6 - Tỵ ...

Chuyến cuối tàu lấy gỗ ở đảo Solomon tới bờ tây nước Nhật. Theo lịch trình nó sẽ kết thúc hợp đồng thuê định hạn tại Fukuoka và chạy không tải về Hải Phòng để lên đà Phà Rừng đại tu. Mô hình hợp tác xã bị giải thể, tiền lãi đợt buôn cuối tại Luzon được chia đều. Thuyền trưởng không cấm tích trữ đồ cũ, có sức thì tự lo.
Bọn Tiến, Phan Sinh và vài sĩ quan máy đã tiếp nhận khoảng 20 chiếc xe con trong đường dây buôn lậu cỡ lớn của Trung Quốc. Mọn tài hơn, nửa số thuyền viên âm thầm cáy hàng lẻ trong buồng ngủ, hầm vật tư. Trò này được thực hành thuần thục như một trong những nghiệp vụ cơ bản của ngành đường biển. Vách ngăn cách nhiệt và cách âm bị khoan, cưa, đục từ bao giờ, tạo thành kho đụn tuyệt không thấy dấu vết. Các bồn nhiên liệu hai đáy được rút cạn, hàng hóa lèn chặt phía dưới. Keo dán sắt sẽ phong kỹ cửa bí mật, bơm thêm ít dầu ngụy trang là hoàn toàn an tâm.
Nói cho cùng mánh khóe lưu truyền rộng rãi thì nhiều người biết. Cái quan trọng là hình như công vụ cửa khẩu chỉ thích bắt loại cá lớn ngu ngốc, được vỗ béo bằng cách làm ngơ dăm ba chuyến trước đó. Ai chẳng say máu với tiền. Lãi cứ gộp vào vốn, mẻ lưới kéo lên thì bán nhà chưa chắc tránh được tù tội, thân tàn ma dại. Tinh ý chút xíu sẽ thấy trò giấu diếm chui nhủi quá ngây thơ và công cuộc chống buôn lậu không đến nỗi trần ai. Dù mắt thường rất khó phát hiện đồ quốc cấm trên tàu, nhưng sơ hở lớn nhất và hiển nhiên là quá trình đánh hàng lên bờ. Máy thu hình, tủ lạnh, đầu vidéo… không phải cây kim, sợi chỉ để lận lưng giữa thanh thiên bạch nhật. Rõ ràng luật chơi đã được giao kèo sòng phẳng. Lũ ngoại đạo hoặc kẻ kém may mắn mới phải trả giá.
Tàu ngon trớn băng qua eo Đài Loan. Việc ăn gian hải trình như cũ, rất êm thấm. Phương là người đầu tiên phát hiện vùng áp thấp nhiệt đới đang hình thành dữ dội ngoài khơi vịnh Subic. Anh đem bản sao truyền thời tiết của trạm Hương Cảng cho thuyền trưởng xem.
- Bây giờ tăng tốc vượt qua thì chúng nó nổi loạn mất. Nghe bảo lô hàng ô tô trị giá hơn 100 ngàn Mỹ kim – Thuyền trưởng do dự.
- Em sẽ thường xuyên theo dõi và báo anh diễn biến áp thấp.
- Mày có nhìn thấy rìa khí này không. Đến 90% là sẽ có bão. Tao đọc thứ này mấy chục năm rồi.
Sập tối thì áp thấp được đặt tên là cơn bão Sophie. Thuyền trưởng nhóm họp toàn bộ thuyền viên. Phan Sinh cao giọng:
- Vùng này tôi thuộc như lòng bàn tay. Bão Thái bình dương mới đáng ngại. Bão hình thành trong biển Đông thường yếu và chóng tan.
- Anh đâu biết đọc bản đồ khí tượng bằng tiếng Anh. Mấy lời hóng hớt không thể là kiến thức - Thuyền trưởng cực kỳ khó xử - Thôi không bàn cãi nữa. Các anh có ba tiếng sang mạn ô tô ngoài khơi Yaxian như dự tính. Sau đó tăng hết tốc độ cặp vùng duyên hải phía tây đảo Hải Nam tránh gió. Mong bão không đuổi theo ta.
- Móm chuyến này là vợ con chúng tôi húp cháo. Anh làm sao thì làm - Phan Sinh đe dọa. Tiến hùa theo.
Sáng, viền đồi núi của Hải Nam hiện lên rất rõ trên màn hình radar. Trời oi và hiếm gió. Công ty gởi điện cho thuyền trưởng: "Cẩn thận bão Sophie. Có thể giảm tốc độ để tránh ở khu vực vịnh Quảng Đông. Giữ thông tin thường xuyên!". Tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 300 hải lý, hướng đông bắc. Tàu đã qua vịnh Quảng Đông hơi xa, đất liền lại nghĩ nó đang thong dong gần eo Đài Loan!
Một giờ chiều tâm bão di chuyển theo hướng tây, có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tàu. Toàn bộ sĩ quan lái và máy họp đột xuất.
- Tôi chính thức thông báo lệnh chống bão khẩn cấp. Không còn thời gian dừng ở Yaxian. Tôi đang chẳng biết nói với nhà là tàu đang ở đâu. Khéo lòi mặt chuột thì nhục.
- Anh nên coi trọng ý kiến mọi người - Tiến phản đối - Ta vừa hoàn thành suất sắc hợp đồng kếch xù của công ty. Sẽ không ai nỡ hạch sách việc cải thiện đời sống của chúng tôi.
- Tôi muốn cho tàu tiến nhanh vào nam vịnh Bắc Bộ. Đó là giải pháp an toàn nhất.
- Chúng tôi không đồng tình - Mấy giọng nói hòa làm một - Chẳng tránh nơi gần mà bang đến bờ xa. Hết sức phi lý - Phan Sinh nối theo - Anh nên xem xét kỹ, chúng ta còn gặp nhau nhiều. Chớ cạn tàu ráo máng.
- Vâng ạ. Nếu tôi có diễm phúc đón anh, anh không mạnh miệng được như thế này nữa đâu thưa chính ủy. Từ tháng trước toàn công ty chấm dứt biên chế này rồi. Nếu thích xin mời lên đây làm phụ bếp hoặc quét dọn.
- Chúng tôi cần chứng lý rõ ràng trong quyết định của anh - Tiến gân cổ - Nên tìm eo biển trú tạm.
- Hai bốn giờ qua tâm bão di chuyển theo đường chữ chi, rất khó đoán. Tôi linh cảm nó sẽ cắt đuôi hành trình dự kiến của ta. Tăng tốc là tối ưu. Hệ thống chằng buộc nắp hầm hàng, tời và neo xuống cấp hết mức rồi. Không thể đứng tại chỗ chịu trận chờ bão quét qua, cho dù ở trong eo biển kín.
Bất ngờ tàu đảo mạnh. Buồng lái điện báo có sóng lừng rất to, từng cơn dồn dập. Chân trời gợn lên nguy cơ xuất hiện sóng thần. Mọi người xanh mặt. Không ai thốt nên lời.
Tâm bão còn xa nhưng sự mở rộng tầm ảnh hưởng mãnh liệt khiến tàu lắc dữ dội. Gió mạnh dần. Đuôi cá phong kế đảo chiều liên tục. Thuyền trưởng ra lệnh bơm nước biển vào các két nước ngọt trống rỗng cho tàu bớt chòng chành.
Đêm ấy không ai ngủ. Sóng nhồi liên miên. Gió bứt hết mấy cột ăng ten èo uột chẳng thương tiếc. Tàu mất liên lạc với trạm khí tượng Hương Cảng từ hai mốt giờ. Máy sao truyền dùng tín hiệu vệ tinh trục trặc. Phương được giao phó việc ghi chép biến thiên khí áp và theo dõi chặt chẽ hướng sóng hướng gió. Tất cả sĩ quan boong tập trung lên buồng lái, gò lưng tính toán khoảng cách và đường đi của tâm bão theo phương pháp cổ xưa. Không thể dự đoán vị trí cũng như tốc độ chính xác của tàu. Sóng đập mạnh, hệ thống lái tự động quá tải phải chuyển sang lái tay.
Tám giờ sáng hôm sau trời mưa lớn. Màn ảnh radar nhiễu mờ đặc nhưng cũng cho biết tàu cần đổi hướng để nép mình vào bờ tây đảo Hải Nam theo kế hoạch. Thực ra hồi đêm bão đã đổ bộ vào giữa Hải Nam. Nó chỉ hơi yếu đi khi băng qua đảo. Đến bờ tây nó ào ra biển và tăng cường độ. Khi phó Hai phát hiện tàu đang ngược sóng, gió táp mạn trái, hoảng loạn lập tức xảy ra. Rõ ràng cơn bão vừa quặt xuống, đe dọa hút con tàu vào lòng nó. Thoát ra khỏi bão lúc này là hoàn toàn vô vọng. Không thể điều khiển hướng tàu theo ý người. Kim chỉ nam của la bàn điện và la bàn từ quay như chong chóng.
Thuyền trưởng phát loa: "Diễn biến bão vô cùng phức tạp. Tất cả thuyền viên đọc kỹ kế hoạch dự phòng bỏ tàu theo bảng chỉ dẫn dán sẵn khắp nơi. Tôi thành thật xin lỗi và hoàn toàn nhận trách nhiệm về việc này. Tôi đã đưa con tàu sắp tiến vào tâm bão. Nếu tàu đủ sức thoát ra từ bán vòng trái của bão chúng ta sẽ an toàn. Nếu không bắt buộc phải hy vọng ca nô cứu sinh sẽ dạt vào mỏm Jinmu Jiao. Xin tất cả bình tĩnh. Hãy coi sinh mạng mình quan trọng hơn tài sản, tiền bạc…".
Thuyền trưởng bỏ ống nói. Hình như ông cố gắng lắm mới đứng vững. Phương tựa vào vách ngăn buồng lái lần ra cầu thang dẫn xuống phòng ở. Cửa các buồng đều mở toang. Người ta hí hoáy lục lọi, tìm kiếm tư trang và gói gém trong mấy lần túi ni lông. Có lẽ Phan Sinh đã chuẩn bị xong. Hắn đang lum khum trong kho thiết bị nguy cấp. Thấy bóng Phương hắn gào lên: "Phương! mày chung ca nô với tao đấy. Tìm hộ tao mấy quả pháo khói. Tiếng Anh tiếng em loạn cả mắt" - "Cứ màu da cam mà chọn" - Phương trả lời mà chẳng dừng bước.
Phương thay chiếc quần bò dày và chắc nhất. Phao cứu sinh cá nhân anh khoác hờ trên người. Phương nhét kỹ hơn hai ngàn Mỹ kim dành dụm được suốt chuyến đi trong túi kín. Cố giữ thăng bằng giữa bục cửa Phương tiếc rẻ nhìn căn phòng đã gắn bó với anh hơn một năm. Mỗi bức tranh thiếu nữ mặc Kimono dâng trà mua tại Kanematsu là còn bám vào vách, vì keo dán khá tốt. Máy đánh chữ, tây ban cầm, dàn máy nghe nhạc bị quăng quật nằm rải rác dưới sàn. Chiếc giường cá nhân lật tung tấm dát ván ép. Khăn trải giường, gối và mền màu trắng xổ tung. Tủ chìm dưới giường lộ ra phích nước bật nắp. Nồi cơm điện Phương hay dùng nấu mì ăn liền chỏng gọng. Mấy chồng sách, ảnh đổi chỗ hết sức lộn xộn. Đồ lưu niệm Phương mua khắp nơi dập vỡ gần hết. Anh cúi xuống nhặt con sao biển bắt được ở vịnh Bintulu nam Thái bình dương và miếng bùa Tanaka tặng. Anh bới lục hồi lâu mới tìm được chiếc kiềng bằng đồng đen của Somporn ném lên boong tàu dạo trước. Anh đeo kiềng vào cổ. Phương biết mạng mình còn khó bảo toàn nên không níu kéo thêm bất cứ vật dụng nào nữa.
Sóng quá lớn, nhà bếp không thể nấu cơm. Mì gói khô và nước lạnh là thực phẩm hai bữa rồi. Trong nguy nan chẳng ai đói, chẳng ai dám say sóng. Phần lớn thuyền viên gói nhỏ, bị to, mặc áo phao kềnh càng tập trung hết ở câu lạc bộ sĩ quan. Tiến trưởng nhóm một, dự định xuống ca nô cứu sinh bên trái. Phan Sinh giành vị trí trên ca nô bên phải có trang bị máy thủy. Tóc tai họ bù xù, mặt mũi hốc hác nhưng luôn miệng nguyền rủa Thuyền trưởng và cơn bão chết tiệt.
Sóng gió càng lúc càng mạnh. Gần boong mũi, hai nắp hầm hàng đã bật ra, bạt phủ tơi tả. Cần cẩu số bốn tuột dây chằng, va qua quật lại, phát ra tiếng ình ình thống thiết. Thuyền trưởng quyết tâm cho tàu vượt thoát từ rìa tây nam của bão. Từng đợt sóng phủ qua thân tàu trắng xóa, nước hắt lên tận buồng lái cao mười sáu mét. Mỗi lần như vậy hầm mũi chứa thêm ít nước làm tàu từ từ chổng lái. Con tàu dường như đang chịu đựng thử thách lớn nhất trước khi bứt khỏi vòng xoáy. Tiếng sắt thép vặn vẹo đinh tai. Ầm ầm ầm… sóng đánh tung gần hết nắp hầm hàng… ầm ầm ầm… rắc… rắc… bánh lái gãy… Tàu chơi vơi trên đỉnh sóng. Chân vịt trồi lên mặt nước. Máy cái quá tải gầm rú. Chắc chắn mảnh vỡ của bánh lái bị cuốn vào chân vịt… một tiếng rắc khủng khiếp… buồng máy dừng máy chính. Trục chân vịt đã gãy!
Và rồi sóng gió bỗng dịu hẳn. Thuyền trưởng suy nghĩ lung lắm. Cuối cùng ông buồn bã thốt lên "Hỏng bét cả! Đây là mắt bão! Tàu không đủ sức vượt ra bán vòng trái nên bị cuốn vào trung tâm cơn thịnh nộ của đất trời". Điện báo viên nhận lệnh phát tín hiệu S.O.S. Thuyền trưởng mời tất cả thủy thủ lên câu lạc bộ.
- Đã vào đường cùng. Hãy để hai máy đèn chạy theo chế độ tự động. Chúng ta bàn tính bỏ tàu sao cho an toàn nhất.
- Anh nghĩ mình còn đủ tư cách chỉ huy chúng tôi hả? - Phan Sinh hét lên - Đồ ăn hại.
- Anh em hãy chờ tâm bão đi qua. Nếu thả xuồng xuống bán cầu phải cơn bão, nhiều khả năng sóng gió sẽ giúp xuồng có lực ly tâm vừa đủ để dạt vào bìa vịnh Hạ Long - Thuyền trưởng cố tình bỏ qua câu chửi của Phan Sinh và nhiều lời xì xào khó nghe khác - Tôi quyết định ở lại tàu để xám hối và cầu nguyện cho anh em bình an.
- Cải lương lắm - Tiến bĩu môi - Tôi xuống ca nô của tôi. Ai thích nghe gã gàn này thì cứ ở đây.
Đoàn người lập cập kéo ra hành lang câu lạc bộ. Lối này thông với hai boong ca nô cứu sinh. Thuyền trưởng bước lên cầu thang về buồng lái. Ở bậc cuối ông quay lại, giọng run run bất lực:
- Xin các anh nghe tôi lần chót. Dự đoán của tôi không thể sai.
- Ông hãy ở đây và chết với những dự đoán của ông đi - Phan Sinh lên tiếng rồi thúc Phương vào chỗ hạ thuyền.
Phương đưa mắt nhìn qua thuyền trưởng. Khuôn mặt ông không biểu lộ bất cứ điều gì. Anh lặng lẽ trèo lên boong cứu sinh. Dồn hết sức bình sinh Phương nện búa vào cái chốt an toàn rỉ sét. Mười sáu con người co ro, ướt át bấu víu lấy nhau và bấu víu lấy niềm hy vọng tồn tại lọt thỏm trong lòng thuyền trông thật thảm hại. Phương bỗng thấy họ nhỏ bé vô cùng dù vóc dáng họ vốn to lớn, lại càng lớn hơn bởi áo phao căng phồng và xốc xếch. Biên độ lắc của tàu dần dần bằng không. Thuyền cứu sinh chầm chậm trôi xuống mặt biển trong tiếng rên xiết thảm thiết của hai trống dây cáp mục nát. Vài thủy thủ gào lên át cả tiếng gió hú: "Phương! Sao mày còn đứng đó. Xuống ngay!!!". Mặc kệ! Phương bám chặt tay vào lan can và khe khẽ lắc đầu. Anh cởi áo phao ném cho Hải. Cậu phục vụ nhẫn nhục đã dành chiếc áo của mình để bọc đống hành lý lộn xộn. Phương quay gót về buồng lái. Sau lưng anh chiếc thuyền bé nhỏ từ từ tách khỏi tàu mẹ, thui thủi dấn thân vào cuộc sinh tử lành ít dữ nhiều.
Thuyền trưởng không ngạc nhiên khi Phương bước vào.
- Bình tâm đi. Sóng gió đã giảm nhiều, mắt bão đấy. Khoảng một hai tiếng nữa tàu mới có thể chìm. Mà kìa, áo phao mày đâu rồi?
- Em cho Hải "con". Vẫn còn hai áo phao dành cho hoa tiêu ở trên này mà, phao tròn cũng không thiếu.
- Hai chiếc ca nô mất hút nhanh ghê. Bóng tối thật đáng sợ. Chắc buồng máy đã đầy nước. Chẳng hiểu máy đèn còn hoạt động bao lâu nữa. Tao tin mày biết tao sai lầm khi dẫn tàu vào mắt bão. Kiến thức tao tệ quá. Đêm qua tao sơ ý quên đổi dấu phương vị trong công thức tính khoảng cách từ tàu đến tâm bão. Đấy là góc bẹt nên sai số không đảo ngược kết quả. Khi mày thắc mắc, tao đã coi thường và bỏ ngoài tai.
- Luận văn tốt nghiệp của em đi sâu vào phương pháp tránh bão không dùng thông tin vô tuyến. Em thiếu can đảm để tranh luận với anh nên chúng ta mới gặp nông nỗi này.
- Mày an ủi tao hả? Không cần đâu.
- Anh thực sự muốn được thủy táng cùng con tàu ư?
- Con tàu cuộc đời tao đắm chìm từ thuở nào rồi ấy. Tao ra đi như thế này là hơi muộn nhưng mỹ mãn. Tao thanh thản hơn là sợ hãi.
- Còn sự sống là còn tất cả. Anh bi quan vừa thôi.
- Mày ở lại với tao vì lãng mạn hay mày muốn lắng nghe những lời chân thành nhất của một kiếp người? Mày có thể tin mày sẽ sống sót nếu nhảy xuống biển trước khi tàu trượt qua mắt bão. Tao thì không. Tao đâu trẻ trung và sung sức như mày. Ngõ nào cũng dẫn về địa ngục. Hà cớ không đón cái chết như ân huệ?
- Em rất mong có bạn đường để cậy nhờ và làm chỗ dựa. Gắng sống vì người khác anh sẽ thấy cái chết rất xuẩn ngốc.
- Chú mày bắt đầu can đảm lên rồi đấy. Khá lắm! Hãy tiếp tục rủa xả tao đi. Chửi bới là thứ ngôn ngữ ít giả dối.
Phương nhìn thẳng vào đôi mắt trống rỗng của thuyền trưởng. Ông cười buồn rồi tắt hết đèn chiếu sáng trong buồng lái. Trời quánh đen như mực. Gió lặng. Máy đèn rì rì êm ái. Trong không gian tử thần rờn rờn tiếng nấc của biển cả vọng đến, đục không ra đục, trong cũng chẳng thành trong. Kim phút của chiếc thời kế chuẩn buông những nhịp khô khốc đều đặn.
- Ngày xưa tao lãng mạn hơn mày nhiều. Tao học trung cấp Hàng hải khóa I tại Hải Phòng. Tao đàn giỏi, hát hay. Cánh Hải Âu luôn thấp thoáng giữa lời ca, điệu nhạc. Lần đầu tao ghé vào Yokohama, Hải Âu đậu kín cần cẩu, tháp đèn. Boong tàu trắng xoá phân chim. Đi ngoài trời phải cảnh giác với "bom rơi đạn lạc" không thì một chai dầu gội đầu cũng chưa sạch. Tao điên tiết bẫy vài con. Trời ạ! Thịt nó tanh hệt cá ươn, dễ sợ hơn nhiều cảm giác tởm lợm lúc chà rửa sàn tàu khi rời cảng. Trên đường về, mọi người tưởng tao say sóng dù tàu lắc ngang chưa tới 10 độ. Tao nôn thốc nôn tháo mật xanh, mật vàng cả tuần.
- Biển còn vạn điều hay…
- Sau này buôn bán lên hương tao lại nôn lần nữa. Bữa bù khú diễn ra tại nhà hàng Cánh Buồm sang trọng nhất Sài Gòn thời bấy giờ. Toàn rượu ngoại X.O, chúng tao tu bằng chai. Tàn tiệc, tao vào phòng máy lạnh với nàng ca sĩ nghe đâu là cựu hoa khôi nổi tiếng. Tóc nàng đẫm mùi nước hoa Pháp thứ thiệt, do chính tay tao chọn bên đại lộ Champs Elysées khi quá cảnh Paris sang Anh mua tàu mới. Nàng vừa thoát y thả mình xuống giường là tao nôn, không kìm được. Đặc sản thơm ngon, rượu Tây đắt đỏ, không hiểu dạ dày nhào nặn thế nào mà khi nó túa ra đầy bụng cô nàng thì hôi thối khó tả.
- Anh mắc hội chứng tinh thần liên quan đến đạo đức?
"Chúng tao là một thế hệ chết giẫm. Thời cũ đã xa. Mấy năm nay bà con mình bắt đầu đủ tiền sắm đồ mới. Những thứ khuân bên Nhật về chỉ có giá hơn rác Việt Nam chút đỉnh. Lương tao chẳng còn ai hỏi. Mụ vợ ky cóp từ dạo trước, nhảy ra buôn bất động sản và phát tài từng ngày. Mụ xây khách sạn nhỏ sáu tầng, 30 phòng hiện đại. Gia đình tao rút cả lên tầng 6 với cây kiểng, non bộ và toàn cảnh những mái nhà dột nát, chắp vá của xóm lao động nghèo bên dưới. Tao ghét máy lạnh nên chọn căn phòng rộng nhất, thoáng đãng nhất.
Khách trọ đủ thành phần, đa số thuê theo giờ. Trai gái yêu nhau kiếm chỗ tâm sự kín đáo. Trung niên xế bóng rửng mỡ, quần ngắn áo thun, tay xách vợt thể thao quí phái. Người ngoại tỉnh lên thành làm ăn kè theo bóng hồng cho đỡ nhớ nhà. Đáng phỉ nhổ là các cặp so le. Xếp đầu bạc bụng mỡ ôm eo thư ký bước xuống ô tô. Mụ già đáng tuổi mẹ thằng trai tơ, quàng vai nhau anh em ngọt lịm. Công tử lãnh lương cha chú, chẳng dắt theo gái làm tiền thì chăm bẵm nàng nữ sinh non choẹt lóng ngóng trước cảnh lạ.
Chết tiệt! Cửa sổ của tao ăn ra giếng trời do kiến trúc sư thiết kế nhằm tạo đối lưu không khí. Cửa thông hơi nhà vệ sinh của tất cả phòng bên dưới đều mở vào hướng này. Tao thành thính giả bất đắc dĩ. Tiếng xả nước rửa ráy, tiếng cãi vã so đo tiền bạc, tiếng rên rỉ, tiếng cười đùa dâm dục… vẳng lên, hất vào ban công hẫng trên cùng và dội đến tao. Nhố nhăng nhất là mấy đứa tập tành đeo điện thoại di động bị gia đình, con cái réo theo hạch sách. Các vị thường chui vô toa lét, hổn hển như sắp hết hơi:
- À lố anh hả? Em đang bận tí việc bên đối tác quan trọng của công ty. Anh tạt qua trường đón con về trước hộ em. Hai tiếng nữa em mới xong. Ngoan nghen cưng, em sẽ thưởng…
- Má ơi là má, con mười bảy tuổi rồi. Suốt ngày má tra hỏi như tìm trẻ lạc vậy. Con ở nhà bạn ôn bài thi học kỳ. Chút con về liền mà…
- Em gọi anh hoài tốn tiền lắm em ơi. Hai ngày nữa anh về. Xếp quay quá chừng thời gian đâu mà đú đởn. Anh nhớ nhà, nhớ mẹ con em nhiều lắm…
- Cưng của mẹ đó hả? Trời đất! Vừa hôm qua cho một vé nay lại đòi. Mẹ mày sắp phá sản rồi. Cứ bia bọt đĩ bợm lắm vào, bệnh xã hội gặm mục xương thì hết đời đó con. Vay tạm ba mày đi… Cha con mày cùng duộc dại gái, có khổ tôi chưa…
- Ê thằng quỉ ở đâu vậy… hi hi hi… Tao đang úm em Hoa tóc nâu… Hết ý! Xì… Si đa mười năm sau mới tàn đời. Bằng mấy cuộc vui hả chiến hữu…
- Chúng mày chỉ biết tiền, tiền và tiền. Học hành gì mà tốn tợn thế, hơn cả anh mày tậu bằng đại học. Ba mày đang tối mắt tối mũi với công việc đây nè. Thôi khi khác nói chuyện nhé…
Đôi co và chửi nhau bằng tiếng mẹ đẻ chưa sướng, nhiều đứa còn lôi tiếng Anh ra khè thiên hạ. Chó chết! Tao không rành ngôn từ nhưng tao hiểu ngữ điệu hằn học xỉ vả và những câu đệm Đan Mạch đầy rẫy trên phim hành động Mỹ. Thật khốn khổ! Tao là con người tạm tin vào chủ nghĩa tự do tình dục. Tin có lẽ vì tao cũng chẳng cưỡng được ham muốn xác thịt. Song thứ tao bị bắt buộc chứng kiến không thể gọi là tự do cá nhân được. Nó là sự băng hoại, là sự khủng hoảng đạo đức. Nhàm chán và ngụy biện quá đúng không?
Thanh âm đó xoắn lấy tao, tra tấn suốt ngày đêm. Với con cái ruột thịt tao là người thừa. Chúng toàn à ơi bám váy mẹ vòi vĩnh, nịnh nọt nả của. Gia đình nào chẳng mọc ung nhọt, kể cũng thừa. Tao lại say mày ạ. Say đất ấy, lúc nào cũng bồng bềnh, ngày ba bữa cao lương mỹ vị nhưng vẫn nôn. Tao nhớ biển và cứ mong ra biển. Bây giờ biển sắp đón tao, chuyến trở về vĩnh viễn".
- Em sẽ bên anh đến khi tàu chìm.
- Tàu đang chúi mũi nặng. Có lẽ mối hàn vết thủng vách hầm số hai đã rách. Họ sợ người Nhật làm kỹ, giá cao nên khuyên tao bỏ qua. Đành dặm vá sơ sơ và đợi về Việt Nam sửa luôn thể. Sinh mệnh gần ba mươi thuyền viên rẻ hơn miếng tôn mới. Lúc nào cũng vẽ lời nguyện: "Công ty nghèo lắm... hãy thông cảm, cố gắng vượt khó...". Nếu bỏ thêm vài ngàn Mỹ kim mua thiết bị báo nguy hiện đại thì hai chiếc ca nô cứu sinh có cơ may nhiều hơn. Mọi đầu tư luôn chẳng đặng thì đừng, chỉ khi quy định của tổ chức hàng hải quốc tế bắt nó phải có.
Thuyền trưởng và Phương bất ngờ mất thăng bằng. Đợt sóng mới xô mạnh vào tàu. Loạng choạng, mỗi người tuột về một phía tìm tay vịn. Họ im lặng và căng mắt định hướng trong màn đêm. Những lưng sóng ùa tới ngày càng dày hơn. Con tàu sắp sửa trôi sang rìa phía đông của cơn bão.
- Giờ chết điểm rồi chú em à. Mặc áo phao vào đi.
- Còn đúng hai chiếc mà anh?
- Trong văn chương và các câu chuyện truyền miệng bất tận của người đi biển luôn có một vị thuyền trưởng dám chết cùng con tàu lâm nạn. Mày phải tôn trọng sự lãng mạn của tao chứ.
- Em không tin.
- Hãy nuôi lòng tin mà sống dù tao chết không phải để cứu tàu. Con tàu này đắt lắm, nếu bán sắt vụn cũng cả triệu Mỹ kim. Bảo hiểm sẽ đền tất. Vợ con tao chắc chẳng thèm mè nheo kiếm tiền tử tuất. Tao muốn mang danh hiệu "con người dũng cảm" khi chết. Đó là đặc ân tuyệt vọng, đừng bài bác nữa. Sao mày không chuẩn bị hành trang đi?
- Giờ đây tiền cũng bằng giấy lộn thôi. Khi còn học trong trường em nghe tàu Hải Âu chìm rất gần bờ. Thê thảm! Nửa thủy thủ đoàn bị sóng đánh ngất xỉu và dạt vào vạn chài hẻo lánh. Kẻ trần truồng mới được cứu. Số người lận lưng ngoại tệ mạnh bị tước hết và rồi đẩy trở ra biển. Không hiểu có thật không?
- Tao không rõ nhưng hành xử như chú mày là biết. Thôi, rời tàu nhanh lên. Nếu mày chưa ra khỏi vùng nước này khi tàu bị gãy đôi, dòng xoáy sẽ hút mày theo tao đó. Đi đi Phương! - Ba tiếng cuối cùng thuyền trưởng nói rất nặng nhọc. Giọng ông hơi lạc và chùng xuống khác thường.
Phương hiểu ngôn ngữ âm thanh bây giờ là thừa. Anh lấy áo mặc và cẩn thận kiểm tra tất cả các bộ phận an toàn như hai miếng xốp nổi, chiếc còi phát tín hiệu. Chẳng hiểu sao Phương không hề sợ hãi. Trong giờ phút hiểm nguy, anh tin mình sẽ vượt qua mọi khó khăn.
Thuyền trưởng đặt tay lên vai Phương. Thay lời vĩnh biệt, hai người đàn ông cô đơn giữa cơn thịnh nộ của thiên nhiên nhìn nhau hồi lâu. Cổ họng Phương nghèn nghẹn. Anh bước qua ngăn tủ đựng cờ hiệu và lễ phục hàng hải. Phương dùng hai tay kính cẩn lấy ra bộ quần áo sĩ quan đưa cho thuyền trưởng. Ông nhận chiếc nón lưỡi trai còn gạt các thứ khác ra. Bỗng nhiên thuyền trưởng chảy nước mắt:
- Tao sẽ chết như một con người chân chính, như sự tự cứu chuộc lẻ loi và rất mực dại khờ. Tao hạnh phúc vì đã vay trả với cuộc đời quá sòng phẳng nên chả cần trăn trối.
Phương không dám nghe thêm lời nào nữa. Anh vội vàng bỏ chạy xuống boong chính. Sóng cao vợi. Gió đe dọa thổi bạt tất cả trong tiếng gầm thét xé tai. Phương thận trọng bám chặt hàng lan can và lần bước đến đuôi tàu. Nhảy bên mạn trái gió thì sóng không thể dập anh vào thân tàu, hơn nữa sức gió sẽ đẩy anh ra xa. Trước khi buông tay Phương cố ngước lên buồng lái nhưng không thấy bóng dáng thuyền trưởng. Anh hơi choáng khi tiếp nước. Phương lềnh bềnh như cục bấc nhẹ bẫng và dạt nhanh khỏi con tàu. Dù rất khó khăn, thỉnh thoảng Phương vẫn ngoái nhìn vầng sáng thoi thóp sau lưng. Chỗ này biển sâu hơn ngàn mét. Bảo hiểm sẽ không dại gì trục vớt đống sắt mục ruỗng. Thế kỷ sau, biết đâu nơi đây chẳng biến thành địa điểm du lịch mang đến cho du khách bao hiếu kỳ.
Lẫn trong sóng gió ầm ào Phương nghe tiếng u…ụ…c… rất lớn. Anh quay ngoắt về phía sau. Hầm số hai và buồng máy đầy nước tạo thành ứng suất khủng khiếp giữa thân tàu. Đỉnh sóng khổng lồ bất ngờ nâng con tàu hấp hối lên cao, trước khi bẻ nó làm đôi. Đèn phụt tắt rồi lại bừng sáng nơi buồng lái. Có lẽ hệ thống điện sự cố đã làm việc. Khối thép nặng mấy ngàn tấn từ từ chìm xuống. Vầng hào quang của sự sống tắt ngúm.
Mới hôm qua con tàu còn là một xã hội thu nhỏ, đầy rẫy phức tạp. Biển không dễ dàng nuốt chửng mọi thứ, nếu cộng đồng hai mươi chín con người gắn kết với nhau bằng lòng nhân ái và sự tương thân. Những cá nhân đơn độc đang đứng trước thử thách quá sức bởi từng vị kỷ và chia rẽ. Cái chết tự nguyện của thuyền trưởng cũng chẳng khá hơn. Nó chỉ gợi lên niềm xúc động lâm ly yếu đuối.
Phương bắt đầu ù tai, hoa mắt. Muôn vàn tay sóng nối tiếp nhau quật xuống đầu anh. Nước biển rút dần hơi ấm. Chiếc lưỡi lạnh băng của tử thần liếm tới đâu, sống lưng Phương mọc gai ốc đến đó. Chân tay anh rã rời và không thể liên lạc với não bộ, mọi hoạt động rất gần với phản xạ của thần kinh thực vật. Hàm răng bắt đầu đánh nhịp. Buồng phổi liên tục bị sặc nước làm xuất hiện hàng loạt cơn ho cơn đau buốt tận óc. Phương nhắm nghiền mắt và hít thở thật sâu, giữa các đợt sóng cuồn cuộn. Nước xiết vào nước, gió rít lên man rợ. Phương bỗng rùng mình tuyệt vọng. Anh thấy cái chết gần quá.
Mỗi lần bị quăng quật, bị hút xuống chân sóng Phương đều nghĩ đó là giây cuối cùng của đời mình. Anh toan gào lên để thoát khỏi bất lực nhưng nước mặn luôn lấp đầy miệng. Tiếng "Mẹ ơi!" tắc nghẹn, nhoi nhói loang giữa đỉnh đầu. Mãi sau này khi hồi tưởng cơn hãi hùng Phương vẫn còn ngạc nhiên. Lời gọi mẹ duy nhất trong nguy khốn của anh không trọn vẹn. Phương thơ bé chỉ biết "Bà ơi!", Phương thiếu niên thì suốt ngày "Dì ơi!". Anh lớn lên như chúng bạn mà đâu hay ngôn ngữ mình vẫn dùng thiếu hẳn hai từ rất đỗi thiêng liêng nhưng vô cùng dung dị. Để vùi lấp khoảng trống ác nghiệt, anh bắt đầu tin từng bước đi của mình đều được âm linh mẹ hiền dõi theo, bảo bọc.
Nhựa sống trong Phương khô kiệt rất nhanh. Anh hết cảm nhận được những gì đang diễn ra xung quanh. Dần dà ý chí phó mặc mọi thứ, đầu óc lên cơn mê sảng. Phương tuột vào đoạn ống xoáy trôn ốc đen ngòm, chật chội với tốc độ chóng mặt. Có những vệt sáng lóe lên bỏng mắt, thân thể anh đau như dần. Cuối quỹ đạo, Phương bị bắn mạnh ra. Đón anh là thế giới bồng bềnh, chới với mây xanh. Phương không thấy sức nặng của cơ thể và tư tưởng. Anh trôi vật vờ, vô định bên cạnh viền hoàng đạo vàng rực. Mười hai cung thiên văn từ Bạch dương, Kim ngưu đến Bảo bình, Song ngư lấp lánh lót đường. Vô số xe song mã thiếu ngựa, nhiều màu sắc như cổ tích vun vút phóng ngang tựa ánh sáng, không tiếng động. Thấp thoáng sau các khung cửa sổ là hàng triệu khuôn mặt vô hồn câm lặng, vừa quen vừa lạ. Phương réo ầm tên của những người đã qua đời mà anh biết. Tiếng dội dữ tợn, âm oang và méo mó như khuôn mặt quỉ sứ. Anh chìm dần… chìm dần rồi mất hút trong vũng bùn đen ngòm, mằn mặn chẳng hiểu từ đâu chảy tới.
Không rõ Phương ngất bao lâu. Anh lơ mơ tỉnh dậy trong ánh mặt trời xế ngọ nhức nhối. Da thịt Phương ngậm nước nở ra giống hệt bệnh phù thủng cấp tính. Áo phao chật căng. Chiếc quần bò tuột mất tự bao giờ. Phương đang trôi giữa dòng chảy hiền hòa lều bều rác rưởi. Chắc chắn anh ở rất gần vùng đất có dân cư nào đó. Cơn bão đã đi qua.
Thấy rồi! Phương bừng lên hy vọng sinh tồn. Cuối chân trời lờ mờ nóc cabin tàu biển. Phương vùng dậy, hai tay khua loạn xạ. Anh định bơi thật nhanh. Nỗ lực quá mức chỉ khiến Phương xoay tròn trên mặt nước. Mỗi khi con tàu trượt khỏi tầm mắt, Phương lại lên cơn mất trí. Anh cố sức gào thét nhưng nào có nên lời. Cổ họng Phương viêm nặng, đờm đặc quánh, hơi thở khò khè. Chợt nhớ chiếc còi trong áo phao, Phương lần tìm rồi đưa lên đôi môi khô khát nứt nẻ thổi mạnh. Còi kêu như dế gáy. Mệt đứt hơi Phương mới ngừng. Anh hoảng loạn thực sự khi kiến thức đi biển thầm nhắc con tàu kia ngày càng rời xa anh. Không có cơ may để thủy thủ trên tàu nhận ra Phương khác cọng rác màu da cam.
Trấn tĩnh, Phương tự an ủi bằng hy vọng khác. Anh cố nuốt ít nước biển trong vốc tay cho đỡ khát nhưng không vào. Tuy nhiên cũng dễ chịu hơn khi xoa nước lên mặt, da dẻ bớt căng cứng. Trời về chiều. Hoàng hôn rợn tóc gáy trờ tới cùng niềm vui tột độ. Phương thấy mặt trời không lặn xuống biển mà hình như đang khuất dần sau dãy núi thấp. Tâm can anh thảng thốt: "Đất liền… trời ơi đất liền… vậy là ta sẽ sống!". Dòng chảy mang Phương xuôi về mặt trời, điều đó mới tuyệt làm sao. Rút kinh nghiệm lần trước, Phương để hai tay trong nước rồi kết hợp với chân khe khẽ bơi. Anh mong rút ngắn khoảng cách với bờ càng nhanh càng tốt. Nếu đây không phải dòng hải lưu theo mùa thì chắc chắn sáng mai nước đổi hướng. Phương sẽ không còn cơ hội nào nữa.
Trăng khuyết, trời trong. Sao sáng đến nỗi sông ngân nổi rõ mồn một. Khó khăn lắm Phương mới xác định được vài vì sao quen thuộc, kể cả bắc đẩu. Anh hoàn toàn tin tưởng mình không thể mất phương vị giữa đêm tối. Gần nửa ngày hoạt động cơ thể Phương đã ấm lên, cổ họng bớt đau hẳn. Anh nuốt nước bọt và thử phát âm. Giọng nói hãy còn khản đặc nhưng mang nhiều sinh khí. Sau khi đắn đo, Phương quyết định cất tiếng hát để tăng thêm sức mạnh. Chuyện hoang đường thường nhắc đến những giai điệu lạ lùng, hết sức mạnh mẽ, hay vẩn vơ dọc bờ biển trăng thanh, gió mát. Bây giờ Phương mới rõ, đó là ý chí trường tồn của biết bao sinh linh chẳng may tử nạn giữa biển khơi.
Phương không cầu nguyện bằng bài ca. Hơi thở của tạo hóa là tiếng hát. Đứng giữa sự sống và cái chết Phương hát để phục sinh chính mình. Hơn bao giờ hết Phương cảm giác biển gần gũi vô cùng. Biển nâng anh trong vòng tay âu yếm. Qua cơn thịnh nộ, biển lại hiền từ như tình mẹ. Choáng ngợp với suy tư lạc quan, Phương không hay anh đang hát tới hát lui bài thơ "Thời hoa đỏ" của Thanh Tùng. Thi sĩ bụi đời đất cảng từng chép tặng Phương dị bản này giữa cơn chuyếnh choáng rượu nhạt:
Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng
Chỉ có tiếng ve sôi, chẳng cho trưa hè yên tĩnh
Chẳng cho lòng ta yên
Anh mải mê về một màu mây xa
Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ
Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa
Em hát về một câu thơ cũ
Cái say mê một thời thiếu nữ
Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa một thời trai trẻ
Hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ
Hoa đặt vào lòng ta những vệt đỏ
Như vết xước của trái tim
Sau bài hát rồi em lặng im
Cái lặng im rực màu hoa đỏ
Anh biết mình vô nghĩa bên em
Sau bài hát rồi em như thể
Em của thời hoa đỏ ngày xưa
Sau bài hát rồi anh cũng thế
Anh của thời hoa đỏ ngày xưa
Năng lượng bình thường trong Phương đã cạn từ lâu. Từng thớ thịt dưới lớp da vô cảm đang chuyển hóa khát vọng sống bất tận thành sức khỏa nước, thành lời ca đưa anh về đất mẹ. Phương vẫn trừng trừng mở mắt đón ánh sao để định hướng, dù não bộ anh đang đến gần tình trạng vô tri. Anh lướt trên mặt nước như cỗ máy siêu việt, băng qua không gian, thời gian lồng lộng.
Phương lạc trong vùng sáng trắng chói chang. Có tiếng người: "Tỉnh rồi… tỉnh rồi…". Phương hoảng sợ nhắm nghiền mắt. Anh quyết tâm nằm yên để xác định âm thanh kia từ đâu tới. Giọng nói rất đỗi thân thuộc, nhẹ nhàng xua đi cảm giác nặng nề trong đầu Phương:
- Anh Phương. Lam Anh đây… Cố lên anh! - Hai thái dương căng như sợi dây đàn, Phương lấy hết sức bình sinh hé mắt lần nữa. Trong quầng sáng đã bớt gay gắt dần hiện lên khuôn mặt vừa quen vừa lạ.
Phương ngỡ mình đang phiêu diêu trong mộng. Thỉnh thoảng anh vẫn nhớ đến đôi mắt hết sức trong trẻo và hồn nhiên này.
- Anh có nhận ra em không? Lam Anh đây. Anh mê man ba ngày rồi.
Phương cố động đậy môi nhưng không được. Lam Anh khe khẽ đưa ngón tay trỏ ra hiệu Phương đừng gắng sức. Anh hiểu và chớp mắt trả lời, hai bờ mi vẫn nặng trĩu, cay xè. Phương trôi rất nhanh vào giấc ngủ ngon nhất sau thời gian bất tỉnh. Anh biết vậy vì đầu óc mình đã làm việc trở lại. Những giấc mơ hoàn trả nhiều khoảnh khắc khá đẹp của dĩ vãng.
Lam Anh là người bạn rất thân của Phương suốt mấy năm anh học tại Hải Phòng. Nàng theo ngành Y nhưng chơi Dương cầm rất giỏi. Mẹ Lam Anh thuộc lứa sinh viên đầu tiên của hệ đại học nhạc viện Hà Nội. Thỉnh thoảng Lam Anh vẫn thay mẹ dạy đàn trong cung Văn hóa thiếu nhi, cạnh lớp tiếng Anh vỡ lòng của Phương.
Bề ngoài Lam Anh rất bình thường, trừ đôi mắt biết cười hiền lành, thùy mị. Có dạo ai cũng nghĩ Lam Anh và Phương yêu nhau vì họ khá thân thiết. Lam Anh luôn thật lòng và hết lòng với Phương. Nàng làm mọi việc Phương mong đợi với thái độ thành tâm cẩn trọng. Lam Anh là người con gái duy nhất Phương dám chia sẻ suy tư sâu kín, đầy chủ ý, đôi khi ít nhiều lợi dụng. Nàng kiên nhẫn và tốt bụng lạ lùng. Bao nhiêu lần nàng sẵn sàng ngồi nghe Phương thao thao bất tuyệt trăn trở riêng tây. Thực ra Phương luôn đặt Lam Anh nằm ngoài mạch đời đang trôi. Ở bên nàng, Phương sẽ không nghĩ mình mắc bệnh thần kinh khi ngây thơ phơi bày hết những ý nghĩ lộn xộn, rối rắm. Lam Anh hiểu Phương bằng tấm chân tình và luôn giúp anh tỉnh táo xếp đặt trật tự mọi ngóc ngách tư tưởng.
Lam Anh đơn giản, dễ hiểu. Trí tuệ nàng khá sắc sảo và có biệt tài đặt tên cho vần đề phức tạp. Lam Anh thường bảo nàng cảm ơn các nét tầm thường trên khuôn mặt mình. Chính vì vậy nàng thừa cơ hội tự hào với giá trị tinh thần luôn cuốn hút bè bạn xung quanh. Phương hay cả nghĩ: Có lẽ Lam Anh yêu Phương. Cách xử sự vô tình của anh sẽ làm nàng tổn thương rồi sạn chai mãi mãi? Dù sao Phương cũng chỉ phỏng đoán. Tình yêu phải chứa đựng bất ngờ và bí mật nhẹ nhàng. Phương là kẻ không thể yêu một người hoàn toàn thông thuộc trái tim và khối óc anh.
Phương ra trường trước Lam Anh một năm. Họ chia tay nhau bằng chuyến du lịch Hạ Long hai ngày. Lam Anh đượm buồn, thỉnh thoảng tỏ ra bất cần và chán nản trong giọng nói. Bước rong ruổi khá tĩnh lặng hoặc toàn từ ngữ vu vơ. Cảm giác mang nợ Lam Anh theo Phương suốt năm tháng sau này. Họ quay về Hải Phòng trên lượt tàu khách chiều muộn. Mặt biển bóng lộn như phủ váng dầu, hắt lên tàn nắng quạnh quẽ. Lam Anh thì thầm:
- Anh biết sau ngọn núi xanh đen kia là gì không?
- Là biển.
- Những làng đảo giữa biển rất lạc hậu. Họ cần bác sĩ lắm đấy.
- Em không thực tế.
- Mười năm nữa anh là ai?
- Thuyền phó Nhất, hạng nhất rất lão luyện và đã chu du hết năm châu.
- Em ưu ái đặc cách anh làm Thuyền trưởng. Có dịp qua vùng vịnh Hạ Long anh hãy cho thủy thủ kéo vài hồi còi. Như lời chào cố tri vậy mà.
- Em khó nghe thấy.
- Em sẽ là nữ bác sĩ thật tốt bụng giữa một hòn đảo ngoài kia.
- Trời ạ! Vậy là hàng nửa năm trời anh mới nhận được một lá thư của em?
- Mỗi sinh nhật em chỉ mong nửa tấm thiếp chúc già từ anh. Anh chẳng cần tin tức về em đâu. Anh luôn nuôi rất nhiều điều bận tâm trước mắt.
Sự thật là vậy. Phương chảy tuột vào đời sống như chẳng có Lam Anh ngày nào. Hai lần tàu Dragon qua rìa vịnh Bắc bộ Phương đều quên khuấy người con gái gần đó. Còn nàng vẫn mong ngóng tiếng còi tàu của anh, từ trong những giấc mơ đất liền, ngày cũng như đêm.
Thì ra Phương ngất lịm và dạt vào đảo Quỳnh Hoa. Anh được dân vạn chài vác ngay về trạm xá của Lam Anh. Đảo nhỏ, phương tiện y tế cực kỳ nghèo nàn nhưng nhờ có sức khỏe tốt và sự chăm sóc tận tình, Phương hồi phục rất nhanh. Sau ba ngày mê man, anh tỉnh hẳn. Mất thêm một tuần lễ, sinh hoạt bình thường đã tái lập hoàn toàn. Trong khi chờ quá giang chuyến tàu cá sắp tới vào đất liền Phương dọn đến ở tạm nhà Lam Anh.
Dân chúng quí Lam Anh vô hạn. Nàng là bác sĩ duy nhất và đầu tiên của làng chài hơn ba trăm nóc nhà. Tiện nghi Lam Anh sử dụng đa phần do mọi người tự nguyện quyên góp mua sắm. Nhà Lam Anh rộng vừa phải, hai phòng ngủ và một phòng khách thoáng đãng.
- Anh đừng ngại. Cái tâm của bà con trong sáng lắm. Họ không đời nào dị nghị chuyện anh và em đâu. Họ hiểu em hơn anh nhiều.
- Em đem cả đàn dương cầm ra đây à?
- Đó là điều kiện duy nhất của em khi lên đường đến đảo.
- Anh sẽ duyệt hết tủ sách trong mấy ngày tới. Buổi tối thì chỉ nghe em đàn.
- Mong anh không sớm chán. Đọc sách ngoài rừng Dương thú vị lắm. Ra vào anh không cần khóa cửa, các then cài chắc chắn để dùng khi gió mạnh trong ngày biển xấu. Đi hết khe nước hẹp cạnh nhà, anh sẽ gặp bãi cát vàng rất thích hợp để tắm nắng. Tuy vậy không nên vận động quá sức anh nhé.
- Khéo anh thành Từ Thức mất.
 - Anh nhớ đất liền lắm rồi hả?
- Để xem mọi người suy nghĩ và hành động ra sao với kẻ mất tích. Vội gì.
- À, tí thì em quên. Khi anh được khiêng vào trạm xá, trên người anh còn mấy thứ. Em gom hết và giặt giũ rồi phơi khô để anh giữ làm kỷ niệm.
- Em cẩn thận quá. Nhưng em có thấy chiếc kiềng bằng đồng đen anh đeo trên cổ không?
- Chắc chắn đấy là kỷ vật của một cô gái - Lam Anh cười tinh nghịch - Sự lo lắng của anh ngây thơ lắm.
Hiện thực hoang đường nhất, phóng khoáng nhất bắt đầu như vậy. Phương sống trong bình yên, vô lo và thanh thản dăm hôm. Nhiều khi mệt nhoài với khói bụi, tiếng ồn và sự chật hẹp nơi đô hội anh thường tự hỏi, phải chăng những ngày bên Lam Anh chỉ là phút mặc thiền hư ảo.
Sáng nào Phương cũng dậy thật sớm. Anh đi bộ chậm rãi xuống bãi biển như tập thể dục. Xóa hết mọi ý tưởng và giữ cho đầu óc trống trơn, Phương xoãi dài trên bờ cát thoai thoải chờ ngắm vầng thái dương thoát xác khỏi chân trời. Khi nắng đã gột sạch âm khí, anh vẫn chưa chịu mở mắt. Phương bí mật lắng nghe tế bào da thịt ấm dần lên. Cảm giác an toàn ngập tràn cơ thể xung mãn, tinh thần minh mẫn và thanh sạch. Đến lúc nhãn cầu rực đỏ chói chang vì nắng soi qua hàng ngàn mạch máu li ti nơi mí mắt, Phương mới tiếc rẻ ra về. Bảy giờ sáng, Lam Anh đã đi làm. Khẩu phần điểm tâm đơn giản và lọc cà phê đang nhỏ giọt được dọn sẵn trên bàn. Không bao giờ Lam Anh quên ghi vài lời nhắn nhủ, dặn dò Phương trên quyển lịch nhỏ cạnh đấy.
Phương thường thẩn thơ du ngoạn khắp đảo tới trưa. Mỗi bữa anh theo một hướng. Xã đảo Quỳnh Hoa lạc lõng ngoài mép vịnh Hạ Long, cách Hải Phòng khoảng 120km đường chim bay. Không thể gọi đây là làng chài nghèo nàn tụt hậu. Tỉ lệ gia đình có truyền hình, máy hát chắc chắn cao hơn Sài Gòn. Hơn nửa số hộ gắn máy phát điện riêng và tậu chảo bắt tín hiệu vệ tinh. Đời sống dân chúng rất dễ chịu. Nghe bảo dạo người đất liền nườm nượp căng buồm nâu tìm đến những trại tập trung ở Hương Cảng, dân đảo hái ra tiền. Vùng biển này quen thuộc với tất cả ngư phủ Quỳnh Hoa từ trong bản năng. Họ bèn giả đi đánh cá và đón lõng thuyền nhân lạc đường lấy phí chỉ trỏ hoặc hoa tiêu trọn gói chuyến hải trình. Thu nhập cao khiến họ hay cười thầm vào giấc mơ tha phương cầu thực của đồng bào. Chương trình tái định cư và hòa nhập của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn giúp toàn đảo trở lại nghề đánh cá muôn đời. Sẵn vốn tích lũy, họ sắm tàu mới, máy mạnh, ngư cụ hiện đại nên sự thịnh vượng vẫn hiện diện. Tư thương xây dựng hai trạm thu mua cá tươi. Họ sơ chế và chở về Hải Phòng tiêu thụ. Ngoài ra ngư dân có thể trực tiếp bán hải sản cho nhiều tàu buôn Trung Quốc luôn lảng vảng ngoài khơi.
Đảo quá nhỏ, người ta bách bộ là chính. Con đường giao thông dài nhất cỡ 1km, rộng hơn hai mét, nối xưởng sản xuất nước đá với trạm điện 500KVA. Mạng điện sinh hoạt và thắp sáng công cộng liền mạch từ 18 giờ đến 21 giờ mỗi ngày. Như vậy là quá đủ, khí hậu hải dương không cần quạt máy. Những con người chất phác, ít toan tính thường ngủ sớm. Trụ sở chính quyền hết sức khiêm tốn, không có kiểu uy nghi đe dọa hoặc khoe khoang phổ biến. Quan chức dân cử hoặc được bổ nhiệm bởi thượng cấp chủ yếu lo đối ngoại với đất liền và các đơn vị hành chính lớn hơn. Khuôn mặt giáo dục của đảo là một trường phổ thông cơ sở với đội ngũ giáo viên tình nguyện đến công tác dài hạn như Lam Anh. Muốn học cao hơn phải vào huyện đảo gần đất liền.
Đảo không cần pháp luật nhiêu khê. Riềng mối xã hội tạo dựng trên cơ sở phong tục tập quán giản dị. Giao ước của dân chúng đa phần là câu chuyện quá khứ được truyền miệng qua nhiều thế hệ. Nó mang màu sắc Khổng giáo, tuy hơi thần bí và thường chứa đựng dạng thức "Chân lý thuộc về kẻ yếu. Ác bá thua thiện nhân". Hình phạt cho tội phạm là sự xa lánh và ruồng bỏ của cộng đồng. Chưa từng có bản án tử hình nào được thực thi. Cái chết thường là sự phán xét tự thân trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
Mấy ngày đầu Phương hay ghé bệnh xá của Lam Anh ăn trưa. Sự sống sót của anh là chuyện hiếm khi xảy ra. Người ta coi kẻ đắm tàu là phường tội lỗi ngập cổ. May mắn thoát nạn đồng nghĩa với việc xám hối thành khẩn và luôn nhận được tha thứ. Lòng nhân từ của cư dân còn dành cho nhiều xác người vô danh bị sóng đẩy vào đảo. Giữa nghĩa trang nhỏ cheo leo trên sườn đá phía bắc có gần chục mộ phần của kẻ xấu số. Nấm đất xưa nhất cách đây hơn trăm năm, nghe nói của một tử thi mắt xanh mũi lõ. Đã thành lệ, khi đến thăm thân nhân mọi người thường dành ít phút nghĩa cử nhổ cỏ dại và thắp đôi ba nén nhang cho vong hồn lưu lạc. Trẻ con trên đảo rất mến Phương sau vài hôm cảnh giác dò xét. Chúng là các tiểu đồng vô tư dẫn anh ngao du sơn thủy. Chúng đặt ra nhiều câu hỏi hồn nhiên và rôm rả hàng lô chuyện kể hoang đường về hòn đảo, trong ý nghĩa tuyệt đối rành mạch và sáng sủa. Mấy đứa mạnh dạn nhất hay xin phép người lớn ở nhà và tự sắp xếp, luân phiên mời bằng được Phương cùng dùng bữa trưa.
Buổi chiều Phương quanh quẩn xung quanh ngôi nhà Lam Anh. Anh mắc võng dưới gốc Thùy dương và nằm đọc truyện hoặc báo cũ. Tủ sách của Lam Anh rất đa dạng về thể loại và nguồn gốc. Mảng tiểu thuyết nàng sưu tập khá công phu. Không kể thứ truyện phong tình Sài Gòn nhàn nhạt, từ chương lê thê, bố cục và tình huống sến rện; Lam Anh chọn đủ tên tuổi làm nên diện mạo văn học Việt Nam thế kỷ hai mươi. Nhân vật, bối cảnh và không gian hoàn toàn Việt Nam nhưng đa số truyện đều hắt lên mùi lạ. Lối viết sao chép cũ người mới ta. Tư tưởng và tình cảm thiếu hẳn chiều sâu Á đông cũng như biểu tượng siêu hình kỳ bí của tổ tiên. Truyện dịch Tây dương chiếm già nửa tủ sách. Bao la những mảnh tình êm ái, nhẹ nhàng, hết sức nồng nàn và ít dấu ấn thời gian, thời cuộc. Dòng văn học Nga Xô đưa đến khái niệm mơi mới song nói cho cùng là thiếu nhân bản. Người Nga phủ nhận tiền đề vật chất trong hạnh phúc. Chúng không ám ảnh nhân vật hướng tới kết cục có hậu. Họ thay vật chất bằng ý thức hệ rồi cưỡng ép tình cảm con người trong xó tối chật hẹp của định kiến duy lý. Nét bút nhất thời không thể tô vẽ liền lạc bức tranh toàn cảnh. Tình yêu không phải là khoảnh khắc, không phải là áp đặt nông nổi. Dẫu chỉ là hoang tưởng ngọt ngào phi thực tế, tình yêu mãi mãi đẹp, mãi mãi bất diệt. Ẩn chứa trong bản năng sinh tồn cố hữu là ước vọng thăng hoa, vượt lên món quà nhục cảm hưởng trước cho trách nhiệm duy trì nòi giống. Trào lưu nghệ thuật "Hiện thực" có cái đuôi mê tín duy mỹ "phải có hậu" là sản phẩm tinh thần tương đối thấp. Mê tín như giấc mơ. Giấc mơ phần nhiều là sự phản kháng của cá nhân trước thực tại. Thực tại chẳng bao giờ hậu hĩnh, hoặc rất hạn chế nên nhân loại thèm khát sự có hậu bằng giấc mơ nghệ thuật. Nghệ thuật chân chính chính là đời sống. Khi không tự lừa dối mình, dù bằng những giấc mơ bạc nhược; con người mới tìm được lối thoát. Mọi giấc mơ đều hèn yếu và mang dáng dấp cuộc trốn chạy nhục nhã. Nghệ thuật nhiều phen được đặt tên là sự suy đồi. Món mắm cá sinh ra từ quá trình thối rữa. Loài giòi nhung nhúc ở đấy là minh chứng của hiện hữu, của sinh khí. Người ta nghi ngờ nền văn minh La Mã thoái hoá vì kim loại kẽm trong vật dụng ăn uống. Nhân văn hiện đại mang nguy cơ vong bản từ chất bảo quản thực phẩm luôn giữ cho đồ hộp văn chương vô trùng, vô khuẩn.
Lam Anh thường về nhà khoảng bốn giờ chiều. Nàng và Phương hay sóng đôi đi d?o hoặc tắm biển hoàng hôn. Họ trò chuyện đủ thứ nhưng nhiều lúc đối và đáp hoàn toàn không ăn nhập giữa sóng gió rất sôi nổi lấn át. Biết vậy, lắm khi họ dừng chân, kề tai kiểm chứng các câu nói rồi cười ngất. Phương thích lặn sâu xuống lòng biển, lắng nghe đại dương âm u. Giá trị nhất vẫn là lời than thở của sóng lừng xa lắc, hết sức mạnh bạo trong sự yếu đuối tột độ. Phải chăng đó là hồi âm của tội lỗi chúng sinh bao phủ trên hành tinh này, bao phủ lên lịch sử đầy biến động của nhân loại bằng bất lực và những chân lý còn mở ngõ.
Phương phát hiện rặng san hô cách bờ không xa. Lam Anh nằng nặc đòi anh bẻ về một nhánh. Sự dũng cảm được đền đáp bằng mẩu đá vôi xốp hồng tươi, không vẩn màu ô nhiễm của nước thải công nghiệp. Nọc độc san hô đã bắn ra khi Phương vô ý chiếm đoạt góc chung cư thanh bình và đầm ấm của chúng. Lam Anh xuýt xoa cả buổi tối với bàn tay phải bỏng rát, chi chít vết bầm li ti của Phương.
Mâm cơm cuối ngày trên đảo rất nhiều cá, ngon miệng và đầy đủ dinh dưỡng. Lam Anh luôn thao thao bất tuyệt câu chuyện thường nhật tại trạm xá. Giọng nàng hóm hỉnh và lí lắc. Ăn xong họ uống trà bên bộ sa lông gỗ sơ sài nhưng ấm cúng. Đó là lúc tái hiện nhiều kỷ niệm đẹp về thời sinh viên, về Hải Phòng. Họ còn quá trẻ mà hồi tưởng đã có bè bạn đồng trang lứa không còn nữa. Sự mất mát rất trầm lắng và day dứt. Giữa nỗi tiếc thương người vắn số, lửng lơ câu hỏi dành cho sự sống và cái chết. Cuộc đời trọn vẹn là từng ngày chẳng hề vô vị, là tháng năm có ích cho xã hội, là xứ mạng cao cả trong khoảng khắc hay chỉ mù mờ tương lai với bao điều tốt đẹp phải vươn tới.
Hai mươi mốt giờ, ánh sáng huỳnh quang thời hiện đại phụt tắt. Đang rằm âm lịch, trăng biển tỏa vàng mặt đất. Lam Anh đặt chân nến nhỏ trên chiếc Dương cầm và bắt đầu chơi đàn. Không có chọn lựa nhất định của đam mê, nàng rất hoàn chỉnh trong phức điệu cổ điển của Haydn và Bach, trầm uất Beethoven, rực rỡ Mozart, lãng đãng Schubert, Schumann và Traikovsky, sôi nổi nhiệt thành điệu Valse thành Vienne của dòng họ Strauss. Lam Anh ghét thơ trữ tình nên nàng chẳng ưa Chopin. Đêm muộn dần, nàng vẫn không thả hồn lặng dừng, yên ả với những khúc ru. Khắc khoải bất trị cứ ầm ào tung hứng giữa nhiều quãng nghịch tương đối chói tai của Debussy.
Biển chẳng bao giờ ngủ. Biển thức hoài nỗi đời không tên từ vạn kiếp. Thanh âm biển đêm nâng niu điệu nhảy khi sâu lắng, lúc ngập ngừng hoặc thậm chí hoàn toàn tự do ngẫu hứng và phóng túng của mười ngón tay cô bác sĩ nhỏ.
- Anh sẽ nhớ nơi này mãi chứ?
- Anh không tin mình là kẻ vong ân.
- Bạn bè mà anh.
- Hãy nhận nửa lời cảm ơn. Nửa kia anh sẽ hoài mang theo.
- Nếu không may anh cảm thấy bế tắc trước mọi con đường. Hãy bảo cái nửa ấy dẫn anh về với biển… Em đợi!
- Em tốt lắm. Em xứng đáng với cuộc sống thanh thản, bình an và cực kỳ ý nghĩa.
- Loài người nghèo nàn lắm anh à. Chúng ta có quá ít niềm vui và điều tốt đẹp. Nơi nào càng nhiều người thì càng lắm xấu xa.
- Đi trên biển rộng, nếu thấy rác là biết ngay xung quanh có đảo và có người.
- Tinh thần phố xá bốc mùi. Người ta tảng lờ và cứ sống mà chẳng thèm rõ mình đang chết dần chết mòn.
- Đó là lý do em rũ bỏ mọi thứ để ra đây? Thỉnh thoảng anh cũng nghĩ như em nhưng chưa dứt ra được.
- Anh nghiện ngập vị cay đắng của đời sống. Càng cô đơn anh càng muốn đối mặt với bi kịch. Thái độ này làm em khâm phục.
- Từ mười sáu tuổi, mỗi năm anh hay dành một ngày để nhìn thời gian đã qua. Đáng ngạc nhiên là khoảng cách giữa hai mốc cuối cùng luôn dài hơn tất cả năm tháng trước đó.
- Anh choáng ngợp trước điều mới mẻ hay đơn giản là sự khai phá dĩ vãng, trên con đường ký ức chưa từng hiện hữu?
- Đáng mừng, anh có đủ hai thứ. Không phải cuộc phân thân dễ dãi. Nhiều mặt là bản chất khó lường của mọi vấn đề.
- Nên xem sự tự chia rẽ là phương pháp nhìn nhận chủ thể đa góc độ. Nó giúp ta hướng đến chân trời thiện toàn. Thứ thiện toàn công thức và sáo rỗng.
- Ước gì anh được gặp em sau mỗi chặng giải lao của cuộc đua đầy kích động, truy tìm chính mình, tróc nã ngày tận thế.
- Tất thảy lời lẽ đều là son phấn.
Phương mãi mãi hàm ơn mảnh ốc đảo tươi xanh tự biết lãng quên chính mình. Về sau, ẩn sâu dưới bực dọc, ác cảm và miệt thị chốn phù hoa, Phương vẫn ngầm trách cứ tại sao anh không thể nhìn sự vật dưới con mắt nhân ái hơn. Mọi bề ngoài đều giấu kín thân phận sẵn sàng bỏ mình để cháy sáng, sưởi ấm và soi rọi ánh hào quang vào cánh rừng rậm rạp ướt át tối tăm mang tên kiếp người.
Quyết tâm phiêu lưu vừa hoàn đồng thôi thúc Phương vội vã tìm đường về đất liền. Đêm thanh vắng. Con đường ngoằn ngoèo từ nhà Lam Anh đến bãi neo thuyền rào rạo tiếng sỏi. Không có sương. Không gian lành lạnh. Gió biển sắp đổi hướng mằn mặn.
Phương trèo lên nóc thuyền và ngồi cạnh tài công. Lam Anh chơ vơ đứng trên mỏm đá vẫy tay chào. Màu áo choàng y tế trắng nhức nhối. Phương vừa mừng vừa tiếc khi nhớ đến lời hẹn của Lam Anh. Những hòn vọng phu bằng xương bằng thịt như thế này phả vào đá hồn người suốt chiều dài bờ biển Việt Nam. Hóa đá là hy sinh, là chịu trừng phạt thay cho cuộc đời quá nhiều tội lỗi vì kiêu hãnh, ngang tàng và không ngớt thèm muốn. Mấy ai được ân hưởng ánh đèn của Mặc Nương để định hướng trong đêm trường bão tố. Phương có Lam Anh, thế mà tấm lòng anh quá chật hẹp. Phương khó tìm được cơ hội thứ hai. Từ lâu con người không còn tin vào huyền thoại. Chuyện nhân nghĩa luôn bị xếp vào loại hư văn phù phiếm.
Phương dứt bỏ giấc mơ biển cả mong tái hòa nhập cùng đồng loại. Đó chắc chắn không phải miền lặng sóng. Những trào dao động liên tu bất tận sẽ đào thải hoặc nuôi dưỡng nhiều thứ, nhưng tuyệt đối không thể chạm vào một sợi tóc của Lam Anh. Nàng là vẻ đẹp cô độc, vĩnh viễn đứng ngoài thời cuộc và dâu bể.