Bị mẹ chế giễu, Gian Maria lồng lên như bị ong chích. Đức ông đứng bật dậy lao xồng xộc xuống chiếc bục đặt ngai, cơn điên giận đang bám riết lấy ngài khiến công tước không thể ngồi yên lâu hơn nữa. « Tiếng hí của một con lừa ư? » công tước gằn từng tiếng, dừng phắt lại đối mặt với Caterina. Rồi ngài cười phá lên sằng sặc. « Đã có lần một chiếc xương hàm lừa đã làm nên điều kỳ diệu đấy, thưa mẫu thân, và chuyện đó sẽ có thể được lặp lại. Hãy kiên nhẫn một chút, và mẹ sẽ được thấy. » Quay sang đám triều thần đang im thin thít, đức ông cao giọng, « Các ngài nghe thấy cả rồi đấy, thưa các quý ông, » công tước gầm lên, « các ngài bảo ta phải trị tội tên phản nghịch đó ra sao? » Công tước dừng lại giây lát để chờ câu trả lời, và càng cáu kỉnh hơn khi chẳng ai lên tiếng. « Chẳng lẽ các ngài không cho ta được lời khuyên nào ư? » ngài hỏi lại với giọng đe doạ. « Thần không nghĩ, » Lodi lên tiếng cứng cỏi, « đức ông cần bất cứ lời khuyên nào. Đức ông đã kết luận rằng bá tước Aquila là một kẻ phản nghịch, nhưng từ những gì tất cả chúng ta đều đã được nghe, đức ông đáng lẽ phải thấy rõ bá tước hoàn toàn vô tội. » « Ta phải thấy thế ư? » công tước hỏi lại, đứng sững nhìn chằm chằm vào Fabrizio bằng đôi mắt lạnh ngắt như mắt rắn. « Ngài da Lodi, sự trung thành của ngài đối với ta gần đây có phần hơi chao đảo đấy. Nếu, vì lòng kính Chúa và các vị thánh tử vì đạo, từ trước đến giờ ta luôn chứng tỏ mình là một ông hoàng nhân từ luôn luôn đi quá đà về sự độ lượng, thì lúc này ta cũng cần nhắc nhở ngài đừng có lạm dụng quá đáng sự độ lượng của ta. Suy cho cùng, ta cùng chỉ là người, và sự độ lượng của ta cũng chỉ có giới hạn. » Rời khỏi khuôn mặt kiêu hãnh không chút khiếp sợ của nhà quý tộc già, công tước đưa mắt nhìn vẻ lúng túng rụt rè của mấy tay triều thần còn lại. « Sự im lặng của các ngài, thưa các quý ông, chứng tỏ các ngài cũng có cùng sự phán xét như ta. Và các ngài đã xử sự khôn ngoan, vì với những trường hợp thế này không thể có sự phán xử nào khác. Ông em họ của ta đã dám thốt ra những lời mà chưa kẻ nào dám nói như vậy với một ông hoàng lại có thể mong sống sót. Và chúng ta không có ý định tạo ra ngoại lệ. Bá tước Aquila phải trả giá cho sự hỗn xược của ông ta bằng chính cái đầu của mình. » « Con trai của ta, » Caterina kêu lên, giọng đầy kinh hãi. Gian Mari quay lại giận dữ nhìn mẹ, khuôn mặt đỏ vằn lên. « Ta đã nói như vậy, » công tước hét lên, « và ta sẽ chỉ đi ngủ khi hắn đã chết. » « Để rồi rất có thể chẳng bao giờ tỉnh dậy nữa, » mẹ đức ông trả lời. Và bà bắt đầu khiến đức ông phải mở mắt bằng một bài chê trách cay chua nhất ngài đã từng phải chịu. Bằng những lời mỉa mai bỏng rát, bằng những từ ngữ khinh miệt, bà cố tìm cách làm công tước tỉnh giấc khỏi cơn khùng. Phải chăng đức ông đã chán cai trị Babbiano rồi? Nếu thế, bà nói với con trai, ngài chỉ cần đợi đến khi Cesare Borgia tới. Và không cần phải đẩy nhanh thêm sự sụp đổ đang tới gần bằng cách phạm một sai lầm ngu ngốc có thể dẫn tới một cuộc nổi loạn, một cuộc bạo động của dân chúng để báo thù cho thần tượng của họ. « Như thế mẹ chỉ cho con có thêm lý do để ra tay, »công tước trả lời ương ngạnh. « Trong công quốc của con không thể có đất sống cho một kẻ mà nếu ta muốn lấy mạng, thì chính dân chúng của ta lại ra tay tấn công ta để trả thù cho hắn. » « Vậy hãy trục xuất hắn khỏi lãnh thổ của con, » bà mẹ thuyết phục. « Hãy lưu đày hắn, và mọi chuyện sẽ êm đẹp. Nhưng nếu con giết cậu ta, mẹ không dám chắc mạng sống của con đáng hơn một ngày nữa. » Giải pháp quả thật khôn ngoan, và cuối cùng mọi người cũng thuyết phục được công tước chấp nhận. Nhưng chỉ sau khi các triều thần đã hết lời van xin khuyên nhủ, sau khi Caterina đã cay đắng trách móc và tiên tri về số phận chắc chắn sẽ chờ đợi ngài nếu công tước liều lĩnh động đến tính mạng một người được dân chúng yêu quý tôn thờ. Miễn cưỡng, công tước đành cau có đồng ý rằng ngài sẽ thoả mãn với án lưu đày dành cho người em họ. Nhưng đức ông đã đồng ý với sự cay đắng hối tiếc tràn ngập trong tim, vì sự ghen tuông của công tước sâu sắc đến mức chỉ cái chết của Francesco mới có thể làm ngài nguôi ngoai. Và hiển nhiên chỉ có sự sợ hãi hậu quả, mà mẫu thân của đức ông đã gieo rắc vào đầu ngài, mới buộc được công tước chấp nhận chỉ lưu đày bá tước Aquila. Công tước cho gọi Martin, ra lệnh cho gã trả lại kiếm cho bá tước, đồng thời ra lệnh cho Fabrizio da Lodi đi truyền lệnh trục xuất, cho Francesco biết chàng có hai mươi bốn giờ đồng hồ để cuốn xéo khỏi lãnh thổ của Gian Maria Sforza. Sau khi đã ra lệnh với giọng gắt gỏng bất mãn, công tước cau có rời khỏi phòng, một mình quay về phòng ngủ. Vui mừng, Fabrizio da Lodi hối hả đi thừa hành công vụ được giao, đồng thời thêm thắt vào đó vài thông điệp chắc chắn đã khiến nhà quý tộc già phải trả giá bằng cái đầu của mình nếu tình cờ đến tai Gian Maria. Trên thực tế, ông lão đã tận dụng cơ hội để cố lần nữa thuyết phục Francesco chấp nhận ngôi vị công tước. « Thì giờ gấp lắm rồi, » ông lão hối thúc chàng bá tước, « chưa bao giờ có ai được dân chúng yêu quý như ngài. Tôi van xin ngài vì quyền lợi của dân chúng. Ngài là hy vọng duy nhất của họ. Chẳng lẽ ngài lại không đến với họ? » Francesco chần chừ giây lát, nghĩ ngợi về cách thức mà vương miện công tước được đề nghị trao cho chàng hơn là những lợi lộc chàng có thể kiếm được sau đó. Đã một lần, vào cái đêm đáng nhớ đó ở Sant’ Angelo, chàng đã biết thế nào là sự cám dỗ, lần đó đã có một khoảnh khắc chàng thực sự bị quyến rũ bởi lời mời chào chiếm lấy quyền hành. Nhưng lúc này thì không. Chàng chỉ nghĩ tới những người dân đã đặt niềm tin vào chàng, đã bày tỏ với chàng sự ngưỡng mộ, yêu mến, những người mà, để đáp lại sự chân thành của họ, chàng thực lòng mong ước, chàng có thể sẵn sàng phụng sự bằng bất cứ cách nào, trừ cách này ra. Chàng khẽ lắc đầu, khước từ lời đề nghị với một nụ cười buồn. « Hãy bình tĩnh lại, ông bạn già, » chàng nói thêm, « tôi không phải hạng người có thể trở thành một ông hoàng cho ra hồn, cho dù ngài đã có nhã ý nghĩ tốt cho tôi như thế. Đó là một thứ xiềng xích không bao giờ tôi muốn trói buộc mình vào. Tôi muốn sống cuộc sống của một người đàn ông, Fabrizio - một cuộc sống tự do không bị lên lớp uốn nắn bởi các triều thần, không phải làm nô lệ cho sự trái tính trái nết của một đám đông. » Khuôn mặt Fabrizio trở nên buồn so. Ông thở dài nặng nề, và vì sẽ chẳng hay ho gì cho ông nếu cứ tiếp tục nấn ná quá lâu nói chuyện với một người đang mang tội danh phản nghịch trong mắt công tước, ông cũng không tiếp tục nài nỉ thuyết phục, biết trước rằng dù có nói thêm cũng vô dụng. “ Con đường sống cho dân chúng Babbiano cũng là con đường sống cho ngài,” ông thì thầm,” vì nếu bá tước đồng ý với đề nghị của tôi, ngài sẽ không cần phải đi lưu đày nữa.” “Thì sao chứ, tôi thấy lệnh lưu đày này rất hợp ý tôi,” Francesco trả lời.” Tôi đã ăn không ngồi rồi quá lâu rồi, mà khát vọng được vùng vẫy ngang dọc đang sôi lên giục giã trong tôi. Tôi sẽ lên đường dạo chơi thế giới một lần nữa, và khi đã chán ngấy cuộc sống lang bạt, tôi sẽ rút lui về lãnh địa của mình ở Toscany, một mảnh đất quá khiêm tốn để cho ai đó có thể động lòng tham nhòm ngó, nơi sẽ không ai quấy rầy tôi, và sống thanh thản ở đó. Bạn của tôi, sau tối hôm nay, Babbiano sẽ không bao giờ thấy mặt tôi nữa. Khi tôi đã ra đi, và khi dân chúng đã nhận ra họ không thể có được những gì họ muốn, có lẽ họ sẽ an phận chấp nhận với những gì họ có.” Đoạn chàng đưa tay chỉ về phía phòng của công tước. Sau đó, chia tay người bạn già, với thanh kiếm và con dao găm Armstadt vừa trả lại vẫn còn cầm trên tay, chàng hối hả quay về căn phòng của mình ở khối nhà phía Bắc cung điện. Dừng lại ở tiền phòng, chàng cho đi nghỉ tất cả những người hầu vốn là người trong cung điện của công tước, và ra lệnh cho hai người đầy tớ cũ đã theo chàng từ Toscan, Zaccaria và Lanciotto, đóng gói hành lý của chàng lại để có thể lên đường sau một giờ nữa. Không phải là kẻ hèn nhát, nhưng chàng cũng không hề muốn mất mạng khi vẫn còn có thể tránh được một cách đàng hoàng. Cuộc đời vẫn còn đáng sống với Francesco del Falco, và chính điều này đã thúc giục chàng phải khẩn trương, vì chàng không lạ gì tính quay quắt của ông anh họ. Chàng bá tước hiểu quá rõ rằng Gian Maria đã vì bị thúc ép mà miễn cưỡng để cho chàng được ra đi, và chàng e ngại rất có lý rằng nếu chàng nấn ná, ông anh họ quý hoá có thể trở mặt bất cứ lúc nào, và ra lệnh hành quyết chàng lập tức bất chấp hậu quả. Trong khi Lanciotto bận rộn vào việc ở tiền phòng, bá tước, có Zaccaria theo hầu, đi vào phòng ngủ để thay đồ đi đường. Nhưng chàng còn chưa kịp bắt đầu thì đã bị cắt ngang bởi sự xuất hiện của Fanfulla degli Arcipreti. Khuôn mặt Francesco sáng lên vui vẻ khi nhìn thấy người bạn trẻ, và tiến lại bắt tay chàng trai. “Chuyện gì đã xảy ra vậy?” chàng trai trẻ hào hoa bật hỏi, mặc dù câu hỏi hoàn toàn thừa, vì Fabrizio da Lodi đã kể cho chàng toàn bộ câu chuyện. Chàng ngồi xuống cạnh giường, và bất chấp sự có mặt của Zaccaria – mà chàng biết là người trung thành đáng tin cậy – Fanfulla lại toan thuyết phục bá tước chấp nhận đề nghị mà Fabrizio đã không thành công. Nhưng Francesco đã không để chàng trai có thời gian nói nhiều. “Đừng mất thời giờ,” chàng phá lên cười, nhưng sự cương quyết không gì lay chuyển được vẫn hiện rõ trong giọng nói. “ Tôi là một anh chàng hiệp sĩ lang thang, chứ không phải là một ông hoàng, và không thể biến từ vai nọ sang vai kia được. Làm thế chẳng khác gì biến một người tự do thành một tên tù, và nếu cậu cứ nài nỉ nữa, Fanfulla, thì đúng là cậu không thực sự quý tôi. Cậu nghĩ rằng tôi buồn chán, suy sụp vì viễn cảnh lưu đày này sao? Không đâu, cậu bé, tôi cảm thấy trong mạch máu của mình dòng máu của tôi chảy nhanh hơn từ khi tôi được biết hình phạt. Nó giúp tôi được tự do rời khỏi Babbiano mà chẳng phải vương vấn gì, đúng vào lúc mà bổn phận, để đền đáp lại sự quý mến của dân chúng, rất có thể sẽ buộc tôi phải ở lại. Nó đã trả lại cho tôi tự do, Fanfulla yêu quý, tự do được đi bất cứ đâu tôi muốn để tìm kiếm những cuộc phiêu lưu.” Chàng dang rộng hai tay ra cười sảng khoái để lộ hai hàm răng khoẻ mạnh. Fanfulla tròn mắt nhìn bá tước, để rồi cũng bị lây sự vui vẻ khó tin của chàng. “Quả có vậy, bá tước,” anh thừa nhận,” ngài không được sinh ra để sống cảnh cá chậu chim lồng. Nhưng đi làm một hiệp sĩ lang thang …” Chàng trai trẻ ngừng lại, dang tay ra phản đối.” Thời nay làm gì còn có con rồng nào canh giữ một nàng công chúa bị cầm tù nữa.” “Tiếc thay. Nhưng những người Venise đang chuẩn bị một cuộc chiến, và sẽ chẳng thiếu việc làm cho những người như tôi. Ở đó tôi cũng không thiếu bạn bè.” Fanfulla thở dài. “Thế là chúng tôi mất ngài. Cánh tay can trường nhất đã rời bỏ Babbiano đúng vào lúc cần thiết nhất, bị cái tay công tước khùng kia xua đuổi. Thề có Chúa, ngài Francesco, ước gì tôi có thể đi theo ngài. Ở đây chẳng còn gì để làm nữa.” Đang loay hoay xỏ chiếc ủng vào chân, Francesco dừng lại, nhìn chăm chú vào người bạn trẻ. “Nhưng nếu cậu thích, Fanfulla, tôi sẽ rất mừng được có cậu làm bạn đồng hành.” Đến lúc này Fanfulla bắt đầu xem xét ý tưởng mới mẻ một cách nghiêm túc, vì lúc trước chàng trai trẻ chỉ tiện miệng thốt lên trong lúc không suy nghĩ gì. Nhưng nếu Francesco đã mời chàng cùng đi, thì tại sao lại không chứ? Kết quả là dưới màn đêm ấm áp, vào khoảng ba giờ sáng, một toán bốn người cưỡi ngựa dắt theo hai con lừa thồ hành lý rời khỏi Babbiano theo con đường dẫn tới Vianmare, và từ đó đi vào lãnh thổ Urbino. Mấy người kỵ sĩ này gồm bá tước Aquila và Fanfulla degli Arcipreti, theo sau là Lanciotto dắt một con lừa chở vũ khí của hai chàng hiệp sĩ, và Zaccaria dắt con lừa còn lại chở các đồ hành lý khác. Họ đi suốt đêm dưới bầu trời đầy sao, chỉ dừng lại ba giờ sau khi mặt trời mọc để nghỉ chân trong một chỗ râm mát dưới sườn đồi ngay gần Fabriano. Mọi người buộc ngựa dưới bóng cây ở chân một sườn đồi trồng đầy những cây ôliu, thân xám xịt, còng quèo như thân hình của một người già, nằm ngay bên bờ sông Esino tại một nơi con sông thu hẹp đến mức một người mạnh mẽ dẻo dai có thể nhảy từ bên này sang bên kia sông. Tất cả mọi người cùng cởi áo khoác trải xuống đất, và Zaccaria lục trong hành lý bày xuống trước mặt họ một bữa ăn đơn giản gồm bánh mì, rượu vang và thịt gà nướng, nhưng với những người lữ hành đã đói ngấu sau một đêm không nghỉ, không một bữa tiệc sang trọng nào lại có thể ngon lành hấp dẫn đến thế. Sau khi xong bữa, cả bốn người cùng nằm xuống nghỉ sát mép nước, chuyện trò vui vẻ một hồi cho đến khi lần lượt chìm vào giấc ngủ. Họ nghỉ ngơi như vậy qua những giờ nóng nhất trong ngày, và quãng ba giờ chiều, chàng bá tước tỉnh giấc, đứng dậy đi chừng chục bước dọc theo dòng nước cho đến chỗ nó đổ vào một chiếc hồ nhỏ sâu, xanh ngắt do phản chiếu bầu trời không một gợn mây. Chàng cởi đồ ra rồi lao mình xuống làn nước mát lạnh, vùng vẫy hồi lâu trước khi quay trở lên, nhẹ nhõm sảng khoái. Khi Fanfulla tỉnh dậy, chàng nhìn thấy trước mặt mình một thân hình lực lưỡng cân đối như của một vị thần, những giọt nước còn đọng lại trên làn da sáng sủa và mái tóc đen nhánh long lanh dưới ánh mặt trời. “Thử nói xem, Fanfulla, chẳng lẽ trên đời lại có kẻ ngu xuẩn đến mức đánh đổi một cuộc sống tuyệt vời thế này lấy chiếc vương miện công tước sao?” Chàng trai trẻ, nhìn vào khuôn mặt rạng rỡ của Francesco, có lẽ cuối cùng cũng hiểu tham vọng đôi khi cũng là một thứ thật ghê sợ tầm thường, khi nó làm con người ta mất đi tất cả tự do, tất cả niềm vui tuyệt vời mà thế giới ban tặng. Chàng trai trẻ bắt đầu suy ngẫm theo chiều hướng này và tâm sự với bá tước trong khi Francesco mặc quần áo - chiếc quần màu đỏ, đôi ủng dài đến gối bằng da không thuộc và chiếc áo trấn thủ dày bọc vải màu nâu giản dị, loại áo lính tráng thời đó thường mặc, có thể bảo vệ người mặc chống lại những nhát đâm bằng dao găm. Cuối cùng chàng đứng dậy thắt chiếc dây lưng được kết lại từ các mắt sắt, được cài vào chiếc thắt lưng là một con dao dài chắc chắn bằng thép tốt, binh khi duy nhất bá tước mang theo người. Bá tước ra lệnh đóng yên và thu xếp hành lý lại. Lanciotto đứng giữ cương cho chàng lên ngựa, trong khi Zaccaria phục vụ Fanfulla, và chỉ lát sau nhóm lữ hành nhỏ bé đã lên đường rời khỏi khoảng sườn đồi mát mẻ thơm mùi cây cỏ. Cả đoàn vượt qua đoạn sông hẹp, nước ngập chưa đến khoeo chân ngựa; sau đó rẽ sang phía đông, họ đi xa dần dãy đồi chừng nừa dặm cho đến khi gặp một con đường. Từ đó, họ rẽ lên hướng bắc đi về phía Cagli. Khi tiếng chuông nhà thờ báo hiệu buổi cầu nguyện tối vang lên cũng là lúc bốn người lữ hành dừng cương trước biệt thự Valdicampo, nơi Gian Maria đã nghỉ lại hai đêm trước. Cánh cổng dẫn vào biệt thự lập tức được mở rộng để đón chào ngài bá tước Aquila danh tiếng và cao quý mà quý ông Valdicampo đánh giá cao chẳng kém gì ông anh họ chàng. Phòng lập tức được chuẩn bị cho bá tước và Fanfulla; ông chủ nhà hiếu khách cũng lập tức ra lệnh cho gia nhân đến phục vụ khách, trang phục mới được chuẩn bị sẵn sàng cho các vị khách quyền quý thay thế, và một bữa ăn tối thịch soạn được chuẩn bị để khoản đãi Francesco. Ngay cả khi được biết Francesco đang trong cảnh thất sủng và bị trục xuất khỏi lãnh thổ của công tước Gian Maria, lòng mến khách của Valdicampo cũng không hề giảm bớt độ nhiệt tình. Ông chủ nhà đáng mến tỏ ý lấy làm tiếc cho hoàn cảnh không may của chàng và tế nhị không đi sâu hơn vào câu chuyện. Thế nhưng sau đó, khi họ ăn tối, và rượu vang đã làm ông chủ nhà trở nên bớt kín tiếng hơn, quý ông bắt đầu cho phép mình nói về cung cách cư xử của Gian Maria với lời lẽ chẳng có vẻ gì là kính trọng. “Ngay ở đây, trong nhà tôi,” ông chủ nhà kể,” ông ta đã hành hạ tàn bạo một gã tàn tật khốn khổ, một chuyện mà rất có thể hậu quả sẽ rơi xuống đầu tôi – vì chuyện đó đã xảy ra dười mái nhà tôi, cho dù tôi đã không hề biết gì.” Bị Francesco gặng hỏi, ông chủ nhà đã cho chàng biết gã tội nghiệp kia là một anh hề người Urbino tên là Peppe. Nghe đến đây, ánh mắt Francesco trở nên quan tâm chăm chú hơn. Kỷ niệm về cuộc gặp gỡ với anh hề và cô chủ của gã trong khu rừng hơn tháng trước lại sống lại trong đầu chàng, và chàng chợt nghĩ có lẽ chàng có thể đoán được từ đâu ông anh họ của chàng đã biết được những tin tức đã dẫn đến vụ bắt giữ và kết án lưu đày chàng. “Tại sao người ta lại hành hạ gã?” “Cứ như Peppe kể cho tôi hay thì anh ta tình cờ biết được điều gì đó mà Gian Maria rất muốn biết, nhưng anh hề đã thề giữ bí mật. Gian Maria liền bí mật sai người bắt cóc gã hề mang khỏi Urbino. Tay chân của ông ta đã giải gã đến đây, và để bắt gã hề mở miệng, công tước treo anh chàng tội nghiệp lên tra tấn ngay trong phòng ngủ của mình, và có vẻ cuộc tra tấn đã đạt mục đích.” Khuôn mặt chàng bá tước sầm lại căm giận.” Đồ hèn hạ!” chàng gằn từng tiếng.” Đồ hèn nhát bẩn thỉu!” “Nhưng ngài bá tước, thử nghĩ mà xem,” Valdicampo lên tiếng,” gã Peppe tội nghiệp này chỉ là một kẻ tàn tật yếu ớt, không có được sức vóc của một người thông thường, ngài không nên phán xét hắn khắc nghiệt quá.” “Tôi không nói về anh hề tội nghiệp kia,” Francesco trả lời,”mà về gã anh họ tôi, tên bạo chúa hèn hạ kia, Gian Maria Sforza. Hãy cho tôi biết, ngài Valdicampo – anh chàng Peppe bây giờ thế nào rồi?” « Anh ta vẫn ở đây. Tôi đã cho người chạy chữa cho anh ta, và tình trạng của anh ta đã khá lên nhiều. Chẳng bao lâu nữa anh ta sẽ hoàn toàn bình phục, nhưng trong vài hôm nữa đôi tay anh ta vẫn gần như không sử dụng được. Chỉ còn thiếu chút nữa là hai tay anh ta đã bị vặn đứt khỏi người rồi. » Khi bữa tối đã xong, Francesco đề nghị ông chủ nhà dẫn chàng đến phòng Peppe. Để Fanfulla ở lại nói chuyện với đám phụ nữ, Valdicampo dẫn bá tước tới căn phòng nơi anh hề gù tội nghiệp bị tra tấn tàn nhẫn đang nằm trên giường, được một người đầy tớ gái của Valdicampo chăm sóc. « Ngài Peppe này, có người đến thăm ngài đấy, » ông chủ nhà lên tiếng, đặt giá nến xuống chiếc bàn kê cạnh giường. Gã hề quay chiếc đầu quá khổ so với thân hình về phía người mới tới, ngẩng đôi mắt buồn bã lên nhìn chàng. Vừa nhận ra bá tước, một vẻ kinh hoàng khủng khiếp in hằn lên khuôn mặt gã. « Quý ông bá tước, » gã kêu lên, cố gượng ngồi dậy, « quý ông cao quý, quý ông nhân từ, xin hãy độ lượng. Con ước gì con đã có thể tự dứt đứt cái lưỡi ngu ngốc này đi. Nhưng ngài không thể biết nỗi đau đớn con đã phải chịu đựng, và họ đã tra tấn con tàn nhẫn như thế nào để bắt con phản bội lời thề, có lẽ ngay chính ngài cũng sẽ thấy thương hại con. » « Ta biết cả rồi, » Francesco dịu giọng trả lời. « Thực ra, nếu ta có thể lường trước hậu quả của lời thề đó đối với anh, ta đã không bắt anh phải thề. » Trên khuôn mặt Peppe, sự ngờ vực đã thay chỗ sự sợ hãi. « Và ngài tha thứ cho con, thưa bá tước? » gã kêu lên. « Con đã sợ ngài sẽ trừng trị con về những hậu quả con đã gây ra cho ngài khi không giữ lời thề khi con thấy ngài bước vào. Nhưng nếu ngài tha thứ cho con, có lẽ Chúa cũng sẽ tha thứ cho con, và con sẽ không bị đày xuống địa ngục. Mà thế thì thật đáng tiếc, vì thưa ngài, dưới đó con biết làm gì? » « Làm dịu cơn đau đớn của Gian Maria, » Francesco phá lên cười trả lời. « Thế thì cũng đáng để chịu đựng hoả ngục, » Peppe lẩm bẩm, chìa ra một cánh tay mà phần khuỷu sưng phồng, biến dạng còn giữ nguyên dấu vết cuộc tra tấn gã đã phải chịu đựng. Vừa nhìn thấy cánh tay của gã hề, chàng bá tước không kìm nổi một tiếng kêu vừa căm giận vừa ghê sợ, rồi chàng vội vã hỏi thăm tình trạng vết thương của anh hề. « Bây giờ cũng không còn đau lắm, » Peppe trả lời, « và cũng chỉ vì quý ngài Valdicampo cứ khăng khăng bắt buộc mà con vẫn phải nằm đây. Con vẫn chưa thể sử dụng hai tay được, quả có vậy, nhưng chúng bình phục nhanh lắm. Chỉ ngày mai là con có thể đi lại bình thường, và con hy vọng sẽ sớm quay được về Urbino, vì cô chủ chắc đang lo sợ lắm khi thấy con mất tích, vì cô ấy là một cô chủ rất tốt bụng dịu dàng. » Trước quyết định của Peppe, chàng bá tước đã ngỏ ý đưa gã theo chàng đến Urbino ngày hôm sau, vì bản thân chàng cũng sẽ đi cùng một đường - một lời đề nghị được gã hề chấp nhận không do dự với vẻ biết ơn sâu sắc.