Trong đại sảnh đường phái Đông-A. Chưởng môn nhân Trần Tự-Kinh ngồi ở ngôi chủ vị tiếp khách. Hiển-Trung vương Lý Long-Xưởng ngồi ở ngôi vị đệ nhất, kế tiếp là đô đốc Lý Long-Thần, tức Nhất-Liễu. Đông-A ngũ tuyệt cùng các phu nhân, các đệ tử đời thứ nhì, theo thứ bậc ngồi dưới. Một người, tuy là đệ tử rất thấp đời thứ ba, được đặt ngồi ngang với Long-Xưởng là Trần Thủ-Huy. Vì Huy là em kết nghĩa của vương. Đây là một sảnh đường lớn nhất của môn phái. Tường xây bằng đá, nền lát gạch. Cửa vào hai bên hông, theo hướng Nam, Bắc. Bàn thờ, bài vị thờ tổ đặt tại đầu Đông. Các hàng ghế đặt dài từ đầu Tây, hướng về bàn thờ. Ngay trước bàn thờ có cái hồ nhỏ, theo hình bát quái, đường kính khoảng bốn trượng, trong hồ đầy cá chép vàng lững lờ bơi lội. Long-Xưởng chắp tay vái cử tọa, rồi tiếp: - Vãn sinh đã trình bầy cái chí nông cạn rồi. Xin chư vị cho biết tôn ý? Không biết chư vị sẽ giúp vãn sinh được những gì? Đệ nhị nhân trong Đông-A ngũ tuyệt là Vũ Tử-Mẫn, được tôn là cái túi khôn của Đại-Việt ; đưa mắt nhìn sư phụ để hỏi ý kiến. Tự-Kinh gật đầu. Tử-Mẫn hướng vào Long-Xưởng: - Chí của điện hạ thực không nhỏ. Nếu được thi hành, thì Đại-Việt có cơ phục hồi phong khí đời các tiên đế. Từ thời đức Thái-tổ, phái Đông-A đã góp không ít công lao vào việc trấn Bắc, bình Nam. Nhưng từ ngày bọn Quách Quỳ, Triệu Tiết bị bại, phải rút quân (1077), phái Đông-A lại trở về với môn quy là tiêu dao với cỏ cây, hành hiệp giúp đời. Việc nội trị để cho triều đình. Vì vậy chúng tôi không giúp gì cho điện hạ được cả. Long-Xưởng đứng dậy cung tay: - Thưa Nhị-hiệp! Không biết môn quy của quý phái thế nào? Nhưng vào thời đức Thái-tổ ngoài Quốc-mẫu Thanh-Mai ra, còn có các đệ tử như Quốc-công Ngô An-Ngữ lĩnh Trường-yên tiết độ sứ. Các vị Đoàn Thông, Vũ Minh, Phạm Tuy từng lĩnh đô đốc, kẻ được phong hầu, người được phong công. Đến thời đức Nhân-tông tất cả các đô đốc đều là người qúy phái. Quốc dân thiên hạ vẫn nói rằng: Quốc gia an nguy thất phu hữu trách. Mọi an nguy của Đại-Việt đều do phái Đông-A trợ thủ. Thế mà nay Nhị-hiệp lại nói rằng, môn quy quý phái không cho đệ tử lĩnh trách nhiệm của trượng phu, thì vãn sinh không hiểu nổi. - Môn quy của thiểm phái thay đổi luôn luôn. Việc thiểm phái cho đệ tử xuất chính, vốn có từ trước. Sau khi tổ Tự-An quy tiên, thì tổ Tự-Mai (Kinh-Nam vương) tổ chức đại hội để xét lại một số điều lệ. Trong những điều lệ thay đổi đó có khoản tuyệt đối xa lánh công danh. Long-Xưởng ngồi nhổm dậy mỉm cười: - Điều này vãn sinh biết. Vãn sinh thử nói ra xem, nếu có gì sai, xin đại hiệp chỉnh cho. Trong đại hội đó quyết định ba điều quan trọng: Một là, đệ tử phải học văn luyện võ. Luyện võ để có sức khỏe, mà học văn. Học văn để có kiến thức nghiên cứu, phát huy những điều mới lạ cho võ. Hai là, lấy hành hiệp giúp đời, trong bốn lý: Đệ nhất lý là bảo vệ xã tắc. Đệ nhị lý là cứu khốn phò nguy. Đệ tam lý là tru diệt bọn sâu dân, mọt nước. Đệ tứ lý là trừ gian, diệt bạo. Ba là, lấy tiêu dao với cỏ cây làm nguồn vui, tuyệt đối xa lánh công danh. Nghe Long-Xưởng nói, Vũ Tử-Mẫn nhủ thầm: - Chết thực, từ trước đến giờ, nghe thiên hạ đồn thái-tử Long-Xưởng là một thần đồng, ta cho rằng quá đáng. Ban nãy, y vào đây ta cứ tưởng y là con nít, thì những phương lược y trình bầy để chỉnh đốn lại đất nước là của Thái-sư Lưu Khánh-Đàm ; nên ta thử y. Bây giờ y ứng khẩu đối đáp với ta thế này, thì y là một thiên tài thực. Ta hãy thử y ít câu nữa xem sao. Nghĩ vậy ông nói: - Đúng như điện hạ nói. Chúng tôi quyết vui với cỏ cây, mà không vướng vào vòng công danh, tham dự vào việc triều chính hầu giúp điện hạ thi hành cái chí. Long-Xưởng chắp tay đứng dậy vái cử tọa một lần rồi cười: - Đại hiệp hiểu lầm rồi. Vãn sinh không có ý định như thế. Không phải vậy. Muôn ngàn lần không phải vậy. Vãn sinh tới đây xin quý phái trợ giúp, đâu phải đem mấy đấu gạo, mấy đồng bạc ra để thỉnh các vị làm quan! Vãn sinh đến đây để nhờ các vị giúp sức bảo vệ xã tắc mà! Tự-Kinh là người đạo đức, ông không muốn thử Long-Xưởng như Vũ Tử-Mẫn. Ông hỏi: - Theo lão phu, từ khi vua Thần-tông băng, thì hậu cung bị cái nạn gà mái gáy, trong triều bị cái nạn ngoại thích hoành hành. Muốn trừ cái nạn này, chỉ cần hoàng-thượng hay điện hạ truyền một chỉ, đem tận số chúng ra xử tử là xong. Việc gì phải nhờ đến võ lâm? - Thưa lão đại hiệp, sự việc không giản dị như vậy đâu. Tình hình xã tắc sắp nguy trong sớm tối, nếu lão đại hiệp không ra tay thì nước sẽ mất không biết lúc nào. Mà người làm mất nước lại chính là cao đồ của quý phái, nên võ lâm không ai dám ra tay giết y. Bởi tục ngữ có câu: Đánh chó phải nể chủ nhà. Tự-Hấp kinh hãi: - Đệ tử bản môn? Y tên gì? - Thưa, y tên Mao Khiêm. Cả sảnh đường cùng bật lên tiếng ồ lớn. Tự-Hấp hỏi: - Thiểm phái quả có một đệ tử tên Mao Khiêm. Nhưng y về Tống từ lâu rồi, không có tin tức gì. Điện-hạ nói mất nước, ý chỉ việc Mao Khiêm làm gian tế cho Tống chăng? - Thưa đại hiệp không. Mao Khiêm không làm gian tế cho Tống, mà y công khai đưa giặc Tống vào trong nước từ mấy năm nay rồi! - Thế quân Tống đã nhập biên ư? Do tướng nào chỉ huy? - Thưa, giặc Tống không phải ở Ung, Liêm, Dung, Nghi, Bạch châu, hay ở Như-nguyệt, Cổ-pháp, mà chúng đã đến Thăng-long. Không phải chúng ở ngoài thành Thăng-long, mà chúng nằm ở trong Hoàng-thành. Xã tắc nguy như trứng chồng trên đá, một sớm, một tối sẽ trở thành quận huyện của Tống. Đau đớn thay giặc Tống lại do cao đồ của quý phái là Mao Bình đưa vào. Từ mấy năm nay, theo lệnh của chưởng môn Trần Tự-Kinh, Đông-A ngũ tuyệt dẫn đệ tử qua lại giang hồ trừ gian diệt bạo. Đệ ngũ tuyệt là Trần Tử-Giác, trong khi hành hiệp ở Thăng-long, thì gặp Lê Thúc-Cẩn. Thúc-Cẩn báo cho ông tất cả những tin tức về Cảm-Thánh thái hậu chuyên quyền, về việc Mao Khiêm làm gian tế cho Tống. Cảm-Thánh thái hậu dấu sứ đoàn trong cung, chuẩn bị phế nhà vua xuống, gây nội chiến, rồi Tống mang quân sang. Tử-Giác kinh hoảng, một mặt sai người báo cho sư phụ biết. Một mặt truyền lệnh cho các đệ tử tung người khắp Thăng-long theo dõi tình hình. Tự-Kinh nhận được hung tin, ông sai chim ưng mang thư đi triệu hồi tất cả các con, và năm đệ tử khẩn trở về, để bàn định phương sách đối phó. Tin này đến với vợ chồng Trần Tự-Hấp, giữa lúc ông bà đang dẫn hai con là Trần Thủ-Lý và Trần Thủ-Huy hành hiệp ở Kinh-Bắc. Ông bà vội vã dẫn con về phục mệnh. Trên đường từ Thăng-long xuôi Nam, ông bà gặp Nghi-tàm song ma đang đuổi bắt Long-Xưởng. Đúng ra, ông bà phóng chưởng đập chết chúng, để trừ đi hai tên ma đầu. Nhưng, vì không biết rõ Long-Xưởng là ai? Tại sao Song-ma lại muốn bắt cóc, nên bà cho con biến Song-ma thành trò cười, rồi phóng hai chiêu Bức-mạch vào người chúng, bắt chúng phải về Thiên-trường cung khai sự thực. Trong khi giao tiếp với Long-Xưởng, ông bà thấy ở thiếu niên này tỏa ra khí phách phi thường, lại muốn tìm mình để theo học. Bà đồng ý cho Thủ-Huy đi chung ngựa với Long-Xưởng, hầu dò lý lịch y. Nhưng khi ông bà về đến nhà, thì không thấy Long-Xưởng, Thủ-Huy đâu. Bà tức tốc sai năm con nuôi là Hoàng-Anh, Bạch-Hạc, Huyền-Mi, Thanh-Tước, Hồng-Yến đi tìm. Vì khắp trấn Thiên-trường, chỗ nào cũng có tai mắt của phái Đông-A, nên không khó khăn, năm thiếu nữ tìm ngay ra tung tích hai trẻ. Nào việc Long-Xưởng, Thủ-Huy kết nghĩa. Nào việc hai người xuống một du thuyền của đô đốc Nhất-Liễu, và thuyền đang xuôi ra biển. Năm người cũng thu được tin có con thuyền của bọn khách thương Tống, luẩn quẩn quanh Thiên-trường từ hơn tuần qua, không rõ với mục đích gì? Nghe năm con nuôi báo tin, Tự-Hấp biết ngay, đó không phải là thuyền buôn, mà bọn này là đệ tử phái Hoa-sơn sang tìm võ kinh. Vì từ lâu đã có nhiều đệ tử Hoa-sơn giả làm khách thương đến tìm bộ Vô-trung võ kinh, đã bị phái Đông-A đánh đuổi hoặc giết chết. Ông báo cho phụ thân cùng anh em, chư đệ tử biết. Tự-Kinh sai Vũ Tử-Mẫn lập kế, sai năm cô con nuôi của Tự-Hấp bắt cả bọn Hoa-sơn đem về tổng đàn, rồi giam trong lao xá. Nhắc lại, sau khi Thủ-Huy cùng Long-Xưởng, Nhất-Liễu nhảy xuống thuyền của Hoàng-Anh ; Thủ-Huy mới nói thực cho Long-Xưởng biết phụ thân mình chính là Trần Tự-Hấp, mẫu thân mình là Bùi Anh-Hoa. Nghe Thủ-Huy kể, Long-Xưởng mừng run lên được. Huy giới thiệu với Long-Xưởng năm cô gái dàn thuyền bắt bọn Hoa-sơn, là năm người chị nuôi của mình. Trong mấy năm qua, năm người được phái Đông-A dạy văn, luyện võ, rồi theo bố mẹ nuôi, cùng các sư thúc qua lại giang hồ hành hiệp, được võ lâm tặng cho mỹ danh là Vỵ-xuyên ngũ tiên. Khi Vỵ-xuyên ngũ tiên dẫn Long-Xưởng, Thủ-Huy gặp Tự-Hấp, ông bà mới biết thiếu niên mà mình gặp gỡ giữa đường chính là thái-tử Lý Long-Xưởng, tước phong Hiển-Trung vương. Oâng bà vội báo cho phụ thân biết, rồi sai đánh trống họp đệ tử ở đại sảnh đường dùng lễ tiếp thiếu niên này. Bây giờ nghe Long-Xưởng nói: Giặc Tống đã ở trong Hoàng-thành Thăng-long, và lại do đệ tử phái Đông-A là Mao Khiêm đưa vào, Tự-Kinh vội chắp tay: - Nếu quả Mao Khiêm đã gây ra những điều tai hại cho xã tắc, cho võ lâm, lão phu xin chịu lỗi. Nay lão phu tuổi đã cao, ít qua lại giang hồ, nên không biết Mao Khiêm đã gây ra những gì bất lợi cho đất nước. Mong điện hạgiải thêm chi tiết, thì lão phu mới hiểu rõ, để còn trừ y. Long-Xưởng thứ tự tường thuật: Nào Mao Kính âm thầm chép võ công Trường-bạch mật trao cho vợ. Mao Khiêm được thế tử Vị-Hoàng thu làm đệ tử, rồi y theo sứ Tống cải táng Trường-bạch song hùng về Trung-nguyên. Triều đình Tống sai y làm thông dịch theo sứ đoàn. Khi sứ đoàn về, y trốn lại tiềm ẩn trong phủ Đỗ Anh-Vũ, dạy Huyền-âm nội lực cho y. Nào y dùng độc chưởng khống chế các chưởng môn nhân, để lấy bí lục các phái, đem về cho Tống triều, để Tống triều nghiên cứu phá cách. Còn việc y giết Khánh-Hỷ đại sư, thì Long-Xưởng nói tréo đi là do Anh-Vũ ám toán. Mao còn dạy năm đệ tử là Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên. Nào y đưa bọn Ngô Giới, Lưu Kỳ ẩn trong cung Cảm-thánh. Nào bọn Ngô, Lưu với y giúp thái-hậu tổ chức cung Cảm-Thanh thành triều đình riêng với đầy đủ chức quan. Nào y với bọn Ngô khuyên thái-hậu lập những đội Phụng-quốc vệ như một quân đội riêng. Nào bọn Ngô, Lưu với Mao Bình chỉ còn chờ dịp phế nhà vua xuống, đưa Lưu Kỳ lên làm vua... Nào là khi Long-Xưởng đi Thiên-trường, thì thái-hậu sai Nghi-tàm song ma, sai Nhất-Liễu đón đường hại. Nào bọn Ngô, Lưu bắt Long-Xưởng với Thủ-Huy. Tất cả những việc đó có nghĩa là thái-hậu với bọn Ngô, Lưu công khai hành sự, coi Đại-Việt như giang sơn Tống vậy. Nghe Long-Xưởng với Thủ-Huy trình bầy, Tự-Kinh hỏi các con, các đệ tử: - Bây giờ chúng ta phải làm gì? Các con nghĩ, chúng ta phải đối phó vụ này ra sao? Con thứ của Tự-Kinh là Tự-Duy bàn: - Thưa bố, con nghĩ mình phải phân vụ này ra làm ba. Một là đối phó với Mao Khiêm, Ngô Giới, Lưu Kỳ. Đối với Mao, thì chúng ta phải thanh lý môn hộ. Còn bọn Hoa-sơn, chúng sang đây với mục đích tìm bộ Vô-Trung võ kinh. Vụ này chúng ta đã giải quyết xong. Ba là, vụ thái-hậu chuyên quyền, vụ này ta không nên can thiệp vào. Tử-Mẫn xua tay tỏ ý phản đối: - Ta không thể... Đến đó đệ tử vào báo: - Có chưởng môn phái Tiêu-sơn là Pháp-Dung đại sư, chưởng môn phái Mê-linh là Nghi-Ninh sư thái, chưởng môn phái Tản-viên là Tôn Đức-Hòa, chưởng môn phái Sài-sơn là Lê Thúc-Cẩn, xin cầu kiến. Tự-Kinh đứng lên vẫy hai con và năm đại đệ tử: - Quý khách tới đây cũng không ngoài việc Mao Khiêm, Ngô Giới, Lưu Kỳ. Chúng ta phải ra đón quý khách. Long-Xưởng đứng dậy: - Vãn sinh cũng xin được ra đón các vị đạo cao, đức trọng này, để tỏ lòng ngưỡng mộ. Tới cổng trang, Tự-Kinh cung tay: - Không biết trận gió nào thổi, mà cả bốn vị đại tôn sư lại giá lâm tệ trang thế này! Bốn vị đều chắp tay đáp lễ. Lê Thúc-Cẩn chỉ vào Long-Xưởng: - Thưa lão đại hiệp, trận gió đưa chúng tôi tới cầu kiến đại hiệp là điện hạ đây. Lễ nghi tất. Phân ngôi chủ khách xong. Long-Xưởng nghĩ thầm: - Chắc chắn các vị tôn sư tới đây là do lời mời của Lê Thúc-Cẩn rồi. Hẳn ông đã thông tri cho các vị biết những gì Đỗ Anh-Hào cung khai. Còn những tin tức ta mới thu lượm trong chuyến đi vừa rồi, thì các vị này chưa biết. Vậy ta phải tường thuật chi tiết, rồi trao hết trách nhiệm cho họ. Có như vậy họ mới chịu ra tay. - Kính thưa các vị đại tôn sư. Xưởng này là đứa trẻ tóc còn đỏ, kiến thức không làm bao. Nhưng vì cái họa mất nước trong sớm tối, nên lớn mật xin các vị cho phép được trình bầy tất cả nguy cơ mất nước đó. Đại sư Pháp-Dung cung tay đáp lễ: - Xin điện hạ cứ nói. Long-Xưởng theo thứ tự trình bầy diễn tiến những gì đã xẩy ra. Rồi nhấn mạnh đến vụ án Khánh-Hỷ đại sư, Nghi-Hòa sư thái, đại hiệp Đặng Phi-Sơn bị gian nhân hãm hại: - Khi vụ án xẩy ra, thì triều đình không biết hung thủ là ai. Cho đến nay, vãn sinh mới biết là do ác nhân Đỗ Anh-Vũ ám toán. - Điện hạ lầm rồi. Pháp-Dung đại sư lắc đầu: Anh-Vũ là đệ tử tục gia của bản phái. Võ công của y bình thường. Y không đủ công lực dồn độc tố vào người sư huynh Khánh-Hỷ, dù đánh trộm. Bằng cớ là, khi hoàng-thượng khám phá ra vụ y tư thông với Cảm-Thánh hoàng thái hậu, người truyền chỉ cho Chiêu-hòa vương Lý Long-Vũ bắt y. Y đấu với vương được vài chục hiệp thì bị bại. Lại nữa, khi Trí-Minh vương, Bảo-Minh hầu v.v. tổ chức binh biến, y bị phò mã Dương Tự-Minh đánh có ba chiêu thì bị bắt. Với công lực như thế, y không đủ khả năng đả thương một thủ tọa Vạn-Hạnh đường. Mọi người đều gật đầu, công nhận kiến giải của Pháp-Dung đại sư có lý. Pháp-Dung tiếp: - Người đả thương sư huynh Khánh-Hỷ không hẳn với mục giết người. Nếu như sát nhân chủ tâm giết sư huynh, thì sau khi sư huynh bị trúng độc chưởng, công lực không còn, đau đớn cùng cực, y chỉ việc búng tay một cái, người đã viên tịch rồi. Đại-sư chỉ vào Lê Thúc-Cẩn: Hồi ấy, khi đươc tin báo sư huynh bị trúng Huyền-âm độc chưởng. Bần tăng sai đệ tử đem người về chùa Tiêu-sơn, rồi sai đệ tử thỉnh Lê tiên sinh, xin điều trị. Nhưng bấy giờ Lê tiên sinh đang vân du Xiêm-quốc, mà các đệ tử thì không ai biết trị cái độc công này cả. Khi Lê tiên sinh trở về tìm ra được thuốc giải, thì sư huynh bần tăng đã viên tịch. Trước khi viên tịch, sư huynh mới tiết lộ cho bần tăng biết rằng: Sát nhân dùng võ công Đông-A, để xử dụng Huyền-âm nội lực. Y ra điều kiện cho sư huynh, nếu người trao cho y toàn bộ pho Thiền-công của bản phái, thì y sẽ trao cho thuốc giải. Nhưng sư huynh bần tăng đành chọn cái chết, chứ không chịu phản lại môn hộ. Lê Thúc-Cẩn tiếp lời Pháp-Dung: - Từ hai chục năm nay, trong võ lâm đã xẩy ra không biết bao nhiêu nghi án, do Huyền-âm độc tố gây ra. Nào Chiêu-Hiếu thái hậu, nào Lệ-Thiên hoàng hậu, nào Lý Sơn...Nhưng đó lànhững vụ án trong Hoàng-cung. Đến vụ án Khánh-Hỷ đại sư, Nghi-Hòa sư thái, đại hiệp Đặng Phi-Sơn thì thực là điều không bao giờ võ lâm có thể tưởng tượng nổi. Vì đại sư là thủ tọa Vạn-hạnh đường, nội công cao thâm không biết đâu mà lường. Hai vị chưởng môn phái Mê-linh, Tản-viên, công lực đâu có thấp? Như vậy công lực sát nhân phải cao thâm khôn lường??? Tôi nghĩ chỉ tên Mao Khiêm mới có công lực này. Nghi-Ninh sư thái đưa mắt nhìn Pháp-Dung, Lê Thúc-Cẩn, Tôn Đức-Hòa: - Cái tin phái Hoa-sơn đem đại lực lượng sang Đại-Việt, đích thân Trung-nhạc Tung-sơn đạo sư Ngô Giới chưởng môn nhân cầm đầu, liệu có đúng không? Bần ni thấy trung gian có gì khó hiểu. Bởi hai năm trước, phái Hoa-sơn tổ chức giỗ tổ. Đạo sư có đạt thư mời anh hùng võ lâm Hoa, Việt, Xiêm, Cao-ly, Đại-lý...Bần ni đã được tiếp xúc với Hoa-nhạc tam nương. Họ là những người đạo cao, đức trọng, võ công cao thâm không biết đâu mà lường. Bần ni đã kết bạn với các vị đó. Không lẽ, nay vì mấy đấu gạo, mà Ngô đạo sư cùng Tam-nương bỏ núi Hoa-sơn sang Đại-Việt, làm chuyện bất chính? Pháp-Dung đại sư cũng than: - Năm đó, bần tăng có kết bạn với Trung-nhạc Tung-sơn Ngô Giới, bần đạo thấy đạo sư quả đã chán thế tục. Không lẽ nay lại đi làm mật sứ cho Tống? Long-Xưởng quả quyết: - Các vị đã kết bạn với các cao thủ Hoa-sơn, và nhận xét về họ như vậy, vãn sinh không dám nói rằng các vị sai lầm. Nhưng sự thực là sự thực. Lát nữa đây các vị sẽ thấy lời của vãn sinh là đúng. Tôn Đức-Hòa than: - Nếu quả sự việc đã như vậy, thì chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn được nữa rồi. Công việc chúng ta là phải gạt bỏ tình riêng ra ngoài. Ta có hai việc phải làm là giết bọn Ngô Giới, Lưu Kỳ, Mao Khiêm, cùng diệt cái triều đình gà mái gáy kia. Để hành động thống nhất, ta phải bầu lấy một vị làm minh chủ. Nghi-Ninh sư thái chỉ Tự-Kinh: - Trong vụ này, thì phái Đông-A liên hệ nhiều nhất. Vậy xin đại hiệp Tự-Kinh đứng làm minh chủ cho. Pháp-Dung, Lê Thúc-Cẩn, Tôn Đức-Hòa cùng họa theo: - Đúng vậy. Vả trong chúng ta đây, thì Trần đại hiệp là người cao niên nhất. Tự-Kinh đành nhận trách nhiệm. Oâng gọi Vũ Tử-Mẫn: - Chư vị đã tín nhiệm chúng ta. Vậy con hãy trình bầy kế hoạch lên để các vị cho biết tôn ý. - Kính thưa các vị. Ta không thể tách vụ diệt sứ đoàn Tống, bọn gian Mao Khiêm với triều đình gà mái gáy ra được. Hai vụ khác nhau mà là một. Mọi người công nhận lý luận của Tử-Mẫn. Tử-Mẫn tiếp: - Cái triều đình gà mái gáy này thực không tầm thường. Trước đây đã có ba cuộc lật đổ, mà không thành. Đầu tiên, Chiêu-Hòa vương ra tay trừ Đỗ Anh-Vũ, rồi bị giết cả nhà, vì thái-hậu che chở cho y. Sau biến cố đó, Anh-Vũ củng cố thêm thế lực, thành ra Trí-Minh vương phải hợp với bọn Vũ Đái, lực lượng hùng mạnh hơn y, mới thành công. Nhưng thành công, mà không đồng tâm, nhất trí, rồi cũng bị giết. Đến đây, thái-hậu công khai nắm quyền. Rồi mấy năm trước, chính Hoàng-hậu, với điện hạ được phái Mê-linh đứng sau, được Côi-sơn song ưng giúp đỡ. Cũng thành công, nhưng chỉ biết mình, mà không biết người ; tức không biết đến bọn sứ đoàn ẩn trong cung Cảm-Thánh. Rút cuộc thành công nửa chừng. Nghi-Ninh sư thái thở dài: - Bây giờ chúng ta cùng ra tay cứu nước. Vậy cái gì nên làm trước? Cái gì nên làm sau? Ta phải hành động thế nào để tránh đổ máu? Tử-Mẫn hỏi Long-Xưởng: - Liệu thái-hậu có thể ra lệnh cho Thiên-tử binh, cũng như các đạo binh địa phương không? - Không! Thái-hậu chỉ có thể điều động năm đội Phụng-quốc vệ trực thuộc mà thôi. Còn muốn điều động Thiên-tử binh, cũng như các đạo binh địa phương thì phải do phụ hoàng, hoặc vãn sinh ban chỉ trực tiếp cho quản Khu-mật viện. Quản Khu-mật viện là Bảo-Ninh hầu Lý Long-Can, trưởng ty Phòng-ngự là Long-nhương thượng tướng quân Lưu Khánh-Bình sẽ làm lệnh. Lệnh xuất quân phải do hai người này ký, chứ một người thì tướng chỉ huy các hiệu binh cũng không tuân. - Vậy bây giờ thế này. Tử-Mẫn tiếp: Một mặt chúng ta gửi cao thủ về giúp thái-tử. Thái-tử dùng các cao thủ làm chủ Hoàng-thành, cùng kiềm chế bọn quan theo cung Cảm-Thanh, và gia đình chúng. Một mặt ta dụ hổ ly sơn, sao cho năm đội Phụng-quốc vệ rời xa Thăng-long. Khi chúng rời Thăng-long, ta kiềm chế vợ con chúng. Ở xa Thăng-long chúng được tin các gian thần theo phe Cảm-Thánh bị bắt hết, vợ con bị kiềm chế, ắt chúng phải đầu hàng. Mọi người công nhận mưu của Tử-Mẫn thực thần diệu. Tử-Mẫn hướng Long-Xưởng: - Thái-tử trở về, lờ đi như không biết vụ thái-hậu sai Nghi-tàm song ma, Nhất-Liễu đón đường bắt thái-tử. Thái-tử làm như sợ thái-hậu, muốn lấy lòng thái-hậu. Thái-tử ban chỉ sai chư tăng chùa Chiêu-thiền làm chay cầu siêu cho Đỗ Anh-Vũ và gia quyến y. Lấy lý đó, phái Tiêu-sơn âm thầm đem về hơn trăm cao thủ, mà thái-hậu không nghi ngờ gì cả. Đúng đêm hành sự, thì thái-tử thỉnh chư tăng tới Đông-cung để cúng dàng cơm chay. Khi khởi sự thì chư tăng ra tay bắt hết bọn Phụng-quốc vệ canh gác Đông-cung, cùng bọn gian thần theo cung Cảm-Thánh. Pháp-Dung mỉm cười gật đầu vui vẻ: - Điều này rất dễ. Bởi từ trước đến giờ mỗi khi chùa Chiêu-thiền lập đàn tràng, thường mời ít ra hơn trăm tăng chúng về trợ giúp. - Bây giờ tới phái Mê-linh. Tữ-Mẫn hướng Nghi-Ninh sư thái: Nhân đền thờ vua Trưng mới được xây. Phái Mê-linh gửi trăm cao thủ, chia ra làm hai chục toán, kéo về Thăng-long, đi quyên giáo, lấy tiền đúc tượng mười hai nữ đại công thần. Ẩn thân tại các ni am. Khi khởi sự thì cùng nhập Hoàng-thành trợ giúp hoàng-hậu, chiếm cung Cảm-Thánh, kiềm chế gia thuộc bọn gian thần. Ghi chú của thuật giả: Thời Lĩnh-Nam có 162 anh hùng cùng nổi dậy theo vua Trưng. Trong số 162 anh hùng ấy thì 12 nữ tướng được coi như đại công thần. Mười hai nữ đại công thần triều đình vua Trưng là: 1. Minh-từ hoàng thái hậu Hoàng Thiều-Hoa. 2. Tể tướng Nguyễn Phương-Dung. 3.Tư-đồ, công chúa Nguyệt-Đức Phùng Vĩnh-Hoa. 4. Bình-Ngô đại tướng quân, công chúa Nguyễn Thánh-Thiên. 5. Đại đô đốc, công chúa Gia-Hưng Trần Quốc. 6. Chinh-Bắc đại tướng quân, công chúa Phật-Nguyệt. 7. Trấn-viễn đại tướng quân, công-chúa Tây-vu Hồ Đề. 8. Trấn-Đông tướng quân, công chúa Đông-Triều Lê Chân. 9. Uy-viễn đại tướng quân, công chúa Bát-Nàn Vũ Trinh-Thục. 10.Long-nhương đại tướng quân, công chúa Yên-lãng Trần Năng. 11. Ninh-viễn đại tướng quân Công chúa Đăng-châu Đào Phương-Dung. 12. Tổng trấn Luy-lâu, công chúa Khâu-Ni Quách-A. Xin đọc Anh-hùng Lĩnh-Nam, Động-đình hồ ngoại sử, Cẩm-khê di hận của Yên-tử cư sĩ do Nam-á Paris xuất bản. Nghi-Ninh sư thái hỏi: - Đệ tử Mê-linh hầu hết đều dùng kiếm. Trong khi đi quyên giáo, không lẽ cũng mang kiếm theo? - Sư thái hỏi thực phải. Kiếm đó, thái-tử sẽ đem vào cung từ trước. Tử-Mẫn hướng vào Lê Thúc-Cẩn: - Bây giờ tới phái Sài-sơn. Phái Sài-sơn gửi hơn trăm cao thủ, giả làm thầy thuốc, về Thăng-long, bán thuốc rong. Đúng giờ khởi sự thì ào vào điện Uy-viễn, bắt hết bọn Phụng-quốc vệ canh phòng, rồi bảo vệ các quan tại đây. Lê Thúc-Cẩn phì cười: - Điều này hơi khó, vì chỉ có người Hoa mới bán thuốc rong, chứ đệ tử bản phái chưa từng làm việc này. Thôi được chúng tôi xin cố gắng. - Còn đệ tử phái Tản-viên, Tôn đại hiệp gửi càng nhiều cao thủ càng tốt. Tất cả giả làm tiều phu, đẩy xe chở củi về Thăng-long bán. Tối, tối ẩn ở bờ hồ Tây. Khi khởi sự, thì chia nhau ra kiềm chế tất cả gia thuộc bọn Phụng-quốc vệ thuộc cung Cảm-Thánh. Pháp-Dung đại sư tỏ vẻ lo lắng: - Thưa Nhị-tuyệt, hiện thái-hậu có năm trăm Phụng-quốc vệ, bọn này được chỉ huy bởi Mao Khiêm. Theo như bần tăng biết thì bản lĩnh Mao Khiêm cao thâm không biết đâu mà lường, cạnh y còn các cao thủ bậc nhất Hoa-sơn. Bần tăng e khi chúng ta khởi sự, thì chúng sẽ tiến chiếm cung Long-thụy, uy hiếp Hoàng-thượng, để người ban chỉ gọi Thiên-tử binh về thì ta khó mà thành công. Đại hiệp phải làm thế nào, để có thể khiến cho Mao Khiêm với Phụng-quốc vệ rời Thăng-long thì mới hy vọng thành công. Tự-Hấp đáp thay cho sư đệ: - Đại sư yên tâm. Việc đối phó với Mao Khiêm và năm đội Phụng-quốc vệ, thì phái Đông-A xin lĩnh trách nhiệm. Tại hạ sẽ tìm cách cho đem Mao Khiêm với năm đội Phụng-quốc vệ về Thiên-trường. Anh em tại ha ïsẽ thanh lý môn hộ. Còn bọn Hoa-sơn thì không cần. _?!?!?! - Chúng tôi mới bắt được một bọn khách thương người Hoa. Chúng dùng thuyền, xâm nhập địa phận bản phái. Thẩm vấn sơ khởi, chúng khai là người phái Hoa-sơn. Để tại hạ sai đưa chúng vào đây, hầu các vị cùng thẩm cung. - Đại hiệp nói chúng là người phái Hoa-sơn?!?! - Vâng! Tự-Hấp lên tiếng: - Mấy đứa con gái của bố đâu? Mau ra mắt các bậc tôn trưởng. Vỵ-xuyên ngũ tiên cùng dạ ran, rồi tiến lên hành lễ. Tự-Hấp hỏi: - Đám khách thương xưng là người của phái Hoa-sơn đâu, các con mời họ vào đây. Các tôn sư võ học không ai lạ gì Tự-Hấp, bất cứ trường hợp nào ông cũng dùng lời lẽ khách khí. Rõ ràng đám người bị bắt, bị cầm tù, bị thẩm vấn, mà ông dùng chữ khách thay cho tù, mời thay cho giải, tương kiến thay cho thấy mặt. - Dạ. Hoàng-Anh hô: - Mời Hoa-nhạc tam nương vào. Một nữ đệ tử dẫn ba đạo cô, đầu bị trùm bằng cái mũ vải đen, tay bị trói dính thành một phiến. Lối trói của phái Đông-A rất đặc biệt: Cánh tay, cùi chỏ, cườm tay trái của người thứ nhất, bị cột dính vào với cánh tay, cùi chỏ, cườm tay phải của người thứ nhì. Cũng như vậy, cánh tay, cùi chỏ, cườm tay trái của người thứ nhì cột dính vào tay phải người thứ ba. Cả ba người im lặng không nói lời nào. Rõ ràng họ bị điểm á huyệt. Bạch- Hạc hô: - Mời Hoa-nhạc tam phong vào. Một nam đệ tử dẫn ba đạo sĩ vào. Họ cũng bị trùm đầu, bị trói dính chùm với nhau. Cả ba không nói một câu nào. Mặt họ cúi gầm xuống. Huyền-Mi hô: - Mời Ngũ-nhạc đại lĩnh vào. Mười đệ tử khiêng năm cái cũi. Mỗi cái giam một đạo sĩ, quần áo ướt như chuột, ngồi ủ rũ ở trong, đầu cũng bị trùm. Tiếp theo một cái cũi nữa, trong giam Lưu Kỳ. Tôn Đức-Hòa kinh ngạc hỏi Tự-Kinh: - Lão đại hiệp! Tại hạ nghe, Ngũ-lĩnh, Tam-phong, Tam-nương của phái Hoa-sơn, bản lĩnh cao thâm không biết đâu mà lường. Đại hiệp làm cách nào mà bắt được họ? Những người trùm đầu này có thực là người của phái Hoa-sơn không? Tự-Kinh trả lời bằng cái lắc đầu: - Già này có biết gì đâu? Ông hỏi Vỵ-xuyên ngũ tiên: - Các cháu ngoan của ông! Ai đã bắt những người này? Bắt bằng cách nào? Họ là ai? Hoàng-Anh cười khúc khích, tay chỉ vào Long-Xưởng, Tự-Huy: - Thưa ông! Hôm qua, chị em chúng con đang đi đánh cá, thì dân trong trang báo rằng có bọn cướp Tầu-ô, nhập vào địa giới nhà mình. Năm đứa chúng con theo dõi chúng, thì thấy chúng bắt cóc Hiển-Trung vương với tiểu sư đệ định đem về Tầu. Bọn con phải ra tay giải thoát, rồi bắt chúngï giam lại chờ giải lên quan. Sáng nay con đã thưa với mẹ. Mẹ bảo chúng con thẩm cung. Không những chúng bướng bỉnh, che dấu lý lịch, mà còn làm phách. Chúng lớn lối tự xưng những cái gì là Hoa-nhạc tam nương, Hoa-nhạc tam phong, Ngũ-nhạc đại lĩnh. Nàng chỉ vào Ngô Giới với Lưu Kỳ: - Còn hai người này, dường như họ điên thì phải. Họ xưng là Thiên-sứ. Một người tự xưng là Đặc-tiến Khai-phủ nghị đồng tam tư, lĩnh Tứ-xuyên tuyên vũ sứ. Một người tự xưng Hoài-Nam hầu Giang-hoài tiết độ sứ. Năm cô gái vừa nói, vừa cười, vừa đem bọn tù nhân ra làm trò cười. Tự-Kinh cũng cười theo. Nhưng trong cái đùa đó của năm cô gái, họ tìm thấy một sự thật: Không biết bằng cách nào đó, bọn này đã bị các cô bắt. Nguyên đại hiệp Tự-Kinh tuổi đã cao, tính tình ông trở thành vui vẻ dễ dãi với con cháu. Vì vậy bọn Vỵ-xuyên tứ tiên luôn tìm những lời nói làm cho ông bật cười, nên ông cực kỳ yêu thương năm đứa cháu nuôi này. Giữa ông cháu, luôn luôn có tiếng cười, giọng nói tự nhiên, riết rồi thành quen. Liếc nhìn mười hai người, bất động, mà không nói được câu nào. Tự-Kinh biết họ bị đám cháu mình điểm huyệt. Oâng chĩa ngón tay chỏ điểm liên tiếp năm chỉ. Năm tiếng véo rít lên ghê tai, lập tức Ngũ-đại lĩnh rùng mình một cái chân tay hoạt động được như thường. Tuy bị bắt, bị giam trong cũi, đầu bị trùm kín, nhưng Lưu Kỳ vẫn hống hách: - Năm con tiện tỳ kia, chúng ta là Thiên-sứ, mà bọn mi dám làm nhục chúng ta ư? Bọn mi có mau mở cũi cho ta ra, rồi rập đầu tạ tội không? Bằng như mi chậm trễ, thái-hậu sẽ đem quân san bằng cả làng này, giết hết bọn bay, cho đến con chó, con mèo cũng không tha. Trong Vỵ-xuyên ngũ tiên, thì Huyền-Mi là cô gái nhanh miệng nhất. Cô cười khúc khích: - Này ông! Ông nói sao nghe lạ tai dữ? Bất quá bọn ông là những tên cướp Tầu-ô, bị năm đứa con gái chúng tôi bắt như bắt ba ba trong rọ. Oâng là cái gì, mà thái-hậu phải đem quân trả thù cho ông? Lại nữa, thái-hậu thì phải ở trong cung, ngày đêm dạy dỗ hoàng tử, công chúa, chứ thái-hậu đâu có cầm quân, mà ông đem người ta hăm dọa? Nguyên sau khi Ngô Giới, Lưu Kỳ bị đắm thuyền, bị lưới chụp lên đầu, bị dìm dưới nước cho đến khi mê man, rồi không biết gì nữa. Khi hai người tỉnh dậy, thì thấy mình cùng Ngũ-nhạc đại lĩnh, với Lưu Kỳ bị giam trong sáu cái cũi đồng. Phía sau là Hoa-nhạc tam phong, Hoa-nhạc tam nương. Kẻ thì bị trói, người thì bị đóng gông. Y hỏi Tam-phong, Tam-nương lý do bị bắt, thì cả sáu người đều hiện ra vẻ thẹn thùng, trả lời ấp úng, như bất đắc dĩ. Suốt đêm, mười hai người không được nằm, bị muỗi đốt, ngủ không được. Không cần bàn luận, Ngô Giới cũng biết rằng mình bị phái Đông-A ra tay. Vì nội trong trấn Thiên-trường không có thế lực nào đủ khả năng làm những việc như vậy. Bây giờ, Ngô cùng tùy tùngï bị trùm vải lên đầu, bị điểm huyệt, bị đưa vào sảnh đường không biết để làm gì? Chết thì Ngô không sợ, Ngô chỉ sợ bị làm nhục mà thôi. Ngô đang suy nghĩ, tìm kế an toàn, thì Lưu Kỳ đã đưa ra lời phách lối. Ngô Giới biết gã sư đệ Lưu Kỳ chỉ có bộ vó đẹp trai, hữu dũng vô mưu, nóng nảy. Nếu để y đấu khẩu với năm cô gái này, thì chỉ làm trò cười cho mấy trăm người hiện diện mà thôi. Ngô ôn tồn hỏi năm cô gái: - Các người là ai, mà dùng thủ đoạn hèn hạ bắt chúng ta thế này? Nam nhi đại trượng phu, làm gì cũng phải quang minh chính đại. Nếu các người là anh hùng thì hãy mở cũi, dùng bản lĩnh chân thực thắng chúng ta, thì chúng ta mới phục. Huyền-Mi cười khúc khích: - Dường như ông đang lên đồng thì phải. Ông tỉnh lại đi chứ? Bắt các ông là năm chị em chúng tôi. Chúng tôi là con gái mà sao ông lại bảo chúng tôi là nam nhi đại trượngï phu! Chợt nghĩ được một kế, Long-Xưởng móc tín bài, đưa cho Thủ-Huy: - Phiền nhị đệ sai môt gia nhân, đem tín bài này triệu viên huyện lệnh Thiên-trường cùng đội Hình-binh tới đây chờ chỉ dụ của huynh. Thủ-Huy cầm tín bài ra ngoài. Tự-Kinh ra lệnh: - Các cháu mở khăn trùm đầu cho họ. Khăn được mở ra. Tất cả các đại tôn sư cùng bật lên tiếng ồ kinh ngạc. Tôn Đức-Hòa hỏi Đông-nhạc Thái-sơn: - Đông-nhạc đạo sư! Sao người ra nông nỗi này? Nghi-Ninh sư thái hỏi Hoa-nhạc tam nương: - Hỡi ơi! Thì ra Vân-Đài, Công-Chúa, Mao-Nữ tiên tử! Các vị đã làm gì, để bị bắt trói. Khổ không? Lê Thúc-Cẩn cũng than cho Hoa-nhạc tam phong: - Ôi! Liên-Hoa, Tiên-Nhân, Lạc-Nhạn đạo sư? Khổ quá, các vị là những đạo sĩ đạo cao đức trọng, mà sao lại đi ăn cướp rồi bị bắt, bị cầm tù? Pháp-Dung đại sư đứng dậy, ông vuốt tay giải huyệt cho Ngũ-nhạc đại lĩnh: - Chư vị đạo sư! Chỗ thanh cao, sao các vị không ở, mà lại sang đây làm việc bất chính này? Liếc nhìn qua cử tọa, Ngô Giới thấy đủ mặt các chưởng môn nhân đại môn phái Đại-Việt, mà y đã quen biết năm trước. Duy chưởng môn phái Đông-A là y chưa biết mà thôi. Tuy nhiên, cứ tình hình này, y đoán ra rằng trong mấy trăm người ngồi đó, ắt có Trần Tự-Kinh. Y chỉ tay vào năm đại tôn sư: - Thì ra các người là chưởng môn của năm đại môn phái Đại-Việt đấy. Các người dùng thủ đoạn hèn hạ bắt chúng ta, mà cũng dám tự hào là đại tôn sư chăng? Bần đạo cảm thấy nhục nhã, vì trong quá khứ đã kết thân với các người. Tôn Đức Hòa chỉ vào Vỵ-xuyên ngũ tiên: - Thưa Ngô đạo sư, đây là tổng đường phái Đông-A. Anh em chúng tôi là khách. Còn người bắt các vị là năm tiểu cô nương này. Năm vị cô nương vốn là đệ tử đời thứ ba của phái Đông-A. Ông chỉ vào Tự-Kinh: - Vị này là chưởng môn nhân phái Đông-A. Đạo sư muốn khiếu nại, thì xin khiếu nại với người. Hoàng-Anh hỏi Ngô Giới: - Ngô đạo sư, chị em tôi bắt các vị bằng võ công Đông-A chính tông. Chúng tôi không hề dùng ám khí, cũng chẳng dùng độc dược, mà đạo sư bảo là ám muội ư? - Dùng lưới cá bắt người, lặn dưới nước dìm người, cũng là võ công ư? - Đúng vậy! Đại-Việt chúng tôi có môn Quy-tức công tức phép nín thở như loài rùa do công chúa Gia-Hưng thời Lĩnh-Nam chế ra. Với bản lĩnh này, chúng tôi có thể lặn dưới nước hằng giờ. Xưa công chúa Gia-Hưng đã thắng danh tướng Hán là Phù-lạc hầu Lưu Long, giết Nam-an hầu đại đô đốc Đoàn Chí. Ngày nay, chúng tôi lại dùng để thắng Ngô đạo sư với sư đệ của người là Lưu Kỳ, thì cũng là sự thường thôi. Nàng mỉm cười, tay chỉ vào những dụng cụ đánh cá treo trên tường cùng với các vũ khí khác: - Tổ tiên chúng tôi làm nghề đánh cá mưu sinh, cho nên chúng tôi xử dụng thành thạo vó, lưới, chài, cụp, rọng, te, lờ, đó... riết rồi thành môn võ công. Võ công tung chài bắt các vị của chị em tôi có tên Đông-A Thiên-la thập bát thức. Pho võ công này do thái sư phụ của chúng tôi đã tốn không biết bao nhiêu tâm huyết, phối hợp nội công, quyền, chưởng, chỉ, và phép điểm huyệt chế ra. Tự-Hấp chỉ Vỵ-xuyên tứ tiên: - Các con hãy nói rõ, các con dùng chiêu thức gì mời các vị đây, để chư vị tôn sư xét xử xem có đúng không? Bạch-Hạc chỉ vào Tây-nhạc Hoa-sơn: - Thưa bố, vị này dùng thức khinh thân Thần-điêu xung thiên nhảy xuống thuyền của con, tay ra chiêu Ưng-trảo định bắt con. Con dùng chài ra chiêu Cầm-ngư vô ảnh, thì bắt được. Huyền-Mi chỉ vào Đông-nhạc Thái-sơn, Nam-nhạc Hằng-sơn, Bắc-nhạc Hành-sơn: - Ba vị này dùng thức khinh thân Thần-điêu tróc kê, tung mình nhảy xuống thuyền của con với Thanh-Tước, Hồng-Yến. Bọn con cho thuyền vọt ra xa, ba vị rơi xuống sông. Chúng con tung chài ra chiêu Võng ngư thủy để, thì bắt được ba vị. Nghe Huyền-Mi thuật, Nghi- Ninh sư thái hỏi Tự-Kinh: - Trần đại hiệp, thì ra thế. Không biết đại hiệp có thể nhờ các tiểu cô nương đây diễn thử vài chiêu, cho bần ni đươc mở rộng nhãn giới chăng? Tự-Kinh bảo Vỵ-xuyên ngũ tiên: - Các con hãy diễn lại các chiêu đó, để chư vị tôn sư đây chỉ cho những chỗ khiếm khuyết. Nhất là để các vị tôn sư Hoa-sơn khỏi ấm ức trong lòng. Bạch-Hạc gọi một nam đệ tử: - Thanh-An sư đệ, phiền sư đệ ra giúp ta một tay. Nói rồi nàng lùi lại, tay cầm cái chài trên tay. Hai người hướng vào cử tọa hành lễ. Thình lình Thanh-An vọt người lên cao, tay rút kiếm đưa ngang, tay ra chiêu Ưng-trảo chụp Bạch-Hạc. Bạch-Hạc từ Tốn-vị bước sang vị trí Địa-sơn-khiêm của Đoài-vị, tay phải vung lên, tay trái bắt quyết, cái chài tỏa ra như hình trụ, rồi chụp xuống đầu Thanh-An ở Ly-vị. Thanh-An bị cuốn tròn trong cái lưới, không cử động được. Bạch-Hạc hỏi Tây-nhạc Hoa-sơn: - Thưa đạo sư. Có phải những viên chì trên cái chài cùng đánh vào các các huyệt ủy-trung, phong-thị, túc-tam-lý, hoàn-khiêu, kiên-ngung, thiên-tông của đạo sư không? Mặt Tây-nhạc Hoa-sơn tái đi. Y đáp bằng âm thanh nhỏ như tơ: - Quả đúng như cô nương nói. Bạch-Hạc giải huyệt cho Thanh-An. Nghi-Ninh sư thái than: - Bây giờ bần ni mới hiểu, tại sao mấy vị tiểu cô nương này lại bắt được những cao thủ bậc nhất của Hoa-sơn, chỉ trong một chiêu. Thì ra các vị tiểu cô nương dùng một thứ võ công mới, quá tinh diệu, khiến đối thủ bị bất ngờ. - Đúng như sư thái nói. Nghe đối đáp giữa Tự-Kinh với Nghi-Ninh, bọn Ngô Giới mới hiểu tại sao, bốn sư đệ mình võ công cái thế, mà khi bị lưới chụp, không phản ứng được gì. Từ đầu đến cuối Thủ-Huy ngồi yên, bây giờ nó mới lên tiếng hỏi Hoa-nhạc tam phong và Hoa-nhạc tam nương: - Tam vị đạo sư, tam vị đạo cô. Về việc các vị bị bắt, các vị có phục không? Nếu các vị không phục thì tiểu bối xin nói ra đây! Nói rồi nó nhìn Vỵ-xuyên ngũ tiên, bất giác tất cả cùng cười khúc khích. Vân-Đài tiên tử nổi giận phừng phừng, tay chỉ vào mặt Thủ-Huy: - Thằng ôn con kia! Cô nương mà thoát khỏi nơi đây, thì...thì... quyết lột da đầu mi mới hả giận. Nghe Vân-Đài nói, Nghi-Ninh sư thái kinh ngạc vô cùng, vì năm trước đây bà đã từng nói chuyện với vị đạo cô này. Tiếng nói của vị đạo cô tuy trong trẻo, nhưng cũng bình thường thôi, thế mà mới hơn năm qua, bây giờ tiếng nói trở thành trong trẻo, êm dịu hiếm có. Bất giác sư thái mở to mắt ra nhìn kỹ Hoa-nhạc tam nương: Khuôn mặt thì mường tượng giống nhau, nhưng sao thân thể mảnh khảnh, thon đẹp thế kia? Không lẽ, họ mới luyện một thức nội công gì mới chăng? Tự-Hấp hỏi Vân-Đài: - Đạo cô đã đi tu sao còn giận dỗi? Không biết tiểu hài nhi đã làm gì vô lễ với đạo cô? Xin đạo cô cứ nói ra, chúng tôi quyết trị tội y. Vân-Đài giận run lên bần bật: - Nó...Nó... Đạo cô Công-Chúa vội cản: - Sư tỷ, chẳng nên nói ra, xấu...xấu hổ đến chết được. Nghe đạo cô Vân-Đài nói, Long-Xưởng rúng động tâm an, bởi tiếng nói của đạo cô rất quen thuộc, rất thân ái, mà vương từng được nghe, được tiếp xúc nhiều lần. Nhưng trong nhất thời vương không nhớ ra. Thủ-Huy dọa già: - Nếu ba vị đạo cô còn giận hờn thì tiểu bối xin thuật rõ bằng cách nào tiểu bối lại mời được ba vị đến đây. Lập tức Vân-Đài quát lên: - Im ngay! Cấm nói. Đạo cô Mao Nữ năn nỉ bằng lời ôn tồn: - Thiếu hiệp, xin thiếu hiệp đừng kể ra, xấu hổ chết đi được. Chúng ta nguyện quên hết cái việc ấy. Nghe Mao-Nữ nói, Long-Xưởng lại kinh ngạc vô cùng, vì tiếng nói của đạo cô này cũng như của Vân-Đài, vừa êm dịu, vừa ngọt ngào vừa thân ái, vừa quen thuộc. Bà Anh-Hoa nghe đối đáp giữa con trai với ba đạo cô, thì biết Thủ-Huy đã làm điều gì quái đản lắm, mới khiến cho Vân-Đài nổi nóng, và Công-Chúa, Mao-Nữ đều sợ hãi không muốn kể ra. Nguyên sau khi bọn Ngô Giới, Lưu Kỳ đem các đệ tử lên bờ, giao thuyền cho Hoa-nhạc tam nương giữ thuyền. Vỵ-xuyên ngũ tiên bàn với Thủ-Huy tìm cách bắt ba người. Thủ-Huy hiến kế: Lột quần áo, mũ của ba đạo sư Hành-sơn, Thái-sơn, Hằng-sơn, rồi cho ba cao thủ mặc vào, giả nằm trên ba chiếc thuyền nhỏ, che mặt, thả trôi trên sông. Khi thuyền nhỏ qua chỗ đậu của thuyền đinh, Hoa-nhạc tam nương trông thấy ắt nhảy xuống cứu các sư huynh. Bấy giờ ba cao thủ chuyển mình một cái, thuyền nhỏ sẽ lập úp. Ta bắt Tam-nương dễ dàng. Quả nhiên Tam-nương trúng kế. Tuy võ công ba người cao thâm, nhưng cả ba không biết bơi, bị dìm uống nước đầy bụng, rồi bị bắt. Vỵ-xuyên ngũ tiên đem Tam-nương về nhà giam, cứu tỉnh. Song đầu tóc, y phục Tam-nương ướt như chuột, trông thực thê thảm. Ba người năn nỉ xin Ngũ-tiên sai người ra thuyền lấy y phục để thay. Ngũ-tiên sai Thủ-Huy đi. Trên đường từ thuyền về nhà giam, khi qua mấy bụi móc mèo, tính trẻ con nổi dậy, Thủ-Huy hái mấy chục quả, bóp nát, rồi bỏ vào trong ba bọc quần áo. Tam- nương nào biết gì về cái loại quả quái ác này. Ba người thay y phục được nửa khắc thì ngứa ngáy cực kỳ khó chịu. Càng gãi, càng ngứa. Ngứa quá, ba người gãi đến nỗi y phục rách bươm, thân thể lõa lồ. Thủ-Huy còn nhỏ, nó chưa có ý thức gì về vấn đề nam nữ. Nó đứng nhìn ba đạo cô trần truồng, vừa gãi vừa nhảy chồm chồm như khỉ đột. Nó thích chí cười khúc khích. Cũng may lúc đó Hoàng-Anh trở lại nhà tù thẩm vấn Tam-nương. Thấy tình trạng Tam-nương thảm thiết như vậy, thì biết ngay đây là kiệt tác của cậu em. Nàng quát mắng Thủ-Huy, rồi sai lấy thuốc giải cho Tam-nương, cùng sai giũ y phục, giặt thực sạch phấn độc. Cho nên khi Ngô Giới, Lưu Kỳ hỏi về nguyên do bị bắt, Tam-nương nghĩ đến hoàn cảnh lõa lồ, mà sượng sùng không dám nói. Bây giờ nghe Thủ-Huy dọa kể tình cảnh ấy ra trước mặt bao nhiêu người thì xấu hổ đến chết được. Vân-Đài vội xuống nước: - Tôi phục! Tôi xin chịu thua! Thiếu hiệp không cần nói ra...vô ích. Một lần nữa Ngô Giới lại thắc mắc không biết ba sư muội bị bắt trong trường hợp nào. Bí ẩn, càng thêm bí ẩn. Hoàng-Anh lại chỉ Ngô Giới, Lưu Kỳ: - Còn hai vị, chúng tôi đường đường, chính chính dùng Qui-tức công xử dụng võ công bản môn đấu với các vị ở dưới nước, rồi dùng Thiên-la thập bát thức bắt các vị. Như thế mà bảo rằng thủ đoạn hèn hạ ư? Lê Thúc-Cẩn là người rất thân với Trần Tự-Hấp. Ông nắm lấy tay bạn: - Không ngờ lão bá lại chế ra pho võ công tinh diệu như vậy. Xin đại ca cho diễn lại từ đầu đến cuối, để đệ được chiêm ngưỡng một pho võ công tuyệt kỹ của Đại-Việt. Tự-Hấp bảo Hồng-Yến: - Con diễn một lượt pho Thiên-la thập bát thức, để sư bá chỉ bảo thêm cho. Hồng-Yến bái tổ, rồi cầm lấy cái chài, tay trái vung lên, cái chài xòe lớn ra ở Khôn-vị, rồi chuyển sang Địa-trạch-lâm úp chụp xuống ; trong khi chân nàng từ Càn-vị xích sang Thiên-phong-cấu. Miệng nàng hô: - Càn-la trấn thiên ( Lưới từ phương Nam trấn trời). Tay nàng hơi co lại, cái chài uốn một vòng, tỏa ngược trở lên ở Đoài-vị, rồi lại chụp xuống ở Địa-sơn-khiêm. Trong khi chân nàng bước vào Ly-vị, xê dịch sang Sơn-thủy-mông. Miệng hô: - Khinh-la cầm ngạc (lưới nhỏ bắt cá sấu). Cứ như thế, Hồng-Yến diễn hết 18 thức, rồi từ 18 biến ra 1152. Các tôn sư Đại-Việt mải mê quan sát đến xuất thần. Trong khi Ngô Giới rùng mình nghĩ thầm: - Hỡi ơi! Trước đây mình Đại-Việt có Long-biên kiếm pháp của phái Mê-linh, Phục-ngưu thần chưởng của phái Tản-viên, Phong-ba đại lãng của phái Đông-A danh trấn thiên hạ. Gần đây lại có Cổ-loa tâm pháp dùng Bức-mạch chưởng khiến anh hùng Hoa-Việt nghe đến tên là kinh hồn động phách. Bây giờ Tự-Kinh chế ra Thiên-la thập bát thức, tổng hợp phép điểm huyệt, Cổ-loa tâm pháp, Tiên-thiên bát quái ; biến hóa kỳ diệu, không một chút sơ hở. Hèn gì năm thiếu nữ này võ công bình thường, mà bắt các cao thủ của mình chỉ trong một chiêu. Lưu Kỳ thì than thầm: - Không biết Tự-Kinh có chủ ý gì, mà các chiêu thức đều khắc chế với võ công Trung-nguyên? Nếu pho này truyền rộng ra, thì anh hùng võ lâm Tung-nguyên không thể dương danh ở Nam phương được nữa. Một đệ tử từ ngoài vào cung tay hành lễ với Long-Xưởng: - Khải điện hạ. Có quan huyện Thiên-trường xin cầu kiến. - Cho vào. Viên huyện lệnh dẫn theo mấy bộ khoái, đội Hình-binh, vào quỳ gối: - Thần Trần Dung, lĩnh huyện lệnh Thiên-trường, xin đợi chỉ dụ của điện hạ. Long-Xưởng chỉ đám Hoa-sơn: - Có bọn này, không rõ căn cước, chúng là người Tầu, can tội trộm, cướp, bắt cóc. Lát nữa cô gia sẽ xử tội chúng. Vậy khanh hãy cùng Hình-binh ngồi chờ. - Tuân chỉ điện hạ. Tự-Kinh xá bốn chưởng môn nhân Tản-viên, Mê-linh, Sài-sơn, Tiêu-sơn: - Thưa chư vị võ lâm đồng đạo. Trong quá khứ, giữa phái Hoa-sơn với phái Đông-A có qua lại, thân mật với nhau. Đáng lẽ Ngô đạo sư với các vị cao thủ sang đây, thì chúng tôi phải lấy lễ mà tiếp. Nhưng nay các vị ấy phạm pháp, thành ra tôi không thể để tình riêng lên phép nước, mà trao các vị cho thái-tử, để thái-tử xử theo luật Đại-Việt. Long-Xưởng hướng Tự-Kinh: - Lão tiên sinh, theo bộ Hình-thư của bản triều, khi hoàng-đế hoặc thái-tử xử án, thì án đó trở thành chung thẩm, và cho thi hành ngay lập tức. Vãn sinh xin lão tiên sinh cho mượn sảnh đường này trong mấy giờ, để làm công đường xử đám tội nhân này. - Xin điện hạ cứ tự tiện. Long-Xưởng hô lớn: - Thiết lập công đường. Viên huyện lệnh Thiên-trường cùng với đội Hình-binh xuất hiện. Mỗi tên Hình-binh cầm một hình cụ: Kìm, kẹp, roi, dùi. Lại có cả cái lò than. Rất thành thạo, chúng quạt lửa đốt lò nung dùi, kìm. Trần Dung chỉ vào mấy cái kìm kẹp giải thích với bọn người Hoa-sơn: - Nếu như các người cứng đầu, cứng cổ, không chịu khai sự thực, thì bản chức sẽ dùng kìm vặn răng, dùng kẹp mà kẹp ngón tay. Bằng như dùng kìm, kẹp không xong thì sẽ dùng dùi nung đỏ này xiên thịt... Long-Xưởng tuyên lệnh: - Phiên tòa khai mạc, cô gia làm chánh thẩm, phụ thẩm là đô đốc Lý Thần. Huyện lệnh Trần Dung làm lục sự. Trần Thủ-Huy, cùng Vị-xuyên ngũ tiên, đội trưởng với năm thủy binh bến đò huyện lỵ Thiên-trường, các đò phu trên con thuyền Thiên-an, hai trẻ chăn trâu tên Cu, Hĩm... nhất thiết làm nhân chứng. Phiên tòa bắt đầu. Long-Xưởng hỏi Ngô Giới: - Ngô Đạo sư, dù thế nào chăng nữa, đạo sư cũng là đại thần triều Tống, là chưởng môn phái Hoa-sơn. Đạo-sư phải nhận bằng này điều: Một là, các vị nhập cảnh Đại-Việt ngoài luật lệ. Theo hình thư bản triều thì bị lưu đầy mười năm. Các vị lại đi một đoàn tới mấy chục người. Như vậy, các vị phạm tội Gian nhân hiệp đảng. Theo Hình-thư thì bị tội trảm. Lưu Kỳ quát lên: - Chúng ta là Thiên-sứ sang kinh lược Giao-chỉ, mà người dám bảo là nhập cảnh ngoài luật lệ ư? Long-Xưởng hỏi Trần Dung: - Huyện quan! Cái gã này tự xưng là Lưu Kỳ, lĩnh Giang-hoài Tiết-độ sứ. Y còn xưng là Thiên-sứ nữa, chả biết có đúng hay không? Trong khi đó y luôn hống hách. Huyện quan có cách nào phân biệt chân, giả chăng? Huyện quan biết Long-Xưởng muốn mình dọa Lưu Kỳ, khiến gã nhụt chí, y cười: - Khải điện hạ không khó. Điện hạ để hạ thần dùng dao rạch trên mặt y hình hai con rùa, rồi lấy vôi với bồ hóng bôi lên, thì chỗ rạch sẽ nổi lên như những sợi bún. Laiï gọt đầu, bôi vôi, thì tóc không mọc ra nữa. Sau đó ta bỏ y vào cái cũi rồi khiêng đi các trấn, đánh trống, hỏi dân chúng xem ai biết lý lịch y sẽ thưởng cho một nén vàng... như vậy là tìm ra chân tướng y ngay. Lưu Kỳ chỉ vào mặt Long-Xưởng quát lớn: - Thằng nhóc con kia. Oâng mà ra khỏi đây ông sẽ bóp chết mi, chứ mi định làm nhục ông nội mi ư? Long-Xưởng hất hàm ra lệnh cho Trần Dung: - Thôi đành vậy, huyện quan cứ làm đi. Thủ-Huy đề nghị: - Tâu điện hạ! Nhưng võ công y cao thâm quá. Muốn rạch mặt y thì phải làm cho y mê man đi đã. Bây giờ đệ đành dìm y xuống nước. Đợi y uống nước no, ngộp hơi rồi rạch mặt, thì mới vẽ hình rùa, rắn được. - Được! Nhị đệ làm đi. Thủ-Huy vẫy tay gọi hai Hình-binh: - Phiền hai huynh khiêng cũi dìm xuống cái hồ cá này, để y uống nước. Hai Hình-binh dạ lên một tiếng, tiến lên khiêng cái cũi giam Lưu Kỳ. Lưu Kỳ vẫn hống hách. Y nói với Tự-Hấp: - Tự-Hấp, người tự thị là anh hùng, mà làm nhục ta thế này ư? Võ đạo phái Đông-A là như thế đó? Tự-Hấp biết Long-Xưởng chỉ muốn đọa Lưu Kỳ, nên ông nói lảng: - Xin Lưu huynh hiểu cho. Phái Đông-A nhà tôi gồm toàn ngoan dân Đại-Việt. Chúng tôi không thể, và không có quyền can thiệp vào việc xử án của thái-tử. Hai hình binh từ từ hạ đòn gánh xuống. Cái cũi chìm dần xuống nước. Lưu Kỳ hét lên: - Ta nhất định không khuất phục tên ôn con. Thủ-Huy cười: - Một trọng tội mà dám xưng ta với thái-tử ư? Mi không khuất phục thì ta cho mi sống với cá. - Ta nhất định không khuất phục. Thử xem mi làm gì được ta... Chữ nào chưa ra khỏi miệng, thì cái cũi đã chìm xuống nước. Nước trong tiểu hồ rất trong. Ai cũng nhìn rõ Lưu Kỳ nín thở, vùng vẫy. Khoảng nửa khắc y ngộp hơi, uống hai ba hớp nước, dẫy dụa trong cái cũi. Độ chừng y uống đã đầy bụng, Thủ-Huy vẫy tay. Hai hình binh nâng đòn gánh lên, Lưu Kỳ thở hổn hển, chân tay run run. Hai tay y chỉ vào Thủ-Huy: - Ta nhất định không khuất phục hai tên lỏi con. Chúng bay có giỏi thì giết ta đi. Thủ-Huy đưa mắt cho hai Hình-binh. Cái cũi được đưa về chỗ cũ. Long-Xưởng thấy từ đầu đến cuối bọn Ngô Giới im lặng nhìn Lưu Kỳ bị làm nhục, mà không lên tiếng can gián ; thì biết rằng cả bọn Hoa-sơn đều không ưa y. Long-Xưởng nhìn Thủ-Huy lắc đầu. Thủ-Huy nạt: - Mi dùng lời lẽ đại bất kính với một trừ quân của Đại-Việt. Ta là thần dân Đại-Việt, ta bất chấp đạo lý võ lâm. Ta có cách trị mi. Nói rồi nó chạy ra sân. Lát sau nó trở lại, trên tay cầm một con rắn nhỏ như cái đũa, mầu sắc óng ánh. Nó đưa con rắn tới trước cũi Lưu Kỳ: - Đây là con rắn lục. Loại rắn này bất cứ ai bị nó cắn, thì chỉ cần một giờ sau thì sẽ chết. Ta cho nó đợp mi mấy miếng xem mi có còn vô phép nữa hay không? Nói rồi nó tung con rắn vào trong cũi. Lưu Kỳ vung tay bắt, nhưng vì cũi chật hẹp, tay bị vướng. Con rắn rơi trúng cổ y, lập tức nó cắn một miếng, rồi chui tuột vào trong áo. Lưu Kỳ kinh hãi chụp con rắn, thì nó lại chui ra ngoài tay áo. Y phủi áo, thì nó chui tọt vào ống quần. Y cảm thấy hạ bộ bị đau nháy một cái, thì biết rằng con rắn đã cắn y miếng nữa. Mặt y tái xanh. Y nghĩ thầm: Nếu ta còn cứng đầu, cứng cổ thì uổng mạng vô ích. Y vội xuống nước: - Tôi xin khuất phục. Thủ-Huy hỏi lại: - Người nói sao? Lưu Kỳ đành hướng Long-Xưởng: - Thần xin khuất phục. Xin điện hạ ban thuốc giải. Long-Xưởng hỏi Thủ-Huy: - Nhị đệ! Nhị đệ trao thuốc giải cho bị cáo Lưu Kỳ. Thủ-Huy đáp lơ mơ: - Đại-ca! Rắn lục cắn phải ba giờ sau mới chết. Hơn nữa Lưu tiết độ sứ nội công cao thâm, thì phải hơn ngày mới chết mà. Long-Xưởng gọi lớn: - Này bị cáo Lưu Kỳ nghe đây! - Thần xin nghe. - Thể lệ bang giao Tống-Việt từ mấy trăm năm nay là: Khi sứ đoàn tới biên giới, thì nghỉ ở nhà khách. Biên cương đại thần cho chạy ngựa trạm về Thăng-long. Triều đình sẽ sai quan tiếp dẫn sứ, đem thiết kị lên đón. Bấy giờ sứ thần phải đưa điệp văn, trong đó ghi họ tên, chức vụ của sứ đoàn. Có đúng thế không? Đây các bị cáo cùng đồ tử đồ tôn nhập cảnh, mà triều đình Đại-Việt không ai biết gì, thì thực là vô lý. Nếu như các bị cáo là sứ thần, thế thì có gì làm bằng không? - Thần có mật chỉ của Thiệu-Hưng hoàng đế, nhưng...nhưng để ở trong Hoàng-cung, thành Thăng-long. - Khi không có gì làm bằng, thì tòa không coi như bị cáo là thường dân. Các bị cáo sang Đại-Việt với chủ tâm ăn cắp bộ Vô song, vô đối Trung-nguyên võ kinh. Đó là một tội trộm. Khi các vị vào Vô-trung thanh hư miếu, các vị ăn cắp bốn thanh kiếm thờ, đó là hai tội trộm. Theo Hình-thư bản triều, tội trộm võ kinh, thuộc loại gia trọng, bị bị chặt một tay. Ăn cắp đồ thờ thì bị Cung-hình (Thiến). Nghe Long-Xưởng kết tội, Trần Dung định lên tiếng, nhưng Long-Xưởng phất tay ra lệnh bảo im lặng. Long-Xưởng ngừng lại một lát rồi tiếp: - Huống hồ các bị cáo lại bang bạnh, chống lệnh đô đốc thủy quân tuần giang, hành hung đội tuần kiểm huyện lỵ Thiên-trường. Hơn nữa còn bắt cóc đô đốc chỉ huy hạm đội Âu-cơ, bắt cóc nghĩa đệ Thủ-Huy, bắt cóc cô gia, định mang về Trung-nguyên. Theo Hình-thư bản triều, thì các bị cáo lãnh tội lăng trì, toàn gia bị chém ngang lưng. Các bị cáo có chối cãi gì không? Ngô Giới chống chế: - Chúng tôi là sứ thần của Thiệu-Hưng hoàng đế nhà Đại-Tống. Chúng tôi có mang theo mật chỉ, nhưng tất cả đều để ở Thăng-long. Xin điện hạ dung cho chúng tôi ít ngày, chúng tôi sai người về lấy. Hoặc giả cho chúng tôi được đối chất với thái-hậu thì sẽ rõ ngay gian. Trong khi trì nghi, xin cho chúng tôi được hưởng quyền ân giảm. Long-Xưởng tuyên án: - Trong khi chưa minh chứng được thân phận thì các bị cáo vẫn phải giam cầm như bọn trộm cướp, chứ không được đối xử như mật sứ. Tòa tuyên án trao các can phạm huyện lệnh Thiên-trường. Nội trong ba ngày các bị cáo không minh chứng được thân phận, thì các chánh phạm sẽ bị chặt tay, bị cung hình. Còn nếu trong ba tháng, các bị cáo không chứng minh được thân phận mình, thì án lăng trì mới thi hành. Tự-Kinh phân trần với đám Hoa-sơn: - Ngô đạo sư! Hiển-Trung vương vừa tuyên án. Nếu như Ngô đạo sư có gì minh chứng rằng đạo sư là Tống-sứ thì đạo sư sẽ đươc tiếp đón trọng thể. Bằng không, vương gia đây sẽ cho thi hành, thì lão phu cũng đành chịu thua. Long-Xưởng nói với Vỵ-xuyên ngũ tiên: - Xin ngũ vị tỷ tỷ đem mấy người này giam lại, huyện lệnh sẽ tới lĩnh sau. Lại chỉ vào Lưu Kỳ với tên đạo sĩ tài công: - Hai tên này cực kỳ lỗ mãng, y từng vô lễ với cô gia. Ngày mai thì cung hình tên tài công. Tiếp sau đó là tên Lưu Kỳ. Lưu Kỳ năn nỉ: - Xin điện hạ ban thuốc giải! Thủ-Huy cười: - Thưa đại ca, thuốc giải đệ để đâu, quên mất rồi. Xin đại ca để đệ về thư phòng tìm xem, may ra còn. Nói rồi nó huýt sao một tiếng, con rắn vọt mình lên cao, Thủ-Huy bắt lấy bỏ vào túi. Bọn Ngô Giới định phân trần, thì cũi đã bị khiêng ra khỏi sảnh đường. Long-Xưởng ban chỉ cho Trần Dung với Hình-binh, trở về nhiệm sở. Khi bọn Ngô Giới bị đem ra khỏi rồi thì Tự-Hấp bảo Thủ-Huy: - Con mau lấy thuốc giải cứu gã họ Lưu. Bằng chậm trễ, e y chết mất. - Dạ! Vũ Tử-Mẫn hướng Long-Xưởng chắp tay: - Trí tuệ điện hạ thực siêu phàm. Tên nhà quê này đang tìm cách đưa Mao Khiêm với năm đội Phụng-quốc vệ cung Cảm-Thánh rời Thăng-long, mà không biết phải làm sao. Thế mà điện hạ đã nghĩ ra. Tử-Mẫn này xin bái phục. Đại-sư Pháp-Dung kinh ngạc hỏi: - Đại hiệp nói sao? Lê Thúc-Cẩn gật đầu năm sáu lần: - Tại hạ đoán ra rồi. Để tại hạ nói thử xem có đúng hay không nghe! Long-Xưởng gật đầu: - Xin tiên sinh kiến giải? - Không ai có quyền điều động bọn Phụng-quốc vệ cung Cảm-Thánh, ngoài thái-hậu. Thái-hậu dùng bọn này chỉ với mục đích uy hiếp hoàng-thượng, hoàng-hậu, cùng bảo vệ cái triều đình gà mái gáy. Bây giờ ta bắt được bọn Hoa-sơn, giam tại tổng đường phái Đông-A. Bọn Hoa-sơn sống hay chết, thái-hậu cũng nhắm mắt, không cần biết tới. Duy gã Lưu Kỳ, chỉ cần nghe tin gã bị cầm tù là thái-hậu đã õlồng lộn lên rồi. Nay nghe tin gã sắp bị thiến, thì bất kể ngày đêm, thái-hậu điều động cả năm đội Phung-quốc vệ về Thiên-trường cứu gã ngay. Cho nên ban nãy thái-tử kết án người của phái Hoa-sơn bị Cung-hình, thì tôi biết rằng đây là mưu của thái-tử. Vì trong bộ Hình-thư của bản triều, không có hình phạt này. Trần Dung không hiểu ý điện hạ, y định lên tiếng, nhưng điện hạ ra hiệu bảo y im lặng. Cử tọa nghe Thúc-Cẩn giải đoán đều bật cười. Vũ Tử-Mẫn hỏi Long-Xưởng: - Theo ý điện hạ, thì ta báo tin bọn Hoa-sơn bị bắt cho thái-hậu bằng cách nào? - Lượng tiểu phi quân tử. Vô độc bất trượng phu. Vãn sinh đã tuyên án tất cả bọn Hoa-sơn đều bị án lăng trì, bị cung hình, bị chặt một tay. Tạm thời thi hành cung hình trước. Một tháng sau sẽ chặt tay, và ba tháng sau mới lăng trì. Khi sắp khởi sự, ta đem một đạo sĩ Hoa-sơn thiến quách đi. Thiến xong, ta băng bó cẩn thận, để y không bị chết. Ta giả sơ xuất cho y trốn thoát. Y sẽ chẳng ngại ngùng gì mà không về Thăng-long yết kiến thái-hậu, cầu cứu với thái-hậu, xin người ra quân cứu đồng bọn. Tôn Đức-Hòa nhăn mặt: - Thiến người như vậy e phạm đến đức hiếu sinh của trời đất chăng? Cao Tử-Đức phì cười: - Tôn huynh ơi! Bọn đạo sĩ có cái ấy thực, nhưng chúng đi tu, thì nào có xử dụng tới? Nay ta thiến đi, không chừng chúng tu hành dễ dàng hơn, có khi thành tiên cũng nên. Cử tọa nghe Cao Tử-Đức bàn đều bật cười. Vũ Tử-Mẫn đứng lên tóm lược: - Bây giờ các vị đâu về đó chuẩn bị. Hôm nay là ngày mùng ba. Đúng ngày mười tư thì ta thả tên đạo sĩ bị thiến. Ngày rằm thì khởi sự.