Dịch giả: Anh Tô
Chương mười một

     iện thoại reo trong phòng tôi, không có dấu hiệu mẹ trả lời. Tôi có thể nghe được tiếng Alan cằn nhằn Gayla dưới lầu vì đã cắt sai miếng phi lê.
“Tôi biết điều này có vẻ vớ vẩn, Gayla, nhưng hãy nghĩ thế này: những chi tiết vớ vẩn ấy là điều khác biệt giữa một bữa ăn ngon và một trải nghiệm ẩm thực”. Gayla thốt lên một tiếng tán thành. Cả tiếng uhm uhm của cô ấy cũng có giọng mũi.
Tôi gọi vào số di động của Richard, một trong số ít người ở Wind Gap dùng điện thoại di động; tôi không có ý công kích, bởi vì tôi cũng không dùng điện thoại di động ở Chicago. Chỉ là tôi không bao giờ muốn trở nên quá gần gũi như vậy.
“Thanh tra Willis”. Tôi có thể nghe được tiếng loa ngoài gọi một cái tên ở đầu dây bên kia. “Anh bận à, thám tử?”. Mặt tôi ửng đỏ. Sự nhẹ dạ bắt đầu muốn tán tỉnh. Giống như một đứa ngốc. “Xin chào”, giọng anh nghiêm túc. “Anh đang tổng kết vài thứ cho xong. Anh gọi lại sau nhé”.
“Vâng, số của em là....”
“Nó hiển thị trên màn hình điện thoại của anh”.
“Hay thế”.
“Đúng vậy”.
Hai mươi phút sau. “Xin lỗi nhé, lúc nãy anh ở bệnh viện ở Woodberry với Vickery”.
“Có manh mối gì à?”
“Kiểu thế”.
“Một bình luận nào đó chăng?”
“Anh đã có một tối khá tuyệt tối qua”.
Tôi viết chữ “Richard cảnh sát Richard cảnh sát” mười hai lần lên chân mình và phải cố ngưng lại vì da bắt đầu ngứa ngáy.
“Em cũng vậy. Nghe này, em cần hỏi vài thứ trực tiếp và cần anh trả lời. Không ghi âm. Rồi em cần một lời bình luận để cho vào bài báo sắp tới của em”.
“Được, anh sẽ cố giúp em, Camile. Em cần hỏi gì anh nào?”
“Mình gặp nhau ở quán bar lần hẹn đầu tiên được không? Em phải gặp trực tiếp, và cũng cần phải ra khỏi nhà nữa. Và, vâng, thú thật là em cần uống gì đó”.

*

Ba bạn học cùng lớp của tôi đã ở Sensors khi tôi đến đó. Mấy thằng cũng tử tế, một đứa trong đám rất nổi tiếng vì từng đoạt giải thưởng Hội chợ của bang cho con heo nái mập, mọng sữa của nó. Kiểu bình dân chân chất thế này là kiểu Richard sẽ thích đây. Bọn tôi trò chuyện nhẹ nhàng, họ mời tôi hai ly và cho tôi xem hình bọn trẻ nhà họ, tất cả đều tám tuổi. Jason Turnbough, tóc vẫn vàng hoe và mặt tròn phính như trẻ con. Nó vừa nói vừa liếm môi, hai má ửng hồng, và đôi mắt xanh lơ lướt lên rồi lại lướt xuống từ mặt đến ngực tôi. Nó chỉ ngừng lại một lần khi tôi lôi cái máy ghi âm ra và hỏi về mấy vụ án mạng. Mấy vòng xoay của máy ghi âm thu hút sự chú ý của nó. Ai cũng như vậy khi thấy tên họ trên báo. Dấu hiệu của sự hiện hữu. Tôi có thể hình dung tiếng cãi cọ của những hồn ma thốt ra từ trong các chồng báo. Ai đó chỉ vào một cái tên trên trang báo. Thấy chưa, tôi đó. Tôi đã nói với cô là tôi có ở đó mà. Tôi đã bảo là tôi tồn tại mà.
“Hồi còn nhỏ ai mà nghĩ có ngày bọn mình ngồi đây và nói về những vụ án mạng ở Wind Gap chứ?” Tommy Ringer tự hỏi, giờ thì nó trở thành một đứa tóc tai có màu sẫm với hàng ria loe hoe.
Ron Laird, một đứa mặt chuột tử tế, giọng oang oang, nói: “Tớ biết, ý tớ là giờ mình làm việc cho một siêu thị, hệ thống Chrissakes”. Cả ba đứa đều thấy hài lòng với lòng tự hào công dân đặt nhầm chỗ. Điều ô nhục xảy đến với Wind Gap và họ nhìn nhận nó như vậy. Họ vẫn sẽ làm việc trong siêu thị, hiệu thuốc, trang trại ấp trứng. Khi bọn họ qua đời, cùng với hôn nhân rồi con cái, sẽ nằm trong danh sách những việc họ đã làm. Và những vụ án mạng chỉ đơn thuần là thứ gì đó đã xảy ra trong đời họ vậy. Không, chính xác hơn, nó là điều gì đó xảy ra trong thị trấn mà họ sống. Tôi không chắc lắm về nhận định của Meredith. Ai đó thích ý nghĩ kẻ sát nhân là người sinh ra và lớn lên ở Wind Gap. Đó là kẻ mà họ gặp lúc đi câu cá, hay ở cùng họ trong Cub Scounts. Nghe có vẻ ly kỳ hơn.
Richard đẩy mạnh cửa, có vẻ khá ngạc nhiên vì bề ngoài của nó. Khách vãng lai thường dùng nhiều lực hơn cần thiết nên chốc chốc cửa lại đập vào tường. Nó tạo một khoảng ngừng đúng lúc cho cuộc trò chuyện.
Lúc anh bước vào với áo khoác trên vai, ba gã bạn tôi lầm bầm.
“Ôi cái gã này”.
“Này, tôi ấn tượng đấy chứ!”
“Giữ lại chút não nhé, anh bạn. Anh sẽ cần nó đấy”.
Tôi bật khỏi ghế, liếm môi và mỉm cười.
“Chào các đồng hương, tớ phải làm việc rồi. Đến giờ phỏng vấn. Cảm ơn các cậu đã mời nhé”.
“Nếu cậu chán thì bọn tớ vẫn còn ở đây nhé”, Jason nói với theo.
Richard chỉ nhìn nó và cười cười, lầm bầm thằng ngu trong miệng.
Tôi cầm theo ly bourbon thứ ba của mình, vẫy người phục vụ yêu cầu xếp bàn. Và khi đã có đồ uống trước mặt, tôi chống cằm lên tay và tự hỏi liệu mình có thật sự muốn bàn công việc không. Anh có một vết sẹo bên lông mày phải và lúm đồng tiền nhỏ dưới cằm. Anh khẽ chạm vào chân tôi hai lần khi không ai để ý.
“Thế nào hả, Kẻ săn tin?”
“Uhm, em muốn biết vài điều. Em thật sự rất muốn biết và nếu anh không muốn nói cho em thì tốt thôi, nhưng làm ơn cân nhắc cho kỹ”.
Anh gật đầu.
“Lúc nghĩ về hung thủ, anh có nghĩ đến ai đó cụ thể trong đầu không?”
“Cũng có”.
“Đàn ông hay phụ nữ?”
“Sao em lại hỏi anh với vẻ cấp bách thế này hả, Camille?”
“Em chỉ muốn biết thôi”.
Anh ngừng lại một chút, uống một ngụm, xoa tay lên cằm.
“Anh không tin một phụ nữ làm những việc thế này với mấy cô gái”. Anh chạm vào chân tôi lần nữa. “Này, em sao thế? Nói thật cho anh nghe nào”.
“Em cũng không rõ, em chỉ đang lơ mơ. Em cần biết mình nên tập trung năng lượng vào đâu”.
“Để anh giúp em”.
“Anh có biết mấy đứa con gái hay cắn người không?”
“Anh được trường cho biết từng có một tai nạn liên quan đến Ana khi con bé giết con chim nhà hàng xóm”, anh nói. “Nathalie thì bị giám sát gắt gao vì những chuyện đã xảy ra ở trường cũ của con bé”.
“Nathalie đã cắn đứt dái tai của người quen”.
“Anh không có bất cứ báo cáo tai nạn nào bất lợi cho Nathalie từ khi con bé chuyển đến đây”.
“Tại người ta không báo cáo thôi. Em thấy cái tai, Richard, mất hẳn dái tai và chả lý gì nhân chứng lại nói dối em cả. Ann cũng tấn công người khác. Nó cắn người ta. Nhưng em vẫn tự hỏi biết đâu mấy đứa con gái đó bị buộc tội nhầm? Cứ như là có ai đó vu khống cho bọn chúng vậy. Như một con thú dữ. Có thể đó là lý do tại sao răng của nạn nhân bị nhổ đi”.
“Từ từ nào. Đầu tiên, mấy người bị bọn con gái đấy cắn là những ai?”
“Em không tiết lộ được”.
“Bố khỉ, Camille. Anh không có thời gian đâu. Nói anh biết ngay!”
“Không”. Tôi ngạc nhiên với cơn giận của anh. Tôi những tưởng anh sẽ cười phá lên và bảo là tôi khá xinh khi thách thức anh như vậy.
“Đây là vụ án mạng, chết tiệt, em có hiểu không? Nếu em có thông tin thì anh cần nó đấy”.
“Thì anh cứ làm việc của anh đi”.
“Anh đang rất nỗ lực, Camille. Nhưng nếu em cứ lờn vờn phí thời gian của anh thì chẳng ích gì đâu”.
“Giờ thì anh cũng hiểu cảm giác đó rồi đấy”. Tôi bướng bỉnh lầm bầm.
“Được rồi”. Anh xoa mắt. “Anh đã có một ngày rất dài rồi nên... tạm biệt em. Anh hy vọng mình đã có ích cho em”. Anh đứng dậy, đẩy nhẹ cái ly còn phân nửa về phía tôi.
“Em cần một tin tức để công khai với báo chí”.
“Để sau nhé. Anh cần xem xét lại đã. Có lẽ em đã đúng về việc bọn anh đã có những suy nghĩ tệ đến thế nào”. Anh rời đi, mấy đứa bạn gọi tôi quay lại nhập bọn. Tôi lắc đầu, uống nốt phần mình, và giả vờ ghi chép cho đến khi bọn nó về hết. Tất cả những gì tôi viết là “nơi này chán phát bệnh nơi này chán phát ói” khoảng mười hai trang giấy. Lúc về đến nhà thì Alan đã ngồi chờ tôi sẵn rồi. Ông ngồi trên chiếc ghế thời Victoria, gỗ óc chó đen, nệm thêu kim tuyến trắng, mặc áo choàng, sơ mi và dép cũng bằng lụa trắng đỏm dáng. Nếu có mặt trong một bức ảnh thì cũng khó mà xếp ông vào đúng thời đại được - quý ông thời Victoria hay gã bảnh trai thời Edward của thập niên 50? Người đàn ông nội trợ của thế kỷ 21, chả bao giờ đi làm, say sưa bí tỉ, và thi thoảng làm tình với mẹ tôi.
Hiếm khi Alan và tôi trò chuyện mà không có sự hiện diện của mẹ. Có một lần, hồi còn nhỏ, tôi va mạnh vào ông ở sảnh, ông ấy cúi gập người xuống ngang tầm mắt tôi một cách khó nhọc và bảo: “Chào con, ta mong là con không bị làm sao nhé”. Khi đó chúng tôi đã sống dưới một mái nhà hơn năm năm và đó là tất cả những gì ông nói với tôi. ”Vâng, cám ơn”. Và đó cũng là tất cả những gì tôi có thể trả lời.
Giờ thì Alan có vẻ muốn nói chuyện với tôi. Ông không gọi mà chỉ khẽ vỗ vào chiếc ghế bành bên cạnh. Trên đầu gối, ông để một cái đĩa, vốn dùng để ăn bánh, giờ là vài con cá mòi màu bạc to tướng. Tôi đã ngửi thấy mùi của nó từ cửa.
“Camille, con làm mẹ con phát ốm đấy. Nếu con không thay đổi thì ta buộc phải yêu cầu con rời đi”. Ông nói, với tay nhấc đuôi một con cá nhỏ lên.
“Tôi làm mẹ phát ốm thế nào?”
“Bằng việc tra tấn bà ấy chứ sao. Bằng việc luôn luôn gợi nhắc về Marian. Con không thể phán xét mẹ bằng một đứa trẻ đã khuất, thân thể nó giờ đây đã nằm sâu dưới lòng đất ra sao. Ta không biết con có khách quan hay không, nhưng với Adora thì không”. Một giọt nước từ thân con cá rơi xuống trước mặt ông ấy, để lại một vết bẩn cỡ cái cúc áo.
“Con không thể kể với mẹ thi thể của hai đứa con gái đã chết đó, hoặc máu đã trào ra khỏi miệng chúng nhiều đến mức nào vì răng đã bị nhổ, hoặc hung thủ bóp cổ chúng trong bao lâu”.
“Alan, tôi chưa bao giờ nói những điều như vậy với mẹ. Không có chi tiết nào giống vậy hết. Tôi thật sự không hiểu mẹ đang nói gì hết”. Tôi thậm chí còn không thấy phẫn nộ, ngược lại, chỉ mệt mỏi.
“Làm ơn đi, Camille, ta biết quan hệ của con và mẹ con căng thẳng thế nào. Ta biết là con ganh tị với bất cứ ai hơn mình. Rõ ràng là con cư xử cứ như mẹ của Adora ấy. Bà ấy canh gác ngôi nhà này như... mụ phù thủy già và cau có. Chưa bao giờ nở nụ cười. Lần duy nhất bà ấy cười là khi con từ chối để Adora chăm mình. Con từ chối bú sữa”.
Từ ngữ từ cái miệng bóng dầu của Alan dẫn tôi đến tận đâu đâu. Khốn khiếp. Mút, quỷ cái, cao su... tất cả đều cháy bừng lên.
“Thế ông nghe mấy chuyện này từ Adora à?” Tôi gợi ý.
Ông gật đầu, môi nở nụ cười hạnh phúc.
“Vậy chuyện tôi kể những điều hãi hùng về Marian và thi thể các nạn nhân cũng là Adora nói à?”
“Đúng vậy”. Ông nhấn mạnh.
“Adora nói dối. Nếu không nhận ra thì ông ngốc lắm”.
“Adora đã có cuộc đời rất khó khăn”.
Tôi phá lên cười. Alan không nhún nhường. “Lúc bà còn nhỏ, mẹ của bà ấy thường đến phòng lúc nửa đêm và nhéo bà ấy”, ông nói, nhìn chằm chằm vào miếng cá mòi cuối cùng một cách đầy thương cảm. “Bà ấy nói rằng làm thế vì sợ Adora sẽ chết khi đang ngủ. Còn ta thì nghĩ bà ta muốn hành hạ Adora”.
Một phần ký ức dội về: Một vết bầm trên tay tôi. Mẹ đứng đó, trong đêm tối, mặc bộ đồ ngủ, hỏi xem tôi có sao không. Bà hôn lên vết bầm tròn màu hồng và bảo tôi quay lại ngủ đi.
“Ta nghĩ con nên biết những chuyện này”. Alan nói “Có lẽ rồi con sẽ tử tế hơn với mẹ của mình”.
Tôi chẳng có ý sẽ tử tế hơn với mẹ. Tôi chỉ muốn cuộc chuyện trò này mau kết thúc. “Tôi sẽ thu xếp đi sớm thôi”.
“Ý đó không tồi, nếu con không cải thiện được”. Alan nói. “Nhưng có khi nếu con thử, con sẽ thấy tốt hơn. Nó thể chữa lành vết thương của con. Vết thương lòng”.
Alan ăn miếng cá mòi cuối cùng. Tôi có thể hình dung đám xương lạo xạo lúc ông ấy nhai.
Tôi lấy một cốc đá to và cả chai bourbon trong bếp rồi mang lên phòng. Có lẽ tôi nhanh chóng say khướt vì cái kiểu mình nốc rượu. Tai nóng rực và da ngừng râm ran. Tôi nghĩ về những từ ngữ cứ vang lên trong đầu. Biến mất. Biến mất thì sẽ không còn muộn phiền. Tôi suy nghĩ đầy điên dại. Biến mất sẽ loại bỏ những rắc rối của mình. Nếu Marian không qua đời thì liệu chúng tôi có khốn khổ như bây giờ không? Những gia đình khác đã trải qua nỗi đau thế này. Than khóc và tiếp tục sống. Em ấy vẫn lơ lửng ám ảnh chúng tôi, con bé tóc vàng, mái tóc quá yêu kiều xinh xắn. Đó là trước khi em bệnh, thật sự bệnh. Em có một người bạn vô hình, một con gấu khổng lồ mà em gọi là Ben. Em là đứa trẻ kiểu gì mà lại tưởng tượng bạn mình là thú vật nhỉ? Em sưu tầm những dây buộc tóc và sắp xếp chúng vào hộp theo thứ tự chữ cái của màu sắc. Em là đứa bé gái dùng vẻ đáng yêu của mình để mang lại niềm vui mà người ta không cư xử tệ với em được. Mắt lúng liếng, xoắn lọn tóc. Em gọi mẹ tôi là Mudder và gọi Alan là... trời, hình như em gọi ông là Alan, tôi không tài nào đặt ông ấy vào những ký ức này được. Lúc nào em cũng lau sạch đĩa của mình, dọn dẹp phòng gọn gàng và không mặc gì khác ngoài váy và giày Mary Janes. Em gọi tôi là Mille và cứ líu ríu theo tôi suốt.
Tôi ngưỡng mộ em ấy.
Tôi say mà vẫn tiếp tục uống, lấy một cốc và xuống phòng Marian. Cửa phòng kế bên, phòng của Amma, đã khóa cửa hàng giờ liền. Lớn lên ngay cạnh phòng của người chị gái đã khuất của mình thì thế nào nhỉ? Tôi nhói lên một nỗi buồn thương cho Amma. Alan và mẹ tôi ở yên trong góc phòng ngủ rộng lớn của họ, nhưng đèn thì tắt và quạt vẫn quay. Không có thứ gì như vậy trong mớ đồ đạc kiểu Victoria và bà thì tìm vài thứ lòe loẹt nào đó cho căn phòng, nên chúng tôi túa mồ hôi vào những ngày hè. 90°F, nhưng nhiệt độ này làm tôi thấy an toàn, như bước đi dưới nước.
Cái gối trên giường em vẫn còn vết lõm. Một bộ quần áo trải ra như đứa trẻ còn sống vẫn mặc chúng. Váy tím, tất trắng, giày đen bóng loáng. Ai đã sắp xếp mấy cái này nhỉ? Mẹ tôi? Amma? Cái cây truyền nước vẫn đó, nó đã không ngừng bám theo Marian trong những năm cuối cùng, báo động và sáng lấp lánh, bên cạnh là những mấy dụng cụ y tế còn sót lại: Cái giường cao hơn loại bình thường hai feet để bệnh nhân dễ sử dụng; máy đo nhịp tim; bô. Tôi thấy kinh hãi vì mẹ chưa dọn sạch những thứ này. Nó là một phòng bệnh vô cảm và không có sự sống. Con búp bê Marian thích nhất đã được chôn cùng em, một con búp bê vải tóc vàng giống màu tóc em gái tôi. Tên nó là Evelyn. Hay Eleanor nhỉ? Những con còn lại xếp dọc tường, như người hâm mộ trên dãy ghế khán đài. Khoảng chừng hai mươi con, mặt được làm bằng sứ trắng và đôi mắt thủy tinh trong suốt sâu thẳm.
Tôi mường tượng em đang ở đây, ngồi chéo chân trên giường, mặc áo len nhỏ chấm bi, mắt ánh màu tím sẫm. Xáo mấy lá bài hoặc nghịch tóc búp bê hoặc tô màu một cách giận dữ. Tôi có thể nghe thấy âm thanh: tiếng bút sáp màu quẹt những lằn ranh đậm lè trên giấy. Cây bút màu tối đè quá mạnh đến nỗi nó làm nhàu tờ giấy. Em ngẩng đầu nhìn tôi, thở khó nhọc.
“Em mệt chết đi được”.
Tôi vùng chạy về phòng mình như có ai đuổi phía sau.
Điện thoại reng sáu lần trước khi Eileen nhấc máy. Những thứ mà nhà Curry không có trong nhà họ: lò vi sóng, VCR, máy rửa bát, và máy trả lời tự động. Giọng bà ấy nhẹ nhàng nhưng căng thẳng. Tôi đoán họ thường không nhận nhiều cuộc gọi sau 11 giờ đêm. Bà ấy vờ như cả nhà chưa ngủ, như thể họ chỉ không nghe điện thoại thôi, nhưng cũng phải mất hai phút sau Curry mới cầm máy. Tôi hình dung, ông chùi kiếng ở vạt áo pyjama, đi dép da trong nhà, và liếc qua đồng hồ báo thức.
Thế rồi tôi thấy mình đang nhớ lại đoạn quảng cáo chạy suốt đêm của một tiệm thuốc ở Chicago.
Đã ba ngày kể từ lần cuối cùng nói chuyện với Curry. Tôi đã ở Wind Gap gần hai tuần. Trước đây, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào thì mỗi ngày ông đều gọi cho tôi ba lần để cập nhật tin tức. Nhưng ông không thể tự gọi về nhà mẹ cho tôi, một cư dân ở đây, phía ở tận Missouri, nó khiến ông liên tưởng đến Miền Bắc Xa Xôi.
“Cục Bông, khỏe không? Chuyện gì thế?”
“Chà, tôi chưa có bản ghi âm nhưng tôi sẽ có. Cảnh sát nghĩ rằng chắc chắn hung thủ là đàn ông, là cư dân ở Wind Gap, họ chưa có mẫu DNA cũng như hiện trường giết người, họ có ít manh mối lắm. Và tên sát thủ thuộc hàng lão luyện, hoặc thông minh đột xuất. Dường như cả thị trấn tập trung vào anh trai Natalie Keene, John. Tôi có ghi âm lời khai của bạn gái cậu ta, chứng minh nó vô tội”.
“Tốt, làm tốt đấy, nhưng ý tôi là... tôi hỏi cô mà. Cô có khỏe không? Nói tôi nghe đi vì tôi không nhìn thấy mặt cô. Đừng có tự hành hạ bản thân đấy”.
“Tôi không khỏe lắm nhưng thế thì sao chứ”. Giọng tôi cao vút và cay cú hơn dự tính. “Đây là câu chuyện ly kỳ, và tôi nghĩ mình đang dính líu đến nó. Tôi nghĩ chỉ như mới vài ngày hay một tuần và... tôi cũng không rõ nữa. Mấy đứa con gái cắn người. Đó là những gì tôi có được hôm nay, tay cảnh sát làm việc với tôi thậm chí còn không biết tình tiết này”.
“Cô nói với anh ta chưa? Anh ta nói sao?”
“Không nói gì cả”.
“Sao cô lại không có bình luận chết tiệt nào của hắn ta thế hả cô gái?” Vậy đấy, Curry, Thanh tra Willis nghĩ là tôi đang giấu diếm thông tin gì đó và anh ta hờn dỗi, như tất cả lũ đàn ông khi không phỉnh phờ được phụ nữ như họ muốn.
“Tôi lên dây cót rồi. Tôi sẽ có tin. Tôi cần thêm vài ngày trước khi gửi bài, Curry. Thêm ít tình tiết mang màu sắc địa phương và làm việc với tay cảnh sát đó. Tôi nghĩ họ gần như bị thuyết phục rằng một tờ báo nhỏ cũng có thể lên tiếng vì công lý. Tất cả mọi người ở đây đều đọc báo của chúng ta”. Hay trên kia.
“Họ sẽ tin thôi. Cô sẽ có vài ghi chú quan trọng cho vụ này, Cục Bông. Công việc của cô khá trôi chảy rồi đó. Cố gắng hơn chút nữa. Đẩy nhanh mọi việc đi. Đi gặp bạn bè cũ của cô, trò chuyện xem sao. Có lẽ họ cởi mở hơn. Bên cạnh đó, nói ngoài lề một tý, loạt bài về lũ lụt ở Texas đoạt giải Pulizer đã có toàn cảnh quan điểm của một người trở về nhà trong suốt thảm kịch. Đọc hay lắm. Một khuôn mặt thân thiện, vài ly bia sẽ giúp cô đấy. Tối nay cô đã uống một ít rồi đúng không?”
“Chút chút”.
“Cô có cảm thấy... đây là tình huống tốt cho cô không? Cho sự hồi phục?” Tôi nghe tiếng bật lửa bật khẽ, tiếng ghế nhà bếp sột soạt lướt qua lớp vải, một tiếng cọt kẹt khi Curry ngồi xuống.
“Không, chuyện này không đáng để ông bận tâm đâu”.
“Dĩ nhiên là có. Đừng có chơi trò tử vì đạo. Tôi sẽ không phạt nếu cô muốn rời đi. Cô phải tự chăm sóc mình. Tôi nghĩ cô về nhà thì tốt, nhưng quên mất là cha mẹ không phải lúc nào cũng... tử tế với con cái”.
“Tôi ở đâu thì cũng thế cả”. Tôi ngưng lại, cố gắng trấn tĩnh. “Tôi chỉ là luôn có cảm giác mình là đứa tệ hại khi ở đây”. Rồi tôi bắt đầu khóc, im lặng thổn thức khi Curry lắp bắp ở đầu dây bên kia. Tôi có thể hình dung ông đang hoảng loạn, vẫy Eileen lại để xử lý con bé mít ướt này. Nhưng không.
“Ôi, Camille”. Ông thì thầm. “Cô là một trong những người tử tế nhất mà tôi biết. Và cũng chẳng có mấy người tử tế trên đời này, cô biết mà? Từ khi cha mẹ tôi mất, tôi chỉ biết có cô và Eileen thôi”.
“Tôi chẳng tử tế gì đâu”. Đầu bút máy của tôi ấn sâu hơn, nguệch ngoạc vài chữ vào bắp đùi. Sai lầm, phụ nữ, răng.
“Camille, cô rất tử tế. Tôi thấy cô đối xử với mọi người thế nào, ngay cả với tên khốn kiếp vô dụng nhất mà tôi có thể nghĩ đến. Cô tử tế với họ. Cô cho họ vài... phẩm cách. Thấu hiểu. Sự hiểu biết. Cô nghĩ xem tại sao tôi giữ cô lại? Không phải vì cô là một phóng viên giỏi”. Tôi im lặng và những giọt nước mắt thi nhau rơi xuống. Sai lầm, phụ nữ, răng.
“Nó không vui à. Tôi nghĩ nó phải buồn cười chứ?”
“Không”.
“Ông tôi từng tham gia một đoàn tạp kỹ đấy. Nhưng tôi đoán là đến đời tôi thì gen đấy mất rồi”.
“Vậy á?”
“Ừ, ông ấy đi từ Ireland đến New York trên một chuyến tàu. Ong ấy rất vui nhộn, biết chơi những bốn nhạc cụ...” Một tiếng bật lửa khác vang lên. Tôi kéo chiếc mền mỏng bọc quanh người và nhắm mắt, lắng nghe câu chuyện của Curry.