- Chào anh An-đrây An-đrây-ê-vích (1).
- Chào anh.
- Tôi có ý muốn nhờ anh giúp tôi nắm được tình hình ở đây, tôi là Xla-vin Vi-ta-li Vxê-vô-lô-đô-vích.
- Thế thì không phải nhiệm vụ của tôi rồi.
- Mọi người đều bảo anh cảm nhận tình hình ở đây tốt hơn cả, nhất là tình hình Na-gô-ni-a, việc cung cấp hàng của ta, chu kỳ cung cấp…
- Ấy cái ấy anh đều có thể đọc trong báo cáo. Chỉ có ý nghĩa của nó… Viết gì thì viết, nhưng hàng hoá vị tất đã chạy.
- Sao vậy?
- Tại chúng ta còn khờ quá.
- Cũng có thể thế - Xla-vin đồng ý – có điều, trong trường hợp này, nắm được cái mắt xích chính thì tốt. Ta còn khờ ở chỗ nào? Làm sao loại bỏ cái khờ ấy? Tình hình Na-gô-ni-a thì lại rất đ áng phải quan tâm.
- Loại bỏ được cũng rất đơn giản thôi. Các cơ quan phục vụ ở cảng này nợ chúng ta 5 triệu đồng. Dĩ nhiên cũng chả đáng gì so với những cái đã bay theo gió, nhưng với quy mô ở đây thì cũng là một món tiền khá, mà ta cứ đằng thắng đòi, thì nếu họ chưa trả nổi, ít nhất họ cũng phải giữ phép lịch sự phục vụ chu đáo cho các chuyến tàu của ta đi Na-gô-ni-a, giải phóng chúng, ưu tiên, đừng có giữ lại mỗi tàu trung bình ba ngày đêm trên bến. Ta thì cứ mềm mỏng, sợ họ hiểu lầm, họ bực bội, trong khi trên tất cả các báo chí, bọn họ chửi ta thả cửa…
- Nhưng cách mềm mỏng ấy cũng là chứng minh của sức mạnh, An-đrây ạ, đúng thế không?
- Đồng ý. Rất đúng. Nhưng ta sẽ còn mặt mũi nào nhìn nhau nữa, nếu để cho bọn chúng bóp chết Na-gô-ni-a? Chỉ riêng cái chuyện để hàng cung cấp chậm trễ, đã có bao kẻ lợi dụng để phao tin: “Người Nga hứa nhiều, nhưng không giữ lời hứa”, thời gian cứ bay vèo vèo, và ta thì chết cháy vì họ. Anh bảo sao nào?
- Tệ thật. Và sẽ còn tệ hơn nhiều nữa.
- Ở đây người ta thấy tôi nói vậy thì lại bảo rằng tại tôi hay bẳn tính và tẻ lạnh, khó chơi. Đâu phải thế, chẳng qua tôi ra cảng nhiều hơn anh em, tôi đã gặp nhiều loại người, qua đó, tôi hiểu rõ là họ đang nghĩ gì ta, họ bảo: “Bọn ấy thì có thể cứ cưỡi bừa lên cổ chúng cũng nhịn”.
- Thôi đượ, anh hãy gà cho tôi để tôi làm bài báo nhé, làm sao viết cho khéo hơn một chút là được. Hai giờ chiều nay, tôi ăn cơm với một người bạn đồng nghiệp người Mỹ, từ hồi vụ án Nuy-rem-be đến giờ mới gặp nhau…
- Pôn Đích à?
- Đúng thế. Anh cũng quen?
- Anh ấy chơi với một người bạn của tôi. Theo tôi, đó là một nhà báo có suy nghĩ, tuy bực một nỗi là uống rượu bét nhè.
- Bốn giờ, tôi sẽ gặp anh nhé?
- Không, bốn giờ tôi bận. Thôi ta hẹn vào quãng 9 giờ tối.
- Ở chỗ tôi nhé?
- Anh ở đâu nhỉ?
- Ở “Hin-tơn” phòng 607. Tầng 6. Hành lang bên phải.
- Tôi biết. Được rồi, tôi sẽ đến anh vào lúc 9 giờ.
°
*
Pôn Đích ngồi xuống cạnh Xla-vin, chửi làu bàu:
- Anh đã bẫy tôi vào cái chuyện thổ tả này, I-van ạ. Bây giờ ta đến tiệm “Mắc Đô-nan” nào đây?
- Có cái hiệu ở cạnh toà nhà nơi lão Bê-liu đã sống ấy.
- Lão đã sống ở khu ổ chuột, tiệm”Mắc Đô-nan” ở đấy hôi như nước ráo ấy, tôi đã nhìn hết lượt rồi.
- Còn tôi lại muốn ngó qua một tý, xem nó thế nào?
- Thôi, anh đừng úp mở, I-van. Anh biết gì về bản thân lão Bê-liu ấy? – Pôn Đích chia ra 8 đô-la cho Xla-vin – Anh cầm lấy, để anh mua nhé, không thì tôi lại uống sạch hết.
- Tiền gì thế này?
- Đừng có làm bộ ngốc, tôi đã thua cuộc anh rồi mà. Anh đã linh cảm về Giôn thính hơn tôi, ông ta quả thực đã hỏi tôi về anh đúng như câu anh đã đoán. Anh giải thích rõ xem nào, anh đã biết được những gì trong vụ này?
- Chẳng biết gì cả. Tôi chỉ có thể dự đoán. Tôi nghe nói, Bê-liu ở thuê trong một căn phòng đâu đó gần ga.
- Gần cảng. Nhưng ầm ỹ lắm, cần trục làm việc suốt ngày đêm ngay dưới cửa sổ. Rồi sao nữa?
- Nghe nói trong phòng lão ta có cả sách tiếng Nga.
- Sách U-krai-na. Và bưu ảnh nữa, nhiều bưu ảnh cũ…
- Có phó-mát khô và nửa cái bánh mì trên bàn nữa, đúng không?
- Phó-mát ôi ấy mà, còn bánh mì thì không có, mà là thứ bánh bột đã khô queo. Vậy ra anh cũng ở trong phòng lão ta rồi à?
- Pôn ạ, giá tôi mà đặt chân tới đó thì người ta đã đem tôi đi thẩm vấn rồi… Thế Bê-liu bị giết bằng cách nào? Súng lục không kêu chăng?
- Không. Bị bắn lén bằng súng bắn tỉa, đặt từ một cái cần cẩu ở cảng chĩa sang cửa sổ. Lão đang tập thêu ren gì đó, xung quanh đầy khăn rải bàn, khăn ăn, những đường riềm. Rồi hình gà sống, gà mái… Nhưng này, anh biết những gì về lão ta? Lẽ nào các anh lại tự dưng đi tìm lão, hả I-van?
- Pôn ạ, anh hãy cho tôi biết, lão ta có những sách gì?
- Tôi quên rồi… Tôi có ghi đây, nhưng sổ đã để ở phòng. Thơ, chủ yếu là thơ thôi.
- Một cái buồng con, cần trục dưới cửa sổ, khăn rải bàn và khăn ăn có hình gà qué, và thơ…
- Bợm thật, anh phân loại các sự kiện rành rẽ lắm. Trước kia, chưa nhạy thế đâu, anh chỉ dồn dập tích thật nhiều sự kiện, thông tin đơn thuần từ Nuy-rem-be thôi. Thời gian trôi qua, bây giờ trong anh đã thấy rõ tính độc lập suy nghĩ. Thật tuyệt, anh biết tổ chức một cách táo bạo các sự kiện rời rạc thành luồng ý nghĩ.
- Anh làm tôi phổng mũi đấy! Thế cảnh sát có nhiều không? Giới báo chí?
- Sau khi khám xét xong, họ mới được vào.
- Họ cần tìm cái gì?
- Có quỷ mà biết. Người ta nói ám chỉ rằng lão ta là gián điệp của các anh.
- Ám chỉ à, thì một con bé con cũng biết cạnh khoé được, những việc như thế này phải có chứng cớ hẳn hoi chứ!
- Chứng cớ, thì người ta nặn ra. Khắc được!
- Có nghĩa lý gì không chứ!
- Nghĩa lý à, thì đấy: lão ta sống gần cảng này, ở đó tàu bè của các anh đi Na-gô-ni-a; bây giờ ở đấy đang dấy lên chiến dịch chống việc viện trợ ấy, thế còn Bê-liu thì đơn giản quá: soi ống nhòm và để tín hiệu.
Xla-vin bụm miệng cười to.
- Thì sao? – Pôn tiếp tục – Quan trọng là quẳng được đi một con mèo già không nuôi được nữa, ai muốn vơ thì cứ vơ lấy. Và kẻ bị hắt phân vào người sẽ là kẻ có lỗi, dù cho rằng cuối cùng có rửa sạch đi được chăng nữa.
Trong quán “Mắc Đô-nan” cạnh cảng, cách cái nhà trọ hạng ba mà Bê-liu đã sống khoảng hai khối nhà, không khí rất ngột. Xla-vin sửng sốt thấy ruồi nhặng nhiều vô kể, bụng vằn xanh béo mập, chúng bay chậm chạp như những chiếc “Gioong-ke” quá tải, và phát ra những tiếng vo ve phát ớn.
- Ta uống cà-phê nhé – Xla-vin đề nghị - còn ăn trưa ta sẽ đi ăn ở đâu đó ngoài trời, được chứ?
- Này, nhưng có phần chắc là anh biết về lão Bê-liu này, hắn là nhân viên của các anh, hẳn thế, I-van ạ!
- Anh bạn già ơi, chúng tôi cần gì phải để một tay gián điệp như vậy ở chỗ này, tôi nói nghiêm túc đấy. Chúng tôi đã công khai nói rằng nếu xảy ra xâm lược vào Na-gô-ni-a thì chúng tôi sẽ giữ Gri-xô. Các con bài đều ngửa, chẳng có gì phải bí mật nữa. Nói chung trên thế giới bây giờ ít điều bí mật lắm, mọi cái đều có thể tính ra, chỉ cần có cái đầu làm việc.
Người da đen đang rót cà-phê vào các cốc giấy nói với Pôn:
- Hôm nay tôi đã được vinh dự thấy ông, thưa ông.
- Còn tao thì chưa thấy mày.
- Thưa ông, chính ông cũng đã trông thấy tôi. Ông đã đi từ căn phòng của tên I-van bị giết ra.
- Ai?! Pôn sửng sốt, - I-van?
- Bê-liu ấy. Tên thật lão chính là I-van, gọi theo kiểu Anh là Ai-ven. Lão là người Nga đấy.
- Tôi cũng là người Nga đây – Xla-vin nói.
- Ồ, xin lỗi ông, thưa ông, tôi không thể nào đoán ra ông là người Nga, tôi nghĩ ông là người Anh.
Xla-vin lấy ra bao thuốc “Ya-va” (2), rút điếu thuốc ra nhưng không hút, anh nói chung không hút, chỉ đôi khi ngậm điếu thuốc vào miệng, nhấm nhấm.
- Thế tại sao lão ta lại sống ở đây, hả anh bồi? Sao lại có người Nga ở Luy-xbua? Lão có nói gì với các anh về chuyện ấy không? – Xla-vin hỏi.
- Không ạ. Lão chỉ hát khi nào đã uống rượu say mèm thôi.
- Lão thường xuyên say mèm thế à?
- Lão chỉ bắt đầu uống rượu nhiều từ khi thấy những chuyến tàu Nga ghé bến này, thuỷ thủ các ông thường hay uống bia ở chỗ tôi. Bê-liu luôn ngồi trong cái góc kia kìa, chỗ tối tối ấy, để nhìn họ. Khi họ đi rồi thì mới uống, uống chán lại hát những bài hát quê hương. Nhưng không ai đánh đập gì lão, người ta vẫn để cho lão ngồi như thế và hát, chỉ đuổi lão đi khi nào lão bắt đầu nói lảm nhảm…
- Người ta còn để cho lão hát, thế là rất nhân đạo rồi – Pôn Đích nói – còn cho phép lão được hát sau này ở trên trời, đến ngày phán xử, các người cũng còn được tính công nữa đấy! Nào đưa tiếp cho ta một cốc uýt-xky có đá nữa.
- Chúng tôi chỉ còn uýt-xky Tây Ban Nha thôi. Thưa ông, uýt-xky nhãn hiệu “Đích” người bên các ông không uống thứ đó.
- Chúng nó là một lũ đần độn, để ý đến bọn ấy làm gì. Nếu anh không nói với họ rằng đây là rượu “Đích”, cứ rót mạnh tay vào và đặt ngay dưới mũi họ ấy, gõ nhẹ vào đáy cốc cho bọt uýt-xky nó sóng sánh một chút, thế là ổn mà…
- Cám ơn ông đã chỉ bảo, tôi sẽ thử làm. Ông có thích chơi bi-a không ạ? Chúng tôi có cái bàn bi-a đáng mặt lắm, các viên bi-a cũng nặng.
- Anh này – Xla-vin hỏi - thế có lần nào Bê-liu hát khi có mặt các thuỷ thủ Nga không?
- Vâng, thưa ông, cũng có một lần, và lão vừa hát vừa khóc ròng, thế là các thuỷ thủ đem tặng lão phong bì có in hoa và bưu ảnh…
- Hồi nào vậy?
- Tôi nhớ là vào tháng Chạp, thưa ông, nhưng không biết có thật đúng không. Sau đó, tôi thấy là lão có vẻ sợ sệt thế nào ấy, như lúc nào cũng có ý chờ đợi cái gì đó, - Xla-vin bèn đặt các tấm bưu ảnh trước người phục vụ tiệm ăn.
- Anh lấy làm kỷ niệm, nhưng chớ để người ta lấy súng bắn tỉa mà giết oan đấy nhé?
- Cám ơn ông tặng quà, nhưng thưa ông, bây giờ tôi xin phép từ chối thì tốt hơn: Cảnh sát đang đi lùng hỏi tất cả những ai quen biết Bê-liu, các nhân viên bưu điện bị đưa vào đồn, người ta kiểm tra thư từ, điện tín. Mọi sự đều có thể xảy ra, nên tôi xin đa tạ ông, chúng tôi đã quen sợ đến cả cái bóng của mình nữa.
“Tháng Chạp, các tàu đầu tiên đã đến đây – Xla-vin nghĩ – Và ông lão I-van của chúng ta lần đầu tiên lại được thấy những người Nga thực sự và viết lá thư cho ta. Loay hoay mãi, nhưng không dám gửi. Mọi sự đều đơn giản nhưng rõ ràng. Rồi thì có lẽ cảnh sát đã báo cho chúng việc Bê-liu đã đến gần sứ quán của ta. Glép đã tính toán cũng gần như mình đã tính, và đã khử Bê-liu. Bây giờ thì chỉ còn có một mình hắn, Giôn Glép, là có thể nhận diện đúng bức ảnh nào là kẻ mà chúng đã mộ được!”
…Khi Xla-vin dừng chiếc “Fi-át” cạnh tiệm ăn nhỏ kiểu Pô-li-nê-di – bàn ăn được đặt bên bờ biển, dưới những dãy ô dệt to rộng, tạo thành bóng râm – thì Pôn Đích vật người ra trước tiên, người đẫm mồ hôi.
-Gượm đã – Xla-vin nói – anh hãy quay lại mà ngắm chiếc “Méc-xê-đét” đang săn tôi kia kìa. Anh nhớ lấy số xe nhé, độc nhất vô nhị đấy; cái số ấy không có trong bảnh danh mục của cơ quan thanh tra ô-tô sở tại đâu.
- Chấm hết chuyện chán ngắt ấy đi thôi, Vít (3) ạ! – Pôn Đích rút cục đã gọi Xla-vin bằng tên thân mật - Chẳng nên quá nghi ngờ như thế.
- Thì đấy, chiếc “Pho” sẽ theo ta vào thành phố, và anh đừng cãi với tôi nữa, lần này tiền đánh cuộc sẽ gấp đôi số tiền tôi được cuộc ban sáng đấy.
- Thế ra là Giôn đích thị từ chỗ đó đến thực à? Pôn thở dài chán ngán. - Tôi có bảo anh thế đâu?
- Anh đừng có coi tôi là thằng già ngu ngốc, hiểu chưa?
(1) Tức Dô-tốp (ND). (2) “Ya-va”: loại thuốc lá thơm phổ biến và có tiếng ở Liên Xô. (3) Tên Xla-vin gọi theo kiểu Anh, Mỹ cho có vẻ thân mật (cả tên là Vi-ta-li) ND