Phần 26
XLA-VIN

- Con người ở ta dần trở nên tốt hơn - Xla-vin nhắc lại, giọng tự tin, tay anh khoác chiếc áo véc-tông lên thành ghế - Anh cứ nghĩ mà xem, ở ta bây giờ rất phổ biến bài hát về chú cá sấu Ghê-na tốt bụng, còn trước kia, người ta vẫn đem cá sấu ra doạ trẻ con đấy.
- Ở đây, anh cứ thử ra sông mà ngụp lặn xem! Tha hồ có những chú Ghê-na “tốt bụng”! - Dô-tốp cười - Đây không phải là sự tốt bụng, đây chỉ là đưa kiến thức phổ cập cho quần chúng. Tôi muốn nói về chương trình vô tuyến: “Trong thế giới động vật”. Trên màn ảnh, những chú cá sấu trông cũng hiền lành, tốt bụng như thế. Con người ta dần trở nên đa cảm hơn, điều ấy thì đồng ý, chứ còn nói về sự tốt bụng, thì tôi xin giữ ý kiến mình. Loài người còn bao nhiêu lầm lỗi, Vi-ta-li ạ… Anh có hay cho ai vay tiền không?
- Cũng có cho.
- Và lần nào người ta cũng trả anh chứ?
- Hừm… Cũng tuỳ người.
- Cũng tuỳ người! Thế anh có hình dung ra rằng ở thế kỉ trước mà không trả nợ thì ra sao không? Chỉ cần anh nói toáng ra trước mọi người, thì người vay nợ đó, nhất là lại ảnh hưởng kiểu nhân vật của Léc-môn-tốp, sẽ đi ngay sang phòng bên cạnh, rồi “đòm” - tự làm một phát vào tim tức thì! Còn bây giờ ấy à, anh cứ thử đòi xem, người ta sẽ mắng lại anh: “Đồ keo cú bủn xỉn, cứ đợi đấy đã, có gì ghê gớm đâu kia chứ.” Hoặc anh hãy nhớ lại các buổi họp đoàn thể thuở trẻ của chúng ta, người ta ngồi phát biểu, phân tích đạo đức. Nhờ trời, thế cũng là nhẹ chán, còn trước kia ấy à, người ta lộn mề anh ra ấy chứ, đưa lên giàn lửa mà sám hối ấy chứ. Không, không, Vi-ta-li ạ, chẳng qua là loài người mệt mỏi vì độc ác rồi, họ muốn quên đau khổ đi, và bây giờ họ sống lộn xộn như trong cái nhà bếp công cộng ấy, thế thôi.
Xla-vin bỗng hỏi:
- Anh có muốn về nhà không?
- Về nhà? Muốn chứ, miễn là tôi có nhà để về.
- Tôi cũng có được nghe kể về chuyện anh.
- Thì đấy… Vậy mà anh bảo là chúng ta tốt ra. Chân lí còn nằm đâu đó bên cạnh ông thánh tông đồ Pôn ấy kia! Anh có nhớ không: “Dân Do Thái giáo thì cầu xin điều báo trước, còn người cổ Hy Lạp chỉ cầu xin sự sáng suốt”. Đúng thế! Người này cầu sự thần diệu, người kia lại cầu có kiến thức, một số khác say sưa muốn thành đạt, một số khác nữa thì cố học lấy sự khôn khéo, thế nhưng chẳng có ai lấy sự tốt bụng làm tín ngưỡng đâu!
- Anh làm ngụm rượu nhé!
- Rất vui lòng.
- Ồ, mà vốt-ca lại hết rồi.
- Tôi không chịu nổi vốt-ca. Tôi mê uýt-xky hơn. Còn Glép thì lại căm thù uýt-xky, chỉ thích vốt-ca.
“Nghe đi! Nghe đi! Glép” - Xla-vin nghĩ bụng. Lúc này anh tin chắc là mỗi một tiếng sột soạt trong phòng anh đều đang được ghi âm - Cứ nghe xem chúng tao đang nói gì đi, còn tao cũng rất muốn được nhìn thực mắt vào mi, khi mi say rượu, Glép ạ!”
- Không có gì nhắm à? - Dô-tốp hỏi.
- Còn bánh quy thôi. Anh ăn nhé?
- Vâng. Tôi đang đói.
- Ta đi làm tạm miếng gì nào?
- Tốt hơn hết là lại chỗ tôi vậy nhé. Cô tôi mới gửi cho giò, loại giò khô tuyệt lắm và pho-mát Xun-gu-ni. Anh có thích pho-mát Xun-gu-ni không?
- Nhất rồi! Cảm ơn anh, tôi rất sẵn lòng. Chỉ có điều phải đợi điện thoại cái đã, một ông bạn hứa gọi điện cho tôi, rồi kéo đến chỗ Pi-la, mặc dù tôi đang không muốn đi.
- Một phụ nữ thú vị đấy. Cô ta có cách tư duy rất đàn ông, nhưng lại đi kèm với sự yêu cầu của phụ nữ. Biết cách xét đoán tỉnh táo đến mức ngạc nhiên.
- Kể ra, tôi lại rất có thiện cảm với khái niệm “xét đoán tỉnh táo”. Chúng ta hiểu biết được là nhờ có lí trí. Sự xét đoán của lí trí sẽ dẫn mọi ý kiến khác nhau tới thống nhất, - Xla-vin nói - Ý kiến chỉ là ý kiển thôi, dù dăm bảy ý kiến khác nhau cũng không làm thành một khái niệm - còn khái niệm thì như chiếc cầu thang đưa dần tới nhận thức, nó xếp đặt các ý kiến thành một sự xét đoán sử dụng vào đó trí tưởng tượng, nhận thức và trí nhớ. Pi-la có một trí nhớ thật mẫn tiệp, anh có thấy thế không?
- Anh đừng có phân tích cô ta theo kiểu tách bạch, rạch ròi từng điểm như vậy. Đừng cho rằng lô-gích sẽ giúp ta hiểu được con người. Con người về bản chất rất phi lô-gích.
- Anh nói thế vì chuyện cô vợ anh chăng? - Xla-vin nói nhỏ.
Dô-tốp uống cạn chỗ uýt-xky, cầm bánh bích quy ngửi ngửi, bẻ một mẩu, nhai nhai một cách uể oải và đáp, giọng tư lự:
- Không đâu. Trong câu chuyện của tôi, mọi cái đều đúng lô-gích cả. Sự khác biệt về tuổi tác, tính khí, sở thích và cuối cùng cũng là do sự ngốc nghếch của chính tôi nữa.
- Tội gì anh phải rắc tro lên mặt mình như thế?
- Không đáng phải thế. Nhưng rắc tro và nhận định sự việc là hai chuyện khác nhau. Anh đã nói về chuyện này, có nghĩa là người ta đã thì thào với anh khắp chốn về chuyện gia đình tôi, hẳn tất cả đều chê cười Ôn-ga, như vậy là không chân thực. Cô ấy thông minh hơn tôi, cô ấy có tài, về mặt thiên bẩm, cô ấy là người sáng tạo, tức là con người tư duy và cô ta còn đẹp hơn nữa. Mà tôi lại muốn đẽo gọt cô ta thành một người giống như tôi. Thế là đi đứt. Chẳng nên tự biện bạch cho mình, rằng mình đã hết lòng, luôn hốt hoảng lo âu vì cô ta làm gì. Lo cô ấy sống (chữ này bị bẩn, không rõ có đúng không) ra sao? Ai đến với cô ấy? Ai bắt nạt cô ấy? Và người ta nghĩ gì về cô ấy?... Chỉ có cách hoặc là chấp nhận một cá tính bên cạnh anh, chấp nhận (thiếu hai chữ do bị bẩn), và sẽ diễn ra sự hoà hợp huyền diệu như tan hoà vào nhau, hoặc là không. Chứ chẳng có cách thứ ba nào nữa, đừng nên sống bằng ảo tưởng làm gì…
- Anh có đề nghị được về nước công tác không?
- Không, tôi đang cần ở lại đây. Tôi đã ghi tên đóng tiền cho hợp tác xã xây dựng(1), phải đợi một năm nữa kia. Chúng tôi có một tủ sách chung, cả cô ấy, cả tôi, đều không thể sống thiếu nó được, chứ chưa kể nhu cầu làm việc!... Mà nếu không có nhà, tôi biết tha các tập an-bom hội hoạ châu Phi về đâu bây giờ? Đến nửa tấn sách ấy! Mà về, nhìn thấy Ôn-ga thì tôi lại đau xót, cô ấy cũng biết thế. Và cô ấy cũng đâu có thanh thản trong lòng!...
- Cô ấy chưa định lấy chồng nữa chứ?
- Sẽ không lấy ai đâu.
- Sao vậy?
- Đấy lại không phải là chuyện giữa anh và tôi.
- Xin lỗi anh.
- Không có gì. Tôi chỉ cảm thấy là anh hỏi không phải vì tính tò mò hay thích nhòm qua lỗ khoá nhà khác… Trước kia thì tôi không kéo dài những câu chuyện kiểu này, còn bây giờ, cắt ngang cũng chẳng để làm gì… - Dô-tốp cười ngượng nghịu và lại đưa ly rượu ra. - Nào, anh rót thêm tí nữa! Làm thằng say kể cũng thích - lúc ấy chẳng còn biết lo lắng nỗi gì, chỉ còn biết chuếnh choáng thôi…
- Thế sao anh lại không ưa những kẻ uống rượu?
- Ông bố tôi vốn nghiện ngập. Một người rất có năng khiếu, nhưng không biết tận dụng khả năng của mình. Một người Hy Lạp.
- Nghĩa là sao? - Xla-vin không hiểu.
- Tức là, giống kiểu người Hy Lạp, nói rõ hơn, là không chịu tin vào sự sáng suốt ở những người gần gũi mình. Những người A-ten chả thường thích sùng bái nước ngoài là gì?... Đến cả Pi-ta-go của họ, mà họ cũng tặc lưỡi: “Vâng, cũng là thiên tài đấy, nhưng được thế là nhờ công dạy dỗ của các thầy giáo tận nước ngoài…” Bố tôi vốn là nhà triết học. Nhưng một nhà triết học chân chính phải là người nghiên cứu tự nhiên, không thế, bọn họ chỉ là đồ láu cá. Bố tôi nghiên cứu hết mọi sự, thế rồi bắt đầu uống rượu. Trời ạ, sự xích gần đến kiến thức quả là nguy hiểm, thật rất nguy hiểm! anh có nhớ chuyện người ta hỏi Pi-ta-go rằng ông làm gì không?
- Có. Ông đã bảo: “Tôi chằng làm gì cả! Tôi là triết gia”.
- Đấy, bố tôi như vậy đấy!... Lúc đầu thì sống để thưởng ngoạn cảnh quan của thế giới, rồi sau đâm ra chán ngán, vả lại cũng thiếu nghị lực nữa. Không tin ở mình, cả những người gần gũi quanh mình, thế là hết, thở hắt ra, và chỗ ở của ông là ở thiên đàng… Này, sao ông bạn của anh vẫn chưa gọi điện nhỉ?
- Tôi chờ thêm dăm phút nữa vậy. Tay này thường vẫn đâu ra đấy lắm.
- Bọn họ nói chung đều biết sống đâu ra đấy - Dô-tốp cười khẩy - À mà không biết tại sao cái tay Glép tinh ma kia lại biết việc cung cấp hàng của ta cho Na-gô-ni-a nhỉ? Ở đây chỉ có một mình tôi được biết việc này, ngoài ra không có ai.
Xla-vin nhanh như cắt, dẫm nhẹ lên chân Dô-tốp ra hiệu, nhưng Dô-tốp phẩy ta phớt đều:
- Dào ôi, bọn họ không nghe trộm anh đâu! Giá anh làm đại sứ thì lại là chuyện khác!...
°

*

…Nghe lại cuốn băng, tới những lời cuối cùng của Dô-tốp, Giôn Glép đứng phắt dậy khỏi bàn, đút cuộn băng chưa chỉnh lí lại vào túi, và đi đến chỗ Rô-bớt Lô-ren-xơ.
- Công việc đã xong cả. - Hắn nói. - Tôi rất yên tâm về “Ngọn đuốc”.
- Xin chúc mừng ông, ông sẽ nói thêm với tôi về chi tiết, hay là cái đầu của tôi không cần lắm trong chuyện này, đối với ông?
- Chính nhờ vào những chi tiết của tôi - Giôn Glép đáp, không giấu được vẻ mếch lòng, - mà ông sẽ được huân chương, còn tôi bất quá cũng chỉ được đi nghỉ hai tuần là cùng.
- Để trong thời gian đó, ông lại mộ thêm được một thằng cha cỡ như Tỉnh Táo nữa, và để rồi tôi lại được huân chương, còn ông thì lại được đi nghỉ nữa! Lô-ren-xơ cười to.
- Lấy đâu ra những tên như Tỉnh Táo nữa, ông trùm! Hiện giờ hắn đang đắc lực thì tôi với ông còn được lên voi, làm gì cũng được, ta đang ở trung tâm chú ý, tên tuổi ta được tổng thống biết đến, ta được bảo hiểm khỏi mọi công kích từ nội bộ. Thằng cha Tỉnh Táo ấy là sinh mạng của tôi với ông. Hắn cũng là niềm hi vọng của CIA. Na-gô-ni-a rốt cục sẽ chỉ là một giai đoạn trong hoạt động tương lai của hắn, chuyện vặt thôi mà, chúng ta đã thắng cuộc rồi! Tôi nghĩ rằng, hắn ta có phần bị thần hồn nát thần tính, chứ chưa kẻ nào có thể giải mã được về hắn. Chẳng qua hắn mệt mỏi, chúng ta phải cho hắn nghỉ một chút sau khi kết liễu Gri-xô. Đấy, theo các chi tiết của tôi, thì hãy để Dô-tốp khớp vào với vai Tỉnh Táo, nhưng phải để Dô-tốp nhập vai “trong bóng tối”. Tư duy của hắn cứng một chiều, hắn thuộc nòi các thánh tông đồ. Hắn đã nói với Xla-vin về việc cung cấp hàng mà Tỉnh Táo đã báo cho ta. Vậy là Mát-xcơ-va sẽ biết việc này. Họ sẽ tìm kiếm chỗ rò rỉ tin tức - và ta phải tổ chức cho ra chỗ rò ấy. Tại đây. Đó chính là trò chơi mà ta đã hứa để làm yên lòng Tỉnh Táo.
- Sẽ đem lại cho ta được gì? Chúng ta sẽ làm ra sao? Và cái giá sẽ là bao nhiêu?
- Cái giá vặt vãnh thôi, vài bữa cốc-tai. Bằng cách nào ư? Đó là việc của tôi, ông cứ việc điều hành đường lối còn chiến thuật đánh gần, hãy để tôi. Ta sẽ được gì à? Được chiến thắng. Thứ nhất là bọn Nga sẽ thu được bằng chứng rằng Dô-tốp là gián điệp của ta. Thứ hai, để bọn chúng sẽ lấy được tin tức này, ta có dịp vu cho Xla-vin làm gián điệp. Ông hãy chuẩn bị cho cuộc đột kích, bọn kẻ cướp sẽ lấy ở két của ông các tên tuổi “những người bạn” của ta, trong số đó, hai năm rõ mười là phải có Dô-tốp. Thứ ba, việc kết tội làm gián điệp và hành động găng-xtơ sẽ buộc Luy-xbua trục xuất đa số bọn Nga đang làm việc ở đây. Việc cung cấp hàng cho Na-gô-ni-a sẽ giảm đi một nửa. Nửa kia sẽ bị các nhóm khủng bố của Ô-ga-nô tiêu diệt. Thứ tư, sau chiến dịch này, nhất là khi Xtau bắt Xla-vin, ở đây sẽ không còn những kẻ dòm dõi, tọc mạch nữa, và nếu còn, thì bọn chúng cũng phải đặc biệt thận trọng. Trước khi bắt đầu “Ngọn đuốc”, một hành động như thế sẽ cực kì bổ ích, mà lại ít ồn ào.
- Ông làm một chén chứ, Giôn?
- Tôi sẽ uống thoả thích khi nào người ta gọi điện từ Na-gô-ni-a cho tôi, báo rằng họ đang phái trực thăng đến đón tôi thăm dinh của Ô-ga-nô.
- Ông cứ gõ vào tủ gỗ ấy mà chờ.
- Suốt đêm đến sáng tôi chỉ chuyên tâm làm việc đó đấy, ông trùm ạ!
- Khi nào thì ông mới thôi dúng vào cái chữ “trùm” dễ lộ kia? Đã bao nhiêu lần tôi đã xin ông gọi tôi bằng tên!
- Tôi là người có những thích thú bệnh hoạn, ông trùm ạ, tôi rất lấy làm khoan khoái khi được tự hạ mình trước người khác.
- Ông đã nghĩ được cách nào đẩy được thông tin về Dô-tốp cho bọn chúng?
Glép vắt hai tay ra sau đầu, ngả người ra, phá lên cười mà không biết hắn cười cái gì. “Tôi hi vọng sẽ có dịp, thưa ông! Và tính tôi còn rất hay thù dai nữa đấy, không tha thứ cho một ai đâu. Không tha ai hết, ông ạ!”.
Lô-ren-xơ chăm chú nhìn Glép dưới hàng lông mày chổi xể đã đốm bạc, và nói một cách tư lự:
- Tính thù dai là một nét xấu, Giôn ạ, nhất là trong nghề chúng ta. Người tình báo phải yêu đến phát run lên đối thủ của mình, chỉ khi ấy anh ta mới bóp cổ được hắn.
(1) Ở Liên Xô có hình thức hợp tác xã xây dựng nhà ở cho công dân (JSK). Hợp tác xã tiến hành xây dựng nhà trên cơ sở tiền đóng góp của người yêu cầu, có vay vốn ngân hàng dài hạn. Nhà được phân theo thứ tự yêu cầu, và trả tiền dần trong khi sử dụng.