Phần XI

Nguyên vừa đến cơ quan, ông trưởng phòng quản trị hành chính đã chạy tới bảo anh:
- Báo cáo, anh có việc gấp đấy.
Ông đưa một tờ giấy gấp làm tư và nói thêm: "Sáng nay, trước khi lên máy bay, thủ trưởng còn dặn tôi nhắc anh cố gắng giải quyết việc này cho sớm sủa".
Nguyên gật đầu.
- Cảm ơn.
Rồi cầm mảnh giấy, anh vào phòng làm việc. Hai cô phóng viên mới về đã đun nước pha chè tươm tất. Nguyên tự rót cho mình một chén nước nóng, vừa uống vừa mở mảnh giấy ra xem. Tổng biên tập viết cho anh những dòng chữ ngoằn nghèo, vội vã, nhưng lại gạch nhiều nét đậm dưới những dòng chữ đó.
"Nguyên thân.
Mình không thể nói với cậu tường tận việc của Hoà. Sáng nay, cậu hãy tới nhà Trọng. Hoà là thủ trưởng của Lâm, anh ruột vợ Trọng, Lâm và Trọng sẽ thay mình kể mọi chuyện một cách chi tiết. Hoà là bạn mình từ ngày trên chiến khu. Cậu cố gắng giúp cậu ta, như thế cũng coi như cậu đã giúp chính mình. Hy vọng nhiều ở cậu đấy. Bài vở đã duyệt giao cho thư kí, cậu tới đó mà lấy. Hai tuần nữa chúng ta sẽ lại hàn huyên,
Thân mến ký tên..."
Nguyên gập thư lại, bỏ vào túi áo. Anh kiểm tra bài vở lần nữa, trước khi đem xuống nhà in. Sau đó, anh đạp xe tới nhà Trọng. Đồng hồ chỉ chín giờ mười lăm phút. Trời nắng nhưng se lạnh, từng đám lá vàng xô dạt theo gợn gió. Những vẩy mây tê tê bạc trắng trên trời khiến người ta dễ nhớ tới mùa thu. Ngày thường, Nguyên là người chăm chỉ và cần mẫn với mọi công việc. Theo lẽ đó, với sự giao phó chí tình như lá thư tổng biên tập đã gửi, hẳn anh phải thực hiện nhanh chóng. Nhưng hôm ấy, Nguyên bỗng thấy dửng dưng; anhd dạp xe chậm rãi dọc theo phố, ngắm những gương mặt ơ hờ và quen thuộc của đô thị mùa đông. Những cơn giá lạnh bạo liệt đã qua, đã huy động toàn bộ sức chống đỡ của con người, và giờ đây, trong một buổi sớm êm ả thế này, người ta chợt cảm thấy trống vắng, mệt mỏi. Có lẽ, tiếng lá xào xạc kia và những con chim đơn lẻ bay qua khung trời thành phố làm ta nhớ tới tuổi thơ, nhớ tới hơi thở ấm nồng của những khát vọng, nhớ gương mặt nào đó khơi gợi những niềm vui sướng ban đầu... Có ai vừa cất tiếng hớt hải gọi anh:
- Nguyên, Nguyên ơi i.i...
Nguyên quay lại, Trọng vòng xa máy, mặt đỏ gay, áo khoác mở phanh hai vạt để chiếc áo len thùng lỗ chỗ bên trong:
- Tìm cậu đứt cả hơi.
Anh vừa thở hổn hển vừa cất tiếng kêu. Nguyên bảo:
- Tôi đang đạp xe xuống nhà cậu đây. Vội vã gì mà ăn mặc luộm thuộm thế?
Trọng cúi xuống cài áo:
- Thủ trưởng đã viết thư cho anh, tôi biết điều đó nhưng vợ tôi và ông anh cô ấy sốt ruột cứ giục cho được. Tôi đã phóng xe tới cơ quan rồi mới quanh flại đây... Nhanh lên cậu. Mọi người đang chờ sẵn ở nhà...
- Cậu cứ về trước đi rồi tôi sẽ tới.
Nguyên đáp, anh vẫn thong thả đạp xe. Trọng đứng tần ngần vài giây rồi phóng xe lên, cố nói thêm một lời:
- Tất cả đã sẵn sàng, chỉ còn đợi cậu thôi đấy...
Nguyên không buồn đáp. Chính anh cũng không hiểu vì sao sáng nay anh trở nên khó tính và dửng dưng với mọi chuyện. Gần nửa giờ sau anh mới tới nhà Trọng. Nói đúng hơn, đây là nhà cua rbố mẹ vợ để lại. Ở Hà Nội, có một nơi cư trú như vậy là lý tưởng. Hai gian phòng lớn với một hành lang khá rộng, một mảnh sân chừng mười tám thước vuông đủ kê bộ bàn ghế tre ngồi dưới vòm dưa leo. Khu nhà bếp lẫn nhà vệ sinh rộng và thoáng. Cầm - vợ Trọng đã xây ngăn đôi bếp để nuôi lợn và gà công nghiệp. Lúc nào, trong chuồng cũng có dăm con lợn xấp xỉ một tạ và vài chục gà mái. Ở toà báo, Trọng là người an nhàn nhất, hạnh phúc nhất, hiểu theo một khía cạnh nào đó. Không bao giờ anh biết rõ giá sinh hoạt và không bao giờ anh biết tới sự thiếu thốn vật chất - mối lo ngại thường trực của đám bạn bè xung quanh. Tiền lương Trọng chỉ để hút thuốc lá, và chi tiêu vào những chuyến đi, và thêm nữa, mua vé xem kịch mời vợ. Thỉnh htoảng Cầm lại kiểm soát những giấy tờ, tiền nong trong túi áo, trong cặp hoặc sổ làm việc của Trọng. Nếu chồng đã hết tiền, chị bỏ vào đấy một món vừa đủ cho anh tiêu. Nhà Trọng lúc nào cũng đầy đủ rượu ngâm rắn, ngâm thục, chè Thái nguyên mộc, chè ướp hoa nhài, cà phê và các loại thuốc lá. Cầm không tiếc tiền chi cho mọi nhu cầu sinh hoạt của chồng, kể cả tiền sách báo hay từ điển là những thứ chị không đụng tới, chị cũng chịu mua sắm. Chỉ riêng quần áo Trọng là không tươm tất như anh mong muốn. Cầm thường công khai tuyên bố trước mọi người:
- Ăn bao nhiêu tôi cũng không tiếc, uống bao nhiêu tôi cũng chiều, nhưng diện thì tuyệt đối không. Nay mốt này, mai mốt nọ để đi đánh đú với mấy đứa con gái rửng mỡ à?...
Trọng được mệnh danh là ông thích ăn không thích mặc trong các vị La Hán chùa Tây Phương. Đôi làn, Nguyên phải cảnh cáo anh ta vì tiếp khách nước ngoài, Trọng ăn bận như một công nhân khuân vác. Sau này, Nguyên đích thân tới bảo Cầm. Chị may cho chồng một bộ complê mới nhưng chỉ cho anh sử dụng cào những dịp biết chắc chắn là có công có việc.
Khi Nguyên vừa dắt xe vào hành lang, cả hai vợ chồng Trọng cùng đon đả chạy ra:
- Gớm, mong anh mãi... Anh Trọng dắt xe cho anh Nguyên vào sân đi.
Cầm lại bảo chồng. Rồi chị tong tả bưng lại một thau nước nóng:
- Anh rửa mặt rửa tay rồi vào uống rượu. Hai vợ chồng em cứ hâm đi hâm lại thức ăn chờ anh.
- Thôi, thôi...
Nguyên gạt đi, anh nhìn thấy một bàn tiệc bày đầy thức ăn, ba bốn chai rượu, lọ hoa thược dược, những chiếc cốc pha lê cao chân... Tất cả toát lên một vẻ trịnh trọng bất thường. Phía sau bàn, một người đàn ông mặc sơ mi trắng đang ngòi. Vừa thấy Nguyên, anh ta vội đứng lên:
- Đây là anh Nguyên, anh ruột em. Đây là anh Nguyên, thủ trưởng trực tiếp của anh Trọng đấy ạ.
Cầm lên tiếng giới thiệu, với vẻ hoạt bát và khôn khéo. Người đàn ông kia tiến ra cửa, cúi đầu rất thấp chào anh. Nguyên bắt tay anh ta, bàn tay nhỏ nhưng rắn chắc và hơi lạnh. Anh thấy Trọng đứng phía vợ như chờ được sai một việc mới liền bảo:
- Thôi, vào cả trong nhà. Cậu không cần phải làm thêm việc gì nữa đâu.
- Anh vào được chưa Cầm?
Trọng hỏi vợ. Cầm đang vắt chiếc khăn mặt lên dây phơi. Chị đưa mắt lườm chồng:
- Vào rót rượu mời anh Nguyên đi. Có thế mà cũng phải hỏi.
Nguyên mỉm cười, bảo người đàn bà:
- Bắt nạt cậu ấy vừa thôi.
Rồi anh bước vào phòng, ngồi xuống ghế. Trước mặt anh hoa còn long lanh nước, từng chùm lá mọng như chạm bằng cẩm thạch. Sau lọ hoa ấy, hai người đàn ông: Lâm và Trọng lúi húi rót rượu, xé mực, cắt chả ra đĩa:
- Tại sao lại có đại tiệc bất ngờ thế này nhỉ?
Nguyên hỏi, anh bắt đầu phỏng đoán nhưng chưa rõ được nguyên cớ hợp lý. Anh bảo Trọng: - Mà tại sao hai đứa bé lại biến khỏi đây?
Trọng cười cười, không đáp. Cầm mau mắn nói thay chồng:
- Lâu ngày anh không tới, tiện thể ăn cơm cho vui với gia đình em. Các cháu ăn trước, lên bà nội cả rồi.
Nguyên im lặng, anh ngờ rằng bữa tiệc bất thường này có liên quan gì tới công việc mà tổng biên tập báo đã nhờ cậy mình, nhưng không tiện hỏi. Anh ruột Cầm, lúc ấy ngẩng lên, xoa hai tay vào nhau và nói:
- Xin mời anh cầm đũa... Chẳng mấy khi tôi đựoc hân hành gặp một người... quan trọng như anh...
Nguyên không đáp, nhưng anh nhìn bàn tay Lâm thấy nó run nhè nhẹ. Lâm cố trấn tĩnh cơn run rẩy ấy, đành uống một ngụm rượu lớn, cúi xuống:
- Nào, in mời cô chú...
Họ bắt đầu uống. Uống dè dặt rồi ăn cũng dè dặt, Nguyên hiểu rằng bữa cơm thịnh soạn này là thứ thuốc trợ sức giúp mọi người có thể nói một điều gì đó nghiêm trọng với anh. Người đàn bà hết đứng lên lại ngồi xuống, thay bát canh này lấy bát canh kia cho sang, cho ớt hoặc hạt tiêu vào thức nhắm, tìm hộp thuốc hoặc bao diêm.. Hai người đàn ông gứp lên lại để xuống, đặc biệt là trọng, xưa nay anh ta vốn háu ăn và sà vào bàn tiệc nào cũng ăn uống hồn nhiên nhất đám, cười cợt to nhất đám...
- Kìa, anh Nguyên ăn tự nhiên đi chứ, các anh...
Cần mời mọc. Chị tiếp cho từng người thúc giục nhấp nhổm. Mắt chị lia trên những đĩa đồ nguội, những bát hầm, bát măng vẫn còn gần như nguyên vẹn. Vẻ âu lo, xáo trộn trên gương mặt người đàn bà làm Nguyên áy náy. Anh bảo:
- Cô cứ để chúng tôi tự nhiên.
Anh gắp một miếng măng, và nói:
- Nào cậu Trọng, anh Lâm... Chúng ta là nững người đàn ông, nam thực như hổ, nữ thực như miu, ăn đi để cô Cầm được vui lòng…
Vẻ khoáng đạt của Nguyên làm cho bữa cơm bớt căng thẳng. Hai người đàn ông kia cạn chén rượu tiếp tục rót chén thứ hai. Nguyên nhìn thứ nước màu hồng đựng trong cốc, nghĩ: “Lần thứ nhất ta đã say tại câu lạc bộ nhà báo. Lần thứ hai chính tại đây chăng?... Lần thứ nhất ngã vào giường cô Ngọc Minh, còn lần này sẽ ngã vào cạm bẫy nào?...” Nguyên tự mỉm cười với những ý tưởng chua chát về giễu cợt đó. Hai má anh chàng Trọng béo đã đỏ ửng lên, cùng với chóp mũi bóng nhẫy. Nguyên nhìn đồng hồ: Mười giờ bốn mươi lăm phút. Chắc chắn phải mười một giờ rưỡi câu chuyện mới bắt đầu…
Đầu óc anh lạnh buốt, tỉnh táo đến mức chính anh cũng kinh sợ vì trạng thái tinh thần của mình: Những kẻ quá tỉnh táo là những kẻ bất hạnh. Có lần mình đã đọc được ý tưởng đó. “Tônxtôi, tôi hiểu rằng ông không bao giờ sung sướng. Bởi vì ông luôn luôn tỉnh táo, dù trên lưng ngựa hay trên nực một người đàn bà…”… Ấy là lời Gorki nói về nhà văn vĩ đại, trong cuốn Chân dung văn học… Mình, đâu có phải Tônxtôi, mình đã hoàn toàn sung sướng với Linh, nếu trong óc sống mình được liệt vào loại tinh khong thì trong tình ái, mình là kẻ mù loà. Chỉ có kẻ mù loà mới còn si mê đến thế một người đàn bà đã bỏ mình ra đi… Nguyên nghĩ như vậy nhưng trong khi nhìn đôi cườm tay béo núc của Cầm đang dọn bàn ăn, anh vẫn nhớ tôi tay rắn chắc và làn da mịn màng của vợ. Cầm thuộc loại đàn bà bếp núc, vô cùng tinh không trong những quyền lợi thiết thực nhưng lại trì độn trong các hoạt động tinh thần. Cô ta đã béo phì ra quá sớm, mắt sưng mí lên quá sớm và cặp má chảy nhão ra quá sớm. Cầm vô cùng hài lòng vì cuộc sống của mình: Một ông chồng vạm vỡ, trung thành, hai đứa con ngoan, một chuồng gà đầy ắp trứng và một chuồng lợn thường xuyên có dăm bảy tạ thịt. Thức ăn cho gia súc đã có Lâm cung cấp, thuốc tiêm chủng dịch có một trong ba người yêu cũ hiện làm ở Bộ Nông nghiệp gửi tặng, Cầm lại mát tay chăn nuôi… Túi tiền của cô cứ mỗi năm mỗi căng phồng lên một cách đều đặn và bình ổn… Không, mình chẳng có thể còn yêu ai được nữa một khi đã yêu Linh… Thế gian đầy rẫy những loại đàn bà như thế này. Thật khủng khiếp khi ngày nọ qua ngày kia phải nhìn thấy họ…
- Mời anh ạ…
Cầm đã bổ xong cam, chị đẩy đĩa đồ tráng miệng lại mời Nguyên rồi đưa mắt nhìn chồng, ra hiệu cho anh bắt đầu câu chuyện. Trọng rót nước:
- Cậu uống nước chè hay uống cà phê để tôi pha?
- Cảm ơn, tôi uống cà phê sáng nay rồi.
Nguyên đáp, Anh châm một điếu thuốc, rít từng hơi nhỏ, chờ đợi. Chắc chắn bây giờ là lúc ngwif ta nói với anh câu chuyện chính. Kim đồng hồ báo thức trên mặt tủ chỉ mười hai giờ kém hai mươi lăm. Trọng bắt đầu:
- Nguyên ạ, thủ trưởng đã nói với cậu rồi. Tôi và anh Lâm được giao nhiệm vụ tường thuật lại sự việc.
Nguyên cắt ngang.
- Nguyễn Thanh Hoà.
Nguyên im lặng và Trọng nói tiếp:
- Theo thủ trưởng và anh Lâm thì anh Hoà là một cán bộ có khả năng, tính tình cởi mở, rộng rãi, được cấp trên tin cậy và cấp dưới kính nể. Tuy nhiên, anh ấy cũng có những nhược điểm trong sinh hoạt... Nói cụ thể là quan hệ nam nữ quá mức cho phép. Nghĩa là...
Trọng ấp úng tìm lời. Nguyên ít thấy anh lúng túng như thế xưa nay. Sau đôi tròng kính, đôi mắt nhỏ sập xuống, như bị vít chặt vào cái miệng con cá bằng sứ trắng đựng tăm trên bàn. Những ngón tay hộ pháp đỏ hồng của Trọng máy liên hồi, nhưng không thành một cử chỉ nào rõ rệt. Lâm cũng nhìn vào mặt kính chiếc đồng hồ Orien trên cổ tay. Những thớ thịt nhỏ trên gò má anh ta khẽ giật. Nguyên lặng lẽ rít thuốc. Cầm đã từ sân trở lại với đĩa bánh đậu Hải Dương. Chị đặt xuống, đưa mắt nhìn ba người đàn ông, rồi lặng lẽ rút lui. Sau một hồi lúng túng, Trọng kể tiếp:
- Hiện nay, anh Hoà đang bị kiện. Có mấy lá đơn...
- Của chồng những người đàn bà đó?
Nguyên hỏi đột ngột.
- Không, của anh trai cô gái ấy... Và sau đó, của cha mấy cô khác.
- A...
- Sự thực là anh Hoà đang rất khó khăn. Bên viện kiểm sát và toà án nhìn nhận sự việc này rất nghiêm khắc. Nhưng, cơ quan của anh Hoà đã đạt được nhiều thành tích đáng kể trong các chiến dịch vận tải từ thời chiến tới thời bình... Thủ trưởng muốn cậu viết giúp một bài báo cho cơ quan bên ấy và đăng kịp thời. Điều đó sẽ có lợi cho ngành vận tải nói chung, nhưng quan trọng hơn cả là nó sẽ giúp anh Hoà thêm một điểm trong trận đấu.
- Với những ai cơ?
Nguyên hỏi, không giấu được chút giễu cợt ẩn giấu phía sau. Nhưng Trọng và Lâm không hiểu nổi điều đó. Lâm lên tiếng ngay:
- Rất nhiều đối thủ, anh Nguyên ạ. Thủ trưởng tôi đến nguy mất... Những gia đình ấy, và bên viện kiểm sát với toà án nữa... Họ có liên hệ chặt chẽ với nhau.
- Thành một mặt trận...
Trọng im lặng. Lâm, không cười, anh nói tiếp bằng một giọng đục và khẩn thiết:
- Xin anh giúp cho, Thủ trưởng tôi là người trọng tình trọng nghĩa. Chẳng thế mà anh ấy luôn luôn được quý nhân phù trợ lúc khó khăn. Ai đã giúp anh Hoà một việc, dù chỉ nhỏ bằng móng tay, bảy năm sau tới chơi anh ấy còn trải chiếu điều ra tận cửa đón.
Nguyên cười, anh làm bộ ngạc nhiên:
- Thời buổi này mà còn trải chiếu điều cơ à?
Lâm chớp mắt, anh ta hắng giọng và cười theo:
- Nói thế nghĩa là thủ trưởng tôi không quên ơn nghĩa một ai. Anh gặp anh Hoà sẽ thấy mến anh ấy ngay tức khắc.
Nguyên nhìn gương mặt đen đúa, sắt lại vì lo âu của Lâm, và anh không thể dừng trò đùa cợt, anh vỗ vai người đàn ông, hỏi tiếp:
- Thế thủ trưởng anh chỉ nhớ ân nghĩa trong vòng bảy năm thôi à? Nếu sang năm thứ tám mà còn tới chơi thì ông ấy sai thư ký đuổi ra khỏi cửa phải không?
- A a...
Lâm buột tiếng kêu, anh không trả lời mà cố nở một nụ cười gượng gạo. Những thớ thịt gò má Lâm lại giật giật. Anh ta không nổi giận mà chỉ thêm lo âu. Trọng nhấc bình chè lên, cẩn thận gạt xuống khay ròi rót vào từng chén. Tiếng nước chảy vang lên trong căn phòng tĩnh lặng. Rồi Nguyên nói, giọng nhẹ nhàng:
- Anh Lâm ạ, tôi sẽ trả lời anh việc này vào tuần sau. Tuần này đã kín hết rồi.
Lâm thốt kêu lên:
- Thế thì chậm mất.
Những nếp nhăn trên trán anh ta hằn lại: - Xin anh thông cảm cho. Tình hình đang căng thẳng. Lúc nước sôi lửa bỏng này chỉ chậm một ngày cũng hỏng việc.
Nguyên đáp:
- Tôi đã từng viết bài ngay sau lúc trận oanh tạc B52 của Mỹ chấm dứt. Bài viết xong, đưa thẳng xuống nhà in cho kịp ra báo sáng mai. Nhưng ca tụng thành tích của một cơ quan vận tải không phải là loại việc cần làm như thế.
- Nhưng thưa anh – Lâm nói - Thủ trưởng tôi đang hy vọng ở anh từng giờ. Anh Hoà đang gặp nguy hiểm. Nếu có bài báo của anh trong tay, với những tác động ở các phía khác nữa, anh ấy sẽ vững tâm hơn…
Nguyên vẫn mềm mỏng nói:
- Nhưng dù sao, muốn có một bài báo cũng phải bỏ thời gian lấy tài tiệu, rồi quan sát thực tiễn, rồi suy nghĩ tới nững mục tiêu cần thiết…
- Vâng, vâng…
Lâm đáp hối hả: - Thủ trưởng tôi cũng biết được những điều đó nên đã lo chuẩn bị trước rồi.
Anh ta lật đật đứng dậy, đi tới đầu giường ngủ của hai đứa bé, mở chiếc cặp da đen và lấy ra một tập giấy:
- Đây là bản báo cáo tổng kết năm kia. Đây là bằng khen và giấy khen của Bộ. Đây là hồ sơ lưu bản báo cáo điển hình đọc trước toàn ngành bốn năm trước. Đây là…
- Được rồi, tôi xin…
Nguyên cắt lời người đàn ông, gật gù: - Thủ trưởng của anh quả là không ngoan và chu đáo. Đống tai fliệu sẵn có tới tận bàn viết của phóng viên, chúng tôi không cần nhích nửa bước chân khỏi cửa nữa… Lẽ ra phải cảm ơn anh ấy rất nhiều. Nhưng thôi, xin anh cho phép trả lời anh sau.
Nguyên quay sang Trọng:
- Trọng sẽ thông báo kết quả cho anh.
Đoạn, Nguyên khoác áo bludông, kéo khoá tới cằm, Cầm từ ngoài sân chạy vào:
- Anh ngồi chơi thêm ít phút nữa anh Nguyên. Mấy khi anh đã hạ cố tới nhà em mà vội vã.
Vừa nói, người đàn bà vừa đưa mắt nhìn bộ mặt lì xì của chồng và vẻ nhớn nhác của ông anh. Đôi tây mập mạp túm chặt cánh tay nguyên:
- Sao anh vội vã thế?... Anh làm thế này thì thật bẽ mặt chúng em.
Nguyên lắc đầu:
- Tôi có việc phải đi bây giờ và cậu Trọng cũng sẽ đi theo.
Người đàn bà nhăn trán lại một giây nghĩ ngợi… rồi quay vè phía chồng:
- Kìa, đi với anh Nguyên đi. Mặc thêm cái áo lên dài tay vào đấy nhé…
Trọng không đáp, anh chàng lầm lũi mặc áo, lầm lũi bước theo Nguyên ra hành lang. Hai người dắt xe đạp từ sân ra, chào Lâm lần nữa. Người đàn ông mặc áo trắng vẫn ngồi trên mép giường nhìn theo họ. Gương mặt anh ta xỉn như hòn than trên nền sơmi trắng. Cầm đứng bên cạnh Lâm. Khi họ ra tới cửa, chị ta cúi xuống thì thầm gì dó với người anh trai, bộ như an ủi. Không một chi tiết nào lọt qua mắt Nguyên, nhưng anh không bực, cũng không tò mò. Hai người lặng lẽ đạp xe qua các phố, tiện phố nào rẽ sang phố ấy, không cần biết tới đâu. Chừng non một giờ sau, Nguyên bảo:
- Lên nhà tôi, rẽ sang bên phải, chỉ năm phút nữa là tới.
- Được thôi.
Trọng gật đầu. Năm phút sau, họ tới chân cây cầu thang nhà Nguyên. Hai người cất xe vào nhà chứa, rồi thong thả đếm từng bậc thang một. Khi Nguyên mở cửa, Trọng đột nhiên cất tiếng:
- Đã lâu lắm rồi tôi không tới đây. Từ hồi…
- Từ hồi tôi sống kiếp mồ côi vợ.
Nguyên nói tiếp câu nói lửng lơ của bạn. Giọng anh lạnh tanh, nghe như giọng nói của một người nào đó từ bên kia bức tường vang tới. Trọng không dám nhìn Nguyên, toàn thân khẽ rùng lên trong cơn dao động. Còn Nguyên đã mở cửa sổ, đứng ở đó quay về phía bạn, đôi mắt trở nên sắc sảo và hung dữ với cái nhìn như muốn khoan thủng cả vỏ địa cầu:
- Nào, bây giờ thì cậu nói đi…
Những ngón tay đỏ hồng của Trọng bỗng quờ quạng trên mặt bàn. Đôi mắt anh ta tìm kiếm gì đó:
- Cậu tìm gì? Thuốc lá phải không?
Anh móc túi, quẳng bao thuốc xuống bàn: - Xưa nay có mấy khi cậu cần thuốc lá đâu?... Mặc dù tôi biết ở nhà cậu lúc nào cũng có vài ba thứ… Tìm gì nữa? Diêm à?... Nhà tôi hết diêm rồi, nhưng có bật lửa đây.
Anh chàng hộ pháp châm thuốc, rít từng hơi dài với vẻ nghiến ngấu của một kẻ đói ăn hơn là thói quen thưởng thức vài hơi khói sau bữa cơm của một người sành thuốc. Nguyên vẫn đứng khoanh tay nhìn Trọng, chờ đợi. Hồi lâu, anh ta ngẩng lên:
- Cô Cầm đã bày đặt ra cái trò này. Tôi vô cùng ngượng với cậu. Nhưng tôi cũng không thể khuyên can…
- Tôi biết – Nguyên cắt ngang – Nhưng Nguyễn Thanh Hoà là ai?
- Tôi chưa hề biết mặt anh ta. Nhưng qua những điều anh em cô Cầm trao đổi, đó là một con người ghê gớm. Trước đây, anh ta là kĩ sư nông nghiệp. Ta trường, Hoà được phân công về một viện canh nông trực thuộc Bộ nông nghiệp. Là một trong số những cán bộ kháng chiến đầu tiên có bằng đại học, anh ta được đề bạt tới tấp, hết cấp nọ lên cấp kia. Như người ta vẫn nói, Hoà có số làm quan và luôn luôn được quý nhân phù trợ. Anh ta có ít nhiều khả năng nhưng độc đoán và tàn nhẫn. Ngày chiến tran leo thang của Giônxon, cơ quan Hoà sơ tán về một vùng quê cách Hà nội hai mươi tám cây số, thuộc tỉnh Hà Sơn Bình. Ở đấy, Hoà đã hiếp một cô gái vị thành niên. Việc bị phát giác. Bố mẹ đứa bé làm đơn kiện. Hoà buộc bà vợ già của ông ta kháng án, và vu cho chính bố đứa trẻ đã gây ra tội ác kia. Sự kiện này là một trong những vụ tai tiếng nhất thành phố hồi ấy. Nhưng anh biết rằng Hoà quen thuộc nhiều. Nào là bạn cũ, nào là anh đỡ đầu, nào là thủ trưởng cũ từ ngày còn ở trên chiến khu Việt Bắc. Tất cả những ngời này có trách cứ đôi chút, mắng mỏ đôi chút nhưng cuối cùng đều vì tình nghĩa cũ mà can thiệp với toà án giúp anh ta. Hoà bị xử án treo sáu tháng. Nhưng ngay đến cả cái án đó nữa, rồi cũng được ngơ đi… Hoà không muốn ở lại cơ quan cũ vì ở đấy, lòng căm ghét của quần chúng sẵn có từ xưa, nay cộng thêm sự khinh bỉ. Cho dù nhờ các thế lực mà thoát khỏi nhà tù nhưng Hoà không thể gột rửa được tội lỗi nhơ nhuốc của chính mình.
Anh ta chạy chọt, cậy cục khắp nơi. Nửa năm sau, Hoà được chuyển sang làm giám đốc một cơ quan vận tải. Từ ngày đó tới nay đã gần chín năm rồi.
- Và trong thời gian chín năm đó anh ta đã kịp gây ra thêm bao nhiêu tội ác nữa?
- Tôi không rõ… nhưng sự việc mới bị phát giác gần đây. Có một cô kế toán trẻ mới được phân công về cơ quan Hoà sáu tháng. Cô ta mười chín tuổi, mồ côi bố mẹ từ hồi lên năm và chỉ có độc nhất một người anh trai đang ở trong quân đội. Cách đây chừng dăm tuần lễ, anh sĩ quan này về phép thăm em, băt gặp đúng lúc cô gái khoá chặt cửa buồng khóc như mưa. Người anh trai đập ổ khoá vào buồng vì cô gái nhất quyết không mở cửa. Anh phải dỗ dành từ chiều tới gần sáng hôm sau cô mới kể rằng bị cưỡng dâm một cách tàn nhẫn, và vì sự nhục nhã ấy cô muốn tự sát. Anh sĩ quan đã chạy ngay tới phòng làm việc của Hoà. Và tại đó, nếu không có cả một đội cờ đỏ làm áp lực bảo vệ Hoà thì anh ta đã bị bắn chết. Anh sĩ quan phát đơn kiện. Sự việc lan ra, và từ đấy, người ta mới phát hiện ra rằng lần lượt các cô gái trong cơ quan đã chịu chung một số phận như cô kế toán trẻ tuổi kia, nhưng họ đã âm thầm nén chịu vì họ sợ, hoặc xấu hổ, hoặc là họ không có được một người anh trai chí tình và can đảm đứng lên đương đầu với kẻ gây tội ác. Hiện nay, số đơn kiện đã tăng lên con số mười lăm… Tôi chưa rõ nó sẽ là bao nhiêu vào hồi kết thúc?...
Trọng ngừng lời. Một khoảng thời gian tĩnh lặng chầm chậm trôi giữa hai người. Rồi anh chàng hộ pháp châm lại điếu thuốc đã bị tắt. Nguyên chăm chú nhìn vào một điểm nào đó trong không gian, và cất tiếng hỏi:
- Còn ông anh vợ cậu, anh ta có liên đới gì trong tội ác này mà run rẩy đến thế?... Ông thủ trưởng quý báu kia cho anh ta được hút lại sái thuốc hay sao?
- Không, không… Trọng lắc đầu: - Lâm không có tính ấy. Nhưng anh ta mắc phải sai lầm khác… Cậu biết rồi đấy. Những người làm nghề lái xe như Lâm khó mà kìm giữ được lòng tham… Hoà đã nắm điểm yếu của Lâm, anh ta gọi Lâm lên, chìa cho xem các tang chứng rồi lại cất vào cặp da, đem về nhà. Đó là bản án chưa tuyên bố, và Lâm trở thành tù binh của Hoà một cách tự nguyện, trung thành… Quả tình, Hoà là một kẻ cơ mưu và quỷ quyệt. Bây giờ, có khi Lâm còn lo sợ cho Hoà hơn chính bản thân anh ta. Hoà còn mạnh, tội của Lâm được để yên trong bóng tối và anh ta còn kiếm chác được nhiều, Hoà lo những đối thủ trong cơ quan sẽ lôi sự việc cũ ra. Và chưa rõ Lâm sẽ gánh chịu những hậu quả gì… Anh ta vốn nhát nhúa, tham những lại sợ chết, thích ăn cắp nhưng không dạn đòn…
- Thế còn vợ chồng cậu?... Nguyên cất tiếng hỏi rồi anh lại tự trả lời với một giọng nhẹ nhàng, đùa cợt và nụ cười kín đáo trên môi: - Cậu thì là nô lệ của vợ ậu. Còn vợ cậu lại là kẻ hàm ơn ông anh. Cái nhà ấy, lẽ ra vợ chồng cậu chỉ được chia một nửa, nhưng Lâm đã cho cả cô em gái mà không đòi bồi thường gì. Kể ra, đó cung xlà một người anh tốt bụng. Thêm nữa, đàn lợn, đàn gà của cô Cầm, mỗi năm sinh lời dăm bảy chục ngàn lại nhờ vào những bao cám, bao ngô của ông anh. Nếu ông ấy lâm nạn, khoản cứu trợ sx mất, chưa kể đến trường hợp xấu nhất xảy ra, vợ chồng cậu sẽ phải san sẻ cửa nhà, gia cơ cho vợ con anh ấy… Tôi nói có đúng không?...
Trọng không trả lời, tiếp tục rít thuốc. Và Nguyên nhíu đôi mày lại, vừa nói vừa cười cười:
- Thế là tôi được phânc ông phải viết báo ca ngợi thành tích của một tên tội phạm, với mục tiêu giảm nhẹ tội phạm của y và nếu có thể biến y thành một anh hùng? Hay ho thật… Cậu có biết vì sao thủ trưởng lại mê cái tay Hoà tới mức phải viết thư khẩn thiết cho tôi không?
- Với tổng biên tập - Trọng đáp chậm rãi – Tôi không nghĩ anh ấy là kẻ tầm thường và trục lợi. Bởi vì trong rất nhiều mối quan hệ khác, Hoà thường sử dụng ngón đòn này. Những xe quà cáp vào lễ Tết, những hỗ trợ vật chất đáng kể vào các dịp ma chay, cưới xin, xây nhà, mua đất… Với danh nghĩa quan hệ ngoại giao, Hoà vung tay không thương tiếc để mua cho mìn các cổ phần trong đám người quen biết có thế lực… Nhưng với tổng biên tập của chúng ta, tôi nghĩ rằng Hoà đã sử dụng lại mối thâm tình từ thời họ còn trai trẻ. Theo danh từ của cậu, đó là căn bệnh thường có của chủ nghĩa duy cảm…
- Căn bệnh của chủ nghĩa duy cảm… Nguyên lặp lại, mỉm cười: - thế vợ chồng cậu bỗng dưng bày ra tiệc tùn mời tôi đến vì duy cảm hay duy lý?
Trọng ngẩng lên, mặt anh ta vốn đỏ lại đỏ thêm. Đôi mắt nhỏ bỗng dưng long lanh giận dữ:
- Tôi đã nói ngay từ đầu rồi. Tôi rất ngượng nhưng không sao ngăn cản được Cầm. Trong gia đình tôi, cô ta là bà tướng… Tôi vốn lười suy nghĩ nhưng không phải là tôi không biết rằng với tư cách đàn ông, tôi là kẻ bất lực… Nhưng chính cậu, tại sao cậu không tự hỏi rằng vì lý do gì mà tổng biên tập giao việc viết bài cứu tay Hoà này cho cậu? Một việc xấu xa thầm kín mà mọi người đều cố dùng những danh từ đẹp để nguỵ tran glên. Tại sao anh ấy không giao cho tôi, hay giao cho cô Tâm, cậu Nạm, cậu Phúc? Phải chăng vì từ xưa đến nay, cậu vốn là người ngoan ngoãn thực hiện mọi ý đồ của anh ấy, và anh ấy tin rằng cậu sẽ mãi mãi là một công bộc trung thành, bất luận trường hợp nào?...
Nguyên đứng lặng, không đáp. Và Trọng, sau cơn hăng hái đã gỡ cặp kính xuống loay hoay lau. Anh chàng hộ pháp nguội cơn bất bình, bắt đầu ân hận vì từ xưa tới nay, vốn lười nhác và đuểnh đoảng, anh luôn luôn vấp phải những lỗi lầm trong công việc, và lần nào cũng vậy, Nguyên đã đỡ cho anh… Lau kính xong, Trọng đeo lên, ấp úng tìm lời để xoa xuốt bạn. Nhưng anh chưa kịp nói, Nguyên đã cất lời, vơi smột giọng khẽ khàng, nhưng lạnh lẽo:
- Cậu nói đúng đấy… Tại sao?
°
Ngay buổi chiều bà Hoa tới đánh ghen với Phương Linh, Kim Anh tới nhà Dụng. Anh đang ngồi ăn cơm với bà mẹ già và hai đứa con gái. Vừa thấy chị dựa xe đạp vào tường, Dụng đã buông bát cơm, chạy ra:
- Vào ăn cơm với chúng tôi một thể, Kim Anh.
Kim Anh ngẩng lên, cất tiếng chào bà già, đáp lại tiếng chào gần như đồng thanh của hai đứa trẻ. Rồi chị nói:
- Anh cứ ăn cơm cho xong bữa, tôi nghĩ tường chúng ta có chuyện cần bàn đấy.
Chị tự rót cho mình chén nước,lấy mấy tờ báo trên giá sách treo tường xuống xem. Cử chỉ tự nhiên, giản dị của Kim Anh khiến mọi người yên tâm. Họ ăn tiếp bữa ăn xoành xĩnh ngày thường: một đĩa lau luộc với ít tép khô kho khế.
Chừng mười phút sau, Dụng ăn xong. Anh ra cửa mua vài chiếc kẹo lạc mời bạn. Kim Anh bảo:
- Sao anh khách khí thế, tôi có phải trẻ con đâu?
Chị chia quà cho hai đứa bé. Và hai đứa trẻ, sau khi lễ phép cảm ơn khách đã vào phòng trong cho bố nói chuyện. Dụng hỏi:
- Có chuyện gì mới thế Kim Anh?
- Một việc không hay ho gì với cô Linh.
Kim Anh đáp. Chị chờ Dụng hỏi tiếp câu hỏi nữa nhưng anh chỉ im lặng, cặm cụi súc ấm trà, pha nước mới. Sau một lát chờ đợi, Kim Anh nói tiếp:
- Chúng ta đã sai lầm, khi quyết định buộc Phương Linh nghỉ dạy và chuyển sang làm thủ thư.
Dụng vẫn im lặng.
- Nói cho đúng, hôm ấy người quyết định là tôi. Bởi tôi sợ áp lực bên ngoài, sợ ảnh hưởng của phòng giáo dục quận, sợ ảnh hưởng tới thành tích của trường... tôi là người phải gánh lỗi nặng hơn. Chúng ta đã bỏ qua những lời trách móc và các ý kiến phản đối của giáo viên trong trường... Giờ đây, tôi thấy mình kém cỏi. Tôi sợ ai cơ chứ? Người đàn bà cao lớn, tướng mạo đàn ông ở khu nhà cô Linh, rồi cái bà phụ huynh béo tròn trưởng cửa hàng rau quả... Tôi không muốn chúng ta phải đương đầu với dư luận và không muốn mất lá cờ luân lưu của phòng...
Dụng cúi đầu trước chén nước chè, anh không nói. Kim Anh nhìn bàn và tiếp tục, giọng trở nên gay gắt hơn:
- Tại sao chúng ta lại phải sợ hãi những con người đó? Tôi đã nói với anh chưa?... Cái bà phụ huynh béo trương béo nứt luôn luôn giở giọng mô phạm đòi con mình phải được học một giáo viên đức hạnh ấy đã bị bắt tuần trước. Bà ta a tòng với người chị dâu giữ chức vụ quan trọng trong ngành ngoại thương tuồn hàng ra thị trường. Chỉ vụ ấy, họ đã nhét túi nửa triệu bạc, một món tiền ngay lúc ngủ mơ, chúng ta cũng không thấy... Những loại người ấy, khi tội lỗ của họ cò khuất lấp trong bóng tôi, họ hù doạ chúng ta. Còn chúng ta, giống như những kẻ ngu ngốc, chúng ta phạt rất nghiêm khắc những đứa trò nhỏ trót bôi bẩn một tấm bản đồ, hay khắc tên mình lên bàn học nhưng chúng ta lại chiều luỵ những kẻ đã qua tuổi thiếu niên và những lỗi lầm dơ dáy, gây những tội ác tày trời... Phải thay đổi, anh Dụng ạ.
- Chuyện bà phụ huynh to béo kia - Dụng nói nhẹ nhàng – Kim Anh đã kể cho tôi nghe rồi, nhưg còn chuyên Phương Linh, bàn thêm đã. Dẫu sao, theo cách đánh giá hiện nay, Linh vẫn là người phạm lỗi. Mà tại sao, Kim Anh không kể cho tôi nghe sự việc xảy ra chiều nay? Có gì nghiêm trọng lắm phải không?
- Không, không có gì nghiêm trọng cả...
Kim Anh đáp với giọng cứng cỏi: - Đấy chỉ là một dịp, để hiểu biết thêm người đàn ông.
Dụng ngước đôi mắt hiền lành nhìn Kim Anh, mỉm cười:
- Bạn muốn chọc tức tôi đấy à?... Nhưng xưa nay tôi có biết tức giận đâu?
- Phải - Chị bỗng dưng gắt lên một cách thạt vô lý – Chính đó là điều đáng ghét nhất ở con người anh. Người ta không biết căm ghét thực sự thì không thể yêu thương thực sự. Không biết nổi giận thì cũng không thể biết ôn hoà...
Dụng vẫn giữ nguyên nụ cười trên môi:
- Lý thuyết ấy đúng đấy... Nhưng bây giờ không phải lúc chúng ta bàn về điều đó. Kim Anh hãy nói tiếp chuyện cô Linh đi.
Kim Anh buông tiếng thở dài. Vẻ kiên nhẫn của anh khiến cơn bực bõ của chị xẹp xuống như trái bóng xì hơi:
- Lỗi lầm của con người - Chị nói tiếp – Theo cách đánh giá bên ngoài nhiều khi khác lỗi thật của họ tới một trời một vực. Chuyện riêng của Linh không đơn giản như người ta nghĩ. Chúng ta hãy xét cô ấy theo trái tim.
- Tôi và Kim Anh đều yêu mến Linh. Đám giáo viên trẻ trong trường càng tin cậy cô ấy hơn. Nhưng ngoài tình, còn có lý. Chúng ta phải thận trọng. Nếu như trước đây, Kim Anh không đề xuất việc đưa Linh xuống thư viện trường, một vài tuần sau chính tôi sẽ nói với Kim Anh việc dó. Chúng ta không sống trong một thế giới riêng...
- Tôi hiẻu... Nhưng nếu xét về lý, chúng ta là những người làm thầy. Nhiệm vụ tối cao của những người làm thầy là phải dạy giỏi cho học sinh. Linh là gió viên dạy văn số một của trường ta. Từ ngày cô ấy thôi dạy và kèm cặp lớp chuyên văn, hai cuộc thi vừa qua trong thành phố, chúng ta đã thua hụt nhiều giải thưởng... Nhưng ngay cả việc ấy nữa, cũng không quan trọng bằng chính cách cư xử của chúng ta. Một khi, đã nhận thấy hành động của mình là phi lý, liệu ta có dám thay đổi không?
Dụng lặng lẽ nhìn Kim Anh, lát sau anh hỏi lại:
- Kim Anh có đủ can đảm không?
Chị đáp:
- Trước kia thì không. Bây giờ có.
- Như vậy có nghĩa ta công nhận quyết định của ta là lầm lẫn. Dù bây giờ có viện lý do rằng tình thế dẫn tới quyết định lúc ấy hợp lý, và hoàn cảnh hiện nay cho phép có các cải thiện. Mọi người cũng sẽ nhìn rõ sự việc thôi.
Kim Anh nghĩ ngợi vài giây, rồi quả quyết gật đầu:
- Cũng được.
Dụng nói chậm rãi:
- Tôi chấp thuận ý muốn của Kim Anh. Nhưng tại sao đến hôm nay Kim Anh mới quyết định điều đó?
- Tôi... tôi...
Chị hiệu trưởng lắp bắp, và sau cùng bỏ dở câu trả lời, chị đứng lên cao từ anh:
- Tôi phải về ăn cơm kẻo nhà đợi... Sớm mai ta gặp nhau nhé...
Dụng tiễn chị ra đường. Anh nghĩ rằng Kim Anh có điều gì muốn giấu anh nên không tiện hỏi nữa. Nhưng thực sự, Kim Anh cũng không hiểu vì sao tới buổi chiều hôm ấy, sau khi chứng kiến nỗi đau củ Linh, chị mới nảy sinh ra những ý nghĩ quyết liệt vừa nói với anh.