Hai năm sau, vào một chiều..... Cô gái áo dài màu nắng vàng đi bên người thanh niên đeo kính râm, dọc bờ hồ công viên 29/3. Cô có nét đẹp dịu dàng Á đông. Người thanh niên cao ráo, trí thức, họ đến ngồi bên ghế đá, anh thanh niên đỡ cặp cô gái, đặt sau lưng mình, âu yếm hỏi: - Dạy liền năm tiết có mệt không em? - Có cái micro đỡ nhiều lắm anh. Sao tự dưng hẹn gặp em vậy? Anh thanh niên vụt nắm tay cô gái: - Tâm Minh! Mình cưới đi em, mẹ anh hối mãi. Cô bối rối nhìn xuống hồ, một lúc chậm rãi nói: - Em thấy còn sớm quá, Đáng ạ. Hơn nữa, chẳng hiểu răng, thấy mẹ anh là em sợ. Em nhớ có lần Ty Ty nói, mẹ anh rất yêu thương anh đến độ "ghen" cả với bất cứ người bạn nào của anh dù trai hay gái. Đáng cười gượng: - Anh cũng biết tính mẹ anh hơi khó, nhưng mẹ thích em lắm, thương đến độ ngày nào cùng nhắc tên em với anh. Cô nhìn anh, lòng se lại. Mình phải hỏi thôi, đừng đi vào vết xe đổ của Diệp. - Đáng! Thật ra, từ lâu, em muốn hỏi anh một điều. Anh vuốt tóc cô, cười nhẹ, đùa: - Dạ, mời cô giáo cứ hỏi ạ. - Anh đến với em vì yêu em hay vì mẹ anh thích làm sui với mẹ em? - Cô cúi gầm, liếm môi - Và Ty Ty trong tim anh có còn không? Đáng sững sờ, thì ra vì vậy cô ngại ngần không cho anh bước tới. Ôi! Cô giáo bé nhỏ của tôi. Đáng nâng cằm Tâm Minh, nhìn thẳng mắt cô: - Em thật đáng đánh đòn, nhưng anh hiểu vì chuyện Hồng Diệp nên em mới vậy. Anh không giận. Nghe nè, cô nhỏ. Phải. Anh có hiếu với mẹ, nhưng mẹ anh không phải là bà Hai Gấm, đem bệnh tật mình bắt nọn, làm áp lực với con trai, nên nếu anh yêu mà mẹ không chịu, thì anh sẽ tự tìm hạnh phúc cho mình. Nói thật với em, ba năm trước, anh từng rủ Ty Ty về Nam chung sống cùng anh, nhưng Ty Ty từ chối. Anh đến với em hoàn toàn không vì mẹ anh, mà là ở em có sức hút ngấm ngầm sâu lắng. Và vì anh đã hiểu với Ty Ty, anh không nên nghĩ về. Cô ấy là quá khứ, em là hiện tại và tương lai. Anh yêu em bởi qua thời gian tìm hiểu, thấy em hợp tính tình. Em không sôi nổi, sinh động như Ty Ty, nhưng em dịu dàng và nhân hậu, không gai góc. Nếu em bằng lòng làm vợ anh, chắc rằng em sẽ hợp với mẹ anh. Tâm Minh chớp mắt, long lanh nét mừng vui. Đáng thấy cô đáng yêu quá, không dằn được, ôm mặt cô hôn dịu dàng, mê mẫn: - Cho anh cưới em đi, Tâm Minh. Có vợ anh sẽ không đi hoang, sẽ mở phòng mạch làm việc kiếm tiền. Cô muốn gật đầu quá, nhưng lại nhớ Ty Ty. - Anh nói tìm được Ty Ty mới hỏi cưới em mà? Đáng ghì cô, vờ nhăn nhó: - Trời ơi! Ty Ty như mây gió, biết khi mô tìm được? - Hay ta đăng báo, nhắn đài mời cổ về dự đám cưới? Tâm Minh buồn thiu: - Nó không về đâu. Đất ni với nó đầy đau thương khổ nhục, hơn nữa, Thiên đã về lại đây. - Ty Ty không biết Thiên về đây đâu. - Vì răng? - Nếu biết thì đã biết bác Gấm qua đời, cô ấy sẽ đi điếu cho trọn tình nghĩa chớ không làm lơ. - Anh rành Ty Ty dữ - Tâm Minh nguýt yêu. Đáng hôn lên mũi Tâm Minh, tay bẹo má cô: - Thôi, bỏ đi cô nhỏ. Lại đổ ghè dấm chua rồi. Nào! Có ừ không, anh hối mẹ. - Để em xin ý kiến mẹ em đã. Nghĩa là đồng ý rồi. Đáng bật cười nghe lòng thanh thản lạ. Anh thoảng nhớ ngày tháng đeo đuổi Ty Ty, bên cô anh vui, nhưng lúc nào cũng nơm nớp lên ruột với sự bốc đồng nào đó ở cô. Anh con nhà danh tiếng, làm bác sĩ nổi danh, thường ngại va vấp chuyện không đâu ngoài xã hội, còn tính Ty Ty ngang phè, thấy điều gai mắt, bất kể đang đi với anh, ở chỗ nào, nhảy vô vòng chiến. Còn với Tâm Minh, tình yêu anh không cháy bỏng, sôi nổi mà là sự êm ả, đằm thắm, sâu lắng. Mong rằng mẹ sẽ yêu người mẹ chọn lựa cho mình. Thiên chăm chú bên máy vi tính, nhìn lên màn hình mạng lưới điện, toàn khu nhà máy lần lượt hiện ra trong mắt anh. Anh cho máy đứng lại ở phần phân xưởng sản xuất. Đây rồi. Anh xoay chiếc ghế quay lùi đến máy điện thoại, bấm số: - Phân xưởng một, tổ điện nghe đây. Mối điện nối chính ngay góc máy số bốn, cho cắt cầu dao, làm ngay. Nhớ mang thiết bị an toàn. Anh bỏ điện thoại, trở lại màn hình vi tính, chiếc máy đó lại reo, anh cầm lên: - Báo cáo anh Thiên, bộ phận điều khiển máy vận hành gạch, phân xưởng ba có vấn đề. Mời anh xuống. - Được. Tôi xuống ngay. Khi Thiên xử lý xong, hơn sáu giờ chiều, cán bộ công nhân nhà máy trừ những người cùng làm với anh đều về hết. Cả, thợ chính dưới quyền anh, xếp đồ nghề cho vào hộc, rủ rê: - Hôm nay làm khờ người, đi "lỳ vài lam", anh Thiên. Thiên gật đầu, nói gọn: - Đợi mười lăm phút: - Em ra trước, kêu đồ nhắm. Quán cũ nghe. Thiên gật đầu, lấy áo quần qua thẳng phòng tắm. Cả chạy xe ra khỏi nhà máy, vừa chạy, vừa ngẫm nghĩ về sếp mới. Thiên về được một năm, nghe đâu chính giám đốc nhà máy "câu độ" anh về từ khu công nghiệp Đồng Nai. Nghe nói lương trong đó cao gấp ba lần ở đây mà không hiểu sao sếp chịu về. Có lẽ vì phó giám đốc phụ trách kỹ thuật nhà máy là anh rể sếp? Có lẽ vì giám đốc rất "ngọt" với mọi yêu cầu sếp đề ra? Dù sao làm với sếp cũng khoái. Sếp vừa giỏi, vừa bình dân, không câu nệ, không đùn việc cho cấp dưới, không mánh mung chấm mút, "làm tới nơi, chơi tới bến ". Nhà máy từ ngày có sếp, khoản điện, điện tử cứ là phơi phới không sự cố gì làm ảnh hưởng sản xuất lâu. Có điều lạ quá, sếp như mắc chứng gì, cứ lầm lì cả ngày, nói một câu không quá năm chữ. Còn nói uống rượi thì khỏi nói. Trời ơi! Có hôm lì lì chơi hết chai Napoléon Brandy vẫn tỉnh như sáo. Điều lạ nữa, nhà máy làm ca đêm, sếp ở lại không nói, không làm ca, sếp cũng ít về nhà. Điều giám đốc "ngọt" nhất với sếp là một phòng làm việc cứ như nhà riêng, có toilette, phòng ngủ, tivi, đầu máy, máy điều hòa. Lạ he. Sếp bảnh trai, phong độ, răng chuyện trai gái cứ như thầy chùa? Hay sếp có vợ rồi? Trời ơi! Điều này, đố thằng nào dám hỏi. Riêng mảnh băng tang trên ngực áo thì ai cũng biết, mẹ sếp chết hồi sếp còn làm ở Sài gòn. Cả tấp vô cái quán nhỏ "ruột" mọc ở khu nhà lá kế khu công nghiệp Hòa Khánh. Quán nhỏ mà mồi hết sẩy, giá lại bèo. Chủ quán coi Cả như một mối lớn, vì sếp thích chơi toàn rượu ngoại, đếch uống bia, một chai rượu,gọn nhẹ hơn chục két bia, lời kiểu quán cóc cũng đôi ba chục ngàn, ngon ơ. Thấy Cả tới, cô chủ quán lăng xăng làm mồi, chào hỏi: - Không thấy sếp anh? - Ra bi chừ. Có rượu chưa? - Dạ chuẩn bị sẵn, có điều..... - Gì đây, cô em? Cô chủ quán tuổi ngoài ba chục, có cô em học bên cao đẳng sư phạm, ngon chảy nước miếng luôn. Cô tò vè Thiên, nhăm nhe cho em gái, nên rất quan tâm anh hơn là túi tiền anh. - Sếp anh buồn gì, uống dữ quá. Khuyên ảnh đi. Cả lố mắt: - Trời đất! Răng tự nhiên tốt rứa? Chê tiền ổng na? Bưng dĩa bò xào mềm ra đặt xuống bàn, cô chủ ngồi xuống luôn: - Tiền có ai chê, điều là thấy sếp anh thanh niên trai tráng, nên coi sự nghiệp là trọng, đừng sa đà làm ma men phí đời - Cô chủ quán thở ra - Vì kiếm sống qua ngày tôi mới mở quán, chớ ngay đến lời bao nhiêu thấy khách quá chén là chị khó chịu rồi. Cả gãi đầu, điều nớ nghe cũng phải, anh nghiêm chỉnh nói: - Xếp em lạ lắm. Làm một năm rồi, cả nhà máy không biết chi về ổng, chỉ biết ổng với cấp phó là quan hệ em vợ anh rể. Thiên tới, Cả nín tịt. Cô chủ quán lãng ra, mặt Thiên lầm lì, lạnh lùng khiến cô ngán. Nàng "cao đẳng sư phạm" rụt rè đem ra chai rượu hôm qua uống còn. Thiên ngã ngữa ra ghế, cầm nguyên chai cho vô miệng từng hớp một. Thiên.....(mất hai trang)....... lại cho chị mình, người chị từ lâu xuất giá. Nếp nghĩ của Thiên là vậy và xuất phát từ nếp nghĩ này, sợ bất hiếu với mẹ, Thiên cắn răng cưới Diệp để mẹ vui lòng. Nhưng xem ra, Diệp không là dâu hiền như bà Hai Gấm nghĩ, bà chết mồ chưa xanh cỏ, Diệp đã đòi bán ngôi nhà từ đường bà đổ mồ hôi sôi nước mắt mấy chục năm tạo dựng nuôi con, thờ cúng...... Bà muốn Thiên về thay bà hương khói, Diệp muốn ở lại Sài gòn đua chen tìm sự nghiệp và danh lợi. Và giờ đã nói thẳng ý nghĩ đó với anh làm Thiên bừng giận: - Em nói gì vậy? Hồi mẹ còn sống, vợ chồng mình đã hứa về Đà nẵng, mẹ mới chết em quên ngay sao? Còn nữa, nhà ấy là nhà từ đường, mẹ đứng tên, mẹ chết không di chúc thừa kế, nghĩa là thành nhà chung, chín chị em ai cũng có phần, mình lấy quyền gì bán? Giọng Diệp dịu dàng trở lại, sau vẻ bất ngờ khi biết nhà là tài sản chung. - Là em nói vậy thôi. Anh coi, ở đây lương nhiều, cơ hội tiến thân dễ. Về Đà nẵng đồng lương chết đói, sau này lấy gì lo cho con? Em biết anh không quen tính toán, nhưng làm vợ, em phải thu vén dành dụm. Người xưa nói: "Giàu vì bạn, sang vì vợ" là do vậy. Còn lời hứa, khi mẹ bệnh, em hứa để mẹ vui lòng thôi, mẹ chết là hết, lời hứa gió bay, anh bận tâm làm gì? Thiên chán nản rã rời. Bé Nu ngày xưa đó ư? Con bé đói khoai ngào đường của Ty Ty khóc đến ngất, bị Ty Ty mắng đồ hư. Giờ anh mới hiểu, con bé ấy, ngay từ thuở nhỏ đã biết đạt mục đích bằng mọi con đường, và anh với cái gia tài mẹ để lại cho thằng con thừa tự, có thể cũng là một mục đích của cô? - Vậy em thì sao? Diệp đến ngồi sát vào Thiện, âu yếm quàng cổ anh, hôn nồng nàn, lẳng cả thân hình yểu điệu mà không kém phần nẩy lửa cả ba vòng vào chồng. Thiên không thể không ôm chặt cô, môi khô ráo. Anh là đàn ông trai tráng mới bén lửa hương, làm gì nhịn nổi sự gợi tình của chính vợ mình. Phần nữa, đến khi cưới Diệp, anh mới "nếm mùi đời", vào đêm tân hôm thứ hai mà Diệp rất e ấp, rất trinh nguyên lại rất gợi tình trong ân ái. Diệp lim dim rã rượi khi được anh ve vuốt, thì thào bên tai anh: - Anh con trai độc nhất, ít nhất được hai phần, còn vàng mẹ để lại cũng khá. Em tính rồi, luôn hồi môn mẹ cho em, tiền em dạy kèm làm thêm mấy năm đại học em để dành, đủ mua cái nhà trước đường, nó nhỏ nhưng được mặt tiền, mình ở trên, dưới cho thuê cũng bộn bạc. Tia lửa dục vọng Diệp nhóm lên trong Thiên tắt lịm. Diệp nói sao cũng đúng, vậy mà Thiên nghe lòng lạnh giá. Diệp không biết những gì trong ý nghĩ của Thiên. Cô đang say tiền lẫn tình từ chồng, say cả ước mơ sắp thành sự thật. Cô muốn được cùng anh trong mê đắm tột cùng. Cô rên khẽ, ghì anh: - Bồng em vào phòng đi anh. Thiên gỡ tay vợ, đứng lên, nhìn nơi khác: - Xin lỗi Diệp, anh có việc phải đi. Diệp chết lặng, bẽ bàng nhìn theo dáng Thiên khuất dạng. Từ đó, giữa hai vợ chồng xảy ra cuộc chiến tranh vì tài sản, vì công việc làm. Diệp được nhận vào công ty liên doanh Đài Loan, còn anh chạy xin việc làm ở Đà Nẵng. Diệp dịu dàng có, gây gổ có, cứng, mềm đủ kiểu với Thiên. Có khi tưởng hòa và xỏ mũi được anh theo ý mình khi trên giường, té ra Thiên khăng khăng tìm việc ở Đà nẵng. Thề không đổi ý. Giữa họ bùng lớn chuyện, khi Thiên biết chuyện động trời, cũng là lúc anh rể thứ hai Thiên về làm phó giám đốc kỹ thuật nhà máy gạch men Danaco. Và anh ta gọi Thiên về làm kỹ sư trưởng nhà máy. Diệp làm trưởng phòng tiếp thị cho công ty nọ, lương khá, đến bốn triệu một tháng. Hiềm vì chuyện đi nhiều và hai năm đầu không được lập gia đình, khi nộp đơn xin việc, được nhận và xem qua hợp đồng, Diệp dối nói chưa có gia đình. Ai ngờ có lần cô quên kế hoạch (lần dụ Thiên hòng xỏ mũi anh) vì say đắm quá, thế là "dính". Diệp không hỏi Thiên, không suy tính đắn đo gì chuyện bỏ một đứa con, dù bào thai đã hơn ba tháng (con lúc nào đẻ không được, chủ yếu sự nghiệp trước tiên). Diệp xin nghỉ phép, lý do mẹ đau đến Từ Dũ nạo thai, ai ngờ bị băng huyết. Thiên được gọi khẩn cấp, đi bằng xe hơi của công ty từ Đồng nai chạy về. Anh gần như hóa đá khi biết chuyện. Diệp ổn lại sau khi chuyền máu. Thấy Thiên chăm sóc ân cần, ngỡ "tai qua nạn khỏi", cô đâu biết lòng Thiên đã nguội lạnh như bếp tro tàn, không tình cũng nghĩa, Thiên làm người chồng lý tưởng của Diệp vì ý nghĩ đó, nhưng chính Diệp tự tay cắt sợi tơ tình chồng, nghĩa vợ đang thật mong manh giữa hai người mà không lường hậu quả. Thật ra, Diệp có lường, nên dấu Thiên, đâu dè xảy ra biến cố, cô biết cả Thiên và tám bà chị trông mong cô đẻ con nối dõi, nhưng cô không biết rõ điều ấy quan trọng thế nào trong Thiên. Anh muốn có đứa con để giết chết tình yêu dai dẳng ray rứt trong anh dành cho một người, để làm người chồng trọn tình trọn nghĩa, vậy mà..... Thiên ra quyết định, nếu Diệp về Đà nẵng, anh hứa sẽ dấu chuyện này với gia đình, cùng cô làm lại từ đầu. Bằng không, anh về một mình, ly dị vợ. Cả hai điều, Diệp không chịu. Cô vẫn làm ở Sài Gòn và không ký đơn ly dị, dù Thiên đưa đơn. Cô có bùa hộ mạng trước tòa là hợp đồng ba năm không được có con dại. Thiên xách valy về Đà nẵng, từ đó đến nay hơn năm rồi. Chai rượi cạn queo, Thiên búng tay gọi tiếp. - Đừng uống nữa anh Thiên - Cả ngăn anh. Thiên lầm lì: - Chưa đủ "đô", ngủ chó gì được? Trời! Uống rượu để ngủ cho được na? Gay hè! Chắc có chuyện to lớn buồn rồi. - Lương kỹ sư trưởng của anh tuy nhiều, nhưng cứ hai ngày một chai ni có mà... - Đừng nhắc đến tiền - Thiên cộc lốc, nhổm dậy châm thuốc. Anh không đòi rượu nữa, cứ ngửa người trên ghế thả khói liên miên. Bàn nhậu bên kia là nhóm cán bộ trẻ ở nhà máy bên cạnh. Họ trò chuyện rôm rả, khui bia bôm bốp, một gã gật gù, nhừa nhựa nói: - Thú thiệt tụi bây, lần này tao công tác được mở tầm mắt. Con gái như em dễ có mấy tay, một cơ đi luôn trăm điểm. Em có bàn tay vàng trong nghề, lẫn thú ăn chơi. Thứ nào em cũng làm ra tiền. - Em "sạch nước cản" chớ mày? - Một gã hỏi. - Đẹp. Dáng "ngon" bá chấy, có điều... - Sao? Có chồng rồi à? - Không. Có cái sẹo dài trên má trái, như bị ai rạch mặt vậy. Thẹo nhỏ thôi, nhưng nhìn thấy ớn. Cả bàn xì dài, phẩy tay. Một gã chửi thề. - Vậy đẹp chó gì? Không chừng bị rạch mặt vì giựt chồng người ta. Bên kia, Thiên như điện giật, nhổm lên, nhìn qua. Một chút đắn đo, anh búng tay gọi nửa thùng tiger, chỉ qua bàn bên, anh theo luôn, chìa tay giới thiệu: - Thiên, kỹ sư trưởng nhà máy gạc men Danaco, rất hân hạnh làm quen những tài hoa láng giềng. Bên kia Cả há hốc. Anh có mơ không? Sếp nói một câu dài mấy chục chữ, ra dáng phóng túng ăn chơi, đâu lầm lì chút mô? Cả bàn rượu bắt tay giới thiệu nhau nhặng xị, nâng ly chúc mừng tình thân hữu một trăm phần trăm. Rót đầy ly lần thứ hai, Thiên hỏi Công gã kể chuyện về cô gái chơi bida. - Tôi cũng khoái chơi bida, nhưng đối thủ nữ chưa từng gặp, nghe loáng thoáng anh kể, tôi thấy thú vị lắm. Cô ta chơi ở đâu? Công lè nhè, cười ngất, vỗ vai Thiên: - Vậy buồn năm phút dùm anh. Cổ ở tận Sài Gòn, làm răng đọ sức được? Thiên à lên, vẻ thất vọng: - Vậy cô ta dân bida chuyện nghiệp à? Thường chơi ở đâu? Có dịp về Sài Gòn công tác, độ một ván với cô ta cũng thú. Công uống một hơi cạn queo ly bia, Thiên rót tiếp. Công khoái trá tuôn hết điều mình biết. - Hôm đầu, tôi coi thường, độ hết tháng lương khi nghe chấp tôi hai mươi điểm. Cả phòng bida tụi ở đó cười tôi "nai" mà tôi đâu biết. Nói thiệt anh, ở Đà Nẵng này, tôi có máu mặt môn bida, ai dè... thua sát nút. Hôm sau, tôi tới độ tiếp, cũng thua sát nút. Tôi ngỡ cô ta hên, ai dè... Trời! Bị con nhỏ lột sạch mới biết, tay chơi tầm cỡ thi quốc tế. Sau mới biết, cô ta giàu lắm, có cửa hàng điện dân dụng, lại làm cho công ty điện lực thành phố, chơi bida là môn giải trí rồi thành nghề tay trái luôn. Anh thấy đàn bà dễ sợ chưa? - Hy vọng tôi hạ được cổ trả thù cho anh. Nào, một trăm phần trăm rồi tạm biệt. Đêm đó, Thiên không ở lại nhà máy, anh chạy về Đà Nẵng, đến nhà Tâm Minh. °