CƠ CẤU GIA ĐÌNH

     ã hội Việt Nam đặt nền tảng trên gia đình. Có thể nói gia đình là một xã hội nhỏ trong đó người cha đứng đầu. Dầu được coi như mọi quyền hành nằm trong tay người cha, vai trò người mẹ nắm hầu hết phần quan trọng, điều hành của gia đình. Con cái là những phần tử của xã hội căn bản này và được giáo dục bởi cha mẹ. Xét theo nghĩa bình thường, gia đình chỉ bao gồm cha mẹ và con cái. Trên thực tế, người Việt Nam nhìn nhận một gia đình trong sự liên hệ với đại gia đình gồm có ông bà cha mẹ, anh em họ hàng. Bởi xã hội Việt Nam còn có một nền luân lý cộng đồng nên giá trị của gia đình nhỏ này lại bị lệ thuộc vào tiếng tăm, sự liên đới của đại gia đình với xã hội. Đó cũng là lý do tại sao ông bà ta có câu "Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống."
Xét như thế, gia đình Việt Nam bao gồm ông bà, cha mẹ, cô, chú, bác, và con cái. Trên cha mẹ là ông bà, ngang vai cha mẹ là cô, chú, bác, rồi mới tới con cháu trong họ máu. Hơn nữa, dầu anh em họ máu được coi trọng hơn hết trong sự liên hệ gia đình, người Việt Nam còn đặt nặng tình liên đới. Đôi khi anh em dầu đã xa mà sự liên hệ thân thiết lại được coi không khác gì anh em ruột thịt. Do đó, nếu nhìn vào cơ cấu gia đình Việt Nam xét trong phương diện giáo dục, cũng nên đặt thêm vấn đề về sự liên đới vì con cái trong gia đình sẽ chịu ảnh hưởng bởi những người thường xuyên có liên hệ. Gia đình Việt Nam không những giúp đỡ, xây dựng cho con cái mà còn mang nặng tính chất giáo dục. Gia đình dạy cho con người nhận biết sống cho có thứ tự lớp lang, xứng bậc của mình đối với đại gia đình; đồng thời qua nề nếp giáo dục sống liên hệ với anh em họ hàng, gia đình đã đào tạo cho xã hội những thành viên tốt sau này trong lối sống tương quan với những người khác.
Người Việt dầu một phần nào ảnh hưởng quan niệm Khổng học về Tam Cương (đạo vua - tôi, cha - con, chồng - vợ) nhưng bản tính rất dân chủ, sống hòa hợp theo thứ bậc chứ không chấp nhận làm nô lệ hay phân chia giai cấp. Chẳng hạn sự đối xử giữa vợ chồng trong gia đình, người chồng coi trọng vợ mình chứ không đối xử với vợ như con hầu đầy tớ để rồi bị lệ thuộc vào những kiểu cách phục dịch như người Nhật hay người Tàu ngày xưa. Trên thực tế, người đàn bà Việt Nam ảnh hưởng toàn bộ gia đình từ giáo dục con cái, điều hành sinh hoạt gia đình, đến ngay cả việc thay chồng đối xử với cha mẹ chồng cũng như anh em họ hàng; có lẽ vì ảnh hưởng lớn lao của người đàn bà nên có câu: "Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng."
Chính vì vấn đề giáo dục trong gia đình được coi trọng do đó cứ nhìn vào kiểu cách sinh sống của một gia đình, người ta có thể đánh giá phần nào cá nhân của gia đình đó. Không lạ gì, "Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh." Bởi vậy, "Mạch trong nước chảy ra trong, thế nào đi nữa con dòng cũng hơn." Một gia đình tốt lành sẽ đào tạo nên những người con ngoan hiền biết điều. "Xem cây biết quả" là sự thường mặc dầu đôi khi "Cây ngọt sinh trái đắng." Trong trường hợp này, ông cha ta lại xét về đức độ bởi cũng có câu ngược lại: "Nhìn quả biết cây." Lẽ tất nhiên nếu không có sự giáo dục căn bản của gia đình, "Cây ngọt" sẽ "sinh trái đắng" do ảnh hưởng xã hội vì thói thường điều xấu không cần phải học hỏi cũng có thể thực hành được và trái lại người được giáo dục kỹ lưỡng nơi gia đình, không dễ gì dám làm những điều không nên không phải có hại cho danh dự của mình và gia tộc.
Cha mẹ giáo dục con cái không những bằng lẽ phải trái khôn ngoan mà còn bằng chính cuộc sống của mình qua việc đối xử trong gia đình giữa vợ chồng, với các con cũng như tư cách, lời ăn tiếng nói đối với ông bà, anh em họ hàng thân thuộc và hàng xóm láng giềng. Xét theo đời sống lứa đôi, vợ chồng là sự ăn đời ở kiếp, tôn trọng lẫn nhau, hòa thuận và yêu thương mới có thể giúp cho con cái noi gương trở thành người tốt lành. "Cha nào con nấy" là lẽ bình thường vì khi còn nhỏ, con cái như tờ giấy trắng, học đòi theo cha mẹ. Dĩ nhiên, nếu cha mẹ không hòa thuận, con cái chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và nghi ngờ hết mọi người chung quanh. Người Mỹ cũng có quan niệm này trong vấn đề giáo dục nơi học đường: Nếu đứa trẻ sống trong môi trường chỉ trích, sẽ học đòi lên án người khác. Nếu đứa trẻ sống dưới hận thù, sẽ học đòi chống đối. Nếu sống dưới sự nhạo báng, trẻ sẽ hay bị xấu hổ... Vì thế vợ chồng thuận hòa, yêu thương sẽ là gương sáng cho con cái; "Vợ chồng là nghĩa tào khang, chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui; sinh con mới ra thân người, làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no." Kinh nghiệm cho thấy, gia đình nào không hòa thuận, dù cho cố gắng làm ăn cách mấy thì cũng sụp đổ bởi ông đi đàng ông, bà theo đàng bà, ai cũng chỉ lo thủ cho riêng mình sao còn xây dựng mà không tan cửa nát nhà.
Người Việt còn có quan niệm xứng đôi vừa lứa trong việc hôn nhân. Quan niệm xứng đôi vừa lứa khác hẳn môn đăng hộ đối. Môn đăng hộ đối tùy thuộc vị thế hai gia đình mà không cần biết gì đến con người. Thực tế cho thấy, chỉ con nhà giàu mới dễ bị hư hỏng và chưa chắc giàu đã quí mặc dầu "Giàu sang có số, ăn cỗ có phần," mà có thể là giàu nổi, giàu bởi tham lam, hoặc lừa lọc thì những loại giàu này không thể sang và chẳng bền. Do đó môn đăng hộ đối chỉ làm khổ con người. Trái lại quan niệm xứng đôi vừa lứa giúp con người dễ sống hòa hợp trong hôn nhân đưa tới sự thuận vợ thuận chồng hơn. "Thờ cha kính mẹ đã đành, theo đôi theo lứa mới thành thất gia."
Mặc dầu người Việt Nam mang tính chất dân chủ nhưng không vì thế mà sinh ra tự do quá trớn hoặc lạm dụng tự do như bên Tây Phương. Nền luân lý cộng đồng mạnh mẽ ảnh hưởng và làm khuôn mẫu cho cuộc sống một người trong sự liên đới với anh em họ hàng cũng như với người ngoài nơi xã hội. Vai trò của một người vì thế thay đổi tùy theo nơi chốn cũng như sự liên hệ của người ấy tùy theo hoàn cảnh. Chẳng hạn, trong gia đình là một người con, ra xã hội lại là quan huyện. Ông quan huyện không thể đối xử với cha mình nơi gia tộc theo vị thế của quan huyện mà là vị thế của một người con đối với một người cha. Câu "Chợ có lề quê có thói" vì vậy cũng một phần nào nói lên tư cách một người phải đối xử thế nào tùy theo sự liên hệ và vai trò của mình trong mối tương quan nơi dòng họ hay ngoài xã hội.
Trong gia đình cũng thế, vai trò nào bổn phận nấy tùy theo thứ tự lớp lang của gia đình. Vợ chồng con cái sống thuận hòa trong trách nhiệm, bổn phận và vị thế của từng người vì: "Một nhà hai chủ không hòa, hai vua một nước ắt là không yên." Hơn nữa "Rắn phải có đầu" chứ không thể đuôi bằng đầu. Nề nếp, thứ tự trong gia đình góp phần vào sự an vui của mọi người. Đối với đại gia đình cũng vậy, bậc nào thì nên sống đúng với bậc ấy: "Kình nghê vui thú kình nghê, tép tôm thì lại vui bề tép tôm." Ngay như ngôn ngữ Việt Nam cũng chỉ rõ thứ bậc và vị thế của một người trong giòng tộc đối với người khác; không như Tàu, ai cũng "nị", hoặc Mỹ, Anh, ai cũng "you". Chính lối sống trong khuôn phép thứ bậc và tâm tình được phát biểu qua ngôn ngữ. Thêm vào đó, ngôn ngữ nhắc nhở, chỉ rõ thứ bậc của một người trong sự liên hệ với đại gia đình. Câu "Giấy rách giữ lấy lề," xét theo trường hợp này nói về nguyên tắc cư xử cho mọi người đối với gia tộc. Dù cho người đó có đến thế nào chăng nữa nơi xã hội, đối với gia tộc và gia đình, vị thế phải được giữ cho đúng tôn ty trật tự của mình.
Nhìn qua sự liên đới thứ bậc trong gia đình và gia tộc như thế, người nào càng có vị thế cao nơi gia đình, càng nên lo sống xứng phận hơn: "Người trên ở chẳng kỷ cương, khiến cho kẻ dưới lập trường mây mưa." Hoặc "Người trên ở chẳng xứng ngôi, để cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào." Ý thức sống sao cho xứng phận còn bị ràng buộc bởi danh dự gia đình. Bởi nhận thức danh dự ảnh hưởng liên đới đến dòng tộc, người Việt mang thêm bổn phận bảo vệ danh dự không những của gia đình mình mà còn của cả dòng tộc. "Một người làm nên cả họ được cậy, một người làm bậy cả họ mất nhờ."
Nói rằng gia đình là căn bản giáo dục của xã hội không sai chút nào. Kinh nghiệm ấu thơ của một người khuôn đúc thái độ cho cả cuộc đời họ. Hơn nữa, gia đình tạo cho một người những kinh nghiệm căn bản làm vốn liếng cho tương lai. Từ kinh nghiệm căn bản này, những kinh nghiệm sống theo hoàn cảnh dần dần bồi đắp để tạo thành thái độ con người. Vì thế không lạ gì, bình thường những gia đình thiếu nề nếp giáo dục sẽ có những người con hư hỏng mặc dầu đôi khi "Cha mẹ cú đẻ con tiên."
DANH DỰ VÀ VAI TRÒ GIA ĐÌNH
Không những sự giáo dục gia đình giúp con người sống cho hòa hợp, thứ tự lớp lang, đào tạo những thành viên tốt cho xã hội sau này mà còn mang lại ảnh hưởng lớn lao đến danh dự gia đình. Đối với cá nhân, "Trâu chết để da, người ta chết để tiếng;" lối sống, cách cư xử, tâm tình của một người được khuôn mẫu hóa từ chính cuộc sống và sự giáo dục của gia đình; vì thế nhờ sự bảo vệ danh dự gia đình giúp con người sống biết điều, tốt lành hơn bởi "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài."
Danh dự là điều tối quan trọng không thua gì mạng sống của một người trong vai trò tương quan nơi mối liên hệ của mình đối với những người khác. Đó cũng là lý do đôi khi người nào bị ai làm tổn thương đến danh dự sẽ cảm thấy đau khổ hơn gặp tai ương hoạn nạn và có thể trở thành mối thâm thù cả đời. Tất nhiên, danh dự một người được tạo dựng và tùy thuộc cách sống, lối đối xử của mình nhưng lại bắt nguồn do sự giáo dục và lối sống, sự cư xử trong gia đình đóng góp, dạy dỗ và sửa đổi từng lời ăn tiếng nói, kiểu cách, thái độ và ngay cả tâm tình ngày này qua ngày khác từ thuở còn thơ.
Đối với người Việt, danh dự gia đình có vai trò quan trọng không kém danh dự cá nhân mà còn có thể hơn và đôi khi cá nhân chấp nhận đặt danh dự mình xuống hàng thứ yếu để bảo vệ danh dự gia đình hay gia tộc. Điều hiển nhiên, "Đất có lề, quê có thói," thì gia đình cũng thế; gia đình kiến tạo những người con, những thành viên của xã hội sau này có cá tính riêng tùy theo phong cách của gia đình vì chẳng lạ gì, "Rau nào sâu ấy."
Bởi vậy, sự hãnh diện của một người không những tùy thuộc vào danh dự của người đó mà còn tùy thuộc tiếng tăm, danh dự gia đình, giòng tộc của mình nữa. Khi nhắc đến tiểu sử những vị anh hùng hay những người nổi tiếng có vai trò quan trọng trong xã hội, sử gia thường nhắc nhở đến nguồn gốc, họ hàng giòng tộc của người đó. Đọc lịch sử người xưa, ai cũng nhận thấy danh dự gia đình đã ảnh hưởng suốt đời của một người dầu đôi khi phải chấp nhận sống trong hoàn cảnh khó khăn để bảo vệ tiếng tăm cho gia đình hay giòng họ, có khi tuân theo câu "Đói cho sạch, rách cho thơm" đến mức quá độ. Chẳng hạn, con cái giòng tộc nhà giáo không dám làm một số nghề được coi là không xứng đáng với danh dự họ hàng nhà mình...
Chính vì danh dự gia đình được coi trọng và được bảo vệ, cá nhân chấp nhận tự cải thiện hay khuôn mẫu hóa chính mình sao cho xứng đáng với danh tiếng gia đình hay giòng tộc. Như thế, danh dự gia đình một cách nào đó trở thành một trong những yếu tố căn bản giáo dục cá nhân sao cho sống xứng đáng hơn trong sự liên hệ với người khác, với làng nước và xã hội. Ngược lại, danh dự gia đình cũng phần nào bảo vệ hoặc giúp cho cá nhân tránh khỏi những trường hợp tai bay vạ gió bởi dầu sao, "Đánh chó, ngó chủ." Bảo vệ danh dự gia đình đối với người Việt là nhiệm vụ bảo vệ danh dự cho cha mẹ, ông bà, giòng tộc. Con cái sống không nên không phải mang tiếng xấu không những cho chính mình mà còn cho cha mẹ và anh em họ hàng trong giòng tộc. Đem lại tiếng tăm không tốt cho cha mẹ là bất hiếu, là ngỗ nghịch, trái đạo làm người.
Theo sự nhận xét của linh mục Dominici Đỗ Minh Trí, S. J., những phong tục tập quán trong xã hội Việt Nam bắt nguồn từ Nho giáo, và xã hội được đặt trên nền móng những mối tương quan vua tôi, cha mẹ và con cái, vợ chồng, và giữa anh chị em. Tương quan giữa cha mẹ và con cái là nền móng chi phối các mối tương quan khác. Con cái bắt buộc phải yêu kính cha mẹ và sự yêu kính này chẳng những bao hàm lòng kính trọng mà còn ở sự phục tùng cha mẹ đến suốt đời. Đó cũng là nền tảng luân lý chi phối toàn diện xã hội; nền tảng này được khuyến khích và cổ võ đến độ trở thành giáo điều, "một chân lý không thể thay đổi của trời..., một sự công chính không thể suy sụp của đất, và là một nhiệm vụ phải tuân theo của mọi người" theo Khổng Tử. (Việt Nam Quê Hương Tôi; Dominici Đỗ Minh Trí, S. J., Manila, Phi Luật Tân 1987).
Tục Ngữ, Ca Dao chỉ nói đến sự ảnh hưởng liên hệ giữa cá nhân và gia đình chẳng hạn: "Làm xui một nhà làm ra cả họ," hoặc "Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống," chứ không nói đến vai trò và sự liên hệ của gia đình đối với làng nước, xã hội. Đã là dân Việt, mọi người đều nhận thấy vai trò và sự đóng góp quan trọng của gia đình đối với xã hội; sự liên quan này có tính chất nhận thức qua sự bảo vệ danh dự chứ không được viết thành văn. Gia đình được coi là nguồn gốc căn bản của xã hội, nói cách khác, xã hội là một đại gia đình bao gồm các thành phần căn bản nhỏ hơn là gia đình. Xã hội việt Nam lại ít khi đặt vấn đề về giáo dục quần chúng mà thúc đẩy và khuyến khích nền giáo dục gia đình. Do đó, có thể nói vai trò của gia đình là căn bản đào tạo những thành viên cho xã hội. Gia đình có nề nếp thế nào, xã hội sẽ có khuôn mẫu tùy thuộc vào những đặc tính chung của các nề nếp gia đình. Hơn nữa, sự liên hệ của cha  mẹ (đại diện cho gia đình) ảnh hưởng, hay có thể nói là chính sự liên hệ của gia đình đối với xã hội. "Con vua thì lại làm vua, con chú sãi chùa thì quét lá đa," và ngược lại, "Phải khi trời đất can qua, con vua lại quét lá đa nhà chùa." Gia đình, thứ bậc xã hội thay đổi, con người thay đổi theo.
Tóm lại, đối với dân Việt, gia đình là căn bản và cũng là thế đứng cho một người, và giá trị một người gắn liền với danh dự gia đình, giòng tộc.