Nguyên tác tiếng Anh "Tass is Authorised to Announce".
Phần 17
TÌM KIẾM – II. GIƠ-VA-NỐP, GMƯ-RI-A PA-RA-MÔ-NỐP

Thiếu uý Giơ-va-nốp “đón đợi” Pa-ra-mô-nốp. Pa-ra-mô-nốp đã cẩn thận ngó quanh, nhìn vào tủ kính cửa hàng thực phẩm xem có ai thấy mình không. Rồi lẩn ngay vào cửa hàng “Nước khoáng” của Xi-din.
Sau khi theo dõi từ những ngày trước đó, Giơ-va-nốp biết là Pa-ra-mô-nốp không nán lâu ở quầy “Nước khoáng” nên anh đi theo ngay vào và nhận thấy Xi-din đang rót vào cốc từ chai “Vi-tau-tát”, nhưng khi rót xong không để lại ngay cạnh mình mà nhét luôn vào tủ lạnh. Pa-ra-mô-nốp uống hết một hơi, mắt đờ đẫn giây lát rồi đỏ lựng lên, và sau khi đã đặt lên mặt đĩa 5 cô-pếch, anh ta đi ra khỏi cửa hàng.
Giơ-va-nốp kịp tiến lại, vớ ngay lấy cái cốc mặc dù Xi-din muốn cất đi trước tiên. Anh đưa lên, cốc bốc mùi vốt-ca thô nặng, loại nấu lấy.
- Đưa cái chai kia nào, - Giơ-va-nốp nói.
Xi-din vội rút trong túi ra 50 rúp, chìa ngay cho Giơ-va-nốp:
- Đừng tố giác ra, hỏng bét cả. Này đây, đồ khốn!...
- Giúi cái gì thế hử, định mua chuộc hử? – Giơ-va-nốp giả giọng lè nhè rít lên – Rót vào đây, thằng đểu, mày coi tao là cái đồ gì vậy?
- Ấy gượm đã; đừng có rống lên vậy. – Xi-din chuyển sang nói thì thào. – Tôi tưởng anh từ chỗ ấy lại… Chứ còn không thì tôi rót ngay đấy, thực bụng mà, cha bợm rượu ạ!...
Và anh ta lấy ngay cái chai lúc nãy trong tủ lạnh ra, nhưng khi mở nút, cái chai tuột khỏi tay, vỡ tan; Anh ta vớ nốt một chai còn lại trong tủ, cố tình đập nó vỡ nốt ở chỗ vòi nước rửa tay, rồi trở mặt tấn công ngay:
- Mày cần gì, hử? Đòi rót cái gì? À, mày định đổ cho tao tiêu thụ rượu lậu trái phép hả? Đi mà tìm chứng cớ đi! Cứ mà đi vu cáo, tao sẽ cho mày nhừ xương!
Xi-din tiếp tục lu loa, gào lên trong khi có ba bà già bước vào cửa hàng. Anh ta quay sang phân bua, giọng như mếu:
- Nó định tống tiền tôi đây1 Nó bảo rót rượu “nấu thô” cho nó, mà tôi lấy đâu ra cái của ấy! Đừng hòng khiêu khích tôi, đi mà báo công an! Theo Hiến Pháp mới, người ta đem chuyện này ra toà đấy, chứ chẳng chơi! Úi chào, ăn mặc thì bảnh choẹ thế kia, lại còn để râu cằm, tưởng người tử tế, hoá ra đồ đểu!
°

*

Đại tá Gmư-ri-a đến gặp vợ Pa-ra-mô-nốp. Khi lắng nghe câu hỏi của anh, chị thở dài và đáp khẽ, khó khăn lắm mới nghe được:
- Tôi chưa hoàn toàn hiểu anh. Có chuyện gì xảy ra với chồng tôi vậy?
- Không, chưa có chuyện gì đâu, nhưng nếu chị vui lòng kể hết sự thật, thì sẽ tốt hơn cho cả anh ấy và cả chị.
- Vâng, anh ấy đôi khi cũng có uống một ly, - người phụ nữ trả lời còn nhỏ hơn nữa, khuôn mặt hơi bệu có vẻ ốm yếu của chị bỗng nhăn nhó lạ lùng, - vào dịp lễ tết, sinh nhật.
Gmư-ri-a ngả người ra lưng ghế, nhìn một lượt gian phòng, phòng sạch sẽ có vẻ chay tịnh, cái bàn mòn bóng, giường kiểu đi văng, trải tấm vải phủ màu trắng, một cây thiên-trúc-quỳ cong queo trồng trên bệ cửa sổ. Anh khẽ thở dài, trong tâm tư có gì hơi ngao ngán, và kết luận:
- Chị thứ lỗi cho tôi, có điều chị đã tỏ ra không thành thật với tôi. - Thật vô ích. Bởi vì anh ấy nghiện rượu. Không phải loại chỉ sa đà đôi lần, lăn ra ngủ ở ghế đá công viên, mà là loại cứ đều đặn làm một cốc đầy vốt-ca trước bữa trưa và tối. Rồi đến cả trước bữa sáng cũng vậy. Và chị, người phụ nữ bất hạnh, nhất là phải làm việc ở nước ngoài, cứ phải chịu đựng, làm lụng cố sống cố chết nuôi cả nhà đạm bạc, bằng mì ống thôi, cốt sao đừng để ai biết, đừng có xảy ra tai tiếng gì ồn ỹ! Cái giàn “Xô-ny” mà anh chị đem về đâu? Anh ta đã bán nó lấy hai nghìn rúp, vì không đủ tiền mua rượu. Máy ảnh đâu rồi? Cũng chui vào cửa hàng đồ cũ, tiêu tan vào be rượu, đúng không? Còn tiền dành dụm định mua xe “Gi-gu-li”? Cũng do anh ta nốc, bốc hơi rượu hết, giấu giếm để khỏi bị tai tiếng, đi uống thành bữa như ở nhà - một ngày nửa lít, vậy là 5 rúp rồi, thứ bảy và chủ nhật thì 10 rúp, mà tiền lương chỉ có 180 rúp, vợ lại bị thương tật, bệnh tim, không làm việc được, con gái cũng phải lo cho một xuất ăn, phải thế không nào?
Người phụ nữ khóc nấc lên. Chị khóc không thành tiếng, vẻ ảo não. Có một vẻ gì thật không phù hợp giữa thân hình nặng nề, thiếu gọn ghẽ của chị với những giọt nước mắt trẻ thơ không thể an ủi được kia, những giọt nước mắt chị cũng không buồn lau nữa, vì đối với chị, khóc như vậy đã thành lệ rồi. Chị vừa khóc vừa lẩm bẩm:
- Cái lão ăn tàn phá hại ấy, mắt cứ tối lại vì bét nhè, sao mà lại không chết chìm đi dưới cái vại vốt-ca nhà lão kia chứ! Ngày nào cũng vậy… Giá như chỉ có 5 rúp thì đã phúc! Thì chúng tôi đã tậu được ô-tô rồi, chúng tôi mơ ước cả nhà đi nghỉ ở miền Nam biết bao, khi ấy con bé Ma-ri-not-ska còn ở với chúng tôi, bây giờ nó đi lấy chồng rồi, khổ con bé chả được đi đến đâu; hãy còn trẻ con lắm, mà giờ thì đã vất vả ở nhà người ta rồi. Ban ngày lão ta uống hết 5 rúp, tối đến lại chừng ấy nữa, còn thứ bảy, chủ nhật nếu không đi làm gì linh tinh thì hết 20 rúp, uống từ sáng sớm, còn tối thì cứ phải ngậm đắng nuốt cay. Tôi đã bảo lão ta, cái lão không biết thương xót ai ấy, rằng thế nào rồi người ta cũng biết, chẳng hay hớm gì cái trò nát rượu đâu, rồi sẽ không còn được vác mặt đi đâu hết… Bây giờ lại còn chuyện gì xảy ra nữa?
- Hiện giờ thì chưa có gì! Chị có nhớ chị đã cùng đi với anh ấy, khi anh ta bị cảnh sát bắt giữ không?
Người phụ nữ ngạc nhiên giơ cả hai tay lên:
- Ở đâu? Lại còn dính đến cả cảnh sát nữa?
- Ở Luy-xbua, trước khi về nước không lâu lắm…
- Có phải là cái hôm anh ấy không về nhà suốt đêm không? Rồi chạy lồng đi vay tiền, hử?...
- Vay tiền của ai?
- Lão ấy đến vay tiền ở nhà Prô-clốp; rồi của ai đó nữa, lão nói, cần tiền để mua quà biếu, mua đồ kỷ niệm, vì những của vô bổ ấy, lão đã phải bán rẻ nửa tiền cái máy ghi âm, vậy mà còn trợn mắt lên với tôi, nếu tôi có đi chợ mua đôi ba thứ rau cỏ, chỉ cho ăn cháo với mì ống mà sống thôi…
- Anh ta làm quen với Sác-ghin ở Luy-xbua?
- Cái ông tóc xoăn ấy à? Lúc nào cũng rảy nước hoa lên người ấy chứ gì? Quen nhau ở đấy đấy! Lão nhà tôi luôn đưa ông ta đến các hãng đại lý hàng, ra bãi tắm. Trông như một chú ngỗng tốt mã, trước mặt với ai cũng vui tính “tơ-la-la-la”, chỉ cần quay lưng đi, là hắn có thể hắt nước bẩn vào người ấy…
- Chị Cláp-đi-a, chị cho tôi xem cái máy ảnh với…
- Lão ấy cũng đã đem giúi vào cửa hàng đổ cũ rồi còn đâu, cái máy thật tiện quá! Chụp màu, ra ảnh ngay, tha hồ mà ngắm…
- Thế còn cái máy ảnh con bỏ túi?
- Loại “Mi-nốc” ấy à? Không, chúng tôi không mua, vì ở ta không có loại phim cỡ ấy.
- Chị có nhớ anh ấy bắt đầu uống rượu từ bao giờ không?
- Khi lên phụ trách ga-ra - người phụ nữ trả lời chắc chắn. Trước kia, khi còn là thợ máy, còn phải chạy đây chạy đó nên lão không uống, chỉ từ khi thay bộ quần áo lao động sang quần áo xanh khoác ngoài, ra vẻ người phụ trách, ra giao dịch với khách hàng, thế là mới có dịp rượu chè. Khi thì với người này, khi thì với người khác. Nhưng tuy vậy lão cũng vẫn phân minh, sòng phẳng, anh đừng nghĩ có chuyện tư túi gì ở lão, được cái là lão ấy không chịu nhận thừa của ai cái gì, thà lão chịu thiệt phần mình còn hơn là phải làm hại đến người khác.
- Thế mắt anh ấy bị hỏng từ bao giờ vậy?
- Chính cũng từ rượu quá, hoá đâm mờ mắt. Lão uống suông không đồ nhắm. Mà cái rượu cồn chết tiệt ấy, nó đốt ruột bào gan ra ấy chứ: người này thì bị loét dạ dày, người khác thì bị huyết áp cao, nên cái lão ngốc nhà tôi mới bị mắt mũi cập kèm. Lão giấu ghê lắm! Lão bảo, nếu để người ta biết thì rồi đời, ai người ta còn cho làm việc này nữa, hết cả nghề ngỗng chuyên môn, vả lại ai còn cho thằng mù dở ra nước ngoài làm gì. Cuối cùng xoay xở mãi, lão mới cầu kỳ đi đặt được hai màng thấu kính, lắp thẳng vào mắt, bây giờ không còn lo sợ trước ủy ban kiểm tra sức khoẻ nữa, thế là qua được… Vậy là cứ chứng nào tật ấy.
- Chị đã thử gọi bác sĩ chữa cho anh ấy chưa?
- Tôi gọi bác sĩ ở đâu được? - Người phụ nữ bỗng nổi khùng lên - ở sứ quán chắc? Bảo là chồng tôi mắt mờ vì say rượu bét nhè chắc? Thế thì người ta tống lên máy bay mà về nước cho rồi. Rồi còn viết giấy đến báo ở cơ quan, rửa được tai tiếng còn là nhục. Chứ giá chỉ êm ả, nhẹ nhàng mà thoát được nạn rượu, thì tôi đã làm toáng lên rồi, đằng này đành phải ngậm tăm mà nuôi hy vọng…
- Hy vọng gì nữa kia?
- Mong cho bệnh loét dạ dày nó hành lão, để lão tỉnh ra. Hay là thận chẳng hạn. Ấy đấy cái anh chàng Xi-đô-rốp uống rượu đến nỗi phải đi cắt thận đấy, bây giờ cạch rồi, thế là gia đình lại đâm ra hạnh phúc trở lại! Không giọt nào dốc vào mồm nữa, là lại có cả một mảnh vườn, sắm cho vợ được cả áo choàng lông thú, lại mua được cả một căn nhà ba buồng ở Chéc-ta-nốp… Ôi chao, còn biết nói thế nào cho được, chẳng qua bây giờ cũng đã an cư lạc nghiệp, người ta mới rượu chè đổ đốn ra thế. No cơm ấm cật rồi mà, lương thì không thể dưới 150 rúp, muốn làm gì htì làm… Chứ cai hồi xưa ấy à…
- Cai hồi ấy thì có khác. – Gmư-ri-a đồng ý, - Còn cái máy thu thanh nhà chị? Anh ấy còn mua được cả máy thu thanh cực kỳ tốt kia mà?
- Bán rồi! Chà, cái đài ấy cái gì cũng bắt được; mua rẻ chỉ bằng nửa giá ngoài tiệm. Lão nhà tôi chả lắp hộ bộ chế hoà khí cho một ông ở hãng buôn nào ấy mà, lại còn sửa thêm cái này cái kia, tiết kiệm hẳn chỉ số hao xăng, ông kia thích quá, mới để rẻ cho, gớm, cái đài tốt đến thế, thật đài ra đài…
- Anh ấy còn sửa chế hoà khí đại loại kiểu ấy cho ai nữa không, chị Cláp-đi-a? Chẳng hạn, sao không sửa hẳn cho một ông chủ nào người Mỹ?
- Không, cho dù họ có yêu cầu thì lão nhà tôi cũng tránh xa người Mỹ, chúng tôi cũng đã nghe phổ biến nhiều, biết tâm địa họ, lũ hiếu chiến ấy, khiêu khích ở khắp nơi trên thế giới, chúng tôi lại còn không biết ư, mà cái đó còn đáng sợ bằng mấy vốt-ca ấy chứ!...
Nhưng Gmư-ri-a vừa đứng dậy vừa nói:
- Trong trường hợp này thì vốt-ca đáng sợ hơn đấy, đáng sợ hơn nhiều kia, chị ạ!
°

*

- Chào anh, tôi xin tự giới thiệu, tôi là Mi-kha-in I-va-nô-vích Prô-xcu-rin, cấp bậc trung tá. Tôi muốn nói chuyện với anh về quãng thời gian anh làm việc ở Luy-xbua.
- Xin cứ việc, đồng chí I-van Mi-khai-lô-vích ạ - Pa-ra-mô-nốp xun xoe trả lời.
- Đúng hơn là Mi-kha-in I-va-nô-vích. Còn nếu anh thích tâng bốc tôi lên bằng cách ấy, thì cũng chả đáng giận anh, phải không? (1)
- Ấy chết, xin lỗi đồng chí, tôi hay lẫn tên lắm.
- Đấy cũng chưa phải tai hoạ lớn nhất đâu… Anh nói hộ nhé, anh đã gặp nhà kinh doanh mỹ Glép ở bên đó phải không?
- Đồng chí nghi ngờ tôi? Đây là cuộc hỏi cung sao?
- Không phải. Tôi chưa có quyền hỏi cung anh, vì anh chưa bị kết vào tội gì và cũng chưa bị bắt đến làm chứng. Đây chỉ mới là cuộc mạn đàm, anh cũng vẫn có quyền từ chối, nếu không thích trả lời những câu hỏi của tôi…
- Thế thì, thề có Chúa soi xét, tôi không nhớ gì về Glép, quả là tôi không nhớ.
- Đây là tấm ảnh ông ta.
Pa-ra-mô-nốp cầm lấy tấm ảnh nhỏ, đưa lại gần mắt, và hai mắt lại càng nheo lại hơn.
- Ảnh bé tí tẹo thế này thì nhìn làm sao cho rõ?
- Chết, thế anh vẫn lái xe ra làm sao?
Pa-ra-mô-nốp ngửng đầu lên, tái mặt đi:
- Khi lái xe, tôi vẫn phải lắp thấu kính vào mắt, thưa đồng chí Phê-đo I-va-nô-vích…
Prô-xcu-rin bật cười:
- Đấy là tên một Sa hoàng ngày trước đấy. Thôi được, mặc kệ Sa hoàng… Tôi chỉ muốn biết là sau khi anh bị cảnh sát bắt giữ ở bên đó, có ai đến bót cứu anh không?
- Không! Tôi có tội tình gì đâu! Tôi có say đâu! Chẳng ai việc gì phải cứu tôi cả!
- Quả thực hôm ấy anh không uống rượu?
- Không có lấy một giọt.
- Thế còn hôm trước đó?
- Cũng không mà.
- Chà, thật đúng như vậy chứ?
- Tôi thề đấy, không nhấp lấy một giọt! Tôi ít uống lắm! Qua cái cung cách mà Pa-ra-mô-nốp nói dối một cách đầy sợ hãi, giấu đầu hở đuôi, Prô-xcu-rin đã đoán định là anh ta không phải con người mình cần tìm. Đây chỉ là một kẻ bạc nhược, gian dối, say rượu đến mức phải lén lút, nhưng phần chắc là không phải tay sai CIA…
- Tôi đã phải nộp tiền cho họ thả - cuối cùng Pa-ra-mô-nốp nói khẽ với vẻ đau xót, - bọn chúng ở đấy tất cả đều là lũ ăn của đút và tống tiền, chúng bảo: không có kính là phải nộp bằng…
- Vậy anh phải xì ra cho họ bao nhiêu?
- Một trăm bảy lăm đô-la. Tôi chỉ có cả thảy 50, tôi phải lồng lên đi vay khắp nơi, lúc ấy viên cảnh sát mới chịu xé toạc tờ biên bản xét nghiệm.
- Anh có nhớ viên bác sĩ không?
- Hơi sức đâu mà nhớ chứ? Một phụ nữ Phi đẹp, à mà cũng có đeo kính…
- Có thấy còn người nước ngoài nào đến giúp việc ở đó không?
- Nếu có thì tôi đã xin nói ngay, thưa đồng chí… Va-xi-li I-va-nô-vích.
- Thôi, anh cứ gọi tôi đơn giản là Pết-ca, thế nhé! Va-xi-li I-va-nô-vích là tên của Tra-pa-ép đấy (2)! Anh cứ gọi tôi là Pết-ca cho tiện đi!
- Xin đồng chí hiểu cho tình cảnh tôi! Pa-ra-mô-nốp van nài - Mất cái bằng ấy ở Châu Phi thì thật đi đứt cả công danh!
- Đi đứt cái gì?
- Công việc ấy ạ, - Pa-ra-mô-nốp vội chữa lại - sẽ chẳng còn đi được tới đâu. Nóng lắm, ai mà đi bộ tới sở thuế quan được? Mà xếp hàng dài khủng khiếp! Tôi sẽ lỡ việc của tập thể! Mà anh em chỉ trông vào sự cơ động của tôi: chạy giúp đi đằng này, phóng giúp ra chỗ kia…
- Chắc họ còn chờ đợi hơn hết ở anh sự chân thật nữa. Chúng tôi đã hỏi và đã xác minh được sự việc. Nếu anh đã kể mọi điều thành thật, thì các luật gia của ta sẽ chứng minh cho nhà chức trách ở Luy-xbua biết rằng anh đã được Ủy ban kiểm tra sức khoẻ - có chân trong một công ước quốc tế - cho phép anh vẫn được lái xe và công tác bình thường, do đó sẽ không ai có quyền đòi hỏi gì ở anh và vô cớ buộc tội anh như vậy nữa. Được chứ?
(1) Nếu gọi Mi-kha-in I-va-nô-vích thì tên thật là Mi-kha-in, tên bố là I-van (do đó có đệm là I-va-nô-vích). Còn nếu gọi tên ngược lại, thì vô hình chung là gọi tên bố ra.
(2) Anh hùng thời Nội chiến ở Liên Xô. Nhân vật chính trong tiểu thuyết của Phuốc-ma-nốp (ND).