Em có cái tên rất dễ thương – Vang Khương Ly. Và gương mặt em nhẹ nhàng, hấp dẫn. Dù mới gặp một lần, ít ai có thể quên được em. Đôi mắt em lúc nào cũng như xa xăm, tư lự. Đôi mắt ấy luôn lấp lánh cái ánh thông minh và sức quyến rũ khác thường. Mỗi khi em đưa bàn tay thon thả vén mớ tóc xòa trước mắt, vầng trán em hiện lên thanh cao và trong sáng. Tôi yêu em có nhẽ từ vầng trán cao và thông minh ấy chăng. Tôi cũng không rõ. Nhưng mỗi lần xa em, tôi lại nhớ em qua cái vầng trán cao thanh nhã ấy. Cái vầng trán ấy, cái đôi mắt ấy gợi tôi tính cách một người con gái: thủy chung và son sắt. Khi em đã yêu ai, người ấy là thần tượng của em suốt đời. Hồi ấy vào mùa thu. Hà Nội se lạnh – ngọn gió heo may đang tràn vào thành phố. Chiều muộn. Mùi hoa sữa bay lên xôn xao phố phường. Đèn nhà ga đã bật sáng. Những đóm sáng leo lắt trong khung thời gian tranh tối, tranh sáng: Đêm đang đến, nhưng ngày chưa qua. Vào cái buổi hoàng hôn xa mờ ấy, tôi gặp được em với dáng một cô gái hốt hoảng, mặt xám bệch, miệng ú a ú ớ… giữa sân ga Hà Nội. Mọi người nhìn theo em thương hại, trách móc, giễu cợt. Tôi vẫn ngồi trên bậc tam cấp ở cửa ga, ôm chặt cái thúng bánh mì ế ẩm. Loáng thoáng qua tai tôi tiếng một ai đấy: đồ điên! Tôi không nghĩ thế. Chắc em gặp một tai họa gì ghê gớm. Thỉnh thoảng có người đến mua bánh mì, tôi cũng không buồn trả lời. Tôi để họ tự chọn, tự bóp nắn từng chiếc bánh mì khô khốc và tự bỏ tiền vào thúng. Đôi mắt tôi vẫn không rời được cô gái…Con tàu điện lăn bánh, leng keng chạy tới. Tiếng chuông càng lúc càng hối hả. Cái tiếng ấy đập tới tấp vào tai tôi, khiến tim tôi đập thốn lên. Có nhiều tiếng kêu xé lên. Nhưng cô gái vẫn không nghe thấy gì. Tâm trí cô miên man những gì không ai biết được. Tôi không giữ được mình nữa. Bỏ thúng bánh mì ở bậc tam cấp, tôi vùng chạy ra phía cô gái. Lúc ấy con tàu chỉ cách cô khoảng hai mét. Tôi nắm chặt hai cánh tay cô, lôi cô ra khỏi cái lằn ranh của sự chết. Cô gái bị bất ngờ, suýt ngã, cố giằng khỏi tay tôi. Nhưng dù sao con tàu điện vẫn an toàn và cô gái vẫn theo tôi. Cô nhìn tôi, đôi mắt khó chịu - Cô không thấy tàu điện à? Vừa dìu cô gái vào bậc tam cấp, nơi cái thúng bánh mì tôi vẫn còn nguyên, tôi vừa hỏi. Cô gái nhìn tôi, cái nhìn nghi ngờ. - Ngồi đây tí đã… Bận sau thấy tàu điện là phải tránh nhé. Cô vẫn không tỏ ra một thái độ nào chứng tỏ cô nghe tôi. - Mình đi trên đường tàu, tàu cán là thiệt, không ai chịu trách nhiệm đâu. Vẫn không một lời đáp. - Nhà cô ở đâu? Vẫn đôi mắt ngơ ngác và hãi hùng ấy, cô khoan cái nhìn vào tôi. Và tôi hiểu, bây giờ có hỏi thêm gì cũng bằng thừa. Im lặng, tôi giữ cô ngồi cạnh với hy vọng thời gian sẽ làm cô trấn tĩnh lại. Bởi tôi hiểu, qua đôi mắt rất tinh khôn của cô, cô không phải người bị bệnh tâm thần. Mắt những người điên: ngay những lúc tỉnh nhất, bao giờ cũng có dấu hiệu dài dại, thiếu hẳn cái trong suốt của thủy tinh thể bình thường. Cô ngược lại… Đúng như tôi nghĩ, độ một giờ sau, khi thành phố đã lên đèn, cô gái gỡ tay tôi ra, đứng bật dậy, đòi đi. - Cô đi đâu bây giờ? Tôi hỏi, giọng nhẹ nhàng cốt để cô khỏi sợ. - Em về nhà. Đấy là tiếng đầu tiên tôi nghe được ở cô gái sau gần hai tiếng đồng hồ. Giọng cô gái ấm áp, phát âm hơi rời nhau. - Nhà em gần đây không? - Xa lắm… Trên Lạng Sơn cơ. - Bây giờ làm gì có tàu. - Em đi bộ. Có tiền đâu mà về tàu. Cô gái òa khóc. Tôi đã hiểu. Em là con gái đầu lòng của một gia đình miền núi. Sau em là một cậu con trai và một cô gái. Mẹ đẻ năm một, ba chị em sàn sàn một lứa. Năm 1965, bố trở lại bộ đội và không lâu sau đấy ông vào chiến trường miền Nam. Mãi năm năm sau ông mới trở ra, sống với mẹ con em một tháng, ông lại trở vào. Ly được bố cưng nhất, cho đi Hà Nội tiễn. Hai bố con sống ở Hà Nội được một ngày. Trước khi lên chiếc xe commăngca màu rêu vải bạt, trở lại chiến trường, ông còn kịp dẫn con đi dọc đường Nam Bộ, mua sắm mũ nón, dép mũ cho từng đứa. Tất cả dồn vào một cái túi du lịch có khóa kéo rất bảo đảm. Tiền nong và cả chiếc vé tàu ông mua cho Ly cũng được cất kỹ càng vào đấy. Ông lên đường chưa được bao lâu thì... Chiếc túi du lịch em hoàn toàn tin tưởng ở chiếc khóa kéo kia đã không cánh mà bay tự lúc nào... Lần đầu tiên em bơ vơ. Giữa Hà Nội đông đúc mà em cảm thấy như mình đang lạc vào giữa cánh rừng hoang vu bí hiểm đầy những loài thú dữ. Cơn xốc quá mạnh đối với một cô gái ngây thơ và trinh trắng quanh năm suốt tháng chưa bước chân ra khỏi cái làng mộc mạc và thanh bình quê mình. Tôi đã đến với em chân tình như một người thân thuộc. Em ngỡ ngàng và khước từ tình cảm chân thật của tôi. - Anh không lừa dối em đâu. Tôi nói. Em cứ yên tâm ngồi đây, lát nữa người ta bán vé, anh sẽ mua vé cho em về. Cô gái im lặng. Qua ánh đèn tù mù thời chiến, thỉnh thoảng em liếc nhìn tôi. Tôi bắt gặp những cái nhìn thăm dò vụng về ấy. Không tự ái, tôi hiểu và thông cảm bởi nhẽ, cô mới như con chim non vừa bị trúng tên. May mà không chết. Nhưng cũng chính vì thế mà gặp bất kỳ điều gì khang khác đều làm em lo sợ, nghi ngờ... - Em ngồi đây, trông cho anh thúng bánh mì. Anh sẽ đi mua túi du lịch, quần áo cho các em, dép khăn cho mẹ. Bây giờ thì tôi gặp cái nhìn tròn xoe của em. Không chờ câu trả lời của em, tôi ra đi. Gần một giờ sau, tôi trở lại với đầy đủ những thứ mà em đã mất. Em vẫn ngồi im lìm như cây liễu rủ bên hồ im gió. Sau này, trong những ngày sống ở Trường Sơn, mỗi lần nhớ lại gương mặt em lúc ấy, gương mặt lặng lẽ với đôi mắt đen sâu thẳm nhìn vào mắt tôi với câu hỏi: Thật – Giả, tôi mới kịp nhận ra, gương mặt ấy, đôi mắt ấy là của hội họa, của điêu khắc, ấn tượng đến dễ sợ... Để em có thể tin tôi phần nào, tôi kéo phécmơtuya, cẩn thận lấy đưa ra trước em từng chiếc áo, từng chiếc quần còn nguyên mùi hồ. Đây là phần của mẹ, đây là phần của Ly, đây là phần của các em... Trước khi kéo khóa, tôi còn gói biếu em bốn ổ bánh mì. - Trong này anh có để ít tiền – ngay trong túi áo của em – phòng có gì bất trắc, em dễ xoay xở, tôi dặn dò rồi trao lại cái túi cho em. - Em không hiểu gì cả? Sao lại thế này? Em thành thật. - Anh giúp em trong cơn hoạn nạn. Anh không đòi hỏi gì ở em đâu. - Em không tin. Em van lạy anh. Đừng đùa với em nữa. Em như người mất hồn rồi. - Em không tin anh là phải. Bởi em vừa bị một lũ đểu nào đấy cuỗm sạch. Anh chỉ muốn nói với em, anh không phải là lũ đểu đấy. - Em chưa bao giờ gặp và thậm chí chưa bao giờ nghĩ trên đời này, nhất là giữa cái ga Hàng Cỏ đầy rẫy những bọn lưu manh lại có một người tốt như anh. - Ở đời còn nhiều người tốt, chẳng phải riêng anh. Mong em đừng nghi ngờ gì… Anh đã từng qua cửa ải đau khổ và mất niềm tin. Có nhẽ vì thế, nên hơn những người khác, anh thông cảm hoàn cảnh của em. Tạm thời mong em chấp nhận như thế và vui vẻ trở về. Còn đánh giá, còn bình luận anh thế nào, hẵng thư thả cũng chẳng muộn… Tốt nhất là em hẵng quên anh đi… Bây giờ em ngồi đây, giữ cái túi này thật kỹ, tròng tay vào quai thế này này, anh vào xem bán vé chưa. Anh sẽ mua vé để em về tận quê. Từ ga về nhà chắc còn xa? - Hơn mười cây số… Khi cầm chiếc vé nơi tay, sắp sửa bước vào cửa kiểm soát, cô gái mới thật tin là mình không bị lừa, mình đang sống giữa cuộc sống thật, chứ không phải trong cơn mơ. Vào lúc ấy em mới nhào ra, nắm tay tôi nghẹn ngào. - Anh cho em xin địa chỉ. Tôi im lặng… - Đừng từ chối em. Thế nào em cũng tìm cách gặp anh để trả cái ơn lớn lao này. - Đừng nghĩ thế. Chẳng có gì mà phải trả ơn cả. Em đi đi. Chúc em gặp nhiều may mắn… - Không, anh đừng làm thế, em buồn. Tiếc gì một cái địa chỉ mà anh giấu em. - Anh không có địa chỉ. Thật đấy em à. Tên anh là Vũ Linh. Anh ở ngay ga này. Đêm anh về ngủ gầm cầu. Ngủ đây công an, bảo vệ nhà ga đuổi…Thôi, em đi đi kẻo nhỡ tàu. Nhớ giữ chặt chiếc túi. Nhớ hỏi kỹ ga rồi hãy xuống em nhé. Em ơi… - Thôi em đi anh nhé! Em sẽ trở lại tìm anh… Vào tận ke ga, em vẫn còn quay lại giơ tay vẫy chào tôi. Tôi đứng ngẩn ngơ, hồi hộp chờ con tàu lăn bánh. Vào lúc ấy tôi bỗng cảm thấy một nỗi trống vắng trong tâm hồn. Tôi đi tha thẩn trước sân ga vào giờ ấy đã chìm trong mênh mông của đêm tối, như muốn tìm lại dáng hình em, gương mặt em, vầng trán cao thon thả của em, đôi mắt với cái nhìn như khảm như chạm vào tôi của em. Một nỗi bân khuâng mơ hồ như một nỗi nhớ da diết. Tôi chợt nhận ra một tình yêu đang đến với tôi và tình yêu ấy cũng vừa đi qua. Mùa thu Hà Nội đang đi qua. Hà Nội lặng lẽ trong cơn rét đầu mùa đông. Gió kéo theo những đợt mưa kim. Mưa rây mùi hương hoa sữa nhẹ nhàng xuống lòng Hà Nội. Đối với tôi, Hà Nội xao xuyến nhất là mùa này. Tôi đi, lặng lẽ, thúng bánh mì còn nặng bên hông và đầu cúi xuống. Có cái gì đấy làm tôi bồn chồn. Tôi chợt hiểu, tình yêu là thế. Đêm ấy Sen không về. Tôi nằm một mình dưới chân cầu, thao thức. Thỉnh thoảng một con tàu đi qua. Gầm cầu rung lên như chịu đựng một trận bom. Ngay cả những lúc ấy tôi vẫn nghĩ về em với nỗi nhớ nhưng da diết. Tôi chịu đựng những cơn nhớ đến bần thần trong nhiều ngày sau đấy. Nhiều lúc tôi cảm thấy mình chơi vơi giữa không gian. Tôi ao ước giá gì em trở lại Tôi nhớ em, cái tiếng nói ấm áp, từng âm một rời nhau, mấy âm sau cùng lướt nhẹ như phím đàn… Tôi tưởng tượng lúc em ngồi bên tôi. Dáng em xinh xắn, mớ tóc dài bay trong gió. Tôi nghe từ đấy mùi hương bưởi thoang thoảng. Đã lâu lắm rồi tôi mới được gặp lại cái mùi hương man mác của đồng quê thanh bình bên mái tóc mẹ tôi. Em hỏi tôi quê ở đâu? Tôi trả lời quê tôi ở cạnh con sông Hồng. Em nói em cũng nghe về con sông nước đỏ như râu bắp non này. Tôi hỏi em quê ở đâu. Em nói quê em ở tận con sông Kỳ Cùng, nước trong như thủy tinh, nước chảy ngược về phía con sông Tây Giang của Trung Quốc. Em nói say sưa. Và tôi cảm thấy chưa một lần được nghe tình yêu quê hương ngọt ngào đến như thế. Có thể tôi không còn quê hương nữa. Với tôi, quê hương là những chua chát đắng cay… Một lần tôi hỏi cô tôi: “Có phải quê mình đây không cô?” Cô tôi phân vân một lúc rồi đáp: “Phải, quê cha đất tổ là đây… Nhưng thôi, cháu đừng về nữa!” “Năm ấy mùa đông – Và cô tôi nói – người ta đưa ông cháu ra cái sân đá bóng cạnh dòng sôn. Người ta qui cho ông cháu là địa chủ. Ông bà buôn bán tần tảo gần suốt cuộc đời tậu được mấy mẫu ruộng để dành cho con, cho cháu. Không ngờ mấy mẫu ruộng ấy lại hại ông cháu. Người ta đưa ông cháu ra trước cây cọc gỗ. Rừng cánh tay vung lên hô đả đảo. Còn ông cháu thì hô: - Hồ Chủ tịch muôn năm! - Đảng Lao động Việt Nam muôn năm! Cả rừng người lặng đi. Không ai ngờ lời vĩnh biệt của một tên “địa chủ phản động” lại như thế. Hôm ấy không hiểu vì sao người ta lại không giết ông cháu. Và sau đấy, người ta sửa sai, ông cháu xuống thành phần. Nhưng bố cháu thì… mãi mãi là tên đào tẩu… Thôi cháu đi đi, đừng bao giờ trở về đây nữa, cháu cứ xem như mình không có bố, không có quê hương. Cháu cứ xem mình như là con trai ông Thuật thật sự. Sau này lớn lên rồi sẽ hay. Cô tin mọi việc rồi sẽ được sáng tỏ. Chẳng có gì dấu được mãi đâu cháu à…” Từ đây, tôi coi như mình không có quê hương. Tôi bắt đầu hiểu sự hẫng hụt của một người thiếu quê hương. Và chính vì thế, tôi càng hiểu được cái sự rung động của em, khi em nhắc đến con sông Kỳ Cùng chảy qua cái kè đá làng em. Con sông nước chảy cuồn cuộn. Và dù là mùa nào, nước sông vẫn trong xanh như mặt gương. Ở đây em nói em vẫn thường trốn mẹ ra tập bơi với lũ con trai. Chặt chuối em làm bè, cột hai ống quần em làm phao… Em nói bây giờ em bơi giỏi lắm. Một lần tôi kể cho Sen nghe tình cảm của tôi đối với Ly – cô gái tôi vừa gặp chưa đầy một đêm. Sen thông cảm và hiểu một người con trai thiếu tình cảm như tôi. Rồi cũng chính cô Sen ấy lại cười và chế giễu tôi. “Tớ không ngờ đằng ấy là một con người đa sầu, đa cảm và đa tình đến thế.” Sen nói đúng. Bao nhiêu đêm tôi ngủ cạnh cô gái làm tiền cao thượng này, tôi cũng không nhớ nữa, nhưng chưa một lần, tôi bắt gặp ở mình, một rung động, dù là rất nhỏ. Dường như chưa bao giờ tôi cảm giác cô ấy là một người con gái. Tôi tôn trọng tình bạn cao đẹp và trong sáng của Sen. Sen đến với tôi bằng một tình cảm, hay một cái cớ gì tôi cũng không rõ, nhưng chưa bao giờ tôi dám nghĩ Sen lợi dụng gì ở tôi, ngay cả trong tình cảm. Sen đến, tôi mừng vì thấy mình đỡ cô đơn. Nhưng nghe những câu chuyện của cô ấy sao tôi thấy đời dơ bẩn quá thể. Và khi Sen ra đi, thật lòng tôi cũng không nhớ, không mong gì bao nhiêu. Tôi tự hiểu rằng, tôi bị dị ứng với những tình cảm dữ dội. Trong những trường hợp như thế lý trí tôi khá mạnh. Tôi có thể kìm chế được chính tôi. Và những trường hợp ngược lại, tôi là một cậu con trai mềm yếu. Ngay cả tôi, tôi cũng nhiều lần tự cười mình “lãng mạn”. Sen nói đúng: “Đằng ấy phải nhớ cái thân bụi đời của đằng ấy, đừng đi xa quá mà sụp xuống vực… Đam mê cái gì khổ cái đấy thôi anh bạn à.” Và Sen khuyên tôi: “Nên sống trần trụi như đây này. Thằng nào cần, tớ đến. Tớ đến rồi tớ đi. Chẳng nhớ đếch thằng nào. Thế mà vẫn có thằng nhớ tớ đấy nhé. Chắc là nó yêu tớ. Tớ nghĩ thế. Thỉnh thoảng nó lại đến tìm tớ, mời tớ đi chơi công viên, đi uống cà phê. Mỗi lần nó nhìn, tớ thấy đôi mắt nó dài dại thế nào ấy. Tội nghiệp cho những gã si tình. Đằng ấy đừng bao giờ làm khổ mình như cái gã si tình tớ ấy nhé”. Tôi không giận Sen. Sen là một cô gái có thế nào nói thế ấy. Đối với tôi, Sen bao giờ cũng là biểu tượng của sự chân thật – chân thật đến trần trụi. Dù sao, vào lúc ấy, tôi vẫn thấy những lời khuyên của Sen là chân thành. Mọi sự chân thành đều đáng trân trọng… Khi tình yêu chợt đến, và tôi bối rối quên mất mình là kẻ bụi đời, lang thang, không nhà không cửa, đêm đêm vẫn chui rúc dưới gầm cầu đầy muỗi và mùi xú uế của phân rác nồng nặc. Hãy tránh xa cái thời “lãng mạn” ấy đi, hãy tránh xa cái ao ước hão huyền ấy đi. Tôi tự khuyên nhủ mình. Nhưng tình yêu bao giờ cũng có cánh. Nó cứ bay lơ lửng giữa không trung. Nó luôn chập chờn trước mắt tôi, hút lấy tâm hồn và tình cảm tôi… Những ngày ấy tôi buôn bán không ra gì. Ngày lấy mươi ổ bánh mì mà vẫn bán không hết. Sen phải ăn hộ tôi. Vốn liếng tôi bắt đầu cạn. Tôi lo, cứ theo cái đà trượt này, tôi sẽ sống ra sao. Có một lần Sen rủ tôi đi làm đĩ đực. Tôi sợ quá, ẩy Sen ra khỏi chăn và dọa nếu cô còn nhắc lại chuyện ấy tôi sẽ không bao giờ chơi với cô nữa. Tôi đã đào sâu chôn chặt hai tiếng ấy, không hiểu sao bây giờ tôi lại nhớ đến nó. May mắn làm sao, Ly lại đến. Cùng với Ly là người cậu của em. Vừa thoáng thấy tôi, em đã chạy ùa lại, nắm hai tay tôi, rối rít, mừng rỡ. Sau này, nhiều năm tháng qua đi, tôi bị thương, bị bệnh tật giày vò trong những cơn đau đớn triền miên, tôi vẫn không thể nào quên được cái phút giây cảm động ở sân ga Hàng Cỏ hôm ấy. Đôi mắt em lấp lánh những giọt lệ. Tôi hiểu đấy là những giọt sung sướng, những giọt hạnh phúc của đời em. Còn tôi thì ngỡ ngàng, tưởng mình đang mơ. Tôi muốn nói với em một lời, một tiếng gì đấy, nhưng không sao nói được. Cả hai cùng có cảm giác gặp lại người thân yêu nhất đời mình sau bao năm cách trở… Vẫn giữ chặt tay tôi như sợ tuột mất, Ly quay sang phía người cậu ruột, nói: - Anh Linh đây, cậu ạ. Người đàn ông nhìn tôi, gật đầu, cười. Tôi hiểu nụ cười ấy hàm chứa những điều gì. Nụ cười ấy như công nhận những điều cháu gái mình đã nói ở nhà là chân thật. - Cháu đi về với tôi. Đấy là câu đầu tiên và cũng là câu duy nhất ông nói với tôi. Vốn thật thà và lại quá ít nói, ông dành hết lời cho cháu gái. - Đừng từ chối, anh nhé. Em năn nỉ tôi. Mẹ em mong lắm. Hai đứa em của em đứa nào cũng đòi đi rước anh. Anh không về với cậu cháu em, mẹ em buồn lắm đó… Anh có nhớ em không? Anh có mong em không? Ngày nào em cũng nhảy mũi. Trước đây em không như thế bao giờ. Mẹ nói trên đời sao lại có người tốt như anh. Đêm nào, ngày nào mẹ cũng giục em đi tìm. Em bảo em không dám đi. Mẹ bảo: mày sợ xấu hổ hở. Sao lại sợ xấu hổ với người tốt thế. Em bảo em không sợ xấu hổ. Em sợ cái ga Hà Nội ấy. Cái ga rộng đến mênh mông mà cũng “tài” như Thánh. Em vừa đặt cái túi du lịch xuống, ngoảnh đi, ngoảnh lại đã biến mất. Cậu em cười bảo: đấy là Tề thiên Đại thánh. Mẹ nghiêm giọng gắt: Mày lơ đễnh để chúng nó ăn cắp thì có. Em nói, thế thì em sợ bọn ăn cắp ấy lắm. Mà thật đấy anh à. Về đến nhà em vẫn còn run, anh không tin hả. Em không nói dối đâu. Cuối cùng mẹ bảo: Thôi, để tao bảo cậu đi với mày. Cậu em lành lắm, không biết nói gì đâu. Nhưng có cậu, em đỡ sợ, đỡ run. Trước đây, tôi mong nhớ em như mong nhớ một hoài niệm tốt đẹp. Chưa bao giờ tôi nghĩ em sẽ về lại đây đón rước tôi. Chưa bao giờ tôi gặp một niềm vinh hạnh lớn lao như thế. Điều ấy khiến tôi xúc động đến không hiểu phải cư xử thế nào cho phải đạo. Bần thần, tôi nhìn em, như muốn hỏi em câu hỏi tôi đã từng nghe người ta hỏi tôi: Thật – Giả thế em. Tôi chưa tin chính điều em nói. Tôi nghiệm lại câu dặn dò của bà cô tôi: Người ở hiền rồi sẽ gặp lành, cháu ạ. Tôi chưa ở ác với ai và phải chăng, bây giờ điều tốt lành đang đến với tôi? Tôi nhìn em, vừa phân vân e ngại, vừa mừng vui đến nghẹn ngào. Ai có ngờ rằng, mới hôm qua đây, em như một con gà giữa cơn mưa, run sợ khi không tìm thấy mẹ, hôm nay em bỗng trở thành cô gái mạnh dạn, nói năng như một người lớn từng trải và, hồn nhiên như một đứa trẻ con. Nắm tay tôi và cậu, em lôi hai chúng tôi đi giữa phố phường Hà Nội. Tôi cảm thấy xấu hổ, nhưng em lại như muốn reo, muốn hát. - Em đói lắm rồi. Kiếm gì ăn đi… Tôi theo em ngoan ngoãn như một đứa trẻ con hiền lành vụng dại. Tay vẫn giữ thúng bánh mì bên hông, tôi đưa hai cậu cháu em vào cửa hàng mâu dịch gần đấy… Và cũng từ đấy tôi bước theo em, phó thác cho số phận. Trước khi giã từ cái sân ga Hàng Cỏ, giã từ cái gầm cầu hôi hám và đêm đêm ầm ập những đoàn tàu, tôi cố tìm Sen. Đã ba đêm nay không thấy cô về. Tôi băn khoăn không hiểu vì sao. Tôi lo sợ cô ấy bị bắt lại. Cùng với niềm vui tôi có được hôm nay, một nỗi buồn mới lại day dứt trong tôi. Dù sao, chúng tôi cũng đã sống với nhau những ngày đêm cay đắng nhất của cuộc đời. Cùng với Hòa, người bạn tù năm nào. Sen đã cho tôi nhìn rõ tấm gương phía sau của cuộc đời. Tấm gương ấy phơi bày ra trước tôi tất cả những gì bỉ ổi nhất của những con người mà thường nhật ta chỉ thây được qua gương mặt phía trước đạo đức và nhân nghĩa. Sau này, càng lớn lên, càng đi nhiều, càng lăn lộn với đời, tôi càng nghĩ rằng, đời không chỉ có suôn sẻ, đẹp đẽ, tốt lành như những gì nhà trường và xã hội giáo dục chúng tôi thưở nào, cuộc đời trần trụi còn đầy rẫy những rác rưởi hôi tanh, nhơ nhớp, còn đầy rẫy những kẻ xảo ngôn, đốn mạt. Ngay cả con sông còn có bên trong bên đục, huống chi cuộc đời vốn dĩ phức tạp và luôn luôn bị biến dạng…” Đấy là những trang nhật ký của Vũ Linh, người chiến sĩ Trường Sơn. Trong một trận bom giặc anh đã xả thân cứu đồng đội và bị thương. Cuốn nhật ký ấy đã bị lạc mất. Đã chuyền tay qua hàng trăm chiến sĩ, những người bạn chiến đấu của anh, và sau gần mười năm, nó được trở về với Ly, người vợ hiền lúc cô đang ôm con đứng bên bờ sông Kỳ Cùng quê hương mang đầy những kỷ niệm ấu thơ, cô đứng đấy ngày này qua ngày khác chờ mong chồng mình trở lại…