gày tôi từ biệt Lan và Hữu, tức là ngày tôi từ biệt cái hạnh phúc được yêu. Tuy trong khi yêu ấy tôi đã tốn bao nước mắt, bao tiếng thở dài, cùng chịu bao mối cảm xúc mệt người, năm mười sáu tuổi, tôi nhìn lại vẫn là một năm có hạnh phúc. Trong đời, tôi chỉ mong được cái hạnh phúc tương đối như thế. Nhưng sang năm sau thì cái hạnh phúc ấy không còn nữa. Ôm một tấm lòng yêu tuyệt vọng tôi đã tự đầu độc cho tâm hồn tôi...Khi về đến nhà, tôi lên chào thầy tôi. Thầy tôi cùng bác tôi đương ngồi uống rượu. Tôi chào xong, thầy tôi cho phép tôi ngồi hầu chuyện. Tôi xón vén [1] lại bên tấm phản, hai chân xếp bằng lại, hai tay chắp vào với nhau để đàng trước mặt và hai mắt tôi chăm chăm nhìn vào đấy như các ông triều thần nhìn vào cái hốt cầm tay. “Quân tử bất trọng tác bất uy, học tắc bất cố” (Người quân tử không nghiêm trọng thời không có oai; học thời không bền), bao giờ tôi ngồi trước mặt các bậc tôn trưởng trong nhà cũng phải nhớ câu ấy mà ngồi cho “có phép”. Trước mặt thầy tôi và bác tôi, tôi tự nhiên thấy tôi là kẻ có tội với “danh giáo”. Trong một năm nay, từ hành vi đến tư tưởng, đã bao nhiêu điều tôi vượt ra ngoài vòng “luân lý khuôn”. Gần Hữu và gần Lan, ngày nào tôi không phạm đến cái lễ “nam, nữ thụ, thụ bất thân” (con trai, con gái không đưa tay cho nhau vật gì) của các đấng Thánh, Hiền? Lòng tôi thấy xôn xao, áy náy. Chợt nghe bác tôi hỏi:- Thầy với bác đang nói chuyện thơ. Bác nói, bác thích thơ Thanh Liên [2]. Thầy bảo, thầy thích thơ Kiếm Nam. Còn cháu, cháu thích thơ nào?Tôi “dạ” chưa kịp thưa thì thầy tôi đã nối lời bác tôi:- “Thi ngôn chí”. Bác hỏi thế là bác muốn biết chí hướng của con đấy. Có thế nào nói cho thật.Tôi lại cất tiếng dạ, trong lòng thì cảm động về giọng nói ôn tồn của thầy tôi: Từ thuở tôi biết, lần này mới là lần thứ nhất thầy tôi gọi tôi bằng “con” mà không gọi bằng “mày”. Bác tôi lại giục. Tôi đứng dậy chắp tay vào ngực, thưa:- Bẩm bác, con thích thơ Đỗ Phủ.Bác tôi gật gù nói:- Ừ! Cứ ngồi xuống, bác hỏi: Sao cháu lại thích thơ Đỗ Phủ?Tôi ngồi xuống mà đáp:- Bẩm bác, con thích thơ Đỗ Phủ, vì trong thơ chứa chan tấm lòng trắc ẩn. Trong Toàn Tập, biết bao nhiêu bài tả những cảnh huống khổ nhục của đám dân nghèo. Mỗi khi con đọc, lại thấy như có đám người khố rách, áo ôm ấy kêu khóc ở bên tai, mà trong lòng thì uất ức muốn đứng phắt dậy... Thơ như thế mới thật là “khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán!” [3] Con tưởng người làm thơ nên như Đỗ Phủ chứ không nên như Viên Tử Tài [4] hay Bạch Cư Dị, chỉ biết đem thơ mà phò nịnh bọn giàu sang.Bác tôi cất chén gật gù:- Câu nói hay!Thầy tôi thì cười:- Thế mới thật con cha! Rồi mày ngày sau sẽ nghèo và sẽ khổ, con ạ!Bác tôi bỗng hỏi thầy tôi:- Cháu năm nay đã nhớn. Chú, thím đã định nơi nào cho cháu chưa?- Thưa chưa. Cũng có nhiều nơi người ta muốn cho. Tôi định nhân độ này nó về nghỉ, cho nó đi nom mắt qua cả một lượt. Rồi nó bằng lòng đám nào, tôi sẽ liệu.Câu nói của thầy tôi làm cho người tôi phát rét. Tôi ngồi lặng mà nghĩ cách đối phó. Nghĩ đã chín, tôi liền quyết định dùng kế “hoãn binh”. Rồi tôi mỉm cười mình lại bảo mình:- Tưởng rằng về phải chịu cái khổ đi lễ tổ, ai ngờ lại phải chịu cái nợ đi nom mắt vợ! Việc đời có biết đâu mà lường được!Tối hôm ấy tôi ngủ ở trong màn thầy tôi. Cái đó là một cái khổ. Vì tính tôi nằm hay dẫy dọn [5], còn thầy tôi thì thích tĩnh và hay gắt. Cho nên mỗi khi chung giường với thầy tôi, tôi phải cố mà nằm yên như một cái xác, đến nỗi tôi thức hay ngủ thầy tôi cũng không biết nữa. Bấy giờ thầy tôi sẽ hỏi tôi:- Ngọc thức hay ngủ đấy?Tôi dạ. Thầy tôi nói:- Mai là ngày ba mươi, phiên chợ. Thầy cho đứa nó dẫn con [6] ra chợ. Nó sẽ chỉ cho con những đứa mà người ta định gả cho con. Chợ Tết, chắc đứa nào cũng đi cả. Nhược bằng có đứa nào con không xem được, thì trong ba ngày Tết, thầy cho con đi đến từng nhà mà xem. Các nhà ấy, chỗ quen biết cả ấy mà! Cứ nói là đi lễ Tết nhân tiện vào chơi. Mà đã có đứa nói, con cũng không cần phải nói nữa. Thế là người ta biết ý, sẽ lập cách cho con nom được...Tôi chiêu tập hết cả sức mạnh bạo trong người, rồi đường hoàng thưa lại:- Bẩm thầy, cổ nhân ba mươi tuổi mới lấy vợ. Con còn bé, thầy mẹ hãy cho con chuyên tâm về việc học. Việc hôn nhân xin để thong thả, con tưởng cũng không muộn gì! - Tôi tưởng tôi viện cổ nhân ra như thế là đủ chiết phục [7] được thầy tôi, không ngờ thầy tôi lại cười mà nói bông:- Con không muốn lấy vợ à? Ngày xưa có một anh, lúc bé, cha, mẹ bảo lấy vợ cho thì nói: “Xin để thư thả, con còn bé!” Đến lúc nhiều tuổi thì lại nói: “Con già rồi, còn vợ, con gì nữa!” Rồi thầy tôi lại tiếp bằng một giọng nghiêm nghị: “Con nói cũng phải. Nhưng con nói thế là con chưa rõ đến tình cảnh nhà. Đã ngót nửa năm nay, sức thầy thấy yếu đi nhiều. Ăn không được. Ngủ không được. Ngửi đến rượu thì kinh. Con coi ban nãy ngồi tiếp bác, thầy chỉ cầm chén chứ có uống đâu. Ông có nói chuyện cụ ngày xưa khi sắp mất. Thầy xem ra, cái bệnh thầy bây giờ cũng thế. Thế mà thuốc thang mãi không khỏi con ạ! Con thử nghĩ nếu thầy chết đi thì tình cảnh nhà ta ra thế nào. Con thì đi học. Các chị con thì chúng nó ở nhà chồng. Ở nhà chỉ có mẹ con và mấy đứa em nhỏ. Mẹ con, người vốn ‘năm ngày ba tật’. Trông ai khi tắt lửa, tối đèn? Ai là người giúp đỡ mẹ con mà trông coi nhà cửa, chăm chút các em? Cho nên thầy muốn định liệu sớm cho con. Nhỡ một mai thầy có thế nào, có người nó sớm hôm quấn quít với mẹ con. Trước là mẹ con đỡ khó nhọc. Sau nữa mẹ con cũng được vui bụng...”Thầy tôi nói đến đấy thì nước mắt tôi đã chan hòa, nằm yên không dám nói nữa.Thế là hôm sau tôi phải theo một người anh họ tôi ra chợ. Người ấy nói với tôi:- Tôi cùng cầu Trời khấn Phật cho chú nom được ngay trong buổi chợ hôm nay. Không có thì ngày Tết ông còn bắt tôi dẫn chú đi mỏi cẳng!Tôi cười:- Anh không lo. Đến nhà họ thì có vác mặt đến cho họ nom mình chứ mình nom sao được họ! Mà nom được nữa, biết đâu họ không cho nom người này mà cho cưới người khác? Mai chú có bắt đi nữa, anh, em mình cứ việc đem nhau đi chạy láo. Tối ngày ta về nói với chú là đi rồi. Chú biết đâu!Thế rồi tôi ra chợ đứng vơ vẩn một lúc rồi về. Chứ cũng không nom ai cả. Tôi dặn người anh họ:- Về thì anh cứ nói là tôi đã nom món nọ, món kia rồi, nhưng không thuận đâu cả!...Buổi sáng tôi đã nghĩ lại lời thầy tôi nói đêm trước. Tôi thấy việc lấy vợ cho tôi thực không cần thiết gì cả. Giúp đỡ mẹ tôi, việc ấy chỉ một người vú già cũng làm được. Cho nên tôi vẫn quả quyết thi hành kế hoãn binh của tôi là: Nếu khi thầy tôi hỏi lại, tôi sẽ nói không bằng lòng đám nào hết. Rồi vài ngày tôi đi học, thế là chuyện sẽ yên. Kế ấy chỉ làm cho tôi phải mắng mấy câu là cùng. Nhưng khi ở chợ về, tôi chợt nghĩ: Chi bằng đem ngay tình riêng mà kêu nài với thầy tôi. Kíp, chầy [8] thế nào chả phải một lần nói? Tôi tự xét mình, thấy có đủ can đảm nói. Trong trí tôi liền nảy ra một câu hỏi: Nhưng trong hai người: Lan và Hữu, nên lựa người nào? Tôi cũng biết rằng lựa người nọ là phụ người kia. Nhưng tôi thấy rằng tôi không có thể giữ vẹn cả hai bề được. Thế rồi tôi quyết sẽ xin lấy Hữu, chỉ vì mỗi một cớ: Hữu là người yêu tôi trước và tôi yêu trước. Định vậy rồi, tôi mong sau cho chóng đến lúc đi ngủ, để thầy tôi hỏi lại và để tôi sẽ nói. Lòng mong ấy cũng y như lòng mong của người bị cáo mong chóng đến ngày ra trước Tòa án: dù thất vọng, biết rõ tình thế mình vẫn đỡ khổ hơn là không biết và nhân đó mà ngày đêm phải phấp phỏng lo phiền.Nhưng đêm ấy là đêm ba mươi, thầy tôi bận rất nhiều việc. Cho mãi đến nửa đêm, cũng còn phải ra nhà thờ họ dự tế Giao thừa. Bởi vậy, đêm sau thầy tôi mới nhắc lại việc nom mắt. Thầy tôi hỏi:- Những đứa con đã nom, con không bằng lòng đứa nào cả phải không?Tôi sẽ nói và nói thật nhanh:- Thưa thầy, vâng. Nhưng con nghĩ thầy cũng không cần cho con đi nom mắt đâu nữa. Thầy cứ hỏi Hữu nhà chú Hường cho con cũng được.Nói xong, tôi nằm lặng nghe tiếng trống ngực tôi đập dồn mà đợi thầy tôi trả lời. Thì giờ lúc ấy dài ra cho tôi cũng như cho một người mẹ đứng trong phòng mổ mà chờ thầy thuốc mổ xong đứa con đau, khoảng thì giờ mà hy vọng với tuyệt vọng chỉ cách nhau bằng sợi tóc. Thầy tôi nín lặng một lúc rồi nói:- Không được, con ạ! Kể ra con ấy cũng khá và tính cũng ngoan. Nhà chú mày lại cũng nhà dòng dõi. Con bằng lòng cũng là phải. Nhưng hai bên còn phải đóng giỗ, đóng Tết với nhau, họ còn gần lắm! Giá phỏng nhà chú mày cũng như nhà ta thì không nói. Nhưng nhà chú mày thì có, mà nhà ta thì nghèo. Lấy như thế, họ lại bảo thầy, mẹ tham giàu mà quên cả tổ tiên! Cái tai tiếng ấy, con có chịu được không? Thầy thì thầy không chịu được!Mấy câu nói của thầy tôi, làm cho tôi tưởng như tim tôi không còn đập nữa. Tôi sẽ thở dài. Bao nhiêu mộng tưởng về cuộc đời hạnh phúc mà tôi mong hưởng chung với Hữu đều theo tiếng thở dài ấy mà tan... Trong lúc bàng hoàng tê tái, tôi chợt nghĩ đến Lan. Lòng tôi bỗng đâm liều như một người đánh bạc khi đã thua cay nhưng vơ vét còn được ít tiền dính túi. Dù biết đánh tất thua, người đánh bạc có cái liều đánh cho thua một thể. Dù biết nói ra tất thất vọng, tôi có cái liều nói ra cho thất vọng đến cùng. Ánh đèn mờ không soi rõ vẻ mặt nghiêm khắc của thầy tôi. Song tôi cũng nhắm mắt lại, rồi cất giọng run run mà nói:- Thưa thầy, nếu thầy không bằng lòng hỏi Hữu cho con, thì thầy hỏi Lan con nhà ông Đốc Bò cho con vậy!Thầy tôi nói:- Con nhà Đốc Bò à? Thầy không biết nó thế nào, nhưng bố, mẹ nó như thế thì lấy sao được. Nhà nó là một nhà mới nổi, không có nền nếp. Thằng chồng thì quanh năm cô đầu, cô đít! Con vợ thì suốt ngày rong chơi, ngắm vuốt. Một nhà kiêu sa, dâm, dật như thế, con cái chắc không có nết. Vả chăng, những con nhà ấy nó lại gả vào những đám vương tôn, công tử. Trừ những nhà biết nhà mình, biết quý dòng dõi, nền nếp, thiên hạ họ không hoài con gái mà gả cho một thằng học trò xác [9] như con đâu! Con nên kén ở nhà quê. Nhà ta, nên lấy con gái nhà quê mới phải.Tôi nín lặng. Vì đã tính trước sự thất bại, nên nghe thầy tôi nói, tôi cũng không nôn nao lắm. Khi nghe đến câu cuối cùng, trí tôi còn nảy ra một cái ý nghĩ khôi hài và chua chát: Thế này ra tôi lấy vợ là lấy vợ cho nhà tôi! Thế mà từ trước tôi vẫn tưởng là lấy cho tôi!Thầy tôi đóng câu chuyện dằng dai và vô vị của hai cha con, bằng một câu chen vào giữa hai tiếng thở dài:- Có ta nói thì nói, chứ ta biết chúng mày, những đứa ra học tỉnh, ngày ngày trông thấy những con gái thị thành, có đứa nào là thiết lấy vợ ở nhà quê đâu!...Chú thích:[1] Rón rén, co ro.[2] Tức Lý Bạch.[3] Trích Luận ngữ. [Xem thơ] có thể phấn khởi được ý chí, xem xét được việc hay dở, hòa hợp được với mọi người, bày tỏ được nỗi sầu oán.[4] Tức Viên Mai.[5] Hay loay hoay, không yên.[6] Ý nói cho người dẫn đi.[7] Chiết: bẻ gãy, chiết phục có nghĩa là dùng sức mạnh để hàng phục. Ở đây có thể hiểu là “thuyết phục”.[8] Kíp: khẩn cấp; chầy: trì hoãn. Kíp chầy nghĩa là “sớm muộn”.[9] Ý nói học trò nghèo kiết xác.