Ngày mùng một tháng Giêng năm 1943. Năm Roosevelt tuyên bố Đức nhất định sẽ thất bại. Lúc này thật ra Đức bắt đầu chiến thắng ít hơn trên các chiến trường. Giá như chiến tuyến ở gần chúng tôi hơn! Tin Đức thua trận ở Stalingrad bay đến, nó quá quan trọng nên không thể ỉm đi hoặc nói qua loa trong thông cáo báo chí thường lệ rằng “không có ý nghĩa gì so với cả quá trình thắng lợi của cuộc chiến”. Lần này Đức phải công nhận tin này, tuyên bố ba ngày để tang, và lần đầu tiên sau nhiều tháng, chúng tôi được tự do. Những người lạc quan hơn trong chúng tôi xoa tay hoan hỉ, tin tưởng vững chắc rằng chiến tranh sắp kết thúc. Những người bi quan lại nghĩ khác, họ cho rằng cuộc chiến còn kéo dài một thời gian nữa, nhưng ít ra cũng không ngờ vực gì lắm vào kết quả cuối cùng. Song song với những tin tốt lành về chính trị, các tổ chức bí mật trong ghetto tăng cường hoạt động. Đội của tôi cũng bị cuốn theo. Majorek hàng ngày mang những túi khoai tây vào cho đội chúng tôi, đã lén vùi đạn, súng dưới đống khoai. Chúng tôi chia đạn, súng ra và nhét vào các ống quần, đem vào ghetto. Đây là một việc mạo hiểm và một hôm suýt nữa kết thúc thê thảm cho đội chúng tôi. Majorek mang các bao khoai đến chỗ kho của tôi như thường lệ. Tôi dọn kho rỗng, dấu các viên đạn và định tối ấy sẽ chia cho các bạn đem về ghetto. Nhưng Majorek vừa để các túi khoai xuống và rời khỏi nhà kho thì cửa bật mở và một tên Untersturmfurhrer trẻ lao vào. Hắn nhìn quanh và để ý đến các bao khoai và tiến đến. Tôi cảm thấy bủn rủn đầu gối. Nếu hắn kiểm tra chúng chứa gì bên trong, chắc tôi là người đầu tiên sẽ nhận viên đạn vào đầu. Hắn đứng trước các bao và cố cởi một cái. Song sợi dây bị mắc kẹt và rất khó gỡ. Hắn chửi đổng và quát tôi: Cởi ra! Tôi bước đến chỗ hắn và cố tỏ ra bình tĩnh. Tôi gỡ nút, cố ý làm thật chậm, nhìn bên ngoài thật bình thản. Tên Đức chống hai tay lên hông đứng nhìn. Cái gì ở trong? – hắn hỏi. Khoai tây. Chúng tôi được phép hàng ngày mang một ít về ghetto. Lúc này cái bao đã mở. Lệnh tiếp theo là: Đổ ra cho tao xem! Tôi sục tay vào trong bao. Không phải khoai. May làm sao hôm nay Majorek mua một ít bột yến mạch và đậu thay cho một số khoai tây. Chúng để ở trên, khoai tây bên dưới. Tôi giơ ra một nắm quả đậu vàng, khá dài. Khoai tây kia mà – tên thanh niên cười mỉa mai rồi hắn ra lệnh – Thọc sâu tay xuống! Lần này tôi đưa ra một vốc bột yến mạch. Bất cứ tên Đức nào cũng có thể đánh tôi vì cái tội đã lừa gạt chúng. Thật ra tôi mong cho hắn đánh tôi và sẽ sao nhãng những thứ còn lại trong bao. Song hắn chẳng buồn tát tôi. Hắn quay gót và đi thẳng. Ngay sau đó hắn lại xông vào đột ngột một lần nữa, hắn mong tôi vi phạm một điều gì nữa chăng? Tôi đang đứng giữa nhà kho, cố trấn tĩnh. Tôi phải lấy lại can đảm. Chỉ khi nghe thấy tiếng bước chân hắn xa dần ngoài cửa, rồi cuối cùng tắt hẳn, tôi mới dám dốc tuột các bao, vội vã dấu đạn dược dưới đống vôi trong góc kho. Tối hôm ấy, lúc chúng tôi đến bức tường của ghetto, chúng tôi trút ngay chỗ đạn và lựu đạn mới nhận được vào chỗ thường lệ. Chúng tôi suýt chết vì nó! Ngày 14 tháng Giêng là thứ Sáu, điên tiết vì thất bại ở các mặt trận và thích thú được quét sạch người Ba Lan, bọn Đức bắt đầu cuộc săn người mới. Lần này mở rộng khắp Warsaw. Chúng lùng sục liền ba ngày không nghỉ. Ngày nào lúc đi làm và lúc trở về, chúng tôi cũng thấy những người bị săn đuổi và bắt giữ trên phố. Hàng đoàn xe cảnh sát chở tù nhân chạy đến đích và trở về rỗng tuếch, sẵn sàng cho nhiều mẻ nữa cho một trại tập trung tương lai. Một số dân Aryan tìm chỗ trú trong ghetto. Những ngày khó khăn này đã chứng kiến một nghịch lý nữa của giai đoạn chiếm đóng: cái băng tay có ngôi sao sáu cạnh một thời là biểu tượng đe doạ nhất, nay trở thành vật che chở qua đêm, một loại hình bảo đảm, vì dân Do Thái không còn là con mồi nữa. Tuy vậy hai ngày sau đến lượt chúng tôi. Sáng thứ Hai lúc rời khỏi ngôi nhà, tôi không thấy cả đội ra đường, chỉ có vài nhân công rõ ràng là không thể thiếu được. Là “quản lý nhà kho”, tôi ở trong số đó. Chúng tôi khởi hành ra cổng ghetto, có hai cảnh sát đi kèm. Thường ngày chỉ có các cảnh sát Do Thái nhưng hôm nay toàn bộ đơn vị cảnh sát Đức kiểm tra rất kỹ giấy tờ của bất kỳ người nào rời khỏi ghetto để đi làm. Một cậu bé khoảng lên mười chạy trên vỉa hè. Nó xanh mét vì sợ hãi đến mức quên bỏ mũ ra chào viên cảnh sát Đức đang tiến đến chỗ nó. Tên Đức đứng lại, không nói một lời, rút súng ra và nhắm vào thái dương cậu bé mà bắn. Đứa trẻ ngã xuống đất, cánh tay vẫn đập đập, rồi cứng đờ ra và chết. Tên cảnh sát thản nhiên đút súng vào bao và đi tiếp. Tôi nhìn hắn, hắn không có vẻ đặc biệt tàn nhẫn hoặc giận dữ. Hắn là một người bình thường, điềm tĩnh, đã làm một trong những nhiệm vụ thứ yếu hàng ngày của hắn, và ngay lập tức hắn chẳng nghĩ gì nữa, nhiều việc quan trọng hơn đang đợi hắn. Nhóm tôi đã đến khu vực Aryan thì nghe nhiều tiếng súng ở đàng sau. Tiếng súng dội lại từ các nhóm công nhân Do Thái khác bị vây trong ghetto, trả giá cho nỗi sợ hãi của bọn Đức bằng sự bắng giết lần đầu. Chúng tôi đến nơi làm việc, tâm trạng chán nản, chúng tôi không biết lúc này trong ghetto đang xảy ra chuyện gì. Không còn nghi ngờ gì nữa, một giai đoạn mới của cuộc thanh toán đã bắt đầu. Cậu bé Prózanski đi cạnh tôi, lo lắng không biết cha mẹ cậu có còn ở trong phòng chúng tôi không, không biết họ có kịp trốn vào nơi nào đó để thoát khỏi cuộc tái định cư lần này không. Tôi có những nỗi lo riêng, và rất cụ thể: tôi để quên cái bút máy và đồng hồ của tôi, tất cả những thứ tôi có trên đời, nằm trên bàn trong phòng tôi. Nếu trốn thoát thành công, tôi phải đổi chúng thành tiền mặt, và sống bằng số tiền ấy được vài ngày, tìm nơi ẩn nấp với sự giúp đỡ của bè bạn. Tối hôm ấy chúng tôi không trở về ghetto, chúng tôi tạm trú ở Narbutt. Chỉ mãi sau này chúng tôi mới biết việc xảy ra sau các bức tường, nơi dân chúng cố thủ hết sức trước khi bị đưa đến chỗ chết. Họ trốn ở những nơi đã chuẩn bị trước, phụ nữ đổ nước lên bậc cầu thang để chúng đóng băng và bọn Đức khó lòng mà leo lên được các tầng trên. Một số ngôi nhà đầy các chướng ngại vật, cư dân bắn trả bọn Đức, quyết chiến đấu, thà chết với vũ khí trong tay còn hơn bỏ mạng trong buồng hơi ngạt. Bọn Đức đã đưa các bệnh nhân còn mặc đồ lót trong các bệnh viện Do Thái, chất họ lên các xe mui trần dưới trời giá lạnh, đưa họ đến Treblinka. Nhờ sự kháng cự của dân Do Thái, trong năm ngày, bọn Đức chỉ đưa được năm ngàn người, thay vì mười ngàn như chúng đã dự định. Tối thứ Năm, Huých Hoác bảo chúng tôi rằng “chiến dịch tẩy rửa các nhân tố không chịu làm việc” trong ghetto đã chấm dứt và chúng tôi có thể trở về đấy. Tim chúng tôi đập thình thịch. Các đường phố trong ghetto là một cảnh tượng choáng váng. Vỉa hè đầy mảnh kính cửa sổ vỡ. Lông chim từ các gối bị rạch nát bít kín các cống rãnh, bay tứ tung, mỗi lần gió thổi, từng đám mây lông chim xoáy trong không khí như những bông tuyết dày bay ngược từ dưới đất lên. Cứ vài bước chúng tôi lại thấy xác của những người bị hại. Im lặng bao trùm đến mức tiếng bước chân của chúng tôi dội lại từ các bức tường như thể chúng tôi đang đi trong một khe núi đá. Chúng tôi không tìm thấy ai trong phòng, nhưng không có hiện tượng cướp bóc. Mọi vật vẫn y nguyên như lúc cha mẹ Prózanski để lại, đánh dấu để chuyển đi. Các tấm phản vẫn chưa dọn từ đêm ngủ cuối cùng ở đây, bình cà phê chưa uống hết vẫn đứng trên bếp lò lạnh ngắt. Bút máy và đồng hồ của tôi vẫn nằm nguyên trên bàn, đúng chỗ tôi để lại. Lúc này tôi vội vàng làm mọi việc thật nhanh. Giả sử cuộc tái định cư đến rất sớm và tôi ở trong danh sách phải đi. Majorek đã liên hệ giúp với các bạn tôi, một cặp vợ chồng nghệ sĩ trẻ mới cưới. Andrzej Brogucki là nghệ sĩ, vợ anh là ca sĩ thường biểu diễn với tên thời con gái là Janina Godlewska. Một hôm Majorek bảo tôi khoảng sáu giờ tối họ sẽ đến. Nhân lúc các nhân công Aryan đi về nhà, tôi nắm lấy cơ hội lẻn ra cổng. Cả hai đã ở đấy rồi. Chúng tôi trao đổi với nhau vài lời. Tôi đưa cho họ những sáng tác của tôi, cây bút, chiếc đồng hồ là những thứ tôi muốn mang theo. Tôi đã đưa những thứ này ra khỏi ghetto và giấu ở nhà kho. Chúng tôi thoả thuận rằng Bogucki sẽ đến đón tôi lúc năm giờ ngày thứ Bảy, khi một viên tướng SS đến thanh tra toà nhà, tôi sẽ lợi dụng cảnh huyên náo lúc ấy mà lẻn đi dễ dàng. Hồi này không khí trong ghetto ngày càng căng thẳng và khó khăn. Cảm giác về một điềm báo cứ lơ lửng trong không khí. Đại tá Szerynski, chỉ huy cảnh sát Do Thái đã tự tử. Chắc hắn đã nhận được một số tin xấu vì hắn gần gũi với bọn Đức hơn bất cứ ai, là người bọn chúng cần nhất, và dù thế nào cũng sẽ là người đi tái định cư cuối cùng, đã thấy không còn con đường nào tránh khỏi cái chết. Hàng ngày, nhiều người Do Thái khác trộn lẫn vào chúng tôi lúc chúng tôi đi làm, cố trốn đến khu vực Aryan của bức tường. Không phải lúc nào họ cũng thành công. Có một số tên mật thám được trả công làm chỉ điểm rình đợi những người bỏ trốn. Chúng sẵn sàng tấn công người Do Thái khi thấy anh ta đang đi trên một đường phố nào đó, doạ sẽ nộp anh ta cho bọn Đức, rồi bắt anh ta đưa hết tiền bạc châu báu mang theo. Đàng nào thì sau khi trấn lột xong, chúng sẽ giao anh ta ngay cho bọn Đức. Sáng thứ Bảy hôm đó tôi lả người vì căng thẳng. Liệu có êm xuôi không? Một bước nhầm lẫn là cái chết sẽ đến tức thì. Đến chiều, viên tướng xuất hiện, làm việc thanh tra của hắn rất đúng giờ. Những tên SS đầy trong toà nhà lúc này sao nhãng chúng tôi đi. Đến năm giờ công nhân Aryan bắt đầu ngừng làm việc. Tôi mặt áo khóac, lần đầu tiên trong suốt ba năm, tôi lột cái băng tay có ngôi sao xanh lơ và lẻn ra cổng cùng với họ. Bogucki đã đứng ở góc phố Wisniowa. Nghĩa là cho đến lúc này mọi sự vẫn theo đúng kế hoạch. Lúc nhìn thấy tôi, anh bỏ đi thật nhanh. Tôi đi theo anh mấy bước, lật cổ áo lên và cố không để mất hút bóng anh trong đêm tối. Các đường phố vắng ngắt, chỉ được chiếu sáng lờ mờ theo quy định từ lúc nổ ra chiến tranh. Tôi phải hết sức chú ý để không chạm trán với bất kỳ một tên Đức nào dưới ánh đèn đường, hắn có thể nhận ra mặt tôi. Chúng tôi đi theo con đường ngắn nhất, đi rất nhanh, nhưng con đường dường như dài vô tận. Cuối cùng chúng tôi cũng đến đoạn cuối của cuộc hành trình – nhà số 10 phố Noakowski, là nơi tôi sẽ ẩn trên tầng năm, trong một xưởng vẽ của một hoạ sĩ theo sự sắp đặt của Piotr Perkowski, một trong những người lãnh đạo hiệp hội các nhạc sĩ chống Đức hồi đó. Chúng tôi vội vã lên gác, cả ba người cùng một lúc, Janina Godlewska đứng đợi chúng tôi trong xưởng vẽ, trông chị căng thẳng và sợ hãi. Nhìn thấy chúng tôi, chị thở phào nhẹ nhõm. Ôi chao, cuối cùng các anh đã về đây! - chị đan hai bàn tay lên trên đầu. Chị nói thêm với tôi – Mãi đến lúc anh Andrzej đi đón anh rồi, tôi mới nhận ra hôm nay là ngày 13 tháng Hai, con số 13 rủi ro!