- 19 -

     ừ khi lại gặp Hữu, cứ vài tháng tôi lại lên thăm chú, thím tôi một lần. Con đường Hà Nội, Phú Thọ, tôi vốn có thể nhờ xe lửa mà đi chiều thứ Bảy về chiều Chủ nhật được. Ngoài việc đi thăm ấy, tuần nào tôi cũng có thư cho Hữu, dù thư viết bao giờ tôi cũng lấy tư cách người anh họ, chứ không lấy tư cách người tình nhân. Tôi với Hữu đã hẹn nhau: “Miễn chúng mình trông thấy nét chữ nhau là đủ rồi. Có cứ gì phải nói ra miệng, viết ra giấy mới là ân ái!”
Từ khi mẹ tôi không bằng lòng hỏi Hữu cho tôi, tôi không còn dám lên thăm chú, thím tôi và viết thư cho Hữu nữa. Tôi muốn Hữu tưởng tôi đã đi đâu hay đã chết đâu rồi! Tôi mong cho Hữu quên tôi cũng như hồi trước tôi đã mong cho Lan quên tôi. Và cũng như hồi trước tôi đã mong cho Lan, tôi lại mong cho Hữu chóng có chồng, và vợ, chồng Hữu được sống một đời hạnh phúc.
Còn về phần tôi thì suốt ba tháng xuân, tôi vơ vẩn như người ốm đứng. Bao nhiêu giờ rỗi tôi đọc những sách khó hiểu và chán phè để khỏi nghĩ đến Hữu. Bao nhiêu thư của Hữu gửi cho, tôi phải đem hết nghị lực ra mà xé đi hay đốt đi ngay khi tiếp được. Trong lúc tôi đốt, tôi xé thư Hữu, cố nhiên là tôi đau đớn lắm. Nhưng tôi tin rằng nếu đọc vào, tôi còn đau đớn hơn nhiều. May sao chỉ mấy tuần sau, tôi đã không còn nhận được thư của Hữu nữa.
Mùa thu năm ấy, tôi nhận được giấy báo hỷ của Hữu gửi vào trong sở tôi làm thuê. Trong giấy Hữu cũng viết kèm một câu như câu của Lan: “Thế nào anh cũng lên đấy!” Cả hai câu của hai người viết, đến nay tôi cũng vẫn chưa hiểu nghĩa sâu của nó là thế nào...
Việc Hữu đi lấy chồng, và việc tôi cố sức đọc các sách triết lý, luân lý dần dần làm cho người tôi lại bình tĩnh. Nỗi đau thương của tôi, trước kia tôi tưởng không bao giờ yên ủi được, vậy mà tôi tìm được cách để tự yên ủi. Tôi cho việc tôi không lấy được Hữu hoặc giả chính là một cái quả báo của sự tôi đã cố tình bỏ Lan. Tôi đã làm cho người khác đau đớn. Nếu tôi có bụng công bằng thì khi người khác làm cho tôi đau đớn, tôi nên mỉm cười mà chịu lấy. Đau đớn rửa gột cho cái đời tội lỗi của tôi được trong sạch. Một mặt thì thế. Một mặt thì tôi tuy chịu cái đau đớn không được lấy Hữu, song đã được cái hạnh phúc suốt đời giữ mãi được tấm lòng yêu đằm thắm đối với Hữu. Tôi tự nghĩ: Thiên hạ biết bao nhiêu đôi trai gái, khi chưa lấy được nhau thì nồng mặn, mà khi lấy được nhau rồi thì nhạt phai! Sự ăn chung, ở lộn, đã đầu độc cho tấm lòng yêu thương của loài người. Ai là người không có khuyết điểm? Gần nhau, những khuyết điểm của nhau sẽ ngày một bày ra... Ai là người thật có giá trị? Gần nhau, những giá trị của nhau sẽ ngày một mất dần... Đó là những ý tưởng tôi đã tả trong bốn câu thơ mà tôi vẫn còn nhớ:
Ngọc, nhìn kỹ, sẽ tìm ra vết;
Hoa, để gần, sẽ hết cả hương:
Xa nhau, mong ước mơ màng...
Gần nhau, rẻ rúng, khinh thường biết đâu!
Tôi nghĩ tiếp: Vả chăng đời là một cuộc đổi thay, muôn sự, muôn vật ở trên đời, nào có cái gì là vĩnh viễn! Người đẹp đến đâu cũng có ngày răn má [5]! Tiệc vui thế nào chả có lúc chia tay! Vậy thì: dữ kỳ ta cùng Hữu được lấy nhau, mà rồi ra có lúc phải cãi vặt nhau, phải hờn mát nhau, phải trông thấy nhau già, phải khóc thương nhau chết, sao bằng không lấy được nhau, không bao giờ nhìn thấy nhau nữa, nhưng trong trí nhớ của nhau, hình ảnh của nhau lúc nào cũng trai trẻ, đức nết của nhau lúc nào cũng hoàn toàn? Ngoài không gian và thời gian, bóng người yêu không hề biến đổi theo đời. Nhân đó mà tấm lòng đối với người yêu, giữ trọn được trước, sau như một. Yêu nhau như thế, chẳng phải là một hạnh phúc đáng mong đáng ước đó sao!
Nghĩ vậy rồi, tôi cho ái tình như thế mới thật là trong sạch, mới thật là cao thượng! - Mà mới thật là ngộ dại! (Lời nói chêm của Tuệ Chiếu [2]). Từ khi tôi có được cái quan niệm mới về ái tình như thế, tôi thấy tôi chẳng những yêu được Hữu, mà còn yêu được cả Lan... Tôi liền đi đặt một cái khung ảnh hai mặt kính. Mặt trước tôi để ảnh Hữu, mặt sau tôi để ảnh Lan. Còn bao nhiêu thư từ của họ tôi lót vào giữa. Rồi tôi mua một đôi lọ hoa con, đật ở trước ảnh. Tôi mua hoa về cắm vào lọ để thờ sống họ. Hễ hoa gần tàn là tôi lại thay hoa mới ngay. Đêm đêm khi sắp đi ngủ tôi lại cầm ảnh mà hôn một cách kính cẩn như người theo Đạo hôn ảnh đức chúa Da-Tô vậy! Do sự thờ phụng thành tâm ấy, không mấy đêm là Lan và Hữu không về thăm tôi. Trong mộng, tôi với họ cùng sống cuộc đời êm ái năm xưa. Trong mộng, nhan sắc của họ càng thêm rực rỡ, câu chuyện của họ càng thêm thơ ngây...
Ròng rã bốn năm trời, tôi có thể nói rằng tôi đã sống ở trong mộng. Vì chỉ trong mộng, tôi mới thấy tôi là có sống...
Nhưng ở đời, những mộng đẹp có còn mãi đâu!
Tôi phải lấy làm lạ rằng: Cuộc tình duyên của tôi với Hữu và Lan, trước bắt đầu vào một ngày lễ Phục sinh, sau đoạn tuyệt cũng lại vào một ngày lễ Phục sinh; trước bắt đầu ở chùa Hương Tích, sau đoạn tuyệt cũng ở chùa Hương Tích. Cái đó ngẫu nhiên hay tiền định?
Năm ấy, nhân ngày lễ Phục sinh, tôi lại vào Hương Tích, định để ôn lại đoạn đời mà tôi cùng hai cô bạn đã cùng sống với nhau ở đấy. Tôi vừa ở đò Yến Vĩ đi vào, thì gặp hai người mỗi người dắt một đứa con nhỏ, đứng nói chuyện với nhau ở cửa chùa Ngoài. Tôi vốn định không bao giờ còn giáp mặt họ ở trong đời. Nhưng tôi vừa toan quay mặt đi thì Hữu đã trông thấy tôi, đon đả lên tiếng gọi:
- Kìa anh Ngọc! Anh vào bao giờ thế? Đã mấy năm nay không gặp. Chúng tôi vừa nói chuyện đến anh xong.
Vừa nói, Hữu vừa dắt con chạy lại trước mặt tôi. Lan cũng thế. Tôi không trốn đâu được, đành phải gượng cười đứng lại. Hữu bảo con:
- Con chắp tay chào cậu đi! Cậu con đấy!
Lan cũng cười cầm tay con:
- Con cũng chắp tay lại: “Lạy bác ạ!”
Hai đứa trẻ theo lời mẹ, chắp tay và cất tiếng chào tôi. Tôi đành phải xoa đầu chúng, khen luôn hai lượt hai tiếng “ngoan lắm!” Lan bế con lên tay, cười bảo tôi:
- Thằng bé này đáng lẽ là con anh đấy! Mấy cháu rồi? Anh thật làm bộ quá! Chị ấy bây giờ thần, thánh thế nào kia không biết!
Tôi cười nhạt:
- Không phải là tôi làm bộ. Tôi là đứa vô phúc, tôi không muốn làm hại người khác. Thế thôi. Nhưng tôi nói thật mà có ai chịu cho là thật đâu! Thì xem đấy: các cô có con cả rồi, mà tôi vẫn không có vợ!
Lan ngảnh lại hỏi Hữu:
- Anh ấy vẫn chưa lấy vợ thật à?
- Không biết! - Hữu đáp - Nhưng chắc chưa lấy thật! Nếu có thì đã thấy cậu, mợ tôi nói chuyện.
Hai người cùng nhìn tôi ra vẻ ái ngại, rồi Lan bảo Hữu:
- Thế thì chúng mình thương anh ấy quá nhỉ!
Tôi cười một vẻ chua chát:
- Các cô làm gì có quyền thương tôi!
Tôi nói thế là vì tôi nhìn khuôn mặt đề đạm [3], vóc người béo đẫy của họ, tôi đoán rằng họ vui chồng, vui con họ, mà quên tôi đã từ lâu rồi. Hữu bảo lại Lan:
- Thôi thì chúng mình xem có món nào xứng đáng, làm mối cho anh ấy một món vậy!
Câu nói ấy, càng làm cho tôi chắc họ quên tôi. Tôi lại càng cáu:
- Cám ơn! Nhưng tôi không phải là người của các cô, không phải là người của bất cứ ai trong bọn đàn bà các cô!...
Câu tôi nói lúc ấy thật tự trong tâm can mà ra. Tôi giận hai người, tôi đã ghét lây tất cả bọn đàn bà, tôi lại còn chán cả đời nữa. Bọn trẻ chúng ta, mấy ai ghét đàn bà mà lại chẳng chán đời!
Lan đưa đứa con cho tôi:
- Thôi đừng dằn dỗi nữa! Hôn cho thằng bé này một cái!
Hữu cũng bế con lên:
- Hôn cả cháu đây nữa! Nó không là con cậu, nó là cháu cậu cũng được chứ sao!
Tôi tuy giận hai người thật, song không sao nỡ lòng không hôn hai đứa trẻ thơ. Mà lạ thay! Cái hôn in trên má chúng nó bấy giờ tôi thấy đằm thắm chẳng kém gì những cái hôn in trên môi mẹ chúng nó mấy năm về trước! Buông hai đứa trẻ ra, nước mắt tôi đã đầy mặt. Tôi cắm đầu chạy lấy, chạy để, không còn dám quay đầu lại, dù sau lưng vẫn nghe tiếng hai người gọi với tôi.
Thế là tàn tạ cuộc đời êm ái ở trong mộng của tôi. Vì từ đó, nếu khi tôi có chiêm bao thấy họ, thì họ chỉ còn có cái khuôn mặt đề đạm, cái vóc người béo đẫy mà tôi gặp ở cửa chùa Ngoài, chứ không còn có những vẻ đẹp rực rỡ, những câu chuyện thơ ngây như trước nữa!
Chú thích:
[1] Nhăn má.
[2] Nhượng Tống muốn nhắc đến Lâm Tế.
[3] Tương tự với phúc hậu, đầy đặn.