Người dịch: HUỲNH LÝ, VŨ ĐÌNH LIÊN, LÊ TRÍ VIỄN, ĐỖ ĐỨC HIỂU
G.S HUỲNH LÝ người xem lại toàn bản dịch
PHẦN THỨ NĂM - Jean Valjean- QUYỂN I CHIẾN TRANH GIỮA BỐN BỨC TƯỜNG
Chương I
NƯỚC XOÁY Ở Ô XANH ĂNGTOAN VÀ
ĐÁ NGẦM Ở Ô TĂNGLƠ

( Charybde du Faubourg saint Antoine et la scylla du Faubourg du temple)

    
ai chiến lũy đáng ghi nhớ nhất mà nhà quan sát các bệnh trạng xã hội có thể nêu ra không thuộc về thời kỳ câu chuyện kể trong sách này xảy ra. Cả hai chiến lũy đều tượng trưng cho một tình hình ghê gớm ở hai phương diện khác nhau, cả hai đều từ dưới đất mọc lên trong cuộc bạo khởi nghĩa tất yếu tháng sáu năm 1848, cuộc chiến tranh đường phố lớn nhất mà lịch sử đã chứng kiến.
Một đôi khi bất chấp những nguyên lý, bất chấp tự do bình đẳng và bác ái, bất chấp phổ thông đầu phiếu, bất chấp quyền chấp chính của toàn thể đối với toàn thể, từ những khắc khoải, những nản lòng, những xơ xác, những bức sốt, những hãi hùng, những uất khí, những dốt nát, những tăm tối của mình, đám ngu dân tuyệt vọng nổi lên phản kháng và đánh lại nhân dân.
Cùng dân tấn công pháp luật phổ thông, cùng dân tự tạo cho mình cái quyền đứng lên chống lại dân quyền.
Những ngày đó là những ngày ảm đạm, bởi vì bao giờ cũng có một lượng chính nghĩa nhất định trong sự cuồng loạn đó, và cuộc chiến đấu đó hàm cái tính chất tự sát. Những tiếng: ngu dân, cùng dân, loạn dân, dan ô hợp, được coi như là những tiếng để mạt sát, tiếc thay lại nói lên cái lỗi của người cầm quyền, hơn là cái lỗi của người bị trị, kẻ bất hạnh.
Riêng chúng tôi, không bao giờ chúng tôi nói những tiếng ấy mà không cảm thấy xót xa và kính cẩn, bởi vì khi triết lý đi sâu vào những sự kiện mà những từ ấy diễn đạt, thì triết lý tìm thấy trong đó rất nhiều cái lớn lao bên cạnh điều tồi tệ. Thành quốc Aten là kết quả của chính quyền quần chúng; cùng dân đã làm nên nước Hà Lan, dân ô hợp đã mấy lần cứu thoát La Mã, và ngu dân đã đi theo Chúa Giêsu.
Không có nhà tư tưởng nào mà không có lần chiêm ngưỡng những huy hoàng của tầng lớp đáy.
Khi thánh Giêrôm nói cái lời bí ẩn: Fex urbis, lex orbis[1], chắc ngài đã nghĩ tới đám ngu dân, đến tất cả những người nghèo khổ, những kẻ lang thang, những kẻ cùng khốn đến từ đó mà xuất hiện thánh tông đồ và các bậc tử vì đạo.
Những phẫn nộ của đám đông đau khổ vì rỏ máu, những bạo hành chống các lẽ sống của chính họ, những hành hung chống công lý, là những cuộc đảo chính của quần chúng và phải được trấn áp. Người trung thực tận tâm làm cái việc trấn áp ấy, và chống đánh đám đông chính vì yêu thương đám đông. Tuy nhiên, đương đầu với nó mà thấy nó đáng tha thứ bao nhiêu! Mà tôn kính nó bao nhiêu! Trong những giờ phút thiêng liêng hiếm có ấy, họ vừa làm cái việc phải làm, vừa cảm thấy có một cái gì khiến họ cụt hứng và hầu như ngăn họ đi xa hơn; họ vẫn tiếp tục vì cần phải vậy; nhưng lương tâm thỏa mãn lại rầu rĩ, và làm xong bổn phận, họ lại thấy xót xa.
Cần phải nói ngay rằng cuộc khởi nghĩa tháng sáu năm 1848 là một sự kiện riêng biệt và hầu như không thể xếp loại trong khoa học lịch sử. Những tiếng chúng tôi vừa nói không nên đem dùng để nói về cuộc bạo khởi kỳ lạ, qua đó chúng ta cảm thấy nhân dân lo ngại đứng lên đòi quyền lao động thiêng liêng của mình. Phải chống đánh nó, và đó là bổn phận, bởi vì nó tấn công nền Cộng hòa. Nhưng suy cho cùng, nó là gì? Là một cuộc khởi nghĩa của nhân dân tự đánh vào mình.
Chúng tôi không nói phiếm xa đề tài vì chúng tôi xin phép lưu ý bạn đọc về hai cái chiến lũy duy nhất mà chúng tôi vừa nói đến, hai chiến lũy tiêu biểu cho cuộc khởi nghĩa này.
Một cái ngáng lối vào ô Xanh Ăngtoan, một cái bảo vệ cửa ô Tăngplơ. Những ai đã thấy dựng lên sừng sững trước mặt mình, dưới trời tháng sáu rực rỡ màu xanh, hai kiệt tác ghê gớm của cuộc nội chiến đó, đều không quên nó.
Chiến lũy Xanh Ăngtoan là một công trình khổng lồ, ba tầng cao, hai trăm ba mươi thước rộng. Từ góc này qua góc nọ, nó chặn hẳn cái cửa ô rộng lớn bao gồm ba đường phố, được sẻ rãnh cắt miếng, cắt hình răng cưa, băm thành một khe hở lớn, được chống đỡ bằng những mô, tự chúng là những pháo đài, có những mũi nhô đây đó, tựa lưng vững chắc vào hai mõm dãy nhà ngoại ô, cái chiến lũy lù lù như một thành trì của thiên tướng ở cuối cái quảng trường ghê gớm đã chứng kiến vụ 14 tháng Bảy. Dọc theo chiều sâu các đường phố, ở đằng sau cái chiến lũy mẹ ấy, có cái chiến lũy khác cách quãng nhau. Chỉ nhìn thấy cái chiến lũy lớn không thôi cũng đủ thấy ở khu ngoại ô này, nỗi đau khổ mênh mông đã đến giờ hấp hối, đã đến phút chót, phút mà một sự khủng hoảng muốn trở thành một tai ương.
Chiến lũy ấy làm bằng gì? Bằng ba tòa nhà sáu tầng xô đổ, có người bảo là do người ta cố ý. Có những kẻ khác bảo là sự công phẫn công cộng đã có phép mầu phá những ngôi nhà ấy. Chiến lũy mang hình dáng thảm hại của những công trình xây dựng bằng thù hằn: sự đổ nát. Có thể nói: ai đã dựng cái chiến lũy đó? Cũng có thể hỏi: ai đã làm cái đổ nát đó? Đó là sáng tạo đột khởi của sôi sục. Ái chà! Cái cửa này! Cái cánh cổng song sắt này! Cái mái con này! Cái viền cửa này! Cái bếp vỡ này! Cái nồi rạn này! Cho tuốt! Ném tuốt vào! Đẩy đi, lăn đi, cuốn đi, dỡ đi, lật đảo đi! Xô đổ tất cả đi! Đó là sự hợp tác của đá, gạch, của xà ngang, của dầm sắt, của giẻ rách, của gạch hoa cạy lấy, của ghế thủng, của lõi bắp cải, của tả lót, của áo rách, của nguyền rủa. Vừa lớn lao, vừa ti tiện. Của hỗn mang cố bắt chước đáy vực. Đại khối bên cạnh phân tử, mảng tường xô ngã cùng với cái đĩa vỡ. Một cảnh đoàn kết đầy đe dọa của những mảnh vỡ. Xidiphơ đã ném quả núi của mình vào đó cũng như Job vứt mảnh sành vào. Tóm lại, một cái gì ghê gớm. Cao đài của kẻ khố rách.
Nhiều xe ba gác lật ngược làm cho bờ lũy gồ ghề: một xe bò lớn lật ngang, trục ngửa lên trời, trông như một vết sẹo lớn trên cái mặt xù xì. Người ta vui vẻ hò reo đẩy một xe chở khách lên đỉnh lũy, tuồng như những nhà kiến trúc của cái công trình man rợ đó muốn chen cái vui nhộn trẻ ranh vào sự hãi hùng, chiếc xe ngỏng gọng lên trời, như chờ thắng những con ngựa của không trung. Cái đống phù sa khổng lồ của bạo khởi đó khiến người ta hình dung cảnh núi Ốtxa chồng lên núi Pêliông[2] của tất cả những cuộc cách mạng: 93 trên 89, ngày 9 tháng nắng trên ngày 10 tháng Tám, ngày 18 tháng sa mù trên ngày 21 tháng Giêng, tháng hái nho trên tháng tưới cỏ, 1848 trên 1830.
Địa điểm xứng đáng với công sức người ta và cái chiến lũy này xuất hiện không hổ thẹn ở chính cái nơi mà nhà ngục Batxti bị phá hủy. Nếu đại dương đắp đê thì nó đắp như thế đấy. Cuồng lực của thủy triều đã in dấu trên đống ngổn ngang vô hình đó. Thủy triều nào vậy? Thưa, quần chúng. Người ta tưởng thấy náo động đã hóa đá. Người ta tưởng nghe vù vù trên chiến lũy đó những con ong đen tối của tiến hóa cuồng bạo như trên tổ của mình. Đây là một bụi gai góc chăng? Hay là một đám cuồng cũ? Hoặc một pháo đài? Hình như quay cuồng long óc đã quạt cánh xây dựng nên chiến lũy đó. Có uế khí ao tù trong công sự ấy lại có thiên hương trong cảnh lộn xộn kia. Trong cái bề bộn của tuyệt vọng, ta thấy cái rui mái nhà, mảnh ván buồng còn phất giấy màu, khung cửa sổ y nguyên với kính vứt vào đây để đợi đạn đại bác, những ống khói bị gỡ ra, những tủ, bàn, ghế, cả một cảnh hỗn độn ầm ĩ và muôn nghìn những vật tồi tàn mà kẻ ăn mày cũng ghê, những vật vừa chứa đựng hư không vừa chứa đựng cuồng nhiệt. Người ta có thể nói đây là mớ tã nát của dân  chúng, gỗ nát, sắt nát, đá nát mà ô Xanh Ăngtoan đã quét ra cửa bằng một cái chổi khổng lồ, đem cái nghèo khổ của mình dựng thành một chiến lũy. Những khối giống như đòn kê của đao phủ, những dây xiềng đứt, những đòn chống chữ đinh hình giá treo cổ, những bánh xe nằm ngang nhô ra giữa các thứ đổ nát, đã vào cảnh hỗn loạn ấy cái vẻ thảm đạm của các cực hình mà dân chúng ngày xưa phải chịu.
Cái gì chiến lũy Xanh Ăngtoan cũng đem làm vũ khí được, cái gì mà nội chiến có thể vứt lên trên đầu xã hội đều từ đó mà ra. Không phải là chiến lũy đấu nữa mà là cuồng chiến. Nhưng súng bảo vệ chiến lũy đó, trong số có mấy khẩu nòng loe, đã bắn đi những mảnh sứ, mảnh xương, hạt cúc, đến cả những bánh xe bàn đêm, một loạt đạn nguy hiểm vì là bằng đồng. Cái chiến lũy ấy đánh một cách say máu, nó thét lên những tiếng dữ dội khó nói; đôi lúc, thách đố quân đội, nó ùn ùn những bóng người và bão táp; nó đội một vành đầu người bốc lửa; nó chứa chật một đám đông đúc lúc nhúc; đỉnh nó lởm chởm những súng, những gươm, những gậy, những búa, những lê, những giáo, một lá cờ đỏ to rộng phần phật trước gió. Người ta nghe thấy lẫn lộn những mệnh lệnh chỉ huy, những bài ca xung kích, những hồi trống trận, những tiếng khóc của phụ nữ và những tiếng cười vang thảm hại của những kẻ đói cơm. Cái chiến lũy ấy bao la và đầy sức sống; tiếng khổ của sấm sét từ đó tung ra như từ lưng của một con thú điên. Tư tưởng cách mạng bao phủ cái đỉnh đó, cái đỉnh ầm ầm tiếng thét của nhân dân nghe như tiếng của Chúa. Cái thùng khổng lồ những đồ vụn bỏ đi ấy lại mang một oai phong kỳ lạ. Đó là một đống rác rưởi nhưng lại là quả núi tiếp nhận ý trời[3].
Chúng tôi đã nói nó nhân danh Cách mạng mà tấn công. Tấn công gì? – Cách mạng. Nó, là cái chiến lũy ấy, cái ngẫu nhiên, cái hỗn độn, cái hoảng loạn, cái hiểu lầm, cái vô tri ấy, đối diện với việc lập hiến, với chủ quyền nhân dân, với phổ thông đầu phiếu, với dân tộc, với nền Cộng hòa, đó là khúc Cacmanhôn thách thức khúc Mácxâyde.
Một cuộc thách thức điên rồ những anh dũng, vì chưng khu ngoại ô đó là một anh hùng.
Khu ngoại ô và cái chiến lũy của mình giúp đỡ nhau. Ngoại ô tì vai vào chiến lũy, chiến lũy tựa lưng vào ngoại ô. Chiến lũy rộng lớn trải dài ra như một ghềnh đá làm vỡ tan các chiến lược của những tướng lĩnh từng chiến thắng ở Chân Phi. Những hang hốc, những ung bướu, những mụn cóc của nó tuồng như nhăn nhở và cười cợt với khói lửa. Đạn ghém vào đó thì tiêu tan trong vô hình, đạn phá thụt trong đó, chìm trong đó, rơi sâu trong đó, đạn tròn chỉ chọc thủng những lỗ sẵn có. Bắn phá hỗn độn thì được gì chứ? Và các trung đoàn quen nhìn những cảnh chiến đấu dữ dội nhất phải lo ngại khi trông thấy các pháo đài ác thú này, cái pháo đài lởm chởm nhu gáy lợn rừng và đồ sộ như quả núi.
Ở cách một phần tư dặm, chỗ phố Yăngplơ đỗ ra đại lộ, gần Lầu nước, nếu ai mạnh dạn thò đầu ra ngoài tiền diện cửa hàng của Đanlơmanhơ thì sẽ thấy ở đằng xa, khỏi con sông đào, một bức thành lạ lùng. Bức thành ấy nằm trên đường phố đi lên theo của cái dốc. Bức thành cao ngang tầng hai của các tòa nhà, làm thành một thứ vạch nối các nhà bên phải với các nhà bên trái, như thể là đường phố đã quay bức tường cao nhất của mình ra để tự đóng lối lại. Bứa thành ấy xây bằng đá. Nó thẳng thớm, đúng cách, lạnh lùng, dựng đứng, san bằng theo thước thợ, nhắm thẳng bằng dây mực, cân đứng bằng dây chì. Có thiếu xi măng đấy, nhưng cũng như ở một số tường thành La mã, cái đó không lệch nét kiến trúc mẫu mực của nó. Trông chiền cao có thể đoán được chiều dày. Đường đỉnh song song với đường móng. Từng chặng trên mặt xám của nó, có những lỗ châu mai rất khó nhận thấy, giống như những đoạn chỉ đan. Khoảng cách giữa các lỗ châu mai ấy không đồng đều. Đường phố xa tăm tắp vắng lặng. Tất cả cửa sổ, cửa ra đều đóng kín. Ở cuối phố có cái đập chắn làm cho đường phố biến thành một ngõ cụt. Một bức thành im lìm và yên tĩnh: không nghe thấy gì, không nhìn thấy gì ở đó; không một tiếng kêu, không một tiếng động, không một hơi thở. Một nhà mồ.
Mặt trời tháng sáu chói chang dội ánh sáng lên cái vật khủng khiếp đó.
Đó là cái chiến lũy của ngoại ô Tăngplơ.
Đặt chân đến khu vực đó, thoạt nhìn thấy nó thì kẻ bạo gan nhất cũng không khỏi tư lự trước hiện cảnh bí ẩn này. Một cái gì thật thẳng, thật đúng, thật khớp nhau, lồng nhau, cân đối nhau và thật ảm đạm. Ở đấy, vừa có khoa học vừa có hắc khí. Người ta cảm thấy người chỉ huy chiến lũy vừa là một nhà hình học vừa là một ma quái. Người ta nhìn vào đó và hạ thấp giọng.
Thỉnh thoảng nếu có một người, lính, sĩ quan, hoặc dân biểu, mạo hiểm, vượt qua nền đường vắng vẻ, thì người ta nghe một tiếng rít khẽ và kẻ qua đường ngã xuống bị thương hay chết, và nếu hắn không việc gì thì người ta thấy găm vào một cánh cửa đóng, một kẽ đá hay một búc tường nào đó, một viên đạn. Đôi khi một mảnh đạn ghém. Những người giữ chiến lũy chiến đấu đã lấy hai ống gang dãn khí đốt, nhét kín một khẩu đại bác nhỏ. Thuốc súng không hề tiêu phí cái xác chết và những vũng máu trên nền đá. Tôi còn nhớ có con bướm trắng bay đi bay lại trong đường phố: mùa hè đâu chịu lép vế.
Ở quanh đó, dưới các cổng lớn cho xe cộ ra vào, thương binh dồn đống.
Ở đấy, người ta cảm thấy mình bị một kẻ vô hình ngắm bắn và ngươi ta hiểu rằng suốt chiều dài đường phố đang bị những mũi súng chĩa vào.
Các cầu cuốn bắc ngang qua sông đào làm thành một thứ lưng lừa ở cửa ô Tăngplơ, binh lính tấn công tập hợp ở sau cầu ấy. Nghiêm trang, kính cẩn, họ quan sát cái pháo đài đầy sát khí đó, cái vật không hề lay chuyển đó, cái vật reo rắc cái chết chóc đó. Một đôi tên bò sát lên đến khoảng cao nhất của chiếc cầu, cẩn thận cố giữ cho mũ không nhô lên.
Đại tá Môngtêna gan dạ đứng nhìn khâm phục cái chiến lũy đó và rùng mình. Ông nói với một dân biểu: - Họ  xây dựng giỏi thật! Không có một viên đá nào thòi ra. Như là bằng sành vậy. - Lúc đó, một viên đạn bay tới làm vỡ tấm huân chương trên ngực và ông ngã xuống.
- Lũ hèn nhát! Họ nói. Chúng cứ thò mặt ra thử xem! Cứ ra đây! Chúng không dám! Chúng trốn biệt.
Chiến lũy Tăngplơ do tám mươi người bảo vệ, bị mười nghìn dân tấn công, đã đứng vững ba ngày đêm. Ngày thứ tư, bọn tấn công làm như ở Datsa và Côngxtănglin, họ đục tường nhà, họ leo lên mái ngói đánh xuống và hạ được chiến lũy. Trong tám mươi kẻ hèn nhát đó, không một ai nghĩ đến việc chạy trốn. Tất cả đều bị giết, trừ người chỉ huy, mà lát nữa chúng tôi sẽ nói đến.
Chiến lũy Xanh Ăngtoan là sấm sét, náo động, chiến lũy Tăngplơ là im lặng. Giữa hai pháo đài đó có cái khác nhau dữ dội và nham hiểm. Cái này là một miệng hùm, cái kia là một mặt nạ.
Nếu công nhận là cuộc khởi nghĩa tháng sáu khổng lồ và tăm tối gồm có một nỗi giận dữ và một câu đó, thì người ta thấy trong chiến lũy thứ nhất có một con rồng và sau chiến lũy thứ hai có một con xphanh.
Cuốcnê là một người cao lớn, vai rộng, mặt hồng hào, quả đấm to nặng, gan dạ, trung trực, mắt nhìn thật thà và dữ dội. Quả cảm, cương nghị, dễ giận, mau tự ái, một con người dễ gần gũi nhất, một chiến sĩ đáng gờm nhất. Chiến tranh, xung sát làm cho ông dễ thở và vui tính. Ông từng là sĩ quan hải quân và nghe ông nói, thấy ông cử động, người ta đoán được ông ở đại dương mà ra và từ bão táp mà đến, ông tiếp tục làm bão tố trong chiến đấu. Trừ cái thiên tài thì trong Cuốcnê có cái gì đó của Đăngtông cũng như ở Đăngtông có cái gì của Hécquyn trừ tính cách thần linh.
Báctêlơmi gầy còm, xanh xao, trầm mặc, vốn là loại bé con xấu số, lúc mười bảy tuổi bị một viên cảnh sát tát tai, đã rình mò hắn, chờ hắn và giết hắn và bị kết án khổ sai. Ra tù, anh ta dựng nên cái chiến lũy ấy.
Về sau, thật là bất hạnh, ở Luân- Đôn hai con người lưu vong ấy gặp nhau trong một cuộc đấu tay đôi thảm hại và Báctêlơmi đã giết Cuốcnê. Ít lâu sau, bị cuốn vào một thảm kịch yêu đương bí ẩn- một tai họa trong đó luật pháp ở Pháp nhìn thấy những trường hợp giảm khinh còn luật pháp ở Anh thì chỉ thấy tử tội- Báctêlơmi bị treo cổ. Cơ cấu xã hội u ám như thế đấy: nó làm cho cái con người có trí thông minh rõ ràng là vững chãi, có thể là lớn lao nữa mà vì thiếu thốn về vật chất, tối tăm vì đạo lý đã bắt đầu cuộc đời trong lao tù ở Pháp và kết liễu trên giá treo cổ Anh. Trong những dịp ra mặt, Báctêlơmi chỉ mang một lá cờ: lá cờ đen.
 

[1] nguyên văn Latinh: bọn cặn bã của thành phố là pháp luật của thế giới, thành phố chỉ La mã
[2] theo thần thoại Hy Lạp, khi bọn khổng lồ Titan khởi loạn chống trời, họ khiêng núi Pêliông chất chồng lên núi Ốtxa thấp hơn để leo lên đánh trời. Ở đây tác giả nói ngược lại để diễn tả đúng cảnh
[3] nguyên văn: Sinai, tên đỉnh núi trên đó Chúa Trời ban Mười điều răn của người cho nhà tiên tri Moisơ – theo đạo Thiên Chúa
 

Truyện Những Người Khốn Khổ (2) LỜI GIỚI THIỆU PHẦN THỨ NHẤT - QUYỂN I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI Chương XII Chương XIII Chương XIV QUYỂN II - Sa Ngã - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 QUYỂN III- TRONG NĂM 1817-Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX QUYỂN IV -GỬI TRỨNG CHO ÁC- Chương 1 Chương 2 Chương 3 QUYỂN V -XUỐNG DỐC -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XII Chương XII Chương XIII QUYỂN VI - GIAVE -Chương 1 Chương 2 QUYỂN VII - VỤ ÁN SĂNGMACHIƠ -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI QUYỂN VIII- Hậu Quả -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V PHẦN THỨ HAI - CÔDÉT
QUYỂN I - OATECLÔ- Chương I
Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI Chương XII Chương XIII Chương XIV Chương XV Chương XVI Chương XVII Chương XVIII QUYỂN II -CHIẾC TÀU ÔRIÔNG -Chương I Chương II Chương III QUYỂN III- GIỮ LỜI HỨA VỚI NGƯỜI ĐÃ KHUẤT -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI QUYỂN IV-CĂN NHÀ NÁT GORBÔ - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V QUYỂN V - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X QUYỂN VI - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI QUYỂN VII - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII QUYỂN VIII - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX PHẦN THỨ BA - MARIUYTX
QUYỂN I -Chương I & 2
Chương III & IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX, X Chương XI , XII Chương XIII QUYỂN II - NHÀ ĐẠI TƯ SẢN - Chương I & II Chương III & IV Chương IV & V Chương VI & VII QUYỂN III - ÔNG VÀ CHÁU - Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI Chương VII & IX QUYỂN IV - NHỮNG NGƯỜI BẠN CỦA NHÓM A.B.C - Chương 1 Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 QUYỂN V - NGHÈO KHỔ LẠI HÓA HAY Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI QUYỂN VI - HAI NGÔI SAO GẶP NHAU - Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI Chương VII & VIII Chương IX QUYỂN VII- PATƠRÔNG MINET Chương I & II Chương III & IV QUYỂN VIII-ANH NHÀ NGHÈO BẤT HẢO- Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI Chương VII & VIII Chương IX , X Chương XI, XII Chương XIII, XIV Chương XV , XVI Chương XVII , XVIII Chương XIX Chương XX Chương XX (tt) Chương XXI & XXII PHẦN THỨ TƯ- TÌNH CA PHỐ PƠLUYMÊ VÀ ANH HÙNG CA PHỐ XANH ĐƠNI
Quyển I MẤY TRANG SỬ - Chương I &II
Chương III Chương IV Chương V Chương VI QUYỂN II - Chương I Chương III & IV QUYỂN III- NGÔI NHÀ PHỐ PƠLUYMÊ Chương I Chương II & III Chương IV & V Chương VI & VII Chương VIII QUYỂN IV -NGƯỜI GIÚP MÀ CÓ THỂ LÀ TRỜI GIÚP-Chương I & II QUYỂN V -ĐOẠN CUỐI VÀ ĐOẠN ĐẦU KHÁC NHAU-Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI QUYỂN VI -CHÚ BÉ GAVRỐT -Chương I Chương II Chương III QUYỂN VII Chương I Chương II Chương III Chương IV QUYỂN VIII Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V & VI Chương VII QUYỂN IX -Chương I -HỌ ĐI ĐÂU Chương II Chương III QUYỂN X - Chương I - NGÀY 5 THÁNG 6 NĂM 1832 Chương II Chương III Chương IV Chương V QUYỂN XI - HẠT BỤI KẾT THÂN VỚI BÁO TÁP
Chương I & IIche en mảche)
Chương III & IV & V Chương VI QUYỂN XII - CÔ RANH
Chương I
Chương II Chương III Chương IV & V Chương VI Chương VII & VIII QUYỂN XVII - MARIUYTX TRONG BÓNG TỐI -
Chương I & II
Chương III QUYỂN XIV - NHỮNG NÉT VĨ ĐẠI CỦA THẤT VỌNG I
Chương I
Chương III & IV Chương V & VI Chương VII QUYỂN XV PHỐ LÔMÁCMÊ
Chương I
Chương II Chương III &I V PHẦN THỨ NĂM - Jean Valjean- QUYỂN I CHIẾN TRANH GIỮA BỐN BỨC TƯỜNG
Chương I
Chương II & III Chương IV Chương V Chương VI Chương VIII Chương X & XI Chương XII & XIII Chương XIV & XV Chương XVI Chương XVII & XVIII Chương XIX & XX Chương XXI Chương XXII & XXIII Chương XXIV QUYỂN II- RUỘT GAN CON QUÁI KHỔNG LỒ
Chương I & II
Chương III & IV Chương V QUYỂN III - BÙN ĐẤY, NHƯNG LẠI LÀ TÂM HỒN
Chương I
Chương II & III Chương IV & V Chương VI & VII Chương VIII & IX Chương X & XII Chương XIII QUYỂN IV - QUYỂN V - Chương I & II QUYỂN V - Chương III & IV Chương V - VI Chương VII & VIII QUYỂN VI- ĐÊM TRẮNG I
Chương I
Chương II Chương III & IV QUYỂN VII - DỐC CẠN CHÉN TÂN TOAN
Chương I
Chương II QUYỂN VIII- BÓNG NGẢ HOÀNG HÔN I
Chương I
Chương II & III Chương IV QUYỂN IX - ĐÊM TỐI CUỐI CÙNG, BÌNH MINH CUỐI CÙNG
Chương I & II
Chương III & IV Chương V Chương Kết