Thuốc phiện có nhiều tên gọi: “Ả phù dung”, “thú đi mây về gió” là một thứ thuốc có ma lực làm ta say đắm. Buổi đầu, hút thuốc phiện tăng thêm cảm khoái, hứng thú và cả sinh lực. Nhưng khi bắt đầu ghiền, người hút trở nên tôi tớ cho nó, chỉ biết sống theo bản năng. Hồi trước, thuốc phiện được người Pháp du nhập vào nước ta từ trên Lào xuống. Họ đánh thuế nhẹ, giá rẻ gần như khuyến khích... có mục đích đầu độc, ru ngủ dân ta cho dễ cai trị.Cụ Vương Hồng Sển kể lại, hồi mới chinh phục Cao Miên, hàng tháng người Pháp cung cấp cho Miên hoàng và hoàng gia một số thuốc phiện lớn, miễn phí. Họ nói, nếu không hút thì bán lấy tiền. Các nhà giàu xưa thuở trước, nhiều người hút thuốc phiện cho đến ghiền. Cũng như rượu, người Pháp giữ độc quyền phân phối thuốc phiện trên toàn cõi Đông Dương. Tài liệu do nhà văn Hồ Trường An cung cấp cho chúng tôi viết:“Hãng nấu thuốc phiện ở đường Paul Blanchy (dưới thời Việt nam Cộng hoà gọi là đường Hai Bà Trưng). Hãng này gần nhà đèn C.E.E (Compagnie de d”eau ét d”electricite). Hãng này gọi là Régie central d”opium, gọi tắt là R.G.O. Hãng nấu thuốc phiện này giữ độc quyền bán thuốc phiện cho những tiệm hút có môn bài. Tiệm hút được gọi là Régie Opium, thường phía trước cửa có treo cờ với hai chữ viết tắt kể trên. Những tiệm hút ở Nam Kỳ lục tỉnh, có tới 90% thuộc về người Tàu.Ở Sài gòn, tại đường Lefèbre (sau là Nguyễn Công Trứ), xéo xéo Đông Dương Ngân Hàng, có 3 tiệm hút. Mỗi tiệm có mặt tiền bằng ván ghép, cửa đóng kín mít. Ở cửa đi vô, có khoét một lỗ hình vuông dài, phía trong có chong đèn đầu. Cạnh lỗ có treo tấm bảng bằng thiếc sơn, vùng trên có chữ nổi Régie Opium. Khách tới, đẩy cửa hông bước vào, thì thấy anh chàng khách trú ngồi đó. Qua khỏi quầy thì vào trong căn phòng dài, có kê vách tường một bộ sạp gỗ, dài cỡ 5 tới 7 thước, có bày gối bằng sành. Khách gọi thì họ đem bàn đèn lại, và hỏi “ngao tài” hay “ngao xỉu?” tức các đơn vị thuốc phiện trong tiệm hút để hút tại chỗ. Thuốc phiện bán tại Régie Opium được đựng trong hộp. Hộp lớn đựng một lượng (37g5) thuốc phiện, hộp vừa đựng 5 chỉ. Còn hộp nhỏ đựng 2 chỉ thôi. Hộp đựng á phiện bằng nhau. Khách mua hút tại chỗ, có thể mua ngao tài (thứ lớn) có thể hút từ 3 tới 5 điếu, hoặc có thể mua ngao xây (xỉu) là thứ nhỏ chỉ hút có hai điếu. Hai người rủ nhau vào tiệm hút có thể mua một ngao tài chia nhau mỗi người 2 điếu hút cũng đủ say. Bởi đó, có người sửa lời bản “Tang Chinois” (Hà nhựt quân tái lai) thành:Hai đứa mình đi vô tiệm hút,Kêu chú cai đem lại ngao tài...Để thay thế hai câu:Sương gió, buồn chiều vàng hiu hắt,Sóng nước ôi sao lại u sầu?Khách hút thường trực nhứt là các nhà báo, các văn nhân đào kép cải lương. Nhiều nghệ sĩ có tài, có sắc, nhưng vì là dê tử của nàng tiên nâu, của Lưu Linh, nên nhiều người chết trẻ, thân tàn ma dại. Nếu họ hút đủ và điều độ thuốc nguyên, thì có lẽ nhan sắc và giọng hát có thể cầm cự được với khoảng thời gian dài. Đằng này, trước hút thứ nguyên chất, sau vì không tiền, họ hút thuốc sái, cho đến nỗi trỏ thành hình ảnh trong câu ngạn ngôn như sau:Trai tráng sĩ phải co vai rút cổ,Gái thuyền quyên phải mặt bủng da chì.Đã vậy giọng hát của họ bị khói thuốc phù dung ám đục và dây thanh đới của họ không mềm dẻo như xưa nữa. Cho nên âm lượng trong tiếng hát hao hụt, âm sắc trở nên khàn đục, để rồi giọng hát tắt lịm đi. Thường các nhà văn, nhà báo vào tiệm hút thường trao đổi tin tức cho nhau sau khi hút xong vài điếu. Họ tỉnh táo như sáo sậu. Họ nói chuyện thời cuộc, tin trong giới chính trường, trong giới sinh hoạt nghệ thuật. Những tin tức đó gọi là “Tin Radio một đèn”. Một đèn ngầm ám chỉ ngọn đèn dầu phộng của mâm thuốc phiện. Tin radio một đèn không phải là “tin chính xác, đó là tin miệng, tin truyền miệng”. Trên các báo Tin Điển, Đuốc Nhà Nam (lúc đầu), Ánh Sáng, Sài gòn, Thần Chung (lúc sau) thường có mục “Radio một đèn”. Về sau “Tin radio một đèn” còn gọi là “Tin lạt dừa”, tin hành lang. Tựu trung các loại tin này thường xuất xứ từ các tiệm hút, các tiệm nước có ký giả cùng văn nhân, nghệ sĩ lui tới.Cô Sáu Huỳnh Kỳ, ngôi sao trong gánh Huỳnh Kỳ - Trần Đắc có giọng kim đồng bất hủ. Đó là giọng ca thật cao vút trong trẻo và lảnh lót mỗi khi cô ca tới câu “... chuông đồng hồ điểm boong boong, em lắng nghe 12 tiếng” thì thính giả cảm thấy xương sống mình tê rần ngay. Vì rằng khi hát tới hai chữ “boong, boong” giọng cô ngân nga, dư vang lanh lảnh như tiếng chuông... Về sau, cô bị ả phù dung mê hoặc, phải bỏ nghề. Rồi cô bịnh lao phổi, tiếng lắt tịt. Cô lại không tiền, không thân nhân giúp đỡ. May cho cô, ông bác sĩ y khoa Dương Tấn Tươi vốn là người ưa bảo trợ văn nghệ sĩ, đưa cô về nhà ông đễ săn sóc. Mỗi khi cô cần gọi ai, cô không thể kêu lớn, đành phải lắc cái lon rỗng có đựng sỏi sạn. Một dịp đi chợ Tết, cô mua một trái dưa hấu rồi khấn hứa: “Vái cùng hoàng thiên hậu thổ, xin cho con biết cái thời vận con ra sao khi xẻ trái dưa hấu này. Nếu ruột dưa hấu mà đỏ tươi là điềm lành cho con biết thời cơ còn đỏ. Còn nếu ruột dưa lợt nhách, tức là vận số đưa con tới bước đường cùng”. Và than ôi? Khi trái dưa hấu bị cắt đôi, chỉ bày một màu hường vừa lợt vừa tái ngắt. Thất vọng, cô treo cổ tự tử.Thời tàn tạ của hoa khôi Ba Trà (Trần Ngọc Trà) ít ai biết. Nhưng vào năm 1936, trước khi lập gia đình, ông thân sinh Mặc Khải tôi có theo bạn bè trong giới báo chí, trong giới cải lương đi hút ở một tiệm tồi tàn trong Chợ Lớn. Người tiêm thuốc cho ông là cô Ba Trà. Cô đã già, tròm trèm 60 tuổi, mặt mày cô tiều tuỵ, nhưng sống mũi vẫn còn thanh tú, nhưng mắt vẫn còn đen láy và loang loáng ánh gương. Cô kể chuyện đời rất hay, rất thấm thía. Tuy ít học nhưng nhỏ có nhiều kinh nghiệm về tình đời nên cách ăn nói, kể chuyện của cô dễ làm mềm lòng người nghe(1). Vào những năm 1950, 1951, 1952 tại Sài gòn, gần sòng bạc Kim Chung có tiệm hút của ông Hai Thóc, người Bắc. Nơi đây có các nhà văn, nhà thơ, nhà báo hay lui tới như:- Thanh Nam (nhà văn) tại đó đã sáng tác những quyển tiểu thuyết ướt át như: Cuộc Đời Một Thiếu Nữ, Lỡ Một Đời Hoa, Người Nữ danh Ca, Hồng Ngọc...- Trúc Khanh (nhà thơ) đã có những bài trong tập “Thơ mùa giải phóng” với Ái Lan, Mộng Tuyết, Phạm Từ Quyên, Hoàng Tấn (tức Huỳnh Văn Tiếng, nhạc sĩ).- Hoàng Giác (nhạc sĩ) đã từng nổi tiếng với các bản: Mơ Hoa, Bóng Ngày Qua, Quê Hương, Lở Cung Đàn, Cô Láng Giềng... Ngoài tài sáng tác, Hoàng Giác còn có giọng hát rất hay.- Trọng Thương (nhạc sĩ) lúc đó đã sáng tác các bản: Ghen (phổ nhạc bài thơ cùng tựa của Nguyễn Bính). Về sau, thời Đệ nhứt Cộng hoà, ông sáng tác bản “ Về Miền Nam” rất nổi tiếng và “ Đường Về Nhà Tôi”. ông còn là tác giả bản “ Bánh Xe Lãng Tử”. Trọng Thương có giọng hát điêu luyện và đẹp.Trong các nhạc sĩ thuở đó vừa sáng tác nhạc hay vừa có giọng hay có Mạnh Phát, Châu Kỳ, Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Kim Ngọc tức nhạc sĩ Ngọc Bích.Nguyễn Ngọc Tú, nhà báo. Lúc đó ông vừa viết báo vừa đi học Anh văn. Về sau ông lấy tên là Ngọc Thứ Lang dịch bộ “Bố Gìa” của Mario Puzzi rất nổi tiếng.Thời Đệ nhị Cộng hoà, trong xóm đình Phú Thạnh toạ lạc trên đường Lê Văn Duyệt, gần chợ Đũi và sát lưng chợ Vườn Chuối, có tiệm hút của ký giả Tùng Sơn. Nơi đấy cũng có nhiều nhà báo lui tới. Nhà của Thuỵ Vũ và Hồ Trường An ở đâu đít với nhà ký giả Tùng Sơn, nên tối cả hai qua căn gác tối của ông ta để được chuyện trò với các nhà văn, nhà báo tới hút. Bà Tùng Sơn giữ phần tiêm thuốc cho khách, pha trà và gọt trái bôm, trái xá lỵ mời khách. Sau đó bà ngâm thơ theo điệu Tao Đàn rất hay. Có lần, các nhà văn nhà báo mời Thuỵ Vũ hút một điếu chơi cho biết. Khách thường lui tới tiệm này có:- Nhà văn Kiêm Minh, nhà văn kiêm kịch tác gia Vũ Khắc Khoan, nghệ sĩ thổi sáo Nguyễn Đình Nghĩa, nhà văn kiêm nhà báo Vũ Bằng, nhà báo Trọng Tấu, nhà báo kiêm dịch giả Ngọc Thứ Lang, nhà thơ Hoàng Trúc Ly, nam nghệ sĩ ca kịch cải lương Quang Minh, từng làm kép chánh đoàn ca kịch Nam Hồng. Về sau, anh dọn về ở khít tiệm húi của ký giả Tùng Sơn, vì lúc đó anh có vợ là nữ nghệ sĩ Huệ Chúc, cộng tác với đoàn Kim Chung, trụ diễn thường trực tại rạp Olympic.Xóm đình Phú Thạnh có đủ tứ đổ tường. Bài bạc ở sòng bà Tám Dừa (đối diện với nhà Thuỵ Vũ), động nhà chứa ở gần miễu Năm Bà và gần nhà danh hề Phúc Lai, tiệm nhậu của nghệ sĩ đờn kìm Ba Lan và liệm hút của ký giả Tùng Sơn”.Chúng tôi xin lỗi độc giả đi xa đề tài vì tài liệu của nhà văn Hồ Trường An quá độc đáo, chúng tôi không thể viết bằng anh được, nên đành chép nguyên văn. Một lần nữa xin cảm ơn người bạn văn đa tài nhưng khiêm tốn.Các nhà giàu xưa ở Nam Kỳ không phải là một giai cấp đặc biệt trong xã hội với những đặc quyền đặc lợi như xã hội phong kiến bên Ấn Độ hay giai cấp quý tộc bên Âu Châu. Họ không có đặc quyền cha truyền con nối. Hễ ai siêng năng làm lụng gặp cơ hội phát tài, trở thành nhà giàu, hưởng cuộc sống sung sướng, được người đời trọng đãi. Trái lại có những nhà giàu, tới thế hệ con cái chỉ biết ăn xài đến phá sản, rồi con cháu không còn cục đất chọi chim. Đó cũng là chuyện thường. Nhiều gia đình tới ba bốn đời vẫn còn lần rát, nhưng đến đời Việt Minh nổi dậy, cũng bị tận diệt.Đó là chính sách trả thù và triệt hạ những nhà giàu, những kẻ may mắn hơn mình của cộng sản. Vì không phải một giai cấp, nên không phải lúc nào họ cũng đoàn kết, binh vực lẫn nhau. Ở thôn quê, nhiều điền chủ xích mích nhau vì những mối bất hoà nhỏ. Đôi khi mối bất hoà ấy trở nên thù hận suốt một hai thế hệ. Chẳng hạn trường hợp hai điền chủ ở Bến Tre: ông Cả Đẩu là người giàu nhứt làng Tân Hào, có mối hiềm khích với Chín Chỉnh, cũng là người giàu nhứt làng Tân Thạnh kế bên. Cả hai gia đình này để lại một giai thoại nói xấu nhau mà những người lớn tuổi ở Bến Tre còn có vị nhớ lại, kể cho chúng tôi nghe. Không rõ bên Chín Chỉnh giận gia đình ông Cả Đẩu ra sao mà đặt câu hát ru em để trẻ con lòng làng phổ biến:Cua kình càng bò ngang bờ mẫu,Nghe tiếng đồn Cả Đẩu đ. trâu!Tức mình, phía làng Tân Hào, ông Cả Đẩu đâu có chịu thua, liền phản pháo bằng hai câu khác, độc địa hơn:Cua kình càng bò ngang cái tĩnh,Thiên hạ đồn Chín Chỉnh đậu du!Hai tiếng sau cùng, nếu nói lái có nghĩa Chín Chỉnh thông dâm với con dâu. Theo tài liệu của ông Bảo Lộc trong “Nội san Bến Tre tháng 3-1993”, hai câu này có sửa đôi chút:Cua kình càng bò ngang cái tĩnh,Nghe tiếng họ đồn Chín Chỉnh... đội lu!Cũng theo tài liệu này “Chín Chính và Cả Đẩu sau đó đã lại thân gia (?) khẳn khít nhau”.Hồi trước, nếu trong một làng có vài ba người đều giàu, họ thường khoe của trong mỗi dịp cúng tế, đám cưới, đám hỏi và Tết. Đốt pháo trong ngày Tết cũng là dịp để họ “chơi trội” với nhau. Người nào cũng muốn cho đối phương hiểu rằng gia dình mình ngày Tết đất pháo nổ lớn nhứt, hay đất pháo kéo dài từ giao thừa đến sáng ngày mùng Một mà chưa dứt tiếng pháo nổ. Những dịp ấy chỉ làm giàu cho những tiệm tạp hoá của mấy chú Ba Tàu mà thôi. Con gà ghét nhau vì tiếng gáy. Người giàu muốn được tiếng hơn người khác xưa nay là chuyện thường ở thôn quê.Chú thích: (1) Có lẽ nguồn tin này chưa chính xác, vì cô Ba Trà sáng chói trong tình và nhan sắc tới năm 1939