Tôi phải dọn nhà thêm một lần nữa, lần cuối cùng trong số bao nhiêu lần dọn nhà tôi không nhớ nữa, kể từ khi chúng tôi sống trên phố Sliska và chiến tranh bùng nổ. Lần này chúng tôi phải ở chung phòng, hoặc đúng hơn là chung xà lim chỉ chứa những đồ vật thiết yếu nhất và những tấm phản. Chung phòng với tôi là ba thành viên của gia đình Prózanski và bà A, một phụ nữ lặng lẽ, sống tách rời mặc dù bà phải làm thế trong cùng phòng như chúng tôi. Đêm đầu tiên ở đó, tôi có một giấc mơ khiến tôi nản lòng. Hình như nó khẳng định lần cuối sự ngạo mạn của tôi về số phận gia đình tôi. Tôi mơ thấy anh Henryk đến chỗ tôi, cúi xuống giường tôi và bảo “Bây giờ chúng ta đã chết cả rồi”. Chúng tôi thức giấc lúc sáu giờ sáng vì nhiều người đi lại trên lối đi bên ngoài. Có tiếng nói chuyện rất to và nhiều tiếng động khác. Các nhân công được ưu tiên làm ở dinh thự sĩ quan chỉ huy SS ở Warsaw tại Aleje Ujazdowskie đi làm việc. Sự “ưu tiên” của họ là được ăn súp béo bổ có thịt trước khi đi làm; nó làm họ thoả mãn và có tác dụng trong mấy giờ liền. Chúng tôi đi làm ngay sau họ, bụng gần như trống rỗng sau khi được uống tí súp nhạt như nước lã. Thức ăn nghèo dinh dưỡng ấy phụ hợp với tầm quan trọng của công việc: dọn sân toà nhà Hội đồng Do Thái. Hôm sau họ đưa tôi, Prózanski và đứa con trai tuổi vị thành niên của anh đến ngôi nhà dùng làm nhà kho và nhà ở cho viên chức của Hội đồng. Lúc ấy là gần hai giờ, tiếng còi quen thuộc và tiếng quát tháo của bọn Đức gọi tất cả mọi người ra sân. Mặc dù chúng tôi bị chịu đựng quá nhiều vì tay bọn Đức, chúng tôi vẫn ớn lạnh. Chúng tôi được giao cho một con số để sống mới được có hai ngày. Ai trong nhà này cũng có một con số, chắc không có cuộc chọn lựa khác nữa. Vậy lúc này nó là cái gì nhỉ? Chúng tôi vội vã xuống sân. Đúng, đây thật sự là một cuộc chọn lựa. Một lần nữa tôi chứng kiến người ta rơi vào nỗi thất vọng và lắng nghe bọn SS quát tháo, nổi đóa lúc chúng tách các gia đình và chúng tôi ra đứng ở bên phải, bên trái, chửi rủa và đánh đập chúng tôi. Một lần nữa, đội làm việc của chúng tôi được sống, với rất ít ngoại lệ. Trong số ít các ngoại lệ này là con trai của Prózanski, một cậu bé dễ thương mà tôi đã kết bạn. Mỗi lúc tôi lại càng thêm yêu mến cậu bé cho dù chúng tôi chỉ sống chung trong một phòng vỏn vẹn có hai ngày. Tôi sẽ không miêu tả nỗi tuyệt vọng đến cùng cực của cha mẹ cậu, hàng ngàn ông bố bà mẹ trong ghetto đã phải chịu những tuyệt vọng như thế trong những tháng gần đây. Cuộc lựa chọn này có một nét đặc biệt hơn: các gia đình có những nhân vật xuất chúng trong cộng đồng Do Thái đã mua tự do với bọn sĩ quan Gestapo được tiếng liêm khiết ngay tại chỗ. Bị lập thành những con số chính xác là những người thợ mộc, cắt uốn tóc, hầu bàn, và nhiều thợ lành nghề khác thật sự có ích cho bọn Đức được đưa về Umschlagplatz thay cho đến chỗ chết. Nhân tiện xin nói thêm rằng cậu bé Prózanski đã trốn khỏi Umschalagplatz và sống thêm được ít lâu nữa. Một ngày sau đó ông trưởng nhóm của tôi bảo tôi rằng ông đã thành công trong việc đưa tôi vào nhóm làm việc trong toà nhà kho của bọn SS thuộc quận Motokow hẻo lánh. Ông cam đoan với tôi rằng ở đó tôi sẽ được ăn no hơn và có nhiều điều khá hơn. Sự thật khác hẳn. Tôi phải dậy từ hai giờ sáng và đi bộ hơn chục cây số xuyên giữa thành phố đến nơi làm việc cho kịp giờ. Lúc đến nơi, mệt lử sau chuyến đi bộ quá dài, tôi phải làm việc cật lực quá sức, khuân gạch xếp thành từng chồng trên một tấm gỗ đeo phía sau lưng tôi. Giữa những lúc chuyển gạch ấy, tôi phải xách những xô vôi và khuân các thanh thép. Tôi đã làm hết sức nhưng đối với bọn đốc công SS, những chủ nhân tương lai của nhà kho này, vẫn cho là chúng tôi làm việc lề mề. Chúng ra lệnh cho chúng tôi phải khuân từng chồng gạch, vác từng thanh thép mà chạy. Ai thấy chóng mặt mà đứng lại là bị chúng quất bằng roi da có gắn nhiều cục chì nhỏ. Thật ra tôi không biết mình có đương đầu nổi với cuộc đọ sức lao động chân tay đầu tiên này không, nếu tôi không đến nài nỉ xin ông trưởng nhóm một lần nữa và đã thành công, được chuyển sang đội xây dựng một dinh thự nhỏ cho viên chỉ huy SS ở Aleje Ujazdowskie. Điều kiện ở đây có thể chịu được và tôi cố hết sức. Nói có thể chịu được vì chúng tôi làm việc cùng với nhiều thợ bậc thầy người Đức và các thợ thủ công khéo tay người Ba Lan, một số bị cưỡng bức lao động, một số làm việc theo hợp đồng. Kết quả là chúng tôi đỡ bị để ý hơn và có thể thay nhau nghỉ một chút vì chúng tôi không còn là một đội lao động thuần người Do Thái nữa. Ngoài ra những người thợ Ba Lan về hùa với chúng tôi chống lại bọn đốc công Đức và giúp chúng tôi một tay. Một yếu tố có lợi nữa là bản thân kiến trúc sư chịu trách nhiệm xây dựng toà nhà này là người Do Thái tên là Blum và một nhóm nhân viên dưới quyền đều là các kỹ sư Do Thái, tất cả đều có tay nghề xuất sắc. Bọn Đức chưa nhận ra tình hình này, và tay thợ cả Schulke được phong là kiến trúc sư – phụ trách và là một kẻ hung ác điển hình – có quyền đánh các kỹ sư bất cứ lúc nào hắn muốn. Nhưng không có các thợ thủ công Do Thái lành nghề, thật sự chẳng làm nên được gì. Vì vậy chúng tôi được đối xử tương đối nhẹ tay, lẽ tất nhiên ngoài chuyện đánh đập như đã nói, song những việc như thế hầu như không thường xuyên xảy ra. Tôi là người phụ việc hăng hái cho bác thợ nề tên là Bartczak, một người Ba Lan từ tâm, tuy chúng tôi cũng có xích mích này nọ. Thỉnh thoảng bọn Đức ở đàng sau sát chúng tôi và chúng tôi phải cố làm đúng như chúng muốn. Tôi đã cố hết sức nhưng rõ ràng là tôi đã làm đổ thang, tràn vữa, hoặc làm rớt gạch khỏi giàn giáo, và Bartczak cũng bị quát thẳng cánh. Đến lượt bác cáu với tôi, mặt bác đỏ rừ, bác lầm bầm và đợi đến lúc bọn Đức đi rồi, bác mới hất mũ khỏi trán, tay chống hông, lắc đầu mắng cái tội vụng về của tôi, bác tuôn ra một mạch: Cậu định thế nào hả? Cậu quen chơi nhạc ở đài phát thanh rồi chứ gì Szpilman? – Bác ngạc nhiên nói – Một nhạc công như cậu không thể xoay nổi cái xẻng hay trộn vữa, cậu phải vứt chúng mà đi ngủ thôi! Bác nhún vai nhìn tôi đầy vẻ nghi hoặc, rồi trút cơn giận một lần cuối, bác hét lên the thé: Thằng ngốc! Tuy vậy, mỗi khi tôi chìm vào những suy nghĩ ảm đạm, về công việc của mình và ngưng làm, quên bãng mình đang ở đâu, Bartczak không bao giờ quên nhắc nhở tôi đúng lúc viên đốc công người Đức đi đến. Vữa nào! – Bác gầm lên, vang khắp công trường và tôi vớ vội cái xô gần nhất hoặc cái bứng gạch, ra bộ đang làm việc siêng năng. Lúc này mùa đông sắp đến làm tôi đặc biệt lo lắng. Tôi không có quần áo ấm và lẽ đương nhiên là không có găng tay. Tôi khá nhậy cảm với giá rét và nếu đôi bàn tay tôi phát cước vì lao động cực nhọc như thế này, ắt tôi bị xoá sổ khỏi sự nghiệp làm một nhà nghệ sĩ dương cầm. Tâm trạng u ám cực độ, tôi ngắm lá cây trên đường phố Aleje Ujazdowskie chuyển màu khi làn gió thổi mỗi ngày một giá buốt hơn. Đúng lúc đó những con số có nghĩa được sống tạm thời chuyển thành tình trạng lâu dài, và tôi chuyển sang khu vực mới trong ghetto trên phố Kurza. Nơi làm việc của chúng tôi cũng thay đổi, đến khu vực Aryan của thành phố. Công việc xây dựng dinh thự nhỏ ở phố Aleje cũng sắp xong, cần công nhân ít hơn. Lúc này một số trong chúng tôi chuyển đến số 8 phố Narbutt, chuẩn bị làm nơi ở cho một tốp sĩ quan SS. Trời càng ngày càng rét hơn. Các ngón tay tôi mỗi lúc một tê dại khi làm việc. Tôi không biết rồi sẽ đi đến đâu nếu không tình cờ được trợ giúp, nếu không nói là một cơ may hiếm có trong vận rủi. Một hôm tôi bị ngã trong lúc khiêng vữa và bị bong gân ở mắt cá chân. Tôi trở thành vô dụng trên công trường xây dựng và kỹ sư Blum phân công tôi đến các kho. Lúc này đã là cuối tháng Mười một, và là lúc cuối cùng có hy vọng có thể cứu được hai bàn tay tôi. Dù sao ở trong kho vẫn ấm hơn ở bên ngoài. Lúc này càng có nhiều công nhân làm việc ở Aleje Ujazdowskie chuyển đến chỗ chúng tôi và cả những tên đốc công SS cũng chuyển đến công trường Narbutt. Một buổi sáng chúng tôi phát hiện trong số đó có một kẻ là tai ương cho cuộc sống của chúng tôi, một tên tàn ác mà chúng tôi không biết họ tên, nhưng chúng tôi gọi là Huých Hoác. Hắn là một tên bạo dâm, có một khoái cảm đặc biệt lúc ngược đãi người khác theo một cách nhất định: hắn ra lệnh cho người phạm lỗi cúi xuống, đút đầu người đó vào giữa hai đùi hắn, kẹp thật chặt rồi quất roi vào lưng con người khốn khổ, mặt hắn tái xanh vì giận dữ và hắn rít lên qua hàm răng nghiến chặt “Huých! Hoác! Huých! Hoác!”. Hắn không bao giờ thả ra cho đến khi nạn nhân ngất đi vì đau đớn. Một hôm có nhiều tin đồn cho một cuộc tái định cư nữa lan trong ghetto. Nếu đó đúng là sự thật, thì rõ ràng là bọn Đức có ý định huỷ diệt chúng tôi hoàn toàn. Hơn nữa chúng tôi chỉ còn lại vỏn vẹn có sáu mươi người, vậy chúng chuyển một số ít ỏi như thế ra khỏi thành phố với mục đích nào khác? Ý tưởng chống lại bọn Đức bắt đầu được nhắc đến thường xuyên. Thanh niên Do Thái đặc biệt quyết tâm chiến đấu, và đây đó bắt đầu thành lập những ngôi nhà được bí mật củng cố trong ghetto để họ có thể chống giữ được từ bên trong, nếu chuyện nghiêm trọng nhất xảy ra. Chắc bọn Đức đã đánh hơi thấy những tiến triển này, nhiều tờ sắc lệnh xuất hiện trên tường ghetto, hăng hái cam đoan với chúng tôi rằng sẽ không xảy ra cuộc tái định cư nào nữa. Bọn lính canh chúng tôi ngày nào cũng thông báo như thế và muốn những lời đoan chắc của chúng thêm thuyết phục, chúng chính thức cho phép từ nay trở đi, mỗi người chúng tôi được mua năm ký lô khoai tây, và một ổ bánh mì ở khu vực Aryan, rồi mang về ghetto. Bọn Đức còn tỏ ra rộng lượng cho phép một đại diện của đội tôi hàng ngày được thay mặt chúng tôi vào thành phố mua bán những thứ này. Chúng tôi chọn một thanh niên can đảm, được gọi là Majorek. Bọn Đức không biết anh chàng Majorek này, theo chỉ dẫn của chúng tôi, sẽ trở thành một đường dây liên lạc giữa phong trào kháng chiến bí mật trong ghetto với các tổ chức tương tự của Ba Lan ở bên ngoài. Sự cho phép chính thức đã mang lại một khối lượng đáng kể lương thực vào ghetto, khởi đầu sự mua bán nhộn nhịp trong đội. Ngày nào cũng có cả một đám người buôn bán chờ chúng tôi rời ghetto. Họ đổi ciuchy – quần áo dùng rồi – lấy đồ ăn với các bạn tôi. Tôi không chú ý đến việc mua bán này bằng các tin tức họ đưa đến cho chúng tôi. Quân Đồng Minh đã đổ bộ vào Châu Phi. Lúc này Stalingrad đã phòng thủ được ba tháng. Và ở Warsaw có một âm mưu: nhiều lựu đạn được ném vào một câu lạc bộ Café của Đức. Mỗi tin tức này đều cổ vũ tinh thần của chúng tôi, tăng thêm khả năng chịu đựng và niềm tin của chúng tôi rằng bọn Đức sắp thất bại trong một tương lai rất gần. Ngay sau đó, cuộc trả đũa có vũ trang đầu tiên nổ ra trong ghetto, trước hết chống lại những nhân vật tàn bạo trong hàng ngũ chúng tôi. Một trong những tên cảnh sát Do Thái tàn ác nhất là Lejkin bị thủ tiêu, hắn lừng danh là tên săn người thành thạo và chăm chỉ thực hiện các chỉ tiêu giao nộp người cho Umschalagplatz. Ngay sau đó tên First làm liên lạc viên giữa Gestapo và Hội đồng Do Thái bị giết chết bởi những bàn tay ám sát người Do Thái. Lần đầu tiên, những tên do thám trong ghetto bắt đầu sợ hãi. Dần dần tôi hồi phục tinh thần và ý chí để sống. Một hôm tôi đến gặp Majorek và nhờ anh gọi điện thoại cho vài người quen biết của tôi lúc anh vào thành phố, hỏi xem liệu họ có cách nào đưa tôi ra khỏi ghetto và che giấu tôi không. Chiều hôm ấy tôi hồi hộp chờ Marojek trở về. Anh về nhưng mang theo tin xấu: những người quen của tôi đều nói họ không dám liều mạng che giấu một người Do Thái. Ngoài ra họ còn giải thích rằng họ rất phẫn nộ với lời đề nghị của tôi, làm thế là mang án tử hình đến cho họ! Như thế là không trông mong gì vào sự giúp đỡ này. Họ đã nói “không”, biết đâu những người khác sẽ nhân đạo hơn chăng? Tôi không có lý gì để từ bỏ hy vọng. Năm mới đến với chúng tôi, ngày 31 tháng Mười hai 1942, một xe tải lớn chở than đến thật bất ngờ. Chúng tôi dỡ than suốt ngày hôm đó và chất trong tầng hầm của toà nhà trên phố Narbutt. Công việc nặng nhọc và khó khăn, mất nhiều thời gian hơn chúng tôi tưởng. Thay vì cho về ghetto, chúng tôi ở lại đó gần hết đêm. Chúng tôi thường đi thành từng nhóm ba người từ phố Polna đến phố Chabulinski, rồi dọc theo phố Zelazna về đến ghetto. Chúng tôi đã đến phố Chabulinski thì nghe thấy nhiều tiếng kêu gào rồ dại ở đầu hàng người. Chúng tôi dừng lại ngay. Sau đó chúng tôi thấy việc vừa xảy ra. Chúng tôi bất ngờ chạm trán với hai tên SS say bí tỉ. Một trong hai tên là Huých Hoác. Chúng nhào đến quất chúng tôi túi bụi bằng roi da, cây roi bất ly thân của chúng, ngay cả trong lúc chè chén lu bù. Chúng đánh rất có phương pháp, lần lượt từng nhóm ba người, bắt đầu từ hàng đầu. Đánh xong, chúng đứng trên hè cách vài bước, rút súng lục, tên Huých Hoác gào lên: Bọn trí thức, bước ra! Chẳng còn nghi ngờ gì ý định của chúng, chúng sắp giết chúng tôi ngay tại chỗ. Tôi không biết phải làm gì. Không nằm xuống có thể làm chúng điên tiết thêm. Chúng có thể lôi chúng tôi ra khỏi hàng dọc rồi đánh tiếp rồi mới bắn chết có thể, coi như trừng phạt về tội không nghe lời. Tiến sĩ sử học Zajczyk, một giảng viên đại học đang đứng cạnh tôi cũng đang run toàn thân như tôi, và cũng không biết phải làm gì.Nhưng khi nghe tiếng ra lệnh lần thứ hai, chúng tôi bước ra khỏi hàng dọc, Chúng tôi có tất cả bảy người. Tôi lại thấy mình đối mặt với Huých Hoác, và lúc này hắn đang quát đúng vào tôi: Tao sẽ dạy cho mày kỷ luật, sao chúng mày làm lâu thế? – Hắn hoa súng dưới mũi tôi – Chúng mày phải về đây lúc sáu giờ mà bây giờ đã mười giờ rồi! Tôi nín thinh, chắc nhẩm ngay sau đó hắn sẽ bắn tôi. Hắn nhìn thẳng vào tôi bằng cặp mắt vẩn đục rồi lảo đảo dưới ngọn đèn đường rồi bất ngờ tuyên bố bằng giọng hoàn toàn bình tĩnh: Bảy đứa chúng mày đi đều bước về ghetto. Chúng mày có thể đi. Chúng tôi đã quay người bỗng hắn gầm lên: Quay lại! Lần này tiến sĩ Zajczyk đứng trước mặt hắn. Hắn túm lấy cổ áo anh, lắc lấy lắc để rồi gầm gừ: Mày có biết vì sao tao đánh chúng mày không? Vị tiến sĩ không nói gì. Thế nào, mày có biết vì sao không? – Hắn nhắc lại. Một người đứng xa hơn, rõ ràng là hoảng sợ, rụt rè hỏi: Vì sao ạ? Để nhắc chúng mày hôm nay là năm mới! Lúc đứng thành hàng xong, chúng tôi nghe tiếng hắn ra lệnh: Hát! Sửng sốt chúng tôi nhìn Huých Hoác, hắn lại lảo đảo, ợ to và nói thêm: Hát! Hát bài nào vui vui! Hắn cười phá lên vì trò đùa của mình rồi loạng choạng xuống phố. Được vài bước, hắn dừng lại, nói to, giọng đe doạ: Hát thật to, thật hay vào! Tôi không biết ai là người cất giọng đầu tiên, hoặc vì sao bài hành khúc riêng của lính lại đến trong đầu anh ta. Chúng tôi hoà theo, rốt cuộc khó mà biết được chúng tôi đã hát những gì. Chỉ đến hôm nay, nhìn lại sự việc ngẫu nhiên hôm ấy, tôi mới hiểu khía cạnh bi – hài hoà lẫn với nhau biết chừng nào. Đúng ngày đầu năm, một nhóm nhỏ người Do Thái hoàn toàn kiệt sức, đi xuyên qua các phố trong thành phố đầy những bảng thông cáo cấm chủ nghĩa yêu nước của Ba Lan, bị xử tội chết, lại hát thật to một bài ca yêu nước mà không bị trừng phạt. “Hey, strzelcy wraz!” – “Hỡi các xạ thủ, hãy vùng lên!”