Nguyên tác tiếng Anh "Tass is Authorised to Announce".
Phần 20
TÌM KIẾM – III

…Nét chữ Côn-xtan-ti-nốp mạnh mẽ và rất hoạt. Nhưng trong thời gian gần đây, ông không thích viết, mà đánh máy ngay trên cái máy chữ cỡ nhỏ, vì chữ đánh máy khác hẳn chữ viết. Hon nữa, khi Côn-xtan-ti-nốp chuẩn bị đưa in bản luận án của mình (đề tài có tính chất công khai – “Những thủ đoạn chính trị của nước Đức Hít-le trước cuộc nổi loạn của Phran-cô”), ông thật sự ngạc nhiên thấy những trang đánh máy hoàn toàn có vẻ khác với những trang sắp chữ ở nhà in, y như thể chúng có hai nội dung khác nhau vậy! Khi ấy, ông chợt nghĩ ra rằng chuẩn mức để đo trách nhiệm của ý nghĩ con người phụ thuộc rất lớn vào việc nó sẽ được in trên giấy nào, với kiểu chữ nào. Ở đó, hình thức cũng đã là một phần biểu đạt nội dung, không thể khác.
…Côn-xtan-ti-nốp yêu cầu người thư ký đừng cho liên lạc điện thoại tới ông và cũng đừng cho ai vào phòng, chỉ trừ có việc khẩn cấp của Pa-nốp ở ban giải mã, hay của Tơ-ru-khin (đang tìm kiếm Vin-te), cũng như nếu có điện khẩn mới đến của Xla-vin (ngày hôm qua, kết quả khai triển chưa được mấy, Xla-vin báo là đang bắt tay vào xác minh giả thuyết về “Dô-tốp”, đồng thời yêu cầu gửi tài liệu về Glép, càng nhanh càng tốt). Quen biết Xla-vin đã mười năm, Côn-xtan-ti-nốp hiểu là không phải bỗng nhiên mà Xla-vin thúc giục. Ở địa vị anh, Côn-xtan-ti-nốp cũng sẽ phải hành động như thế: Người làm chứng duy nhất đã bị Glép thủ tiêu, và bây giờ không còn ai có thể nhận dạng được tên gián điệp CIA ở Mát-xcơ-va nữa, do đó phải dùng đến một đòn cốt tử, buộc chính Glép phải nói ra tên phản bội đó. Côn-xtan-ti-nốp biết được ý kiến mới ló ra này của Xla-vin sau khi Xla-vin vớ được câu nói của Pôn Đích về vụ “ma-phi-a Hồng Kông” và Glép cố tìm cách lấy câu này đi bằng hàng chục câu đánh trống lảng khác, với một vẻ sôi nổi thiếu tự nhiên.
Côn-xtan-ti-nốp làm việc đến khuya, ông đặc biệt xem kỹ năm cặp tài liệu có những đoạn cắt ở báo ra, được chuẩn bị ở các ban, trong những ngày gần đây.
- Tình huống hiện ra trước ông, đại thể như sau:
“Ở phi trường Hồng Kông, ngày 12 tháng Chạp 1966, quan chức sở thuế quan Ben-sơ đòi kiểm tra hành lý của ông Lưu làm việc ở nhà băng “Lâm-li-mi-tít”, và của cô Các-men Phéc-nan-đét, đi chuyến máy bay từ Xan Phran-xi-xcô tới. Đi cùng ông Lưu và cô Phéc-nan-đét, có phó chủ nhiệm phân xã USIA (1) ở Hồng Kông là Đ.G.Glép. Ông Glép đề nghị viên chức thuế quan Ben-sơ huỷ bỏ lệnh khám, vì như ông ta nói, “ông Lưu là người bạn chung thuỷ của ông ta, người mà ở Mỹ người ta tin tưởng vô hạn”, còn cô Phéc-nan-đét thì lại là “nhân viên Hội đồng tư vấn của hãng kim hoàn Mỹ “Cúc và các con”. Ben-sơ trả lời, đại ý là ông ta không hề đặt vấn đề nghi ngờ gì lòng tin của ông Glép vào ông Lưu và cô Phéc-nan-đét, nhưng không thể cho rút lệnh kiểm soát kia được, vì điều đó đặt ông vào một tình trạng khó xử với cấp dưới.
Tiếp đó, Ben-sơ được Glép mời vào phòng công vụ, tại đó, ông phó Chủ nhiệm phân xã thông tấn Mỹ tự giới thiệu với viên chức sở thuế rằng hắn là nhân viên CIA. Tuy nhiên, ngày hôm sau Ben-sơ từ chối không chịu lặp lại lời khẳng định đó, lại còn thề là đã không nói, mặc dù trong lúc xảy ra vụ tai tiếng, ông ta đã phun ra điều đó và phóng viên tờ báo “Thời sự” là Đô-nan Ghi đã ghi âm lại được. Chính dựa trên cuốn băng ghi âm này, anh ta đã đăng lên báo tài liệu giật gân của mình.
Vậy là dù bị phản kháng, chiếc va-ly vẫn được mở, và ở giữa lần đáy thứ hai, người ta đã khám phá ra một khối lượng hê-rô-in (bạch phiến) được đánh giá vào khoảng ba triệu đô-la, một vụ buôn lậu lớn chưa từng thấy hồi đó.
Mười phút sau khi khám xét ở phi trường, trạng sư của ông Lưu là ông Đỗ Tử Lý mới tới, và tuyên bố là chiếc va-ly mà cơ quan thuế quan đã mở không phải là của ông Lưu. Lúc đó, một trong ba thư ký của ông Lưu, ông Như Nghĩa, hai mươi bảy tuổi đã thừa nhận chiếc va-ly đó là của mình. Ông không cho biết thêm chi tiết nào nữa, và lập tức bị bắt ngay.
Khi nhà chức trách giải ông Như Nghĩa, tay bị còng tới chiếc xe của cảnh sát, phóng viên báo “Thời sự” Đô-nan Ghi đã nghe thấy viên thư ký thứ hai của ông Lưu nói với người bị bắt: “Ngày mai ông sẽ được thả, sau khi nộp tiền bảo đảm, nhưng ông nhớ hãy giữ thái độ sao cho đúng yêu cầu”. Thế nhưng trên đường giải về, chiếc xe cảnh sát đột nhiên bị một luồng đạn quét ngang, và ông Như Nghĩa đã chết trước khi đưa tới bệnh viện của trại giam.
Sau khi đăng bài báo ở tờ “Thời sự” và in lại ở tờ “Tạp chí phương Đông”, phóng viên Đô-nan Ghi đã bị buộc tội là xuyên tạc và vu khống, vì theo tuyên bố chính thức của viên lãnh sự Mỹ, ông Glép lúc đó đang có mặt tại phòng triển lãm đồ gốm I-rắc, ông Ben-sơ cũng từ chối không chịu khẳng định việc ông Glép có mặt tại sân bay trong lúc xảy ra vụ tai tiếng.
Ông Đô-nan Ghi bèn chuyển cho toà án cuộn băng ghi âm, mà theo kết luận của các chuyên viên giám định, thì rõ ràng có nghe thấy giọng nói của ông Glép trong đó. Thêm vào đó, Đô-nan Ghi còn xuất trình trườc toà ba tấm ảnh phụ nữ mà In-te-pôn (2) đang truy nã vì tội có liên quan đến việc “kinh doanh ma tuý”. Một trong ba tấm ảnh đó giống cô Các-men Phéc-nan-đét như đúc, và theo tư liệu đã ghi nhận được của “In-te-pôn” thì cô ta có nhiều tên: Ma-ri-a, Rô-xi-ta, Các-men.
Sau đó, ông Glép biến khỏi Hồng Kông, không đến Toà sơ thẩm với tư cách bên nguyên, và cả cô Phéc-nan-đét cũng biến mất.
Đô-nan Ghi thì bị triệu hồi khỏi Hồng Kông và được phái sang Thái Lan. Tại đó, anh ta bị một bọn khủng bố tấn công bất ngờ. Anh phải nằm viện bảy tháng, và khi trở về Niu Yoóc thì tờ báo từ chối không muốn anh ta tiếp tục cộng tác nữa. Đô-nan Ghi bèn kết luận rằng chính CIA đã dàn cảnh cho mọi hoạt động tấn công anh ta. Toà án đã không chịu thụ lý vụ kiện của Ghi, vì anh ta không thể có tài liệu gì chứng thực cho lời buộc tội của mình. Đô-nan Ghi bèn tuyên bố là anh sẽ bỏ hết tiền riêng vào cuộc điều tra do anh đích thân thực hiện và sẽ thu thập cho đủ những chứng cớ cần thiết.
Vụ “Đô-nan Ghi” được nhắc đến lần cuối cùng vào tháng Giêng năm 1970. Còn từ 1976, có thấy xuất hiện lại tên Đô-nan Ghi trên tờ báo cực hữu “Xtar” (Ngôi Sao) dưới các bài vở tin tức truyền về từ Na-gô-ni-a”.
“Điện gửi Trung tâm.
Xin cám ơn các thông tin về Glép, Phéc-nan-đét và Đô-nan Ghi. Có thể cho Đmi-tơ-ri Xtê-pa-nốp, nhà văn kiêm nhà báo Xô-viết ở đây, được biết về các tài liệu này không? Vì đồng chí ấy đã nghiên cứu về Hồng Kông, về ma tuý, những người của CIA và của Mao có dính dáng đến chuyện này.
Xla-vin”
°

*

- Tôi nghĩ, đồng chí phải cấp tốc bay đi Na-gô-ni-a một đôi ngày, không cần lâu lắm. – Phê-đô-rốp nói, sau khi nghe báo cáo của Côn-xtan-ti-nốp vào lúc sáng sớm – Tuy nhiên, tôi thay đổi chút ít nhiệm vụ chuyến đi: Thứ nhất, đích thân nghiên cứu kỹ lưỡng khả năng những bệ phóng đạn đạo đã được sửa chữa đến đâu, những bệ phóng do khối NATO đã lắp đặt ở đó, từ thời thực dân, và sau đã bị phá huỷ. Thứ hai, đồng chí hãy nói chuyện với Xtê-pa-nốp và mời đồng chí ấy giúp cho công việc của chúng ta, vì cần phải hiểu Glép tận gốc kể cả “cái nút Hồng Kông”.
°

*

Côn-xtan-ti-nốp bay đi Na-gô-ni-a bằng chuyến bay đêm: ông tới đó vào lúc sáng sớm, gặp gỡ Xtê-pa-nốp vào buổi trưa trước chuyến đi đến các công trình cũ của NATO, nơi trước kia đã đặt các tên lửa có vũ khí hạt nhân hướng về phía Liên Xô. Vé khứ hồi, định đăng ký vào chuyến bay chín giờ tối.
…Côn-xtan-ti-nốp trình bày cho Xtê-pa-nốp cốt lõi vấn đề một cách vắn tắt và kết thúc như sau:
- Tóm lại: Glép! Lưu! Nút Hồng Kông! Ma tuý! CIA! Tình báo Trung Quốc! Đồng chí có thể giúp gì chúng tôi trong việc tìm hiểu các vấn đề đó không?
- Lưu hẳn là người của tình báo Bắc Kinh ở Hồng Kông?
- Có lẽ thế.
- Đấy chưa phải câu trả lời, thưa đồng chí Côn-xtan-tin I-va-nô-vích! Hoặc là khẳng định, hoặc là phủ định kia.
- Nhưng chúng tôi còn chưa biết! Nên tôi mới bay đến đây tìm đồng chí đấy, đồng chí Xtê-pa-nốp ạ! Còn bây giờ chúng tôi chú ý đến Glép hơn cả.
- Ở đây, ở Na-gô-ni-a hắn nguy hiểm đến mức độ nào đối với lợi ích của nước ta?
- Mức độ đáng kể! Có thể nói hắn là một mắt xích trong chuỗi xích nối CIA với tên gián điệp của chúng ở Mát-xcơ-va.
- Gián điệp ở Mát-xcơ-va! Người Nga?
- Chúng tôi chưa biết. Ít ra là hiện giờ chưa biết.
- Đề tài phản bội hấp dẫn tôi đấy – Xtê-pa-nốp nói – Nhưng thế nghĩa là thế nào nhỉ, theo đồng chí?
- Cũng là một hiện tượng dị biệt thôi – Côn-xtan-ti-nốp trả lời tự tin. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng sự phản bội nói chung là một phạm trù bệnh lý, chứ không nằm trong thuộc tính một người bình thường.
- Đồng chí không đơn giản hoá sự giải thích đấy chứ?
- Ngược lại. Tôi còn làm phức tạp thêm, Đmi-tơ-ri Iu-rê-vích ạ! Nhưng tôi bày tỏ quan điểm riêng của mình, cần gì phải dựa theo những quan điểm khác phải không? Vậy là đồng chí đồng ý giúp chúng tôi chứ?
- Không có vấn đề gì khó, đồng chí Côn-xtan-tin I-va-nô-vích ạ! Có điều tôi không thạo chụp ảnh bằng những máy ảnh bí mật và không biết bò trên mái nhà – Xtê-pa-nốp mỉm cười.
- Đồng chí quan niệm về công tác phản gián tài tử thật! – Côn-xtan-ti-nốp cũng mỉm cười – An ninh quốc gia là công việc dính dáng đến những vấn đề Nhà nước, và công cụ chính phải là cái đầu suy nghĩ, chứ đâu phải những năng khiếu nhào lộn, làm xiếc…
- Vậy tôi có thể giúp vào việc gì, và giúp cách nào?
- Đồng chí Đmi-tơ-ri Iu-rê-vích ạ, công việc có thể cũng có mạo hiểm đấy. Còn chúng tôi xin cứ đối xử với đồng chí theo cách của người nhà. Sách báo và phim quay được của đồng chí cần cho đất nước đấy. Và đồng chí hãy cẩn thận hơn chút nhé! Vấn đề là ở chỗ, ở Na-gô-ni-a này có một nhà báo Mỹ tên là Đô-nan Ghi đang làm việc…
(1) USIA (United States Information Agency): Hãng thông tấn Hoa Kỳ (ND).
(2) In-te-pôn (Interppol) viết tắt từ chữ International Criminal Commission Police: Uỷ ban cảnh sát hình sự quốc tế, có trụ sở ở Pa-ri, nhằm phối hợp mọi hoạt động các nước thành viên, để cùng truy lùng tội phạm (ND).