Tuy vậy những cô gái lưu trú ấy cũng đã để lại trong nhà tu nghiêm nghị này những kỷ niệm tươi vui.Có những lúc tuổi trẻ chói sáng ngời ngời trong nhà tu kín này. Giờ ra chơi vừa điểm. Một cánh cửa quay trên bản lề. Chim trên cành bảo nhau: đây! Các bạn nhỏ đây! Tuổi trẻ vui tươi bỗng như nước phun lên, tràn ngập cái vườn có cây thập tự giống như một tấm vải liệm. Những khuôn mặt rạng rỡ, những vầng trán trắng tinh, những cặp mắt ngây thơ đầy ánh sáng tươi vui, tất cả các thứ ánh bình minh tỏa ra giữa bóng đêm đen tối ấy. Sau những giờ nguyện kinh, những tiếng chuông, những hồi chuông gọi, những tiếng chuông báo tử, những buổi lễ, bỗng nhiên nổ tung ra cái tiếng ồn ào của các cô gái nhỏ và mỗi con ong mang mật của nó đến. Chơi đùa, gọi nhau, túm năm, tụm ba, chạy nhảy, những hàng răng ngọc ngà xinh xắn, bi bô ở từng góc. Những tấm màn che mặt, từ đằng xa, giám sát các tiếng cười, bóng tối đang rình tia sáng. Nhưng mặc kệ, các em vẫn tươi vui, sáng rỡ, nói nói cười cười. Bốn bức tường thê thảm ấy có những phút sáng ngời.Như được ánh chói của bao nhiêu vui tươi làm cho trắng lên, chúng đứng chứng kiến những đàn ong kia bay lượn êm đềm. Đúng là một trận mưa hoa hồng đổ xuống một cảnh tang tóc. Các em gái nhỏ bay lượn dưới con mắt của các bà tu sĩ. Cái nhìn của nghiêm túc tuyệt đối không làm cho ngây thơ phải lúng túng. Nhờ có những em gái nhỏ ấy mà giữa bao nhiêu giờ phút nghiêm khắc kia có một giờ thơ ngây. Các em gái bé nhảy nhót, các em gái lớn nhảy múa. Ở nhà tu kín này trong nô đùa của trẻ con như có trời xanh. Không gì tươi sáng và huy hoàng, đường bệ, như những linh hồn tươi mát như hoa nở ấy. Omerơ cũng muốn đến đây cười đùa với Perô (Homere: nhà thơ cổ đại Hy Lạp, tác giả những chiến hùng ca Iliat và Ođixê nổi tiếng; Perrault: nhà thơ Pháp thế kỷ 17, tác giả những chuyện thần tiên nổi tiếng viết cho trẻ con như chuyện Em bé tí hon) trong cái vườn đen tối này có tuổi trẻ, có lành mạnh, có tiếng động, có tiếng kêu, có sự quay cuồng vui nhộn, có thú vui, có hạnh phúc, có thể làm cho tất cả những bà cố của anh hùng ca, của cổ tích, của ngai vàng, cũng như của lều tranh, từ Hêquýbơ đến Marơ Gơrăng, phải vui cười, giảm hết vết nhăn trên mặt.Trong cái nhà này, có lẽ hơn bất cứ ở đâu, người ta được nghe nhiều những lời trẻ con lúc nào cũng ý nhị làm cho mọi người cười và mơ mộng. Chính ở giữa bốn bức tường ảm đạm này, một em gái nhỏ năm tuổi một hôm thốt lên câu này: “Mẹ ơi! Một chị lớn vừa bảo con rằng chỉ còn phải ở đây 9 năm 10 tháng nữa thôi. Sung sướng quá nhỉ!”Cũng ở đây người ta đã được nghe những câu đối thoại đáng ghi nhớ mãi mãi này:Một mẹ tư vấn: - Con ơi sao con khóc?Em gái nhỏ (sáu tuổi) nức nở: Con bảo Alixơ rằng con thuộc lịch sử Pháp. Alixơ cứ bảo là con không thuộc, thế mà con thuộc thật.Alixơ (em lớn, chín tuổi): Không, nó không thuộc đâu.Mẹ: Con ơi! Thế nào là nó không thuộc? Alixơ: Nó bảo con là cứ mở quyển sử ra, bất cứ trang nào và hỏi nó một câu có ở trong sách, nó sẽ trả lời được cho coi. Thế rồi sao? Nó không trả lời được. Xem nào, con hỏi nó câu gì? Con đã mở quyển sách như nó bảo và đã hỏi nó câu hỏi đầu tiên con thấy. Thế câu hỏi ấy là câu hỏi gì? Như thế này: Sau đó thì thế nào?Cũng ở đây, ta nghe thấy một lời nhận xét sâu sắc về một con vẹt hơi tham ăn của một bà lưu trú: Con vẹt này mới ngộ chứ. Nó ăn cái phần nhân trên bánh, như là người ấy.Cũng ở trên một viên đá lát nhà tu kín ấy, người ta đã nhặt được những lời thú tôi sau đây của một kẻ phạm tội lên bảy tuổi chép trước vào giấy để khỏi quên.“- Thưa cha, con tự thú đã mắc tội hà tiện.“- Thưa cha, con tự thú đã mắc tội ngoại tình.“- Thưa cha, con tự thú đã mắc tội ngửa mặt lên nhìn đàn ông”.Cũng ở trên một chiếc ghế đá trong vườn này, một cái miệng hồng sáu tuổi đã đặt ra câu chuyện nhỏ này mà những cặp mắt xanh bốn, năm tuổi nghe chăm chú:- Ngày xưa có ba con gà sống ở một xứ có nhiều hoa. Chúng nó hái hoa bỏ vào túi. Xong rồi chúng nó hái lá để vào đồ chơi của chúng. Trong xứ ấy có một con chó sói và ở đấy có nhiều rừng; con sói thì ở trong rừng. Và con sói đã ăn thịt mấy con gà sống nhỏ.Và còn bài thơ nhỏ này nữa:Xảy ra câu chuyện đánh một gậyẤy là Pôlisinen đã đánh cho con mèo một gậyChuyện ấy không tốt cho Pôlisinen, chuyện ấy đã làm hại nó.Thế là một bà lớn bắt Pôlisinen bỏ tù. Ở đấy có một em bé gái bị bỏ rơi, được tu viện nhặt nuôi làm phúc. Khi em nghe các bạn khác nói đến mẹ các bạn ấy, em ngồi trong xó thì thầm câu nói hiền dịu và xót xa này:- Em thì khi em ra đời, mẹ em không có ở đây.Có một nữ tu sĩ phụ trách liên lạc với người ngoài to béo. Lúc nào người ta cũng thấy bà lật đật - ở các hành lang với chùm chìa khóa, tên bà là Agatơ. Các em gái lớn, hạng mười tuổi trở lên, đặt cho bà ấy cái tên Agatôcơlê (Agatheclas: đồng âm với Agatthe aux cléc: Agatơ chữa khóa).Nhà ăn, một gian rộng, vuông, ánh sáng chỉ lọt qua một hành lang có cột, liền ngay với vườn tu viện, thì lúc nào cũng tối và ẩm và như lời các trẻ nhỏ vẫn nói: đầy những sâu bọ. Tất cả các góc nhà xung quanh đều có sâu bọ bò đến, do đó mỗi góc có một cái tên riêng tiêu biểu trong ngôn ngữ của các cô gái nhỏ: có góc nhện, góc sâu, góc bò cạp, góc dế; góc dế thì gần bếp và các em gái nhỏ rất thích góc ấy. Ở đấy không lạnh bằng các chỗ khác. Những tên ấy, từ nhà ăn đã lan sang nhà lưu trú và được dùng để phân biệt bốn “dân tộc” như ở trường Madaranh cũ. Mỗi em gái đều thuộc một trong bốn “dân tộc” ấy tùy theo góc phòng em vẫn ngồi bữa ăn. Một hôm Đức Tổng giám mục, trong một cuộc kiểm tra, thấy một em gái xinh, hồng hào, với một bộ tóc vàng tuyệt đẹp, đi vào trong lớp ngài đang thăm. Ngài hỏi một em gái lưu trú xinh xắn khác tóc đen, đang ngồi cạnh ngài: Em gái nào đấy? Thưa Đức giám mục, đấy là một con nhện. Thế à, còn em kia? Một con dế. Và em này? Một con sâu. Thực ư: thế con cháu? Thưa Đức giám mục, cháu là một con bò cạp.Mỗi một tu viện như tu viện này đều có những nét riêng biệt của nó. Đầu thế kỷ này, Ecuen là một trong những cái nhà ấy, xinh tươi và nghiêm nghị, ở đó các cô gái nhỏ lớn lên, dưới một bóng mát thiêng liêng. Ở Ecuen, những cô gái được xếp hàng vào đám rước Mình Thánh, chia ra những “cô gái đồng trinh” những “cô gái hoa”. Rồi còn những “cô gái lọng”, những “cô gái bình hương” là những cô cầm đài lọng, những cô đốt hương trước Mình Thánh. Hoa thì các cô “gái hoa” được quyền giữ lấy. Bốn “cô gái đồng trinh” đi đàng trước. Buổi sáng ngày lễ lớn ấy, người ta thường nghe thấy ở trong phòng ngủ các em gái nhỏ hỏi nhau: Đứa nào trinh đấy?Bà Căngpăng nhắc lại lời một em nhỏ bẩy tuổi nói với một em lớn mười sáu tuổi, cô lớn đi đầu đám rước, còn cô nhỏ đứng ở đàng đuôi:- Chị thì trinh, còn em thì không trinh.