10 - Dậu...

Sau thời gian lơ lửng bất định Phương chán ngấy các cuộc vui tha hóa, vô bổ và tốn kém. Anh cũng dành dụm được chút đỉnh. Phương thuê hẳn một căn hộ riêng biệt. Trong nhà chẳng thiếu thứ gì, khác hẳn gian phòng vài mét vuông tuềnh toàng dạo anh mới đi làm. Về mặt tinh thần, Phương lớn lên không bình thường. Anh dễ xúc động trước bất cứ khung cảnh đầm ấm giản đơn nhất của gia đình nào đó. Phương những tưởng đời sống lứa đôi sẽ giúp anh giũ bỏ nỗi cô độc bẩm sinh.
Phương không tin anh đến với Tuyết như một phép thử, một bản nháp nóng vội về hôn nhân, gia đình. Tuyết không sống cùng cha mẹ. Cô ở bên cậu anh ruột công tử tự phụ, ít quan tâm đến em gái. Tuyết và Phương đã tìm thấy nhau bằng sự đồng cảm thân phận.
Mùa Phương có Tuyết là mùa mưa. Các buổi tối lạnh lẽo, anh hay hòa vào dòng người thưa thớt để đến nhà Tuyết. Từng giọt mưa nhảy nhót, thì thầm hát quanh Phương. Anh dại dột quên mất mưa là yếu tố văn học ba xu, chuyên làm dáng, góp thêm vẻ ướt át cho những cuộc tình buồn. Phương ngờ nghệch linh cảm cuộc đời anh bắt đầu thay đổi, bắt đầu sống trong giấc mơ hạnh phúc từng dằn vặt mình như hoài vọng không bờ bến giữa thế tục. Trước mặt Tuyết, Phương luôn thấy thanh khiết tột cùng, mặc dù năm tháng tạo nên con người anh đầy dẫy xấu xa, cám dỗ tầm thường và cả sự hư hỏng đáng trách.
Trong muôn vàn câu chuyện tuổi thơ của Tuyết, Phương ấn tượng nhất với "Cô gái mộng du". Không ai nhớ chính xác năm ấy Tuyết tròn mười tuổi chưa. Hình ảnh nghộ nghĩnh chỉ là tường thuật của gia đình thường nhắc đi nhắc lại như nét ký ức vui nhộn: Nàng tiên nhỏ mặc chiếc đầm xanh nhạt in hoa trắng. Trong giấc ngủ vô lo, nàng bước qua chín bậc thang gác chông chênh và đến bên vòi nước máy. Nàng cố hứng nước vào hai chai rượu mẫu nhỏ bằng ngón tay cái người lớn, thứ đồ chơi nàng đang ưa thích. Tuyết đã dùng dăm giọt nước hiếm hoi lọt được vào chai để... rửa chân.
Sớm muộn thời gian sẽ bôi xóa hoặc làm biến dạng tháng ngày Phương gần Tuyết. Tuy nhiên ngọn nến lung linh thở ra từ ảo giác của giấc mộng du ít phi phàm không thể lụi tàn. Nó mãi là chứng nhân của vẻ đẹp bị tước đoạt bởi đời sống tầm thường và những cá tính hoang dại.
Phương mê muội trong sự nồng nhiệt của kiểu tình cảm không mặc vừa chiếc áo lý trí đa lẽ. Đôi lúc Phương thảng thốt, chẳng ngờ còn rất nhiều cung bậc ngọt ngào anh chưa hề biết. Họ thay nhau định nghĩa tình yêu, hạnh phúc và sự trắng trong bằng tranh luận bất tận.
- Tình yêu phải chứa đựng chiếm hữu. Cái khác nhau là nó dành cho cá nhân hay cho cả hai, cho hạnh phúc viên mãn, cho thế hệ tiếp nối.
- Chiếm hữu là cánh cửa của địa ngục.
- Thử thách nhiều lúc bị lầm tưởng với tù túng. Lứa đôi phải đi đến tự do trong đời sống sau khi trải nghiệm tột cùng sự chiếm hữu. Đi từ tự do tới chiếm hữu là bất thường. Lòng tin sẽ cho ta tự do thuần khiết nhất trong tình yêu. Khi hết cần chiếm hữu là nơi lòng tin thành sắt đá.
- Anh quá coi thường những gì em gởi gắm.
- Nó nhợt nhạt vì giây phút bốc đồng của em chen vào. Hãy xem em biện giải nhé: "Ít ai dám nghĩ em còn trong trắng. Xét tuổi em, chẳng ma nào dại dột mơ tưởng hão huyền. Do đó em không cần lập lờ đánh lận. Và gông cùm bao đời nay của nữ giới đã được tháo bỏ, ít nhất nơi bản thân em. Tụi bạn đồng trang lứa dù chưa chồng luôn chê cười là em rất ngố!". Người con gái coi thường trinh tiết chắc gì không coi thường phẩm tiết. Nguyễn Du phân biệt rất rạch ròi hai khái niệm Trinh và Phẩm dù cụ sống giữa lễ giáo phong kiến khá khắt khe. Càng hiện đại người ta càng rộng lượng hơn, nhưng đôi khi cái đẹp chính là cái bất biến. Trinh tiết ai chẳng từng. Phẩm tiết mới khó tìm.
- Đơn giản thôi anh. Sự dung dị luôn ý nghĩa hơn hào nhoáng, bạn em bảo vậy.
- Đừng sống bằng đầu óc của kẻ khác. Đừng đầu độc mình bằng cách coi những bài báo nhăng cuội câu khách là chân lý.
Qua lời kể chủ quan phiến diện của Tuyết, trong tâm tưởng Phương, Tuyết như búp cây cảnh lớn lên giữa một gia đình đủ đầy. Có thứ rất thiếu mà Tuyết luôn tự hào, ví như lời lẽ hơi nặng của cha mẹ, anh chị. Tuyết tuyệt đối tin cậy thần thánh cho đến khi gia đình cô tan vỡ. Đáng lý lúc đó Tuyết phải đến gần tôn giáo hơn. Tiếc là cô đã xa rời cái thiện, xô vào đời sống chông gai, tiếp thu không chọn lựa mọi lẽ đời rồi khư khư ôm ấp đống hàng phế phẩm như báu vật. Tuyết từng đùa cợt phán rằng mẹ Maria gìn giữ nhiều thứ nơi cô... để dành cho Phương. Nếu bà ta hiển linh, thì chính bà đã tạo nên sấm chớp mưa giông trong cái ngày Phương viết câu thơ: "Ngôi sao em đậu xuống đời anh. Lấp lánh trắng trong...". Phương luôn từ chối mọi quyền năng siêu nhân trước tình yêu của anh.
Phương chẳng dấu Tuyết bất cứ điều gì nhưng anh hay biện hộ: sự hoàn hảo ở một con người không mang vết tích khuôn mẫu, và hơn hết nó không phải là bữa tiệc thịnh soạn do bản ngã dọn ra. Tuyết xem rung động như tiền đề của tình yêu. Chẳng có gì đáng trách nhưng Phương sờ sợ. Vẻ huyền bí của tâm linh sẽ mất đi nếu người ta luôn xoi mói, chực chờ đón lõng cơ hội để trái tim thổn thức.
Phương không hiểu nhiều về mẹ Tuyết. Anh rất áy náy khi cô bảo đến ngày cưới của họ Phương mới được gặp nhạc mẫu. Chẳng lẽ Phương, kẻ tự giới thiệu là hư hỏng, nghèo kiết xác, sống thiên về nội tâm và những niềm đam mê phức tạp lạc thời hơi hơi giống Tuyết là có quyền mưu cầu hạnh phúc. Trong khi Tuyết luôn nói không với mẹ mình sau khi bà đã trải qua ngần ấy thời gian cô đơn, chăm chút con cái trưởng thành. Tuyết là con út. Mẹ cô muốn đường hoàng tái duyên lúc cô vừa tốt nghiệp đại học. Tuyết dứt khoát phản đối. Cô kết tội mẹ, nguyền rủa người đàn ông đang làm chồng mẹ không xứng đáng với mẹ. Tuyết đồng tình với cả gia tộc trong cách cư xử với mẹ. Cô thấy mình nên rời xa mẹ để một ngày lại chiếm hữu mẹ làm của riêng. Chẳng ai mua được thời gian. Quan hệ giữa mẹ và Tuyết cao hơn ruột thịt nhiều. Tình mẫu tử luôn luôn đứng đầu trong nhóm hệ lụy mang tên tình người. Tuyết dè xẻn dành cho mẹ phần rất nhỏ trong tình mẫu tử, đó là tình ruột thịt. Thật hà tiện! Mẹ có thể ruồng bỏ cô đi theo tình yêu nhưng Tuyết không nên đáp trả sòng phẳng. Tuyết là hiện thân của tình yêu xa xôi giữa mẹ và cha cô đấy thôi.
Tuyết kể Phương nghe nhiều kỷ niệm tuổi thơ bên người mẹ hiền. Ban đầu Phương thật lòng ghen tị. Dần dà Phương nhận ra kỷ niệm chỉ đẹp trong sự ích kỷ và ngang bướng của Tuyết. Nó sẽ ngàn lần đẹp hơn nếu vứt đi cái gai nhọn hoắt. Còn xanh tóc mà Tuyết dám thuyết giảng chữ Nhân trước lớp học toàn người lớn, khiến giáo án của cô đầu thừa, đuôi thẹo rất nghộ nghĩnh. Tuyết dư dả, nhàn rỗi quá. Cô ôm ước vọng truyền bá ý hay, lời đẹp của Hán tự cho mọi người, như lẽ sống cao cả duy nhất trước khi gặp Phương. Đó là cách đền đáp những ưu ái người thầy đáng kính đã dành cho cô. Tuyết luôn giằng xé nội tâm hay không ngờ mình trộm dùng cách dối lòng dễ chịu?
Rồi Tuyết đột ngột quyết định rằng tuy họ vẫn yêu nhau nhưng nên xa ra chút xíu, bỏ hết thói quen đưa đón và dời ngày đính hôn. Lý do lớn nhất và vô lý nhất là ý nguyện gặp mẹ Tuyết của Phương không được cô chấp nhận như bước đi cần thiết. Phần nữa là Tuyết thấy cuộc sống cô đang xáo trộn. Bạn Tuyết bảo thế. Bạn bè rất quan trọng với cô, tất nhiên chỉ là bạn gái mà thôi nếu không kể vài nam nhi cô muốn giữ sự hâm mộ của họ như trang sức. Tuyết cho rằng họ không cùng "đẳng cấp" với mình! Phương nhớ một lần Tuyết nghẹn ngào, cô kể cô buồn nhất vào ngày lễ, tết. Căn nhà độc thân trống trơn, lèo tèo vài món tiếp khách chiếu lệ. Bằng hữu ai cũng có gia đình, họ hàng... họ vô tình và nhất thời quên Tuyết. Thuở ấu thơ, chính mẹ chứ không ai khác đã dìu Tuyết qua giấc mộng du, đưa cô trở về nơi an toàn, chăn êm nệm ấm. Tuyết vẫn đang mộng du. Phương thầm ước phải chi mẹ con Tuyết chung một mái nhà.
Phương và Tuyết có quá nhiều điểm giống nhau. Giấc mơ của người nọ về tương lai luôn luôn trùng hợp với người kia, ở cả những chi tiết trẻ con rất buồn cười. Chẳng hạn trước khi gặp gỡ họ từng ao ước xây một căn nhà có bể nước dự trữ thật lớn đề phòng… cúp nước! Phương từng cảm nhận anh và Tuyết đã đi song song bên nhau trong quá khứ.
Họ thường cùng thích một bài hát, một giọng ca nhưng theo hai chiều khác nhau. Tuyết say mê nét lãng mạn tài hoa. Phương lưu tâm đến các tầng ẩn dụ thầm kín. Ví như ca khúc "Tình em" trong phim "Biển nợ". Vượt qua dụng ý tuyên truyền, phim khắc họa thành công tình yêu cao cả. Người yêu bỏ xứ ra đi. Cô gái dũng cảm gìn giữ giọt máu vô thừa nhận. Trải qua bao nhiêu gian khó cô đã bước từ gánh hàng rong lên sân khấu với giọng dân ca xuất sắc. Người mẹ trẻ đơn chiếc khẳng định mình bằng lao động và tình mẫu tử dành cho đứa con gái nhỏ không cha. Phương mong muốn đem sự lãng mạn từ phim ảnh, nghệ thuật ra cuộc đời. Anh vẫn cầu phép lạ trong khi thực sự vui mừng đón nhận tin Tuyết có thai.
Trong sâu thẳm lòng mình Phương nuôi quyết tâm rời xa Tuyết, giúp Tuyết cơ hội kiểm chứng tình yêu của cô dành cho Phương. Ngôn ngữ nghệ thuật chợ búa xem đây là điểm nút của các chi tiết nhiều định hướng nhưng ra vẻ vô can trong mạch sống được tái hiện, sao chép cẩn thận. Không ít bài thơ, vở kịch tồn tại chỉ nhờ một nét đẹp hiếm hoi. Ngoài đời thiếu gì những tình yêu, những cuộc hôn nhân tẻ nhạt và dai dẳng. Sự thăng hoa bất thần luôn rẽ về hai ngả. Cái xấu xa thấp hèn dẫn đến tan vỡ và ngược lại. Luận lý là thế. Hóa ra Phương tích cực và chủ động làm diễn viên của vở kịch rất kịch kỡm của đời mình. Luân lý đã thảm bại. Chính Phương góp phần hủy diệt giọt máu không ít thì nhiều mang hơi ấm yêu đương giữa anh và Tuyết. Chắc chắn đây là bài học về lòng nhân đau đớn nhất mà Phương phải nhớ mãi.
Mâu thuẫn phụ kèm theo tất thảy đều tầm thường nhưng nó là mảnh đất tốt cho lòng kiêu hãnh cao độ của cả hai. Và sự ly tán là kết quả dễ hiểu. Họ quên rằng sự tương đồng giúp gắn kết hai tâm hồn, nhưng quá trình thu ngắn dị biệt mới là con đường duy nhất dẫn đến mái ấm hạnh phúc.
Xa Tuyết, Phương thật tàn nhẫn khi rịt vết thương của mình bằng cả nỗi đau đang dần lớn lên trong Tuyết theo giờ phút. Người ta chỉ có thể kiểm nghiệm tình yêu và lòng chung thủy bằng khổ đau. Phương tin anh tận hưởng nỗi đau của Tuyết không phải bằng sự hả hê mà bằng tấm lòng nhân hậu vừa được cứu chuộc, cái mà Tuyết luôn bảo Phương cần tự vun đắp. Trong nỗi đau họ đang trưởng thành để thụ nhận tất cả ý nghĩa tốt đẹp nhất của cuộc sống.
Lần cuối Phương nói chuyện với Tuyết là ngày tòa án trao quyết định ly hôn cho hai bên. Tuyết thiểu não nhưng vẫn mạnh dạn:
- Từ nay về sau nếu tình cờ giáp mặt, anh hãy xem tôi như người không quen biết.
- Tôi hiểu sự căm hờn của em.
- Tôi không tin tôi từng yêu anh - Tuyết cười nhạt – Thôi, vẽ chuyện làm gì. Tôi sẽ gởi anh quyển nhật ký tôi viết trong những ngày qua. Xin anh một lời hứa.
- Lời hứa hay điều kiện?
- Anh chỉ được mở phong thư đúng vào ngày anh định cất tiếng yêu thương sắp tới, hay đại loại như vậy.
- Em nghĩ sao nếu người kia muốn đọc nó. Em rất rõ là tôi thừa trung thực mà.
- Càng tốt! Anh diễn các vai trung tín rất xuất sắc.
Đêm ấy Phương mơ giấc mơ kỳ lạ. Trong mơ anh lục tung tất cả đồ đạc, tìm những thứ liên quan đến Tuyết bỏ vào ba lô con cóc. Chẳng hiểu sao trong ba lô sẵn có bó hồng chỉ mới được hình dung trong đầu Phương cho ngày cưới. Phương hướng ra bờ sông. Anh thẳng tiến trên mặt nước như đang đi trên đất bằng. Đến giữa dòng Phương cẩn thận lôi ra từng món và xướng tên chúng lên. Hoa, thơ, nhạc, vé xem kịch... vật vờ trôi theo thủy triều đang xuống. "Biển xa lắm không?" Phương chẳng biết anh đang hỏi mình hay món đồ vật vô tri nào lên tiếng. Nằm ở đáy ba lô là miếng voan trắng thấm ngôi sao trinh nữ. Ngôi sao ngập nước. Vì dòng nước kém sạch khỏa vào, hay tự thân, ngôi sao chuyển sang màu đỏ bầm, âm u như những ngày mưa thuở nọ.
Vậy mà họ vẫn vô tình gặp nhau và có lẽ lại bắt đầu song hành. Họ không nhìn nhau nữa dù cùng hiện diện ở thư viện hay trong một phòng hòa nhạc. Đôi khi Phương chợt nảy ra ý định thử làm lành với Tuyết xem sao. Anh không thể hình dung ra tương lai khả dĩ. Phương sợ Tuyết hai mươi năm sau sẽ giống như bà mẹ đáng thương của cô. Hành động và suy nghĩ của Tuyết khiến Phương không thể an tâm.
"…Tôi là người thừa trong ngôi nhà mình được sinh ra. Mẹ yêu kẻ lãng tử rỗng túi nhưng ông ta vốn đạo Phật nên lắm phiền phức. Ba tôi bất ngờ xuất hiện bên mẹ trong vầng hào quang chói lòa của một gia tộc công giáo đầy danh vọng, tiền tài. Hơn thế nữa ba là phi công tốt nghiệp ở Mỹ, đẹp trai, cao ráo. Ba mẹ gặp nhau trong tiệm nhảy đầm, nơi ba và bè bạn thỉnh thoảng ghé qua chơi nhạc và thụt billiard. Bà nội ghét mẹ bao nhiêu thì ba mù quáng bấy nhiêu. Ông bà ngoại rẻ rúng kẻ du thủ du thực kia lâu rồi nên ép mẹ lấy ba. Xét bề ngoài hai người cực kỳ xứng đôi dù mẹ chỉ là cô gái Lục tỉnh được ngoại gởi lên nhà em mình trên Sài Gòn trọ học tú tài. Ba là dân tư bản gốc, mấy đời sống ở Sài Gòn.
Trai tài gặp gái sắc có vạn kiểu. Riêng kiểu của mẹ thì chẳng ai trong họ nội ưa cả. Ba cứ đi biền biệt. Ra đời ngay sau đó, anh hai tôi là sợi dây chắc chắn nhất của mẹ để trói bà nội. Ba thích con gái nên tôi trở thành sợi chỉ bé nhỏ kéo ba mẹ gần nhau hơn trong những ngày phép của ông. Bà nội trọng nam khinh nữ. Hai anh em tôi chung nỗi thiệt thòi là chẳng biết sữa mẹ ngọt như thế nào, theo đúng nghĩa đen.
Sau 75 ba đi học tập. Mẹ vắng nhà liên tục. Nội chăm sóc, yêu thương chiều chuộng anh hai bao nhiêu thì tôi buồn tủi bấy nhiêu. Lúc ấy tôi mới ba bốn tuổi. Thuở ấu thơ tôi chỉ nhớ vậy. Cũng nên kể thêm lần mẹ đi chơi mấy ngày và vô ý khóa trái cửa lầu hai. Tôi bị nhốt trong cái phòng nhỏ trống trơn mà hằng ngày tôi luôn thui thủi một mình, cạnh căn buồng thênh thang của ba mẹ ngày nào. Tôi khát có nước máy. Chỉ khi đói quá tôi mới trèo lên cửa sổ, đưa hai chân vắt vẻo ra ngoài song sắt, thút thít khóc. Nội cám cảnh. Mỗi ngày bà hỏi han vài câu rồi cho tôi hai ổ bánh mì khô khốc của cái thời cả thành phố phải ăn độn bo bo.
Mấy năm sau ba về. Lớn lên tôi mới biết ba cam chịu và xí xóa hết mọi lỗi lầm của mẹ trong thời gian xa cách. Dù bị đánh tư sản năm lần bảy lượt, bà nội vẫn còn của chìm, vẫn đủ lo toan cho cả gia đình. Tài sản riêng của ba mẹ thì đã không cánh mà bay, kể cả nữ trang kết hôn. Có lẽ vì cuộc sống gượng ép với mẹ, ba tôi quyết định bỏ Chúa để ăn chay trường và dọn lên lầu ba tĩnh tâm. Mẹ cũng chẳng lo cho tôi hơn trước. Đến giờ tôi cứ việc xuống bàn ăn của cả gia đình ngồi vào tham gia. Sự vắng mặt của tôi hiếm khi làm ai bận tâm. Mẹ không bao giờ xem tôi học hành ra sao. Thỉnh thoảng mẹ cho tôi ít tiền tiêu vặt. Tôi cũng chẳng biết dùng vào đâu ngoài việc mua sách vở, bút mực. Lúc nào tôi cần cái gì thiết yếu cho riêng mình, chẳng đặng thì đừng tôi mới dám xin mẹ. Mẹ ừ hử và quên biến ngay. Chỉ vào những lúc có mặt ba, tôi đòi gì mẹ cũng đáp ứng, dù là vật phẩm đắt đỏ hết sức vô lý so với tuổi dậy thì.
Lục đục giữa ba mẹ xảy ra là điều tất yếu. Tôi chẳng dám trách nhưng ghét cay ghét đắng bà dì ghẻ của mình bây giờ. Bà là bạn thiền của ba tôi. Dạo kia mẹ còn ngây thơ cho bà ta tá túc trong nhà. Nội lúc ấy đã gần đất xa trời. Tính bà trung dung ba phải cũng vì bà chưa bao giờ thiện cảm với mẹ. Ngày xưa bà chiều ba quá nên hỏi mẹ cho ba. Thế mới xảy ra trận đánh ghen đáng nhớ và vết xẹo chạy dài bên má trái dì ghẻ.
Ba bỏ hẳn nhà đi xây tổ ấm riêng. Tôi càng lẻ loi hơn giữa tuổi trăng tròn, đã biết suy nghĩ chút đỉnh. Mẹ sử dụng anh tôi như chìa khóa vạn năng xoay tiền bà nội. Có những mùa hè hai chúng tôi bị đày về quê ngoại. Với mọi đứa trẻ đồng trang lứa, xa thành phố ba tháng, sống giữa làng quê yên ả là hạnh phúc tột đỉnh. Nhưng ở đây tôi dùng chữ đày ải mới thật đúng. Tôi lang thang, vất vưởng với bọn trẻ con hàng xóm, lặn ngụp dưới rạch nước đem ngòm trước nhà cho hết ngày tháng. Trong khi đó mẹ và ngoại cứ thương đi lượng lại với nội về cái giá để đưa anh hai về bên nội, cho nội vui.
Tôi rất chậm chạp, ngoài giờ học tôi ở nhà là chính. Tôi chú trọng bài vở nên kết quả học tập rất tốt. Tôi giữ nhiều kỷ niệm với vài nhóm bạn trong ba cấp học. Kỷ niệm sẽ đẹp lắm nếu lâu lâu chúng không vô tình so sánh bề ngoài giàu có của gia đình tôi với khó khăn của gia đình chúng. Sự khó hiểu ở đây là tại sao tôi ăn mặc tệ hơn tụi nó nhiều. Tết nhất, lễ lạt chẳng bao giờ tôi được xúng xính trong quần áo mới. Điều tôi hết sức tự hào trước bè bạn là tôi cố gắng vào đại học, lấy được tấm bằng cử nhân ngoại ngữ hệ mở rộng.
Theo đà mở cửa, ngôi nhà mặt tiền đồ sộ của gia đình được mẹ biến thành khách sạn nhỏ. Trong nhà bắt đầu có người ăn kẻ ở. Dì Tư nấu bếp thương tôi vô hạn. Đôi lúc tôi nghĩ, không chừng mình là con gái dì. Biết đâu mẹ tôi và dì vào bảo sanh viện cùng ngày. Rồi vì sự nhầm lẫn nào đó, tôi thành con mẹ tôi. Đứa con thực sự của mẹ thành con dì nhưng vắn số. Dì Tư không thọ. Người tốt hay yểu mệnh. Dì mất trong nhà tôi vì bệnh tim. Tôi có lỗi vời dì. Trưa ấy dì làm lụng xong cũng hơi mệt. Chiều tôi nên dì giúp tôi tập thể dục thẩm mỹ. Lát sau dì xây xẩm mặt mày. Xẩm tối dì ra đi lặng lẽ. Dì trút gánh nặng đời người nhẹ nhàng. Dì chỉ buồn đứa con trai duy nhất chưa hoàn toàn biết tự lo cho bản thân anh ta. Nhưng tôi tin dì cũng ngậm cười nơi chín suối. Anh ta nghèo nên không thể lên thành phố đưa thi hài dì về quê. Mẹ tôi thuê chiếc xe tang cho dì. Anh ra đầu xóm ngóng từ sáng sớm, mắt luôn đỏ hoe. Khi chiếc xe đến nơi thì anh chẳng còn đứng vững.
Vài năm sau nội mất. Bà bệnh trong hai tháng. Ba tôi và dì ghẻ về thăm nội mấy lần. Tôi luôn cương quyết chỉ cho ba bước vô cửa. Hôm đưa tang, tôi không cho xe nhà đòn chuyển bánh sau khi xe đã chầm chậm vĩnh biệt chòm xóm vì mẹ và dì ghẻ tranh chấp nhau xem ai được ngồi bên quan tài. Họ không chịu ngồi chung với nhau. Cuối cùng ba tôi phải quay về nhà lấy xe gắn máy chở dì. Dĩ nhiên quyết định của tôi cũng có phần góp ý của mẹ và vài người thân với mẹ.
Mẹ và nội thoả thuận ra sao về lợi nhuận của khách sạn tôi không rõ. Nội không còn, mẹ tự quyết mọi thứ. Sau đó tôi và anh tôi mới thấy vỡ lở nhiều chuyện tày đình. Khách sạn ít khi ế vậy mà thu nhập đi đường nào hết sạch. Mẹ thiếu nợ nhiều lắm. Không những thiếu chủ hàng cung cấp đồ dùng cho khách lưu trú, mẹ còn nợ bè bạn, chòm xóm không kể xiết. Anh em tôi chán ngấy đến tận cổ cảnh hứa hẹn, cãi vã, tranh chấp của mẹ nên quyết định giành lấy quyền kinh doanh. Anh tôi bán hết bao vật dụng đắt tiền của tay chơi thời mở cửa mà nội từng sắm sửa cho. Anh giúp tôi chi phí đầu tiên trong điều hành khách sạn. Tôi chưa kịp trả hết nợ cho mẹ thì chính mẹ viết đơn tố cáo chính quyền. Ban ngành quản lý thành phố xuống đuổi hết khách và ra lệnh đóng cửa vì khách sạn chưa kịp gia hạn giấy phép.
Tôi chẳng cho những người ruột thịt mình biết trong căn nhà to đùng trống rỗng ấy tôi khốn khó thế nào. Công nợ ngập tận sân thượng. Ba và dì ghẻ không con, tu hành chay tịnh đã mười mấy năm. Với hai người sự đời đều là nhân quả. Thân thích ruột thịt chắc cũng nằm trong chữ chúng sanh được viết hoa. Anh tôi khó chịu đựng thiếu thốn. Bà nội từng chiều anh hết mực. Anh chưa học hết phổ thông. Hai năm làm lính kiểng cũng vô ích. Anh đang quanh quẩn bên chị người yêu là dân buôn bán và ăn uống luôn tại nhà chị ta. Thỉnh thoảng tôi cũng nghe nói mẹ đang ở đây, ở đó nhưng toàn lời than phiền nợ nần theo sau. Tôi tin mẹ chẳng giúp được tôi. Tôi chia bùi xẻ ngọt với hai cô gái trẻ có họ xa làm phục vụ trong khách sạn. Tôi chịu đựng thiếu thốn mọi thứ, về vật chất lẫn tình cảm, nhưng trong thời buổi kinh tế thị trường tôi chẳng biết tìm đâu ra vốn để tiến hành gia hạn giấy phép kinh doanh.
Khi tôi lên cơ quan chủ quản tìm hiểu, người ta phân công anh nhân viên trẻ tiếp xúc giải quyết. Đó là người đàn ông thứ nhất yêu tôi. Thanh nhanh nhảu giúp tôi, không đòi hỏi hạch sách bất cứ điều gì. Tôi trở thành chủ doanh nghiệp tư nhân.
Hai mấy tuổi đầu, chắc chắn tôi biết anh nuôi tình cảm cho tôi. Nhưng tôi là con mọt sách. Tôi mê Kim Dung, thích thơ lãng mạn, thơ Đường và những chuyện tình cảm nhẹ nhàng, có hậu một cách mê tín. Người yêu trong mơ của tôi đi ra từ chuyện cổ tích với hoàng tử và công chúa, mang tính cách kiếm hiệp, yêu cuộc sống thơ mộng nơi vườn thượng uyển. Nhưng nhất quyết tôi không muốn người đó giàu. Ý chí này tất phải có nguyên do. Tôi từng vô tình đọc được các lá thư với lời lẽ cao ngạo của nội, đối đáp sòng phẳng yêu cầu liên tiếp nhưng mềm dẻo về tiền bạc của ngoại. Cuộc sống không hạnh phúc của mẹ và ba chỉ vì tài sắc tương đồng mà tâm hồn xa cách, là bài học còn nóng hổi.
Thanh kiên trì và nhẫn nại, cố làm tôi xiêu lòng. Anh nhất nhất ngoan ngoãn nghe lời tôi, đáp ứng mọi ý thích của tôi. Chẳng bao giờ anh cấm cản tôi điều gì. Chưa khi nào chính anh làm tôi phật lòng. Chỉ riêng lối cư xử thiếu văn hóa của gia đình anh mới làm tôi khó chịu. Vài lần tôi đi chơi với bạn trai vừa quen trong môi trường giao tiếp xã hội nào đó Thanh cũng không ghen. Đôi lúc anh cũng khuyên tôi cái này cái nọ. Xét cho cùng nó giống đắc nhân tâm.
Khi khách sạn bắt đầu vào nề nếp mẹ tôi lại xuất hiện. Hai anh em tôi cương quyết không chi tiền cho mẹ nhiều nữa. Chúng tôi yêu cầu mẹ trở về sống trong nhà, không lo lắng về ăn uống, sắm sửa. Chúng tôi trực tiếp cung phụng, hằng tháng chúng tôi gởi mẹ ít tiền tiêu vặt. Mẹ không nghe. Mẹ túng thiếu đến nỗi nhiều lúc còn cố lấy trộm đồng bạc quí giá khách vừa thanh toán, để tôi chắt chiu trả lương cho nhân viên. Một lần cùng quẫn mẹ nhờ cả du côn tới hành hung anh trai tôi. Nhờ quan hệ rộng, Thanh giúp anh em tôi thoát khỏi nanh vuốt của những kẻ đâm thuê chém mướn.
Thanh giúp tôi bán khách sạn vì không thể kinh doanh dưới sức ép của mẹ. Khách thấy mất trật tự hoài cũng dần tản đi, ế ẩm thường xuyên. Về mặt pháp lý ngôi nhà rất giá trị ấy, do nội tôi đứng tên trên giấy tờ gốc, sẽ thuộc về ruột thịt của nội. Nội có đến hai di chúc. Cái đầu chắc ba viết, nội ký. Cái thứ hai là công lao mẹ. Khi nội hấp hối, mẹ nói khéo cho cháu đích tôn, nội mới điểm chỉ cho anh hai và tôi thừa kế hết tài sản. Ba và anh hai mâu thuẫn mạnh mẽ bởi mỗi người giữ một bản ý nguyện trái ngược nhau. May sao, tranh chấp tiền nong cũng tạm dàn xếp xong. Nhà cửa từ thời xa xưa, giấy tờ thất lạc nhiều. Thanh chạy vạy trăm bề giúp tôi bán chỉ trong vòng ba tháng. Anh em tôi đưa ba phần của ba, gửi mẹ một ít và gần như trốn chạy mẹ.
Mấy đời gia tộc tôi đã sống chết, vui buồn trong ngôi nhà này. Bỗng chốc tất cả sụp đổ. Bác tôi bên Pháp. Cô tôi ở Mỹ. Ông nội mất từ hồi chưa có anh hai. Ba mẹ tôi hai phương trời. Anh em tôi bơ vơ bên đống kim loại màu vàng lạnh ngắt vô hồn. Nhiều lúc nhớ lại, tôi thấy Thanh quí giá biết chừng nào. Thanh không giúp, chỉ với tình ruột thịt của anh tôi, mà anh em tôi ít khi chia sẻ được với nhau khó khăn của cuộc sống, chắc tôi chẳng sống nổi. Anh em tôi mua ngay căn nhà nhỏ trong hẻm và dặn tất cả họ hàng không hở ra cho mẹ biết chúng tôi ở đâu.
Hình như tôi bắt đầu yêu Thanh từ lúc đó. Song nhiều điều tôi không thể nào hiểu nổi. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi thật sự tôi có yêu Thanh không và ngược lại. Thanh không biết ghen. Thanh làm mọi việc vì tôi. Thanh luôn xắp xếp được thời gian mỗi khi tôi cảm thấy cần anh bên cạnh dù Thanh rất bận. Chúng tôi hoàn toàn không đồng cảm ở tất cả vấn đề xã hội, sở thích cá nhân trái ngược. Nhưng tôi luôn thấy an toàn tuyệt đối bên anh. Anh đem đến cho tôi nhiều thứ. Ngày tháng bên anh thanh bình vô cùng. Nói gọn, nếu anh yêu tôi thì tình yêu này phi tính dục và cao cả. Tôi rất khờ. Tôi hỏi han mọi người. Nhiều giả thiết được bè bạn nêu lên: nào là Thanh ái nam, Thanh mất khả năng sinh con, Thanh đồng tính luyến ái. Bạn thân Thanh đưa ra lý giải phức tạp nhất: Thanh bị vấn đề tâm lý với chính tôi, do giai đoạn đầu anh và hình ảnh người yêu lý tưởng của tôi không khớp. Tôi làm anh mang nặng mặc cảm. Đôi lần tôi đã quyến rũ anh như phép thử được tư vấn nhưng cũng không xong.
Tôi từng theo học tiếng Trung Quốc. Tôi biết đằng sau thứ ngôn ngữ rất khó ấy là những triết lý nhân sinh giản dị song lớn lao. Gia đình thì khỏi kể, còn nhà trường phổ thông chưa dạy tôi điều này. Loại sách như "Gia huấn ca" từ lâu đã bị xếp vào hàng văn học cổ. Tôi nghiệm mình có thiên hướng học thuật. Hơn thế nữa, tôi ngộ duyên một người thầy già rất giỏi. Nhân cách tôi cũng nhờ công thầy uốn nắn nhiều lắm. Dạo trước Thanh xin cho tôi làm ở khách sạn nhà nước Macara. Công việc tiến triển tốt đẹp nhưng tôi tự bỏ ngang vì quá nhiều cám dỗ và sợ không thể theo thầy đến cùng.
Số là tôi được cơ cấu vào đội đón tiếp những ông chủ lớn sang Việt Nam tìm cơ hội đầu tư gọi là VIP. Tôi ý thức mình xinh đẹp khi được đứng trong hàng ngũ này. Khách VIP luôn yêu cầu tiếp tân riêng cặp kè với họ. Sĩ số nhóm tôi khoảng 20 người nhưng phải tuyển dụng liên tục vì các cô hay bị VIP bắt cóc làm vợ hờ hoặc bồ nhí. Khâu chọn lựa giai nhân người ta làm rất kỹ. Thường là sau khi tiếp xúc đến ông khách thứ ba, ai cũng bị đồng tiền lung lạc. Khách VIP lịch thiệp, sáng sủa và sòng phẳng đáng sợ. Tôi giúp việc được hai người. Họ một già một trẻ, lối vào đề hệt nhau:
- Cô rất Việt Nam. Vẻ thùy mỵ này khó kiếm tại mấy nước xung quanh. Tôi còn sang Sài Gòn dài lâu. Tôi đã đề huề vợ con bên quê nhà. Chuyện hôn nhân coi như an bài lâu rồi. Cô sẽ như bà hoàng nếu bầu bạn với tôi.
- Tôi không lường điều này khi xin làm ở đây. Xin ông thứ lỗi.
- Một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, phương tiện đi lại, tiền lương hàng tháng dưới danh nghĩa trợ lý khá cao trong vòng vài năm. Bạn tôi bảo đó là mơ ước lớn nhất của các cô gái đẹp, kể cả hoa khôi á khôi, diễn viên điện ảnh. Họ sẽ phải bỏ ra cả đời để tạo dựng nếu chọn con đường tiến thân theo lối cũ mà chưa chắc thành công.
- Nếu ông thấy tôi vô tích sự, xin báo khách sạn cho thay người. Tôi thành thật xin lỗi ông.
- Ồ không sao. Tôi đâu phải kẻ hồ đồ. Lần sau qua đây tôi không dám làm phiền cô nữa nếu cô chưa đổi ý.
Tổ trưởng không mấy hài lòng. Mặc kệ, bởi Thanh nắm cương vị cán bộ sở chủ quản của khách sạn. Tôi luôn nhường hết tiền thưởng của khách cho quỹ chung nên chưa ai dọa đuổi tôi. Chỉ anh tài xế khó chịu ra mặt. Khách giàu quá tiêu tiền bằng thẻ nên không thể bồi dưỡng anh ta. Tôi không nhận tiền thì anh cũng mất khoản trà nước hậu hĩnh.
Người ta bảo tôi bất bình thường khi từ chối cơ hội ăn sung mặc sướng. Tôi gián đoạn lớp tiếng Hoa gần nửa năm, tính luôn thời gian học việc trong khách sạn. Tôi thanh thản tìm thầy cũ. Thầy hướng tôi theo nghiệp thầy và còn muốn tôi làm con dâu thầy nữa. Tôi ngoan ngoãn và thụ động nghe theo. Lấy xong bằng C do chính thầy chấm điểm khá khắt khe, tôi trở thành cô giáo tại một trung tâm ngoại ngữ buổi tối nổi tiếng. Tôi xem đây là nghĩa cử tôi dành cho thầy. Tôi muốn dạy học đến chừng nào xuất hiện nhu cầu mới của bản thân tôi, khiến tôi xem lao động là phương tiện kiếm sống chứ không phải niềm vui hoặc sự cống hiến cho lý tưởng.
Người thứ hai yêu tôi, oái ăm thay, chính là tên học trò đầu tiên của tôi. Phương hơn tôi vài tuổi, mồ côi từ bé. Hắn bập bõm tự học chữ Hán nhiều năm trong khi luôn đeo đuổi ngành Hàng hải, bôn ba lăn lộn cũng nhiều. Hắn đổi cả chục nghề từ khi vào đời năm 17 tuổi. Hiện tại Phương có ít vốn trong công ty tư nhân nhỏ. Nó tạo cho hắn cuộc sống nhàn nhã nhưng chẳng dư dả. Phương rất tinh thông tình trường. Hắn biết đủ thứ nhưng mỗi thứ mỗi ít, đôi khi rất sâu sắc song lắm lúc quá tự cao thành ra lầm lẫn nghiêm trọng. Chiếc kính đổi màu của đầu óc hắn vừa kẻ cả, vừa cực đoan lại vừa ngây thơ chết người. Phương không tin hắn võ đoán và thuộc thế hệ được nặn ra bởi chiếc khuôn trói buộc, đầy dẫy mông muội, cảm tính và duy lý.
Tôi cứ phân vân. Tôi không rung động trước Thanh. Lẽ nào Phương là kẻ nguy hiểm đến nỗi hắn biết cách làm người khác rung động. Hắn cho rằng mình lý giải dễ dàng mọi thứ, không như tôi khi nào bế tắc tôi hỏi bè bạn. Cùng đường tôi thường tìm đến sự may rủi như ngắt những cánh hoa, lẩm nhẩm có và không. Phương thích dùng chút học thuật còm của mình để chơi trò chữ nghĩa, văn hóa, lịch sử và triết học.
Phương không hứng thú với tôn giáo nhưng hắn nghĩ đức tin rất cần cho tôi. Đây là sự xúc phạm nặng nề mà mãi sau này tôi mới nhận ra khi đọc ở đâu đó đại ý: "Lương tâm cũng như nhân cách con người bậc thấp thường dùng tôn giáo làm giá trị bảo đảm". Phương quá kiêu hãnh tự đặt mình đứng trên tôi và nhiều người trong cách nhìn nhận ý nghĩa của tôn giáo. Phương luôn tìm thấy trong giáo lý các mệnh đề phổ quát của đời chứ không riêng gì đạo. Phương kể trong các đêm Phục sinh gần đây hắn thường đón nhận ngày mới hết sức trân trọng. Hắn ngước lên bầu trời như muốn thu toàn bộ vũ trụ trong mắt. Sau khi hít thở thật sâu, hắn tĩnh tâm lắng nghe mọi âm thanh và hương vị nồng nàn của đêm. Hắn bảo mỗi con người, mỗi tâm hồn đều sở hữu những khoảnh khắc chay tịnh của thánh thần. Sự thanh sạch dù hãy còn mơ hồ trong ý nguyện, hoài bám theo Phương nhiều ngày sau như minh chứng hướng thiện và hoàn thiện của hắn.
Tôi không ra vẻ cao siêu như Phương. Tôi chỉ nhớ đến Đức Mẹ khi cùng quẫn và tuyệt vọng. Tôi cho thế là đủ. Dòng họ nội ngoại tôi đều là nô bộc của Chúa. Chúa đã quay lưng làm ngơ trước bao tai ương đổ xuống đầu chúng tôi.
Thanh vẫn như cũ, chẳng hề ghen khi nghe tôi kể về Phương. Một tối thứ bảy tôi nhận lời Phương đi nghe nhạc. Hôm đó Thanh tình cờ mua hai vé xem kịch. Biết tôi bận Thanh không ngần ngại tặng tôi và Phương. Tôi gặng hỏi "Anh suy nghĩ kỹ chưa, coi chừng hối tiếc". Thanh dứt khoát bảo không!
Càng gần Phương tôi càng chẳng hiểu hắn là con người như thế nào. Tôi thú nhận hắn gống như loại thuốc an thần gây nghiện. Bình thường hắn rất hiền và ít nói. Tôi chỉ không thích khi hắn bảo tôi phải thế này, phải thế kia, trong cái vỏ bọc vì lợi ích của tương lai đôi lứa. Tôi chẳng dấu hắn mọi chuyện tình cảm. Lúc nào vụng về, tôi chọc vào tính ghen tuông quá đáng của Phương thì hắn nổi nóng ngay lập tức. Đôi lần hắn mạt sát tôi thậm tệ, rồi nhanh chóng xin lỗi vì sự thô lỗ.
Tôi kể Phương nghe nhiều về tuổi thơ của tôi. Toàn là khoảnh khắc hiếm hoi đẹp đẽ nhất. Tôi nghĩ giản dị là mỗi con người phải có những điều thầm kín, sống để bụng, chết mang theo, không thể sẻ chia. Do vậy tôi không phải là tôi trong sự tiếp nhận cả tin của Phương. Điều đó nhất định không giống tự đánh bóng mình. Phương là kẻ ái kỷ nên rất cầu toàn. Chắc chắn trong đầu hắn luôn lồ lộ công thức "Nửa sự thật luôn là man trá". Hắn không đủ tấm lòng để hiểu rằng tôi là vị bác sĩ tâm hồn của chính mình. Từ bé thầy cô dạy tôi rằng lương y được quyền nói dối bệnh nhân. Điều này thể hiện tính nhân đạo, không nên chê trách hoặc kết tội họ.
Hôm tôi đón nhận lời tỏ tình của Phương, hắn tặng tôi bản "Hình như là tình yêu" của Paul De Senneville. Tôi rùng mình. Tại sao lại "hình như"? Sự diễn tả chưa đủ sâu, Phương giống cậu bé đang đuổi theo hoặc thử sức với trò chơi vượt quá khả năng hắn. Tuy vậy âm sắc tuyệt vời của tiếng đàn dương cầm làm tôi mụ mẫm. Tự nhiên tôi chợt nhớ không sót một chữ bài thơ "Dương Cầm" của tác giả vớ vẩn nào đó, tôi từng đọc qua trên báo Phụ Nữ. Phương bảo tôi viết bài thơ vào tập nhạc Chopin sờn cũ đặt làm duyên trên chiếc đàn.
Tiếng pha lê vụn vỡ
Bỗng thành niềm hoan lạc đêm sâu
Chẳng hiểu em cười hay khóc
Mười ngón tay nồng ấm nhựa thanh xuân?
Chuyến du hành
Đi lại con đường chưa có trong ký ức
Cái ngày mang tên em không em
Tiếng đàn từ chốn nào xa xăm lắm
Đối âm đuổi nhau
Ném vào mông lung bóng hồng hoang chiều chết
Thầm thì giai điệu
Nứt mình ra sáp nến lửa xanh leo lét như ma trơi thời trung cổ
Áo em màu hoàng hạc
Tóc em ngược sáng rối bời trăng
Đừng nói câu sám hối
Hãy hát lên lời biển mặn ngàn năm
Hời ru cõi nhớ u mê
Vỡ òa những mảnh pha lê dương cầm…
Phương xem tới xem lui bài thơ mấy bận. Tưởng chừng hắn muốn lật ngược tập nhạc để tìm tâm thức của tôi ẩn dấu trong sự đồng cảm vô tình này. Tôi căm thù những cái nhíu mày liên tục và giọng nói trầm đục của hắn "Tình cảm chúng ta có điềm gở rồi em à".
Tôi không tin tôi xem Phương là con rối để kiểm chứng tình yêu của Thanh. Tôi bị cuốn vào Phương nhanh như cơn lốc đem theo mưa móc cho thảo nguyên cỏ dại thì con gái muộn màng đang hạn hán. Tôi chóng vánh kết thúc mọi cuộc chuyện trò với Thanh về Phương. Tôi chẳng kể lể hay hỏi han anh ta suy nghĩ của tôi về Phương nữa. Tôi tuyên bố tôi thật sự yêu Phương và mong Thanh chúc tôi hạnh phúc. Thanh khẳng định tôi đang ngộ nhận, nên tỉnh táo đi cùng thời gian. Mấy lần Thanh bí mật bám theo Phương. Anh nhận xét đủ thứ rồi kết luận anh không thể an tâm khi tôi bên Phương. Thanh khéo khuyên tôi hãy yêu bất kỳ ai, anh không phản đối, trừ Phương.
Cỏ dại gặp cơn mưa đi hoang nở ra toàn hoa dại.
Thanh chưa bao giờ đặt vấn đề cưới hỏi với tôi, thậm chí còn lảng tránh. Sau cái bận tôi và Phương cãi cọ rồi hủy lễ đính hôn, hai chúng tôi lại bên nhau thêm phần nồng thắm hơn trước. Phương không đòi tôi phải cho hắn gặp mẹ như điều kiện đầu tiên nữa. Tôi tập tành coi tử vi, mượn hoặc mua mấy quyển sách tướng số về đọc không biết chán nhưng cũng đâu khá hơn. Tôi vẫn quá mù mờ về Phương. Phương muốn Thanh và tôi phải dứt khoát chấm dứt mọi liên lạc. Hắn không chấp nhận tình bạn sót vụng. Hắn bảo nam nữ làm quái gì có tình bạn. Hắn gọi Thanh là "con gà trống thiến" thâm độc. Phương tự cho rằng hắn là người đàn ông bản lĩnh, hắn chỉ chịu thua những tình nhân quá cố hoặc bọn "hoạn quan" trong đầu óc bất cứ cô gái nào. Hắn quả quyết nhiều bế tắc trong cuộc sống chúng tôi sau này sẽ đi vào ngõ cụt, nếu tôi xem tất cả cư xử trước đây của Thanh là mẫu mực.
Tôi đồng ý nhưng thầm nguyện cầu đức mẹ ban cho tôi phép lạ. Sự hiển linh của đức tin sẽ cho tôi đến bên Phương, vứt đi cảm giác ngài ngại con người hắn mỗi khi ngẫm kỹ. Phương cười vào ba câu đố hóc búa của tôi. Hắn đòi tôi chướng ngại vật khó hơn, tương xứng với hắn tí chút nhưng tôi không thay đổi ý định. Hai câu đầu là hai bài toán cực khó tôi thu lượm được trên báo chí. Câu cuối là tìm ra loại bánh gia truyền của người Hoa trong Chợ Lớn, chục năm trước đôi lần mẹ mua về cho tôi. Tôi không biết tên song nhớ mãi hình dáng, hương vị của nó. Tôi luôn đem theo những chiếc bánh vào giấc mơ tình mẫu tử vô cùng đẹp đẽ.
Phương quá khôn lanh và may mắn. Hắn tung hai bài toán lên mạng. Chưa tròn hai mươi bốn giờ, một tiến sĩ toán học người Canada cho hắn đáp số cùng lời chúc phúc. Sáng hôm sau hắn lang thang vào quận Năm nhưng về tay không. Buổi tối chúng tôi đi chơi. Phương chở tôi lòng vòng tới khu Nguyễn Tri Phương rồi tình cờ gặp đúng hàng bánh hắn đang tìm. Đêm ấy chúng tôi trở thành vợ chồng trọn vẹn, trong ngôi nhà yên tĩnh và rất đỗi ấm cúng của hắn. Tận trong lòng mình tôi chưa hết âu lo. Tôi đã mù quáng trao gởi cho hắn từ khi chưa tin hắn. Tôi bắt đầu sợ mất hắn. Tôi thuyết phục hắn đăng ký kết hôn ngay, còn chung sống chính thức thì đợi năm sau. Lá số tử vi của tôi và hắn do chính tay tôi chấm luận ra như vậy.
Đại diện hai gia đình gặp nhau thỏa thuận năm sau cưới hỏi bằng lễ ra mắt trang trọng. Chúng tôi làm hôn thú vào ngày 9.9.1999. Năm chữ Cửu tượng trưng cho sự bền lâu, song cửu cùng tắc biến gở. Tôi dẫn hắn gặp mẹ. Mẹ đang thuê nhà sống với chồng hờ của mình trong khu lao động nghèo nhiều tệ nạn xã hội. Đó là gã đàn ông to cao, mặt mày sần sùi bậm trợn như dân dao búa. Mẹ đang tàn lụi. Môi mắt mẹ xâm dạo trước bây giờ xanh lè. Chất silicon của thẩm mỹ viện trong sống mũi, gò má và cả những ngón tay đang hành hạ mẹ từng giờ. Phương cố dấu vẻ ngỡ ngàng. Hắn không đồng ý cách cư xử của tôi. Hắn cho tôi là kẻ bất hiếu, nhẫn tâm để mẹ khó khăn đến như vậy. Bằng cách phê phán anh trai tôi, Phương gián tiếp can thiệp vào nỗi đau của tôi chẳng chút tế nhị. Phương bảo việc học Thiền phái Mật Tông của anh tôi cùng hàng chồng sách vở Nho Giáo anh em tôi mua trưng trong tủ nơi phòng khách là thứ trang sức của phường giả nhân giả nghĩa dốt nát. Phương nào hiểu ánh mắt van lơn, cầu cạnh thiểu não của mẹ chỉ đánh lừa được hắn. Có nhiều nẻo đường đi đến chữ Hiếu, hơn bao giờ hết, lúc này anh em tôi phải cách xa mẹ, mong ngày kia mẹ thức tỉnh. Rồi mẹ sẽ xa rời mọi ô nhục xưa cũ, trở về bên hai đứa con mình từng rứt ruột đẻ ra.
Tôi nghi ngờ tất cả những gì thuộc về Phương. Ngay ngày sinh của hắn tôi cũng khó tin. Lúc còn sơ giao tôi bảo hắn ghi ngày cho tôi xem tử vi. Tôi thật sự ngạc nhiên và ít nhiều vui mừng vì cung Mệnh của hắn và cung Phu của tôi giống nhau đến 99%. Tí nữa thì tôi đã cho rằng hắn dàn dựng ngày sinh tháng đẻ của mình để… bịp tôi. Điều duy nhất làm tôi yên lòng là Phương rất coi thường tiền bạc. Chữ tiền nhạy cảm tàn phá lòng tự trọng của hắn kinh khủng. Hắn chưa bao giờ dính dáng vào chuyện vật chất riêng tư của tôi. Hắn còn thẳng thừng tuyên bố "Cái gì của em là của em, của anh là của chúng ta". Phương không chấp nhận mái ấm tương lai có sự đóng góp ít nhiều từ tài sản tôi được thừa kế. Hắn dẫn chứng, nếu hắn ỷ lại, anh chị hắn mua biệt thự để hắn vi vu lâu rồi. Hắn cười tinh quái: đời lạ ghê, kẻ cho bị từ chối thường bực dọc hơn hẳn người cầu cạnh gặp từ khước. Không hẳn tấm lòng anh chị cùng cha khác mẹ của hắn bao la. Hắn khoái thưởng thức các con số cứ lớn dần sau mỗi lần họ lo lắng giùm hắn không thành. Hắn gọi đấy là cám dỗ. Tôi ngờ không phải vậy. Hắn thích hành hạ những người thơm thảo thì đúng hơn. Chắc qua sinh hoạt Phương đủ hiểu tôi không thiếu thốn. Phương nhìn anh trai tôi khinh khỉnh. Anh chẳng bao giờ để tâm đến sự hiện diện của hắn bên tôi ngoài câu nhận xét "Thằng này trông quê quê!". Phương ví các thứ xa xỉ anh em tôi dùng là kết quả của gia đình ly tán hơn là niềm tự hào. Tôi xót xa vô hạn vì từng kể Phương nghe nỗi tủi hổ của anh em tôi khi nghe thiên hạ đàm tếu về mẹ mình. Quả là Phương không hề áy náy khi so sánh nỗi tủi hổ ấy và niềm vui thực dụng kia. Gần nhau là chúng tôi cãi cọ, nặng nhẹ đủ điều. Sự việc dồn dập đến với tôi như cơn bão. Làm sao tôi có thể cư xử hoàn toàn minh mẫn trong mọi tình huống.
Khi biết mình mang thai tôi tưởng đã đến ngày tận thế. Lúc thì Phương đồng ý hoãn sinh con, khi thì hắn lưỡng lự. Hắn ước được phép lạ để tạm biến ra khỏi đời tôi. Hắn chẳng dấu diếm ý định xem tôi tự giải quyết thế nào những vấn đề phức tạp mà tôi chưa trải nghiệm, nếu chẳng kể các bài báo thuần lý thuyết tôi từng đọc qua.
Phương bỏ tôi cô đơn. Tôi đau đớn tìm đến bác sĩ. Có quá nhiều chông gai, trắc trở và hệ lụy để tôi kịp nghĩ giọt máu của hắn trong người tôi là mống sinh linh bé nhỏ, là phần đời nông nổi của tôi. Hoặc giả tôi chẳng hề yêu hắn chút nào. Chúng tôi đồng tình xin ly dị khi hai chữ ký trong hôn thú chưa kịp ráo mực. Tôi chẳng thể cầm lòng điều chi nữa, tôi kể hắn nghe không sót thứ gì về quá khứ. Sự cảm thông giả vờ của hắn âm vang chuỗi mộng vỡ và ngấm ngầm coi thường. Trong mắt Phương tôi không còn là nàng tiểu thư đài các, tâm hồn sâu lắng, biết hát theo tiếng đàn dương cầm của hắn, biết chơi đàn tranh. Phương từng bảo tôi rất hợp với hắn, kẻ lãng tử truân chuyên, nhưng không hiểu sao hắn luôn cảm thấy bất an khi suy nghĩ như vậy.
Tôi bỗng quay quắt nhớ Thanh và tháng ngày yên ả, vô lo bên anh. Tôi gọi điện cho Thanh vì đó là điểm tựa để dằn nén nỗi đau mất Phương hay tôi chỉ yêu được mỗi Thanh mà thôi? Tôi là con búp bê không tình yêu ư? Phần lớn loài người vào đời bằng tình yêu cao cả, lớn lao của thân sinh, gia tộc. Tôi đâu được như vậy. Tôi không thể tự chọn cha mẹ, chọn nơi chào đời. Bây giờ tôi lại không thể chọn người mình yêu, sống vì người yêu mình. Tôi ích kỷ quá chăng? Làm gì có cái "Tình yêu nào cũng tha thiết như nhau" hả chị Xuân Quỳnh!
"Con gà trống thiến" an ủi, động viên tôi rồi toan vượt rào pháp luật để xin hủy giấy đăng ký kết hôn. Thanh nghĩ nếu lý lịch cá nhân tôi chưa dính đời chồng nào thì mai đây tôi đỡ phiền toái. Tôi lờ mờ thấy trong nghĩa cử của Thanh không còn nét đẹp xưa cũ, không tỏa ra thiện chí bè bạn mà ẩn chứa lòng căm hận tột độ. Thì cứ cho là tôi đã phản bội Thanh. Tôi đáng nhận lãnh sự trả thù nhỏ mọn dường này sao? Tôi không tin… tôi không thể tin tình cảm Thanh từng dành cho tôi chỉ là sự chiếm hữu của kẻ bệnh hoạn. Tôi không phải là nô thuộc của những âm mưu nhẫn nhục ướp mật. Tôi là người phụ nữ bình thường, rất cần yêu thương và chiều chuộng như chỗ dựa vững chắc để sống, để tồn tại.
Tôi có thể sống tiếp không dù chỉ sống bên lề mọi thời cuộc, cay đắng nếm lại những kỷ niệm quái ác với cả hai người đàn ông lúc nào cũng cố chứng minh yêu tôi hết mực.
Tôi đang viết, viết và viết, không chọn lọc ngôn từ. Đến chỗ này thì tôi sợ mọi thứ mình đã viết ra. Đây là quyển nhật ký cũ duy nhất tôi chưa xé bỏ vì trang đầu mới được vài chữ thì nó bị lạc trong tủ sách lộn xộn. "Hôm nay mình tung tăng đến trường nhận lớp. Chẳng ngờ mình sớm trở thành cô giáo. Học trò toàn người lớn. Không biết có ai thấy mình rất run không. Ánh mắt nào cứ trực chiếu vào mình, càng run hơn. Mình không dám nhìn lại. Lạy chúa! Ánh mắt ấy của ai? Tê nhói nhưng sảng khoái như thuốc kích thích". Sáng nay tôi gặp Phương. Gương mặt hắn ta bình thản và vô cảm làm tôi càng bực bội. Ngoại lệ là tôi sẽ không xé tan những trang viết này. Tôi gởi cho hắn như lời nguyền. Phương nợ tôi quá nhiều. Toàn cái hắn không thể hoàn trả. Hơn hết, hắn nợ tôi người chồng tốt mà tôi hằng mong gặp.
Tôi là cây cỏ dại lớn lên bằng sinh khí của đất trời nhưng không thể an lành trong tình người. Tại sao cỏ dại nở hoa? Những bông hoa bé li ti ngập tràn thảo nguyên tương lai mờ mịt. Lúc này tôi chẳng thể nhận ra từng bông hoa màu gì, hương gì. Tôi muốn hái tất cả, muốn ôm tất cả chúng trong vòng tay mình rồi lấy hết sức bình sinh tung lên bầu trời u ám. Biết đâu tôi sẽ lược gạn được chân giá trị của thời gian, của sự vĩnh cửu và hữu hạn, của chính mình…".
Phương giữ đúng lời hứa với Tuyết. Anh chỉ đọc những dòng nhật ký của Tuyết hơn nửa năm sau, trên chiếc ghế đá nhìn xuống bức tượng "Vũ điệu Hoàng Hạc" tại Đà Lạt.