CON CÁI

     gười Việt có câu: "Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông." Thật khó diễn tả cho hết ý nghĩa của lối chơi chữ nơi câu này. Nào thiếu gì người không có con vẫn được gọi là cha và cũng lắm người chẳng có cháu vẫn được gọi là ông nếu xét theo nghĩa đen trong liên hệ huyết thống giòng tộc. Xét theo nghĩa bóng, danh phận một người được nhìn nhận tùy theo khả năng, chức vụ lại càng khó định mức trong nhiều trường hợp. Chẳng hạn quan niệm chính danh áp dụng cho chữ "học thức." Lấy mẫu mực giới hạn nào để xác định một người là học thức hay không. Cuộc đời không thiếu chi người tay trắng làm nên! Bao nhiêu người dù ngay cả tên mình không biết ký, nói theo kiểu bình dân, "Nửa chữ nhất không biết" thế mà lối suy nghĩ, tính toán công việc làm ăn hơn hẳn một số người có bằng cấp nọ kia. Cái ngược đời khó thể hiểu là họ không có cơ hội đến nhà trường để học cũng không được học riêng tại nhà khi còn nhỏ (bởi nửa chữ nhất không biết) vì sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó thế mà đôi khi giầu có hơn một số người được ăn học. Dĩ nhiên, sinh con ra, tính theo huyết thống, có người gọi mình là bố; và đồng thời nếu là cháu thì sẽ gọi bố của bố mình là ông. Không có con, lẽ tất nhiên không có ai gọi mình là cha theo đúng nghĩa huyết thống của tiếng cha và đã không có cháu, có ai gọi là ông cũng chỉ là ông ấy. Một điều hiển nhiên, từ xưa tới nay, nơi tâm tình người Việt, những người trong bậc đôi bạn, ai cũng muốn có con cái.
Đối với cha mẹ, con cái có một vị thế quan trọng có thể nói bậc nhất nơi gia đình chẳng những vì con cái là kết quả tình yêu thương đôi lứa mà còn là mối dây bảo vệ và nối kết tình nghĩa vợ chồng cũng như niềm vui và mục đích của cuộc sống hôn nhân. Tự bản chất, con người được sinh ra với bản năng và khuynh hướng sinh tồn. Không có hình ảnh nào đẹp hơn cảnh người mẹ bồng con hoặc ông cụ già dắt tay cháu nhỏ đi dạo trong cảnh chiều hôm. Con cái nối tiếp sự sống của cha mẹ được đúc kết bởi tình yêu thương đôi lứa ngoại trừ một số trường hợp ngoài ý muốn. Ai lập gia đình mà không muốn có con; ai dựng vợ gả chồng cho con cái mà không trông mong có cháu... Thế nên cũng lắm người âu sầu vì con cái muộn vợ muộn chồng hoặc lo âu vì cưới lâu mà không sinh nở.
Đối với cuộc sống vợ chồng, con cái đóng vai trò hòa giải khá nhiều những bất bình khó thể mang, là mối xoa dịu nỗi cực khổ vất vả bon chen kiếm miếng cơm manh áo. Công việc làm của một người dù nặng nhọc đến đâu cũng đã có mục đích để chịu đựng: làm lụng đem lại cuộc sống thoải mái hơn cho con cái, không những cho con ăn no mặc ấm mà còn ngang bằng chúng bạn.
Do lòng thương con vô bờ bến, không của cải, vật dụng nào có thể so sánh hoặc có thể làm cha mẹ chú ý hơn. Cha mẹ hy sinh tất cả vì con, "Lập thân mới biết khổ thân, nuôi con mới biết công ơn sanh thành," hoặc "Chim trời ai dễ đếm lông, nuôi con ai dễ kể công tháng ngày," hay "Thương ai bằng mẹ thương con..." Nhìn vào thực tế, nhiều cảnh coi bộ trớ trêu: Cha mẹ không dám ăn diện trong khi con cái lại được sắm sửa tươm tất. Chính vì con cái được coi là quý trọng hơn bất cứ gì nơi gia đình, có người đã nói lên: "Một con một của ai từ." Con cái cũng như sự sống được cho là phước lộc trời ban: "Không con tội chết."
Lẽ đương nhiên, "Nhất con nhì cháu, thứ sáu người dưng," nhưng quan niệm về con cái theo người Việt cũng có phần nào khác biệt giữa con trai và con gái, con thứ và con trưởng. Vì theo chế độ phụ hệ, con trai được ưa chuộng hơn con gái thế nên chẳng lạ gì "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô." Con trai mang tên dòng họ; con gái sau này phải mang họ nhà chồng, không còn gì lưu vết; bởi vậy không lạ chi con gái bị viết "vô". Niềm tin tưởng tên dòng họ mình còn được lưu truyền nên con trai đầu tiên được sinh ra, cha mẹ, nhất là đàng nội vui mừng: "Thứ nhất đẻ con trai, thư hai đỗ ông nghè." Không có con trai bị coi là tuyệt tự; có lẽ quan niệm này hơi quá; chẳng qua con trai mang tên dòng họ vì quan niệm phụ hệ mà thôi; thực ra đối với quan niệm mẫu hệ, con gái lại được coi trọng hơn. Con trai trưởng là người sau này giữ hương hỏa của gia đình và khi người cha qua đời thì cũng chính con trai trưởng giữ vai trò phân định trong gia đình. Anh cả có bổn phận lo bề gia thất cho các em khi cha đã khuất núi mặc dầu hãy còn mẹ. Những việc có sự chung đụng, liên hệ với bà con thân thuộc, người anh cả đại diện cho cha đứng ra gánh vác; đồng thời giỗ tết hàng năm, các em phải đến nhà anh cả lo việc hương đèn cúng bái như khi bố mình còn sống.
Tuy nhiên, làm thân con trai trong gia đình đôi khi cũng bị du vào những trường hợp khó xử. Hơn nữa, người ta sinh ra có ai được hỏi ý kiến trước muốn có tài năng về phương diện nào bao giờ. Thường thì mãi sau này mới biết mình khéo chuyện chi, dở về gì; thế mà "Làm anh ăn trước bước đầu, vẽ vời em út ngõ hầu thay cha." Hoặc "Làm trai bách nghệ cho tinh, đến khi túng mình rở bách nghệ ra." Dẫu là những câu khuyến khích thăng tiến bản thân, đôi trường hợp gặp người chậm trí thì lại trở thành những lời mỉa mai một cách oan uổng. Hơn nữa, nơi xã hội, người con trai được trọng vọng bao nhiêu thì cũng mang nhiều trọng trách bấy nhiêu: "Đã sinh ra kiếp đàn ông, đèo cao núi thẳm sông cùng quản chi."
Con gái, mặc dầu giữ vai trò rất quan trọng trong cuộc sống gia đình nhất là ở vai trò làm vợ và làm mẹ sau này. Nhưng vì xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng quan niệm Tam Tòng nên người đàn bà bị coi là thứ yếu. "Con gái là con người ta" bởi lấy chồng bị đổi tên theo họ nhà chồng từ khi lập gia đình. Thật ra với quan niệm trọng nam khinh nữ, nhiều khi phái yếu mang nhiều thua lỗ, thiệt thòi dẫu có khả năng hơn người về nhiều phương diện vì không được trọng dụng.
Dẫu có những gia đình làm ăn nên nhờ con gái, quan niệm chung thì vẫn "Con gái đái lở đầu hè." Vừa mới lớn có thể nhờ cậy được công kia việc nọ thì đã có nơi nhòm ngó, đánh tiếng... Thế nên con gái "Sống quê cha, ma quê chồng." Khi đã lập gia đình, người phụ nữ Việt Nam hoàn toàn không tùy thuộc vào gia đình cha mẹ mình mà được coi như tách biệt hẳn: "Tay mang khăn gói qua sông, mẹ kêu mặc mẹ thương chồng phải theo." Có lẽ chính vì thế người ta chỉ chê trách trai nghe vợ chứ không ai bình phẩm gái nghe chồng. Khi xưa, quan niệm "Con gái là con người ta" ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi dù nhà chồng tàn ác với con mình thì cũng đành cắn răng chấp nhận. Quả thật, không thể hiểu được tại sao dân mình lại chịu đựng nỗi bất công một cách ghê gớm đến thế. Phỏng có phải bởi sự thiếu hiểu biết hay vì quan niệm một cách sai lầm làm cho con người lãnh hậu quả đau khổ như vậy chăng!
Tuy nhiên, lại cũng có người quan niệm "Gái mà chi, trai mà chi! Sinh ra có ngãi có nghì là hơn." Muốn cho có ngãi có nghì lại tùy thuộc vấn đề giáo dục gia đình mặc dầu "Cha mẹ sinh người trời sinh tính." Tính nết mỗi người tùy thuộc tự bản chất được sinh ra chứ chưa chắc "Nhân chi sơ, tính bản thiện" (Tam Tự Kinh). Thêm vào đó giáo dục gia đình ảnh hưởng và khuôn mẫu phần nào tư cách một người... Bình thường, "Sinh con ai nỡ sinh lòng, sinh con ai chẳng vun trồng cho con." Thế mà vẫn có những người "Con ông Sấm, cháu bà Sét." Đó cũng có thể là một trong những lý do tại sao người Việt mình đặt nặng vấn đề giáo dục gia đình: "Đẻ con chẳng dạy chẳng răn, thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy tiền." Ở đấng bậc cha mẹ, có những cảnh khó ai có thể cảm thông khi gặp trường hợp "Có con phải khổ vì con." Khổ về vật chất, cuộc sống còn có thể dễ dàng vượt qua bởi ý thức chấp nhận thân phận hay số mạng; đàng này chẳng may gặp trường hợp "Con dại cái mang" thì không những "Đẻ con khôn mát như nước, sinh con dại rát như hơ" mà người đời chẳng hiểu cho đấy là đâu lại còn chêm nếm: "Trồng cây chua ăn quả chua; trồng cây ngọt ăn quả ngọt."
Ông cha ta tin rằng "Cha mẹ hiền lành để đức cho con." Tuy nhiên, không phải những người chẳng ra gì đều có cha mẹ không hiền lành. Bởi tính nết con người tự bẩm sinh và giáo dục dẫu có ảnh hưởng lớn đến tâm tính con người thì cũng chỉ đúng cho đại đa số. Những trường hợp ngoại hạng "Cây ngọt sinh trái đắng" không phải là không có trên cõi đời này. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, những bậc cha mẹ chẳng may cuộc đời run rủi rơi vào hoàn cảnh có con cái thuộc loại "Con ông Sấm cháu bà Sét," sẽ bị cả đời phiền não. Cha mẹ nào không muốn cho con hay, con giỏi, và ai không cảm thấy "Con khôn nở mặt cha mẹ;" đồng thời có dạy con mới thấy "Con tài lo láo con kiêu, con ngu thì lại lo sao kịp người;" thế mà gặp cảnh "Con cưỡng cha mẹ" chẳng lẽ mang ra mà chém! Vì vậy, chẳng lạ gì, đôi khi "Có con tội sống, không con tội chết" cũng làm cha mẹ tan nát lòng.
Con dâu và con rể được coi nặng nhẹ khác nhau. Con dâu được coi như người trong nhà, lại có khi nắm hết cả quyền hành trong họ nếu là dâu trưởng tộc. Cứ theo câu "Con gái là con người ta, con dâu chính thực mẹ cha mua về" thì địa vị người con gái trong gia đình ruột thịt bị coi nhẹ bao nhiêu, ngược lại, vai trò con dâu có vẻ lấn át nơi gia đình chồng bấy nhiêu. Chữ "mua" có lẽ nên đổi thành chữ "cưới" mới đúng vì không ai mua vợ mà chỉ mua nàng hầu như thói lệ xa xưa. Hơn nữa người ta chỉ mua đồ vật để rồi xử dụng tùy ý... Dùng chữ mua theo quen miệng đôi khi sinh hiểu lầm mặc dầu vần dễ đọc hơn chữ cưới.
Tâm lý bình thường, một người con trai, được mẹ thương hơn con gái trong khi con gái được bố cưng hơn, và các chị em gái quí mến thân thiết đối với người con trai. Khi có vợ, tình cảm lứa đôi khiến chàng quấn quýt với vợ hơn mẹ và chị em gái đưa đến mặc cảm "Dâu vô nhà, mụ già ra ngõ," và nhiều khi những chuyện nhỏ nhoi cũng gây khó dễ cho nàng dâu. Nhưng lại cũng có những trường hợp nàng dâu khôn ngoan biết ăn ở thì lại "Dâu hiền nên gái," hoặc ít ra "Dâu như con".
"Rể là khách" cũng chẳng lạ gì vì dù sao con gái mình tùy thuộc chàng. Câu nặng câu nhẹ đụng tới "ông con rể," tất nhiên con gái mình bị thiệt... âu đấy cũng là lối đối xử trả vay; quýt làm cam chịu. Gặp trường hợp chẳng may, con rể rơi vào thế phải ở nhà bố mẹ vợ thì lại "như chó rúc gầm chạn," nên "Há miệng mắc quai," khó ăn khó nói với mọi người chẳng những thuộc gia đình đàng vợ mà còn với xóm giềng làng nước. Thế mới hay vận số đôi khi cũng làm phiền đến chí khí con người.