2 - Sửu...

Giữa tháng 5, tình hình tạm ổn cha Phương mới đi tìm dì Thái. Họ khăn gói lên chiếc xe nhà binh cắm cờ sao vàng nửa xanh nửa đỏ. Hai chiến sĩ đội nón tai bèo được cắt cử theo bảo vệ cha. Những cao ốc làm Phương chóng mặt. Điều lạ nhất là hàng chữ điện tử tại bùng binh trước cửa chính chợ Bến Thành. Cậu không thể nhớ rõ nội dung mình từng ê a đánh vần nhưng chắc chắn nó rất giống câu khẩu hiệu.
Xe qua lại khắp đường ngang ngõ dọc tìm kiếm rồi dừng lại ở chốn rất đông người hỏi thăm. Năm bảy chiếc xích lô máy gầm rú ào tới:
- Bộ đội ơi, đi đâu tụi em chở cho - Giọng Nam họ dùng chân thật, chất phác và ít sáo lễ. Kẻ bạo tay còn toan vác hộ hành lý của cha con Phương dù nó vẫn nằm trong xe, dưới chân Phương.
- Tôi muốn hỏi thăm địa chỉ thôi, nhờ các anh - Cha Phương gạt mấy người ra, xốc lại bao súng ngắn. Hai chú bảo vệ cũng tỏ vẻ sẵn sàng can thiệp nếu có gì quá trớn.
Chiếc xe bon bon thêm hồi nữa. Cuối cùng nó từ từ dừng bánh trước một căn nhà lớn giữa quận Ba ngày nay. Cha bước tới nút chuông.
- Thưa, ông tìm ai? Tôi là gia nhân.
- Nhà bà Thái đây phải không ạ?
- Dạ đúng. Mời ông vô.
Cánh cửa nặng nề đang he hé được mở rộng ra. Từ cổng tới ngôi nhà một tầng ẩn hiện dưới tàng cây là thảm cỏ xanh, hai bên trồng rất nhiều hoa. Có ba người dường như đã đứng sẵn rất lâu nơi bậc thềm. Những bước chân cố nén hấp tấp. Ngôn ngữ chỉ mang tính thông tin tuy ít nhiều run rẩy:
- Trời ơi! Ông…
- Bà chẳng khác xưa chút nào. Đây là bé Phương.
- Lại với dì đi con.
Dì bước tới bên Phương, dịu dàng hơn cả ngoại nữa. Cậu thấy quá đỗi an toàn. Phương hoài mang cảm giác ấy đi dọc cõi đời như ân huệ lớn lao của số phận mà anh không bao giờ gặp lại lần thứ hai, hay chính xác hơn, nhận được ở một người khác ngoài dì.
- Mấy đứa không chào ba hả? Chỉ vắng chị hai Dung.
Hai người anh cùng cha khác mẹ của Phương vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Họ lúng túng cúi chào cha. Anh Dũng đeo đôi tròng kính dày cộp, gương mặt hao hao giống dì Thái ở nét cam chịu và nhẫn nhục nhưng hết sức nhân hậu. Anh Chung ngang tàng trong trang phục quần loe áo bó. Cha nhìn hai anh hồi lâu. Nếu không có tình máu mủ trong cái nhìn đó thì thật sự nó quá lạnh lùng.
- Chúng ta sẽ nói chuyện nhiều sau nhé hai con. Ba mệt quá.
- Thôi ta vô nhà. Mợ Hai giúp tôi chuyển đồ đạc của ông nghen. Tôi đã chuẩn bị sẵn phòng cho ông rồi. Ông uống nước dừa xiêm hay cà phê?
Cả nhà ngồi xuống bộ ghế bằng nhung thật êm. Phương tò mò đảo mắt quanh phòng khách. Mọi thứ đều xa lạ và quá sang trọng nhưng cậu hoàn toàn vô lo, thậm chí còn thích thú. Phương bước tới góc phòng rồi hỏi với giọng bắc trong trẻo:
- Dì ơi, cái máy gì thế ạ?
- À, đàn dương cầm của chị Dung con đấy. Hồi trẻ dì cũng chơi. Chị hai con chơi hay hơn nhiều. Bây giờ lâu lâu nhớ chị, dì ngồi vào đàn. Ở ngoài đó ông vẫn thường đi nghe hòa nhạc chứ? Ông còn thích Beethoven không?
Cha Phương nhăn trán như cố mường tượng điều gì đó rất mơ hồ và xa xăm:
- Không nghe bà nói có lẽ tôi đã quên bẵng loại nhạc cụ tên là dương cầm. Nó tiểu tư sản quá, không thích hợp với tôi từ lâu rồi.
- Mẹ chơi hành khúc của Mozart đi mẹ, hôm nay khải hoàn, xum họp mà - Anh Dũng lên tiếng.
- Chắc mẹ quên hết những bản nhạc vui rồi con à. Nhạc Chopin mẹ hay chơi không dành cho đoàn tụ.
- Mẹ con bà tâm đầu ý hợp quá nhỉ. Còn cậu Tư chắc chỉ mê xập xình vũ trường thôi nhỉ?
- Thưa ba, còn tùy hoàn cảnh và tâm trạng. Con nghe nói họ sẽ cấm hết hả ba?
- Họ là ai? Các con đều mang trong người dòng máu của ba. Các con sẽ là tân chủ nhân của xã hội này.
- Thôi, cha con ông uống nước dừa đi. Chuyện kia nói sau.
Phương uống nước dừa bằng ống hút. Cậu được dì Thái chỉ dẫn rất tận tình. Với cậu cái gì cũng mới mẻ. Nhìn vẻ mặt bơ phờ con trẻ, dì vội vàng dẫn Phương vào phòng ngủ. Dì dùng khăn ướt lau mặt cho cậu và kéo gối bảo cậu nằm xuống giường. Giấc ngủ đến rất nhanh nhưng trước khi thiếp hẳn Phương còn nghe văng vẳng tiếng người ngoài phòng khách vọng vào. Cha và hai anh đang nói chuyện. Không khí hình như không mấy yên ả.
Đến tối gia đình vào mâm cơm hơi nặng nề. Nếu Phương quen thuộc nhanh chóng với ngôi nhà mới bao nhiêu thì lại mơ hồ không ổn với vẻ khách khí, xa cách của những người ruột thịt bấy nhiêu. Cậu đâu biết lúc đó chính cậu là cầu nối duy nhất cho mọi người. Dì Thái chăm chút Phương từng li từng tí. Anh Dũng và anh Chung giả giọng bắc hỏi cậu đủ thứ chuyện. Đôi lúc Phương ngớ người khi cả bàn ăn cười ồ sau một câu ngây thơ ngộ nghĩnh của cậu. Cha quá nghiêm nghị. Hình như ông luôn có cái gì đó chưa tiện nói.
Sau khi ăn trái cây tráng miệng Phương nằng nặc đòi nghe dì chơi đàn. Cậu mê mẩn xoa tay trên hàng phím trắng đen đều đặn. Và Phương đã được dì giảng giải vài khái niệm quí giá đầu tiên về nghệ thuật của âm thanh.
- Con biết không, nhạc cổ điển và lãng mạn được xây dựng chủ yếu từ tín điều dân dã. Nó thiện vô cùng. Nhiều khi người ta rất đỗi ngạc nhiên với những thần đồng bé tí mà có thể diễn tả sắc thái xem ra khá chững chạc. Thiện là bản năng gốc của con người. Càng trẻ người ta càng thiện hơn, không khó hiểu chứ con?
Cha từ ban công bước vào. Ông loay hoay tìm chỗ vứt chiếc tăm xỉa răng rồi nhỏ nhẹ:
- Nó hiểu thế nào được hả bà. Trường lớp sẽ dạy nó theo đúng thiên hướng với tư tưởng mới. Bà đừng lo!
- Con biết mà ba ơi. Dì nói hay lắm.
Cha đưa qua dì Thái cái nhíu mày khó thấy. Dì lảng đi rồi ngồi xuống bên chiếc đàn. Trong không gian chỉ còn âm nhạc. Chất Chopin đậm đặc, không thể lẫn lộn của bản valse hôm ấy sẽ theo Phương suốt cuộc đời.
Khi đã trưởng thành, mỗi lần thả mình theo cảm xúc nhất thời giữa những giai điệu đượm buồn nhưng rất đỗi ngọt ngào và day dứt của Chopin, Phương luôn thấy mình được trở lại buổi tối nọ. Anh cứ dần hiểu thêm từng chút ý nghĩa lớn lao nơi câu chữ giản dị dì Thái từng gieo vào lòng mình. Góc nào đó trong tâm hồn Phương không hề có tiếng bom rơi đạn lạc in hằn từ thuở ấu thơ. Nó chỉ dành cho âm nhạc. Phương cũng tự cho rằng đàn tranh dân tộc và dương cầm hơi giống nhau. Bản thiện của nhân loại luôn là hằng số. Chẳng kể Đông hay Tây, nó là giá trị vĩnh định nằm ngoài mọi thành kiến và trào lưu tư tưởng. Ở chừng mực nào đó, hai loại đàn này tải được khá nhiều chất thiện. Tiếng đàn tranh ai oán và u uất hơn tiếng dương cầm. Phải chăng vì vậy mà Phương rất thích nhưng cũng rất sợ nghe đàn Tranh.
Đi sâu hơn chút nữa, nền âm nhạc bác học đầu tiên sản sinh tại Á đông huyền bí. Trước khi quá trình phát triển mấy ngàn năm của âm nhạc được hệ thống hóa trong Kinh Nhạc, ít ai để ý dàn chuông đồng treo xung quanh Cửu đỉnh của vương triều Thần Chu chính là loại nhạc cụ bất hủ. Âm nhạc không thể thiếu trong tín ngưỡng cổ đại. Âm nhạc hùng tráng và tiếng ngân xa ngàn dặm của chuông đồng giữa những đại lễ tế trời khó có cơ may tái hiện. Âm nhạc mang tiếng nói linh thiêng, làm chủ âm nhạc đồng nghĩa với làm chủ quần chúng bởi nó mang trong mình sự mê hoặc về thân phận và giai cấp. Nếu thế giới thần thánh là sản phẩm của con người, là nhân tố gián cách chính bản thân họ, thì âm nhạc lại mang sứ mạng phá vỡ mọi biên giới phàm tục. Người ta đem theo âm nhạc ra trận, vào đền thờ, chùa chiền và cả những cuộc truy hoan tập thể. Giao lưu âm nhạc Đông - Tây diễn ra trên con đường tơ lụa Á - Âu. Tiếng trống dồn dập, nhịp phèng la vang trời trong các điệu múa Lân Sư cổ điển có thể là nguồn cảm hứng cho âm nhạc hiện đại. Các trào lưu tân thời rất chuộng tiết tấu, thường lạm dụng tối đa tiết tấu.
Âm nhạc là đôi cánh của đức hạnh. Chính đôi cánh thần kỳ này đã đưa dì Thái đi qua hai thập kỷ ly tán đằng đẵng, hai cuộc chiến tranh tàn khốc và muôn ngàn dị biệt nhức nhối vẫn chưa thôi chia rẽ những gia đình, những dòng họ, những cộng đồng Việt Nam. Vầng hào quang của thiên sứ đáng ra được để dành cho cha Phương, nhưng ông chối bỏ. Và cậu bé Phương đã nhẫn nại nhặt nhạnh muôn giọt nước mắt thất vọng trong veo, vô hình của người dì tội nghiệp. Anh xâu chúng thành chuỗi ngọc âm thanh quý giá, để chúng hát lên mỗi khi đất trời nổi cơn gió bụi. Bài hát ấy át được cả phong ba, bão tố. Nó mang trong mình tia sáng lạc quan của bình minh và lòng tin vào cái đẹp trường tồn.
Không thể mô tả hết mọi sự việc diễn ra trong nhà vào thời điểm ấy. Hai mươi mốt năm xa cách người lớn có bao nhiêu điều để nói. Phương chỉ là một chú nhóc. Cậu khó nhớ như in mọi chi tiết nhưng chẳng thứ gì biến đi khỏi tiềm thức Phương cả.
Cha Phương từng là đấng nam tử hào hoa của đất Bạc Liêu. Giữa thập kỷ 40, ông gặp rồi đem lòng thương yêu dì Thái, cô nữ sinh trung học hiền thục ba đời sinh trưởng tại Sài thành. Nam bộ kháng chiến bùng nổ họ vừa kết hôn hơn một tháng. Cha được coi như trí thức thời bấy giờ với tấm bằng Tú tài Tây loại ưu.
Đáp lời kêu gọi của Việt Minh cha thoát ly ra hoạt động ven đô Sài Gòn. Năm 1947 ông bà mới có cô Dung, con gái đầu lòng. Họ không thể luôn ở bên nhau như nhiều cặp vợ chồng son khác. Dì Thái không dám theo chồng dưới sức ép và sự quản lý chặt chẽ, nặng nề của gia đình. Tình cảm của dì dành cho cha dần dần thành ra tình cảm của nàng khuê nữ với một anh hùng. Lắm lúc dì đùa, cha muốn anh hùng gì cũng được, dì yêu hai chữ anh hùng dù nó là nhãn hiệu có cầu chứng hay chỉ đơn giản như biểu tượng của kẻ làm loạn. Cha rất khó chịu nhưng mỗi lần bên nhau cứ lén lén lút lút dè chừng mật thám, thời gian đâu mà họ tranh cãi. Anh Dũng sanh năm 1952. Anh Chung sanh đầu năm 1955. Cái tên Chung như lời hẹn thề hướng về ngày tuyển cử hai miền như hiệp định Geneva. Thật đáng quí, nó bền bỉ và vượt qua quãng thời gian gấp mười lần dự kiến. Cuối những năm 1950 xã hội rối ren, đại gia đình dì Thái di cư sang Pháp. Dì kiên quyết ở lại, tiếp thu vài cơ sở làm ăn nho nhỏ của cha mẹ. Dì tần tảo nuôi dạy ba chị em Dung, Dũng, Chung chờ ngày hòa bình. Do không thích làm ăn quá lớn để dồn sức chăm sóc con cái, tất cả các biến cố chiến tranh diễn ra tại Sài Gòn trước 1975 đều ảnh hưởng tới đời sống của gia đình đơn chiếc của dì rất hạn chế. Ba đứa trẻ đẹp người đẹp nết luôn chứa đựng niềm tự hào của dì Thái. Cả ba người, nói như ngôn ngữ hiện đại là cơ bản đứng ngoài thời cuộc chính trị.
Sắp học hết năm thứ nhất đại học, anh Dũng bị bắt lính ngay tại sân trường. Nhờ dì Thái quen biết vai vế trong quân đội, bảy tháng sau anh được thải hồi khi đang làm việc trong một trạm quân y tiền phương với lý do mắc bệnh nan y.
Chị Dung tốt nghiệp cử nhân Anh - Pháp ở Đại học Văn khoa. Trước khi lập gia đình với anh Tòng, thiếu tá phi công, chị làm tại ban phiên dịch Việt Tấn Xã. Ngày 29.4.1975 chồng chị Dung lấy một chiếc trực thăng về đậu trên nóc tòa nhà gia đình anh ở tại đường Thái Lập Thành, quận Nhất. Chị nghẹn ngào ôm con cùng gia đình chồng lên máy bay thẳng tiến ra biển Đông. Chị không thuyết phục được mẹ và hai em mình đi theo.
Tròn 20 tuổi, anh Chung học rất khá, thủ khoa triết và hiện là sinh viên xuất sắc năm thứ hai. Dì Thái thương Chung nhất nhà bởi dì biết ngoài cái vẻ bề ngoài phớt đời, buông thả, con người Chung rất sâu sắc, hiểu biết rộng. Phong cách trí thức nòi của anh Dũng đôi khi va chạm với Chung nảy lửa. Anh Dũng hay phê phán Chung về cách ăn mặc, sinh hoạt:
- Hiện sinh chẳng có gì xấu cả.
- Với anh đó là biến tướng của những tư tưởng bệnh hoạn, sinh ra từ những tâm hồn lai căng, không lối thoát, không hoài vọng giữa thế giới ngày càng sa đọa.
- Anh lầm. Tự do lúc nào chẳng cao quí. Khi chúng ta nhận ra loài người bị kết án phải tự do thì gần đạt đến tự do chân chính rồi.
- Anh chỉ thấy mấy đứa em tự do ăn mặc lố lăng, tự do tình dục, tự do xì ke.
- Anh đừng gạn cái cặn của ly rượu quí rồi lu loa rằng rượu này không ngon. Khi em đi với họ, không có nghĩa em đã bị hoà lẫn. Em đang học, bài học của thực tế chẳng bao giờ mô phạm, lý thuyết suông cả.
- Kẻ trác táng nguy hiểm nhất là kẻ trác táng bằng biện giải xem ra hết sức thuyết phục.
- Anh sẽ là nhà khoa học tự nhiên, em theo hướng xã hội. Em tin rằng con người chỉ có thể khám phá qui luật chứ không thể đứng cao hơn qui luật mà phán xét.
- Em không sợ mẹ buồn sao?
- Mẹ không "bác học" như chúng ta, nhưng cảm tính của tình mẫu tử mạnh mẽ lắm. Em tin rằng mẹ chẳng buồn vì em đâu.
Trong gia đình, dễ lầm tưởng dì Thái rất trung dung. Trên hết dì sống bằng tình yêu thương con cái và tấm lòng thủy chung cổ điển. Dì không đi lễ nhà thờ như thời con gái. Dì còn lưu giữ rất nhiều sách quí của một đại gia đình trí thức có tinh thần dân tộc. Dì tôn thờ đức hạnh và quí trọng lễ nghĩa. Sẽ không quá đáng nếu coi đó là nền "văn hoá nhỏ" hoặc tế bào của nền văn hóa Á đông. Chẳng ngạc nhiên vì dì hiếm khi đọc sách. Từ thời áo tím dì đã thuộc nằm lòng câu nói của Henriotte "Văn hoá là cái còn lại khi người ta quên hết cả, là cái vẫn thiếu khi người ta từng đọc tất cả". Dì tâm sự với Phương "Dì không thể tìm sự yên tĩnh trong đạo. Chắc vì cơ duyên. Nhưng dì rất bình an giữa đời. Xét cho cùng đạo sáng thế từ đời con à. Nếu ta sống phải giữa đời thì sớm đắc mọi thứ đạo".
Xắp xếp xong công tác cha Phương cố gắng đi thăm viếng một vòng. Thỉnh thoảng Phương cũng được cha và dì dẫn theo.
Nói chung người thân của gia đình hết sức vồn vã. Họ tự hào đón tiếp ngài Việt cộng cỡ bự, đi xe con đến chơi. Họ nói chuyện y chang đài phát thanh giải phóng về thời sự. Họ luôn không quên nhắn gửi nhờ vả, nhất là bảo lãnh cho cháu này, cậu nọ trót lầm đường lạc lối, hiện đang tập trung học tập cải tạo. Tuy rất khắt khe nhưng với vài trường hợp chẳng đặng thì đừng, cha cũng phải ra tay. Cỡ chục năm sau, những kẻ cha giúp đỡ đều "nên người". Đa phần, ai cũng có một chiếc ghế béo bở. Gặp lúc trà dư tửu hậu họ nói với Phương: "Ông Thiện ba mày trong sạch khác người. May nhờ dì Thái mà mày không đến nỗi nào. Còn chúng tao ư, chỉ cần ghi trong lý lịch ba đời tên và chức vụ ngài Thiện là xong. Ai dám hạch hỏi, sách nhiễu?".
Ấn tượng nhất với Phương là lần tới chơi nhà bác Long, bạn rất thân của cha thời trai trẻ. Vợ bác mất năm 1968 do tên bay đạn lạc. Tuy mới trên dưới năm mươi mà trông bác già cỗi lắm, tóc bạc như cước. Bác có 4 người con. Hai anh từng học trường Sĩ quan Lục quân Đà Lạt, mang hàm úy. Một cô và anh còn lại theo phong trào sinh viên dân chủ. Họ bị tù đày bắt bớ nhiều lần rồi bỏ ra chiến khu. Ngày hoà bình bác nhận hai tin dữ cùng lúc: Hai ngụy quân phải đi học tập. Hai chiến sĩ giải phóng đã hy sinh tại Xuân Lộc. Cuộc hội ngộ của bằng hữu rất trầm mặc. Bác Long chỉ nói về thời xa xưa, làng quê cũ. Cha Phương thao thao bất tuyệt những đường lối mới, chẳng ăn nhập vào đâu. Gần cạn mấy ly xá xị bác Long hỏi cha:
- Theo anh chừng nào con tôi mới học tập xong. Ban đầu họ bảo chỉ cần đem theo ba ngày lương thực. Vậy mà...
- Còn tùy anh à. Phải xem xét chúng nó có nợ máu với nhân dân hay không.
- Tôi tin là không. Cứ coi như chính chúng đã giết hai đứa em ruột của mình. Điều đó đáng thương hơn đáng trách.
- Anh thiếu sâu sát các con quá.
- Là công dân trong xã hội thời chiến, không ai hoàn toàn có thể tự chọn cho mình con đường tiến thân đâu anh. Chúng tôi chỉ là con sâu, cái kiến. Tôi nghe nói ông Dương Văn Minh vẫn an toàn trong ngôi biệt thự toàn hoa lan trên đường Trần Quí Cáp. Hay ông ta thuộc đẳng cấp cao hơn chúng tôi, đẳng cấp buôn bán sinh mạng đồng loại, đẳng cấp thống trị.
- Anh hãy tin tưởng vào sự độ lượng, khoan hồng của Ủy ban quân quản. Anh thấy tắm máu chưa? Anh thấy chúng tôi đánh đu trên nách lá cây đu đủ được không? Anh đã chứng kiến ai bị rút những móng tay sơn đỏ chót chưa? Anh là con mọt sách chắc anh cũng không từ chối nếu tôi tặng anh vài bộ trước tác của Marx.
Không rõ tại sao Phương sớm hiểu rất khó phân biệt ngụy và ta. Trừ thiểu số xem bắn giết là cái nghề, là cần câu cơm. Đa phần không thể cưỡng được thời thế.
Gia đình bà chủ xưởng in lụa của Phương sau này là một ví dụ. Ông nhà làm quận trưởng cảnh sát. Ông học ở Đà Lạt rồi kết hôn với bà, nàng tiểu thư phố núi. Họ sống trong doanh trại nên sau giải phóng phải dạt về khu ổ chuột ở Bình Thạnh. Đừng nói tất cả những tiểu thư, những cô tiểu tư sản đều vô dụng. Bà mẹ trẻ lam lũ gia công may vá kiếm tiền nuôi một nách hai con trai học hành và mẹ chồng sắp lẫn. Bà là mẫu người hội nhập xã hội mà báo chí hay biểu dương.
Năm 1985 trung tá ngụy được thả. Lắm lúc ông bất đồng nghiêm trọng với vợ về cách nhìn nhận các vấn đề xã hội. Chẳng hạn hai ông bà đang sóng bước xe đạp dạo phố thì đường mất điện, tối thui. Bà cho rằng hãy thông cảm với khó khăn hiện tại nhưng ông bực mình phản bác rồi tự cấm khẩu cả tháng trời. Ông dành trọn thời gian chỉ để vẽ chân dung các tài tử điện ảnh bằng màu dầu, với năng khiếu rơi rớt từ thời ông còn đi học. Đùng cái ông vượt biên. Nếu nán lại ít lâu ông cũng sẽ được đi chính thức theo diện cựu sĩ quan. Ông qua Mỹ lao động chân tay tại một xưởng sửa chữa tàu biển. Hơn năm sau ông đã dành dụm đủ chi phí xuất ngoại "chui" cho vợ con. Lý do lớn nhất khiến ông muốn ra đi càng sớm càng tốt chính là tương lai hai đứa con. Họ đều học xong phổ thông nhưng không vào được đại học. Xin việc cho họ còn khó hơn nữa. Ông sợ sự nhàn rỗi sẽ biến hai thanh niên lưng dài vai rộng thành kẻ lêu lổng.
Bạn học phổ thông của Phương, khá nhiều người là con cái sĩ quan chế độ cũ. Phương thương nhất chú Nam, cựu đại úy sư đoàn 7. Năm 1981 ông được về sau khi trải qua hai ba trại từ Bắc chí Nam. Từ một lãng nhân hào hoa phong nhã, ông đoạn tuyệt tất cả thú vui trần thế để ăn chay niệm phật. Ông cũng từ chối làm thủ tục định cư ở Mỹ. Khi nghe bạn mình kể về năm tháng gian khó, cả gia đình nhịn ăn nhịn mặc cốt dành tiền thăm nuôi ba, Phương nao cả lòng. Hai mẹ con bạn lặn lội từ vé xe lửa mua theo đơn, đổi sang xe khách thời tiền sử, rồi ghập ghềnh xe bò trên đường đất lầy lội giữa mưa phùn lên núi. Họ òa khóc khi thấy chồng, thấy cha mình phong phanh mảnh áo ấm may bằng bao bố. Phương hỏi sao ông ăn chay. Ông cười thật hiền. Phương biết ông không dám nhìn vào thịt cá và thực phẩm có máu. Ông ám ảnh suốt đời với cái miệng máu ngậm đầy cơm thiu cá hẩm của bạn chung trại. Người nọ bị hành hung do quá đói và háu ăn.
Với đa số nạn nhân của chiến tranh, hình ảnh đối phương gục xuống dưới làn đạn họ bắt buộc phải xả ra là bản án lương tâm không bao giờ được ân xá. Chắc chắn chú Nam hiểu điều đó. Ông bảo thực ra người Mỹ đâu dám giúp quân đội Sài Gòn trọn vẹn. Loại bom CBU 55 hoặc Daisy Cutter 7500, có thể giết mọi sinh vật trong bán kính vài cây số đem sang Việt Nam phần lớn là đồ giả. Nhiều bận sau khi máy bay lớn bỏ bom xong, trực thăng sà xuống rải bộ binh thì súng trong cái chảo thần chết ấy bắn lên như mưa. Ông và đồng đội chỉ làm theo lệnh mấy thằng tay sai thắt cà vạt ở Sài Gòn. Bọn kia lại là những con bài chiến lược của mấy ông lớn trên thế giới. Nước Mỹ ưu ái đón hết bạn thân của mình đi ngay trước 11 giờ 30 ngày 30.4.75 rồi.
Cha Phương làm việc tại một cơ quan quyền lực rất quan trọng. Công sở không bảng hiệu, khá rộng lớn, đồ sộ những toà lầu xam xám, thiếu thẩm mỹ. Cánh cổng nặng nề luôn khép kín. Tấm bảng số nhà vẽ khá to. Cha rất bận. Cả tuần đến bốn năm bữa ông chỉ về nhà sau lúc giới nghiêm. Ông ít gặp Phương. Họa hoằn lắm mới có một sáng chủ nhật ông ngồi ăn điểm tâm chung với gia đình.
Mấy tháng đầu ở Sài Gòn cha giữ tinh thần cảnh giác tuyệt đối. Túi quần ông lúc nào cũng cồm cộm khẩu súng lục. Đôi lần Phương thấy cha lau chùi súng rất kỹ. Nước thép của súng luôn bóng loáng. Anh Dũng bảo đây là thứ vũ khí thượng hạng hiệu Browning. Trước đây phu nhân tướng tá hay dùng để đánh ghen! Cha bắt buộc dì Thái tự đi chợ. Lúc nấu bếp dì phải luôn coi chừng kẻo "kẻ xấu" xúi dục người làm bỏ thuốc độc vào cơm canh. Cha nhắc đi nhắc lại với Phương là không bao giờ được nhận quà cáp, bánh kẹo của khách lạ.
Ông biết anh Dũng và anh Chung đang học chính trị. Dù anh Chung đã nghiêm trang hơn với mái tóc ba phân nhưng ông luôn không hài lòng với những câu hỏi mang tính "cùn" - theo tên gọi của ông.
- Vứt hết! Các con học chính trị để tiếp cận cái mới. Lý thuyết ấy quá hoàn chỉnh để vượt qua mọi trào lưu đầy oán thù giai cấp, ru ngủ và hằn học với thành công của một phần ba nhân loại.
- Ba ơi, lòng tin đâu thể đến bằng sấm truyền.
- Ba không ngờ con còn mê tín nữa.
- Con rất muốn mê tín. Con luôn sờ sợ trước những diễn biến ngoài xã hội được thu nhỏ trong tờ nhật trình này - Anh Chung cúi xuống hộc bàn lôi ra chồng báo cũ.
- Đó là chuyên chính.
- Con không phản đối xử tử hình kẻ ăn cướp nhưng như thế này thì không ổn đâu ba - Anh lật đưa cha xem tấm hình trên trang nhất. Hai người lính quì gối giương thẳng nòng AK vào tên cướp có vũ khí. Hai tay hắn bị trói chặt vào cánh cửa sắt.
- Thế này thì ổn chắc - Cha cũng lạnh lùng soạn trong đống báo ấy ra tấm hình khác đối chứng: Chuẩn tướng cảnh sát ngụy kê súng vào đầu một bộ đội giải phóng, năm 1968.
- Gần như tất cả trường học trong thành phố đã bị trưng dụng làm nơi điểm danh ngụy quyền hoặc tòa án kiêm pháp trường lưu động. Hàng triệu bản sách bị đốt. Con phải hiểu như thế nào về chữ đồi trụy đây. Tư sản bị thủ tiêu. Chừng nào thì đến mẹ con được xử hả ba. Mẹ là tiểu tư sản mà.
- Tao sẽ đưa mày lên Kinh Tế Mới. Mày chỉ có thể sáng mắt ra trước bài học thực tế.
Cha không biết nói đùa. Ít lâu sau anh Chung vui vẻ chào cả nhà lên đường. Dì Thái gạt nước mắt.
Anh Dũng thì khác. Cha hỏi câu gì anh đều khéo léo lảng tránh. Anh nửa đùa nửa thật: "Ba cần con đọc thuộc lòng các bài học chính trị không?". Trí nhớ anh thuộc loại siêu phàm. Cha chỉ biết chịu trận khi một lần anh Dũng đọc ngược bài xã luận đầy tính thời sự trên báo mà ông toan đưa ra thảo luận trong gia đình.
Hôm đoàn thanh niên địa phương ghé vận động bài trừ văn hóa thực dân đồi trụy cả nhà đông đủ. Cha ra lệnh mọi người tự kiểm kê sách vở, ấn phẩm và đem ra trước cổng. Anh Chung bỏ đi sau khi mở cửa phòng riêng cho ai muốn làm gì thì làm. Sách trong ngôi nhà này quá nhiều, hàng mấy ngàn cuốn. Sách thời con gái của chị Dung. Sách y khoa của anh Dũng. Sách triết học của anh Chung. Dì Thái từ tốn một cách nhu nhược soạn hết tủ sách chung của gia đình, chỉ trừ môn loại nữ công gia chánh và âm nhạc.
- Các bạn thấy đủ chưa? Cha chống nạnh bên đống sách cao ngất - Châm lửa đi thôi thế hệ trẻ. Đả đảo văn hóa thực dân bán nước.
- Chúng cháu sẽ báo cáo lên phường đề nêu gương người tốt việc tốt của chú - Đám áo xanh nhao nhao.
Lửa bùng lên. Những ánh mắt rực cháy trông man rợ vô cùng. Tiếng vỗ tay rào rào. Phương hớt hãi quay dọc quay ngang thì thấy chỉ còn mỗi cha chen chân trong đám đông. Cậu hoang mang chạy lên lầu. Anh Chung đang đứng bên cửa sổ len lén nhìn đống lửa qua khung kính. Mắt anh đỏ hoe. Anh khẽ kéo rèm lại và đặt tay lên vai Phương:
- Cũng may cha yêu cầu tự giác không thôi lửa còn lớn hơn nhiều. Aristote, Bergson, Nietzche, Jung Carl Gustave, Francoise Sagan, Boris Pasternak, Witold Gombrowicz, Jean Paul Sarte đều là những nhà văn hóa tiêu biểu của nhân loại. Họ chắc chắn không ngờ đến ngày sách của mình biến thành lửa trong nghi thức vô cùng cuồng tín thế kia. Đốt sách là tội ác đáng sợ hơn mọi tội ác. Không có quyển sách tồi. Chỉ có bộ óc thấp kém không thể dung nạp tri thức chứa đựng trong sách. Chẳng hiểu ba, một trí thức tân học ngày xưa, làm thế nào đồng cảm được với bọn người kia.
Ngọn lửa bị gió đè táp vào cây Liễu Bách bên cạnh. Cành lá xanh co dúm rũ rượi. Hai ba ngày sau cây héo khô dù được tưới nước liên tục. Bên cội già xù xì, cỏ mật làm dáng cũng chết tốt. Đất đen trơ ra, nứt nẻ. Lớn lên chút nữa Phương mất cả tuần mới bứng hết cái gốc cũ. Cậu trồng đi trồng lại mấy giống kiểng nhưng chả mầm nào sống được.
Triệt để xóa đi sự bóc lột, cha yêu cầu dì Thái cho cả hai người giúp việc nghỉ làm. Ông lo cho chị Tám một chân bán lương thực phân phối theo sổ tại phường sở tại. Không những trở thành công nhân viên chị còn được cấp cho căn hộ tập thể gần 60 thước vuông. Ngày mới bỗng nhiên cụ thể và cao quí đến không ngờ, hơn cả giấc mơ bạo dạn nhất của chị.
Chị Tám không đẹp. Chị biết vài con chữ đủ đọc báo nhưng hăng say làm việc xã hội nên phất lên như diều gặp gió. Mấy tháng sau chị thành Chủ nhiệm Hợp tác xã, kiêm Cửa hàng trưởng "Cửa hàng thịt tươi sống thanh niên tiền phong". Nhờ vậy dì Thái ít khó nhọc trong những lần xếp hàng mua nhu yếu phẩm, thực phẩm theo sổ. Chẳng may chị Tám lấy nhằm anh cựu chiến binh tiềm ẩn bệnh tâm thần. Trái gió trở trời chồng chị vật vã nặng và thường uống rượu rất dữ. Lâu lâu khu phố lại có một đêm ma quái khi chồng chị Tám lên cơn. Sâu hút trong bóng tối tĩnh mịch, tiếng gào thét vô vọng của người điên thật nhức nhối. Chồng chị Tám cảm mạo và qua đời giữa cơn say. Đứa con đầu lòng của họ tiếp tục gây chú ý cho chòm xóm. Nó bụ bẫm và đẹp như thiên thần. Của đáng tội là nó chẳng chịu lớn lên hoặc già đi. Thằng bé ba bốn tuổi nhưng không biết đi đứng, bò toài, suốt ngày im lặng nằm một chỗ.
Dạo xóa bao cấp tình cờ run rủi có ông Nhật tóc hoa râm góa vợ phải lòng chị Tám. Ông xin cưới chị và nguyện suốt đời chăm sóc đứa trẻ. Đứa con sau của họ may mắn phát triển rất bình thường. Chị Tám trở thành bà chủ tư bản. Vợ chồng chị mở xưởng gia công hàng xuất khẩu với hàng trăm công nhân.
Mợ Hai truân chuyên hơn chị Tám nhiều. Mợ hơn 50 tuổi, tính tình hiện hậu đến khờ khạo. Mợ là chị em họ xa bên nội dì Thái. Mợ chẳng có gia đình, chồng con và ít hiểu biết. Dì Thái thuyết phục mãi cha mới đồng ý cho mợ ở lại với các điều kiện: "Không xem mợ Hai như gia nhân. Ở trong nhà mợ giúp được việc gì thì giúp. Không được sai bảo, ép uổng. Đưa ngay tên mợ vào tờ hộ tịch mới, ghi rõ quan hệ với chủ hộ là chị họ". Dì Thái vui lòng. Nói cho cùng trước đây hoặc hiện nay dì đối xử với mợ Hai và chị Tám đâu đến nỗi nào. Dì vẫn chung tay dọn dẹp, nấu nướng cùng hai người.
Cỡ ba năm sau mợ Hai lần được tung tích người cháu ruột. Anh này đã trở thành Tỉnh đội phó tại quê nhà. Năm lần bảy lượt anh ta lên Sài Gòn năn nỉ mợ về quê sống với gia đình anh. Nể tình ruột thịt mợ bùi ngùi chia tay mọi người. Nửa năm sau thình lình mợ Hai trở lại Sài Gòn khóc lóc kể khổ. Nghe đâu bà vợ dữ dằn và lũ con hư hỏng của đứa cháu ruột mợ hành hạ mợ ra trò. Chúng nuôi mợ như kẻ ăn, người ở trong nhà. Dì Thái thương cảm quyết nhập lại hộ khẩu cho mợ Hai nhưng không thành. Vị cháu kia thuộc hàng tai to mặt lớn hăm dọa dì Thái đủ kiểu. Mợ Hai biết mình đang làm phiền ân nhân nên bí mật bỏ trốn. Mợ đi đâu không rõ. Thỉnh thoảng dì Thái nghe phong phanh ai đó gặp mợ khi thì bán trái cây, trà đá dạo ở Bắc Cần Thơ, khi thì hành khất tại bến xe bến đò. Dì Thái khai thác triệt để mọi thông tin. Dì đi tới đi lui chỗ này chỗ kia nhiều bận nhưng chẳng bõ công.
Giữa tháng mười Phương nhập học. Đích thân dì Thái đi xin cho Phương vào lớp. Ngày hai lần dì đưa đón Phương tới trường trong hơn một tháng. Phương là học trò duy nhất nói giọng Bắc rặt nên cậu luôn bị châm chọc. Mới tìm được chỗ ngồi, hỏi han làm quen đứa bạn cạnh bên Phương đã giật mình khi cậu ấy hét toáng lên: "Thằng này là Bắc Kỳ tụi bay ơi". Năm bảy tên ngổ ngáo nhất loạt hát vang bài đồng dao phổ biến: "Bắc Kỳ ăn cá rô cây. Ăn nhằm lựu đạn chết cha Bắc Kỳ". Phương thờ ơ và lãnh đạm, phần vì cậu chưa hiểu hết ý nghĩa lời hát. Chúng bạn chùng giọng, hai ba đứa xúm lại xì xào rồi bắt nhịp bài mới: "Từ Bắc vô Nam tay cầm bó rau. Tay kia cầm sợi dây dắt theo con cầy...". Giai điệu nhịp nhàng, lạ tai làm Phương bật cười. Cũng may chỉ chút xíu sau cô giáo vào lớp lập lại yên tĩnh.
Dần dà Phương cũng rõ nội dung bài kích. Dì Thái khuyên cậu cứ bỏ ngoài tai, thực tình các bạn chẳng có ý gì xấu. Trẻ con với nhau làm gì biết thù ghét, phân biệt đối xử. Cuối năm chuyện chọc ghẹo hết hẳn. Gần như Phương đã nói giọng Nam tương đối.
Sự chia cắt đất nước trong suy nghĩ mới cay nghiệt làm sao. Dân tộc Việt Nam vừa quên đi sông Gianh thì gặp ngay Nam, Trung, Bắc Kỳ. Hai bờ sông Bến Hải đã liền dải thì giữa một tập thể, một gia đình còn đó chữ Ngụy - Ta, Nam - Bắc. Trong cơ cấu hành chính phải dung hòa ba miền. Lý lịch có trước sau 1954, trước sau 30.4.1975. Cha rồng mẹ tiên thấu hiểu điều này không? Hay như cách hài hước sâu sắc, người ta bảo cuộc ly thân đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam là lúc năm mươi con cùng cha xuống biển, năm mươi con theo mẹ lên rừng. Mong rằng trăm năm nữa, cái căn nặng nề sẽ được dỡ bỏ khỏi đôi vai gầy của bà mẹ Việt Nam đáng thương.
Thời cuộc bắt đầu ảnh hưởng mạnh tới đời sống gia đình. Dì Thái hiến hết số dư tài khoản ký thác ngân hàng cho ủy ban quân quản. Chắc dì bị sức ép của cha. Cũng có thể dì biết những qui định và giới hạn trong việc thanh lý tiền gởi, rút tiền mặt rất chặt chẽ dường như vượt quá sức dì. Hơn nữa, đồng tiền liên tục mất giá với tốc độ chóng mặt. Dì bán tống bán tháo các cơ sở làm ăn cũ và thu mình trong nhà. Dì dành phần lớn thời gian chăm sóc Phương. Lắm lúc Phương cũng không tự biết cậu đang dần xa cha mình. Điều đáng buồn cười là cả nhà phải giấu chuyện Phương bắt đầu học đàn dương cầm. Càng ngày cha càng ghét tiếng đàn. Một lần đang bực dọc, thấy dì Thái chơi đàn ông đã nổi giận.
Những nốt nhạc đầu tiên trong quyển sách "Phương pháp hoa hồng" hình như đã hẹn Phương từ thuở nào xa xăm lắm. Phương hết sức say mê. Cậu chăm chỉ tập và cũng cho dì Thái thấy mình có chút năng khiếu. Phương giữ mãi quyển sách vỡ lòng ấy như kỷ vật vô giá. Sách cũ, in khoảng năm 1940 tại Pháp. Anh Dũng mua tặng Phương ở vỉa hè khi biết dì bắt đầu cho Phương học đàn. Trang thứ nhất là dòng tiếng Pháp viết tay: "Tặng cho Hiếu - Ký tên - Ba Lê 9.1943". Vài chữ thôi mà Phương luôn cảm thấy bồi hồi mỗi lần đọc lại. Hiếu chắc chắn là con trẻ trong một gia đình khoa cử. Năm 1943 số lượng người học đàn dương cầm ở Việt Nam hẳn cực ít. Hơn ba mươi năm với bao biến cố, những người ấy còn hay mất, cố ý hay vô tình vì đời sống mà quên đi tiếng đàn. Họ bán sách do túng thiếu hay sách bị đánh cắp? Chẳng câu trả nào lời thuyết phục.
Anh Chung mang tiếng đi Kinh tế mới nhưng cũng không đến nỗi nào. Có lẽ người lãnh đạo ở đó biết cha Phương. Chung rất hay về phép. Bước vào nhà thăm hỏi mẹ, tắm rửa xong là anh ngồi lì tại sa lông đọc ngấu nghiến báo cũ. Cơm nước nhiều khi phải mang tận nơi cho anh. Chung luôn tránh mặt cha và từ dạo bị gởi lên rừng anh chưa bao giờ tranh luận với ông thêm lần nào. Anh học được cách thoái thác những câu hỏi hết sức tài tình:
- Con thấy tình hình trên ấy ra sao?
- Thưa ba chắc báo chí nói nhiều và tổng quát hơn con. Cuộc sống chúng con chẳng khác gì sự mô tả của nhiều bài báo.
- Ba biết con giận ba. Công tử có học mà sinh hoạt chung với ma cô, gái điếm, bụi đời sẽ nhiều bất tiện. Ba tin con sẽ vượt qua, đó là cửa ải đầu tiên để xóa bỏ khoảng cách giữa người với người.
- Dạ.
- Con hãy tự nhận xét sự phấn đấu của bản thân mình cho ba nghe đi.
- Thưa ba như vậy con sẽ chủ quan nhiều. Tuy nhiên con chẳng biết tổ chức nhận xét con ra sao, họ bí mật quá. Tốt hơn hết ba nên hỏi thăm các chú, các anh lãnh đạo.
Anh Chung trở nên bí hiểm với mọi người trừ Phương. Anh hay trò chuyện với Phương bằng giọng lưỡi hết sức mỉa mai nhưng hoàn toàn không cố ý. Thực ra anh muốn một người nghe để tự nói với chính mình. Lạ là Phương không thấy ác cảm khi theo dõi anh độc thoại. Phương không đủ khả năng quan tâm đến các vấn đề anh Chung đề cặp. Cậu nắm bắt cốt lõi vấn đề bằng thiện cảm.
- Bé con học hành ra sao?
- Cô giáo ở đây khác ngoài bắc nhiều. Bài học cũng thế. Em chẳng biết nói sao nữa.
- Sắp giống rồi, đừng lo. Rán mà trở thành trí thức em ạ. Con người hơn kém nhau ở sự hiểu biết.
- Sao anh không xin ba cho về sớm? Dì bảo trường anh đang chuẩn bị vào khóa mới.
- Anh thích sống trên rừng hơn. Bằng cấp ba có thể lo cho anh, còn tri thức thì mỗi người phải tự thân vận động.
- Dì nhớ anh lắm. Anh đừng lấy vợ và ở luôn trên đó nhé.
- Nếu lấy vợ thì anh sẽ về thành phố. Kinh tế mới tạo nên hàng vạn gia đình đầm ấm bên vỉa hè hoặc trong các khu ổ chuột hôi hám của hòn ngọc viễn đông.
- Ba nói tại họ lười lao động. Tuần trước công an đã phải đuổi hơn chục người ra khỏi mái hiên trước nhà mình. Ba giận dì lắm vì dì còn cho họ quần áo cũ nữa.
- Con ong xây cái tổ trên bản năng đúng đắn, trải qua sự chọn lọc tự nhiên với mục đích sinh tồn là tối thượng.
- Em chẳng thấy anh đi chơi. Bạn bè anh đâu hết rồi?
- Ra đường lúc này chán lắm. Đầu trên xóm dưới quân cảnh, công an đứng đầy. Họ toét còi dừng xe bảo anh này nên cắt tóc, chị kia phải mặc áo kín đáo hơn. Anh thích xem phim Liên Xô trên báo. Bạn bè anh đi săn cá mập ngoài biển Đông chưa về.
- Báo nói gì mà anh mê mẩn thế?
- Nhiều chứ. Này nhé ngay sau 30.4 ta đã thấy những con số vô hồn nhưng đầy thuyết phục: "Hàng triệu lính ngụy Sài Gòn bị tiêu diệt và rã ngũ, chiến lợi phẩm tính được hơn chục tỉ đô la".
- Em không hiểu ý anh. Em biết dì rất muốn anh về học tiếp, ba đang lưỡng lự.
- Nói thật anh chưa muốn về đâu. Đợi xong đợt học chính trị. Ngồi giữa rừng chim hót nghe khái niệm mới mẻ của thế kỷ mười chín hay hơn là bị nhốt trong rạp chiếu phim, ngột ngạt, tù túng, đầy dẫy chuột cống và rệp.
- Anh vui nhỉ.
- Kẻ lạc quan dễ sống hơn. Em yếu đuối và đa cảm quá, khổ suốt đời thôi.
- Sao anh lại nói vậy.
- Tránh xa chiếc đàn dương cầm đi.
Rồi anh Chung lại trở về thành phố với giảng đường. Anh vẫn học giỏi như xưa nhưng hết sức tai tiếng. Cả nhà chỉ biết điều đó vào một buổi tối nóng nực. Cha giận giữ đến nỗi không thể kiềm chế. Vừa đi làm về ông đã hét toáng lên:
- Bà gọi ngay thằng nghịch tử lại đây cho tôi.
- Tôi kêu nó liền. Nhưng xin ông đi rửa mặt trước. Chẳng lẽ không thể để đến sau bữa cơm hả ông.
- Tôi tức no rồi.
- Thưa ba…
- Mày muốn vào tù không?
- Con phạm tội gì?
- Trường lớp không giáo dục được mày thì nhà tù làm thay.
- Ông bình tĩnh nói rõ đầu đuôi cho con hiểu, như vậy tốt hơn không - Dì Thái van lơn.
- Nó cầm đầu bọn chống đối trong lớp, vào các giờ học bộ môn chính trị. Nó biện minh cho nền văn hóa nô dịch của ngụy quyền. Họ chưa làm gì vì biết tôi là cha nó.
- Thưa ba đó đơn thuần là học thuật. Chỉ có nền văn hóa hèn kém bị hòa lẫn, mất tích chứ không có khái niệm nô dịch. Một nhóm người riêng lẻ không thể đại diện cho cả dân tộc. Không sức mạnh nào nô dịch được văn hóa. Dù đầy dẫy biến tướng xu thời nhưng thành tựu của văn hóa hai mươi năm qua tại miền Nam vẫn là phần không thể chia rẽ của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Nó chứa đựng tinh túy và trí tuệ của nửa dân số Việt Nam. Hay khắt khe hơn, loại bỏ hết Mỹ Ngụy và bè lũ tay sai, cũng còn hơn phần tư. Chúng ta thắng Mỹ bằng chính cội rễ văn hiến ngàn đời. Gốc của vấn đề ở đó. Lịch sử nhân loại rành rành quá nhiều bằng chứng. Mông Cổ và Mãn Châu hung hãn, đô hộ nhiều thế hệ người Trung Hoa. Nhưng chính nền văn hóa tiêu biểu của các dân tộc Á đông này đã nuốt trọn lãnh thổ Mãn Châu quốc và hơn nửa Mông Cổ một cách thầm lặng, không nhân nhượng.
Cha Phương chết lặng, không kịp phản ứng trước lập luật của anh Chung. Hình như ông đang mông lung suy nghĩ vẩn vơ. Rồi ông chợt tỉnh. Mặt ông sạm lại, giọng vỡ ra tức tối:
- Mặc xác học thuật và miệng lưỡi của mày. Đây là lời cuối: Hãy câm mồm nếu mày muốn tiếp tục đi học.
Tối đó anh Chung không ngủ. Phương biết vậy vì sáng sớm lúc sắp đi học, cậu thấy anh đã ngồi ngoài ban công từ lúc nào. Cái gạt tàn cạnh anh đầy cán thuốc lá.
- Đừng buồn nữa nữa anh. Trưa về em mua thuốc thêm cho anh nhé. Dì bảo con cãi cha mẹ là bất hiếu đấy. Anh đừng làm ba giận nữa thì xong ngay.
- Bé ngoan lắm. Anh không phải đứa con bất hiếu vì anh chỉ tranh luận với ba thôi. Ba nóng tính quá.
- Ba là người chiến thắng. Không bao giờ ba hiền như ông sĩ quan Ngụy trong tranh biếm họa của Ớt đâu. Thằng bé cỡ em mà dám tiễn cha nó đi tập trung bằng câu nói "Chăm chỉ học tập nghe ba! Ba rán cải tạo để thành người cha tốt".
- Nè đừng lấy cái thứ "họ nhà Tôm" làm gương nha bé. Thôi đi học đi cưng.
- Họ nhà tôm là gì hả anh?
- À, tụi tôm nó đi giật lùi. Cơ quan bài tiết của nó nằm trên đầu. Người ta nói "lột đầu tôm" chứ có ai "mổ bụng tôm" bao giờ đâu.
Anh Chung lánh mặt cha cả tháng. Cha ở nhà là anh không bao giờ bước ra khỏi phòng riêng. Ban ngày vắng cha, anh vui vẻ và quan tâm đến mọi người khác thường. Anh chỉ Phương làm toán, kèm cặp Phương viết chữ cho đúng nét. Anh trò chuyện nhiều với anh Dũng. Đặc biệt anh rất hay ở bên dì Thái. Anh làm dì ngạc nhiên bởi dám xung phong đi xếp hàng mua nước mắm, dầu hôi, rồi lặt rau dưới nhà bếp. Anh chỉ từ chối khi dì khuyên anh làm lành với cha.
Anh có đến trường nhưng chẳng viết bài và cũng không chong đèn học khuya như trước.