Chương 11

    
oldmund sống trong thành phố giữa những hình ảnh mới mẻ, và một cuộc sống mới bắt đầu với cậu. Như thể xứ sở và thành phố này đã vui vẻ tiếp nhận cậu trong các niềm quyến rũ và các của cải giàu có của chúng, cũng như cuộc sống mới đã đón cậu với bao niềm vui và các hứa hẹn. Nếu như nỗi buồn và sự từng trải sâu kín trong tâm hồn cậu vẫn nguyên vẹn, cuộc sống không vì thế mà kém phát huy trên mặt ngoài mọi sắc màu tươi sáng của nó. Từ đây bắt đầu một thời kỳ vui vẻ hơn, dễ chịu hơn trong đời sống của cậu.Ở bên ngoài, toà giám mục cho cậu được dịp thưởng thức mọi nghệ thuật của nó, với các cô các bà, với hằng nghìn các trò chơi và hằng nghìn những hình ảnh thú vị; bên trong thì ý nghĩa của nó về nghệ thuật bừng dậy trao cho cậu trọn vẹn bao ấn tượng và kinh nghiệm mới mẻ. Với sự giúp đỡ của thầy giáo - nhà điêu khắc, cậu tìm được nơi trú ngụ ở một người thợ thếp vàng gần chợ ca; và cậu học được ở nhà điêu khắc cũng như ở người thợ thếp vàng các nghệ thuật sử dụng gỗ, thạch cao, các màu sắc, chất đánh bóng và các tờ dát vàng.
Goldmund không như các nhà nghệ sĩ  khốn khổ ấy vốn được phú cho các khả năng cao cấp nhưng không tìm được các phương tiện thích hợp để bộc lộ tài nghệ của mình. Không thiếu những con người có năng khiếu cảm nhận sâu sắc và với cả sức mạnh của họ cái đẹp của thế gian và giữ lại trong tâm hồn họ những hình ảnh cao quí nhưng không phát hiện ra được các hình ảnh thoát ra bằng đường nào bộc lộ ra ngoài và truyền cảm cho những người khác các niềm vui của họ. Goldmund không mắc phải tật ấy. Cậu không hề cảm thấy khó khăn nào, cậu thích thú sử dụng đôi bàn tay mình, làm quen với các kỹ thuật và các nề nếp tinh tế của nghề nghiệp, cũng như sau khi làm việc cậu dễ dàng học các bạn để chơi đàn huých và khiêu vũ ngày chúa nhật tại các vũ trường. Cậu không hề vất vả trong việc học, như thể tự nó đến, rất tự nhiên. Chắc hẳn cậu cũng phải trải qua vất vả trong khi chạm khắc gỗ, vấp phải các khó khăn và thất vọng, phá không ít những khúc gỗ tròn đẹp và hơn một lần cứa sâu vào các ngón tay. Nhưng cậu khắc phục các khó khăn ban đầu không chậm và sớm tạo được tài khéo léo. Tuy nhiên đã xảy ra những lần thầy giáo không bằng lòng, thí dụ thầy đã bảo với cậu:
- Cậu có cái may mắn không làm thợ học nghề hoặc làm thợ bạn của ta. Goldmund ạ, may mắn là chúng ta biết rõ cậu đến đây từ các đường trường và rừng núi, và có ngày cậu sẽ trở lại với cuộc sống ấy. Không ai biết cậu có phải là một thị dân hay một công nhân, nhưng một kẻ không nhà và một con người đi lang thang lẽ ra dễ dàng thử tự đòi hỏi mình một điều gì đó hoặc một việc mà thầy giáo bắt buộc đối với các học trò của mình. Cậu là một người thợ rất giỏi khi được hứng thú thúc đẩy. Nhưng tuần vừa rồi, cậu đi rong chơi hai hôm. Hôm qua, ở xưởng ngoài sân, đáng lẽ đánh bóng hai tượng thánh thì cậu ngủ một nữa thì giờ.
Thầy quở mắng không chút oan uổng nên Goldmund lặng lẽ nhận, không thanh minh. Bản thân cậu tự biết mình không phải là một người lao động mà người ta có thể phó thác. Khi cậu say sưa với một công việc, cho dù nó đặt ra các khó khăn,  hoặc người ta tạo điều kiện để cậu ý thức về tài nghệ của mình và vui với công việc cậu làm việc rất cần mẫn. Cậu không thích các công việc nặng nhọc làm thủ công, và những công việc tuy không vất vả nhưng đòi hỏi nhiều thì giờ và phải chăm chỉ; trong nghề có nhiều việc như vậy, đối với cậu thường rất khó chịu. Đôi khi cậu cũng lấy làm lạ về điều ấy. Bao nhiêu năm sống lang thang ấy cũng đủ tạo cho cậu có tính lười biếng nên người ta không tin cậu chăng? Cậu nhớ rất rõ mấy năm đầu học ở tu viện, cậu vốn là một học sinh chuyên cần và hăng hái. Tại sao bấy giờ, cậu tìm được ở mình tính kiên nhẫn mà nay thì thiếu hẳn, tại sao cậu đã thành công khi dành thì giờ học văn phạm tiếng Latinh không biết mệt mỏi và học tiếng Hy Lạp cổ mà trong thâm tâm cậu hoàn toàn không hề tha thiết? Đôi khi cậu tự hỏi mình về điều đó. Bấy giờ chính tình yêu đã tôi rèn, đã chắp cánh cho cậu, cậu chăm học, không gì khác hơn là một cố gắng để chinh phục Narcisse, tình cảm yêu quý của thầy không thể nào có được nếu thiếu lòng quý mến và tôn trọng. Bây giờ cậu có thể chịu khó nhọc trong nhiều giờ, nhiều ngày chỉ vì để nhận được cái nhìn hài lòng của người thầy yêu quí. Một khi đã đạt được mục đích: cậu bao khát khao, một khi Narcisse đã trở thành bạn của cậu, thì đó, điều lạ lùng là chính nhà thông thái Narcisse đó chỉ cho cậu thấy cậu không phải là người được phú các khả năng để trở thành một bác học và đã làm đọng lại ở cậu gương mặt của mẹ cậu vốn bị thất lạc. Thay vào vị trí của khoa học của cuộc sống ở tu viện, của đạo hạnh, những nguồn lực sơ đẳng của tư nhiên đã chiếm lĩnh cậu: Tính nhục cảm tình yêu của phụ nữ, nhu cầu được độc lập, cuộc sống lang thang. Và rồi cậu đã thấy được pho tượng Đức Mẹ Đồng Trinh ấy của thầy, phát hiện ra người nghệ sĩ trong bản thân mình và quyết lao vào con đường mới, lại trở thành con người sống tĩnh tại. Bây giờ cậu đang ở đâu? Bây giờ con đường của cậu đi về đâu? Các trở lực từ đâu đến?
Ban đầu, cậu không sao nhận ra được. Đối với cậu, chỉ có một điều là rõ ràng: Cậu rất tôn quí thầy Niklaus nhưng không hề yêu mến ông theo cùng một cung cách như trước đây cậu đã yêu mến Narcisse, thậm chí đôi khi cậu cảm thấy thích thú vì làm cho ông thất vọng và nổi giận. Dường như điều đó không phải không có quan hệ với sự thiếu hài hoà mà cậu thấy bộc lộ trong cá tính của thầy: Một người cha trong gia đình và một người đứng đầu phường hội hơi nghiêm khắc và thủ đoạn, một người đàn ông goá vợ sống với cô con gái và với một bà đày tớ tính tình dễ sợ, một cuộc đời tẻ nhạt và khá tầm thường trong ngôi nhà buồn tẻ, một người đàn ông không ngớt tự vệ chống lại cái đam mê mạnh mẽ của Goldmund, và thích ứng với một cuộc sống yên tĩnh, xoàng xĩnh, ngăn nắp và đứng đắn.
Mặc dù Goldmund kính trọng thầy, mặc dù không bao giờ cậu cho phép mình được hỏi ai về thầy hoặc đưa ra với thầy một lời nhận xét trước những người khác, trải qua một năm cậu đã hiểu được đến từng chi tiết nhỏ tất cả những gì có thể biết về thầy. Cậu không thể bàng quan với thầy, yêu thầy cũng ngang với ghét thầy, không được bình yên với thầy, yêu quí và ngờ vực thầy đều với sự sáng suốt với một tính tò mò luôn thức tỉnh, đi sâu vào cac điều bí ẩn trong bản chất và đời sống của thầy. Cậu nhận biết Niklaus không khó chịu trong nhà, phòng chơi không thiếu, thợ học việc và thợ bạn đều không có. Cậu nhận biết rất hiếm khi ông ra khỏi nhà và cũng không mấy khi tiếp khách. Cậu quan sát thấy với cô con gái xinh đẹp của mình, ông có một tình âu yếm dễ xúc động và ghen tị, luôn giấu cô gái với mọi người. Cậu cũng biết rằng đằng sau sự tiết dục nghiêm ngặt và sớm sủa của con người goá vợ, vẫn xao động các nhu cầu còn mạnh mẽ; và khi có một vụ đặt hàng từ xa đến, đôi lúc tạo dịp cho ông có những chuyến đi xa, vẫn có khả năng để ông biến đổi, trở nên trẻ trung một cách kỳ lạ trong mấy ngày vắng nhà ấy. Có một lần cậu cũng trông thấy Niklaus đi lắp đặt một giảng đài chạm trổ tại một thành phố nhỏ xa lạ, chiều tối lại, ông đã lén đi thăm một cô điếm rồi sau đó suốt mấy ngày luôn tỏ ra lo lắng và khó tính.
Ngoài tính hiếu kỳ ấy, với thời gian còn có chuyện khác giữ Goldmund lại ở ngôi nhà của thầy giáo và làm cho cậu suy nghĩ. Đó là Lisbeth, cô con gái có sắc đẹp quyến rũ của thầy mà cậu rất ưa thích. Không mấy khi cậu có dịp trông thấy nàng vì không bao giờ nàng đặt chân đến xưởng. Cậu không thể biết được là do bản tính, nàng rụt rè và có tính ghét đàn ông hay chỉ vì ông bố cấm đoán. Cậu cũng không quên để ý nhận biết thầy không hề mời cậu ăn một bữa cơm nào khác và thường cản trở cậu gặp nàng. Cậu biết rõ, Lisbeth là một trinh nữ sáng giá và cấm cung, tại đây không có chỗ, không có một hy vọng nào cho những tình yêu ngoài giá thú; vả chăng ai muốn cưới hỏi nàng thì phải là gia đình tư tế và thành viên một phường hội có tiếng tăm và thêm nữa nếu có thể được thì co một ngôi nhà và của cải.
Sắc đẹp của Lisbeth rất khác với của các cô gái lang thang và các thôn nữ, ngay từ ngày đầu đã cuốn hút cái nhìn của Goldmund. Ở nàng có điều gì đó đối với cậu đến nay vẫn chưa được biết đến, một nét kỳ lạ vốn hấp dẫn cậu ghê gớm đồng thời khơi dậy lòng ngờ vực và thậm chí sự tức giận: Một tư chất rất trầm tĩnh, tính ngây thơ, trong trắng, tinh khiết; tuy vậy điều đó không hề có tính cách chung với tính giản dị của trẻ con, bởi vì đằng sau các cung cách lịch sự và đứng đắn, che giấu một thái độ lạnh lùng và kiêu căng, cho nên tính ngây thơ của nàng không hề làm cho cậu thấy xúc cảm và không tước mất vũ khí của cậu (cậu không bao giờ có thể quyến rũ một bé gái) nhưng lại có tác động kích thích và khiêu khích đối với cậu. Vừa hơi quen với bóng dáng của nàng, trong thâm tâm cậu cũng hình thành một ý tứ khiến cậu cảm thấy có nhu cầu xác định một hình ảnh của nàng, không phải dưới vẻ ngoài hiện diện mà đúng hơn sau khi tính nhục cảm của cậu xót xa thức dậy, không phải dưới vẻ một trinh nữ bé bỏng mà một Madeleine. Cậu thường cảm thấy thích nhìn khuôn mặt trầm lặng và vô cảm ấy vốn bị nỗi đau và niềm vui sướng tàn phá, mở ra để bộc lộ điều bí ẩn của nàng.
Còn có một bộ mặt khác hằng lãng vãng trong tâm tư mình mà cậu không sao hoàn toàn nắm bắt được, cậu tha thiết muốn có ngày chiếm lấy và biểu hiện với tư cách mình là nghệ sĩ, nhưng hình ảnh ấy luôn lẩn tránh, xoá mờ dưới cái nhìn của cậu. Đó là gương mặt của mẫu thân cậu. Từ lâu rồi, gương mặt ấy không còn như trước đây nữa, tiếp theo sau các lần chuyện trò với Narcisse, đã lộ rõ ra từ các chiều sâu không sao lần tới được trong ký ức cậu. Trải qua những ngày sống trên các nẻo đường, các đêm ân ái, các giờ phút khát khao cháy bỏng hoặc lâm nguy gần kề cái chết, khuôn mặt người mẹ dần dần biến đổi và thêm phong phú, càng có chiều sâu và đa dạng; không còn nữa là chân dung thân mẫu cậu mà các đường nét và sắc màu ấy dần dần cấu thành một hình ảnh của Người Mẹ tượng trưng, gương mặt một Êva, một Bà Mẹ của những Con Người. Cũng như thầy Niklaus đã biểu hiện trong một số tượng Đức Mẹ Đồng Trinh, gương mặt đau khổ của Mẫu Thân Chúa với một vẻ hoàn hảo và một sức lực biểu cảm dường như đối với Goldmund không thể nào vượt qua được, dù sao cậu cũng hy vọng một khi già dặn và chắc tay hơn trong tài nghệ của mình, theo quan niệm về Người Mẹ phàm tục, cậu sẽ tạo thành Mẹ Êva như bà vẫn sống trong tim cậu, khi người mẹ xa xưa nhất và được yêu thương hơn cả trong các tượng thánh. Nhưng hình ảnh nội tâm ấy trước đây chỉ được tạo bởi các kỷ niệm của chính mẹ cậu và niềm âu yếm của cậu đối với bà thì nay nó không ngừng biến đổi và phát triển. Các đường nét của cô gái Tjigan Lise, của Lydia, người con gái vị hiệp sĩ và nhiều chân dung người phụ nữ khác đã thâm nhập sâu sắc vào bản phác thảo đầu tiên, và không phải chỉ các gương mặt phụ nữ từng được yêu thương đã góp vào tất cả đối với cậu, mà nỗi xúc động, mỗi kinh nghiệm, mỗi cuộc phiêu lưu trải qua đã có tác động đến hình ảnh của bà, thêm vào một nét nào đó. Bởi vì bóng dáng ấy, nếu có ngày cậu thành công làm cho nó truyền cảm, hẳn không thể hiển một gương mặt phụ nữ riêng biệt, mà biểu hiện bản thân sự sống dưới gương mặt Bà Mẹ nguyên sơ. Thường cậu tưởng thấy mẹ, đôi khi bà xuất hiện với cậu trong mộng. Nhưng cậu không thể nói gì về gương mặt ấy của Êva và những gì hẳn bà biểu trưng nên không phải là điều cậu tỏ ra thích thú có quan hệ gần gũi sâu kín với nỗi đau và cái chết.
Trải qua một năm, Goldmund học được rất nhiều. Cậu đã nhanh chóng nắm rất chắc nghệ thuật đồ hoạ, và có dịp Niklaus còn cho cậu thử chạm khắc trên gỗ và nặn tạo hình bằng thạch cao. Tác phẩm đầu tiên thành công của cậu là một khuôn mặt bằng thạch cao chừng hai pi-ê ([1])bóng dáng dịu dàng và quyến rũ của cô bé Julie, em gái Lydia. Thầy đánh giá cao pho tượng nhỏ ấy, nhưng không đi đến đồng tình với nguyện vọng của Goldmund muốn đúc bằng kim khí; theo thầy thì đó là một bộ mặt quá trơ trẽn và phàm tục nên thầy không đồng ý đỡ đầu. Tiếp theo, Goldmund bắt tay thực hiện khuôn mặt của Narcisse. Cậu tạc bằng gỗ và theo những nét của tông đồ Jean, vì Niklaus muốn nếu pho tượng thành công sẽ đưa nó vào trong một nhóm tượng Jêsus bị cậu rút trên thập tự giá ông đã nhận đặt hàng, lâu nay có hai thợ bạn chuyên làm để rồi cuối cùng thầy sẽ hoàn chỉnh.
Goldmund tạc pho tượng của Narcisse với một niềm âu yếm sâu sắc; trong công việc ấy, cậu tự tìm lại mình, với tâm hồn và nhiệm vụ người nghệ sĩ mỗi khi cậu đi chệch đường, điều hiếm khi xảy ra. Bởi vì các mối tình chốc lát, các cuộc khiêu vũ, các cuộc chè chén với bạn bè, các cuộc chơi súc sắc và thường thường con có cả những cuộc ẩu đả nữa, lôi kéo cậu vào các cơn lốc ấy, đến nỗi có khi cậu rời xưởng một hoặc nhiều ngày, hoặc làm việc với tâm thần không ổn định và đầu óc nổi loạn. Nhưng đối với pho tượng tông đồ Jean của mình luôn luôn thuần khiết, bóng hình bao thân thương và trầm tư thoát thân từ chất liệu gỗ, cậu chỉ làm việc khi cậu thấy mình đang trong trạng thái được gia ân và tinh thần hoàn toàn thanh thản có thể dốc hết cả tâm trí vào đó. Trong giờ ấy, cậu không vui cũng không buồn, không lo âu về niềm thích thú cũng như tính mong manh của cuộc sống, trong tim cậu tái hiện các tình cảm trân trọng trong sáng và thuần khiết và trước đây cậu đã hiến cho anh bạn, sung sướng được đặt mình dưới sự chỉ dẫn của bạn. Không phải cậu ngồi đó tạc tượng, mà chính anh bạn Narcisse đã sử dụng đôi bàn tay nghệ sĩ của cậu để thoát ra khỏi cuộc sống phù du và luôn biến động, và biểu hiện các tính chất sâu kín trong toàn bộ sự thuần khiết của nó.
Goldmund tự bảo, - Các cảm nhận này đôi khi khiến cậu rùng mình, - Các pho tượng đã ra đời như vậy đó. Như vậy đã ra đời pho tượng Đức Mẹ Đồng Trinh của thầy mà từ ấy, cậu trở lại tu viện thăm nhiều lần vào những ngày Chúa nhật. Như vậy đó, một cách bí ẩn và thánh thiện, đã được sáng tạo nên một hoặc hai pho tượng xuất sắc nhất của Niklaus nay đặt trên cao ngoài tiền sảnh. Như vậy đó, một ngày kia từ tâm hồn cậu sẽ trỗi dậy các hình ảnh khác duy nhất ấy về Bà Mẹ của những Con Người. Ôi! Giá mà bàn tay con người có thể chỉ sáng tạo những tác phẩm được tôn sùng như vậy, cần thiết, thoát khỏi mọi vết nhơ bẩn của thói vụ lợi và tính khoe khoang! Nhưng người ta đâu có được như vậy, từ lâu cậu đã biết điều đó. Người ta cũng có thể sản xuất ra những công trình khác, những đồ vật đẹp mê ly, được thực hiện với một khả năng làm chủ lớn lao vì niềm vui của những người ham thích nghệ thuật, để trang hoàng ở các nhà thờ và các trụ sở hội đồng thành phố - hiển nhiên là những đồ vật trang nhã, nhưng không phải là những đồ vật thánh thiện, phản ánh tâm hồn. Những tác phẩm như vậy cậu biết một số, không chỉ của thầy Niklaus và các bậc thầy khác, có những công trình dù được phát kiến với tất cả sự duyên dáng và trau chuốt cũng vẫn chỉ là những đồ chơi. Đó là nỗi xấu hổ và nỗi buồn cậu đã cảm nhận trong tim mình, cảm nhận qua cái bàn tay mình cải cách một nghệ sĩ có thể cho ra đời những tác phẩm xinh đẹp kiểu ấy để thưởng thức tài nghệ của bản thân, vì tham vọng hoặc chỉ để mà chơi!
Khi nhận ra điều ấy, cậu bị xâm chiếm bởi một nỗi buồn ghê gớm, không để sản xuất các pho tượng, những bộ mặt thiên thần đẹp đẽ và các đồ mỹ nghệ khác, cho dù có xinh xắn bao nhiêu, điều đó vẫn không bõ công để làm nhà nghệ sĩ. Đối với những người khác, chẳng hạn như với các thợ thủ công, các thị dân, đối với các tâm hồn trầm lặng và thoả mãn, điều đó có lẽ cũng đáng giá để bỏ công sức, với cậu thì không. Đối với Goldmund, nghệ thuật và nhiệm vụ của người nghệ sĩ chẳng có giá trị gì nếu chúng không cháy bỏng như mặt trời, mạnh như bão tố, nếu chúng chỉ đem lại sự hài lòng, vui chơi, những hạnh phúc nho nhỏ. Điều cậu tìm kiếm, hoàn toàn khác. Thếp vàng trên vương miện một pho tượng Đức Mẹ Đồng Trinh được chạm khắc tinh vi như một tấm đăng ten, song đó không phải là công việc của cậu cho dù nó được trả giá bao nhiêu. Vì sao thầy Niklaus nhận tất cả các đơn đặt hàng ấy? Tại sao thầy có hai thợ bạn? Vì sao thầy dành bao nhiêu giờ đồng hồ để nghe các vị cố vấn hoặc các linh mục tu viện trưởng khi họ đến nhà thầy, thước đo cầm trên tay, đặt hàng một cổng chính hoặc một giảng đài? Vì hai lẽ, hai lẽ tầm thương: Bởi vì thầy mong thành một nghệ sĩ nỗi tiếng chồng chất nhiều đơn đặt hàng; và bởi vì thầy muốn tích luỹ nhiều tiền, không phải cho các doanh nghiệp lớn hoặc các cuộc vui chơi tột bực mà cho cô con gái của thầy từ lâu đã là một người thừa kế giàu có; thầy muốn tích luỹ tiền cho các bộ cánh của con gái, các cổ áo viền đăng ten và các trang phục bằng gấm, cho một chiếc giường cưới gỗ bồ đào trang bị đầy đủ chăn nệm đắt tiền! Như thể cô con gái nhà thầy không sao học được để biết thế nào là tình yêu ở một đụn rơm nào đó.
Với các ý nghĩ ấy, cậu cảm thấy sục sôi tận cõi sâu thẳm người mình dòng máu của mẹ, niềm kiêu hãnh của những kẻ không nhà và thái độ khinh thị của họ đối với những người ru rú trong gia đình, những người lắm của. Đôi khi nghề nghiệp và thầy giáo khiến cho cậu thấy chán thầy ghê gớm, đến mức có những lúc cậu muốn bỏ đi.
Về phần mình, hơn một lần thầy giáo cay đắng hối tiếc đã vơ lấy anh chàng khó tính và không mấy vững vàng làm cho thầy nhiều bận không còn đủ kiên nhẫn nữa. Những gì ông nghe kể lại về Goldmund, thờ ơ đối với tiền bạc và của cải, tiêu xài hoang phí yêu đương lăng nhăng, thường hay gây gổ, toàn những tính nết không thuộc bản chất để ông có cảm tình tốt. Ông đã đưa về ở nhà mình một gã Tjigan, một kẻ đáng ngờ. Ông cũng không thể lưu ý đến kiểu cách kẻ lang thang ấy dòm ngó Lisbeth, con gái ông. Đối với cậu, ông tỏ ra kiên nhẫn không phải không đáng; đó chẳng phải vì bổn phận hoặc vì ông e ngại mà bởi vì trên pho tượng tông đồ Jean, bộ mặt ấy đang xuất hiện dưới mắt ông. Cảm thấy với tâm hồn tri kỷ nọ một sự tương hợp và tình cảm yêu mến mà ông chỉ tự nhận với mình một nửa, ông nhìn con người lang thang ấy vốn từ các vùng rừng đến để dừng chân lại ở nhà ông, qua bức hoạ đầu tiên bao xúc động và đẹp đẽ tuy còn có chỗ vụng về, vì tình yêu thương ấp ủ từ lâu đối với anh bạn, đang cho thoát ra bộ mặt của vị tông đồ với nhịp điệu làm việc thất thường nhưng cũng với một thái độ kiên trì đầy tự tin. Một ngày kia, cậu sẽ thành tài, Niklaus không nghi ngờ điều ấy mặc dù cậu có những chuyện ngông cuồng và để cho công việc bị gián đoạn. Và bấy giờ sẽ là một công trình mà một trong mấy thợ bạn của thầy sẽ không bao giờ có tài làm được, và ngay các bậc thầy đáng mặt cũng hiếm khi thành công. Cho dù có những điều khiến ông không hài lòng về người học trò của mình, có những lần ông quở trách, thường thường ông tức giận với cậu nhưng ông không nói với cậu một lời nào về pho tượng thánh Jean.
Những gì ở tính giản dị trẻ con và duyên dáng trai trẻ còn lại mà nhờ đó Goldmund được lòng nhiều người, nay tất cả đã tàn lụi qua những năm tháng ấy. Cậu trở thành một anh chàng phóng túng khoẻ mạnh và đẹp người, rất được phụ nữ yêu thích nhưng đám đàn ông thì ít có cảm tình. Tâm hồn, cuộc sống nội tâm của cậu cũng thay đổi sâu sắc kể từ khi Narcisse đánh thức cậu dậy, bứt cậu ra khỏi giấc ngủ thú vị trong những năm ở tu viện, rồi tiếp đó thiên hạ và cuộc sống lang thang đã nhào nặn cậu. Từ người học trò bao quyến rũ và ngoan đạo của tu viện, hết lòng mộ đạo và quan tâm giúp đỡ mọi người, từ lâu đã hình thành một nhân cách, một cá tính khác hẳn. Narcisse đã đánh thức cậu, phụ nữ đối với cậu là một sự phát hiện, cuộc sống lang thang đã bóc sạch vẻ thơ trẻ của cậu. Không có bạn bè, con tim cậu thuộc về các phụ nữ, họ chiếm lĩnh cậu chẳng chút khó khăn, chỉ cần thoáng qua một cái nhìn đầy thèm muốn. Không biết cưỡng lại, cậu đáp ứng ngay với họ qua các ý tứ mời mọc đầu tiên. Vốn có một cảm quan tế nhị đối với sắc đẹp và luôn ưu ái mọi cô gái tươi tắn thanh tân, cậu vẫn để mình bị lôi cuốn theo những phụ nữ không có gì hấp dẫn và không còn trẻ nữa. Ở vũ trường, có những lần cậu không thể tách mình khỏi một cô nào đó đang độ thanh xuân nhưng đã mất hết hy vọng vì chẳng có ai đoái hoài, và cậu vẫn gắn bó vì lòng trắc ẩn cũng như một tính hiếu kỳ luôn thức tỉnh. Khi cậu lao vào yêu một phụ nữ, cho dù trong mấy tuần lễ hoặc chỉ mấy giờ đồng hồ, bởi với cậu họ luôn đẹp và cậu luôn trao gởi hết mình. Qua từng trải, cậu cảm nhận bất cứ phụ nữ nào cũng đẹp, và biết phân phát các niềm vui cho dù người ấy chẳng có ý nghĩ gì và bị những kẽ khác khinh bỉ thậm tệ, cậu có thể gởi gắm ở nàng một nỗi khát khao, một tấm lòng tận tuỵ không cùng, cho dù sắc tươi trẻ của nàng đã tàn phai nhưng nàng dành cho cậu một tình yêu thương đằm thắm như mẹ với con, buồn buồn và dịu dàng, với những điều bí ẩn và mê hoặc được khám phá, từ đó tạo ra các cảm giác vui thú. Như vậy đó, mọi phụ nữ đều bằng nhau. Một sức quyến rũ riêng biệt nào đó bù lại cho tuổi trẻ và sắc đẹp khiếm khuyết. Trái lại, tất cả đều không có quyền lực giữ chân cậu lâu dài. Với cô gái trẻ và đẹp nhất, cậu cũng không bày tỏ tình yêu và lòng biết ơn sâu đậm hơn so với một cô khác không có sắc đẹp. Không bao giờ cậu yêu nửa vời. Nhưng có những phụ nữ chỉ thực sự gắn bó với cậu qua ba hoặc mười đêm ân ái, vì có những người khác ngay sau lần đầu gặp gỡ đó không để lại dư âm gì.
Dường như đối với cậu, tình yêu và khoái cảm là hai điều có thể đem lại sự nồng ấm và giá trị cho cuộc sống. Cậu không biết thế nào là khoe mẽ, và coi một giám mục với một người hành khất là ngang nhau. Cậu không thể cho lợi lộc và tài sản quyến rũ, những thứ đó cậu vốn coi thường. Không hy sinh chút nào vì những cái ấy, nhưng làm ra được nhiều tiền, cậu vứt qua cửa sổ một cách dửng dưng. Tình yêu của các phụ nữ và chuyện chơi bời trăng gió đối với cậu là quan trọng hàng đầu.
Trạng thái cực khoái ngắn ngủi và thoáng qua của những lần quan hệ, ngọn lửa nhất thời trong nỗi khát khao ham muốn và sự tắt ngấm nhanh chóng của nó, đối với cậu là điều cơ bản trong bất cứ kinh nghiệm nào của con người, trở thành biểu tượng của mọi niềm vui và nỗi đau trong cuộc sống. Cậu có thề buông thả mình theo sự run rẩy ấy. Trong niềm say đắm cũng như tình yêu; và nỗi u sầu ấy, nó cũng là tình yêu, cũng là khoái cảm. Tất cả cũng như việc hưởng thụ tình yêu ngay vào lúc thú vị nhất, nó nở rộ đến cao độ, ngay sau đó liền giảm xuống và tan biến, cũng như tình trạng cô đơn của tâm hồn và sự buông thả cho nỗi u sầu bỗng thay thế cho sự ham muốn, cho một sự gắn kết mới mẻ với cuộc sống và gương mặt, sáng long lanh của nó.
Cái chết và khoái cảm chỉ là một. Bà Mẹ của sự sống, người ta cũng có thể nói đó là  ngôi mộ, sự thoi rữa. Bà Mẹ ấy là Êva; Bà là cội nguồn của hạnh phúc, cũng là cội nguồn của cái chết. Bà sinh nở đời đời và huỷ diệt mãi mãi; ở Bà tình yêu và sự độc ác chỉ là một. Goldmund cũng mang hình ảnh của Bà, đối với cậu Bà cũng là một biểu tượng thiêng liêng.
Quả thực, hầu như có ý thức và không thể diễn đạt nên lời, nhưng bằng một sự phát hiện sâu sắc hơn của máu mủ, cậu biết rằng con đường của cậu dẫn đến với Bà Mẹ, đến khoái cảm và cái chết. Mặt khác của sự sống, trí tuệ và ý chí, đó không phải là lĩnh vực của cậu. Nơi ấy có Narcisse. Chỉ giờ đây Goldmund mới thấu hiểu đầy đủ những lời của anh bạn mình, nhìn thấy anh là người khác hẳn với mình. Cậu cũng khắc hoạ điều ấy, làm cho nó hiển thị trong bộ mặt của Thánh Jean. Cậu nhớ Narcisse đến chảy nước mắt, có thể nhìn thấy anh qua những giấc mộng tuyệt diệu, song đạt đến anh, trở thành như anh thì không thể được!
Goldmund  cũng có một cảm giác bí ẩn nào đó về điều bí mật trong khuynh hướng nghệ sĩ của cậu, tình yêu sâu đậm của cậu đối với nghệ thuật, lòng căm ghét bản năng và thoáng qua chống lại mình. Không phải đó là những tư duy mà là những tình cảm mờ tối sáng tỏ ra qua mỗi kiểu cách so sánh. Nghệ thuật là sự hợp nhất thế giới của bố và mẹ, tinh thần và máu; nó có thể xuất phát từ sự kiện cụ thể nhất và dẫn đến điểm khởi đầu trừu tượng nhất hoặc khởi đầu trong thế giới các ý tưởng thuần tuý và tìm ra sự kết thúc của nó trong da thịt phập phồng, xốn xang. Mọi tác phẩm nghệ thuật đích thực có giá trị cao, mọi tác phẩm nghệ thuật không phải chỉ là những trò lừa dối khéo léo thành công, vẫn tồn tại thấm thía trong sự vĩnh hằng bí ẩn, thí dụ như pho tượng Đức Mẹ Đồng Trinh của thầy. Mọi công trình nghệ thuật đích thực và có giá trị không thể chối cãi có bộ mặt kép ấy, tính cách ấy có  ở cả đàn ông và đàn bà đó là sự hoà trộn của bản năng và lòng chuộng đạo lý thuần khiết. Và hơn bất cứ pho tượng Mẹ -  Êva nào khác một ngày kia nếu công trình của cậu được sáng tạo thành công, nó sẽ biểu hiện bộ mặt kép ấy.
Goldmund nhìn thấy trong nghệ thuật và trong khuynh hướng nghệ sĩ của mình khả năng hoà hợp giữa các xu thế của nó vốn sâu sắc và mâu thuẫn với nhau, hoặc chí ít về một biểu tượng rực rỡ không ngừng đổi mới. Nhưng nghệ thuật không phải là thứ của trời ban tặng, một thứ cho không; nó rất đắt giá, nó đòi hỏi những hy sinh trải qua hơn ba năm, Goldmund đã bỏ phí mất những gì cậu biết có giá trị cao hơn, cần thiết hơn so với khoái cảm yêu đương: sự tự do. Cuộc sống tự do, những chuyến chạy lang thang trong những không gian không giới hạn, các ý ngông cuồng của kẻ sống lần hồi trên đường đi, nỗi cô đơn và sự độc lập, đó là những gì cậu đã hy sinh. Những người khác có thể phê phán cậu là một kẻ ngông cuồng, một con người vô kỷ luật, thấy cậu là một tên vô chính phủ đôi khi trong cơn giận cuồng điên đã bỏ xưởng và công việc - đối với bản thân cậu, cuộc sống ấy là một cảnh nô lệ đôi khi khiến cậu tức tối đến mức không sao chịu được. Không phải với thầy giáo cậu phải nghe lời, cũng không phải với tương lai, với sự nghèo khổ - mà với bản thân nghệ thuật. Nghệ thuật, vị thần thánh dường như phi vật chất, vậy mà có những đòi hỏi nho nhỏ! Lần phải có cho nó một mái nhà, các dụng cụ, gỗ, thạch cao, các bột màu, vàng, nó đòi hỏi sự làm việc, tính kiên trì, Goldmund đã hy sinh cho nó sự tự do hoang dã nơi các rừng rú, niềm say mê các không gian rộng, thú thưởng thức các hiểm nguy ác liệt, lòng tự hào về cảnh bần hàn, và cậu đã bị bắt buộc trong khi vẫn chống chọi, nghiến răng chịu đựng, phải không ngừng có các hy sinh mới khác.
Cậu lấy lại được một phần những gì cậu đã huỷ hoại: Nhẹ nhàng trả thù lại các trật tự bị lệ thuộc và ở ru rú trong nhà, trong cuộc sống hiện tại với một số vụ phiêu lưu lôi cuốn cậu vào các sinh hoạt trăng gió: gây gổ với các tình địch. Toàn bộ tính hoang dã sống nhốt trong cảnh chim lồng cá chậu, tất cả sức cường tráng của cậu bị bóp nghẹt tản ra thành khói ở bên ngoài qua chiếc van an toàn ấy. Cậu trở thành một con người thích cãi cọ, đánh nhau nổi tiếng và đáng gờm. Bỗng nhiên bị tấn công trong một ngõ hẻm tối tăm trên đường đến với người đẹp hoặc đi khiêu vũ trở về nhà, cậu nhận lấy mấy gậy rồi quay lại nhanh như chớp… chuyển từ tự vệ sang tấn công, ôm bó vào bộ ngực thở hổn hển của mình tên địch thủ gần như chết ngạt, quai cho nó một cú đấm dưới cằm, nắm tóc lôi đi hoặc siết chặt hai tay bóp cổ nó, đay là sở thích của cậu và nó giúp cho cậu thấy dễ chịu hơn qua những cơn nóng giận buồn bực. Và điều đó cũng làm cho các cô thích thú.
Thường ngày cậu sống với đầy rẫy những chuyện như vậy, chừng nào cậu dốc tâm trí và sức lực vào pho tượng Thánh Jean, còn thì chẳng có ý nghĩa nào khác. Công việc làm kéo dài, trong trạng thái trầm tư trang trọng, cậu hoàn thành lần cuối cùng việc nặn bộ mặt và các bàn tay với tất cả niềm yêu quý của mình. Trong chiếc chòi nhỏ ở sau xưởng của các thợ bạn, tác phẩm của cậu đã được hoàn thiện. Trời vừa sáng, pho tượng cũng vừa xong. Goldmund đi tìm một chiếc chổi, quét sạch nền nhà, rồi với một bàn tay âu yếm, cậu đưa nhẹ chiếc cọ mền lên đầu lấy đi hạt bụi gỗ bé tí trên mái tóc pho tượng Thánh Jean của mình, và cậu đứng hồi lâu trước pho tượng, hơn cả tiếng đong hồ, ngập tràn trong lòng một xúc cảm trang trọng về một sự kiện lớn hiếm có trong đời mình. Có lẽ còn có thể làm một lần nữa, cũng có thể chỉ một lần duy nhất này thôi. Có thể một người đàn ông hôm lễ thành hôn của mình hoặc ngày tấn phong hiệp sĩ, một phụ nữ sau lần đầu sanh con đã cảm thấy trong tim sôi sục niềm xúc động ấy, tĩnh tâm sâu lắng thụ hưởng sự thụ phong tối cao, đồng thời ôm lấy nỗi lo thầm kín vào lúc tình cảm cao cả và độc nhất ấy sẽ là chuyện đã từng trải, chuyện từ quá khứ, một sự việc xếp lại, cuốn theo dòng chảy bình thường hàng ngày.
Cứ đứng đó, cậu nhìn anh bạn Narcisse của mình, người dẫn đường hồi những năm tuổi trẻ, đầu ngẩng cao, trong thái độ chờ đợi, trong bộ trang phục và các biểu hiện truyền thống của người môn đồ ưu ái. Nét mặt pho tượng biểu hiện sự bình tĩnh, nhiệt tình trong con tim, dáng vẻ suy tư qua nụ cười mỉm hé mở. Nét mặt thanh tú yên bình ấy mang đậm chiều sâu trí tuệ, bóng dáng ấy dong dỏng cao và như bay lượn trên các sự vật, những bàn tay dài ân cần ấy đưa lên trong một cử chỉ kính cẩn các vẻ ấy đều không biết đến nỗi đau khổ và cái chết, mặc dù mang đầy sức trẻ và những nét hài hoà bí ẩn,nhưng không biết đến nỗi thất vọng, sự mất trật tự, sự nổi dậy. Dù đằng sau các vẻ cao quý ấy là tâm hồn vui hay buồn, thì âm thanh của nó vọng lại thuần khiết, không hề có chỗ mất hài hoà.
Goldmund ngắm nhìn tác phẩm của mình không rời mắt. Cậu chiêm ngưỡng, bắt đầu trong một trạng thái trầm ngâm, nhớ lại buổi ban sơ thời tuổi trẻ và mới kết bạn, rồi kết thúc bằng một trận bão những lo âu và ý nghĩ đen tối. Cậu đã thực hiện công trình của mình, vị thánh tông đồ tồn tại với một vẻ đẹp thánh thiện. Đoá hoa tinh tế ấy sẽ không bao giờ thôi nở. Nhưng cậu là người sáng tạo, nay phải chia tay với tác phẩm của mình, ngày mai nó không còn là của cậu nữa, sẽ không mời gọi bàn tay cậu nữa, không lớn lên và nở hoa nữa dưới sự vuốt ve của cậu, không còn nữa cho cậu một nơi ẩn náu, một niềm an ủi, không mang lại nữa cho cuộc sống cậu một ý nghĩa. Cậu cảm thấy lòng mình trống rỗng. Dường như tốt hơn hôm nay cậu không chỉ ngỏ lời từ biệt pho tượng Thánh Jean ấy, mà còn chia tay luôn cả với thầy, với thành phố với nghệ thuật. Cậu chẳng còn gì để làm ở đây. Tâm hồn cậu trống vắng các hình ảnh mà cậu đã có thể trao cho chúng cuộc sống của mình. Khuôn mặt ấy trong cái khuôn mặt mà con tim cậu ấp ủ, diện mạo của Bà Mẹ những Con Người không còn trong tầm tay cậu nữa, thậm chí đã xa rời cậu. Nay mai đây, rồi cậu có còn mài nhẵn các chiếc đầu thiên thần nho nhỏ và chạm khắc các hoạ  tiết trang trí không?
Cậu bứt ra khỏi các suy tư của mình bước vào xưởng của thầy. Cậu đi vào nhẹ nhàng, kín đáo, đứng bên cửa cho đến Niklaus nhận biết cậu có mặt.
Ông bảo:
- Goldmund, gì đó?
- Thưa, pho tượng của con đã hoàn thành. Có thể thầy đến thăm trước khi đi dùng bữa.
- Ta sẵn sàng đến ngay đây.
Họ cùng đi, để cánh cửa mở rộng cho có thêm nhiều ánh nắng. Đã lâu lắm Niklaus không nhìn pho tượng, để cho Goldmund yên tĩnh làm việc. Nay thầy lặng lẽ nhìn vị thánh tông đồ, nét mặt khép kín của thầy sáng dần. Goldmund thấy niềm vui hiện trong đôi mắt màu xanh trang nghiêm của thầy.
- Công việc làm tốt, xuất sắc - Thầy nói - Đây là kiệt tác của cậu với tay nghề thợ bạn. Thời kỳ học việc của cậu đã kết thúc. Ta sẽ đưa ra cho người trong phường hội xem và hỏi ý kiến để họ trao cho cậu về tác phẩm này chiếc giấy chứng chỉ chức giáo viên. Cậu xứng đáng với danh hiệu ấy.
Goldmund không để ý mấy đến phường hội, nhưng cậu biết phải với một thái độ như thế nào thầy mới trao cho cậu những lời như vậy và cậu lấy làm sung sướng về điều đó.
Một lần nữa đi chầm chậm quanh pho tượng Thánh Jean, thầy nói với một hơi thở ra:
- Vị tông đồ này tràn ngập lòng mộ đạo và vẻ sáng suốt. Trông trang nghiêm nhưng thấm đượm niềm hạnh phúc và sự bằng an. Người ta cảm giác pho tượng này được làm ra bởi một con người mang trái tim tràn đầy ánh sáng và sự thanh thản.
Goldmund mỉm cười:
- Thầy biết không phải bản thân con mà con đã thể hiện trong pho tượng này anh bạn thân thiết nhất của con. Chính anh bạn con đã phủ lên bộ mặt này làn ánh sáng và sự bình an, chứ không phải con. Nói cho đúng ra, không phải con đã làm nên pho tượng mà chính anh bạn con đã đặt hình ảnh ấy vào trong tâm hồn con.
- Có thể như vậy - Thầy nói. - Sự ra đời của một tác phẩm thế này là một điều bí ẩn. Ta không quá ư khiêm tốn đâu, nhưng ta phải nói rằng ta đã làm ra nhiều công trình chỉ đứng đằng sau tác phẩm của cậu, không phải về phương diện nghệ thuật và nghề nghiệp, mà là tính hiện thực. Nhưng có điều mà bản thân cậu biết đó và người ta không thể nào lặp lại. Có một điều bí ẩn trong đó.
- Thưa vâng, - Goldmund đáp -, một khi pho tượng đã hoàn tất, trong khi nhìn, con tự bảo: “Một vật thể như thế này, mình không thể nào làm lại được!”. Vì vậy mà thưa thầy, con thiết nghĩ con sẽ không chần chừ lại lên đường.
Niklaus hắt lên người cậu một cái nhìn sững sờ và tức giận. Đôi mắt ong lấy lại vẻ nghiêm khắc:
- Chúng ta sẽ nói chuyện về việc ấy sau - Đối với cậu, công việc mới chỉ bắt đầu. Không phải đúng lúc để cậu trốn tránh. Nhưng hôm nay, công việc cậu làm đã xong, trưa nay cậu là khách mời của tôi.
Trưa ấy,  Goldmund trình diện với mái tóc chải chuốt, mặt mày sạch sẽ, trong bộ áo quần diện ngày Chúa nhật. Lần này cậu hiểu việc được thầy mời cơm có ý nghĩa thế nào và hiếm có một ân huệ như vậy. Tuy nhiên khi bước lên cầu thang dẫn đến tiền sảnh để đầy các pho tượng, trong lòng cậu không hẳn cũng tràn đầy niềm cung kính và nỗi vui pha với lo lắng như lần đầu tiên cậu đã bước vào giữa sự yên tĩnh và vẻ đẹp của các căn phòng ấy.
Lisbeth cũng vậy, cô mặc bộ trang phục đẹp nhất của mình, mang ở cổ một sợi dây chuyền đá quí; và trên bàn ăn, ngoài những con cá chép và rượu vang, còn có một điều đáng ngạc nhiên; Thầy làm quà cho Goldmund một chiếc túi nhỏ bằng da trong đó có để hai đồng tiền vàng: công sá của Goldmund về pho tượng đã hoàn thành.
Lần này cậu không giữ im lặng trong khi ông bố và cô con gái nói chuyện với nhau. Cả hai người tỏ lời chúc mừng cậu và cụng ly. Goldmund không bỏ phí thì giờ, đôi mắt cậu chớp lấy cơ hội để nhìn cô gái với gương mặt lịch sự và hơi cao ngạo, và chúng không che dấu  là nàng được lòng cậu. Với cậu, cô tỏ ra dễ mến, nhưng không đỏ mặt, điều ấy khiến cậu thất vọng. Trong thâm tâm, cậu lại mong mỏi được thấy gương mặt đẹp và thản nhiên ấy biểu lộ, buộc nó phải bộc lộ điều bí ẩn của nó.
Ăn xong đứng lên, cậu ngỏ lời cảm tạ, nán lại một chốc xem các pho tượng ở tiền sảnh rồi cả chiều hôm ấy cậu đi lang thang vô định trong thành phố, như một kẻ vô công rồi nghề đang trong tâm trạng bối rối. Thầy đã tiếp đãi cậu với niềm vinh dự vượt ra ngoài bất cứ lòng mong ước nào. Tại sao cậu không lấy thế làm vui? Tại sao cả niềm vinh dự ấy đối với cậu chỉ tạo nên một ấn tượng lễ hội quá ít ỏi?
Với ý ngông, cậu muốn thuê một con ngựa và đến lại tu viện - nơi lần đầu cậu đã nhìn thấy tác phẩm của thầy và nghe tiếng, biết tên thầy. Cậu thực hiện ngay. Mới mấy năm trôi qua kể từ ấy, nhưng sao mà xa xôi thế! Cậu đến thăm lại pho tượng Đức Mẹ Đồng Trinh trong ngôi nhà thờ của tu viện, ngắm nhìn nó, và lần này tác phẩm ấy vẫn làm cho cậu rất thích và say mê. Nó đẹp hơn pho tượng Thánh Jean của cậu; nó cũng trên một bình diện về chiều sâu và sự bí ẩn, nhưng đạt trình độ cao hơn về nghệ thuật, về vẻ phóng khoáng, tự do và nhẹ nhàng. Nay cậu nhận ra trong công trình này có những đặc điểm mà chỉ người nghệ sĩ mới phát hiện được, những sóng lượn óng ả thầm kín và mềm mại của chất liệu len dạ, tính chất mạnh bạo trong việc khắc hoạ các bàn tay dài và các ngón tay, sử dụng tinh vi một số đặc điểm về cấu trúc của gỗ - mọi vẻ đẹp chi tiết hẳn chẳng là gì so ra trong tổng thể, tính đơn giản và chiều sâu của cách nhìn, nhưng dù sao chúng đều tồn tại ở đó, trông rất bắt mắt,  và ngay đối với người nghệ sĩ có cảm hứng, chúng chỉ có thể hiện thực nếu ông ta nắm chắc nghề nghiệp. Để thực hiện được một công việc như vậy, không chỉ cần có một cách nhìn ở tận nơi sâu thẳm trong tâm hồn mà còn phải có đôi mắt và đôi bàn tay cực kỳ điêu luyện và thành thạo. Vậy cũng đáng công khó nhọc đem cả đời mình phụng sự nghệ  thuật với cái giá phải trả cho sự tự do của mình, cho các kinh nghiệm lớn mà người ta phải từng trải để rồi một ngày kia làm những tác phẩm đẹp vốn không chỉ là một cách nhìn từ cuộc sống, một công trình được thai nghén trong tình yêu mà còn được xử lý đến từng chi tiết nhỏ nhất với đôi tay chắc chắn, tài nghệ bậc thầy? Đó là một vấn đề lớn.
Goldmund trở về thành phố trong đêm tối khá muộn trên mình con ngựa đã chồn chân. Một quán ăn còn mở cửa; cậu vào đó ăn bánh mì và uống rượu vang rồi đi về phía chợ cá, lên phòng của mình, trong lòng do dự, bị ám ảnh bởi bao nhiêu chuyện và mối ngờ vực.