Phần VII

Bà Phượng là người đầu tiên ngửi thấy mùi tai hoạ trong gia đình Nguyên. Ngay sau buổi đưa Linh tới quán cà phê gặp Trần Phương, bà đã dự cảm được tất cả những biến cố sẽ đến với người cháu gái sau cái nhìn đầy ma lực của người tình xưa. Bà tới bảo chàng cháu rể phải đề phòng những hiểm nguy có thể xảy tới trong mọi gia đình. Nguyên hiểu ý bà cô, nhưng chính anh cũng không ngờ Linh đã bị ông nhạc sĩ kia chinh phục nhanh chóng đến thế. Một tình yêu tự nó kết thúc bao giờ cũng chậm chạp, khó khăn. Nhưng khi có một tình yêu khác thay thế, nó sẽ bị treo cổ mau lẹ không thương tiếc. Bằng kinh nghiệm bản thân, bà Phượng hiểu tình cảnh cô cháu gái và ân hận vì dù sao bà cũng phải gánh chịu một phần trách nhiệm khi Linh lâm vào tình cảnh ấy.
Một buổi sang, bà tới tìm Trần Phương:
- Tôi mời anh đi uống cà phê nóng, được chứ?
Ông đáp lại bằng một nụ cười im lặng và hiền dịu. Họ cùng nhau bước tới một tiệm cà phê nhỏ gần ngã tư. Trong tiệm, co Ngọc Minh đang ngồi đấu hót với một gã gầy gò, ông chân như ống xì đồng bó trong ông quần Jin nhung… Khuôn mặt vuông của cô trệt phấn màu cam và đôi mày kẻ chì đen kéo tới hết thái dương. Khi Trần Phương bước vào, cả hai vội quay lại, chào con người danh tiếng. Cái vẻ thân quen, bả lả mà họ cố bộc lộ trước mặt đám khách khiến bà Phượng nhếch môi cười. Bà bảo Trần Phương:
- Ông nên lùi vào góc nào đấy thì hơn. Kẻo cô phóng viên xinh đẹp kia biến ông thành kép hát trước mặt mọi người.
Nhạc sĩ tìm một bàn khuất sau cây đinh lăng của chủ quán. Ông ngượng ngùng thanh minh:
- Phượng thông cảm cho, tôi đâu muốn thế?
Bà gọi hai tách cà phê nóng, rồi châm thuốc cho ông:
- Đã có một thời, ngày nào tôi cũng châm thuốc cho ông.
Ông lặng im, và bà nói tiếp:
- Ngày ấy, ông thường đội mũ nồi da nâu, và mùa hè ông thường mặc sơ mi trắng. Tôi đã đan cho ông một chiếc áo len màu ghi sáng, cổ thuyền, ông còn nhớ không?...
- Xin lỗi Phượng - Trần Phương đáp ngập ngừng – Tôi đã cho một anh bạn. Anh ấy bị mất cắp cả valy quần áo.
Bà Phượng cười:
- Không phải một anh bạn, mà là cậu em họ của bà Hoa. Tên hắn là Tư, trước đây làm trong Sở ươm cây thanh phố nhưng đã xin về hưu non để làm pháo và ươm cây non bán. Nhà hắn trên Bưởi, có người đã đưa tôi tới đấy mua cây cảnh và tôi đã nhận ra…
Mắt bà nheo lại tinh quái và giễu cợt. Trần Phương không đáp, miệt mài nhả khói thuốc. Gương mặt ông lúc đó dửng dưng. Lát sau bà Phương quay sang nhìn vào mắt ông, và đổi giọng:
- Anh hãy buông tha con bé ra.
Người đàn ông ngước mắt lên:
- Phượng muốn nói gì?
- Tôi bảo anh tha con bé cháu tôi ra.
Bà dằn giọng, đập vào tay Trần Phương, một cử chỉ lỗ mãng khác hẳn với vẻ mặt và dáng dấp đài các của bà:
- Giữa tôi và anh không cần màn kịch đó. Cháu tôi chỉ là một cô bé học trò. Nó mồ côi cả cha lẫn mẹ từ thuở nhỏ. Anh hãy tha cho nó… Hay anh muốn tôi chắp tay lạy?
- Phượng đừng nặng lời - Trần Phương vẫn nhẹ nhàng, bình thản… - Linh đã là một thiếu phụ chứ không còn ở tuổi quàng khăn đỏ. Tôi có bao giờ cưỡng ép, thúc hối tình cảm của ai đâu?
- Tất nhiên anh không thể cưỡng ép, nhưng anh quyến rũ và hứa hẹn đàn bà tài tình nhất thế gian này.
Bà nói giọng căm uất.
Trần Phương nhún vai, thở dài:
- Đó có phải lỗi của tôi đâu?
Bà Phượng nhìn vào mắt ông:
- Những lời hứa hẹn của ông nhiều như vỏ sò mà nhẹ như gió ấy.
Lại một lần nữa, nhạc sĩ nhún vai nhưng ông không trả lời. Và vẻ mặt hiền lành vô tội của ông khiến người đàn bà càng sôi sục:
- Đừng bắt tôi nói nhiều. Ông anh cả tôi là người hiền lành tội nghiệp nhất trong nhà, và con bé Linh cũng không khôn hơn bố mẹ nó. Cuộc sống của nó đang êm ấm, bình ổn. Anh hãy buông tha nó ra…
Trần Phương nhẹ nhẹ khép mắt lại, và thong thả nói:
- Phượng đừng giận tôi, bao giờ tôi cũng biết ơn những người đàn bà đã dành cho tôi một phần tình yêu của họ, dù tình yêu đó chỉ nhẹ như một chiếc lông chim… Tôi vẫn nhớ. Ông hạ giọng, thì thầm - Những ngày ngọt ngào êm ái mà Phượng đã đem tới. Tôi biết ơn Phượng, dù bao nhiêu năm nữa, tôi cũng sẽ còn rung động vì những ngày sung sướng của chúng ta…
Bà Phượng hằm hằm nhìn ông. “Đồ đểu”. bà bật lên những tiếng rủa thầm trong óc não nhưng bà không thể cất thành lời, và một xúc động mơ hồ nhè nhẹ lên trong tâm hồn lâu nay hoang vắng. Trần Phương đặt tay lên vai người tình cũ, khẽ bảo:
- Chúng mình về đi, tôi sẽ đàn những bản nhạc ngày xưa Phượng thích…
- Không, không…
Bà gạt đi những lời chống đỡ đã ỉu như bánh đa nhúng nước, Trần Phương không đáp, đứng lên thanh toán tiền với chủ quán rồi đi ra trước. Buộc lòng bà Phượng phải đi theo ông.
“Mình nghe theo lời hắn ta làm gì? Hắn không ngoan quỷ quyệt lắm”. Bà nghĩ, nhưng chân vẫn bước đi như cái máy. Khi học đi qua gốc một cây cổ thụ, bà vấp phải rễ, Trần Phương thốt tiếng kêu sợ hãi rồi ông bảo bà:
- Phượng cẩn thận kẻo ngã.
Người đan bà không trả lời nhưng nỗi xao xhuyến từ lâu bị chôn vùi chợt thức dậy xốn xang trong tim bà mỗi lúc mỗi cồn lên như sóng. Trần Phương dừng lại trước cửa phòng biểu diễn:
- Chỗ này nhiều người ngã rồi đấy, nào, đưa tay đây…
Ông nắm tay bà, dắt qua ngưỡng cửa hỏng được ghép tạm bởi vài tấm gỗ. Cử chỉ gần gụi ẫy khơi dậy cả một thời nồng nàn ân ái cũ. Trong phòng họp, hai cô thư kí đang ngồi ghi chép sổ sách vội ôm chồng sổ đi ra, nhường chỗ cho nhạc sĩ. Chắc họ xuống phòng quản trị. Trần Phương lấy ghế, ân cần bảo bà tới ngồi bên cây dương cầm. Và ông bắt đầu đàn bản Xêrênata của Enricô Tosselli. Đấy là bản nhạc bà Phượng thích nhất suốt thời yêu đương của họ…
Ba giờ chiều bà Phượng trở về nhà. Phố xá, cảnh trí của đời thường dẫn bà trở lại với đời sống thực tại. Ở cổng, dưới vòm hoa tigôn, một con bé mười lăm đứng nghêu ngao hát. Vào sân, bà gặp chồng đang dắt chiếc xe máy đi ra:
- Chào Phượng, Phượng có lá thư tôi đặt dưới lẵng hoa.
Nói xong, ông gật đầu chào rất nhã nhặn và dắt xe đi ra. Đã mười bảy năm nay, họ sống với nhau như thế. Tấn kịch trong gia đình là tấn kịch đáng kinh sợ nhất trong kiếp sống của loài người. Chồng bà không tha thứ cho bà. Ông là người được nhào nặn trong một gia đình cao quý và coi trọng tiết hạnh tới mức như một thứ tôn giáo. Nhưng ông cũng không thể ly hôn với bà vì ông thương con và lo sợ cho đời sống tinh thần của chúng, vì ông yêu bà cũng như hận thù bà…
Bà Phượng tìm phong bì, bóc lấy lá thư. Thư của một cô bạn gái từ Sài Gòn gửi ra, thăm hỏi đôi điều, kể lể đôi điều, chán ngắt. Bà Phượng ném bức thư vào chiếc sọt đựng giấy vụn ở góc phòng rồi nằm vật ra giường:
- Cả một ngày trời vô tích sự…
Bà nghĩ, gương mặt và tiếng đàn thánh thót của Trần Phương giờ đây không còn cuốn hút mà chỉ gợi cho bà nỗi căm giận:
- Mình đã bị mê hoặc, mình đã thua…
Bà lẩm bẩm.
Trời mưa từ sáng cho tới lúc chạng vạng. Chưa năm nào, ngâu rả rích sụt sùi như năm nay. Lá rụng lẫn rác dồn trên các miệng cống, đám công nhân vệ sinh đội nón, choàng áo mưa lặng lẽ hót rác vào những chiếc xe kéo tay để đổ lên xe tải. Họ cặm cụi dưới mưa, giờ này qua giờ khác. Thỉnh thoảng một con bé đang tuổi dậy thì, má đỏ như son đạp xe ngạo nghễ trên đường, mặc cho áo quần tóc tai ướt dính. Cái cơ thể tươi non, tròn trịa và quyến rũ hiện lên dưới lớp áo dính sát vào người. Ở quán nước chè, Nguyên đang ngồi, có bốn người khách: Anh là một, người thứ hai và một một cặp tình nhân đã luống tuổi. Người đàn ông cỡ ngoại bốn mươi, và người đàn bà cũng trạc cỡ đó – mã đã hơi chảy dưới lớp phấn - ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn nhỏ bày đĩa bánh đậu còn đầy nguyên với hai cóc nước chè đã nguội ngắt. Họ mê mải nhìn nhau, quên cả Nguyên và bà già chủ quán đang ngoáy trầu trong chiếc cối đồng.
- Mưa ngâu, thật buồn như trấu cắn.
Bà già bỗng nói bâng quơ. Nhưng Nguyên biết rằng bà muốn trò chuyện với mình. Anh đáp:
- Vâng, năm nay ngâu dài thật.
- Hồi tôi còn trẻ, cứ trời này là cả lũ con gái ngồi rang cốm với rán bánh khoai. Bác đã được ăn bánh khoai Thị Cầu bao giờ chưa?
- Dạ, cháu cũng đã được ăn hai lần. Toàn vào dịp Tết Nguyên Đán.
- Bánh khoai ấy tìm cả ngày ở đất Hà Nội này cũng không thấy… Ngon thật là ngon…
Bà già bỏ miếng trầu vào miệng, cặp mắt mờ đục nhìn ra ngoài trời. Chắc hẳn bà đang trở về tuổi thơ ấy và thời thiếu nữ trên thị trấn quê hương. Nguyên thôi không nói chuyện với bà lão nữa vì anh bị câu chuyện của cặp tình nhân lôi cuốn:
- Anh ta đã nói với em như thế…
Người đàn bà vừa nói với bạn tình sau một hồi lâu thầm thì kể chuyện. Chị ta vụng trộm lau nước mắt. Những sợi gân xanh nổi trên cần cổ gày. Người đàn ông hói trán nhìn chằm chằm vào những sợi gân ấy, xót xa. Khi người đàn bà quay ra, mắt chị đỏ hoe và nỗi ngượng ngùng hiện trên vẻ mặt:
- Dạo này em còn uống Rimiphông không?
Ông ta hỏi nhỏ:
- Còn.
Người đàn bà gật đầu:
- Nhưng thuốc dạo này khó mua lắm.
Họ lại im lặng một lúc lâu. Ánh mắt hai người ngoắc vào nhau, như rễ loại cây chùm mọc trên vùng đất mặn. Trong ánh mát ấy, vẫn còn những đam mê sôi sục của tuổi trẻ, nhưng nhiều hơn là nỗi xót thương khắc khoải của những kẻ đã trầm luân. Người đàn bà hoàn toàn không đẹp. Một tấm thân tầm thước trung bình, một gương mặt trung bình, không nét nào lưu lại trí nhớ những người mới gặp. Tuy nhiên, chị ta có cái vẻ chân thành và tội nghiệp khiến cho người khác dễ tha thứ và mủi lòng. Từ cách trang phục xoàng xĩnh đến lối phấn son vụng về. Từ cái nhìn rụt rè đến những cử chỉ khiêm nhường ngượng ngịu. Người đàn ông còn xấu xí hơn. Một gương mặt cũ kĩ, một chiếc đồng hồ quai da cũ kĩ nơi tay, một chiếc sơ mi đã sờn cổ, một chiếc quần lỗi mốt nhiều nếp ly rộng thùng thình…
- Em đã uống hết gói bổ sâm hôm nọ chưa?
- Chưa ạ.
- Thé sau tuần này anh đi Hải Phòng. Anh sẽ nhờ chị Hậu mua Rimiphông cho em.
- Thôi anh ạ, phiền lắm…
Chị ta ngừng lại, rồi cúi thấp đầu xuống:
- Giá như ngày ấy…
Người đàn ông ngắt lời:
- Thôi em đừng nói nữa… Lỗi tại anh. Thế nào rồi chúng ta cũng sẽ…
Hai người nhìn nhau. Và trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy họ bộc lộ tất cả những gì mà lời lẽ không bộc bạch được: nỗi luyến tiếc, lời sám hối và những trách móc, tình yêu được khơi dậy trong tro tàn của quá vãng và những hứa hẹn cho hạnh phúc được vớt vát từ những mảnh hồ oan uổng… Trước đây, Nguyên vẫn nghĩ rằng những bi kịch tình ái chỉ dành tiêng cho lớp người có suy nghĩ phức tạp và có quá nhiều nhu cầu tinh thần cần thoả mãn. Giờ đây, anh biết mình lầm. Tai họa ấy phổ biến trong toàn nhân loại, có lẽ có chỉ trỗi lên ở lớp ngời này và giảm đi ở lớp người khác mà thôi. Hình như loài người luôn luôm tìm kiếm cái nửa thân thứ hai của họ trên cõi mênh mông trái đất. Họ sẽ vấp ngã lần này rồi lần khác sẽ thức tỉnh, rồi sẽ ngộ nhận, sẽ quay lại nhìn những lầm lạc của mình rồi để lại sai sót lần khác… Họ sẽ tiếp tục tìm kiếm cho tới lúc sinh lực khô cạn như dòng suối trên sa mạc và những khát vọng cũng thui chột hoàn toàn theo quy luật thời gian. Có bàn tay thần bí vô hình nào đã đánh tráo cỗ bài nhân duyên trước khi lật. Vì thế con xe hồng phải ghép đôi với con tượng đen, chú tốt điều lại sóng cùng bà sĩ… Và suốt đời, con tượng sẽ quay lưng lại con xe, quân sĩ sẽ quay lưng lại chú tốt.
Cặp tình nhân đứng lên, mặc áo mưa. Người đàn ông trả tiền rồi quay lại bảo bạn tình:
- Này em.
- Gì cơ ạ?
- Từ rày, em đừng đánh phấn nữa nhé.
- Vâng, em có biết đánh phấn đấu, nhưng em tưởng rằng anh thích thế?
- Không, anh không thích.
- Vậy từ nay em sẽ thôi…
Hai người ra đi. Mưa rắc từng lớp hạt cheo chéo lên vai họ. Một chiếc ca pốt lính cũ bên tấm vải che mưa màu xám. Họ không thuộc loại người được chú ý trong xã hội. Một con tốt đi tìm một con tốt khác, đơn giản thế thôi, nhưng đó là hành trình thật sự của tình yêu. Nguyên đứng lên để nhìn hút theo bóng họ. Hai người mỗi lúc một xa rồi mất hoàn toàn sau ngã rẽ. Người đàn ông cô đơn bỗng hình dung tới những hình ảnh của một bộ phim khoa học viễn tưởng vừa xem. Trên bộ mặt nứt nẻ, lồi lõm của một hành tinh mới, những con người mù loà vì không thể nhìn thấy gì trong bầu khí quyển đặc màu lam. Họ quờ quạng tìm lối đi… Phải chăng, những kẻ đi tìm tình yêu cũng giống như vậy?... Phải chăng Linh cũng ở trong số ấy?... Linh sẽ vấp ngã đau khổ, và một ngày nào đó anh cũng sẽ hẹn cô ở một quán nước để lại nhìn cô như người đàn ông hói trán nhìn bạn tình hôm nay?... “Dù thế nào, ta cũng vẫn yêu Linh”. Anh thầm nói với mình những sau vài phút bình tĩnh, anh chợt thấy mình ngớ ngẩn. Chẳng có gì đồng điệu trong tình cảnh gia đình anh và hai con người vừa rồi. Những liên tưởng của anh thật phiến diện và vô căn cứ.
Nhưng dù sao, anh vẫn nhớ cô điên dại. Mùi thơm trong tóc cô như phảng phất trước mũi anh. Cặp đùi rắn chắc và vòng hông tròn dưới lớp lụa màu hoàng yến. Chiếc áo cộc tay có viền ren quanh cổ… Nguyên nhớ rành rọt từng thứ một. và anh cảm thấy không thể nào kiềm chế được ý muốn nhìn thấy cô. Anh mặc áo mưa, đội mũ, trả tiền bà chủ quán rồi đạp xe tới trường. Dọc đường, anh nghĩ rằng anh sẵn sàng quỳ xuống chân cô để xin cô trở lại với anh, anh sẽ chứng minh cho cô hiểu rằng những tình thế con người không thể vượt qua được và bởi điều ấy cô hãy tha thứ cho anh và hãy thương anh… Không, không có gì trọng đại hơn đối với con người bằng cái hạnh phúc thật sự mà họ ao ước. Anh đã nắm được con cá lớn, và anh đã để sổng mất. Bây giờ, anh phải lặn dưới con hồ kia mà tìm kiếm…
Trước cửa thư viện, chỉ có một ổ khoá lớn. Linh đi vắng. Người đàn ông đứng tần ngần nhìn những hạt rưa ròng ròng chảy trên mặt kính hồi lâu, rồi chậm chạp dắt xe đi.
Chỉ còn vài chục thước nữa, họ sẽ tới đền thờ Chử Đồng Tử. Nhưng bà Hoa nhất quyết bắt cậu lái xe dừng lại:
- Cảnh đẹp quá... Chưa bao giờ em thấy hoa dâm bụt đẹp như ở đây. Lại cả dậu bìm bìm kia kìa...
Bà reo lên nức nở khen ngợi cảnh làng quê. Chiếc xe đậu giữa đường làng, mỗi bên chỉ chừa ra vừa một sải ty là chạm tới các dậu cúc tần hoặc dâm bụt. Cậu lái xe đã quen với tính đồng bóng kì cục của bà, rời khỏi xe, rúc đầu vào một bụi cúc tần hút thuốc. Trần Phương ngồi trong xe, đưa mắt nhìn theo vợ. Bà đang ngất nghểu dọc theo các bờ dậu, theo sau là một lũ trẻ làng. Chúng tò mò nhìn bà khách Hà nội ngót nghét năm mươi, bận quần bò, áo thun trắng, chù tó giả quăn buông tới tận vai. Hai đường chỉ màu nâu kéo từ tinh mũi cho đến chót thái dương. Một thứ sơn óng ánh như đóm đóm quẹt trên mi mắt:
- Ôi leo ơi, mắt xanh xanh là, nom cứ như mắt mèo ấy.
- Mày dốt, như thế mới đẹp chứ lị.
- Đẹp thì đẹp, nhưng nom sợ bỏ bố...
Chúng thản nhiên bình phẩm.
- Hoa ơi...
Chồng bà gọi. Bà quay lại chống cánh tay lên hông đưa mắt tiếc rẻ liếc nhìn cảnh vật lần cuối và nói:
- Ở đây thơ mộng thật.
Trần Phương không đáp, ông nhăn nhó gọi cậu lái xe. Chàng trai nhìn bộ mặt sa sầm của nhạc sĩ, lẳng lặng ngồi vào ghế lái. Cậu đã lái xe cho bà Hoa bảy năm nay, hồi ông còn giữ chức vụ quan trọng và hai người thường dùng chiếc Moscovic trắng của ông chứ không dùng chiếc Lađa của bà. Anh thuộc tính nết họ, từ cách họ ghìm giữ nối tức giận trước mặt người khác tới cách họ bày tỏ sự yêu chiều nhau vì lẽ nào đó...
- Phong cảnh ở đây giống như thơ Nguyễn Bính ấy.
- Ờ.
- Anh còn nhớ những bài anh đọc cho em nghe hồi chúng mình mới cưới không.
- Ờ.
- Cái bài gì ấy nhỉ?... À, Hoa chanh nở giữa vườn canh, Thầy u mình với chúng mình chân quê... Rồi sao nữa anh nhỉ?
- Ờ...
Bà quay sang nhìn chồng. Ông dang nghĩ ngợi điều gì đó, đôi mắt như trôi dạt trong một vùng đất khác. Bà kêu:
- Anh nghĩ gì mà cứ ờ tràn đi như thế?
- Ờ ờ...
Xe đỗ lại, và tất cả bước xuống con đường lát gạch để đi tới mái tam quan. Anh chàng lái xe đoán cơn thịnh nộ sắp xảy ra vội vã đi vọt lên phía trước rồi biến mất sau những gian nhà dài rộng đón khách thập phương. Lúc đó, bà Hoa năm tay áo Trần Phương kéo lại:
- Anh đứng đây em hỏi đã, anh đang nghĩ gì mà không thèm nghe chuyện của em?
Trần Phương sực tỉnh. Ông cúi xuống nhìn bà vợ đang túm chặt tay áo mình, mắt long lên dưới đôi mày kẻ chì giả tạo. Ông chợt cảm thấy như ông có thể bóp nát bà, hoặc ném bà xuống dòng nước phía trước ngôi đền, hoặc là chui xuống địa ngục để lần tránh cuộc hôn phối lầm lạc giữa họ. Ông không còn giữ được vẻ bình tĩnh ngày thường, ông cao giọng hỏi lại vợ:
- Em làm sao mà kiểm soát được mọi ý nghĩ trong anh?
Bà chu chéo lên ngay tức khắc:
- Em là vợ anh. Đã là vợ chồng nghĩa là thuộc về nhau tất cả. Em có quyền kiểm soát mọi ý nghĩ của anh.
Bà chu chéo lên theo thói quen. Đã từ lâu cứ mỗi bận bà chu chéo lên là ông đều đấu dịu, giãi bày an tủi, khích lệ bà. Và kết thúc tất cả những cuộc gay cấn ấy, bao giờ ông cũng để cho bà hiểu rằng trọn đời ông thương yeu bà, rằng đối với ông không có gì quý hơn tấm tình son sắt thuỷ chung của vợ ông… Nhưng lúc ấy, ông đã cúi xuống nhìn bà với đôi mắt xa lạ, ánh len những tia màu tro xám:
- Cứ giả sử như anh đang nghĩ tới một người đàn bà khác, em làm gì được anh?
Bà chưa chuẩn bị tinh thần để nghe một câu nói lạ tai như thế, bà đứng đần mặt ra. Ông khẽ khàng nói tiếp:
- Cứ coi như là anh đang nghĩ tới một người đàn bà trẻ trung và xinh đẹp.
Bà hiểu, mặt bà đỏ lên, và bà dẫm chân bành bạch xuống nền gạch, hệt như mụ nạ dòng trong làng thuở xưa:
- Anh không được phép, anh không được phép…
Ông lạnh lùng gỡ tay vợ ra, và nói giọng chậm rãi:
- Cô nên nhớ rằng không có thứ phép tắc nào tồn tại trong tình yêu của một người đàn bà đối với một người đàn ông. Chỉ có một luật lệ thôi: đó là sự chinh phục lẫn nhau. Chừng nào còn sức mạnh chinh phục, chừng đó còn tình yêu…
Bà đứng ngây như phỗng, không tìm được lời đối đáp. Xưa nay, ông vẫn nín nhịn chiều chuộng bà. Chưa bao giờ ông cư xử tàn bạo như hôm nay… Trần Phương hả hê nhìn vào đôi mắt rối loạn và gương mặt đờ dại của vợ. Hai đường chì nâu thay thế cặp lông mày giờ bóng nhẫy mồ hôi, trông đến tởm. Mấy giọt mồ hôi bò dưới mái tóc giả chảy xuống trán. Nỗi căm uất từ hố sâu nhẫn nhịn trồi lên. Ông khao khát được dày vò bà:
- Cô lấy gì để chinh phục tôi? Nhan sắc của cô chăng, hay đức hạnh? Sống với cô bụt cũng điên chứ đừng nói người đàn ông bình thường.
Bà Hoa lùi lại một bước. Bà vừa nhận thấy sự kinh tởm trong ánh mắt chồng. Bà hiểu rằng trong khoảnh khắc này bà chỉ là một đồng xu hoen rỉ thời Tự Đức không thể tiêu xài được. Dù đã vận thứ áo quần sang trọng nhất, dùng những đồ mỹ phẩm và nữ trang đắt tiền nhất bà cũng chỉ là một xác chết trong lòng khinh ghét của ông. Lâu nay, bà vẫn tưởng rằng bên những ưu thế chính trị, tấm tình thuỷ chung và những gì bà đắp điếm lên thân xác cũng khiến ông phải yêu mê hơn…
Trần Phương nhìn cặp mắt bạc phếch của vợ. Rồi cơn khát thèm hung dữ kia mỗi lúc một dậy lên bạo liệt trong ông. Ông khát thèm được làm nhục bà, được di bà dưới chân như người ta di một con sâu vừa tìm thấy trong mớ rau hoặc chùm quả sắp đem ăn. Những màn kịch trường kỳ trong quãng thời gian chung sống đã tích tụ lại trong ông khả năng khuất phục giả tạo. Sự khuất phục đó giống như con thú rình rập trong bụi rậm – cái hình hài của kẻ thống trị phải thu mình đợi chờ, mai phục. Giờ đây, con thú đó vươn vai, duỗi vuốt, gầm lên:
- Thế nào, sao cô im lặng thế? Ngày thường cô nói như bắn súng liên thanh cơ mà? Nói đi, cô có gì để chinh phục tình yêu của tôi?
Ông cười, môi nhếch lên để lộ hàm răng trắng bóng. Bà Hoa tắc họng, không nói được. Bà nhìn như bị đóng đinh vào hàm răng vô cùng trẻ trung ấy và cảm thấy mình lún xuống tận dưới bùn. Phải đó là ưu thế của ông. Bà đã si mê ông hai mươi năm nay nhưng bây giờ bà biết mình chỉ là tên nô lệ cho chồng. Bà đoán ông có những mối tình trăng gió sau lưng, những lời lẽ ngọt ngào của ông và lòng tự ái của bà ngăn cản bà công nhận sự phũ phàng ấy. Và bà trang điểm, cố tỏ ra thông minh, cố tỏ ra hiểu biết để níu giữ ông. Cứ mỗi lần bà quẫy lộn, quăng chân quăng tay trên giường là ông lại tới giảng giải thề thốt rằng chỉ riêng bà là người phụ nữ ông tin yêu và kính trọng… Giờ đây, tất cả biến thành ảo ảnh. Bà thẫn thờ nhìn ông, có lục tìm trong óc não những lý do xui khiến ông thay đổi cách cư xử với mình:
- Biết thế sớm nay…
Bà hối tiếc. Sáng nay, ông giục bà lên gặp người bạn than thiết với ông bố liệt sỹ để hoàn thất khâu cuối cùng công việc cho ông. Ông đã gặp cậu Lưu tuần trước và mọi sự đã tiếp diễn tốt đẹp. Chỉ cần cuộc gặp gỡ này nữa, kết quả cuối cùng sẽ tới… Nhưng bà, vì muốn tỏ ra mình là người biết thưởng ngoạn những công trình văn hoá cũ và phong cảnh nên đã buộc ông tới đây.
- Biết thế…
Bà đã sai lầm, những giọt nước mắt nóng hổi tràn qua mi chảy trên má phấn lem nhem. Bà ngước nhìn chồng với đôi mắt đỏ hoe và đờ dại. Vốn là một cô hàng xén phố rừng, bà không biết cách tự vệ trong những lúc nguy nan. Bà cứ khóc nức lên từng hồi như đứa trẻ. Trần Phương nhìn vợ, lòng căm ghét đã nguôi ngoai, ông bỗng thương bà như người ta thương con mèo ăn vụng bị một gậy oằn lưng. Ông hạ giọng:
- Đừng khóc nữa, người ta cười cho bây giờ.
Lời an ủi của ông khiến bà mủi lòng, và bà càng nức nở thảm thiết hơn. Trần Phương vừa buồn cười, vừa bực, ông đặt tay lên vai vợ, hạ giọng:
- Em ngốc thế, sao lúc nào cũng nghĩ chuyện vẩn vơ. Mình có còn ở tuổi hai mươi đâu mà tơ tưởng trăng hoa. Anh thì đang nẫu cả ruột…
Ông đã bấm trúng huyệt, bà nín ngay tức khắc. Nhạc sĩ biết vợ tính đồng bóng nhẹ dạ. Ông nghiêm giọng nói thêm:
- Lẽ ra, em phải biết thương anh. Đừng vẽ chuyện mà hành hạ thêm nữa.
Bà im lặng nhìn chồng với ánh mắt biết lỗi. Bà hoàn toàn tin mình là kẻ tội phạm, rằng bà đã vô cớ gây cho ông cơn bực tức, rằng bà đã không làm tròn nhiệm vụ của người vợ là phải san sẻ những gánh nặng cho chồng... Bà len lén nắm tay ông:
- Em xin lỗi anh... Em xin lỗi...
Trần Phương không đáp, đôi măt ông bất động dưới hàng mi rợp, tựa như hai mảnh vỡ. Bà Hoa lùi lại sau lưng chồng, vào nhà dân ở gần đó xin nước giếng rửa mặt. Rồi ngồi dưới rặng dâm bụt, bà tô vẽ lại bộ mặt của mình. Mười lăm phút sau họ vào đền thăm, bà Hoa lại nói như bắn súng liên thanh đủ mọi thứ chuyện: nào chuyện chính trị, chuyện thơ ca, dăm ba câu ngạn ngữ, những biến cố ở một quốc vương nào đó vùng Châu Phi. Tất cả những gì được thu lượm vào cái trí nhớ cạn cợt, và lộn xộn của bà. Trần Phương im lặng, thỉnh thoảng ông giơ đồng hồ lên xem và nhắc vợ:
- Còn nửa giờ nữa thôi đấy nhé?
Họ đã trở về thành phố trước lúc trời chiều. Hai người ghé vào một tiệm ăn rồi về nhà tắm giặt. Lúc thành phố lên đèn, chiếc Lađa xanh đưa bà Hoa tới nhà ông chú. Ông vốn yêu thương bà. Ai mà chẳng yêu thương đứa con côi cút của người bạn thời tù đầy đen tối. Ông đã từng tuyên bố trước vợ và bốn đứa con: "Bố có thể yêu các con vì bố đẻ ra các con. Nhưng thương, bố phải thương chị Hoa hơn tất cả".
Đám con ông thầm ghen tị bởi những ưu đãi ông dã giành cho chị Hoa, nhưng không ai dám to nhỏ nửa lời.
- Em mang khăn đi kẻo lúc về trời lạnh.
Trần Phương bảo vợ khi bà bước lên xe. Giá lúc đó vợ ông quay lại, hẳn bà sẽ thấy mắt ông rực lên một ngọn lửa khó tả. Nhưng bà đang gài chiếc khuy áo, bà chỉ đáp vắn tắt:
- Em đã bỏ vào trong sắc rồi.
Cánh cửa đã sập lại và chiếc Lađa vụt ra cổng. Trần Phương leo lên chiếc cầu thang, về phòng. Những khuôn cửa mở toang khién ông nhìn rõ cùng một lúc cả những ngôi sao liti lẫn ánh đèn thành phố. Vòm cây tối đen lay động và mùi dạ hương thoang thoảng bay lên. Khung cảnh êm đềm nhưng đầu ông nóng sực. Những ý tưởng chen lấn, chồng chéo, xô đẩy nhau trong óc não ông, giống như một lũ ô tô chạy cuồng loại trong ánh đèn pha loang loáng rượt bắt. Nhạc sĩ đặt tay lên trán, trán ông hầm hập như đang cơn sốt. Ông uống một cốc nước lạnh nhưng không ăn thua, tâm trí ông bồi hồi bồn chồn, các ý nghĩ xáo trộn không sao đến đầu đến đãu… Tất cả quay tròn với lực ly tâm.
"Tại sao mình lại đốn mạt thế nhỉ?... Có gì đáng để quay cuồng lên như vậy?"
Ông thầm mắng mình dữ dội và sải những bước dài trong phòng. Các ý tưởng, những lo sợ, hy vọng và nỗi phấp phỏng cùng lúc đè trĩu trái tim ông:
"Danh vọng, ấy là thứ giá trị hư vô nhất trong đời sống. Nó không phải vàng dưới mỏ, muối trong nước biển, hạt lúa giữa bình nguyên… Nó không là cây gỗ từ cánh rừng sâu thẳm đưa về thành phố, không là tấm da thú hiếm hoi người thợ săn tặng cho vợ mình lúc rạng đông… Câu này mình đã đọc ở đâu nhỉ? Trong một cuốn sách của Châu Mỹ la tinh… Cần phải xem danh vọng như con cáo bị trúng đạn ngay trước hang ổ của nó anh hãy lột tấm da mà mang về…"
Những lời lẽ ấy gõ vào tai trái nhạc sĩ. Nhưng những lời lẽ khác lại gõ vào tai phải của ông:
"Thành công, không thành công, thành công, không thành công… Ngày xưa, người ta bói tình yêu bằng cách bứt những cánh hoa. Giờ, mình bói chuyện công danh bằng cách đếm những bước chân. Hai mươi, hai mươi hai, hai mươi bốn… thành công. Hai mươi lăm, hai mươi bảy, không thành công…"
Trong lồng ngực ông, con tim đập dữ tợn như một con chim trúng thương đập cánh. Ông rót cốc nước lạnh thứ hai, uống cạn rồi tới cây đàn dương cầm:
- La, si, đô.
Tay ông lần theo bài tập chạy gam La trưởng. Tiếng đàn giống như những hòn sỏi từ trong ống bị dốc ra, lăn theo mặt phẳng kê nghiêng:
“Nốt đô thăng này hơi mòn, có lẽ phải bảo cậu Hồng tới lên dây lại…”
Ông nghĩ, cố tập trung toàn bộ thần kinh vào những âm thanh. Sự cố gắng làm toàn thân tê bại hẳn đi. Một cảm giác bí bức xâm chiếm ông giống cảm giác của người không được thở đủ lượng oxy cần thiết. Đầu ông nặng tới mức cổ và hai vai mỏi nhừ. Trần Phương bỏ ra giường nằm và ông thiếp đi ngay. Khoảng chín giờ, nhạc sĩ tỉnh dậy. Ông rửa mặt rồi ngồi vào đàn ngay. Lần này, những âm thanh lôi cuốn ống khỏi cơn ám ảnh về sự thành bại. Khi Trần Phương lật mở cuốn sách chép nhạc của mình, ông lật đúng bản nhạc ông đã viết tặng Phương Linh:
“Cô bé này đã cứu mình…”
Ông nghĩ và gương mặt xinh đẹp mặn nồng của cô hiện lên ngay giây phút đó, như một rừng đào chợt hiện lên sau thung lũng đầy sương. Ông gõ từng nốt và những âm thanh lần mở cho ông khoảng thời gian hạn hẹp vàng ngọc mà họ đã cùng sung sướng bên nhau. Theo chiều dài của các âm giai tiếp nối, mỗi lúc những hồi ức yêu đương một lôi cuốn nhạc sĩ và tâm hồn ông trở nên thanh thoát dần.
Lúc ấy, bà Hoa về:
- Em biết mà, chú thương mình lắm. Chú bảo rừng không có điều gì cần lo nghĩ…
Trần Phương ngồi lặng đi. Cánh hoa cuối cùng của định mệnh đã rơi xuống. Ông thắng rồi. Chiếc moscovic trắng lướt qua mảnh sân, cùng với nỗi chua xót ám ảnh ông lâu nay và niềm say sưa trong cơn hy vọng. Ông quay lại:
- Cảm ơn em!
Bà Hoa cười, sung sướng:
- Chú bảo em ở lại ăn chè nhưng em sợ ở nhà anh sốt ruột.
Bà nhìn vào quyển sổ chép nhạc của ông:
- Anh đang chơi bản đàn gì thế?
-Anh vừa viết xong một bản…
Ông đáp lời, hoàn toàn vô thức, và sau đó một ý tưởng còn chưa kịp hình thành trong óc não, nhưng lời đã vụt khỏi môi.
- Một bản nhạc dành cho em.
Bà vợ ông kêu to:
- Tuyệt quá...
Bà lao tới bên chồng:
- Nào, anh đàn cho em nghe...
Trần Phương gõ các phím đàn. Vừa gõ ông vừa quay mặt đi mỉm cười. Gương mặt ông trong tấm kính cửa: hàm răng trắng bóng phô giữa hai làn môi.
°
Linh nhớ mãi buổi sáng sương mù thời thơ ấu. Thời thơ ấu ngắn ngủi như cánh chim bay qua lúc rạng đông. Các tia chớp bất chợt loé sáng, các hồ nước im lặng giữa vùng thiếu gió và tiếng ngân khe khẽ của các âm thanh đơn điệu mơ hồ. Sương mù, cả một vùng sương mù lảng vảng như khói trên mặt đất. Tại sao mẹ lại sớm bỏ cô mà ra đi như vậy? Có lẽ, Linh không sao hiểu nổi và trong đáy sâu tâm khảm mình, cô đã trách móc khôn nguôi. Từ lúc bà chết, cõi đời với cô rộng rênh, hoang vắng:
- Con gái ơi, ra với bố nào...
Bố cô thường gọi cô như thế, giọng nghẹn ngào, nồng hơi rượu. Chính ông cũng có lỗi với cô. Ông yêu bà đến nỗi trái tim ông không còn đủ chỗ dành cho đứa con gái và ông đã bỏ cô để đi về cõi đất âm u tìm vợ. Chính ông đã dạy cho cô hiểu thế nào là tình yêu. Trí nhớ tản mạn, mong manh của Linh hội tụ, trở nên sáng rõ dưới mặt trời hiện tại, dưới quyền năng mãnh liệt của mối tình cô đang thờ phụng. Sự nghiệm sinh có sức mạnh vĩ đại hơn chúng ta tưởng, chính vì nó đã rọi phóng ánh sáng và hơi ấm vào cuộc đời quá vãng khiến cho những vật mơ hồ bị vây bọc giữa đám sương mù vô thức trở nên góc cạnh và rõ nét, và tất thảy những cảm giác vấn vương, tăm tối mà trí não non nớt của tuổi thơ không sao nắm bắt được bỗng biến thành những ý tưởng sắc bén, những gọi mời quyến rũ. Linh nhớ những chiều ấm nóng, ánh hoàng hôn diệu vợi trải trên đất đai vườn tược, bố cô thường lặng lẽ ngồi vài giờ liền bên vợ. Bao giờ bà cũng có một việc để làm: hoặc đan len, hoặc mạng tất hoặc nhồi bột làm bánh chay... Còn ông, ông cứ ngồi như cái bóng. Trước đây, Linh thấy bố kì dị. Giờ, cô hiểu rằng niềm đam mê đã đem lại cho ông dáng vẻ lạ lùng ấy. Giờ đây, cô cũng có thể ngồi vài giờ lièn cạnh Trần Phương, nghĩ tới ông triền miên ngày này qua tháng khác, có thể sung sướng nhìn đôi mắt đen u sầu của ông chìm dưới hàng mi rợp, ve vuốt những nếp nhăn trên gò má và sau đuôi mắt ông... Tình yêu nào cũng thế, nó gán cho đối tượng những vòng hào quang bí ẩn, những mối cảm thương bị che giấu trong bóng tối và vì thế nó khơi dậy trong óc não lẫn tâm linh kẻ si mê những thắc mắc khôn cùng, những quyến rũ khôn cùng, những trắc ẩn không cùng...
Đã bắt đầu mùa thu thực sự. Sau đợt mưa ngâu dầm dề, các rặng cây ven đường tự dưng bạc hẳn lá đi như được phủ thiếc. Rồi những chiếc lá đầu tiên rớt xuống hè màu xanh già sau gả sang xám với những đốm vàng nâu lấm tấm. Đám con gái ở tuổi chưng diện là những kẻ đầu tiên đón nhận thời tiết. Các loại sơ mi thêu ren lộng lẫy cũng như những tấm áo sợi in hình băng nhạc ABBA, BONNEY... đã biến mất. Thay vào đó là các loại sơ mi vải bông hoặc áo pun mềm. Các ông bà già và hưu đi trên hè phố, ngước cặp mắt bạc phếch nhìn vòm cây. Họ tìm thấy trong cái xao động xanh om của nó tiếng thì thầm vô thanh của thời gian, cái lặng lẽ khắc nghiệt của tuổi đời. Chốc chốc, những con gió chạy rần rật trên mái phố, chưa mang nỗi buồn hoang hoải của heo may nhưng đã nhạt phai sắc màu rực rỡ của mùa hè. Thời khắc những đam mê của tuổi già chưa tới. Thời khắc các con tàu ngủ trên mép nước và những day neo lững lờ trong bến cảng... Gã trầm ngâm với những ý nghĩ về thời gian. Chợt gã thấy Linh, người con gái đã biến mất sau lần gặp gỡ. Cô đang dắt một đứa bé đi phía bên kia đường. Họ đi sát vào các cửa hiệu và đứa bé đang bi bô gì đó:
- Có lẽ dó là đứa con của anh trai cô nàng?...
Gã nghĩ, băng qua đường, êm nhẹ bước sau lưng cô. Gương mặt cô nhìn nghiêng và nhìn vát từ phía sau cũng đẹp lạ lùng. Vẻ đẹp khác biệt vẻ đẹp gã đã ghi nhận trong quán cà phê bữa trước. Linh chợt dừng chân trước một quán giải khát:
- Mẹ ơi, mua bánh ga tô cho con...
Đứa bé đòi... Gã hoạ sĩ dường như sững lại: Trời ơi, con cô nàng đó sao? Nàng đã là một thiếu phụ?...
Linh lục túi áo, bảo con:
- Bữa khác con nhé, mẹ không đem theo tiền mua bánh.
Đứa bé kêu to:
- Ứ ừ, con muốn mua bánh cơ. Trong túi mẹ có tiền.
- Đây là tiền mua rau. Người đàn bà giải thích – Mai mẹ sẽ mua bánh cho con.
- Ứ ừ…
Đứa bé kêu to hơn và chực mếu máo. Linh vội vã bế nó lên:
- Thôi được, mẹ mua cho con ngay đây…
Gã nhìn vào gáy Linh khi cô đứng quay mặt vào cửa hiệu. Tóc cô cuốn cao lên, để lộ mảng da trắng ngà với lớp tóc tơ mềm mại. Chủ quán, một ông già có gương mặt khắc khổ ra bán hàng. Đứa con gái kiễng chân nhìn chiếc bánh trong gói giấy ông già đưa cho mẹ nó:
- Mẹ ơi, sao hôm nay mẹ mua ít thế?
Xưa nay, Linh thường mua một lần nửa tá bánh ngọt cho con. Đứa bé không hiểu những gì đã xảy ra trong gia đình nó. Trí não non nớt chỉ băn khoăn bởi những xáo trộn trong nếp sống ngày thường. Trước đây, nó luôn luôn có cả bố lẫn mẹ. Giờ, nó chỉ được sống với một người. Trước đây, hộp bánh kẹo lúc nào cũng đầy ắp, và mẹ có thể mua cho nó vài cân kẹo hoặc nửa tá bánh gatô với nụ cười tươi rói. Giờ đây, hộp bánh chỉ lèo tèo dăm chiếc kẹo vừng hoặc gói chè lam. Một lần mua bánh ngọt cho nó, mẹ không còn tươi cười như trước. Các bữa cơm ít thịt cá hơn, mẹ không ăn để nhường cho nó và con bé cảm thấy thiếu vắng cái gì đó trong đời sống mà nó không hiểu nổi…
- Nào mẹ, đưa cho con.
Hương Ly láu táu đòi. Nó cầm bánh, ăn ngấu nghiến. Linh nhìn con, nỗi đau dâng tới họng. Lâu nay, cô đã tín tới những món tiêu nhỏ mọn. Vì tự ái, cô đã không nhận những món tiền chồng gửi qua bà Phượng hoặc Kim Anh - Những đồng tiền dơ dáy... – Cô nghĩ và con người lý tưởng trong cô lần lượt trải qua nỗi cay đắng của sự nghèo túng. Ngoài giờ làm việc, Linh nhận viết phích cho một thư viện và đan len thêm. Nhưng những lao động ấy cũng chỉ đem lại cho cô những món tiền eo hẹp. Gương mặt Linh tóp lại, xanh xao. Đôi mắt trở nên mênh mông hơn, sáng chói hơn và vì thế nhuốm vẻ quyến rũ lạ lùng. Cô chịu mọi sự thiếu thốn, cố gắng để cho con không cảm thấy khổ quá khi sống với mình.
- Mẹ ơi, bánh của ông nhỏ quá, mẹ mua nữa cơ.
Con bé đã ăn quá nửa chiếc bánh ngọt, nhìn tủ bánh vòi vĩnh.
- Mai, mai mẹ sẽ mua... Về nhà đi con...
Người đàn bà nói vội vã rồi bế đứa con đi ngay, sợ rằng chần chừ thêm một phút nữa, nó sẽ dụ cô vào một tình thế xót xa. Khi vượt qua đường, Linh chợt thấy gã đàn ông râu ria cô đã gặp vài lần trong quán cà phê. Y đang nhìn cô, và rõ ràng trong ánh mắt y có một thứ tình cảm nào đấy mà cô không cắt nghĩa được.
Bé Hương Ly đã quá nặng đối với đôi tay mảnh khảnh của mẹ nó. Chưa hết dãy phố, Linh đã phải đặt con xuống thở. Ngừng lại vài phút, vẫn thấy gã đàn ông râu ria ở phía sau, cô lại bế con đi. Lúc tới cổng trường, cảnh vật bắt đầu xoay quanh cô những những chiếc mâm bạc lốm đốm vệt đen, vừa lấp loáng, vừa u tối. Rất nhiều bầy đom đóm, không toả sáng mà phát ra những tia lửa đen như than đá bay lượn trong không trung. Cây phượng vĩ đứng ở đầu hồi văn phòng chạy tít về phía xa, gù gù như thằng hề mặc áo nhiễu lục.
Mảnh sân trường phồng lên, giãn nở như tấm cao su dưới chân cô:
- Mẹ ơi i i i...
Cô nghe con gọi. Rồi một tiếng khóc xa vời vẳng tới. Làn nước đen thẫm từ từ dâng, tràn ngập mọi miền. Phố xá, sông hồ, đất đai chìm dưới những gợn sóng câm nín và lạnh lẽo. Một âm giai huyền điệu khẽ cấtl ên, lượng lờ trên đại dương đen kì ảo đó, phiêu diêu trong cõi khôn cùng của vũ trụ - nơi những giấc mơ của con người hoà nhập với niềm thống khổ mà họ phải chịu đựng trong cõi đời.
- Anh ơi i i... Em chết mất...
Cô cất tiếng kêu người tình. Trần Phương mỉm cười với cô bên kia ngọn triều đen thẫm:
- Em không bao giờ chết, tình yêu của anh sẽ giữ gìn em mãi mãi.
Trời ơi, đã bao lần ông nói với cô điều đó?...
Vào lúc Linh ngã xuống, bé Hương Ly khóc thét lên. Đám học trò của cô được nghỉ giờ Hoá ùa ra sân chơi. Chúng xô tới, khiêng cô vào văn phòng. Kim Anh đang làm việc với tổ bộ môn toán tại đấy. Chị bế Linh đặt lên bàn, cùng vài giáo viên khác làm hô hấp nhân tạo. Những học sinh gái bắt đầu rân rấn nước mắt. Đám con trai đứng xa hơn, nín lặng nghe ngóng. Một giáo viên chạy đi gọi y tá. Khoảng mười phút sau, anh hổn hển quay về báo tin:
- Chị Khuyên về đây rồi... May thật...
Y tá trường vừa đi mua thuốc về. Chị bỏ túi thuốc xuống ghế rồi bảo mọi người:
- Cho tôi thở một tý nào, dãn cả ra.
Đám học sinh lùi ra ngoài cửa văn phòng, hau háu nhìn chờ đợi. Chị y tá lấy trong túi cứu thương chai cồn, đổ một ít vào hộp ống tiêm, xoè diêm đốt. Các động tác nhanh nhẹn và chính xác. Kim Anh đặt một ngón tay trước mũi Linh hỏi:
- Có sao không chị Khuyên?
Chị y ta lắc đầu:
- Không sao cả, tiêm hồi sức và đường glucô là cô ấy tỉnh.
Chị Khuyên rút ống tiêm và kiêm tiêm từ đám lửa xanh ra một cách cẩn trọng, rồi bẻ ống thuỷ tinh, rút thuốc. Mọi người dán mắt vào đôi tay chị y tá. Lấy thuốc xong chị bảo một giáo viên đứng bên mình:
- Bóp cánh tay cô ấy lại cho tôi tìm ven… Như thế này này…
Vừa nói, Khuyên vừa xoa cồn. Chị đưa mắt dò tìm trong khoảnh khắc và loáng một cái, mũi kim đã thọc xuống lớp da xanh nhợt. Khuyên rút cần ống tiêm, một gợn máu theo mũi kim chạy ngược lên, toả dần những tia mỏng như khói.
Chị hiệu trưởng chăm chú nhìn dung dịch đường glucô tinh lọc hoà với máu đen trở thành thứ nước màu nâu nhạt. Lúc đó, ai khẽ kéo cánh tay chị:
- Thưa cô…
Một bé gái học sinh vào loại nhỏ tuổi nhất trong lớp học của Linh kiễng chân, ghé vào tai chị thì thầm:
- Thưa cô, có người hỏi cô Linh ạ.
- Ai thế, em biết không?
- Thưa cô không ạ. Trông ông ta lạ lắm.
Chị y tá tiêm xong, buông một tiếng trống không:
- Yên tâm.
Rồi khoác túi cứu thương lên vai, chị đi ra nhanh như chớp. Gương mặt Linh đã dần trở lại màu trắng ngà của da thịt. Cô thở đều đặn. Kim Anh bảo đám học sinh ra sân chơi rồi chị đi cùng với bé gái ra cổng:
- Sao em không mời ông khách vào văn phòng?
- Thưa cô, em có mời nhưng ông ấy bảo phải đi ngay.
- Trông ông ta thế nào?
- Thư cô, râu ria nhiều lắm ạ.
- Ông ta hỏi gì cô Linh?
- Thưa cô, thoạt đầu em đi tìm giẻ lau cho lớp, ông ta tới hỏi: Cháu có thấy cô nào mặc áo xanh chấm trắng dắt đứa bé buộc nơ đỏ vào đây không? Em đáp: Đấy là cô giáo Linh. Ông ấy ảo: Cháu mời cô Linh ra gặp người quen. Em nói rằng cô giáo vừa bị cảm gió đưa vào văn phòng. Ông ấy đứng một lúc rồi bảo em vào mời cô ra… Đấy, ông ta kia kìa…
Kim Anh nhìn theo hướng tay đứa bé và chị thấy một người đàn ông râu tóc xồm xoàm, đeo chiếc túi thổ cẩm có tua "trông đến gớm" - Chị nghĩ thoáng qua nỗi lo lắng. Nhưng gã đàn ông ấy đã đi tới trước mặt chị, không đủ thời gian để chị ngờ vực thêm:
- Chào chị ạ.
Gã cúi dầu chào, chẳng ra khiêm nhường cũng không ra lấc cấc. Điệu bộ gã từa tựa như điệu bộ của một thằng bé mười sáu tuổi.
- Chào anh.
Kim Anh đáp lễ và hỏi:
- Chắc anh có điều gì nhắn với Linh?
Chị thấy đôi mắt của gã khách hiền và trong trẻo. Ngoại trừ bộ râu kiểu Enghel và hàng ria tựa dân Côdắc, trông gã cũng không đến nỗi phải rùng mình. Gã tự giới thiệu thay vì trả lời câu hỏi của cô:
- Tôi là hoạ sĩ.
- Vâng
- Tôi nợ chị Linh một món tiền.
- Thế ạ…
Đọc thấy vẻ ngạc nhiên trên mặt Kim Anh, gã giải thích:
- Thế này chị ạ… Chẳng là tôi đã nhờ chị Linh làm mẫu để vẽ…Nhưng tôi chưa trả đủ tiền thù lao.
- Quái lạ, cô ấy có thời giờ ngồi làm mẫu vẽ cho anh à?...
Kim Anh buột nói một câu ngờ vực:
- Có chứ, có chứ chị… Gã hấp tấp:
- Tôi chỉ cần vài giờ ngày chủ nhật thôi… Kim Anh im lặng, chị biết gã nói dối vì chủ nhật nào Trần Phương cũng chở Linh và họ đi tới nơi nào đó ở ngoại ô thành phố. Gã đàn ông cúi xuống lúc túi, tìm chiếc phong bì:
- Nhờ chị chuyển giúp cho chị Linh.
Vài giây ấp úng, gã thêm:
- Cho tôi... gửi lời thăm chị ấy.
Kim Anh cầm chiếc phong bì, do dự, rồi chị hỏi:
- Theo nguyên tắc tài chính, tôi là người chuyển giao, vậy xin anh cho biết tên và số tiền là bao nhiêu?
Gã đàn ông luống cuống:
- À à…
Gã định rút lại chiếc phong bì để mở xem nhưng sau đó lại thôi. Cuối cùng, gã lắp bắp:
- Chắc là… chắc là…
Mặt ngẩn ra, gã nhìn Kim Anh cười, nhún vai:
- Xin lỗi, thực ra tôi cũng không biết là bao nhiêu… Tôi vốn có tính đãng trí. Tiền này do anh em trong xưởng vẽ đưa.
Nói xong, gã cúi chào:
- Chị giúp cho, tôi xin cảm ơn chị.
Gã đi, mái tóc dài gần chấm vai lắc lắc. Kim Anh nhìn theo, và sau một giây đắn đo, chị gọi:
- Này, anh.
Gã, quay lại, đôi mắt hiền nhìn chị thay vì cho một câu hỏi: Kim Anh không trấn áp được nỗi tò mò, chị bật lên:
- Anh… anh có phải là người… quen của nhạc sĩ Trần Phương không.
Gương mặt gã tối sầm, gã đáp:
- Tôi không quen con người đó…
Và gã lầm lũi bước.
Kim Anh cùng cô bé học trò trở lại văn phòng trường. Chị ngồi vào bàn làm việc mở phong bì: Một xấp tiền buộc sợi cao su. Một tờ giấy gập làm tư nguệch ngoạc những dòng chữ:
"Tao đã tới triển lãm kí nhận tiền cho mày từ hôm kia nhưng tìm mãi không thấy ông tướng nhà trời đâu nên đành ném qua khe cửa sổ. Mấy hôm nay, mày say sưa ở đâu vậy. Tụi triển lãm keo cú lắm, nó chỉ trả tụi mình mỗi thằng ba nghìn năm trăm rưỡi thôi. Tao nói không tiện, nhưng mày hãy tới dạy bảo chúng đôi điều, cái lũ treo đầu dê bán thịt chó ấy. Này, mồng bảy này thằng Thảo què ở trong kia ra, mày tới uống rượu mừng nó nhé. Địa điểm tại nhà thằng Bách. Sẽ có thịt chó, ngoại hạng. Nhớ gọi cả thằng Đào Hùng sứt răng tới."
Theo thói quen của đàn bà, Kim Anh đếm món tiền. Ba ngàn năm trăm. Chị nghĩ ngợi hồi lâu. Chắc chắn Linh sẽ không đụng đến một xu nếu chị tường thuật lại mọi sự. Cô là người tự trọng tới mức gần như gàn dở. Đã nhiều lần bà Phượng đem tiền Nguyên gửi cho bé Hương Ly tới trường nhưng Linh đều từ chối. Cô muốn nuôi con bằng đồng tiền trong sạch của mình… nhưng lúc này, tình cảnh của Linh thật khó khăn. Kim Anh cất món tiền vào ngăn kéo, khoá lại.Chị quyết định sẽ đưa dần cho Linh từng ít một, dưới danh nghĩa các chi phí hợp lí và các khoản thù lao.