12 - Hợi...

Vậy là Phương lại trở về Đà Lạt. Chiếc máy bay cánh quạt chao nghiêng lấy hướng vào đường băng. Xa xa, trên đỉnh mấy ngọn núi xanh thẫm có chiếc cầu vồng ngũ sắc bắc qua hai đảo mây vừa ráo nước. Và rồi bạt ngàn cánh đồng hoa Cúc quỳ vàng rực bao quanh sân bay Liên Khương hiện ra ấm nồng, rực rỡ. Màu hoa ẩn chứa hoài vọng bất tận của tuổi trẻ nối dài mãi trên con đường dẫn về thành phố. Đài hoa rung rinh tựa nụ cười, khi nhún nhường đâu đó dưới mép đồi, đôi lúc bừng cháy mãnh liệt trên sườn đèo Prenn, hoặc lơ thơ bờ rào các ngôi nhà đang nghỉ trưa.
Phương không tin Đà Lạt trầm mặc, xa cách chốn đô hội nhộn nhịp hợp với tâm hồn mình, khơi nên trong anh tình yêu dành cho phố núi, chẳng thể sẻ chia. Có một mối tình trong sáng, nhẹ nhàng đã đến và đi bên triền dốc ngã năm đại học. Đà Lạt giá trị hơn vẻ lãng mạn hơi yếu đuối ấy. Trong mùa đông vĩnh hằng của xứ sở nhiệt đới, Phương biết dòng máu mang đầy khát khao trong tim mình chưa hề nguội lạnh. Chỉ cần đắp lên người chiếc chăn bông xa lạ với những đêm quạt máy Sài Gòn, ta liền nhận thấy hơi ấm của bản thân từ từ tỏa ra, tạo thành vỏ bọc an toàn cho nhiều giấc mơ phóng khoáng nhất.
Giữa ánh nắng chói chang của trung tâm kinh tế xô bồ, lắm lúc Phương chẳng rõ cảm xúc mình đã băng giá chưa. Đà Lạt luôn là câu trả lời thuyết phục nhất. Những tòa biệt thự chắc chắn, bàng bạc nét thời gian ẩn hiện giữa rừng thông luôn vẽ nên trong anh các gia cảnh đầm ấm. Vẫn biết sự vĩnh cửu của vật chất có thể đo bằng năm tháng. Hơn nữa, thứ nào đo được bằng năm tháng đều hữu hạn. Nhưng thời buổi gạo tiền kiếm đâu ra mực thước lòng người. Xã hội từ lâu đã quen với bấp bênh và cố hòa hợp vào sự bấp bênh bằng thay đổi thường trực, khó lường.
Vì nhiều lý do Phương chỉ đặt chân tới Đà Lạt lần đầu tiên khi anh ba mươi tuổi. Vậy mà hay. Nếu không Phương làm sao có một chốn đi về. Trẻ hơn đồng nghĩa với thiếu sâu sắc, đôi khi hời hợt.
Đó là mùa khô dài, hết sức nóng bức. Phương muốn thoát khỏi Sài Gòn ngột ngạt. Rác rưởi, tiếng ồn, xe kẹt, khói và bụi cũng như mật độ dân cư khủng khiếp khiến Phương luôn đặt câu hỏi "Ta đang sống hay đang bị đọa đày?". Đà Lạt bất chợt hiện ra trong trí tưởng tượng anh như vùng đất hứa. Bác tài xế đứng tuổi lâu lâu vẫn cho công ty Phương thuê xe con ngắn hạn được gọi tới. Ông khác đồng nghiệp của mình ở chỗ ít chuyện phiếm và kém tò mò. Ông chẳng buồn ngạc nhiên khi mình Phương bước lên xe và yêu cầu thẳng hướng Cao nguyên. Qua khỏi Bảo Lộc là mênh mông những đồi trà, cà phê của Di Linh. Cây cỏ vẫn úa vàng trong hạn hán nhưng không khí dịu đi nhiều. Di Linh… Di Linh… Phương nghe tên gọi sao quen thuộc thế. Một quyển tiểu thuyết Việt Nam anh từng yêu thích đã mô tả Di Linh là mảnh đất thanh bình giữa cuộc chiến chinh bế tắc. Mệt nhọc tan biến, trong mắt Phương không gian ngát lên mùi hương dịu ngọt, yên lành.
Hết đèo Prenn tới cửa ngõ thành phố, Phương được đón chào bằng cơn mưa đầu mùa, nhỏ nhưng hết sức bất ngờ. Cao nguyên Lâm Viên mong chờ cơn mưa bấy lâu nay. Hồ Xuân Hương bị rút nước khô kiệt để nạo vét. Bụi đỏ trên đường mòn ngang dọc giữa lòng hồ thôi hắt lên chói mắt.
Sáng hôm sau Phương lần xuống thung lũng Tình Yêu. Dòng người du lịch phủ kín các bậc thang hẹp. Anh hết sức lạc lõng và vội quay gót. Khuôn viên đại học Đà Lạt là nơi Phương muốn dừng chân chờ giờ ngọ cho bữa trưa. Vậy mà mảnh đồi nhỏ ấy đã trở thành một phần vĩnh viễn không thể thiếu của Đà Lạt trong Phương. Phương gặp Hiền Phương đang học bài trên chiếc ghế đá dưới cội thông già nhìn xéo qua thung lũng Đa Thiện. Nắng Sài Gòn cháy da lạc bước giữa núi non không còn oi bức. Từng sợi vàng ươm nhảy nhót, mỉm cười qua khe lá kim hoặc bừng sáng chói chang trên hàng liễu tha thướt, e ấp rủ vài dây hoa đỏ.
Hiền Phương mới qua tuổi mười chín, sinh viên năm thứ nhất. Chất mộc mạc giản dị lắng chìm trong đôi mắt tròn đầy luôn ngơ ngác trước mọi thứ. Phương ví đấy là cửa sổ tâm hồn của chú chim bồ câu lẻ loi đang trú mưa. Cha mẹ Hiền Phương gốc người dân tộc thiểu số. Họ là chủ trang trại trồng rau nhỏ, tít ngoài Trại Mát. Hiền Phương ở trọ nhà người quen trong thành phố cho tiện học hành. Nụ hoa khôi hững hờ giọt sương ban mai long lanh tình cờ ghé vào cuộc đời Phương như huyền thoại.
Gần trọn một năm, tháng nào Phương cũng thu xếp công việc để lên Đà Lạt vài buổi. Hiền Phương dẫn anh đi khắp nơi bằng bất tận câu chuyện về các loài hoa. Buổi tối họ hay uống cà phê dưới mái hiên nhà nghỉ Hoàng Hạc hoặc trên quán Ánh Trăng bên hông đồi Cù. Những vạt sương mỏng manh, thấp thoáng nhiều đôi tình nhân sát cánh bên nhau làm Phương say đắm. Đó là bóng râm quá đỗi cách biệt với mênh mông nắng rát của ngày thường mệt nhoài, luôn phải cố gắng bằng nỗi cô độc sâu thẳm trong lòng. Chính vì vậy, Phương luôn bấp bênh trong mối tình ít thực tế này.
Thật sự Hiền Phương còn quá trẻ để san sẻ lo toan và đam mê cùng Phương. Nỗi nghi ngờ dần rõ nét, càng làm những chuyến viễn du của anh trở nên mỏng manh. Có lần sắp sửa làm thủ tục lên máy bay, Phương thấy chuyến đi Nha Trang trùng giờ. Anh đường đột hoán vé tới phố biển.
Bờ cát Nha Trang mờ ảo đêm cuối tháng. Phương chiêm nghiệm nỗi nhớ Đà Lạt bằng cách đếm chớp hải đăng ngoài khơi xa. Và Phương linh cảm trong mơ hồ anh vẫn ở vạch xuất phát cho cả tương lai bên cạnh Hiền Phương.
Trước mặt Phương là biển. Phần lớn tháng năm tuổi trẻ đẹp nhất Phương dành cho biển. Biển ấu thơ của anh là hai hình ảnh đơn sơ nhưng thật khó phai. Trên chuyến xe về Nam năm nao, biển là chốn nghỉ chân ngắn ngủi giữa đường. Mặt cát ướt in đầy dấu chân loài dã tràng nhút nhát. Sóng ầm ào. Cậu bé Phương chồn gối đã lâu tung tăng nô đùa một mình. Đến khi cheo leo trên đỉnh đèo Hải Vân cha lại chỉ cho Phương thấy biển dưới gốc núi. Biển lúc ấy bé tẹo, phẳng lặng tựa mặt hồ. Thuyền bè vật vờ như mảnh lá. Chắc chắn không phải vì độ cao của đèo mà Phương thấy bất an trước biển.
Năm năm đại học Hàng Hải, giấc mơ về biển theo Phương từng ngày, trên từng trang vở nơi giảng đường, giữa các giọt mồ hôi mưu sinh nhọc nhằn. Cuối cùng Phương cũng được ra biển, được thấy biển thực khi chẳng còn khoảng cách với biển. Bất luận biển trong anh không mấy hoàn hảo, tình yêu Phương dành cho biển chưa bao giờ cạn kiệt.
Phương và Hiền Phương cũng từng ra với biển. Biển hào phóng ban cho hai người khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi, tuyệt đối trọn vẹn, sáng trong. Bên bờ cát dài phơi mình dưới ánh sao đêm, tâm hồn họ gần như hòa hẳn vào nhau để nghe toàn bộ bản dạ khúc tấu lên bằng hơi thở, trong bè đệm trầm hùng của những chân sóng lang thang.
Buổi sáng, họ mong biển lặng để rong ruổi, xa thật xa hàng dương nhộn nhịp ồn ào, để tận hưởng gió biển nơi cội nguồn của gió. Nhưng toàn sóng bạc đầu bấp bênh và bất trắc như cạm bẫy. Trớ trêu là chiếc thuyền máy bị lật khi vừa hết giờ thuê. Nó còn cách bến đỗ vài mét chứ không phải ngoài khơi. Phương hoảng hốt tuồng như dưới chân anh là vực Marian sâu hơn mười ngàn mét giữa Thái bình dương. Việc đầu tiên anh ý thức mình đang làm là ôm ngang thắt lưng Hiền Phương để cùng trồi lên. Trào sóng tan tành nơi mép cát. Chẳng ai hề hấn gì. Nước nông choèn ngang bụng họ mà thôi.
Và rồi biển đã xa ngàn trùng. Nhưng biển của Phương vĩnh viễn đẹp, như mỗi cuộc đời chỉ có một thanh xuân. Phương biết, với năm tháng đằng trước, Hiền Phương là giá trị trường tồn của hạnh phúc. Cho dù hạnh phúc ấy là khoảnh khắc bốc đồng, cho dù họ chẳng bao giờ được sẻ chia cơ hội chung nhau nửa mái ấm. Khi giấc mơ vụng dại còn đó thì con người vẫn tồn tại. Đôi khi sự tồn tại mãnh liệt tuồng như bất tử, dẫu phải chơ vơ ở đầu mút thanh gươm đơn chiếc sắc lạnh, gác bên vực thẳm tương lai hút mắt.
Phương đã đón thời khắc đầu tiên Hiền Phương bước vào tuổi hai mươi trên đỉnh Lâm Viên chỉ biết bầu bạn cùng mây trời. Túp lều dựng vội nhưng chắc chắn với nút dây gia cố của chàng thủy thủ viễn dương. Gốc thông già bập bùng cháy. Lửa reo tí tách. Ánh sáng và hơi ấm là kết tinh hàng trăm năm của đất trời, âm dương trong từng thớ gỗ.
Khi những sợi nắng mới khe khẽ len qua màn sương, lửa lạnh. Mặt trời ửng hồng, bồng bềnh đạp mây cất lên từ thung lũng. Hiền Phương thấm mệt rồi thiếp ngủ trong lòng Phương. Hình như nàng đang nhoẻn miệng cười giữa chiêm bao. Phương nhè nhẹ đặt Hiền Phương gối đầu lên chiếc ba lô dã ngoại. Anh cẩn thận kéo chăn tới cổ nàng và bước đi như chạy xuống dốc. Trong tầm mắt Phương là lán trại của nhóm sinh viên Sài Gòn dễ mến, đồng hành với anh lên núi chiều qua. Phương tạt ngang nhờ ai đó hai tiếng sau đưa giùm Hiền Phương mảnh giấy có vài chữ:
"Hiền Phương! Khi em nhận được lời nhắn thì anh đang trên xe đò về Sài Gòn. Xin lỗi em rất nhiều, anh sẽ viết thư gởi em ngay".
"…Đến giờ anh vẫn chưa hiểu mình đang tỉnh hay mơ. Anh vẫy xe về thành phố như kẻ hành khất, quần áo dính đầy bùn đỏ. Anh trở lại cuộc sống thực với tất cả ưu phiền và chán nản. Vậy mới hay Đà Lạt của em hư ảo mong manh quá đỗi.
Anh bỏ em một mình nhưng không hề ân hận. Ban mai nơi cao xanh trong lành biết chừng nào. Anh để lại cho em nguyên vẹn màn sương thiên đường, cùng những khoảnh khắc của niềm tin ở con người và cuộc đời.
Em quá đỗi ngây thơ, thánh thiện. Anh sẽ mắc tội nếu cứ ở bên em, cứ thu dần khoảng cách với em. Anh đang cố xếp năm tháng mang tên em vào ký ức. Có vẻ đẹp nào không ẩn chứa một ít buồn hả em. Nỗi buồn thanh tao ngày mai Đà Lạt vắng anh, mãi mãi nhẹ nhàng, mãi mãi điểm tô cuộc đời em như nét hoa Cúc quỳ trong buổi bình minh nhiều mây, thiếu nắng và phảng phất sương mờ. Cõi nhân gian túng quẫn niềm vui đã đành. Người ta thiếu cả nỗi buồn đẹp đẽ. Sự đoạn ly của đôi ta không đáng xem là đau khổ. Đó là điều duy nhất giá trị mà anh đem đến cho em, dù nó phù phiếm, khó tin. Mọi thứ khác đều vượt xa khả năng của anh.
Tình cảm chúng ta có thể gọi là tình yêu chưa nhỉ? Anh không dám biết. Anh sợ tương lai, sợ thực tế phũ phàng sẽ biến mối tơ vương thành nỗi thất vọng thao thức trong nuối tiếc và dằn vặt. Đêm qua em không nghe thấy hồi âm của hai chiếc ly pha lê lăn qua vực thẳm sau khi chúng ta uống hết chai rượu nho bé nhỏ. Anh bảo anh nghe. Em không tin. Tin anh đi, dù chỉ một lần. Thứ gì quá đẹp, quá hoàn hảo luôn dễ vỡ.
Hãy hiểu anh!"
.
Quả thật lá thư nói giùm Phương nhiều thứ. Có điều cảm giác so le với Hiền Phương thì anh không biết bắt đầu từ đâu. Họ cách nhau hơn mười năm tuổi tác và một thế hệ nhận thức. Hoặc giả Phương là kẻ lãng mạn hết sức thực dụng. Anh háo hức khám phá sự mới mẻ từng giờ từng phút nên mau chán, mau nguội lạnh. Anh kém kiên nhẫn nên không thể chờ đợi nấc thang đồng cảm cao hơn, ẩn lận trong buồn tẻ thường trực.
Đơn giản đến vô lý. Phương trốn chạy nỗi nhớ Hiền Phương ròng rã mấy tháng trời. Anh lại trượt vào những thú vui thị dân ảm đạm. Hiền Phương gởi cho anh vài lá thư rồi cũng biệt tin. Nét chữ hồn nhiên "Xứ sương mù" không bao giờ thiếu ở góc trái phong bì của nàng, cứ gói ghém nỗi niềm đau đáu, thỉnh thoảng bừng sáng trong Phương. Những giấc mơ về sáng ngắn ngủi nhưng rất thanh thản, nhất là sau các đêm Phương say rượu hay bia.
Rồi Phương gặp Tuyết, giữa cơn mưa đằng đẳng khác lạ của Sài Gòn. Người ta bảo đó là hiện tượng La nina. Phương ít thấy trống trải khi bên Tuyết. Tuy vậy, hình như anh chưa hề sở hữu nửa ngày bình yên. Có buổi hòa nhạc họ vai kề vai nhưng tâm hồn Phương đi hoang lên Đà Lạt. Phương nhớ da diết cánh rừng thông vắng vẻ, nơi anh từng nằm ngửa trên cỏ, nhắm hờ mắt để nghe vi vu giai điệu đại ngàn. Xen vào khoảng lặng dừng của gió là tiếng chim hót. Bản du ca ái tình nồng nàn hương tự nhiên vút lên vừa trung thực, vừa mơ hồ, chẳng vướng bận bất cứ cảm tính nhân bản nào. Đôi mắt bồ câu trốn mưa mờ dần, mờ dần. Hiền Phương bỗng trở thành con người không thật. Nàng là hiện thân của nỗi cô đơn Phương ký thác tại miền đất cao nguyên xa xôi thanh lặng. Chính nỗi cô đơn luôn nhói đau trong từng suy nghĩ, cử chỉ và ánh mắt Phương lại đón anh về. Anh đang đi tìm viên ngọc trai của đời mình trên bước chân dự cảm bỏng rát, chan chứa thân phận, thấm đẫm khát khao mộng phù vô biên.
Hơn một năm xa cách Đà Lạt vẫn vậy. Hồ Xuân Hương xanh trong. Sóng lăn tăn ve vuốt những sợi nắng ấm dịu vàng. Phương ăn vội bữa trưa tại Thủy tạ rồi về nhà nghỉ Hoàng Hạc gần dinh 3. Căn phòng nho nhỏ trên thượng tầng tòa nhà hình như chỉ dành riêng cho anh. Mùi thơm của gỗ thông ốp tường rất ấn tượng.
Phương vơ gối, cuộn chăn làm ngay giấc ngủ không mộng mị. Chiều tà. Vách gỗ lách cách trở mình vì nhiệt độ đột ngột hạ xuống, khe khẽ lay Phương dậy. Giũ xong bụi bậm thành thị trong làn nước nghi ngút khói, Phương ăn mặc chỉnh tề và ra ghế đá ngoài ban công. Cây phượng tím non tơ xòa cánh tay khẳng khiu trĩu hoa bên cạnh. Lưng dốc dẫn lên dinh 3 vắng vẻ.
Nhà nghỉ Hoàng Hạc thoạt nhìn chẳng thấy bóng dáng của loài chim lịch lãm. Mái ngói cong cong nhắc nhở ít nhiều thẩm mỹ kiến trúc truyền thống. Chủ nhân đặt tên nhà nghỉ theo bức tượng khỏa thân mang tên "Vũ điệu Hoàng Hạc" dựng giữa vườn cây cảnh bốn mùa tràn trề hoa lá.
Bức tượng bằng đồng. Vũ nữ đứng trên đầu các ngón chân phải như đang múa. Chân trái tượng co ngang gối, hai bắp đùi khép kín đáo. Nửa thân người phía trên hơi ưỡn. Mắt tượng nhìn lên bầu trời. Mái tóc cách điệu xõa rất gần mặt đất. Tay trái tượng giấu dưới lưng. Tay phải bắt ấn vòng qua đỉnh đầu, ba ngón thanh thanh còn lại mềm mại tỏa đều như cánh hoa. Đường nét hết sức tinh xảo nhưng hồn tượng nằm trong màu đồng nguyên chất. Ánh sáng trắng cố định ở năm góc hắt lên, phản chiếu thay đổi theo sự quay tròn của đế tượng. Trong màn sương khuya bức tượng sống động đến không tưởng. Màu vàng gom đọng xung quanh tượng chẳng khác gì vạt lụa nguyên chất óng ả khoác hờ trên vai thiếu nữ.
Ngắm bức tượng trong trạng thái tĩnh của tâm hồn và không gian, có thể hình dung ra vũ điệu thất truyền của loài hạc trứ danh trong văn học cổ Á đông. Số lượng nguồn sáng ngầm định công thức ngũ cung, mở ra giữa cõi lòng người thưởng ngoạn khúc Nghê thường hoặc chí ít là bài Diễm tình nước Sở. Đây mới thật sự là thứ âm nhạc huyễn ảo, lóng lánh trên mặt hồ siêu thức. Vô định hơn chút nữa, nếu màn sương thật dầy, bức tượng sẽ biến thành cây sương huyền nhiệm của đỉnh núi Côn Luân. Sương không còn là khách thể. Nó được bức tượng sinh ra và tỏa khắp mặt đất. Cái ý của cổ nhân "sương ra đời trong những làn điệu hoàn chỉnh của cây đàn Tì bà" có một biểu trưng đầy thuyết phục.
"Mình và Hiền Phương bao lần ngồi đây ngắm bức tượng rồi nhỉ?" Phương thầm hỏi. Tuy nhiên Phương không thể nhớ anh đã xác định tốc độ quay đều của đế tượng là ba vòng một phút khi ở cạnh Hiền Phương, hay trong một đêm khó ngủ.
Khi vào phòng lấy thuốc lá dưới đáy ba lô Phương mới nhớ anh đã đem theo lá thư dày cộp của Tuyết dạo nọ. Phương lơ đãng xé mép phong bì bằng tay. Tờ giấy đôi học trò mới tinh, viết ngay ngắn, bọc cả chục trang vở cũ mèm. Vết xé nham nhở.
"Sài gòn ngày… tháng… năm…
… …,
Những trang viết trong quyển nhật ký của tôi là cơ hội cuối cùng dành cho anh, cho ảo tưởng bẩm sinh của anh về tình yêu. Anh là sự ngộ nhận hoa mỹ mà tôi phải trả giá quá đắt. Không còn bất cứ lý do nào để dư ảnh con người anh được vẩn vơ quanh tôi, kể cả mấy tờ giấy đáng ghét này.
Tôi biết rồi anh sẽ vò nát chúng. Tôi phủi chúng khỏi đời tôi bằng cách gởi đến anh, chẳng chút do dự. Đó là cái chết thứ nhất. Anh sẽ giết chúng lần thứ hai giùm tôi. Không đơn giản chỉ là phong thư, đây là phần đời vô duyên của tôi có anh góp mặt. Nó chẳng hơn mụn u nhọt và xứng đáng được đối xử như vậy.
Vĩnh biệt,
Lâm Ngọc Tuyết"
Phương lướt mắt qua trang giấy vô tri. Thú thực anh bị cuốn vào giọng văn mạch lạc hơn bình thường của Tuyết. Phương thấy lạ, nếu cho anh viết về cô trong ngần ấy chữ thì anh sẽ viết giống y như vậy, không khác một dấu chấm, dấu phẩy. Đó là cái chung duy nhất còn lại giữa hai người, sau cuộc hôn nhân ngắn ngủi, không lễ cưới và rước dâu. Phải công nhận tháng ngày bên Tuyết từng đẹp, đẹp lắm, đẹp như ánh hồi quang gượng tạo và ít minh bạch. Sự thật luôn là sự thật. Phương không cam tâm tự nhận mình vô cảm trong khi luôn tự nhủ phải biết lãng quên.
Phương chẳng buồn nghĩ thêm chút nào, như cách nhẹ nhàng chuộc lấy sự ngây thơ tội lỗi không giới hạn của bản thân. Ân huệ là im lặng. Chỉ mong nó hoài ngủ yên trong ám ảnh đã nguôi ngoai. Chỉ mong nó hoàn toàn xa lạ với Phương của nay mai, giữa tiến trình phức tạp, đầy dẫy đớn đau nhằm hoàn chỉnh nhân cách. Bỏ lại đằng sau quá khứ, Phương luôn thấy trước mặt mình trọn vẹn cuộc đời, không bao giờ là phần còn lại.
Phương vo tròn mớ thư ném xuống chân đồi. Hơn cả sự thanh thản từng mong muốn, anh hít thở thật sâu rồi rảo bước ra phố. Đêm đã về. Bầu trời trong veo nhấp nháy muôn mắt sao xanh biếc qua tán cây thưa, báo hiệu ngày mai nắng đẹp. Chòm Xử nữ và Hải sư hiện rõ mồn một. Nàng Giác tinh e lệ hình như đang hạnh phúc trong say đắm nồng ấm của chàng Hiên viên tuấn tú. Hai ngôi sao sáng nhất ở hai chòm sao lãng mạn kia thật gần nhau, dù chúng bị ngăn cách bởi thiên xích đạo vô hình do loài người tí hon vẽ vời.
Lâu lắm rồi Phương mới có dịp ngắm kỹ mọi thứ chung quanh. Nhà thờ Con gà cao vút uy nghi. Cột ăng ten bưu điện giả tháp Eiffel rực sáng. Khách sạn Palace sang trọng bệ vệ. Những biểu tượng cưỡng bức thị giác của nòi giống Gauloir dẫn Phương vào nhà hàng Rabelairs.
Về quang cảnh, Đà Lạt còn quá nhiều dấu ấn ngót trăm năm nô thuộc. Người Đà Lạt luôn trân trọng và gìn giữ tất cả. Tinh thần vọng ngoại tương đối lộ liễu nhưng được dung thứ một cách đáng ngờ. Ngoa luận thường vô lý phân chia rạch ròi dân tộc Pháp, nhân dân Pháp, văn hóa Pháp, Thực dân Pháp. Nhóm yếu tố này thống nhất và vô cùng khăng khít tạo nên thực thể đã đè nén dân tộc Việt Nam gần một thế kỷ. Máy chém La Guillotine là sản phẩm của cách mạng 1789. Hệ thống pháp lý dân chủ mà người Pháp luôn vỗ ngực tự hào có hẳn đứa con quái thai là Hội đồng đề hình, để thẳng tay giết người tại các thuộc địa.
Không riêng ở Đà Lạt, người dân Việt Nam luôn sẵn câu cửa miệng khi đề cặp đến di sản cũ: cái này Pháp xây, cái kia Mỹ làm… Chỉ tội cho biết bao nhiêu lớp phu phen An Nam từng bị đày ải, đánh đập, thúc ép và vắt sức hơn tù khổ sai. Mồ hôi, nước mắt, máu xương của họ vẫn còn ấm trên từng viên gạch, cục đá xạm màu thời gian, ở mọi miền đất nước. Các thế hệ đồng bào sau này của họ vô tâm quá. Người ta không nỡ quên lũ mắt xanh mũi lõ từng dí súng sau lưng, vung roi da quất xuống tấm thân trơ xương của hàng đoàn nhân công da vàng lao dịch. Họ thích gọi khoảng thời gian từ 1859 đến 1945 là "thời Pháp thuộc" hơn là nêu thẳng con số. Hình như cái gì "thuộc Pháp, thuộc Tây" đều cao quý, hoàn mỹ và cần được nâng niu. Những khúc quanh đèo Prenn thơ mộng ăn vào vách núi. Những mảng tường, mái ngói rêu phong tạo nên các ngôi biệt thự mỹ lệ. Trong đó, mấy ai còn nhận ra vết tích hóa thạch của hàng ngàn cánh tay khẳng khiu mười ngón bật máu, ánh mắt tủi nhục căm phẫn vì bị đối xử như súc vật giữa công trường xây dựng.
Vẻ đẹp nhân tạo xa xưa của Đà Lạt rất dễ gây mặc cảm. Toàn quyền Đông dương chủ tâm xây dựng Đà Lạt thành khu nghỉ mát Tây dương cho người da trắng nếu không kể vài dinh thự nguy nga của vua bù nhìn Bảo Đại. Thời điểm Yersin mò đến Cao nguyên Lâm Viên và tư vấn cho Paul Doumer cát cứ Đà Lạt như địa điểm du lịch kỳ thị chủng tộc, được đếm xuôi để tính tuổi mảnh đất này quả là nông cạn hết chỗ nói. Chắc chắn đâu đây, dưới lòng đất Đà Lạt còn lưu giữ vài nền tháp Chàm như ở Xã Loan, Đức Trọng. Buổi chiều hiện tại mê lạc, linh hồn người Hời vẫn lảng vảng trong sương. Họ đánh đu trên những ngọn cỏ dại trùm phủ hàng tà vẹt hoang phế nối từ Phan Rang đến ga Đà Lạt. Con tàu thời gian cố tình lãng quên chủ nhân đầu tiên của Đà Lạt. Các dân tộc thiểu số tài hoa, thật thà như Mạ, Chăm pa, Chu ru, Kơ ho; dân tộc Việt Nam kiêu hùng thừa thờ ơ trước nỗi buồn trăm năm của Đà Lạt.
Mặc cho lòng người hẹp hòi bụi bặm, hào quang bất diệt của quá khứ biệt tích là gương mặt đáng ghi nhận nhất của Đà Lạt. Vết thương lịch sử rất cần khơi gợi thường xuyên như bài học vỡ lòng của tinh thần dân tộc. Sự nô lệ tư tưởng luôn dẳng dai, rất khó gột rửa.
Đà Lạt trong Phương cũng đẹp và buồn như nhận xét chung của mọi người. Bao nhiêu bí tích ái tình hư hư thực thực rất mộng mơ nhưng chẳng đáng gọi là nỗi buồn muôn thuở. Khí hậu ôn đới, thời tiết nhiều mưa ít nắng khiến người ta có điều kiện gặm nhấm, nhai lại tâm tư phiền muộn của chính mình. Đà Lạt buồn kiểu khác, rất riêng mà mấy ai thấu hiểu. Nỗi buồn vong bản nhiều lần, chưa đến hồi kết thúc, mênh mang phả lên sắc vẻ thiên nhiên. Màu xanh nâu ẩn lắng giữa mặt nước hồ Xuân Hương không khác mấy ánh mắt cô liêu của những người con gái bản địa mang làn da bánh mật. Họ hay đứng bán lan rừng bên lề đoạn đường ồn ào náo nhiệt dẫn vào chợ Đà Lạt.
Năm mươi năm trước chỉ bọn Tây dương mới được hưởng thụ khung cảnh xa hoa này. Phương thầm nghĩ và kín đáo quan sát nội thất lộng lẫy của quán Rabelairs. Nếu làm sang, nếu Phương ngồi vào dãy bàn ăn kê sát khung cửa kính khổng lồ nhìn xuống hồ Xuân Hương, anh sẽ được tiếp đãi nồng hậu nhất bằng ngôn ngữ ngoại lai, từ thực đơn trở đi. Đã một lần Phương nhói lòng vì lời chào hỏi toàn âm gió. Cái nhìn vô lo trước hàng chục món ăn đắt đỏ biến Phương thành người nước ngoài trong mắt đội ngũ phục vụ.
Ly trà ô long Bảo Lộc giá vài Mỹ kim. Phương ngang hàng với hậu duệ lũ thực dân đang xì xồ ở bàn bên cạnh, ít ra là ở chỗ ngồi. Nhưng để cánh cổng nặng nề phía ngoài rộng mở đón anh, bao thế hệ Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh. Á đông và lịch sử hàng ngàn năm của mình ngậm ngùi chịu sức ép "khai hóa, nhân quyền, đầu tư" tới bao giờ nữa đây. Chỉ có những thế hệ kém cỏi chứ không có một dân tộc nhược tiểu. Tối thiểu khi nào người Việt Nam nói chuyện với người Việt Nam hoàn toàn bằng tiếng Việt Nam, khi nào tất cả loài hoa ở Đà Lạt được gọi thống nhất bằng âm tiết đơn, mới mong xuất hiện con cháu làm rạng danh cha Rồng mẹ Tiên. Ở thì tương lai mù mịt ấy, biết đâu người ta sẽ gọi Đà Lạt là thành phố Vạn Xuân, như niềm tri âm ước vọng hòa bình và tự chủ của Lý Nam Đế.
- Anh ta chơi lại bản đầu tiên - Giọng mũi tiếng Anh lơ lớ âm Pháp hơi lớn làm Phương giật mình, thoát khỏi dòng suy tưởng.
- Xin lỗi ngài. Khó kiếm ai ở Đà Lạt đánh đàn hay hơn nhạc công này - Cô phục vụ xinh xắn nhanh nhảu xoa dịu.
- Hãy cho con gái tôi mượn đàn.
Mái tóc vàng yểu điệu rời bàn. Cô ta không tự tin lắm, khá nông cạn với Beethoven nhưng rực rỡ ánh mặt trời của Mozart. Nguyên, người nghệ sĩ bị từ chối nét mặt còn vương tự ái đến chào Phương:
- Phải cảm ơn đại tiểu thư.
- Anh khỏe chứ?
- Nhì nhằng thôi. Hiền Phương ra trường chưa Phương? Rảnh ta lại ghé Ánh Trăng nhé.
- Anh vẫn thích rượu vang Ý, Martini đỏ pha đá đúng không? Hãy thư thả cảm nhận dòng máu chúa của anh. Đừng lo bị khiển trách, tôi xin anh cây đàn trong nửa tiếng.
- Ngày nào cũng phải gõ phím từ bảy tới mười giờ tối, dù đại sảnh không một mống khách. Nhiều lúc sạn chai hết…
- Sinh nghề tử nghiệp mà. Tôi thèm cuộc mưu sinh như anh lắm. Phải chi tôi có năng khiếu và lòng kiên nhẫn tôi xin đổi chỗ với anh ngay.
Phương ngồi vào đàn khi quán không còn người khách nào, trừ anh. Mấy nốt láy quen thuộc ngân nga, giai điệu mượt mà. Những gam đồng thuận không cân đối của vài bản dạ khúc Chopin dịu dàng cất lên.
Phương tung đôi cánh phiêu bồng, lãng đãng giữa hoa đồng cỏ nội. Đêm thuần khiết. Đêm luôn là cứu cánh. Đêm xóa nhòa bề ngoài hào nhoáng dễ lầm tưởng. Đêm loại trừ chiếc bóng thô kệch không biết tự định hướng. Đêm trả lại nguyên nghĩa sự chay tịnh của nội tâm. Chỉ còn lại với đêm là hương đời chân thật, là bao nỗi nhớ không tên nhưng cùng một niềm day dứt. Xạc xào đêm, tiếng lá thu cứa vào hoài niệm. Gót lá giòn vụn, tan trong bè trầm của hơi thở. Âm ỉ suốt đêm cảm giác hồi hộp chờ mong.
Đêm dài. Đêm huyễn hoặc. Đêm thâm u. Đêm mênh mông diệu vợi. Đêm khai sinh tâm hồn chuộng cô độc giữa tiếng thét tắc ngẹn trong mơ. Hoài vọng của đêm nhiều khi hão huyền tột độ. Đêm bừng sáng ảo tưởng, lập lòe lân tinh liêu trai ngược chiều ký ức. Đêm xói mòn không tiếc thương những phần thanh xuân quí báu nhất.
Đã bao lần Phương đau đớn rạch vào bóng đêm đặc quánh gạch nối chia cắt quá khứ và hiện tại. Đêm giúp anh bỏ lại đằng sau chặng đường vừa qua. Thẩn thơ chơi đêm là câu hỏi gởi đến con đường gập ghềnh khúc khuỷu trước mặt. Miền mây trắng tinh khôi nhuốm màu cổ tích uống cạn bóng đêm và tất cả hư ảnh mù mờ tăm tối.
Gió luồn qua đêm, qua mọi biên giới của lãng quên. Và quá bất ngờ, Phương nghe vẳng trong gió tiếng hát rất đỗi xa xăm nhưng bội phần tha thiết. Ngọn đồi cỏ cháy vàng hoe cuối chân mây. Người con gái ngả đầu bên lớp vỏ nâu xám của cội thông già chơ vơ. Sương tím giăng giăng.
Đêm dịch hạch
Ai trốn chạy tình yêu trần thế
Sự hiển linh vẫn mãi xa vời
Áo xiêm đâu vẽ được thần tiên
Em xứng đáng ngàn lần với một đời bình lặng
Anh về nghiện lại đắng cay
Ừ thì thôi...
Chẳng dám tìm may rủi
Bài thơ viết trong đêm lại sáng giữa ánh ngày
Em lại cười và tôi lại trộm vui
Em lại cười và tôi lại trộm vui
Bài thơ cháy, chói hơn mặt trời chính ngọ
Ngày chưa kịp xanh đã trùm phủ tàn tro
Mai tuyệt vọng hay mai là hạnh phúc
Vẫn ngát lên hương dịu ngọt hồng hoa
Chất nhạc Phương chơi chuyển điệu lúc nào không rõ. Nét ngũ cung trầm lắng đượm buồn. Phương nhìn xuống bàn tay nhẹ bẫng đang lướt trên hàng phím. Xúc giác đã tê liệt. Các phím đen được sử dụng triệt để. Ứng tác thần diệu của miền tâm khảm sâu kín. Hoang tưởng ngọt ngào đến nỗi Phương tin anh sẽ chẳng bao giờ cố nhớ, cố chơi khúc nhạc này một lần nữa. Tiếng hát bay mãi trên ngàn hoa, lướt qua Phương, dẫn theo thứ gió mát lành của cao nguyên đang vào hạ.
Sáng tiếp theo Phương ra cà phê Ánh Trăng rất sớm. Anh biết mình đang đợi Hiền Phương. Cuộc đợi chờ phó mặc cho duyên may, cho số phận, cho linh cảm khó minh chứng về thần giao của những người đang nghĩ về nhau. Tán dù đỏ sờn cũ nắng mưa. Vẫn đây, mờ mờ nét chữ tinh nghịch của Hiền Phương viết ngược ngày nào: "Chiếc bàn của chúng ta".
Phương thấy Hiền Phương từ rất xa, cuối đoạn dốc ngã năm đại học. Ban đầu anh chỉ hơi mất bình tĩnh. Khi Hiền Phương bước vào và thẳng tiến đến bên Phương thì anh thật sự run rẩy.
- Em đang học, tự nhiên nóng ruột không thể tả. Em ra đây như mộng du.
Tuổi hai mươi của Hiền Phương ửng hồng trên má. Đôi mắt bồ câu trốn mưa buồn đến lạ. Và tuyệt vời thay, tận cùng nét buồn nhu thuận, Phương nhận ra giọt sương hội ngộ. Giọt sương long lanh chứa cả ngày nắng đẹp.
Phương khoanh tay trước ngực tận hưởng từng hơi thở. Trong mắt anh Đà Lạt đẹp quá, đẹp từ búp cỏ đến tán thông. Màu xanh núi xa. Màu trắng mây thấp. Vạn bông hoa muôn màu lung linh hư ảo như ánh hoa đăng đêm giao thừa trong lòng hồ Xuân Hương. Bản giao hưởng của màu sắc làm Phương xúc động, nói chẳng nên lời. Hiền Phương lại bên anh như giữa họ chưa trải qua bốn mùa xa cách hoang đường và nông nổi.
Rất nhiều thứ xung quanh Hiền Phương và Phương chưa kịp đổi thay. Mong sao thiên nhiên Đà Lạt trăm năm sau hãy còn dáng dấp ngày nay. Hai ngọn cao nhất của dãy Lâm Viên cứ thích trốn tìm trong mây mù. Hàng thông non bên bờ rào Đồi Cù nhọn vút trên nền trời, tập tành vi vu reo gió. Thảm cỏ nhung mượt mà long lanh dưới nắng nhẹ.
Có một miền tâm linh sâu thẳm vừa được khai sáng, giấc mơ vĩnh hằng đang tiếp nối. Chiếc xương sườn đã tìm đúng nơi trú ngụ xa xưa của mình, tận trong truyền thuyết thần thánh rất khập khểnh, phi lý nhưng hàm chứa ý nghĩa đẹp đẽ và tuyệt đối hoàn hảo. Phương tin "Thượng đế đã chết". Anh cũng tin thượng đế của riêng mỗi con người mãi mãi còn. Tình yêu mang sức sống riêng, vượt qua mọi thời cuộc, mọi vật cản của thời gian và những cái tôi hèn kém. Tình yêu kỳ diệu hơn hạnh phúc, cao hơn khổ đau, mất mát, lớn lao hơn muôn vạn sầu não truyền kiếp của nỗi đời. Phải chăng đó là cái còn lại chứ không phải ảo ảnh từ phút giây đầu tiên khi hai con người gặp nhau để yêu nhau rồi lại chia ly.
Họ ngồi bên triền đồi nhìn xuống khe Hoa. Sườn đèo Prenn đối diện thấp thoáng những mái nhà giữa các mảng rừng thông. Thung lũng vảng vất khói lụa dịu mát như tóc tiên. Không gian thanh bình tĩnh lặng. Nghe rõ tiếng chạm nhẹ vào nhau của hàng triệu chiếc lá kim. Đôi mắt Hiền Phương mở to nhưng chẳng dừng lại ở bất cứ ảnh hình nào. Mặt hồ thời gian sóng sánh nắng. Mây trắng lãng lờ trôi.
- Cảm ơn cuộc đợi chờ ẩn mình trong sâu thẳm tiềm thức, khó lòng tan biến giữa cám dỗ.
- Đừng gọi em là truyện cổ tích của đời anh.
- Em biết quên mình?
- Sao anh không nghĩ đó là sự dâng hiến cho nó mãnh liệt hơn, thật hơn?
- Anh không muốn biến em thành miếng mồi ngon cho dục năng. Tầm thường quá!
- Anh đề phòng mưu đồ chiếm hữu nơi em, hay anh sợ bản chất chiếm đoạt của gã đàn ông trong anh? Em chẳng nghĩ em sắp cho đi thứ gì. Ở em lòng khao khát hiến dâng và tình yêu là một. Em muốn trở thành đàn bà bên cạnh người em yêu. Cô gái trinh nguyên là con người trống rỗng, chưa ra đời. Ai đó từng bảo "Đàn bà là danh hiệu cao quí nhất mà ta có thể phong cho linh hồn, cao quí hơn nhiều danh hiệu thiếu nữ". Mọi loại chúa trời đông tây kim cổ đều là đàn ông nhưng mẹ của họ tất phải là đàn bà. Con người nhỏ bé và đáng thương nhất khi họ quì gối, cúi đầu trước biểu tượng trinh trắng phi lý.
Phương nghe tai mình lùng bùng. Giọng nói sôi ra từ đáy lòng anh: "Tôi không biết khái niệm hiến dâng. Đơn giản, tôi hành động như mọi người con gái khác đã hành động trước cả cái tuổi hai bảy này thôi".
- Tuyết sống bằng thói thường của thiên hạ. Không ngờ Hiền Phương mạnh mẽ và bất ngờ đến thế - Phương lẩm bẩm.
- Anh nói gì vậy? - Hiền Phương níu tay Phương.
- À không. Tốt hơn hết em hãy để dành lòng khao khát cho tuổi đời chín chắn hơn.
- Dù gì đi nữa em tin mình sẽ là một cô vợ thủy chung, tiết hạnh. Có đấng mày râu nào trên thế gian này từ chối người bạn đời như vậy đâu anh.
Giọng Tuyết: "Ít ai dám nghĩ em còn trong trắng. Xét tuổi em, chẳng ma nào dại dột mơ tưởng hão huyền. Em không cần lập lờ đánh lận".
Màn sương ảo ảnh của Đà Lạt lại đón về cặp tình nhân vừa mới vừa cũ. Đêm mông lung và sâu thẳm. Âm u trong gió tiếng ngàn thông hay là lời nguyện ước tiếp nối tháng năm còn dang dở.
Có lẽ Hiền Phương nghĩ đúng. Ở chừng mực nào đấy sự trinh trắng gần như vô nghĩa. Người ta thích nhìn vào mắt trẻ thơ và vẽ vời các ý niệm chủ quan. Tự thân, đôi mắt trong suốt chỉ gợi nhớ hồi ức niên ấu. Chính việc ngầm so sánh hiện hữu nhá nhem với con số không, vô tình biến số không thành giá trị lớn. Ngưỡng mộ hoặc bằng lòng với hư vô là chứng bệnh tưởng khủng khiếp.
Hiền Phương muốn đặt bút viết bài thơ cuộc sống trên tờ giấy trắng đầu tiên. Không có lý do ngăn cản nàng. Biết đâu một tuyệt tác sẽ được thai nghén. Phương bỗng nhớ tới Tuyết. Anh và cô đã hè nhau bôi bẩn trang sách thứ nhất của họ. Rõ ràng đau khổ hay hạnh phúc của một cá nhân chỉ phụ thuộc vào chính người đó. Tất thảy trắc ẩn là cần thiết nhưng hơi thừa.
Thể xác cũng như tinh thần hai con người dần đi đến điểm chung tuyệt đối. Xúc cảm thiêng liêng, thần bí. Lần đầu tiên Phương sợ bóng đêm và giấc ngủ. Những chiêm bao thường trực chẳng hề vô hại. Nó rình rập chia cắt ý thức và ý nghĩ của họ về nhau. Họ sẽ tách khỏi nhau, không còn cảm nhận được hơi ấm của nhau. Thế giới của giấc ngủ, dù ngắn hay dài đều là thế giới nặng nề của tự ngã phản trắc.
- Anh vừa mơ thấy chúng ta cùng chờ đón phút giao thừa thiên niên kỷ. Em là đứa trẻ hiếu động nhưng đáng yêu kinh khủng…
- Mỗi người nói một câu xem anh có dẫn em vào giấc mơ của anh không nhé - Phương biết Hiền Phương đang mỉm cười. Mắt nàng khẽ chớp, hàng mi chạm nhẹ vào khuôn ngực anh - Trời tối đen như mực. Lờ mờ bóng dáng chiếc chuông đồng to ơi là to. Mép chuông dán đầy những mảnh giấy nhỏ chứa đựng lời nguyện cầu siêu thoát cho vong linh.
- Người ta gởi gắm cả giấc mơ thanh bình ngày mai trong các chữ nho sống động và có hồn.
- Anh bảo em đứng cạnh chiếc dùi khổng lồ chụp hình kỷ niệm. Đèn chớp yếu quá, ảnh không rõ.
- Trong đêm mà. Tuy nhiên đâu khó khăn gì để đọc nét hoa văn của tháp chuông. Ừ mà lạ! Em như thủy tinh trong suốt nên chẳng thấy em đâu.
- Chiếc chuông bị ngâm trong bóng tối. Những mảnh giấy được dán lên mép chuông phát sáng.
- Đúng không giờ dùi chuông tự động dịch chuyển. Âm thanh mê hoặc linh thiêng loang ra thinh không, len lỏi vào tận tầng vô thức băng giá và tĩnh lặng.
- Nép mình giữa ranh giới của nhiều bồi âm là giọng anh gọi em. Xa xăm nhưng trung thực lạ lùng, rung cảm cộng hưởng đến từng tế bào già nua sắp bị cơ thể đào thải.
- Chẳng biết ai gọi ai nữa. Anh nghe rõ giọng em. Chỉ có tiếng "Phương ơi!". Hai ta cùng gọi nhau đấy.
Đến lúc này Phương mới dám tin anh và Hiền Phương đã sánh vai trong giấc mơ nọ. Sự việc họ có nhau, đang ở bên nhau là hoàn toàn thực.
Phương cố tình không bật đèn. Trong bóng tối anh mò mẫm thu dọn mớ hành trang giản đơn của một lữ khách thiếu tính cẩn thận. Ông chủ nhà đáng kính tóc hoa râm không giấu vẻ ngạc nhiên vì Phương trả phòng quá đột ngột. Hiền Phương chờ anh bên gốc Bích Đào cỡ hơn trăm tuổi.
- Nghe bảo cây Bích Đào này nở hoa đẹp lạ lùng. Hoa Đào hữu sắc vô hương nhưng được cái thần. Nó vượt qua mùa đông khắc nghiệt để đem đến cho ta mùa xuân và tất cả hy vọng.
- Anh không nghĩ anh đã quên một thứ mà anh luôn coi trọng và ý thức gìn giữ như kỷ vật sao?
Nụ hôn là câu trả lời, dài hơn vạn lần khoảng thời gian từ lúc họ biết nhau. Người ta hôn nhau bằng miệng và mũi, lối đi của hơi thở, của sự sống. Qua nụ hôn, linh hồn người này tìm được linh hồn người kia, tiến tới hòa hợp và gắn kết muôn đời.
- Năm phút nữa đến ngày mới rồi em biết không. Anh đưa em về nhà. Sau đó anh sẽ lang thang trong đêm sương cho đến lúc mệt mỏi rã rời. Anh muốn tạm dọn qua phòng trọ khác.
- Cái ngày Bích Đào nở hoa còn xa không Phương? Rất nhiều vẻ đẹp có được nhờ khoảng cách…
- …và trí tưởng tượng. Cửa căn phòng ta vừa ở đến gốc Bích Đào này không thể đo bằng mấy bước chân. Nó dài hơn hành trình luân lý gượng gạo của những kẻ ái kỷ, của trọn vẹn thân phận người phụ nữ và tất thảy trò đồng bóng mang dấu ấn vô tưởng của tâm thức.
- Anh thay đổi nhanh quá.
- Tấm lòng như em rất khó tìm được. Anh may mắn và anh đã chọn cái phi hình thức nhưng bền vững nhất, sâu sắc nhất. Bức tượng vũ nữ ngoài kia đang rực sáng giữa đêm sương mịt mù. Vũ điệu tinh thần lúc nào cũng rạng rỡ và giá trị.
- Cuộc đoạn tuyệt của anh mập mờ, nhiều thỏa hiệp nhẹ dạ. Em khác anh ở chỗ em không cần căn cứ cho tình yêu. Mê muội quá phải không? Anh hãy đi bất cứ nơi nào anh thích. Em chờ anh cuối con đường, một khi anh tình cờ muốn quay về. Em chưa chắc Bích Đào sẽ đơm hoa. Em không tin trời đất nơi ấy mãi là mùa xuân. Nhưng em vẫn là em hôm nay và hôm qua, của anh, bất di bất dịch. Hơn một câu nói suông, em biết em sẽ sống vì điều này, bằng tất cả nghị lực và lòng kiêu hãnh của tuổi hai mươi.
Đêm ấy là đêm dài nhất Phương từng trải qua. Anh khép gần hết vòng hồ Xuân Hương và không rõ mình đang đi đâu, đang nghĩ gì. Kiệt sức, Phương tắp vào một phòng trọ sơ sài. Cơ hồ anh không ngủ. Không chỉ bị bóng đè, Phương còn sống lại hai ngày đêm đắm tàu kinh hoàng. Tâm trí anh bất định, chập chờn nửa tỉnh nửa mê.
Rõ ràng Phương cần căn cứ và bằng chứng cho tình yêu của anh dành cho Hiền Phương. Anh chưa thoát khỏi ám thị ngộ nhận hay vẫn là kẻ ái kỷ không hơn không kém. Một lần nữa Phương lại vội vàng. Chuyến xe cuộc đời anh rẽ sang hướng khác mà Phương không hề hay biết. Chỉ Phương mới có thể minh định anh xứng đáng hay không với những gì Hiền Phương trao gởi, nhưng anh hoàn toàn mất tự tin đến nỗi bấn loạn.
Phương đã tồn tại bằng tất cả nỗ lực và ý chí. Trước tình yêu Phương lại quá hoang mang hay đại loại anh cho rằng như vậy. Đà Lạt đặt anh vào con đường mới, gần như sự ràng buộc. Số phận yêu cầu Phương làm tròn nhân cách trước khi xác định rõ anh đang trên hành trình đến với tình yêu. Chẳng hiểu đây là thiên ân hay bất hạnh. Cái quan trọng là Phương vừa tìm ra ý nghĩa mới cho ngày mai bằng linh tính khác thường. Người ta cần lý do để tiếp tục sống dù đời sống trước mắt không hơn gì sự chấp nhận thụ động kém tươi sáng. Mớ bòng bong rối bời này trở thành chiếc tổ ấm, ngấm ngầm khoác lên Phương, xua đi cảm giác lạnh lẽo chốn trần ai trong buổi giao thời của nhận thức và tuổi tác.
Sài Gòn đón Phương về với bao lo toan. Thường nhật rảnh rỗi lạnh người. Phương có nhiều thời gian dành cho chiếc đàn Dương cầm. Anh hay nghĩ đến Hiền Phương khi chơi đàn. Hiền Phương viết cho anh đều đặn. Nàng cứng cáp và chững chạc lên từng ngày. Có điều Phương khó hiểu là Hiền Phương bắt anh phải hứa không tự ý lên Đà Lạt nếu nàng chưa đồng ý. Cái cớ nên chăm chú công việc của Phương và bài vở cho năm học cuối cùng của Hiền Phương không nói hết bản chất vấn đề. Phương nhất trí và cầu mong mùa xuân chóng đến. Cũng có thể công ty ít tiếng người quá, Phương không dám vắng mặt nên dễ thuận ý Hiền Phương. Khi kẻ bán nhiều hơn người mua, mỗi đơn hàng là một chiếc phao cứu sinh bên vực phá sản. Mọi quan hệ đều trở thành cơ hội sống còn và được đón lõng nhằm khai thác triệt để.
Hiền Phương rất vui vì nàng không khó khăn nhiều khi thuyết phục Phương. Phương viết cho Hiền Phương rất nhiều, thư nào cũng dài. Anh viết mọi thứ và ở mọi nơi có thể viết. Giờ nghỉ trưa hoặc khi rảnh tay Phương gõ máy vi tính. Chiều anh in ra, khuya lại tiếp nối dòng tâm sự bằng bút bi.
Nếu không có chiếc đàn Dương cầm chắc chắn buổi tối của Phương sẽ trống trải vô độ. Anh tập lại những bản nhạc mình từng yêu thích đến thuần thục. Các ngón tay chăm chỉ mềm xuống ở mức độ chấp nhận được. Âm nhạc giúp Phương tâm sự với chính mình và với cả Hiền Phương. Nỗi nhớ du dương, tha thiết băng qua tất cả khoảng cách và sự đơn độc ngỡ là trường tồn.
Đi ngoài đường Phương mắc thêm chứng bệnh lầm tưởng. Một tà áo, một dáng lưng, một mái tóc thiếu nữ hơi giống Hiền Phương đập vào mắt, Phương lập tức nhấn mạnh ga vượt lên. Chỉ thiếu tiếng gọi giật thảng thốt "Hiền Phương!" là anh đã biến mình thành kẻ vô duyên. Phương nhận thấy Sài Gòn rất nhiều xe gắn máy hiệu Kawasaki Max. Hiền Phương cũng đi loại xe này. Nhìn dọc nhìn ngang đều thấy xe Max. Mất công Phương đọc hàng mấy chục bảng số xe mỗi ngày. Mã đăng ký tỉnh Lâm Đồng là 49 chỉ lác đác xuất hiện. Chẳng xe nào có nàng Hiền Phương ngồi cả! Chuyện này biến thành thói quen mà Phương không chủ tâm dứt bỏ. Dù sao phố phường cũng bớt đơn điệu.
Phương chưa bao giờ vẽ ra tương lai sáng sủa ru ngủ Hiền Phương. Anh không dấu nàng bất cứ điều gì, kể cả sự thụt lùi của công việc. Ý nghĩ Hiền Phương không đủ trưởng thành để chia sẻ với anh lo toan của đời sống cũng mờ dần.
“Anh cần em xin cha mẹ vài mẫu đất vườn dưới thung lũng Trại Mát không? Chúng ta sẽ cuốc đất trồng rau. Xung quanh ngôi nhà gỗ đơn sơ ươm thật nhiều hoa hồng. Đó là công thức phi hiện thực của văn chương giải trí tiểu thị dân.
Em chỉ nhắc lại những gì chúng ta đã tranh luận. Thành phố chính là gương mặt của thời đại. Đừng lùi bước vì khó khăn trước mắt. Tư tưởng thối lui, ẩn dật hoặc quên mình là nhu nhược.
Em rất mong thời gian nhanh qua. Chúng ta sẽ sát cánh bên nhau trên từng sự bận tâm nhỏ nhặt nhất, tầm thường nhất đến những điều tưởng rất xa vời, như hòa mình trong cộng đồng phố xá, góp phần tạo nên chuẩn mực văn minh.
Làn sóng nhập cư ào ạt vào đô thị của các nước đang phát triển mang tính tích cực. Người ta chấp nhận tất cả tạm bợ từ nơi ăn chốn ở đến công việc để được học hỏi, phấn đấu. Tìm kiếm thu nhập khá hơn là mối lợi lộ thiên. Động lực thúc đẩy cho phát triển, phồn vinh và văn minh chính là sự mở mang đầu óc, sáng tạo hoặc tiếp thu có sáng tạo tư tưởng tân thời phù hợp áp dụng trên đất nước mình.
Can đảm lên anh nhé!”.
Mùa thu Phương định vượt rào đem đến cho Hiền Phương sự bất ngờ nhưng không thành. Trước sinh nhật Hiền Phương, Phương vờ vô tư gởi quà và thiệp chúc mừng từ Sài Gòn. Đúng ngày anh đáp máy bay lên cao nguyên. Phương tạt qua chợ Đà Lạt chọn kỹ bó hồng nhung hai mươi hai bông thật đẹp. Mười chín giờ anh hồi hộp xuôi hẻm dốc nhỏ bên cạnh đồi trà. Phương gõ cửa. Những năm phút mới có người bước ra.
- Hiền Phương hả? Nó không trọ lâu rồi… Nó vẫn đi học nhưng cha mẹ nó gọi về Trại Mát ở. Dạo này dưới đấy bận rộn lắm hay sao ấy. Đường xá vòng vèo khó tìm. Hay sáng mai tôi bảo thằng con tôi dẫn cậu xuống.
- Dạ thôi. Cám ơn cô.
- Mà nè, cậu tên Phương phải không… Chút thì tôi quên. Hôm kia bạn của nó ghé lại lấy giùm bưu phẩm. Nhỏ đó nhắn nếu cậu tới tìm thì đưa cậu phong thư này.
Phương thất vọng. Hoa hồng bọc giấy bóng kiếng, kim tuyến lấp lánh như trêu ngươi. Phương dúi bó hoa cho chủ nhà: "Cháu tặng cô". Dợm đi được hai ba bước Phương chột dạ và quay phắt một trăm tám mươi độ. Anh chộp lấy bó hoa vẫn hờ hững nằm trên tay người đàn bà xa lạ.
- Cháu xin lỗi. Cháu nhầm…
- Cái thằng… Tiếng nguýt dài khó hiểu đuổi theo Phương. Giọng người Đà Lạt thánh thót như chim hót.
Phương đứng cạnh cột điện thoại dùng thẻ trước Đại học Đà Lạt và căng mắt đọc lá thư của Hiền Phương. Chiếc đèn cao áp bên đường già nua. Ánh sáng không những quá yếu ớt mà còn bị sương hút gần hết. Vỏn vẹn vài chữ: "Em không chơi với anh nữa. Anh anh ăn gian quá đấy! Bây giờ đang là trung thu. Một mùa rưỡi sau anh mới được gặp em… Ngoéo tay rồi mà!"
Phương vừa bực vừa buồn vừa ngạc nhiên. Anh buộc cẩn thận bó hoa trong hộp điện thoại. Phương lật ngược tờ giấy in câu "chúc mừng sinh nhật". Anh nắn nót viết rồi đồ đi đồ lại nét chữ thật đậm: "Nếu bạn không phải là Hiền Phương xin hãy để hoa chờ chủ. Cám ơn!". Lời nhắn được treo ở chỗ dễ nhìn nhất, bên cạnh cái miệng cười rất dễ ghét của tấm hình quảng cáo kem đánh răng.
Đêm đó Phương quá giang chuyến xe chở thư của bưu điện về Sài Gòn. Gối đầu trên các bao tải anh ngủ rất ngon. Trong mơ Phương thấy mình và Hiền Phương bơi thiên nga qua mặt hồ xanh trong của thung lũng Tình yêu. Họ đến mảnh rừng vắng lặng bờ bên kia. Hai người chơi đuổi bắt vòng vèo dưới gốc thông cổ thụ. Cứ mỗi lần Phương sắp chạm vào Hiền Phương là nàng biến mất. Thay vào khoảng trống là bó hoa sinh nhật. Những nhánh hồng được chăm sóc tốt, gai nhọn rất cứng và dài. Tiếng cười khúc khích của Hiền Phương chẳng ngớt. Phương gạt đi cảm giác đau nhói giữa bàn tay để nhận lấy cái nhí nhảnh của Hiền Phương. Miệng anh vừa cười vừa méo trông hài hết mức.
…Mười bảy giờ ngày 31 tháng 12 năm 2000, buổi liên hoan cuối năm mở màn bằng tiếng nổ khăn lạnh. Phố nhậu Thi Sách sắp tàn thời, quán mở quán đóng. Vỉa hè quang đãng và đã hết cảnh lôi kéo, giành giật khách huyên náo của đám cò mồi. Bia sùi bọt trên mép người. Một… hai… ba… dz..ô..ô..ô… Phương chưa lần nào tiêu hóa được lối nâng cốc kỳ quái của Sài Gòn "ba trăm lẻ ba năm"!. Anh khép miệng, tì tì uống và tâm niệm sẽ cố quên một năm tăm tối cùng viễn cảnh chưa đến lúc sáng sủa trong cơn say. Những lời chúc ớn lạnh, vô nghĩa và sáo rỗng. Con người cứ thay nhau sử dụng vài câu nói mòn vẹt, thế hệ này qua thế hệ khác. Nổi gai ốc và buồn nôn.
- Chú mua hoa hồng tặng cô đi chú.
- Xin lỗi cháu, "cô" của chú phải gọi cháu bằng chị đó. Rất tiếc cô ở xa quá.
- Nè Phương, cuối năm em Đà Lạt ra trường là đón nàng về dinh luôn há. Một chầu nhậu ve sầu nha - Giọng lè nhè quàng vai Phương - Mua đi, mở hàng cho "cháu" nhi đồng cụ.
Phương chọn cành tươi nhất, cẩn thận nhúng vào cốc bia và rẩy sạch. Anh ngả nghiêng rứt từng cánh hoa cho vào miệng và nhai nuốt ngon lành: "Xin gởi em bông hồng đỏ thắm qua bưu cục nỗi nhớ!". Câu nói cực sến nhưng bàn tiệc vẫn vỗ tay rầm rầm.
- Hiền Phương phải không? Anh mong điện thoại em quá chừng. Em gọi từ đâu mà số lạ vậy?
- Đây có phải là số máy…
- Dạ đúng, tôi là Hoài Phương. Xin lỗi tôi đang tiếp chuyện ai đấy ạ.
- Tôi là dì ruột của cháu Hiền Phương. Nó đang chuyển dạ tại khoa sản bệnh viện Đà Lạt.
Phương cứng lưỡi. Giọng phụ nữ:
- Nó kiên quyết không khai cha đứa bé là ai cho đến lúc nãy. Bác sĩ bảo con so sinh non. Cuộc phẫu thuật lành ít, dữ nhiều. Cơ sở y tế và thầy thuốc ở đây khó chống đỡ nổi sự phức tạp trong trường hợp này. Đã quá muộn để chuyển xuống Sài Gòn. Con anh cần có cha nếu chẳng may mẹ nó không qua khỏi.
- Thưa dì cháu có lỗi. Cháu sẽ… Phương lắp bắp. Bà Dì cắt lời anh:
- Gia đình chúng tôi túc trực tại bệnh viện ba ngày nay. Cha mẹ nó quá mệt mỏi để bắt lỗi hay hỏi tội anh. Anh đi mau cho!
Máy cúp. Phương cố nghe những tiếng tít tít xa xăm. Hình như nó vọng tới từ cõi cổ tích đã tuyệt chủng.
- Trời ơi tôi sắp có con - Phương bật dậy và thốt lên trong niềm xúc động không thể kiềm chế.
- Con trai hay gái? Ai đó hỏi.
- Một con người. Một tâm hồn. Một khối óc Á đông ra đời để nối tiếp hàng ngàn năm văn hóa của tổ tiên, tuy lúc hưng thịnh, khi yếm thế nhưng chưa bao giờ bị diệt vong. Con người ấy xứng đáng với chữ con người hơn bao giờ hết. Thế hệ ngày mai phải được và sẽ được sống trong tình yêu thương đồng loại, trong hòa bình, tự do…
Phương quá say rồi. Anh bước khỏi bàn nhậu nhớp nhúa. Miệng anh lảm nhảm, chân xiêu vẹo hướng về bến xe du lịch Đông Du.
"…Hiền Phương ơi, mẹ con em sẽ qua khỏi, sẽ an toàn tuyệt đối. Cha sẽ đặt tên con là Linh Phương. Mẹ Hiền Phương là vẻ đẹp say ngủ của nàng công chúa kiều diễm giữa rừng rậm hoang sơ, đầy gai nhọn và thú dữ. Con được hoài thai bên bìa cánh rừng thế kỷ hai mươi tang tóc loạn ly. Thế kỷ man rợ ẩn tích trong những thành tựu khoa học kỳ vĩ. Thế kỷ bạo tàn, nước mắt hòa với máu, mỗi tháng đều có chiến tranh nổ ra, tự dối trá bằng nhiều tên gọi mỹ miều, vô cảm nhưng hết sức mị dân. Thế kỷ của bọn giết người hàng loạt vì danh và lợi, được tôn vinh là anh hùng. Thế kỷ của nhận thức phũ phàng, con người chợt hiểu thiên địch lớn nhất của mình chính là mình. Thế kỷ nhan nhản học thuyết. Mỗi triết gia tự cho mình là ông trời toàn năng, tự cho mình quyền cưỡng đoạt, lừa phỉnh đồng loại bằng bánh vẽ nhân quyền, tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái và cơ man giáo điều, khẩu hiệu. Thế kỷ không biết thay cừu địch muôn đời bằng tình yêu thương, chỉ cần lợi ích đem lên bàn cân đong đếm. Thế kỷ ngạo mạn, con người chà đạp không thương tiếc bà mẹ tự nhiên. Họ cày xới loang lỗ mặt địa cầu bằng hàng ngàn vụ thử bom nguyên tử, bằng cách hủy diệt gần hết những cánh rừng nguyên sinh đất mẹ từng nuôi nấng. Biết bao thành phố công nghiệp lởm chởm ống khói xám đã xé toạc tấm áo ozone hằng chở che cho mẹ. Thế kỷ của những căn bệnh thể xác và nhân phẩm vô tiền khoáng hậu mang mầm mống tuyệt diệt chúng sinh. Thế kỷ băng hoại. Con người trở thành nô lệ của nhục cảm ti tiện. Thế kỷ nghèo đói lạc hậu. Tám mươi phần trăm nhân loại lao động cơm không no, áo chưa đủ ấm, làm kiếp trâu ngựa phục dịch hai mươi phần trăm còn lại. Thế kỷ đớn hèn xoay quanh đồng tiền, nỗi ô trọc truyền kiếp của hành trình văn minh. Không có ý tưởng mang tính thời đại hoặc hơn thế để khuất phục quyền lực cực đoan âm thầm nhuộm đen mặt đất trong bóng đêm trăm năm cũ..."
"…Nhưng con ơi, cha không hề ân hận khi được sinh ra và lớn lên trong một phần ba chuỗi ngày ảm đạm ấy. Thẳm sâu nơi góc tối tăm nhất của mỗi trái tim nhân loại luôn là mảnh vỡ sót lại của tâm linh, của lương tâm. Từng phút từng giây, lớp vỏ bọc bền vững của siêu ngã hướng thiện bị khứa đứt một cách kiên nhẫn. Hãy nhận lấy thế kỷ của con với tất cả anh linh bất tử mà tiền nhân để lại. Hãy đứng lên đạp đổ hết những thiên đường giả trá, lòe bịp và vờ vĩnh ngây thơ thần bí. Thiên đường duy nhất của ta là nơi ta đang sống. Dù cuộc sống đêm ngày chật vật rên xiết trong phiền toái, bất mãn, thậm chí tủi nhục và ươn hèn, đó vẫn là cuộc sống đáng sống nhất nếu còn nguyên khát vọng, hoài bão và lòng nhân từ chưa kịp mai một…"
"…Bây giờ thì cha chẳng cần tự hỏi cha có thực lòng yêu mẹ con không. Cha từng nghĩ gia đình, con cái là điều tầm thường nhất mà người ta dễ dàng tìm được. Nhưng cha đã lầm. Tình cảm của cha dành cho mẹ con có thì tốt, mà chỉ mới chớm nở cũng chẳng sao. Tất cả đang ở đằng trước. Tình yêu tìm được sau hôn nhân luôn bền chắc. Nó sẽ biến gia đình thành tổ ấm, thành nơi trú ngụ an toàn sau biết bao trúc trắc, bực dọc ngoài xã hội. Ngày mai cha buộc phải bắt đầu, buộc phải đứng lên từ thất bại hôm qua. Cha không còn đơn độc. Chúng ta có ít nhất là ba người. Ba người lúc nào cũng mạnh mẽ hơn một người là hiển nhiên! Qua mỗi vấp ngã cha thấy mục tiêu mới lớn lao thêm chút nữa. Lần này mẹ Hiền Phương và con tạo nên sự khác biệt không thể so sánh. Hãy đón nhận cuộc đời bằng tiếng khóc con nhé. Người ta cười trước niềm vui hạn chế và chỉ khóc với hạnh phúc tột bậc, hoặc ngược lại…"
"…Chẳng hề có kiếp người nào trong hàng tỉ kiếp người đã đến và đi qua mặt đất này là vô dụng. Mỗi sinh linh đều mang nặng trên vai sự thống khổ của nhân gian, nỗi đớn đau của con đường truân chuyên tạo dựng nhân cách. Gánh nặng kia dù được khải niệm rõ ràng như trong trường hợp của Lão Tử, Khổng Tử, Thích Ca Mâu Ni, Muhammad, Jesus hay vẫn còn bàng bạc vô thức giữa những cuộc đời không tên đều giá trị như nhau. Phải tự hào về sự đồng đẳng của mình giữa vạn vật nhưng hoàn hảo hơn vạn vật ở nhận thức sinh tồn và ý nghĩa cuộc sống…"
"…Linh Phương ơi, của hồi môn cha tặng con chỉ là mớ niềm tin đáng ngờ nhưng được chuyển tải bằng con đường huyết thống không bao giờ nhầm địa chỉ…"
- Anh Hai về đâu.
- Tôi lên Đà Lạt.
- Anh Hai thuê hẳn một chiếc xe cho lẹ.
- Đúng, một chiếc xe tốt nhất, chạy nhanh nhất.
- Nhanh lắm cũng phải năm tiếng.
- Nếu quá năm tiếng chưa tới Đà Lạt thì đừng đòi tiền nhé.
- Có liền… có liền. Thế kỷ hai mốt muôn năm!
Phương dần tỉnh rượu trên con đường hun hút hướng lên Đà Lạt. Chiếc xe lầm lũi nuốt những khoảnh khắc cuối cùng của trăm năm cũ. Mênh mông lòng người, mênh mông đêm tối. Tiếng bánh cao su xiết xuống mặt đường. Vũ trụ thu hẹp bằng tầm sáng đèn pha. Cuộc vượt cạn của thời gian vô cùng đớn đau trong hoài niệm về những năm tháng đặc quánh bóng đêm. Hiển nhiên chúng ta sinh ra đời để nhận lấy khổ đau, mang theo khổ đau và nếm trải nó như hành trang không thể thiếu trên đường về với chân lý và hạnh phúc. Thế kỷ đã qua chỉ có mỗi khổ đau là báu vật, là cái còn lại, là giá trị vĩnh định cho mọi thời cuộc. Đáng buồn thay!
Và đáng buồn hơn nữa khi Phương xót xa tự trách: Bé Linh Phương sẽ ra sao nếu Hiền Phương không đồng ý để gia đình điện thoại cho anh giữa cơn nguy cấp? Phương có phải là kẻ vô tình, chẳng chút thiện chí với chính giọt máu của mình?
"…Linh Phương ơi, hãy tha lỗi cho cha! Mong con đừng phủ lên thế kỷ xấu xa của cha sự khinh bỉ vô phương bào chữa. Khi người ta chấp nhận mặt trái và bóng tối như một phần không thể không có thì từng búp xanh nhỏ nhoi giữa bình minh ngày mai sẽ muôn phần đáng quí, đáng trân trọng. Cái xấu không còn là cái xấu nếu ta đã vẽ được hình hài của nó… Con người sở hữu hai loại bản năng là bản năng sinh tồn và bản năng chết. Bản năng chết chứ không phải bản năng tìm đến cái chết, bản năng tự hủy diệt con à. Bản năng sinh tồn đã tạo ra con. Tình yêu cha dành cho con vừa thăng hoa khỏi tiềm thức. Mong rằng tình yêu ấy sẽ biến tất cả xấu xa của thế kỷ hai mươi thành thứ bản năng vô hại, bản năng chết. Với sự ra đời của con trong bình minh thiên niên kỷ, cha mong mình sẽ trút được gánh nặng, gánh nợ của thói đời ô hợp lố lăng mà chính cha là thành tố không thể phủ nhận…"
Bên kia bóng đêm là thế kỷ hai mươi mốt, một con số vô tình, là bình minh như mọi bình minh từ thuở khai thiên lập địa. Nhân loại vẫn nôn nao chờ đón bởi đã gởi gắm vào đó khát vọng về một thế giới tốt đẹp hơn, nhân tính nhiều hơn. Và Phương là một trong số ít người mãn nguyện nhất hành tinh. Chắc chắn Hiền Phương sẽ mẹ tròn con vuông. Anh biết mình sẽ làm tất cả để ngày mai mãi mãi là thời điểm đáng nhớ của nỗi khát khao đăng quang, của hạnh phúc và thương yêu. Có tiếng lòng cất lên, êm ái du dương như nét thơ ru Phương vào giấc miên du lâng lâng, nửa tỉnh nửa mê.
… Bé Vương Linh Phương đón Thiên niên kỷ mới bằng hai đám tang cùng lúc. Mẹ Hiền Phương không qua khỏi cơn hậu sản, cha Hoài Phương đột quỵ do cảm mạo dẫn đến trụy mạch. Ban đầu người nhà định lén mai táng họ trên mé đồi trong khu vườn của gia đình Hiền Phương nơi Trại Mát. Tuy nhiên câu chuyện "Đồi thông hai mộ" buông tuồng thê thiết của cao nguyên Lâm Viên đã không bị nhân bản. Đêm trước ngày đưa tang mọi người có giấc mơ giống nhau đến kỳ dị. Trong mơ hai âm hồn mong muốn được hỏa thiêu và rải tro cốt xuống thác Cam ly. Dòng thác mang cái tên rất hay ấy dạo gần đây luôn nồng nặc mùi nước thải của gần nửa cư dân Đà Lạt thời bê tông hóa. Hy vọng, vượt qua bao thác gềnh về xuôi, nếu không ra được với biển, cát bụi một đời sẽ thành phù sa, ít ra cũng nuôi mớm cho khóm Cúc quỳ dại nào đó bên mép suối hoang vu. Những cánh hoa vàng đến nao lòng, toả ra như tia sáng mặt trời chứa đựng khát khao vô danh sau những năm tháng háo danh, tầm danh nông nổi của kiếp người khinh mạn…
- Dậy đi cậu, tới Quảng trường Hòa Bình rồi. Bệnh viện đi đường nào?
Phương choàng tỉnh mà miệng còn lẩm bẩm Cam ly… Cúc quỳ…
- Anh vòng sau lưng nhà hát, quẹo phải lên dốc Hải Thượng - Phương trả lời tài xế trong khi đầu óc vẫn váng vất vì giấc mơ ban nãy.
"Sinh dữ, tử lành" Phương tự trấn an. Anh nhớ lại rành rọt tất cả suy nghĩ của mình từ lúc bắt đầu bước lên xe. Chẳng minh xác được ranh giới giữa chiêm bao và đời thực. Cũng có thể anh không còn thời gian. Cổng chính khu điều trị nội trú Bệnh viện Đà Lạt hiện ra trước mũi xe.
- Chị làm ơn chỉ giùm… Câu nói của Phương lẫn vào nhịp thở dồn dập.
- Nhập viện ngày nào, tên tuổi?
- Dạ, Trần Thị Hiền Phương - Hai mươi mốt tuổi. Vợ tôi vô đây ba ngày rồi...
- Đàn ông thật đáng sợ. Đang mổ. Phòng 112, lầu trên, bên trái.
Không kịp trao lời cảm ơn Phương phóng lên cầu thang ba bậc một. Dọc sống lưng anh xuất hiện luồng phong hàn tê tê. Cơ thể Phương biết thế nhưng tinh thần thì không. Anh đã bỏ quên cái lạnh tám độ bách phân, ngoài lớp vải phong phanh của chiếc sơ mi tay ngắn vẫn mặc từ buồi chiều Sài Gòn của thế kỷ hôm qua.
Dãy hành lang ngút mắt. Khi bảng đèn "Phòng giải phẫu" nằm dưới số 112 đập vào mắt Phương cũng là lúc anh nghe tiếng khóc sơ sinh òa lên. Sững người, anh hét đến vỡ cả giọng:
- Con tôi… con tôi khóc. Khóc… chứ… không… cười…
Gần như đã cố gắng quá mức, Phương khựng lại, đầu óc quay cuồng vô định. Mọi vật xung quanh anh đang chuyển động. Bê tông, xi măng, sắt thép nứt toác ra và đổ sập xuống. Bình minh tràn qua miền cổ tích mù sương. Mang theo nỗi tuyệt vọng, Phương bay về phía chân trời bắt đầu ửng hồng. Anh không thể giữ lại tiếng khóc của con mình, để làm điểm tựa cho tất cả giá trị của những ngày đang tới. Cột mốc chói lòa: mùng một tháng giêng năm hai ngàn không trăm lẻ một.
TRƯƠNG THÁI DU

Xem Tiếp: ----