4 - Mẹo...(tiếp theo)

Biển đông mùa hạ. Tàu khách Thống nhất băng băng xé đôi mặt nước phẳng lì như gương. Thành phố Hoa Phượng Đỏ đang chờ đoàn sinh viên chuyển giai đoạn. Sóng của lòng người là thứ sóng lừng khó chịu.
Sinh viên Hàng Hải chiếm hơn nửa số hành khách. Việc chống buôn lậu vừa hoàn tất. Ai cũng mang một tải gạo nhỏ phù hợp với giấy thông hành cứu đói trường cấp. Dăm chục người trốn vé là nguyên nhân cuộc bố ráp, lùng sục từ những góc nhà vệ sinh trở ra. Mười mấy kẻ chậm chân đều có vẻ bề ngoài giống nhau: mặt mũi xanh xao, gò má hốc hác, mắt hơi lộ vì thường học bài khuya dưới ánh sáng tồi tệ.
- Tống chúng vào chuồng xí tầng ba - Tay Đại phó biết chắc chẳng thể mõi tiền lũ áo rách - Về đến Hải Phòng điện nhắn cho hiệu trưởng ra nộp phạt.
Hàng trăm bè bạn của tội nhân phẫn nộ phản đối cách đối xử thô bạo.
- Bảo vệ đâu, đem súng lại đây. Chúng nó định nổi loạn - Đại phó gằn giọng.
Năm bảy thủy thủ xộc vào, AK báng xếp rôm rốp lên đạn. Đám sinh viên bớt ồn ào, nhỏ to thì thầm rồi lần lượt giải tán. Đêm ấy tên lính canh cửa ngủ gật bị trói giật khuỷu tay, bịt mắt bằng vải đen. Cánh cửa phòng giam hai lớp khóa đổ xuống. Các con tin đói bụng, khát nước được giải thoát.
May mắn lúc lộn xộn không có tiếng nổ của phát đạn chỉ thiên nào. Ba tháng sau công an Hải Phòng dại dột khai hỏa mở đường máu giải vây tên côn đồ vào trường bắt nạt sinh viên. Súng bị cướp. Cả hai được an trí trong phòng học bỏ trống sau khi nếm đòn dập người. Dân tình bị kích động kéo đến định san phẳng mọi thứ. Xung đột suốt đêm. Hàng trăm người bị thương. Đài BBC Anh quốc hớt lẻo: "Sinh viên trường đại học Hàng Hải biểu tình phản đối điều kiện học tập tồi tệ, đòi cải cách giáo dục".
Ngoa ngôn hết cỡ. Phương biết rõ đám quậy phá đều là lũ anh hùng rơm, con ông cháu cha. Chúng lợi dụng mâu thuẫn đơn giản, đi đầu bạo động nhằm giải tỏa năng lượng thừa và giảm căng thẳng quá mức trên giảng đường. Xong việc có đứa kiêu căng vỗ ngực: "Ông tao vừa gọi giám đốc công an Hải Phòng lên Hà Nội kiểm điểm!".
Chế độ thi lý lịch phù hợp với câu ca dao "Con vua thì lại làm vua". Khoa Điều khiển tàu biển Phương học có giá nhất và điểm xét tuyển rất cao. Mua bài giải kỳ công và phiền toái. Kẻ cơ hội rất hiểu mình, chúng không liều lĩnh đăng ký khoa này mà thi vào hơn chục ngành khác mềm hơn. Sau hai năm chúng mới ra sức chạy chọt chuyển khoa và nghiễm nhiên trở thành Thuyền trưởng tương lai. Kỳ đại hội dân chủ sinh viên nào đám lươn lẹo cũng bị xỉ vả. Chẳng làm sao xóa đi vẻ mặt dương dương tự đắc của chúng. Thầy hiệu trưởng dàn hòa: "Ngoại giao đấy! Xin các em thấu hiểu. Thầy không nghĩ đây là lệnh bề trên. Chúng ta cần chấp nhận bánh ít đi bánh quy lại mới sống được (?!)".
Lớp Phương có dăm cán bộ diện ưu tiên. Họ thừa chăm chỉ và kỷ luật, không hề vắng mặt tiết giảng nào. Giờ tự học họ chuyên chú sao chép bài vở vào những tờ giấy bé li ti được gọi là phao cho kỳ thi. Đám con ông cháu cha chơi bời là chính. Chúng thích quay cóp nhưng lười nhác. Gần kề ngày sát hạch chúng lén đánh cắp phao. Mấy anh sợ hết hồn, đành năn nỉ công khai "Các em thương tình. Không phải anh lười đâu. Già rồi, học không vào". Thương lượng đi đến thỏa hiệp: cán bộ cho mọi người mượn phao sao chụp thành nhiều bản. Khi thi nếu bị bắt cấm khai ai là tác giả phao.
Học phổ thông tốt, thi điểm cao sẽ được học chính qui. Dù còn nhiều bất cập nhưng tạm gọi là hệ có chất lượng tương đối, thời gian học 5 năm. Học dốt, thi trượt mà lắm tiền thì vào lớp ngắn hạn (hay bị nói trệch là ngu học) chỉ cần ba năm rưỡi. Hệ tại chức vừa học vừa chơi cũng ngần ấy thời gian. Bằng cấp đổ đồng: Kỹ sư này nọ, giá trị ngang nhau.
Người cán bộ học tại chức đặc biệt nhất mà Phương biết chính là Anh hùng Chút. Anh Chút từng hai lần được truy điệu sống trên con tàu biển chở vũ khí vào Nam thuở đất nước còn chia cắt. Giải ngũ, anh về quê tham gia chính quyền địa phương và trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh. Tính anh Chút thẳng như ruột ngựa, khí chất giống Nghĩa sĩ Cần giuộc của cụ đồ Chiểu. Không vừa ý điều gì, hoặc với ai anh đều nói thẳng. Cấp trên không dám nặng tay đành dỗ ngon dỗ ngọt, khuyên anh đăng ký học tại chức.
Tuổi cao, trí nhớ suy giảm, học kỳ đầu tiên anh Chút trượt nhiều môn. Danh tiếng của anh khiến thầy hiệu trưởng phải tiếp kiến và ra lệnh cho giáo viên kèm cặp anh đến chừng nào anh thi qua thì thôi. Từ đó anh thi đâu đậu đó. Chẳng thầy cô nào dại dột bỏ phí hai tháng hè riêng tư bên cạnh người anh hùng!
Sẽ phiến diện nếu không kể đến thầy cô giáo. Phương rất áy náy khi đề cặp đến vấn đề nhạy cảm này. Nhưng hơn hết sự giấu diếm không phải lối hành xử hợp luân.
Đời sống gia đình khó khăn, rất nhiều thầy cô bị quà cáp làm nghiêng ngả. Những năm đầu học trò thường cống nộp đường, sữa, bánh kẹo, bột ngọt thậm chí gạo nếp, gạo tẻ đem ra từ miền Nam. Sau đó sinh viên truyền nhau câu nói của thầy Khánh: "Vật chất cồng kềnh, dễ lọt tai mắt thiên hạ, đi bán lại phiền hà nhiêu khê. Chúng mày qui ra 'thóc' hết cho thầy". "Thóc" nghĩa là tiền bỏ phong bì. Không đủ điều kiện dự thi học kỳ, trước khi thi đi và thi lại "thóc" làm thầy cô dễ chịu, trò dễ đạt điểm trung bình. Giá cả ít phổ biến rộng nhưng không nắm giá là sơ xẩy ngay. Phải có học lực xuất sắc nổi bật mới dám từ chối đóng tiền chạy thi cho lớp phó học tập. Danh sách người đóng tiền sẽ được ghi chép chi tiết, cẩn trọng nộp cho thầy cô.
Riêng giáo viên ngoại ngữ miễn hẳn cho Phương khoản thuế. Họ còn nhờ vả vốn tiếng Anh kha khá so với bè bạn của Phương. Hải Phòng có cả chục trung tâm ngoại ngữ buổi tối do khoa tiếng Anh trường Hàng Hải thao túng. Tháng nào Phương cũng được dấm dúi số tiền gấp hai lần học bổng nhờ đi thi thuê. Chánh chủ khảo từ Hà Nội xuống nhẵn mặt Phương nhưng làm lơ. Họ chẳng thèm gạn hỏi khi tên và tuổi của thí sinh trong thẻ dự thi thay đổi xoành xoạch, nhưng người ngồi trước mặt họ trả lời vấn đáp không hề khác đi. Nhộn nhất là lúc xướng tên vào phòng ứng thí. Nhiều vị kỹ tính cứ kè kè bên Phương, sợ anh phản ứng không nhạy. Họ gọi Phương là thằng "tao". Phương chậm chân là họ quay ngang quay dọc vô tư hỏi bè bạn xung quanh "Giời ạ, thằng 'Tao' đâu rồi?". Giáo viên điểm danh khó khăn lắm mới nhịn được cười.
Khoảng cách giữa cô giáo và học trò tương đối xa, với thầy - nhất là thầy độc thân thì khác. Thầy rủ uống bia, sớm mà chạy tiền bia. Thầy nhắm ai có máu mặt giả vờ vay mượn, đố dám đòi. Thầy nhờ xe gắn máy đi chơi nhỡ va chạm, hỏng hóc cũng rán ngậm bồ hòn làm ngọt. Đôi khi các thầy buồn nhắn gọi trò sang dãy nhà tập thể giáo viên phong kín cửa đánh bạc thâu đêm.
Đạo đức giáo học không được bảo toàn nói gì đến kỹ năng giảng dạy. Sách vở, giáo trình tiếng Việt ít tiếng Nga nhiều, cũ mèm mốc meo vì sử dụng từ những năm sáu mươi. Bài giảng chủ yếu là kinh nghiệm thực tế, rời rạc, không hệ thống và phản khoa học. Chỉ vài cựu thuyền trưởng được đào tạo ở Liên Xô cũ khá hơn chút đỉnh, tuy không ít điều tiếng. Nghe bảo có lần điều khiển tàu cặp cảng thầy Ngọc sơ ý va nhẹ vào con tàu có vẽ cờ đỏ búa liềm. Thủy thủ nước ngoài xì xồ chửi, đại ý thuyền trưởng học trường nào mà tệ quá. Tức mình thầy Ngọc đôi co: "Tao từ lò Odessa, tốt nghiệp bằng đỏ đấy!". Tây trợn mắt, lắc đầu nguầy nguậy.
Bước xuống tàu Thống nhất tại cảng Chùa Vẽ, Phương cứ ngỡ rừng phượng vĩ sẽ đón mình. "Cây già cỗi chết sạch rồi!" - Người đạp xích lô phân trần. Nếu sống ở đâu ba năm, nơi ấy thành quê hương thì Hải Phòng là quê hương của Phương thời hoa đỏ. Lịch sử thành phố bắt đầu từ phòng tuyến bảo vệ bờ biển thời phong kiến. Dân cư đông đúc chưa lâu vì phần lớn họ là người du thủ du thực mới kéo đến lập nghiệp quãng đầu thế kỷ 20.
Phương không thể lý giải tình yêu anh dành cho Hải Phòng. Kỷ niệm anh còn lưu giữ không nói lên điều gì, người nghe sẽ ngạc nhiên hơn là đồng tình.
Lần đầu tiên ra phố chơi với Trần bạn sơ giao cùng lớp, dân bản xứ hai đời, Phương bối rối vô cùng. Trần chở Phương trên chiếc xe đạp đua thời thượng, ăn to nói lớn, chạy ẩu như chốn không người.
- Con gái Hải Phòng ăn đứt Sài Gòn chứ?
- Đây là xứ lạnh ít nắng. Nước da đẹp lắm - Phương trả lời.
- Tớ làm quen hai em đằng trước nhé - Không đợi Phương phân vân Trần phóng vèo lên, bẻ tay lái vào lề. Hai chiếc xe quẹt nhẹ, loạng choạng.
- Con bé chết tiệt này đi đứng kiểu gì thế - Trần vừa ăn cướp vừa la làng.
- Rõ khéo lũ du côn - Cô gái đanh đá vặc lại.
Phương ngỡ sẽ có cãi cọ nữa nhưng anh lầm. Trần cười xòa, xin lỗi và tiện thể đả đưa vài câu chòng nghẹo. Hai chiếc xe sóng đôi một khoảng. Họ quen nhau rồi đấy! Nếu Phương không đòi đổi hướng qua phía bưu điện chắc chuyện còn dài.
Gần ký túc xá có bảng hiệu đọc lên hơi kỳ: "Truyên xửa xe mi ly". Hoá ra anh Văn, thợ sửa xe kiêm chủ cửa hàng bán lẻ than đá cố tình gây chú ý bằng lỗi chính tả. Người anh lúc nào cũng đen nhẻm dầu mỡ và bùn than. Anh thương đứa con trai bảy tám tuổi nhiều, cưng chiều kèm cặp học hành kỹ nhưng đánh con cũng ác, bao lần cả xóm được mục kích đều xót hộ. Anh rất gia trưởng, nhiều lúc bất đồng còn thượng cẳng chân hạ cẳng tay với chi vợ chân chất quê mùa. Chịu hết thấu chị hay bỏ qua nhà mẹ ruột. Một hai tháng làm hòa, chị nhớ con trở về và bổn cũ diễn lại.
Anh Văn rất thông cảm đời sống sinh viên. Xe hư hỏng đơn giản anh thường chỉ ra và cho khách mượn đồ nghề tự sửa. Nếu anh làm thì giá cũng thấp hơn nơi khác.
Văn hay rủ Phương uống rượu suông. Có tí men anh bắt đầu đọc thơ. Anh là thành viên câu lạc bộ thơ ca cung Hữu nghị Việt - Tiệp. Thơ anh cục mịch, bình dị nhưng rất đời, lắng đọng và sâu sắc. Phương không chịu nổi thơ của các cụ về hưu thỉnh thoảng tụ tập đầy nhà Văn nghêu ngao inh ỏi. Sáu bảy mươi tuổi, gác kiếm xã hội họ mới tập tành hồi hộp, chờ mong, nhung nhớ người yêu trong thơ thì buồn cười hết chỗ nói.
Xéo nhà anh Văn có hiệu vẽ truyền thần vỉa hè của ngài văn sĩ tạm gọi là thứ thiệt. Ông chớ bao giờ giao tiếp với nhóm của Văn. Ông tự cho mình ở "chiếu trên". Phương hiếu kỳ đến hỏi chuyện.
- Tao là tao đứng đầu 500 nhân tài trong hội văn chương quốc doanh đàng hoàng - Cơ sự là tên bác vần A. Xếp theo trật tự chữ cái thì bác ngồi trên tất cả - Mày nhớ để ý ông lão hay ghé tao chơi, thi sĩ trường thọ nhất của Việt Nam đấy. Ông ta trưởng thành cùng Thế Lữ từ thủa Tiền chiến nhé.
Cạnh quán vẽ là hàng nước chè nước đắng, chỏng chơ vài chiếc ghế nhỏ. Cô bán hàng xuân xanh hai má hây hây có sức hút lạ kỳ. Nhà thơ lão thành trên cửu thập không phải hay ghé thăm bác thợ vẽ mà chỉ viện cớ ngắm bông hoa đời thập cửu. Cụ già râu tóc bạc phơ, quần áo sờn cũ nhưng đủ bộ complet, cà vạt. Phố cổ Cầu Đất xem cụ là nét đẹp ngang tầm với mình. Giọng nói và điệu bộ cụ thể hiện nơi quán cóc hơi nghộ nghĩnh.
- Vân cho mình xin chén chè nhé.
- Của cụ đây ạ.
- Vân này, tớ đang viết dở bản trường ca bi hùng nhất của dân tộc. Hôm nào in xong tớ sẽ tặng Vân một quyển.
Người như cụ cố này, khắp cõi Việt Nam còn lại không bao nhiêu. Họ có quá nhiều thứ để hậu thế kính trọng, không riêng tuổi tác. Tuy nhiên sự kiêu hãnh về cái gọi là Tây học, tân học của các cụ thì chẳng thể tung hô được. Ngôn ngữ thường nhật của các cụ luôn pha gia vị Pháp văn cực kỳ cay gắt. Lâu lâu các cụ lại xổ cho được một câu dẫn nổi tiếng nào đó hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Có lẽ các cụ cho rằng tiếng Lang Sa là chuẩn mực của văn minh, chứ không phải kết quả phản kháng tệ hại trước công cuộc cưỡng hiếp mang tên "khai hóa" của Tây dương. Ở trường hợp này Pháp văn, Anh văn hay Nga văn đâu phải là sinh ngữ dành cho giao tế hướng ngoại. Nó là sự phỉ báng tiếng mẹ đẻ!
Hải Phòng hẵng còn nguyên ngõ Cấm và làng hoa Hà Lũng rất đỗi quen thuộc với văn chương Việt Nam nửa thế kỷ nay. Phương đã ở trọ cả năm thời sinh viên trong một căn nhà tồi tàn nơi đây. Nó là cái chái đầu dãy nhà tập thể bất tiện, hẹp như hủ nút, xưa cũ rêu phong và loang lổ vết thương do vôi vữa kém phẩm chất tróc ra. Chỗ đất trống quanh nhà được chiếm dụng bằng bức tường liên hợp quốc. Nghĩa là nó hình thành trên cơ sở kết nối phi trật tự của mọi loại vật liệu, nhưng hoàn toàn bền vững với cánh cổng sắt kín mít cao ngất. Đất trong trong khuôn viên đầy cỏ. Cây táo dại ở góc sân xum xuê cành lá phủ trùm lên căn nhà bóng tối liêu trai, mờ mờ tỏ tỏ và lành lạnh suốt bốn mùa, kể cả những ngày nắng chói. Phương thường ngồi trên chiếc bàn mặt cót ép sơn hắc ín, nhìn ra gốc táo. Khung cửa sổ bé xíu chằng chịt song sắt, hai mảnh che mưa gió cũng là cót ép.
Hướng thẳng mắt, ngước đầu hơi cao sẽ thấy đọt cau già của mảnh vườn người hàng xóm ít tọc mạch. Người ta bảo với tuổi trẻ ngày qua mau nhưng năm tháng rất chậm. Phương không thấy vậy. Anh đã trải bao nhiêu thời gian trên cái bàn không đáng gọi là bàn ấy nhỉ? Thật khó xác định nhưng chắc chắn dài lắm. Sao không dài, khi Phương biết mười mươi những thứ anh đang tiếp thu trên giảng đường có thể trở thành kiến thức chỉ nhờ vào thời gian mà thôi, hiếm khi cần động não. Nếu giảng viên không xem chuyện điểm danh như điều kiện của mỗi kỳ thi, chắc Phương chẳng buồn lên lớp. Lâu lâu anh tạt qua thư viện mượn vội vài quyển sách về tự học là xong.
Chủ yếu Phương ngồi bên cửa sổ nặn óc viết lách. Nói viết lách cho sướng tai, thật ra là uốn con chữ theo các chuyên mục vô thưởng vô phạt phổ biến trên vài tờ báo địa phương hoặc ngành ngang ngành dọc, cố kiếm đồng nhuận bút còm. Phương không dám lưu giữ những bài báo được đăng. Bao năm tháng đã qua, mỗi lần nhớ về hàng cau thuở nào Phương luôn cảm thấy có lỗi. Căn nhà chở che anh trong mưa nắng và hai ba cơn bão. Hàng cau luôn là giai điệu mượt mà ru Phương vào giấc mơ trời xanh, tương lai và hạnh phúc. Có đêm chạy bài đặt hàng cật lực, Phương mất hết khái niệm thời gian. Chỉ khi hương cau ngào ngạt xô tỏa vào nhà anh mới hay trời sắp sáng. Phương hít thật sâu hương vị làng quê rồi mặc kệ báo với chí, anh bước ra mở cổng ngắm trời đất.
Ba bốn giờ, con đường nhỏ vắng hoe, gà chưa gáy. Thế mà lẫn khuất trong sương, trong khói các lò than tổ ong đang được nhen lên là bóng dáng thật phi thường và không thể nhầm lẫn của những người phụ nữ. Vành nón lá tả tơi che gần hết khuôn mặt, vài ba lần áo vải. Họ lầm lũi làm lụng, như tảo tần là thiên chức được ghi sẵn trong số phận. Phương để ý nhiều nhưng lúc nào cũng thất vọng. Trước năm giờ không thể tìm thấy mống đàn ông nào trong số ấy, trừ kẻ hoàn toàn vô dụng là anh. Người phụ nữ Việt Nam lam lũ quá, chấp nhận quá. Làm sao họ hiểu được ánh mắt cảm khái của Phương. Họ cũng không mơ mộng đến nỗi quên đi miếng bánh, nắm xôi cho con cái ở nhà mà tìm mua tờ báo có bài Phương viết. Chắc đó là lý do Phương chưa hề nghĩ đến cốt truyện cho riêng họ. Dầu gì anh vẫn nợ họ quá nhiều, từ những mẩu "muôn mặt đời thường" phét lác câu khách, giá hai mươi ngàn đồng một kỳ. Anh đâu đủ tư cách và tài năng cất lên tiếc hát sẻ chia nhọc nhằn với họ.
Trên đường phiêu bạt, lâu lâu Phương lại cảm thấy trống vắng và da diết nhớ những gánh hoa đi qua ngõ vào phố. Từng cánh ngát hương, nặng trĩu tiết văn đất trời và tinh túy bàn tay người chăm sóc. Chiếc đòn gánh oằn cong trên rẻo vai gầy guộc của người bà, người mẹ, người chị, người em quê nghèo. Hoa đẹp lắm, mỗi mùa mỗi kiểu. Xuân có Hoa tím, Vạn thọ, Thược dược… Hạ có Huệ tây, Huệ ta, Bông sen, Bông súng… Thu có Hoàng lan, Cúc vàng, Thạch thảo… Đông có Hồng nhung, Móng rồng… Còn bao nhiêu loài hoa nữa, Phương nào biết tên. Hoa bảo với anh rằng thời gian đang qua, mùa đang tới, Phương đang trưởng thành…
Từ Hải Phòng đáp xe đò về quê ngoại Phương cũng gần. Mười mấy năm xa cách, phần vì trí nhớ tốt, phần vì quê mẹ chậm đổi thay, Phương không khó khăn nhận diện hàng Găng xù xì gai góc trước khuôn viên cũ. Ngôi nhà cổ không còn. Thay vào đó là khối hộp bê tông mái bằng thô kệch. Người chủ mới hé mở khung nhôm kính dò xét khách lạ. Phương buồn bã quay gót. Anh rảo bước thật chậm như muốn xem từng viên sỏi rải dọc đường làng quen hay lạ.
Thị trấn rục rịch xây nhà, trổ cửa. Hàng quán mọc lên như cỏ dại sau cơn mưa dứt hạn. Lố nhố kẻ bán người mua. Vỉa hè bị choán gần hết. Không thể đoán biết căn hầm cá nhân mẹ Phương thọ nạn ở khu vực nào. Chỗ chiếc lô cốt xưa bây giờ nghệu nghễ tòa nhà chính quyền và đảng ủy thị trấn. Nước sơn màu mè kém thẩm mỹ, hình khối thô lậu nhưng tuyệt đối oai vệ. Đáng tiếc cho nền kiến trúc Á Đông tận dụng tối đa chất liệu gỗ. Lâu đài, thành quách huy hoàng rực rỡ từ thuở cố đô Lạc Dương Đông Chu không làm mồi cho lửa chiến chinh thì cũng đã mục nát giữa dòng thời gian. Hàm Dương và cung A Phòng của Tần Đại Đế có thua gì Athen hoặc Rome. Cũng may còn đó Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành, Cố Cung Huế như minh chứng bất diệt cho ánh hào quang vĩ đại của quá khứ.
Cuối thị đầu thôn là nghĩa trang gia tộc họ Nguyễn. Trẻ chăn trâu đang đùa nghịch. Chân ruộng lúa nước lấn mãi mảnh đất gò. Vạt thời gian sạt lở. Bia đá xiêu vẹo. Nét chữ nho mòn vẹt. Tiếng gà trưa eo óc âm vọng. Cụ ông, hai cụ bà, ông ngoại và bà ngoại Phương yên nghỉ nơi đây. Chắc hồn vía mẹ và cậu cũng hay về hai ngôi mộ gió đơn sơ. Phương cắm cho mỗi người thân một chân nhang, số còn lại anh găm hết ở bìa bãi, đầu ngọn gió.
Khói hương lan tỏa, ngậm ngùi.
Mấy năm sau Phương lặn lội tìm được những người bà con xa có thân nhân trong khu nghĩa trang. Họ cùng nhau góp sức, cải táng toàn bộ cố nhân tại căn nhà thờ vĩnh cửu trên sườn núi Thanh Tước, phía ngoài thị trấn.
Đầu giờ chiều Phương nhảy tàu lên Hà Nội. Xe lửa ầm ầm qua cầu Long Biên. Dòng Hồng hà hùng vĩ chảy ra từ vầng dương cuối chân mây. Mùa nước lớn đỏ quạnh phù sa. Phương bỗng hết thấy sợ sông Hồng như cái ngày bé thơ cha dẫn bộ sang cầu, lũ réo dưới chân. Hơn hai ngàn năm trước người Việt cổ xăm mình, lặn ngụp nơi đây, mưu sinh bên cạnh thuồng luồng, cá sấu. Hai con đê cứ dài ra mãi, cao lên mãi theo bước đi của dân tộc. Dòng sông lịch sử mang màu máu của Mê Linh liệt nữ, mang nước mắt của Trọng Thủy khóc Mỵ Châu khi gieo mình tuẫn tiết bên giếng Ngọc. Sự khổ hạnh của muôn vạn kiếp người lầm than chật vật đi tìm lẽ sống và tự do phảng phất trên đầu những con sóng sùi bọt.
Những dòng sông lớn luôn là bầu sữa nuôi dưỡng nhiều nền văn minh lớn. Nên xem Hồng hà nằm trong tổng thể lớn với Hoàng hà và Trường giang thì mới có thể sánh với sông Nile, sông Hằng được. Sự chia rẽ là phản trắc và tự hạ thấp mình. Dòng sông Hồng tương lai sẽ luôn thắm đỏ, nhưng có phải là nét son điểm tô giữa lòng Thăng Long hùng cường và thịnh trị? Câu hỏi váng vất trong bóng chiều thiên cổ vẫn xoáy vào tương lai như niềm day dứt khôn tả.
Phương đến Văn Miếu rất muộn. Cửa gỗ rệu mục khép hờ. Hàng bia đá bao năm vẫn giễu cợt gió mưa bão táp. Mái ngói rêu phong nép mình dưới tàn cây âm u. Thị giác hoang vắng nghiêm cẩn và có phần lãng đãng sương mù quên lãng. Bên ngoài tường rào, thanh âm ô trọc vẩn đục. Chế Linh, Tuấn Vũ, Ngọc Sơn đang rên rỉ vài giai điệu nặng mùi. Đạo của Thánh Khổng, Đức của Thầy Chu Văn An còn hay mất? Có lẽ nào ngày ngày hàng đạo quân mặc quần đùi, đi dép lê xí xa xí xô khám phá và chiêm bái di tích như dấu vết cuối cùng của những giá trị nhân văn sắp bị tuyệt diệt.
Phương dò văn bia cố xem họ Vương của anh có nhiều không. Đúng là cái họ Tàu phạm thượng này khá ít. Chỉ một hai tên gọi mà Phương vẫn phải dùng tự điển để tra. Anh cay đắng hiểu rằng mình vẫn là kẻ mù chữ. Lịch sử ngàn năm lô nhô trong chiều nắng xế, giếng Thiên Quang sao cứ hoài hiu hắt để bóng tối hoang đàng trắng trợn nuốt trôi quá khứ.
Có vị khách ra hiệu nhờ Phương giúp ông giữ tấm giấy can chữ. Bột chì đen không thể chạm vào vết khắc, nét móc, nét sổ lại tung hoành. Những chữ Minh Mạng đã ra lệnh đục bỏ thì khác. Ô vuông sâu hoắm như ao tù, lợn cợn cặn oan khiên.
Thì ra người lạ là nghiên cứu sinh nước ngoài. Tiếng Việt anh ta nói pha âm Phúc Kiến nhưng rõ ràng và mạch lạc:
- Anh thực tập cổ ngữ à?
- Tôi đi tìm hiền sư.
- À… ở đây từng có cả. Tấm bia của minh quân bên phải, chính giữa. Tôi dịch hộ anh nhé: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Bia dựng năm 1484, niên hiệu Hồng Đức thứ 5, ghi tên tiến sĩ khoa Nhâm tuất 1442. Đó là giai đoạn Nho giáo lên ngôi giúp Việt Nam cường thịnh. Người Đài Loan hay đùa “Nhân dân đọc được những gì Mao viết nhưng không biết các thứ Mao đọc”.
- Tôi đáng thương không?
- Ánh mắt anh thiếu cả hơi ấm nghiêm từ phụ mẫu. Vì sao nên nỗi?
Phương hoảng hốt bỏ đi như chạy và tự hỏi: “Người ta có thể lẩn trốn bóng tối được không?”.
Việc viết lách giúp Phương có người bạn thân tại Hà Nội. Lợi xuất thân là thuyền trưởng lữ đoàn 25 Hải Quân đóng ở Hải Phòng. Lợi mê văn nghiệp và hội họa. Hắn kết giao với Phương tại nhà anh Văn. Mãn hạn phục vụ quân đội Lợi chọn nghề tay phải thông qua Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
Sinh viên trường Lợi hiếm, trong khi cơ sở vật chất đồ sộ. Riêng Lợi chiếm hai phòng ở tầng 5 dãy nhà vừa làm lớp học vừa làm ký túc xá. Phòng thứ nhất là xưởng vẽ. Ngoài giờ lên lớp Lợi loanh quanh sáng tác. Hắn vẽ khỏe. Bốn bức tường mênh mông treo đầy tranh ảnh thể nghiệm theo mọi trường phái và chất liệu. Thỉnh thoảng tranh của Lợi cũng lọt vào một cuộc triển lãm tập thể nào đó. Lợi để tóc dài. Quần áo cố tình vò cho nhăn nhúm và hạn chế giặt giũ, nếu chưa lỡ dính màu thì cũng rán bôi vài nét vào cho đẹp. Cảm thụ mỹ thuật của Phương mơ hồ nên anh thích nghe Lợi lý giải họa hứng và niềm say mê vẽ vời. Lợi ưa nhất cụm từ "tính dân tộc" và nói đi nói lại không mệt.
Lợi rất nhiều bạn nhưng chỉ giới hạn trong lĩnh vực Cầm - Kỳ - Thi - Họa. Các nhà thơ sinh viên ứng với câu vè "Ra đường thì gặp lề đường. Bước tới cổng trường thì gặp nhà thơ" là nhóm bạn Lợi thân nhất.
Thủ lĩnh "tiểu thi đàn" là phóng viên giải đáp mắc mứu tình cảm Tầm Phào, báo Tuổi Xuân. Tầm Phào rất hãnh diện vì chức trách cao cả. Mỗi lần gặp Phương anh đều đùa: "Có câu hỏi nào hay hay cho anh xin. Tuần này thư em gái vùng sâu vùng xa chưa tới kịp vì mưa bão trái mùa".
Phó của Tầm Phào chính là tác giả hai câu thơ hơi lạ tai: "Người đàn bà dấu 'muối tiêu' vào thuốc nhuộm. Em tìm kiếm chi mô khi đã bỏ tôi rồi". Loại thơ con cóc như vậy bao la nhưng riêng bài trên rất nhiều người biết, thậm chí được phổ cả nhạc. Cũng bởi nó là con đẻ của mối tình đoạn trường, giữa thi sĩ Hoa Hồng Khô và nàng ca nhi Nhân dân đầu tiên của Hội Nhạc nhẽo quốc doanh. Kỳ thực nàng nọ cũng có ít tài hoa. Nhân dân không tiếc cơm gạo nuôi nàng học hát nhạc kịch. Một ngày nắng mới, sau khi ẵm danh hiệu cao quí nàng quay ra đề nghị Nhân dân ta nên nâng cao "Dân trí" thì mới mong hiểu được cái hay cái đẹp của dòng nghệ thuật hát hò cổ điển hay nôm na là “cải lương” Tây dương!
Với sự giúp đỡ của đàn anh gạo cội, Thi đàn chung sức sáng tác thi phẩm nổi tiếng dành tặng bạn gái họ có dịp gặp gỡ và nảy sinh tình cảm. Bài thơ gồm chục câu lục bát có tựa đề bí mật là "Áo em… muôn màu". Tên màu sắc thật ra được để trống. Chẳng hạn anh nào may mắn gặp tà áo vàng dễ thương, như phản xạ có điều kiện, lập tức màu vàng được điền vào để tụng ca phút giây tuyệt vời. Nếu nàng xúc động đến nỗi không nhớ chàng đọc gì nói gì, chỉ cần cầm bút viết tặng nàng bài thơ trên miếng giấy nhỏ thủ sẵn. Lợi đã gia công đại trà hàng xấp giấy xinh xinh với vài đường diềm lả lướt. Đây sẽ mãi là chiêu thức tán gái lợi hại nếu nhóm không dại dột kết nạp một cậu bị mù màu. Cậu này dấu biệt mình không thể chỉ ra trái ớt nào đã chín, trái nào chưa. Một hôm cậu gặp tà áo đỏ xinh đẹp nhưng ăn mặc hơi hở hang. "Muôn màu" dĩ nhiên biến thành xanh. Khốn nỗi xanh lại là màu “áo trong” của người ta! Nàng tiên bé nhỏ nổi giận xé tan bài thơ. Bạn bè hiếu kỳ xúm vào hỏi han. Vỡ lẽ, hai ba người trong số họ cũng từng được tặng những mảnh giấy tương tự.
Các nhà thơ sinh viên buồn lắm. Chiều đó họ vay nóng hay cầm đồ, mỗi người góp đủ mười ngàn rồi kéo nhau ra quá cày tơ. Buổi lễ hỏa táng bài thơ "Muôn màu" rất màu sắc. Rượu trắng dăm chai, thịt chó mực nghe nói giải được vận đen, riềng vàng, lá mơ xanh, mắm tôm xám… Sự bùi ngùi có lẽ hơi quá. Kết quả là bà chủ quán phải lấy bút đỏ ghi sổ phần tiền còn thiếu. Hôm sau hai ba cậu lại bị ban quản lý ký túc xá bắc loa gọi xuống nhận hình thức kiểm điểm là vệ sinh nhà xí công cộng. Rượu vào lời ra, họ đâu biết mình đã quậy tưng bừng trong đêm và oẹ ra hàng xô xú uế.
Trường Mỹ thuật Công nghiệp của Lợi bị kẹp ở giữa bởi ba trường khác khá lớn là Văn Minh, Viết Văn và Nhạc Viện. Phương thích leo rào qua Nhạc Viện chơi trong khi Lợi khoái hai nơi còn lại. Lợi hay nói chuyện trên trời với mấy bác công nhân và nông dân đang được đào tạo chuyên tu lý luận văn học và nghiệp vụ sáng tác. Họ chăm chỉ học tập để cống hiến nhiều hơn cho phong trào tại cơ sở sản xuất, chiến đấu trong cả nước.
Phương ngại nhất là đến thăm ký túc xá nữ trường Văn Minh. Phòng hai mấy mét vuông nhét sáu chiếc giường tầng. Ban công hẹp treo đầy hàng đặc chủng của nữ giới. Bếp dầu, nồi niêu xong chảo kê gọn vào bốn góc. Khách lạ viếng thăm được ngồi trên chiếu hoa trải giữa nhà. Màn kín giăng bốn phía. Không bao giờ thiếu một cặp tình nhân đang rúc rích tình tự sau lớp vải rung rinh. Có dạo "Văn hóa màn kín" bị báo chí bài bác. Ký túc xá đóng cửa từ chín giờ tối và kiểm tra nghiêm ngặt hành tung khách nam giới. Vậy mà thỉnh thoảng bố ráp đột xuất cũng cảnh cáo được hai ba chàng Chử Đồng Tử chưa kịp mặc áo, lum khum trốn ngoài ban công.
Cứ dăm bài viết vớ vẩn được đăng trên làng báo Hà Nội hoặc Sài Gòn là Phương khăn gói lên tá túc chỗ Lợi. Đi truy nã đồng nhuận bút còi để ngao du ba sáu phố phường nhiều lúc là cả một kỳ công. Có bữa nhằm hai chín tết, Phương chờ mãi mới gặp nhà văn tên tuổi làm đại diện phát hành của tờ báo phía Nam. Nhà văn khất vì chưa nhận được danh sách chi trả gởi ra. Quá giêng Phương ghé lần nữa, ông ta vỗ đùi đen đét, tiếc cho tính vô tư của mình. Ông thao thao thông hiểu với khó khăn của sinh viên.
Lợi yêu văn Ngọc Nga. Hắn hay mượn cớ khao xôi chè rủ Phương đến tán gẫu cùng Nga. Nàng từng học luật ở Liên Xô và hiện cạo giấy trong viện nghiên cứu có tên rất oai. Tối Nga bán xôi mặn đầu ngõ Cấm Chỉ. Lợi bảo rảnh tay là nàng viết. Truyện của nàng cũng dịu dàng và tha thiết lắm. Nhân tài cỡ này ở Hà Nội như lá rụng mùa thu. Họ có nhiều hội nhóm và lăn xả vào các cuộc thi treo giải thưởng rất to. Nga được ưu ái nhất vì là nữ. Cô còn khấm khá dài dài nếu không gặp sự cố kỹ thuật. Người ta trao giải đặc biệt cho Nga nhân kết thúc đợt một cuộc vận động viết lách tuyên truyền sinh đẻ kế hoạch. Lễ báo công bị gián đoạn vì tự nhiên chồng Nga, vị phó tiến sĩ Đông Âu học thất nghiệp nổi chứng huỵch toẹt rằng truyện ngắn đó do anh ta viết. Ban đầu anh dùng tên Nga như bút danh. Vợ anh vô ý hưởng tiếng. Gương mặt khả ái xuất hiện từ báo này qua báo nọ đến truyền hình làm anh chồng nóng máu. Chàng tự cho hào quang đình đám kia thuộc về chàng. Giới văn nghệ Bắc Hà được mẻ lừa tái tê. Không ai bảo ai, hết thảy biên tập viên gác cửa lâu đài chương điển kinh kỳ cạch cái tên nữ sĩ Ngọc Nga. Nàng biệt tích từ đấy.
Tốn cỡ ba trăm ngàn, phòng đào tạo giúp Phương quá giang chuyến tàu biển nội địa gọi là thực tập tốt nghiệp. Cưỡi ngựa xem hoa dăm hôm, xin thuyền trưởng con dấu và dòng nhận xét là xong. Làm bản báo cáo thực tập là bước chuẩn bị vào kì sát hạch cuối cùng. Đây là khoảng thời gian bận bịu, tốn kém nhưng hết sức vô bổ.
Luận văn tốt nghiệp của ai cũng dày cỡ quyển tiểu thuyết trung bình. Từ chủ đề bất kỳ, cố sức diễn giải càng dài càng tốt. Thầy hướng dẫn sẽ ngập ngừng đưa cho sinh viên tham khảo quyển luận văn cũ, tùy thuộc vào mức giao tế vật chất. Chép lại là chính. Có kẻ đùa, nếu văng tục giữa luận văn chắc thầy cũng không biết. Thỉnh thoảng đoàn trường tổ chức hội thảo khoa học, vài gương mặt sáng sủa được chỉ định diễn nôm. Báo chí đăng tải rình rang. Nếu thực sự trong ngành sẽ hiểu chẳng có gì mới. Tất tần tật đều trích dẫn trong sách giáo khoa, tô vẽ thêm văn từ lễ hội.
Kỳ thi rốt cuối gồm ba học phần chuyên ngành và môn chính trị bắt buộc. Đến lúc này Phương mới thực sự học, nếu không sẽ khó làm việc trên tàu. Ba tháng miệt mài. Trung bình mỗi ngày Phương dành 15 tiếng cho đề thi.
Mặc dù câu hỏi vấn đáp hóc búa, nặng lý thuyết suông, Phương vẫn đạt điểm khá. Bạn bè xì xào "Thằng Phương chạy điểm kinh thật!". Vô lý vì nếu lo lót, các thầy sẽ đồng loạt cho đậu ở mức trung bình mà thôi. Có lý bởi từ ngày nào đến giờ Phương nổi tiếng trụ học bổng. Nghĩa là hết sức chi li, theo dõi điểm số bè bạn, cố gắng nằm trong tốp trên của lớp. Không học bổng sẽ phải đóng học phí. Hai khoản cộng lại lớn hơn thu nhập bình quân của Phương nhiều.
Phương thi xong nhưng nhà trường đột ngột tạm hoãn phát bằng tốt nghiệp. Học viện Hải quân Nha Trang về khám sức khỏe chọn lấy hơn chục kỹ sư mới ra lò nhét lên đoàn tàu chiến cổ lỗ. Phương bán sạch sành sanh những thứ có thể bán, từ chiếc xe đạp cà tàng đến cái rương đặc trưng của sinh viên xa nhà. Chiếc phong bì nặng bằng nửa giá trị tài sản của Phương mà phó phòng đào tạo còn đắn đo chưa muốn nhận.
Cho chắc ăn Phương lên Hà Nội nhờ Lợi tác động thêm để khỏi đi lính. Lợi thú thật hắn không biết chạy chọt nhưng giới thiệu Phương gặp thi sĩ Thiếu Hoa. Anh này hồi bé tí đã biết làm thơ chống Mỹ khiến bà con ta tốn không biết bao nhiêu giấy mực ca ngợi. Nghe đồn đủ 18 tuổi Thiếu Hoa xung phong ra đảo Trường Sa. Hết binh nghiệp anh đi học trường Viết Văn rồi lấy bằng phó tiến sĩ văn chương ở Mạc Tư Khoa.
- Thấy gương anh em ngại quá, mong anh cố giúp. Thời bình em muốn đi tàu viễn dương hơn tàu chiến.
- Gương anh cái con khỉ - Lợi cười hềnh hệch - Thi sĩ Thiếu Hoa không né được thì có. Anh ta kém may hơn mày.
- Nói bậy đi - Thi sĩ chỉnh ngay - Mày không thấy thơ anh viết về biển và đảo sùng sục khí thế sao. Nhạc sĩ phổ ra cho mấy thế hệ hát đấy.
- "…biển một bên và sóng một bên…" - Lợi nghêu ngao - Thôi anh giúp nó đi.
- Mai tao xuống Hải Phòng. Mày nhớ đón chuyến tàu sớm nhé.
Cả tuần ngày nào Phương cũng lóc cóc ra ga chờ mà chẳng thấy mặt mũi thi sĩ đâu. Trời xui đất khiến nên danh sách lính mới không có tên Phương.
Anh Dũng giục Phương về Sài Gòn gấp. Anh đã chạy được lá thư tay bé đúng bằng bàn tay hộ pháp của vị cục phó cục Hàng Hải. Anh Dũng không nói lo hết bao nhiêu tiền nhưng thời giá tờ "Quyết định tiếp nhận sinh viên vừa tốt nghiệp" của Công ty Vận tải biển Miền nam là bốn cây vàng chín tuổi rưỡi.
Lần đầu tiên Phương cưỡng được bản tính vội vàng hấp tấp của mình. Anh quyến luyến Hải Phòng tới cận ngày hết hạn của Quyết định tiếp nhận nhân sự. Cậu bí thư đoàn ve vãn Phương ở lại trường. Máu văn nghệ nửa mùa của anh rất cần cho phong trào. Tòa báo chuyên ngành cũng hứa hẹn đủ thứ. Họ xem Phương là tay luộc tin kha khá. Cô bạn sơ giao, nhà văn trẻ Hà Nội viết thư tâng Phương liên tục. Nàng muốn Phương tham gia đợt thi tuyển phóng viên giọng Nam Bộ của đài tiếng nói Việt Nam. Hà Nội vốn là kinh đô làng văn, nàng bảo vậy. Để minh chứng viết và lách sẽ sống tốt như mọi nghề, nàng gởi tặng Phương bản sao truyện "Tên giết người lương thiện". "Cực kỳ hay" - nàng quảng cáo. Tác giả Ngô Lai giành trọn hai mươi triệu đồng, giải nhất cuộc thi truyện ngắn do tòa báo Văn Nghiệp uy tín ngoại hạng khởi xướng.
Giọng văn thường thường bậc trung dẫn người đọc vào cuộc tàn sát mang nặng tính giai cấp. Ông nội nhân vật chính từng ở đợ cho ông nội nhân vật phản diện. Đời kế tiếp tí nữa cũng vậy. Nhờ tham gia đánh nhau và các loại cải tạo thành phần ăn trên ngồi trước, cha nhân vật chính phá được xiềng xích. Đến tuổi hồi hưu ngài sĩ quan trở thành chủ nhân dinh thự vĩ đại, nơi ông từng chập chững vào đời bằng việc cắt cỏ ngựa. An hưởng không dài. Vật sớm đổi sao mau dời. Chính quyền trả lại nhà cho lũ bóc lột hiện mang nhãn hiệu Việt kiều yêu nước. Nhân vật chính từng bỏ trường đại học và theo thời cuộc tiêu phí mấy năm trai trẻ "lao động hợp tác" tại Đông Âu. Cùng đường, hắn bị đẩy về vai cắt cỏ ngựa truyền kiếp. Hận đời, mượn thêm va chạm nhỏ, hắn trộm khẩu súng lục của cha bắn chết bọn trụy lạc cùng thế hệ và vài quan chức ăn theo. Phát đạn cuối cùng hắn không dành cho hắn. Ông lão khăn đống áo the đeo mề đay Pháp thuộc trong bức di ảnh treo trên tường bị xử tử lần thứ hai. Kết truyện chánh án cao giọng: "Anh rất khó hoàn lương". "Tôi là tên giết người lương thiện!" - Bị can bào chữa.
- Kinh khủng quá - Phương nhận xét.
- Văn chương đang vinh danh kẻ sát nhân thật sự lương thiện này. Anh là kẻ ngoài cuộc và ít cảm thông. Bạo lực và giết chóc là cần thiết cho công bằng cũng như danh dự - Nàng văn sĩ trẻ biện bạch.
- Đây là bi kịch của sự thất học. Tri thức sẽ làm người ta ít dã man hơn. Nếu kẻ sát nhân hài lòng với giảng đường, kết cuộc đã khác.
Phương dằn lòng không khóc khi rời Hải Phòng. Tàu hỏa xuyên qua những con hẻm nhếch nhác, những mái ấm chắp vá. Hải Phòng của Năm Sài Gòn và Tám Bính. Hải Phòng của Phương. Hơn nửa thế kỷ Hải Phòng vẫn vậy. Người thợ đóng tàu vẫn bạc mặt bên dòng sông Cấm. Công nhân xi măng vẫn hít thở trong bụi bặm mù trời. Bến Sáu Kho vẫn sực mùi mồ hôi ngai ngái của phu khuân vác.
Phương về thăm quê ngoại lần cuối rồi lang thang khắp Hà Nội. Anh lưỡng lự trước hai ngã đường còn lại. Tự thân Phương biết mình quá nông cạn và kém cõi. Nghề văn chỉ dung nạp các khối óc thiên bẩm và thực sự dũng cảm. Ảo vọng là thứ dễ lây lan và đòi hỏi nỗ lực lớn để phủ quyết. Ngày nay nhiều người hay dẫn câu "Lập thân tối hạ thị văn chương" như cách làm duyên khôi hài, tự cao tự đại. Lối biện hộ cho thói vô trách nhiệm và bất tài của phường thầy tụng buôn mực bán chữ rất đa nghĩa. Cuối cùng Phương đành tìm may rủi.
Sáng tinh mơ Phương lững thững ra phố cổ. Chẳng biết người nghệ sĩ Bắc Hà "… lang thang hoài trên phố. Bơ vơ không nhớ nổi một con đường…" đang ở đâu. Mái ngói mơ màng nghiện vẻ cô đơn thấm đẫm trong tranh Bùi Xuân Phái. Hàng quán cửa đóng then cài. Những mắt lá bàng cuối cùng rũ rượi, run rẩy lo sợ trước cơn gió nhẹ đi hoang. Rồi mùa thu cũng cuốn phăng bằng hết. Phải chăng ngày hạ cũ quá thiếu nắng khiến sắc lá nhợt nhạt. Vậy mà sự ranh ma vẫn khó dấu. Dưới gốc cây bao nhiêu xơ lá vật vờ sau khi trả hết cho đất chất mùn nghèo nàn.
Phương ghé Thủy tạ hồ Gươm uống cà phê. Sương tan anh vào đền Ngọc Sơn thắp nhang. Phương cố ra vẻ thờ ơ vẫy tay phó nhòm chụp hộ anh tấm ảnh dưới tháp Bút. Phương chờ ảnh rửa gấp bên cạnh hai lão ông râu tóc bạc phơ say sưa chơi cờ tướng. Cỡ tiếng sau thì số phận an bài. Nhìn thật kỹ sẽ thấy ảnh không lấy được ngòi bút. Ba hán tự "Tả Thanh Thiên" nhạt nhòa.
Phương ngồi phịch xuống chiếc ghế con của bà cụ răng đen bán nước chè và thuốc lào. Vị trà tàu đắng lưỡi ngọt họng.
- Cho cháu một quẻ bác ơi - Phương quay sang ông già gầy guộc mặc áo thâm đang ngáp ruồi trước tấm bảng nhỏ "Viết sớ chữ Nho".
Cặp kính đen chằm chằm nhìn Phương:
- Sinh viên xa nhà hả? Để dành tiền bồi dưỡng hai cái má hóp kia. Cứ học giỏi tương lai khắc sáng sủa. Hơn nữa, người như cậu đâu tin bói toán.
- Bác tinh quá nhỉ.
- Phệt quần mài dép dưới đáy xã hội mà mù là chết. Ở đời không may bị mù thì cũng chớ nên lòa. Mắt sáng đừng để lóa.
- Con rồi có làm nên cơm cháo gì không bác?
- Quân tử ăn không lấy no. Câu hỏi ấy dành cho tiểu nhân.
Phương ngắm hồ Gươm lần cuối như muốn đắm trọn mình trong tiết thu se lạnh. Tháp cổ trăm năm ru gió. Phất phơ hàng liễu bờ bên kia. Hương hoa sữa đêm qua còn vương đâu đó. Chuyện kể một thương nhân ma mãnh biết xem long mạch, hắn bợ đỡ thực dân rồi xin quan thầy Lang Sa cho phép xây tháp trên gò rùa để bí mật cải táng cha mẹ. Nhân công phản trắc ném hết xương cốt xuống nước rồi yểm hai chiếc quách không dưới móng tháp. Vài năm sau, hoạn lộ của tên Việt gian theo đuôi lũ cướp nước tan nát. Hắn bị giải quan và giam lỏng đến chết tại Hà Nội. Thật ra ngọn tháp xét kỹ chẳng lấy gì làm đẹp, hai tầng xây cửa gô tích xa lạ với truyền thống Á đông, nóc nhỏ bé tủn mủn không ra ngô khoai gì. Vì khuôn cảnh xung quanh trữ tình, nhìn mãi quen mắt nên giờ đây hồ Gươm mà không có tháp thì không còn thi vị…
Hồ Hoàn Kiếm huyền thoại của Lê Lợi, với Phương nửa gần nửa xa. Trong mắt mỗi người hồ Gươm mỗi khác, có buồn vui, có lãng mạn, có thực tế hoặc hư ảo. Không hiểu sao buổi sáng ấy Phương chợt nghĩ hồ Gươm là nghiên mực không bao giờ cạn. Chỉ cần chút tâm trí lãng đãng là đọc ngay được thiên lịch sử văn hiến bất hủ viết lên bầu trời và phản chiếu, thu nhỏ trên mặt nước xanh rêu phẳng lặng.
Gần 600 năm, người Việt cứ nhất mực gọi loài giải sống dưới hồ là rùa. Sự ngộ nhận khá ngây ngô, vì quy là rùa, còn giải tiếng Hán – Việt là miệt. Chẳng lẽ không gian của huyền thoại hoàn kiếm bao gồm hồ Gươm, gò ba ba và tháp cua đinh nghe quê mùa lắm. Thì ra chân lý đôi khi là thói quen sai lầm, lập đi lập lại nhiều đời.
Chân lý đã không thuộc về nhà cách mạng vĩ đại Hồ Quý Ly và những cải cách triệt để của ông. Giữa một lục địa bao la đầy dẫy tầm chương trích cú, việc ông đưa toán pháp vào để tuyển chọn hiền tài thật sáng suốt. Nếu không có ý chí độc lập tự chủ, ông ban bố chính sách, văn kiện triều đình bằng chữ Nôm làm gì. Kinh Lễ quy định đích thân thiên tử tế Nam giao, chư hầu cúng Xã tắc. Năm mậu thìn 968 Đinh Tiên Hoàng lập đàn Xã tắc. Thời Lý chỉ có Vu đàn, quan lại thường đến cầu mưa. Đời Trần sử sách không nhắc đến việc này, trừ hai câu thơ “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã – Sơn hà thiên cổ điện kim âu”. Như vậy đàn Giao xây ở Đốn sơn, Tây Đô chứng tỏ nhà Hồ đã nâng địa vị triều đình và quốc gia lên tầm cao rất mới. Nhân dân không theo ông, kẻ sĩ không đoàn kết bên ông chống ngoại xâm mà cứ bo bo xem mình là tôi đòi của họ Trần mạt vận thối nát. Đất nước dưới ách chiếm đóng quân Minh vĩnh viễn mất đi cơ hội vượt qua huôn nhược tiểu. Đành đoạn lắm, đoàn bô lão Kỳ La vẫn cố nguyền rủa người anh hùng thất trận, họ đọc trại Kỳ La thành Cơ Lê nghĩa là trói họ Lê (họ cha nuôi Hồ Quý Ly) và chơi chữ Thiên Cầm là đàn trời thành ra trời bắt. Chính xác thì người Việt đã đang tâm tống cổ cha con họ Hồ về Trung Hoa với dòng dõi nhà Ngu. Cuối đời mình, Hồ Nguyên Trừng, Edison Việt Nam đầu thế kỷ 15 với sáng chế tiêu biểu là súng trường cá nhân, đành an phận với chức thứ trưởng bộ Công chánh Minh triều, đau đáu hướng về cố quốc rồi tự gọi mình là “lão già nước Nam” trong trường thiên ai oán “Nam ông mộng lục”.
Hồ Quý Ly cũng chẳng phủi tay giũ áo đi biệt. Ông đã đào tạo cho non nước này tầng lớp sĩ phu mới, ít thiển cận và có đầu óc. Họ phò tá Lê Lợi phục quốc và xây dựng nhà nước Nho trị vững vàng. Đến đời cháu Lê Lợi, Việt Nam vụt lớn mạnh thành đế quốc rồi tiêu diệt được Chiêm Thành, trở lực khủng khiếp nhất trên con đường Nam tiến của dân Việt. Nguyễn Trãi nổi bật trong số ấy. Là quân sư thân cận Lê Lợi, văn võ song toàn chắc chắn họ Nguyễn đã giúp Lê Thái Tổ xây dựng màn kịch trả gươm. Khu đầm lầy thời Lý – Trần được nạo vét, đắp đập ngăn nước và thả giải bắt từ Lam kinh ra. Cho dù huyền thoại “hoàn kiếm” ra đời trên bất cứ nền tảng văn hóa nào, mục đích duy nhất và cuối cùng của nó vẫn là hợp thức hóa, chính thống hóa Lê triều. Hình ảnh rùa thần mang tính chất siêu nhiên, nó sao chép tích “Thăng long” thời Lý Công Uẩn, và xa lạ với khái niệm “thiên tử - con trời” trong triết lý Khổng giáo. Điều này chứng tỏ xã hội Việt Nam khi đó vẫn còn hơi hớm thần quyền lạc hậu. Để lấy lòng dân, Lê Lợi phải làm cho họ tin tưởng rằng mình có sự hậu thuẫn của các lực lượng siêu nhiên.
Nếu nhìn nhận lịch sử là sự vận động đa chiều của xã hội, thời điểm ra đời của huyền thoại hồ Gươm chính là bước ngoặt đáng lưu ý. Từ đó về sau, những truyền thuyết hoang đường như vậy vẫn còn xảy ra nhưng ở mức độ cường điệu khá thấp, và tác dụng ngày càng hạn hẹp. Nó chỉ ra chiều hướng thượng của dân trí.
Không còn nghi ngờ nhiều nữa, Nguyễn Trãi là đồng tác giả của huyền thoại hoàn kiếm. Ba họ nhà ông cuối cùng đã rơi đầu vì chính tài năng kiệt xuất của ông. Dân gian hoặc triều đình lại phong thần phong thánh cho ông cũng bằng một huyền thoại nhưng tuyệt đối u ám, trí trá và cực kỳ vô nghĩa, đó là câu chuyện máu đỏ rắn trắng thấm qua 3 trang sách nho học! Mọi anh tài ẩn mạng dưới sao khuê đều tự giác kê gươm sắc cạnh cổ mình. Khí chất ấy, đáng tiếc chẳng còn tồn tại đến hôm nay.
Cụ giải dưới kia chắc hiểu kẻ giả trí luôn mang giấc mộng hư văn vừa ngông vừa dại. Bọn họ mạo muội vay mượn nét chữ giáp cốt sơ khai trên lưng họ hàng cụ, vẽ vời sứ mệnh ảo tưởng. Ai đã cho mình cái quyền được kiểm duyệt, cắt xén, chắp vá cả Bình Ngô đại cáo. Câu “Việt Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc…” được dịch nôm thành “Từ Đinh, Lê, Lý, Trần gây nền độc lập…”. Và ở đâu đó, người ta chẳng ngại ngần vứt đi dòng chữ “thiếu lập trường”: Thị do thiên địa tổ tông chi linh hữu dĩ âm tướng, mặc hựu nhi trí nhiên dã (Nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng chở che, giúp nước nhà). Áng văn lặng câm, vô hình chính là áng văn bất hủ. Những tiếng kêu thét tắc ngẹn làm người ta dựng tóc gáy: “Văn chương thiên cổ sự - Đắc thất thốn tâm tư”.
Hồ gươm là Văn trì, là giếng Thiên Quang, là tấm gương soi của thời gian. Tất thảy đen tối và trần trụi đều lộ tẩy. Trong ánh sáng thông tuệ, mặt gương trả lại sự thật và chân lý bạch nhật. Mặt gương đảo ngược hiện thực, giũ tung bụi mù vô minh và lắng nó xuống bùn. Những thân phận được tẩy sạch nhơ nhuốc không đáng có sẽ khoe ra vẻ đẹp vĩnh cửu từ lâu đã bị bóng tối đè nén, âm mưu hủy hoại.
Vầng dương ưng ửng góc trời hay đơn giản chỉ là ánh sáng liêu trai trung cổ? Hà Nội cuối thu. Mây thấp. Cơn mưa hồng thủy rất cần cho nền văn minh lúa nước. Hình thái tàn héo, già nua, cằn cỗi đã mất hết năng lực sáng tạo sẽ tan loãng. Ngày mới sẽ tái sinh, hoàn đồng và phục thiện mọi thứ. Lũ lụt đi qua phù sa ở lại. Mùa Xuân còn xa lắm không? Ngày mai lập đông, trời sẽ rét nứt da tái thịt?
Phương biết, anh là kẻ tình cờ đi qua thế gian này như một lữ khách không hành trang, chẳng sứ mệnh. Anh đành chọn cho mình bậc thang thấp nhất của trật tự Sĩ - Nông - Công - Thương để dấn bước vào đời. Bên cạnh hồ Gươm, giữa lòng Thăng Long ngàn năm văn vật Phương thấy hết sức ấm áp khi nhìn về tương lai. Ngày mai thật nhỏ bé, vị kỷ và hèn nhát nhưng hình như tuyệt đối an toàn.