồng mà xem và những thứ này nữa.
Ngô Quất đứng dậy lật đật cầm đèn vào buồng lấy ra chiếc túi du lịch của Đô lôi ra bộ quần áo Đô mua cho Nga và mấy thứ đồ lặt vặt chuẩn bị cho ngày cưới hai đứa.
- Nó biên thư về, bom đạn thế, chả biết có sống được mà về...
- Bác, sao bác cứ nói những điều vớ vẩn thế. Anh Đô sẽ về, khi nào giải phóng miền Nam anh Đô sẽ về. Bác hãy giữ lấy mọi thứ này.
- Không, bác mong con hãy nhận lấy tất cả những thứ mà thằng Đô đã mua cho con.
- Không. Cháu không thể. Bác hãy giữ lấy cho anh Đô. Cháu không có quyền nhận những thứ này.
- Đừng Nga! Hãy nghe lời Bác. Nó đã biên thư về bảo bác hãy đưa cho con hết mọi thứ này. Mày không tin sao? Thư nó viết cho bác đây này.
- Không. Cháu không thể. Bác thông cảm cho cháu, cháu... cháu đã phản bội... bác không thể hiểu đâu, cháu đã phản bội anh ay cháu là kẻ xấu xa... xấu xa vô cùng...
Nga lao ra cửa, xót xa đi trên đường làng. Tiếng guốc dưới chân Nga khua vang trên mặt đường đá. Đôi guốc mới Tòng mua có đóng đinh dưới đế xiết trên mặt đá làm Nga thấy gai gai trong người. Những viên đã lát đường của lớp lớp gái trai làng Nguyệt Hạ bước vào đời. Những viên đá - lòng thủy chung son sắt của hết thảy mọi người đàn bà làng Nguyệt Hạ. Những viên đá...
Có tiếng cười rúc rích và nói chuyện của mấy chị mấy cô đi họp đội sản xuất, Nga bối rối vội lách vào trong ngõ ngang. Nga nhận ra tiếng cái Hòa, cô Bân, chị Hưởng đang bàn tán về chuyện Nga đưa khách về.
- Tay ấy với cái Nga là thế nào nhỉ, trông tướng có vẻ làm to.
- Chuyện. Quan tỉnh mà lại.
- Cái mắt ấy, đàn bà khối đứa chết.
- Sao bảo cái Nga lần này đi văn công.
- Ở cảnh nó, đi cho sướng cái thân.
- Gái có chồng rồi hay gì nghề xướng ca vô loài. Chồng đi xa mà cứ hơ hớ ra đấy giữ thế chó nào được...
Nga về tới ngõ đã nghe tiếng Tòng cười nói vui vẻ với người lái xe và mẹ Nga.
- Ở nông thôn ta bây giờ nhìn chung còn vất vả và lạc hậu lắm. "Đi ngày đàng học sàng khôn", chị cứ yên tâm để cho cháu nó đi. Tiếng hát của cháu Nga rồi đây cả nước sẽ hâm mộ...
Nga đứng lặng bên ang nước mưa. Bầu trời cao xa vời vợi. Thân cau đơn độc đứng thẳng tỏa hương thơm ngát. Bao ý nghĩ xới tung lên trong tâm trí Nga.
Chiều hôm sau, người lái xe đưa Tòng và Nga lên Ủy ban xã. Ông Lành bí thư, người làng Nguyệt Hạ đón Tòng rất niềm nở. Ông hết nhìn chiếc xe u oát đỗ ngoài cửa Ủy ban lại nhìn Tòng, nhìn Nga. Nga nhận ra ánh mắt của tất cả những cán bộ trong xã đang đổ dồn về phía Nga. Nga định nói với ông Lành mấy lời nhưng cổ cứ nghẹn lại. Tòng nhanh nhảu lay thuốc lá mời hết lượt mọi người rồi trịnh trọng nói với ông Lành:
- Báo cáo đồng chí bí thư, thật vinh dự cho xã nhà và may mắn cho chúng tôi đã phát hiện ra cô Nga có giọng hát chèo tuyệt vời. Cô Nga đã được đoàn chèo chuyên nghiệp chính thức tuyển chọn vào đoàn. Báo cáo các đồng chí, người có giọng hát được như cô Nga rất hiếm. Mong các đồng chí giúp đỡ... Cô Nga đã làm sẵn hồ sơ...
Tòng quay sang Nga có ý bảo Nga hãy đưa cho ông bí thư tập hồ sơ. Nga vừa định đưa tập hồ sơ đặt lên bàn thì ông Lành vội xua tay.
- Khoan đã - Ông Lành tỏ thái độ buồn rầu - Thật là phiền hà cho các đồng chí mãi từ trên tỉnh về tới đây. Tài năng của cô Nga thì chúng tôi biết từ lâu rồi. Cô Nga là một diễn viên xuất sắc của đội chèo làng Nguyệt Hạ. Từ ngày thanh niên đi bộ đội, đội chèo làng Nguyệt Hạ mới tan rã. Chúng tôi cũng đang có ý định thành lập một đội chèo của xã để phục vụ phong trào văn nghệ quần chúng.
Tòng hơi cau mày. Ông Lành ngập ngừng một lúc rồi vẫn giọng buồn rầu.
- Nhưng vấn đề lại không phải là ở chỗ ấy. Chúng tôi không dám giữ cô Nga về chuyện văn nghệ. Có một lý do đặc biệt mà chung tôi không thể cho đi thoát ly được, đó là cô ấy đã có chồng. Chồng cô ấy bây giờ đang là bộ đội chiến đấu ngoài mặt trận. Việc cô Nga đi thoát ly bây giờ phải phụ thuộc vào chồng cô ấy. Ai mà nỡ để cô ấy đi văn công trong lúc chồng cô ấy đi đánh giặc. Vấn đề này nó phức tạp lắm đồng chí ạ. Có những việc cữ ngỡ bình thường nhưng nó lại liên quan đến chính sách hậu phương quân đội. Làng xã này không phải mình cô Nga mà có hàng trăm người mẹ, người vợ có chồng con đi chiến đấu đấy đồng chí ạ.
- Các ông ích kỷ lắm, lạc hậu lắm - Tòng gắt - Người ta có tài chả lẽ bắt người ta đi cấy suốt đời sao.
- Đi cấy cũng là một nhiệm vụ lớn lao của cách mạng - Ông Lành bỗng nổi nóng. Ông vung tay đứng dậy giọng đầy kiêu hãnh - Tôi nói để đồng chí biết nhé, quan niệm của đồng chí là xúc phạm, là coi rẻ người dân lao động chúng tôi đấy.
- Thôi được rồi việc này tôi sẽ đưa lên huyện, lên tỉnh giải quyết vậy - Tòng nói vẻ hăm dọa.
- Đồng chí cứ việc đưa lên Trung ương tôi cũng mặc. Còn cô Nga - ông Lành nhìn thẳng vào mặt Nga nghiệm giọng - Tôi nói để cô biết, cô đang là vợ bộ đội. Cô đừng làm điều gì ảnh hưởng đến phong trào ba đảm đang của xã.
Nga bước theo Tòng ra khỏi văn phòng Ủy ban mà lòng rối bời. Tòng giận dữ kéo sầm cánh cửa xe. Chiếc xe lao đi cuộn lên một lớp bụi mù trước cửa văn phòng Ủy ban xã.
- Mẹ cái thằng xã mà ty toe - Tòng ấm ức chửi - Ông sẽ lên huyện bảo tay Đoàn bí thư nó trị cho sặc gạch.