Trong phạm vị tu viện Pơti Pichpuýt có ba ngôi nhà riêng biệt hẳn với nhau: Đại tu viện các nữ tu sĩ ở, nhà lưu trú của các cô học trò nhỏ và ngôi nhà vẫn gọi là tiểu tu viện. Đây là một ngôi nhà có vườn, trong đó ở chung đụng tất cả cá tu sĩ già của nhiều dòng tu, những người còn sót lạ của các nhà tu kín mà Cách mạng đã xóa bỏ. Một tập hợp xáo trộn của tất cả các màu đen, xám, trắng của tất cả các dòng hội, tất cả các loại có thể có, mà người ta có thể gọi – nếu được phép ghép hai chữ này – một thứ tu viện Aclơcanh (Arlequin: tên một vai hề trên sân khấu nước Ý ngày xưa, vẫn mặc một cái áo may bằng các mụn vải nhiều màu chắp lại).Từ ngày lập Đế chế, những nữ tu sĩ phân tán, lạc loài đáng thương này đã được trở về đây ẩn náu dưới cánh của các bà Becnađin – bênêđichtin. Nhà nước cho họ một phụ cấp nhỏ. Các bà Pơti Pichpuýt đã sốt sắng đón họ về. Thật là một sự pha trộn kỳ lạ. Mỗi người theo kỷ luật riêng của dòng mình. Đôi khi các cô học trò lưu trú được phép, coi như một buổi giải trí lớn, đến thăm họ, vì vậy mà ký ức của các cô gái trẻ này còn nhớ với nhiều kỷ niệm khác, kỷ niệm của các mẹ Xanh Badin, mẹ Xanhtơ Scôlaxtin và mẹ Giacốp.Một trong những người ở đậu ấy đã gần như trở về nhà mình, đó là một nữ tu sĩ dòng Xanhtơ Orơ, người duy nhất của dòng này còn sót lại. Tu viện Xanhtơ Orơ, từ đầu thế kỷ mười tám chính là cái nhà Pơti Pichpuýt này, về sau trở thành sở hữu của các bà Bênêđichtin của Mactanh Vécga. Con người rất ngoan đạo này tiều tụy, nghèo khổ nên không mặc bộ áo trắng rực rỡ với cái yếm đỏ của dòng tu nữa, mà chỉ giữ bộ áo đó mặc cho một người gỗ mà đôi khi bà vui vẻ phô cho mọi người xem và khi chết bà để lại cho tu viện. Năm 1824, cả dòng tu ấy chỉ còn một người, ngày nay chỉ còn lại một con nộm.Ngoài các mẹ đáng kính ấy, một vài phụ nữ già ngoài đời, cũng như bà Anbectin, đã được phép mẹ nhất vào ngụ trong tiểu tu viện. Trong số những người này có bà Bôpho Đôpun và bà nam tước Đuyphơrên. Một bà nữa mà ở tu viện người ta chỉ biết vì cái tiếng ồn ào khi bà xỉ mũi. Các cô học trò đã đặt cho bà cái tên “Xỉ mũi to”.Vào những năm 1820 hay 1821 bà Gienlixơ, hồi đó bà đang biên tập môt tập san định kỳ tên là Dũng cảm, cũng xin vào lưu trú ở tu viện Pơti Pichpuýt, công tước Đooclêăng giới thiệu bà. Cái tổ ong xôn xao lên; các mẹ tư vấn cũng run sợ. Vì bà Gienlixơ đã từng viết tiểu thuyết. Nhưng bà bảo rằng bà là người đầu tiên ghét những tiểu thuyết của bà, vả lại bà đã đến một cái tuổi say mê đạo ghê gớm. Chúa phù hộ và nhờ ông hoàng kia nữa, bà được nhận vào ở tu viện. Nhưng chỉ sáu tháng hay tám tháng sau bà xin ra, với lý do là vườn tu viện ít bóng mát. Các bà tu sĩ thì rất mừng. Tuy đã rất già, bà Gienlixơ vẫn chơi thụ cầm và chơi rất hay.Khi ra đi bà còn để lại dấu vết của bà trong phòng. Bà Gienlixơ mê tín và giỏi chữ Latinh. Hai nét đó phác họa hình ảnh bà khá tốt. Chỉ cách đây vài năm, người ta còn thấy dán ở trong một cái tủ nhỏ ở phòng bà, cái tủ bà vẫn cất tiền và đồ trang sức, năm câu thơ chữ Latinh này mà chính tay bà đã viết bằng mực đỏ trên giấy vàng, năm câu thơ mà bà cho là có phép làm cho kẻ trộm sợ hãi.Những tội khác nhau treo trên ba thân cây.Dimas và Gesmas quyền phép Chúa đứng trung gian.Xét xử cả Dismas kiêu hãnh và Gesmas thấp hèn.Quyền phép tối cao gìn giữ chúng ta và lợi ích chúng ta.Hiến dâng những thứ đó phải đâu là mất mát thiệt thòi.(Nguyên văn Latinh như sau:Imparibus meritis pendeat tria corpora ramlsDismas et Gesmas, media ét divina potestasAlta petie Dismas, infelix, imfima, GesmasNos et res nostras conservet summa potestasNos veus dicas, ne tu furto tua perdas).Những câu thơ ấy viết theo tiếng Latinh thế kỷ thứ sáu nêu lên một vấn đề: có phải hai tên kẻ trộm trên núi Canve tên là Dismas và Gesmas hay là Dismas và Gestas, như thông thường người ta nói: cái chính tả mới này có thể không vừa ý ngài tử tước De Gestas thế kỷ trước. Ngài tự xưng mình là dòng dõi của tên ăn trộm xấu xa kia. Ngoài ra cái phép mầu nhiệm của những câu thơ ấy là một điều tin tưởng chắc chắn đối với dòng Cứu thế.Nhà thờ của tu viện, xây dựng đặc biệt để ngăn cách hẳn đại tu viện với nhà lưu trú, tất nhiên là nhà thờ chung của đại tu viện, tiểu tu viện và của nhà lưu trú. Cả người ngoài cũng có thể vào lễ nhà thờ này bằng một lối cửa riêng mở ra ngoài phố. Nhưng nhà thờ đã được xếp đặt để không một người nào trong tu viện có thể nhìn được mặt một người ở ngoài. Ta hãy hình dung một cái nhà thờ mà sàn hát bị một bàn tay khổng lồ kéo lên và gấp lại, nên không như ở trong các nhà thờ thường là một gian tiếp sau bàn thờ, mà là một cái buồng hay cái hang tối ở bên tay phải người đứng làm lễ. Gian buồng ấy được che lại bởi cái màn cao hơn hai mét đã nói ở trên; trong bóng tối của cái màn ấy, hãy dồn xếp trên những chiếc ghế gỗ, các bà tu sĩ hát kinh ở bên trái, những cô gái lưu trú bên phải, rồi những bà phục vụ, những bà mới vào dòng ở trong cùng, thế là bạn có một hình ảnh những nhà tu hành trong tu viện Pơti Pichpuýt trong một buổi lễ thánh. Cái hang tối ấy, mà người ta vẫn gọi là sàn hát, thông sang nhà tu kín bằng một dãy hành lang. Nhà thờ chỉ có cửa nhìn ra vườn. Mỗi lần các bà tu sĩ đi dự lễ, mà kỷ luật bắt buộc phải yên lặng, thì người ngoài chỉ có thể biết được sự có mặt của họ qua tiếng va chạm của cái gờ gỗ dưới ghế nhô lên hay hạ xuống.