Tường Thư nhìn đồng hồ. Mười một giờ đêm, nhưng mẹ vẫn chưa về. Dạo này bà vắng nhà suốt. Thư cứ tưởng bà ở lại văn phòng với ba buổi trưa như thỉnh thoảng bà vẫn điện thoại về nhà bảo chị em cô đừng chờ cơm vì " Ba mẹ đi ăn cơm khách ". Thật ra, không hoàn toàn đúng như thế, đã có rất nhiều bữa trưa ba ăn cơm hộp một mình, mẹ đi đâu ông không hề biết. Đã đôi ba lần ông hỏi, mẹ bảo là bà có công việc hùn hạp với bạn bè, nhưng là việc gì bà không nói rõ, mẹ chỉ lập lờ quanh co thật khó hiểu. Thư nhớ mẹ từng than vãn phòng môi giới mua bán bất động sản dạo này quá ế ẩm, giá đất đã qua cơn sốt nên chả ai thèm mua, cứ chôn mãi vốn vào nhà cửa nhưng không bán được sẽ vỡ nợ. Có lẽ vì sợ thế, nên mẹ đã xoay sở sang lãnh vực khác hầu tìm được đồng ra đồng vào đỡ đần cho ba. Thư có cảm giác ba không thích mẹ kiếm thêm, nhưng ông không tiện nói ra mà cứ giữ trong lòng. Hai người dường như bắt đầu có nhiều bất đồng trong công việc. Đã vài lần mẹ dè bỉu chê ba dở trong kinh doanh, không bươn chải, năng động như người ta. Thư không hiểu mẹ ám chỉ " người ta " là ai mà lần đó ba rất giận, ông bỏ đi uống rượu tới khuya mới về. Không khí gia đình cô dạo này nặng nề làm sao. Tường Thư linh cảm sẽ có chuyện gì đó xảy tới, và cô luôn sống trong tâm trạng hồi hộp. Tường Thư lo lắng nhìn ba, ông uống rượu từ chiều tới giờ, uống một mình trong im lặng. Vừa uống, ông vừa xem ti vi, tay cầm remote, ông chuyển đài liên tục. Ông xem nhưng chắc chả biết mình xem gì, thái độ của ông rất lạ. Đã mấy lần Thư năn nỉ ông thôi, nhưng ông dửng dưng như không nghe. Cô lên lầu bảo Lân: - Em nói làm sao cho ba ngủ đi. Vẫn ngồi lì trước máy vi tính, Lân càu nhàu: - Chắc em hổng đủ uy tín để nói cho ba nghe quá. Rượu đâu còn bao nhiêu, cứ để ba uống hết. Tường Thư nói: - Chị muốn ba ngủ trước khi mẹ về. Lân vô tâm: - Thấy ba uống rượu chờ mình về, mẹ mới cảm động chớ. Tường Thư chì chiết: - Mày chả để ý gì chuyện trong nhà hết, tối ngày chỈ ăn chơi, ngủ mà thôi. Ba mẹ có mâu thuẫn mày cũng coi như không. Sao mày vô tâm vô tình thế chứ? Lân gân cổ lên: - Em vô tâm hay chị cường điệu? Trong nhà đang êm ấm, chị tưởng tượng chuyện không đâu. Thư chưa kịp phản ứng thì nghe có tiếng xe trước nhà. Cô ra ban công nhìn và thấy mẹ trên ta xi bước xuống. Tường Thư vội ra mở cổng, trong khi ông Tuyển vẫn thản nhiên ngồi bên chai rượu. Bà Vân bước vào thơm phức mùi nước hoa, khiến Thư phải ngạc nhiên vì mẹ hôm nay khác thường ngày quá. Bà mặc cái váy dài, cổ chữ V khoét sâu lấp lánh kim sa trông ra dáng mệnh phụ. Thấy ông Tuyển gật gà gật gưỡng ngay salon, bà cười khẩy rồi khinh khỉnh bước qua không một lời chào hỏi. Bà chưa kịp tới cửa phòng ngủ, ông Tuyển đã gọi giật lại: - Em đi đâu về mà không biết thưa gởi vậy? Bà Vân nhẩy dựng lên: - Cái gì? Tôi phải thưa gởi anh hả? Thật nực cười. Đừng giở thói hạch sách, gia trưởng với tôi. Chán lắm! Ông Tuyển lè nhè: - Giỏi! Bữa nay em dám nói thế à? Chán là chán cái gì? Bà Vân lắc đầu: - Say thì ngủ cho rồi. Lải nhải, lè nhè khó coi quá. Hừ! Uống chẳng bằng ai cũng bày đặt uống. Ông Tuyển vỗ bàn đánh rầm làm Thư hết hồn: - Lại so sánh. Ai là ai chứ? Phải thằng Thiều, người xưa của em không? Mẹ kiếp! Em đi với nó suốt đêm phải không? Bà Vân sững sờ, còn Thư thì hoảng loạn. Cô không hiểu " thằng Thiều " là ai trong những người làm ăn với mẹ. Sao tự nhiên ba lại nhắc tới ông ta bằng thái độ học hằn khác thường như vậy. Bà Vân trấn tĩnh ngay: - Tôi không biết anh muốn nói tới ai. Mà anh say rồi, vào ngủ đi. Bà gọi to: - Lân! Kè ba mày vào giường. Ông Tuyển gào lên: - Tôi chưa chết đâu mà kè với cõng. Em đừng giả mù sa mưa nữa. Đã gọi đúng tên thằng đó là tôi biết cả rồi, chẳng qua lâu nay tôi im lặng vì muốn trong ấm ngoài êm, nhưng thật đáng buồn khi em không muốn thế. Bà Vân quát: - Ông im đi! Tôi mới là người muốn trong ấm ngoài êm nên đã nhẫn nại, chịu đựng nhiều chuyện chứ không phải ông đâu. Ông đừng khiến tôi phải nổi điên lên nhé. Tường Thư không biết phải can gián thế nào, giữa đêm vắng lặng, giọng ba me vang lên lồng lộng chói cả tai. Bất chợt Thư nhìn sang nhà Truyền. Anh ta nghe những lời này thì chả ra làm sao hết. Cô chạy lại bên mẹ: - Mẹ nhịn ba đi mẹ. Ai ngờ bà Vân càng lớn tiếng hơn: - Nhịn? Nhịn à? Mẹ đã nhịn quá lâu rồi giờ không nhịn nữa. Ông Tuyển nghiến răng: - Tôi đã làm gì mà em phải nhịn chứ? Bà Vân cười khẩy: - Tôi chịu đựng sự bất tài vô dụng của ông nhiều quá rồi. Ông thử tưởng tượng xem, trong hai năm trời cứ bán nhà lớn, mua nhà nhỏ rồi ở thuê dăm ba chỗ, cuối cùng chui ra tận chỗ vắng như đồng hoang này, phải là một áp lực quá lớn với mẹ con tôi không? Nếu có tài ông đã không dồn tôi và con tới chốn này. Mà đây cũng chưa chắc là chỗ ở cố định khi công việc làm ăn của ông tiếp tục giậm chân tại chỗ, nghĩ tới viễn cảnh mất luôn căn nhà này mà kinh hãi. Nợ ngân hàng sắp đáo hạn rồi đấy, và tôi không đủ sức chịu đựng nữa. Tôi lo sợ hùn hạp chỗ khác, thì ông lại đa nghi, ghen tuông vô lối. Ông còn xứng đáng mặt đàn ông hay không? Mặt tái xanh, ông Tuyển loạng choạng sấn tới: - Bà dám nói với chồng như vậy sao? Bà Vân cộc lốc: - Tôi nói đúng chớ không nói sai. Rõ ràng ông bất tài cơ mà. Ông Tuyển khoát tay: - Làm ăn có lúc vầy lúc khác. Tôi chưa để bà và con chết đói mà. Bà Vân cười khẩy: - Ông muốn tới mức chết đói, tôi mới có quyền lên tiếng hay sao? Hừ! Tôi thú thật, tôi hết xem ông là chỗ dựa rồi, tôi đành bươm chải một mình vì con cái, ông nghi ngờ, ghen tuông chi mặc xác ông. Vừa nói bà vừa bước vô phòng đóng rầm cửa lại. Bên ngoài, ông Tuyển nổi điên lên vơ chai rượu trên bàn ném mạnh xuống đất. Âm thanh chát chúa, nghe mới ghê làm sao. Tường Thư chợt mất vía cô vội vàng xuống bếp xách chổi và đồ đạc hốt rác lên quét những mảnh chai vỡ văng đầy sàn. Lân đến bên ông Tuyển: - Ba mệt rồi, vào ngủ với con. Xô mạnh nó ra, ông Tuyển hầm hầm: - Ngủ cái gì? Tối này tao với mẹ mày phải nói đâu ra đó. Mẹ kiếp! Đừng tưởng tao say là lầm. Tới cửa phòng ngủ, ông vừa đập mạnh vừa lớn tiếng: - Bà ra đây mau lên. Giọng bà Vân khinh khỉnh vọng ra: - Mệt lắm rồi, để cho tôi yên. Đá tung cửa phòng, ông Tuyển lao vào nhanh tới độ Thư và Lân không sao ngăn kịp. Vào tới trong, ông hùng hổ nắm tóc bà Vân lôi dậy: Miệng rít lên, ông Tuyển bảo: - Tôi phải dạy bà cách lễ độ với chồng. Hừ! Không dựa vào tôi thì bà dựa vào thằng nào mà bữa nay lớn lối dữ vậy? Bà Vân gạt mạnh tay chồng: - Buông ra! Tôi chán ông quá rồi. Ông Tuyển mất thăng bằng, té ngồi xuống giường. Bà Vân hậm hực bước lên lầu. Vừa đi bà vừa nói vọng xuống: - Đến nước này thì bỏ nhau còn sướng hơn. Sống với ông mấy chục năm, tôi chẳng được gì ngoài sự thua chị kém em. Ông cứ làm đâu lỗ đó như vừa qua làm sao tôi chịu nổi. Ông Tuyển đùng đùng chạy theo vợ: - Vốn liếng vẫn còn trong mấy căn biệt thự chưa bán được, bà nói thua lỗ là thua lỗ chỗ nào. Dạo này bà nghe ai mà cứ kiếm chuyện với tôi suốt vậy? Phải nghe thằng Thiều không? Đứng lại ở bậc trên cùng của cầu thang, bà Vân đanh đá: - Lại ghen tuông. Đúng là thằng tồi! - Hỗn này! Vừa nói, ông Tuyển vừa vung tay tát mạnh vào mặt vợ, bà Vân né khiến ông Tuyển mất đà ngã bổ qua một bên, đầu đập vào những bậc thang đá mài trong tiếng hét thất thanh của Tường Thư và trong sự sững sờ của Lân. Nhanh hơn ai hết, Lân chạy tới đỡ ông Truyền. - Ba! Ba! Mạc cho nó gào, ông nằm yên, người mềm oặt. Tường Thư khuỵu hai chân khi thấy máu từ đầu ông Tuyển nhỏ giỏi xuống gạch. Thằng Lân lắp bắp: - Me... mẹ giết chết ba rồi. Mặt bà Vân như hoá đá, đứng chết sững gần cả phút bà mới ngồi xuống xem vết thương. - Lấy bông băng cầm máu cho ba, nhanh lên Thư. Lân tiếp tục lay ông Tuyển, nhưng ông vẫn không tỉnh. Bà Vân lu loa khóc: - Trời ơi! Sao lại tới nông nổi này? Ông bày đặt rượu chè để làm khổ vợ con. Ối, ông ơi là ông! Tường Thư sợ xanh mặt, cô vừa lấy bông gòn chén kín chỗ bị chảy máu trên đầu ông Tuyển vừa méu máo hỏi Lân: - Bây giờ phải làm sao đây? Lân mím môi: - Chị gọi anh Truyền đi. - Sao lại gọi anh ta? - Chớ chị biết phải làm sao không? Bà Vân cũng đồng tình: - Gọi Truyền nhanh lên Rồi bà hạ giọng: - Cứ bảo là ba uống rượu say bị trượt chân té nghe chưa? Tường Thư gật đầu và nghe trong tim có điều gì vừa vỡ ra. Cô lập cập nhấn số điện thoại. Chuông reo hai hồi, đã nghe giọng Truyền: - Alô. Truyền đây. Thư hả? Tường Thư nghẹn lời: - Anh làm ơn sang nhà, ba tôi bị té, chảy máu nhiều quá, không biết phải làm sao nữa. Hu hu. Truyền nói nhanh: - Cứ bình tĩnh. Tôi sang ngay. Thư lập cập lấy chìa khoá ra mở cổng. Cô muốn đi thật nhanh, khổ nỗi cái chân bị bong gân lại trở chứng, nó nhói lên khiến cô phải cà nhắc lê từng bước. Tới sân, cô thấy Truyền đã nhảy rào sang, anh đi như chạy vào nhà. Anh tới bên ông Truyền và bảo bằng giọng chắc nịch: - Phải đưa bác vào bệnh viện. Bà Vân buột miệng: - Nghiêm trọng dữ vậy sao? Truyền gật đầu: - Vâng. Bác trai có rượu, lại chấn thương phía sau đầu. Anh bỏ lửng rồi nói tiếp: - Anh sẽ chở, Lân ngồi phía sau vịn bác cẩn thận nghen. Tường Thư mở cổng, Truyền leo rào về dẫn chiếc CB 125 qua. Ba mẹ con cô ì ạch khiêng ông Tuyển lên xe. Lân ngồi phía sau để ông Tuyển dựa vào người một cách khó nhọc. Giữa đêm tối của những bãi lau sậy cao quá đầu, ánh đèn xe của Truyền vẽ những vòng ánh sáng ngoằn ngoèo rồi mất hút. Thư nhìn mẹ bằng đôi mắt dò xét: - Con chở mẹ theo xem ba thế nào. Bà Vân chợt đấm ngực kêu trời: - Trời ơi! Sao khổ thân tôi thế này. Rượu vào rồi sanh sự với vợ cho xảy ra chuyện. Tường Thư mím môi: - Phải chi mẹ nhịn ba thì đâu có sao. - Nhịn hả? Ổng nói thế làm sao tao nhịn được. Hừ! Đã bất tài vô dụng còn bày đặt ghen tuông. Đúng là... đàn ông hèn. Tường Thư dẫn xe ra, giọng hơi xẵng: - Mẹ có đi không? - Hừ! Nếu tao bỏ ổng cũng lúc khác chớ không phải lúc này. Thư rồ xe và có cảm giác mình đang xé toang bóng đêm để đi tới. Nhưng trước mặt Thư vẫn dày đặc tối. Ngồi phía sau, mẹ tiếp tục lải nhải mắng mỏ chê trách ba. Đây không phải thói quen của bà, cũng như uống rượu vẫn chưa thành thói quen của ba. Vậy mà bỗng dưng hai người lại trở nên như thế. Tường Thư bỗng sợ hãi khi nghĩ đến những ngày sắp tới gia đình cô sẽ biến thành một gia đình khác mà trong đó ba mẹ sẽ là hai người xa lạ.