12
Cánh buồm bể hoạn

Thức khuya mới biết đêm dài. Sống đến hôm nay 12-1-1975, bảy mươi ba tuổi, còn hơn một tháng nữa tới tết Ất Mão, là đã bảy mươi tư. Kiếp già, sống thừa, sao chưa chết để tránh thấy những bài dám chê ông Trương Vĩnh Ký. Đọc Bách Khoa III XVII “Trương Vĩnh Ký trong quỹ đạo xâm lăng văn hoá Pháp”. Rồi đọc Bách Khoa R. IV-XVIII “Trương Vĩnh Ký, bài học cho kẻ hợp tác".
Đọc suốt hai bài, lấy làm tội nghiệp cho nhà học giả tiền bối miền Nam. Cũng may nhớ lại để an ủi, vừa đọc nơi chương 46, trong quyển quý giá "Tiếng hát sông Hương" của cụ Ung Bình Thúc Giạ Thị, do bà Tôn Nữ Hỷ Chương xuất bản năm 1972, nay mới gởi biếu. Đọc thấy hai bài như vầy:
1) Văn hào Trương Vĩnh Ký:
"Đạo đức văn chương là ông Trương Vĩnh Ký
Có tân thơ, có báo chí, có tự vị rõ ràng.
Thanh danh rạng giữa dinh hoàn.
Học xưa biết trước chỉ đàng cho hậu sinh"
2) Thi gia Tôn Thọ Tường:
"Nhả ngọc phun châu, có nhiều câu kiệt tác,
Hào đoan lỗi lạc, có nhiều đoạn danh ngôn.
Một tay thi sĩ tiếng đồn,
Cuối đời vua Tự Đức là ông Tôn Thọ Tường".
Thì ra kẻ khen người chê đều có, và gẫm lại không lý cụ Ưng Bình là con dòng cháu giống, học lực uyên thâm, cụ thấy xa hiểu rộng hơn nhiều và kể về thuật xét đời cụ há đi thua nhà hậu sanh dám đại ngôn kia? Lại cười cho mình đứng giữa hai thế kẹt: kẹt giữa thế hệ trên như cụ Ưng Bình uyên bác một lòng kính trọng người xưa, kẹt giữa thế hệ dưới ngựa con háu đá, té ra chê khen là quyền thiên hạ, chỉ nực cười cho mình là thế hệ hèn, sợ mãi: lúc nhỏ sợ cha mẹ, sợ thầy, trông về già được hết sợ, nay tuổi gần xuống lỗ, cái sợ cũng chưa tha: sợ đám trực chửi thầy. Hai ông Trương Vĩnh Ký và Tôn Thọ Tường mà có người đòi hạ bệ, thì mình là cái thá gì? Nhưng xét lại trong đời cạo giấy của mình đã trải., tôi chưa đánh đĩ kiếp người tuy trót đã làm tôi mọi ăn cơm chánh phủ Tây ngót hai chục năm dư, - nên tôi thẳng thắn tiếp tục chép ra đây khoảng đời tôi, nạp tài liệu sẵn cho người kia, muốn chửi tôi thì chửi.
Nhắc lại khi còn thuộc Pháp, kể về công chức cao cấp làm việc ở Toà Bố (nay đổi gọi toà hành chánh, và công chức đổi gọi cán bộ, chung qui danh từ tuy đổi chớ cũng một kiếp người cạo giấy kiếm cơm), lúc ấy cũng như bao nhiêu người đi trước và bao nhiêu kẻ đồng thời, tôi nào phân biệt thế nào là thương nước, và tự xét chánh phủ nào trên mảnh đất nầy, cũng vẫn cai trị và mình vẫn phải phục tùng, vẫn cho mình cơm ăn áo mặc. Duy mấy cậu sanh sau khỏi kiếp đô hộ, không thương bọn già nặng lời chỉ trích, chứ thuở ấy muốn làm Di Tề thấy hơi khó, bất thọ phạn Châu, nhưng rau Vi lại cũng mọc trên đất nhà Châu chớ mấy thứ? Thuở ấy trong hàng bồi Tây, mỗi thư ký chánh ngạch đều nuôi hy vọng trở thành huyện phủ, mỗi lính quèn đều ấp ủ trong túi cây gậy lính nhà đại tướng (chaque soldal loe danh sa giberne le bâton de maréchai). Ai đâu tôi không rõ, nuôi ác tâm thi đậu làm quan lớn, dễ hách dịch bóc lột, "làm dân chi phụ mẫu", nhưng đối với tôi, nói ra nay chẳng hổ lòng, tôi chỉ mong lên ngạch cao ăn lương lớn, dễ bề ăn xài, nhứt là mua sắm đồ xưa cho phỉ chí. Những năm khoảng trước 1925, trường cao đẳng dạy luật và hành chánh ở Hà Nội (école supcrieure de droỉt ét d'administration) chưa đào tạo và cung cấp đủ người dùng, thì chức huyện cũng được tuyển chọn trong hàng thơ ký soái phủ lâu năng, nhưng bắt buộc những người nầy phải qua hai kỳ thi đổ lửa:
a) Khoa nhứt gọi "examen de culture générale", khảo về học lực phổ thông, tương đối dễ mà khó, vì phải có thực tài, viết và nói tiếng Pháp thật cứng mới mong trói lọt. Tuy vậy vì là khoa khảo khí thường (examen), nên không nghe nói cần đánh phép. Khoa nầy năm 1927, tôi thi có một keo, may thời được chấm đậu đầu. Không biết nên gọi may hay là rủi, vì ngựa mơ háu đá, tôi ỷ tài phách lối, sau vì tiếc đeo đuổi theo hoài, quả tôi chưa từng thấy biển nên lội trong rạch ngòi mà tưởng mình là thợ giỏi,
b) Khoa kế, gọi "concours professionnel", (khảo về chuyên nghiệp và khả năng) khoa nầy thật gắt mấu, số thí sinh càng ngày càng nhiều, số lấy đỗ càng ngày càng sụt, vì vậy từ năm 1929 về sau, có nạn đánh phép, nay gọi phải nhờ đức Thánh Trần hộ mạng, thì mới mong thoát khỏi búa rìu giám khảo được, làm ngư vượt võ môn, cá chép biến thành rồng. Nói chí đáng không nên quơ đũa cả nắm phao cho hết thảy đều vậy, và cũng có nhiều bạn công phu nhiều, học tận tuỵ và thi với thực tài, vẫn đậu tự nhiên, nhưng số nầy rất ít. Nay việc cũ đã qua, bàn lại vô ích nhưng thiết tưởng đời nào cũng thế, vả lại tôi có chủ tâm muốn vạch những lỗi cũ của mình, dầu có người chửi, tôi cũng xin cúi đầu nhận tội và sám hối, nghĩ như vậy nên tôi vẫn phép ra đây, cho đúng câu: “Hơn nửa đời hư". Tại sao tôi mù quáng, không bỏ cuộc tìm con đường khác xuất thân. Rõ là hư, còn chối cãi gì nữa được. Nhưng trong thâm tâm, lúc ấy tương lai vận mạng nước nhà còn mịt mù, việc lấy lại độc lập như nay chưa thành vấn đề, đường công danh các bạn đồng bối và tôi đều nghĩ như nhau, làm việc kiếm cơm độ thê nhi, với nghề cạo giấy, thì chánh phủ nào cũng vậy, cũng đều một thế.
Trước năm 1926, người đậu khoa phổ thông thuộc số ít, nên ai đậu khoa nầy thì kể như chắc nắm chức huyện trong tay. Ngờ đâu, đến lượt tôi, đậu rồi năm 1927, bị bắt chờ đến năm 1929, đúng bốn năm trong chức vụ mới được thi và cũng từ năm 1929, gặp nạn kinh tế khủng hoảng mà chớ, thêm sĩ tử có bằng tú tài được thi chung với bọn tôi gốc thư ký và xui xẻo nhất là số tuyển chọn hạn chế có bốn người. Quả tôi đã quá ngây thơ và ngu muội, mãi tin nơi sự công bằng của giới quan trường thời đó. Kỳ thi tuyển khả năng từ 1929, tiếng rằng thi để chọn người rành việc hành chánh, kỳ trung đó là cửa mở rộng cho sự hối lộ, quan trên ăn theo đàng quan, bóp cổ bọn cò ke lục chốt lấy lại phần nào, và quan dưới tức thơ ký và tú tài, muốn đậu được bổ huyện hạng ba thì phải có lễ mễ, mặc sức vơ vét và tom góp lại sau. Những con gà không của và đá đòn trơn như tôi, sức mấy mà thi đỗ, tức ăn độ bao giờ?
Năm 1929, bài tôi là ai khá lắm, nếu tôi làm như người ta, nghĩa là nếu tôi chịu tốn một số tiền như người ta đòi hỏi nói sau đây, thì có lẽ tôi có hy vọng được chấm đậu cũng chưa biết chừng. Nguyên lai số điểm đậu, theo nguyên tắc, ít nhứt là phải trên số 412 điểm. Thế thì số điểm của tôi, lên đến 460 điểm tức dư chưng đậu. Nhưng vì số tuyển hạn chế chỉ lấy chỉ cỏ bốn người, phần kỳ thi nầy như đã nói là thi con cua (concours), nên mấy anh Tô Văn Qua, Trần Văn Chi, Thái Ngươi Xàng và tôi có tên trong bảng vi bằng năm 1929, hiện tôi còn giữ được. Nói thiết tỷ, nếu một trong bốn đứa chúng tôi, có dư tiền đánh phép cho thật đúng chỗ, thì cũng dám "soán ngôi" của anh số 4 Ngô Văn Hoá nào đây, được lắm chớ chẳng không. Nhưng nói mà chơi vậy thôi, chớ tài nào cải số, với ban giám khảo lang-sa năm ấy (1929) mà chánh chủ khảo là tham biện Bussière tỉnh Thủ Dầu Một.
Tôi còn nhớ rõ, năm đó, sau khi thi xong các bài viết, buổi chiều tôi đưa vợ tôi lúc đó là Tuyết, đến ăn cơm Tây nhà hàng Yeng-Yeng, cơm rồi đưa nhau về phòng trọ ở khách sạn Tân Hoà đường Bonard (nay là Lê Lợi). Vừa nhắm mắt dưỡng sức, vì mai nầy còn chịu một trận thử lửa hạch miệng, bỗng nghe có tiếng gõ cửa. Đó là bác Năm Mỹ, người ân nhân năm xưa cho tôi ở trọ ăn cơm tháng, nay đến thăm hỏi han vụ thi cử... Bỗng bác bảo tôi hãy đưa cho bác bốn ngàn đồng (4.000$00), thì sẽ đậu. Ông đốc phủ chủ quận Bến Cát (N.X.H) - bác Năm nói - ổng thấy danh sách có thể chấm đậu (admissible) có tên mầy, nay tao lãnh lịnh đi kiếm mầy, mầy đưa bốn ngàn cho ổng thì ổng nói một tiếng với chủ khảo là quan thầy của ổng, tức mầy được đậu tức thì.
Lúc ấy, tôi còn trẻ, sẵn tánh bộc trực và háo thắng, tôi khinh bỉ cười mà đáp rằng: “Thưa bác, bốn ngàn không dễ gì kiếm. Nếu tôi có, tôi sẽ mua một chiếc xe Citroen ba đầu nặng (ba chỗ ngồi), tôi và vợ tôi chiều chiều hóng gió chẳng là khoái hơn. Tôi không lo lót, vì hối lộ rồi ăn lại nhà nghèo, xấu hổ và thẹn với lương tâm.
Bác Năm khuyên tôi không được nên giận bỏ ra về, nhưng chưa đầy một giờ sau thì quay lại, dịu giọng cất nghĩa cho tôi nghe dịp may ngàn năm một thuở, phen nầy ông đốc phủ vì thua bài quá (ông đánh me), chịu bớt còn hai ngàn thôi, và cam đoan khi nào tôi thấy có tên trong bảng hổ, sẽ chi tiền. "Đ.m, như vậy là tốt quá bực, anh Năm hãy nói với nó, thuở nay các bác đàn anh đều dùng cây cầu ấy, khuyên nó đừng tưởng giỏi dùng cách khác, uổng công!". Đó là mấy lời nói nặng của ông N.X.H, nói với bác Năm và bảo bác nói nhắn lại cho tôi nghe. Nhưng nói và khuyên cách mấy cũng không đặng, nên bác bỏ ra về và không đến thăm tôi cho đến ngày thi rồi tôi trở về Sa Đéc.
Sáng bữa sau tôi vào phòng thi hạch miệng, tôi có cảm giác không khí ngột ngạt nặng nề. Tôi đang ngồi chùm nhúm với các bạn sĩ tử, thuật lại câu chuyện xảy ra đêm rồi, anh em bàn ra tán vào đứa thì không tin, đứa thì khen nhẹ giá sao tôi không y theo cho an phận, bỗng đến phiên ông chủ khảo bất tay làm việc và trước tiên ông gọi tên tôi lên cho dự thi. Nhưng thay vì hạch hỏi trong phạm vi khả năng, ông mời tôi trình giấy thuế thân cho ông khám. Đó là một việc bất thường và ngoại lệ, vì sĩ tử chỉ có hai mươi ba người, và thảy đều biết mặt nhau, đâu có sự trồng tréo giả mạo gì được. Chủ khảo đọc trên tờ thuế thân (như tờ căn cước ngày nay), thấy tôi sanh năm 1904, vào năm 1929 đúng hai mươi lăm tuổi, ông bầu môi nhưng không nói gì, trả lại giấy thuế và mời tôi bắt thăm chọn đề tài. Tôi quên nói kỳ thi nầy rất quan trọng, sĩ tử có 23 người nên đề tài câu hỏi được viết sẵn trên giấy rời, cuốn tròn lại và đặt trong lòng ruột chiếc đỉnh đồng, lá thăm nào bóc rồi là loại luôn, không dùng lại nữa, để lãnh sự trùng điệp. Đề tài tôi chọn được là "Le budget régional" (sổ công nho địa hạt). Tôi đang đứng diễn giải nghe giòn giã, bỗng ông chủ khảo ngắt ngang và hỏi tôi một cách bất ngờ: "Xin vui lòng cho biết thầy giữ chức việc gì tại toà bố và ở tỉnh nào?". Tôi thành thật thưa: "Dạ, tôi hiện làm việc ở toà bố tỉnh Sa Đéc và có phận sự trông nom về công nho địa hạt”. Ông vụt vỗ bàn cười lớn và phân bua: "Hèn chi anh nói nghe suôn sẻ và rành mạch quá! Như vậy là trúng tủ anh rồi. Nhưng đây là kỳ thi về khả năng công chức cao cấp và Uỷ ban chúng tôi có trách nhiệm tuyển chọn người xứng đáng, nhứt là tránh sự may rủi. Vậy thì anh hãy nói qua "công nho tài chính nhượng địa Quảng Châu Loan” để xem thực tài của anh ra thế nào, như anh nói được tôi sẽ cho điểm cao”.
Và tức nhiên vì tôi khinh thường không nghiên cứu vấn đề “Le budget du Kouang-tchéou-wan” và không trả lời ổn thoả. (Mà tôi dám chắc trong đám sĩ tử kỳ thi đó cũng đều bí lối như tôi). Và kết quả là tôi thi rớt.
Năm ấy thi rồi về tỉnh Sa Đéc, trong tai tôi còn văng vẳng câu khuyên nhiều ý nghĩa của vị chủ khảo là tham biện Thủ Dầu Một Bussière: "Thầy còn trẻ quá, mới hai mươi lăm tuổi đầu, còn đủ thì giờ để già dặn thêm. Đường công danh thầy còn dài, và tương lai hy vọng thầy còn tràn trề. Thầy nên nhẫn nại... Hãy xem mấy bạn đồng khoa với thầy ngồi dưới kia, người nào cũng đầu hai thứ tóc, mà còn lận đận nơi trường ốc. Kẻ trước tới người sau cũng tới, lo gì? Theo tôi, thầy nên nhường chỗ cho họ, qua sang năm tôi sẽ nhớ đến thầy nếu tôi còn được cử làm chủ khảo như năm nay. Hề hề! Phàm trái cây, phải đợi chín muồi mới là trái ngon?"
Như vậy, thử hỏi nếu đêm rồi tôi ưng thuận chịu lo hối lộ cho chim mồi là ông Phủ Bến Cát, thì bữa nay tôi có hy vọng gì khỏi bị tham biện Thủ Dầu Một Bussière hỏi câu hóc búa và cứu độ cho tôi đậu không?
Tại sao tôi không sớm tỉnh ngộ và chịu hiểu câu nói đầy ý nghĩa của chủ khảo, nửa đùa nửa thật, nửa khuyên tôi nên biết điều, nửa dạy tôi ẩn nhẫn đợi thời. Nhưng nay việc rồi tôi xét lại, chẳng qua đó là luật nhơn quả, đó là then chốt. Không có vậy, làm sao có chuyện viết thành sách "Hơn nửa đời hư".
Đại phàm rượu phải uống cho đến cặn, và tôi xin thuật lại đây tường tận nỗi mờ ám của tôi xin chớ trách tôi dài dòng và như vậy mới thấy những hư hèn của tôi, và ai là khách đã qua cầu mới biết.
Suốt mười bốn năm bất tận, tôi ngu muội đeo đuổi theo nghiệp khoa cử hư danh, từ năm 1929 đến năm 1942, mà chưa tỉnh mộng, cứ tin thi mãi có ngày đậu. Ngờ đâu ngày nay nghiệm ra và giác ngộ đã trễ, thi concours professionnel, tiếng rằng thi chọn người có khả năng chức nghiệp, kỳ trung là thi mánh khóe, ai giỏi chạy chọt là có phần may "tới nơi tới chốn", chớ dễ gì lấy tài "trơn" ra ứng cử, khác nào con gà đá độ không cựa mà dám so tài với gà "cựa chuối bén ngót như dao", mình thi tài mà họ thi tiền thì mình thua là cái chắc.
Tại sao lúc đó tôi không bỏ nghề cạo giấy, sang qua nghề khác ít cạnh tranh như nghề làm báo hay viết lách chẳng là hơn. Nhưng như đã nói, tôi ngu tối, vẫn ngây thơ hiểu rằng nghề làm thơ ký cho chánh phủ vẫn là nghề trong sạch như muôn nghề khác, miễn mình ở giữa đám bùn lầy mà không nhiễm tật xấu, hối lộ ăn của đút, thì lương tâm vững vàng.
- Kỳ thi thứ 2: mở ngày 1-12-1931. Sĩ từ 27 người. Chủ khảo là ông Estèbe, tham biện chủ tỉnh Tân An, phụ tá chủ khảo là ông Bunou, đầu Phòng Nhứt dinh Thượng Thơ (Nội vụ) và giám thị kỳ thi viết là ông Đốc phủ Ngô Văn Chiêu, người đầu tiên từ Hà tiên đem về Sài Gòn thuyết xây ghế cầu cơ, tức nguồn gốc của đạo Cao Đài sau nầy. Kết quả có năm người đậu.
Năm nay tôi thi rớt là đáng kiếp vì suốt năm 1931, tôi mảng lo việc gia tài cho Tư là người vợ nay đã ly dị. Năm nầy có một sĩ tử gặp dịp may hiếm có là bài viết kỳ 3, thảo lại bức thư trả lời một vấn đề nào đó, thì ông T, gặp bản giáp (minute de lettre) bỏ quên sót lại trong hồ sơ, ông đánh liều chép y rồi thủ tiêu bản giáp, bài được chấm nhứt hạng. Mãi lâu sau ông Võ Văn Nhiều mới thuật lại.
Kỳ thi thứ 3: Mở ngày 1-3- 1933 - Số sĩ tử quên ghi. Có ba người đậu.
Năm nầy, thi rồi hồ sơ đều niêm lại không cho ai biết, kết quả tuyên bố rất trễ. Có một người chỉ có công dò giấy số cho bà thống đốc Krautheimer mà nên công danh. Riêng tôi, công đăng hoả mấy tháng trời, học đến xếp ve mà vẫn phủi tay không, tuy chủ khảo là tham biện Le Strat trước nhậm ở Sa Đéc, có biết học lực và tánh tình tôi, nhưng không giúp ích được gì.
Kỳ thi thứ 4: Mở ngày 16-12-1935 - Chủ khảo, gặp Bussière lại nữa, và kỳ nầy ông cũng xét giấy thuế thân tôi mà không xét người nào khác: tại sao?
Phụ khảo: Ông Nay de Touris, sở kho bạc và ông Monvoisin, dinh Thượng Thơ.
Giám thị kỳ thi viết: Ông đốc phủ Hồ Biểu Chánh (Hồ Văn Trung).
Kỳ nầy, chua cay là rớt số Một, khít nút với người đội sổ. Gặp thầy bói tên Trần Thúc Sanh, coi tay và coi tướng, nói mình về già tốt phúc, năm nay không đậu vì tiểu nhơn ám hại, muốn đậu phải liều như đánh bài thua. Nhưng mình vẫn nhứt quyết không "liều như đánh bài", chỉ tự trách còn óc mê tín, tin dị đoan và vẫn đi xem bói.
Kỳ thi thứ 5 - Mở ngày 24-8- 1937 - Chủ khảo: Ông Roger.
Phụ tá giám khảo: Ông Nadal đầu phòng Ba và ông Josa đầu phòng Tư, dinh Thượng Thơ.
Cử tử có hai mươi tám người, mình rớt số 28 vì tội dám cãi lý với giám khảo. Số lấy đậu là bốn người, cũng quên biên danh tỉnh để lại, vì buồn tủi. Từ năm nầy, vẫn thi đi cho lấy có, nhưng đã thất niềm tin và tự chủ. Lại nữa, bề thế đã đổi thay, gia tư khá hơn.trước, nhờ ăn gia tài của Bà Phủ An Sốc Trăng là nội tổ người bạn nay đã ly dị. Tình thế nay đổi đời, nhưng không dám quên tri ân người đã khuất. Cũng từ đây, say mê đồ cổ, mỗi lần thi rớt là an ủi mua về một cổ ngoạn đáng giá, bất ngờ nay trở nên một thành công lớn, còn lớn hơn buổi xưa thớt đậu. Ô hô! Thời da? Mệnh da? Chẳng qua vì vận thời, không nên trách cứ vào số mạng và nên tự tin vào sức của mình tự tạo là hơn.
Kỳ thi thứ 6 - Mở liền năm sau, ngày 1-6-1938, nên các cử từ đều không dự bị kịp. Ông Larivière, tham biện tỉnh Bạc Liêu làm chủ khảo. Phụ tá giám khảo gồm ông Nadal đầu phòng Ba và ông Kresser, đầu phòng Tư, dinh Thượng Thơ. Kỳ nầy đăng cáo thị lấy sáu người đậu, nhưng ông Larivère do có cảm tình và từng thấy cách tôi làm việc tại toà bố Cần Thơ, nên sau khi thi, ông không tuyên bố kết quả mà lập biên bản đề nghị lên quan thống đốc xin tuyển thêm ba người đậu số 7 là tôi, số 8 là Trang và số 9 là ông Hải, viện cớ cả ba đều có số điểm trên trung bình và đáng được chấm đậu. Rủi cho tôi, lúc đó lại có thơ rơi tố cáo tôi: a) Lo lót tiền bạc (năm trăm đồng) cho một cò-mi làm việc tại phòng nhơn ty và biết đầu đề bài thi viết, b) Tôi có hạnh kiểm xấu, bỏ vợ nghèo cưới vợ giàu, c) Đã mua chuộc tham biện Le Strat kỳ thi năm 1933 v.v...
Vì vậy, ông Larivière nổi giận, thay tờ vi bằng khác, lại bỏ tôi ra và chấm đậu tám người. Đây là một bài học đau thương, vì tôi giàu có nên có người ganh ghét ám hại, khi tôi kêu oan thì sự đã trễ, nên xử chìm xuống, hứa lại kỳ sau.
Kỳ thứ 7: Mở ngày 19-2-1941. Kỳ nầy có đến hai ban giám khảo: a) Ban giám thị gồm ba ông: Kerjean, Le Pellisier và Trịnh Đình Quý, coi thi, b) Ban giám khảo thi và chấm bài, gồm ba ông: Goutcs, tranh biện Chợ Lớn; Rolland, ngạch điền thổ và Mialin, đầu phòng Nhứt, dinh Thượng Thơ.
Kỳ thi nầy có một cải cách là cho thi ứng đáp trước khi thi ám tả. Cử tử cả thảy là hai mươi người nhưng qua kỳ hạch miệng chỉ còn lại có tám người, trong số ấy có tôi. Nhưng khi thi xong ba bài viết đến chiều ngày 22-2-1941, ông Rebouillat, chủ sự phòng Nhơn ty, đã quen với tôi lúc ở Cần Thơ, nay ông cho hay tôi rớt nữa, và các số điểm của tôi là:
Kỳ ứng đáp, nôm na gọi thi hạch miệng.
Hành chánh (d'aministralion générale) 10
Tài chính (régime financier) 15
Luật (d'roit) 16
Sử địa (géographie) 18
Hành chánh địa phương
(administration provinciale) 12
____
71
Thi viết Bài thứ nhứt, số điểm và hệ số 11 x 5 = 55
Bài thứ hai 11 x 3 = 33
Bài thứ ba 8 x 5 = 40
Bài thứ tư 11 x 5 = 55
Bài thứ năm 11 x 3 = 33
___________
216
Cộng: 287
Theo nguyên tắc phải có 312 điểm là bực trung mới đậu, và tôi thiêu 25 điểm, trong số đó có ba người đậu.
Hôm biết được kết quả, tôi phải gọi xe kéo đưa về nhà vì quá buồn. Hôm sau không còn lòng nào làm việc, định xin thôi về nhà vui thú điền viên nhưng ông Rebouillat cho hay lúc nầy tình hình nghiêm trọng, chánh phủ không chấp nhận cho tôi đâu mà hòng làm đơn vô ích. Ông lại cho hay trong một bài viết tôi có dùng một câu chữ la-tinh mà ban giám khảo nghi là "không tự nhiên ắt có tá tha nhơn làm bải giùm" nên cho điểm nhỏ (8 x 5), vì vậy mà rớt.
- Kỳ thi thứ 8 và kỳ chót - Mở hội thi ngày 21-7-1942. Ban giám khảo gồm có: Wolf, tham biện chủ tỉnh Thủ Dầu Một, chánh chủ khảo và Freyssenge và Bealvais, đầu phòng nơi dinh Thượng Thơ, giáp ất phó chủ khảo.
Cử tử 24 người gồm bốn tú tài và 20 thơ ký đã đậu khoa phổ thông (culture générale), trong số có các bạn quen cũ là Nguyễn Đình Hào, Dương Văn Hưng, Hồ Văn Mạnh, Nguyễn Văn Vạng, Dương Văn Ký, Trần Văn Hưng, v.v...
Năm nay tôi rớt đau nhứt và nhục nhã nhứt vì bị loại vòng đầu trong kỳ hạch miệng. Và kỳ thi chấm đậu có ba người cũng quen biết và không nhớ rõ là ai, nhưng trong số đó có anh Dương Văn Ký. Một anh nữa là Nguyễn Văn Giáo nhưng sau cuộc đảo chính dưới trào thủ tướng Nguyễn Văn Thinh, anh được bổ nhiệm làm huyện và lần lên đốc phủ đó là việc khác.
Riêng tôi, thất bại về thi cử, kể bảy lần trước thì lòng có buồn tức thật vì có thể đậu nhưng bị ganh tị hoặc bị nghi ngờ việc nầy việc nọ mà rớt. Duy đến kỳ thứ tám nầy, rớt rồi lòng không buồn ức nữa mà chỉ chán chê cho cử nghiệp lao đao lận đận, khi biết mình luôn luôn bị dìm, bị đè đầu xuống thì mong gì đâu? Việc làm đầu tiên là ngày 25-7-1942 ôm mớ sách học thi cả thảy tám cuốn, đem lại hiệu Tín Mỹ đường La Grandière bán được hai mươi bảy đồng, chiều lại đem tiêu vèo trong một bữa cơm Chợ Lớn, tống khứ cái giấc mê đồ ham làm huyện làm phủ, trong khi tài không có mà miệng thế gièm pha thì nhiều. Cái nghề làm huyện để cai tri dân, đâu phải để dành cho những kẻ dại dột như tôi muốn trong sạch và không chịu đi theo con đường vạch sẵn, là phải lo lót để thi đậu rồi vơ vét mót máy gỡ vốn lại sau. Tôi nói đây không có ý quơ đũa cả nắm và xin chừa những anh có thực tài, đi thi và đậu do sức riêng, tức không cậy thần cậy thế. Lúc đó tôi rất tự tin nơi tuổi trẻ và nơi công lao ăn học, tưởng rằng “có công mài sắt có ngày nên kim", nhưng nói mãi nhàm tai, tôi xin chịu tội lúc nhỏ duy có một chữ xứng đáng đánh dấu cuộc đời “phân nứa kiếp” của tôi, đó là chữ "Hư" to tướng.
Và cuốn sách nầy, lấy nhan là "Hơn nửa đời hư" là vì vậy.
Viết đến đây, miệng đắng lưới khô, lỡ khóc lỡ cười, vừa nhớ vừa thấm thía câu bất hủ trong Cung Oán:
Cánh buồm bể hoạn mênh mang,
Cái phong ba khéo cợt phường lợi danh!
Còn nhiều câu nữa đều hay và dạy đời, nhưng mình không nên ngâm, vì dẫu cho giọng tốt cũng nên câm miệng lại, vì rõ là "thằng Hư!".
Cám ơn đã được thi rớt!