ình nghĩa vợ chồng được đặt trên nền tảng bản năng di truyền sự sống tự nhiên của con người nơi sự hòa hợp đời sống giữa hai phái nam và nữ. Tự bản chất, phái nam cần phái nữ và ngược lại để bổ túc và giúp đỡ đồng thời khuyến khích nhau sống vươn lên xây dựng cuộc đời, phát triển khả năng, sinh thành và nuôi dưỡng cũng như gầy dựng cho con cái. Sự kết hợp này do bản tính tự nhiên do đó là một nhu cầu; đồng thời nó cũng được bổ túc do các bản năng khác chẳng hạn đặc tính muốn yêu và muốn được yêu; sự nhung nhớ, bản chất hy sinh cho người phối ngẫu. Thêm vào đó, sự kết hợp xác thân liên kết hai người trở thành một: "Kim đâm vô thịt thì đau, thịt đâm vô thịt nhớ nhau suốt đời." Tình nghĩa vợ chồng là một sự gắn bó thể xác và tâm hồn dù cho tình cha mẹ cũng không bằng: "Chữ xuất giá tòng phu phải lẽ, gái có chồng bỏ mẹ quạnh hiu. Bớ anh ơi, em nhớ khi thơ bé nâng niu, ngày nay xuất giá bỏ liều mẹ cha." Tình vợ chồng bộc phát tự nhiên nơi con người chứ không bị lệ thuộc bởi bất cứ lề luật nào mà mang tính chất tự nguyện: "Mẹ cha bú mớm nâng niu, tội Trời thì chịu không yêu bằng chồng." Những gì thuộc bản năng tự nhiên của con người tất nhiên không có quy luật nào có thể ngăn cấm. Tình chồng vợ phát xuất do bản năng tự nhiên con người: "Chàng về thiếp nhớ đăm đăm, giường trên chiếu dưới ai nằm đêm nay?" Bởi "Thương ai ví bằng thương con, nhớ ai ví thể gái son nhớ chồng." Đồng thời theo lẽ tự nhiên cũng được mọi người chấp nhận: "Đi đâu có anh có tôi, người ta mới biết là đôi vợ chồng." Sự gắn bó này được tạo thành từ đặc tính cần thiết sự hiện diện của người này đối với người kia, một điều kiện không thể thiếu nơi tình yêu đôi lứa tạo nên mối ràng buộc: "Đi đâu cho thiếp xin can, ở nhà với thiếp thân tàn cũng vui." Hoặc: "Sông sâu sóng cả em ơi, chờ cho sóng lặng buồm xuôi ta cùng. Đã trót đa mang vào kiếp bềnh bồng, xuống ghềnh lên thác một lòng yêu nhau."Nhận ra những tính chất tự nhiên không thể thiếu tạo nên sự kết hợp cuộc đời đôi lứa, con người thấy cần phải cổ võ sự bền vững và bảo vệ để chống lại sự xâm nhập của những căn nguyên nguy hại làm tan vỡ mối liên kết lứa đôi nên tìm hiểu và nói lên những tính chất tốt lành của sự kết hợp này gọi là đạo vợ chồng. Đạo vợ chồng là sự thực hiện cũng như kết quả ý thức về sự ràng buộc, gắn bó, nghĩa vụ của hai người nam nữ trong liên hệ hôn nhân: "Xét ra trong đạo vợ chồng, cùng nhau nương cậy đề phòng nắng mưa." Đạo vợ chồng đặt nặng tính chất "nghĩa" nơi cuộc sống đôi lứa: "Cầu mô cao bằng cầu danh vọng, nghĩa mô nặng bằng nghĩa chồng con. Ví dầu nước chảy đá mòn, xa nhau nghìn dặm lòng còn nhớ thương." Tình tự nhiên hòa hợp với nghĩa vợ chồng đã là động lực cho một người xả thân, hy sinh chính mình cho người bạn đời và gia đình: "Thương chồng nên phải gắng công, nào ai xương sắt dạ đồng chi đây;" hoặc nhiều khi chấp nhận trả giá mắc mỏ vì lầm lỗi của người bạn đời: "Anh đi ghe rổi chín chèo, bởi anh thua bạc nên nghèo nợ treo. Nợ treo mặc kệ nợ treo, em bán bánh bèo trả nợ cho anh." Chẳng những thế, chính tình nghĩa này đã trở thành năng lực cho người vợ bền bỉ hy sinh vì chồng: "Một ngày ba bận trèo đèo, vì ai vú xếch lưng eo hỡi chàng?" hay "Một ngày mấy lượt trèo non, lấy gì làm đẹp làm dòn hỡi anh!" hoặc thay thế chồng chu toàn nhiệm vụ báo hiếu cũng như chăm sóc con cái: "Anh đi em ở lại nhà, hai vai gánh vác mẹ già con thơ. Lầm than bao quản nắng mưa, anh đi, anh liệu chen đua với đời." Năng lực tình nghĩa còn giúp cho người đàn bà chân yếu tay mềm cáng đáng mọi sự chẳng những cho mình mà còn cho cả chồng con: "Một mình lo tảo lo tần, lo phần sưu thuế, lo phần chồng con." Do đó chẳng lạ gì tình nghĩa được gọi đi đôi với nhau.Tình nghĩa gắn bó hai người trong mọi hoàn cảnh: "Có chồng thì phải theo chồng, chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo," không phân biệt của cải riêng tư mà tất cả thuộc chung hai người: "Của người thì đứng mà trông, của chồng thì cất lấy hòng mà ăn." Nói như thế hơi quá đáng vì thiếu để ý đến công sức và sự đóng góp của người vợ. Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy, chẳng gì được gọi là "của riêng chồng" và cũng chẳng gì được gọi là "của riêng vợ" nhưng "Của chồng công vợ."Trong cuộc sống vợ chồng, tình cảm lứa đôi là căn bản cho sự đối xử giữa hai người đồng thời tình cảm này ảnh hưởng chẳng những nếp sống mà còn sự cảm nhận của con người đối với cuộc đời chung quanh. Tình là tất cả; tình biến đổi mọi sự: "Râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon." Tình nghĩa vợ chồng kiến tạo nơi tâm hồn mỗi người ý thức chấp nhận lẫn nhau cũng như chấp nhận hoàn cảnh xảy đến cho cả hai: "Theo nhau cho trọn đạo Trời, dẫu mà không chiếu, trải tơi mà nằm;" để luôn có nhau: "Đôi ta như rắn điu điu, nước chảy mặc nước ta dìu lấy nhau. Đôi ta như thể con tằm, cùng ăn một lá, cùng nằm mộng nong. Đôi ta như thể con ong, con quấn con quít, con trong con ngoài;" không so sánh đua đòi ước ao: "Chồng ta áo rách ta thương, chồng người điểm phấn tô hương mặc người;" mà tất cả đều vì người phối ngẫu: "Nương song luống ngẩn ngơ lòng, vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai" (Chinh Phụ Ngâm). Hơn nữa, chính tình nghĩa vợ chồng đem lại hạnh phúc thực sự cho người phối ngẫu: "Vì chưng ăn miếng trầu anh, cho nên má đỏ tóc xanh đến giờ."Tình nghĩa vợ chồng đồng thời cũng tạo nên nỗi đau lòng, tăng thêm niềm nhớ mỗi khi có chuyện ngăn sông cách trở đôi lứa: "Bước xuống tàu, ruột bào gan thắt, Trời hỡi Trời, chồng Bắc vợ Nam." Khi có chuyện cần phải cách xa dăm hôm đôi tháng làm sao diễn tả được sự lo lắng chuẩn bị cho người phối ngẫu: "Chàng ơi trẩy sớm hay trưa, để em gánh gạo tiễn đưa hành trình." Chẳng những thế, người ra đi chưa bắt đầu cất bước thì người ở lại đã cảm thấy ưu tư lo lắng về những ngày của chồng sống nơi đất đến: "Cậu đi ba tháng cậu về, rừng thiêng nước độc chớ hề ở lâu." Và lẽ tất nhiên, tình nghĩa nặng nề bao nhiêu thì mối gắn bó chăm sóc càng được để ý bấy nhiêu: "Chim kêu vượn hú non đoài, không ai lo lắng trong ngoài cho anh." Kẻ ra đi có mục đích, công việc làm bạn, đàng này người ở lại đợi chờ ngẩn ngơ với mảnh lòng nhung nhớ: "Anh đi em một ngó chừng, ngó sông sông rộng, ngó rừng rừng sâu."Tuy nhiên, không ai lạ gì câu: "Trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh làm câu giữ mình." Trung với vua, với tổ quốc; hiếu thảo và phụng thờ cha mẹ đó là bổn phận của người làm trai. Xét như thế, người đàn ông Việt Nam đương nhiên bị quan niệm trung, hiếu choán hết phần tình cảm riêng tư dành cho vợ con. Tục Ngữ, Ca Dao ít đề cập đến tình cảm của người đàn ông đối với vợ hoặc phải đối xử thế nào trong cuộc sống vợ chồng hay bổn phận với gia đình, vợ con mà chỉ nói về bổn phận người đàn bà với chồng, phải chiều chuộng hoặc chấp nhận hoàn cảnh ngay cả khi chẳng may gặp người chồng không ra gì... Quan niệm về bổn phận và trách nhiệm được định hướng chỉ một chiều: Con cái đối với cha mẹ, vợ đối với chồng, người đàn ông trong bổn phận tôi tớ đối với vua được coi như trung thành với đất nước.Có lẽ xã hội Việt Nam thời xưa quá trọng nam khinh nữ "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô," hoặc vì cơ cấu xã hội do người đàn ông làm chủ; chỉ người đàn ông mới có thế đứng trong xã hội; đồng thời cũng người đàn ông chịu trách nhiệm đối với xã hội nên thân phận đàn bà không được đếm xỉa tới hay ít được nói tới mà chỉ được coi như phụ thuộc vào người đàn ông. Trong gia đình, đàn bà là nội tướng nhưng mọi quyết định đều do người đàn ông nên vai trò người đàn bà, dầu phải gánh chịu mọi việc, nuôi nấng dạy dỗ con cái, phục dịch chồng, phục dịch cha mẹ chồng mà vẫn bị lệ thuộc người đàn ông. Hơn nữa, vì căn bản sinh sống của người Việt dựa trên nông nghiệp cần nhiều nhân lực vì vậy có thể nói đôi khi người đàn bà chỉ được coi như chiếc máy đẻ con cho người đàn ông do đó bị coi thường chăng. Thậm chí người đàn bà nào mà không sinh được con trai để nối dõi tông đường còn bị coi là thất sủng, phải cưới vợ bé cho chồng để sinh con thế mình. Người tuyệt tự bị chế diễu, đôi khi bị coi chẳng ra gì: "Cây khô không lộc, người độc không con." Khổ nỗi ngày xưa có lẽ ít người để ý lý do tại sao vợ chồng chung sống không có con; có thể là nơi cơ thể người đàn bà, cũng có thể do người đàn ông, hoặc vì tính chất cơ thể của hai người xung khắc nên không thể có con. Thế mà thường thì lý do không con lại chỉ đổ về người đàn bà: "Có chồng mà chẳng có con, khác gì hoa nở trên non một mình." Hơn nữa vì không con nối dõi bị coi như mang tội bất hiếu; bởi thế người đàn bà không con lại càng bị mang mặc cảm nhiều hơn. Thử hỏi ai trong chúng ta không biết câu: "Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng." Quan niệm này nói lên vai trò quá lố trong quan niệm hôn nhân của người đàn ông; đồng thời cũng không nhìn nhận giá trị của người phụ nữ trong cuộc sống hôn nhân và như vậy phụ nữ chỉ được coi như món đồ hoàn toàn lệ thuộc không có quyền nhận định về chính vị thế của mình. Thêm nữa, bởi xã hội do người đàn ông làm chủ, cai quản nên phần nào nếu không muốn nói là đa số những gì đàn ông ham muốn đều được cổ võ chẳng hạn như cổ tục đa thê. Mặc dầu "Sông bao nhiêu nước cho vừa, trai bao nhiêu vợ cũng chưa vừa lòng" nói lên tâm lý tham lam chung của đàn ông nhưng chấp nhận "Trai năm thê bảy thiếp" lại cổ võ cho sự thiếu chung thủy của người chồng đối với vợ. Sự cổ võ này còn được lan rộng để đến nỗi được coi như điều nên theo của phái nữ: "Chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười chúm chím thưa anh giận gì. Thưa anh, anh giận em chi, muốn lấy vợ bé em thì lấy cho." Thật không còn gì đau lòng hơn dù chỉ phải nói lên điều mà không ai muốn: chấp nhận sự chia sẻ tình chăn gối của người phối ngẫu với người khác; thế mà lại được diễn tả với thái độ miệng cười chúm chím! Hoặc hơn thế nữa, đối với cuộc sống bình thường, đàn ông có vợ nhỏ hoặc đi ngang về tắt thì không sao nhưng đàn bà đi ngang thì lại bị trốc đầu bôi vôi, đóng trăng buông sông. Tất nhiên, dù cổ tục đa thê có được cổ võ đến đâu chăng nữa thì vẫn có những phụ nữ không thể chấp nhận chia sẻ tình nghĩa gối chăn cho người khác. Nhưng trong một xã hội, có thể nói mọi người chấp nhận như thế, phụ nữ dù muốn dù không cũng bị chấp nhận mặc dầu với nỗi lòng đau khổ cam chịu nên đã có những câu ca thán: "Ai bày cái lệ đa thê, để cho phụ nữ nhiều bề khổ đau." hoặc "Anh đừng mê bông quế mà bỏ bông lài; mai sau bông quế rụng, bông làm thơm lâu." Sự cam chịu này đa số trở thành lời bi ai "Chàng ơi phụ thiếp làm chi, thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng." Hoặc bực bội hơn nữa: "Dù chàng năm thiếp bảy thê, cũng không tránh khỏi gái sề này đâu."Xét về tình nghĩa vợ chồng một cách tương đồng, Tục Ngữ, Ca Dao nói tới rất ít; có thể vì ai cũng biết nên không được đề cập tới, hoặc vì tính chất luân lý chỉ nói lên những điều nên được củng cố mà không phô bày thực trạng chẳng ra gì chăng, hay vì khó nói do đó hiếm người nói tới. Nhìn theo khía cạnh triết lý, dân Việt không có lý thuyết triết lý mà sống triết lý do đó có thể tình nghĩa vợ chồng được lồng trong lối sống chu toàn nhiệm vụ cho xứng với vị thế của mình nơi gia đình và xã hội. Như vậy, tình cảm bị đặt nơi hàng thứ yếu sau hiếu, trung: "Mình về ta chẳng cho về, ta nắm lấy áo ta đề câu thơ. Câu thơ ba chữ rành rành: chữ trung chữ hiếu chữ tình là ba. Chữ trung thì để phần cha, chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình." Có lẽ "Chữ trung thì để phần cha" được viết cho vần với câu thơ chứ không ai gọi trung đối với cha mẹ mà là hiếu thảo với cha mẹ. Chữ trung thường được dùng trong "đạo vua tôi" hoặc "trung quân ái quốc." Đồng thời quan niệm trung hiếu được người xưa đặt rất nặng: "Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ xử tử tử, tử bất tử bất hiếu." Quan niệm trung quân còn được gọi đạo quân thần và được coi như chân lý bất di dịch của người xưa theo Khổng học bởi vua được coi như con trời, được sai xuống để cai trị muôn dân. Có lẽ với chủ đích bảo vệ ngai vàng nên quan niệm Trung Quân được cổ võ đến độ quá đáng làm giảm bớt giá trị tình nghĩa vợ chồng.Tục Ngữ, Ca dao mang nặng tính chất luân lý nên nói về những điều vợ chồng nên theo cho đẹp tình đẹp nghĩa đồng thời giúp xây dựng cuộc sống gia đình: "Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn." Lẽ đương nhiên, đã là người ai cũng mang tham, sân, si thế nên khi đã thành gia thất, ông cha ta răn dạy: "Vợ chồng là nghĩa già đời, ai ơi chớ nghĩ những lời thiệt hơn." Xét theo cơ cấu gia đình Việt Nam, người đàn ông lo làm lụng kiếm kế sinh sống cho gia đình trong khi người đàn bà quán xuyến tất cả những công việc chăm sóc con cái, nội trợ cũng như hiếu đễ đối với đôi bên cha mẹ. Qua kinh nghiệm sống, cho dù đàn ông có kiếm được nhiều tiền mấy đi chăng nữa, với tính chất thiếu tỉ mỉ lo lắng của người đàn bà, tiền bạc có chất như núi mà không biết giữ cũng chẳng còn gì để bảo vệ cuộc sống sau này; vì vậy Ca Dao, Tục Ngữ ví "Chồng như giỏ, vợ như hom." Thế nên vợ chồng cần sự tin tưởng lẫn nhau vì nếu không có sự tin tưởng nơi người phối ngẫu, "Vợ chồng chẳng trọn niềm tin, sẽ giảm hạnh phúc, lợt tình yêu thương." Mặc dầu: "Thế gian được vợ mất chồng, có phải như rồng mà được cả đôi." Bởi thế khi có chuyện không hay xảy đến, nhịn nhục là điều cần thiết cho sự êm ấm gia đình: "Chồng giận thì vợ bớt lời, chồng giận vợ giận thì giùi nó quăng."Càng sống lâu, người ta càng nhận thấy: "Thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người có nhân." Chữ nhân nghĩa mang ý chung chỉ lòng thành của con người với con người. Đối với cuộc sống lứa đôi chữ nhân là tình nghĩa vợ chồng. Nói đến tình nghĩa vợ chồng, Tục Ngữ, Ca Dao chỉ nói về nghĩa của người vợ đối với chồng chứ không nói về nghĩa của chồng đối vợ. Không ai lạ gì: "Con nuôi cha không bằng bà chăm ông." Bà chăm sóc cho ông thì không ai có thể so sánh. Người phụ nữ Việt Nam được nuôi dưỡng nơi nền luân lý giáo điều một chiều; nào Tam Tòng, Tứ Đức, nào Đạo Phu Phụ: "Đạo phu phụ tương kính như tân." (Khổng Tử), nào Ngũ Thường, nào lý thuyết Tiết Hạnh, nào "Gái chính chuyên một chồng;" nên tình người vợ đối với người chồng đậm đà tha thiết ngược hẳn tình chồng đối với vợ bởi: "Đàn ông năm bảy lá gan, lá dành cho vợ lá toan cùng người." Tuy nhiên, đối với phụ nữ: "Trăm năm giữ vẹn chữ tòng; sống sao thác vậy một chồng mà thôi." Do đó nào lạ gì nếu người phụ nữ không may xe duyên kết tóc phải người chồng chẳng ra gì thật cả là một đời khổ ải: "Chị em ơi, người ta trông thấy mặt chồng thì mừng; sao tôi trông thấy mặt chồng thì lại như gừng, như vôi." Hoặc bẽ bàng hơn: "Rồng vàng tắm nước ao tù, người khôn ở với người ngu nặng mình."Đàn ông có thương vợ thì cũng chỉ một phần nào tỏ nỗi lòng nhớ nhung: "Anh đi anh nhớ noi Côi, nhớ sông Vị Thủy nhớ người tình chung. Quản bao non nước ngại ngùng, lấy ai san sẻ gánh gồng đàng xa." San sẻ chỉ là chia bớt phần nào sự khổ cực, hoặc vì yêu thương nên thăng hoa người mình thương cũng chỉ là sự thường "Lỗ mũi em tám gánh lông, chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho...;" trong khi tình người vợ đối với chồng thật là tha thiết. Người vợ chẳng những yêu thương chồng mà còn chấp nhận và hy sinh quá điều nên làm: "Đốt than nướng cá cho vàng, đem tiền mua rượu cho chàng uống chơi. Phòng khi có khách đến chơi, cơm ăn, rượu uống cho vui lòng chàng." Tình của người vợ đối với chồng là một sự lệ thuộc, một chấp nhận hy sinh chính bản thân mình: "Thương chồng nên phải lầm than, xưa nay ai bắt việc quan đàn bà." Hoặc "Vì chàng thiếp phải bắt cua, những như thân thiếp, thiếp mua ba đồng. Vì chàng thiếp phải long đong, những như thân thiếp cũng xong một bề."Tình đã khó dứt, nghĩa lại càng khó hơn; thế nên khi lập gia đình, người phụ nữ cũng phải đắn đo mặc dầu ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đó: "Chẳng ham nhà ngói ba tòa, ham vì biết được mẹ cha hiền lành;" bởi cha mẹ hiền lành sẽ dạy dỗ, đào tạo nên những người con có nghĩa. Hơn nữa, tâm tình của con người được khuôn đúc từ cuộc sống luân lý cộng thêm tính chất hy sinh đồng thời được phụ họa do bản tính đặc biệt của phụ nữ: yêu thương là tất cả, nghĩa của người vợ đối với chồng bao quát cả cuộc sống được lồng trong vị thế nhiệm vụ: "Sách có chữ rằng phu xướng phụ tòng, làm thân con gái lấy chồng xuất gia. Lấy em về thờ kính mẹ cha, thờ cha kính mẹ ấy là người ngoan." Như vậy, nào lạ gì người Việt mình nói tình nghĩa vợ chồng chứ không nói tình nghĩa chồng vợ!