Người thọt dẫu có bước nhanh thì cũng như người chột muốn liếc mắt nhìn ngang: không làm sao đến đích cho nhanh được. Vả lại, tâm thần Phôsơlơvăng rối tung. Phải đến mười lăm phút, ông mới lê được về đến căn nhà nơi góc vườn. Côdét đã dậy. Giăng VanGiăng đặt nó ngồi bên đống lửa. Vừa lúc Phôsơlơvăng bước vào nhà thì Giăng VanGiăng đang chỉ cái giỏ treo trên tường mà bảo: - Con ạ, con nghe kỹ đây này. Bây giờ hai bố con mình phải ra khỏi nhà này: ra rồi lại trở vào, ở đây tha hồ sướng. Ông già này sẽ cho con vào giỏ để mang con ra. Con đợi bố ở nhà một bà quen biết. Bố sẽ đến đón. Nhớ kỹ, con phải vâng lời mà nín thin thít không thì mụ Tênácđiê lại đến bắt cho mà xem. Côdét nghiêm trang gật đầu. Thấy tiếng Phôsơlơvăng đẩy cửa, Giăng VanGiăng quay lại: Thế nào bác? - Xong xuôi cả, thế mà lại chưa đâu vào đâu. Đã được phép đưa bác vào ở đây. Nhưng phải đưa bác ra trước đã. Thế mới kẹt chứ! Cháu bé thì dễ lắm. Bác mang cháu đi à? Cháu có im được không? Bác cứ tin ở tôi. Thế còn bác, bác Mađơlen ơi?... Sau một lát yên lặng nặng nề, ông Phôsơlơvăng kêu lên: Bác vào lối nào thì cứ lối ấy mà ra chứ sao! Giăng VanGiăng chỉ trả lời gọn lỏn như lần trước: “Không thể được”. Phôsơlơvăng lầm bầm như muốn nói một mình chứ không phải nói với Giăng VanGiăng: - Có một việc khác làm mình dằn vặt. Mình nói mình sẽ đổ đất vào. Ấy thế nhưng mà mình nghĩ lại thấy đất mà thay cho xác chết thì chẳng giống tí nào. Không ổn đâu, đất xê dịch, đất động đậy, người khiêng sẽ nhận thấy điều đó. Bác Mađơlen hiểu chứ, bọn phu nhận thấy được chính phủ cũng sẽ nhận thấy. Giăng VanGiăng nhìn thẳng vào mắt lão và tưởng lão mê sảng. Lão lại nói: - Bác ra cách đếch nào bây giờ? Mai là phải xong xuôi cả. Mai tôi phải dẫn bác vào đây rồi. Mẹ nhất chờ bác đấy. Nói xong, ông cắt nghĩa cho Giăng VanGiăng biết là được như thế, bởi vì ông đã giúp giáo hội được một việc và người ta thưởng công cho ông ta: là ông cũng được dự phần chôn cất mẹ Cơruyxiphixiông; là ông đóng áo quan và giúp việc hạ huyệt. Còn mẹ Cơruyxiphixiông qua đời sáng nay, theo yêu cầu của mẹ, thì đặt trong quan tài riêng mà bà vẫn nằm và chôn ngay trong hầm mộ dưới bàn thờ của nhà nguyện. Sở cảnh sát cấm ngặt việc này. Nhưng mẹ Cơruyxiphixiông thuộc loại nữ tu sĩ muốn gì cần phải được nấy. Mẹ nhất và các mẹ khác đều nhất định làm theo ý nguyện của người đã chết, còn thì mặc kệ chính phủ. Lão Phôsơlơvăng này sẽ đóng cái quan tài trong buồng riêng, rồi mở nắp hầm mộ ra mà chôn dưới hầm. Mẹ nhất đền ơn ông lão bằng cách, cho người em lão và đứa cháu gái được ở trong nhà tu, ông làm vườn, cháu đi học. Người em ấy, chính là ông Mađơlen, đứa cháu gái là Côdét. Mẹ nhất bảo chiều mai phải dẫn hai người vào, sau cuộc đưa ma giả. Nhưng làm thế nào để dẫn ông Mađơlen vào được, khi ông Mađơlen vẫn ở trong này. Đấy là điều lúng túng thứ nhất; thứ hai là còn chiếc quan tài rỗng. Giăng VanGiăng hỏi: Cái quan tài rỗng là thế nào? Cái quan tài của Nhà nước ấy mà. Quan tài nào? Nhà nước nào? - Có một mẹ chết. Người y sĩ thành phố đến khám và bảo có một mẹ chết. Thế là chính phủ đưa một cái quan tài đến. Ngày hôm sau, chính phủ lại đưa xe và phu đòn đến để đưa ra nghĩa trang. Phu đến, khiêng quan tài lên, sẽ thấy nhẹ bỗng. Cứ nhét cái gì vào đấy. Một xác chết à? Tôi làm gì có. Không. Thế cái gì? Một người sống. Ai cơ? Tôi. Phôsơlơvăng giật bắn người đứng dậy, như thể có pháo nổ ngay dưới ghế. Bác ấy à? Chứ sao? Giăng VanGiăng mỉm cười, - cái mỉm cười hãn hữu như một tia sáng trong bầu trời mùa đông. - Bác Phôsơlơvăng này, bác chả vừa nói: Mẹ Cơruyxiphixiông chết, mà tôi chả nói thêm “còn lão Mađơlen thì phải chôn đi” à? Thế mà thành sự thật đấy. - Bác chỉ hay nói bóng. - Nói thật đấy chứ. Phải ra khỏi đây phải không? - Vâng. - Tôi đã bảo bác cũng phải kiếm cho tôi cái giỏ và tấm bạt. - Thế sao? - Giỏ thì giỏ gỗ thông, còn bạt thì là tấm chăn liệm đen. - Không, khăn trắng chứ. Đám tang các nữ tu sĩ tuyền trắng hết. - Ừ thì trắng. - Bác Mađơlen, bác thật khác người. Thấy những điều tưởng tượng như vậy, những điều tưởng tượng đó vốn chỉ là những phát minh tự nhiên và táo bạo trong tù, vượt qua sự yên ổn thường nhật, can thiệp vào nề nếp của tu viện, đó là những điều khiến lão Phôsơlơvăng kinh ngạc, đó là những người qua đường nhìn thấy chim hải âu bắt cá trong rãnh nước phố Xanh Đơni. Giăng VanGiăng nói tiếp: - Cần phải ra khỏi đây mà không bị lộ. Cách ấy cũng tiện. Nhưng tôi hỏi bác cái này. Công việc tiến hành thế nào? Cái quan tài ấy để đâu? - Cái quan tài rỗng ấy à? - Phải. - Ở dưới kia, dưới nhà xác. Quan tài đặt trên hai cái giá, phủ một cái chăn liệm. - Quan tài dài bao nhiêu? - Hai thước. - Nhà xác là thế nào? - Đấy là một buồng ở tầng nền, có một cửa sổ trông ra vườn, căng lưới sắt, muốn đóng cửa phải đứng phía ngoài mà đóng; và có hai cửa ra vào, một thông với nhà tu, một thông ra nhà thờ. - Nhà thờ nào? - Nhà thờ ngoài phố đấy, nhà thờ chung của dân. - Bác có chìa khóa hai cửa ấy không? - Không. Tôi chỉ giữ chìa khóa cửa vào nhà tu; còn chìa khóa cửa kia thì bác gác giữ. - Lúc nào thì bác gác mở cửa? - Chỉ mở một lần cho phu đòn vào khiêng quan tài xong lại đóng ngay. - Ai đóng quan tài? - Tôi. - Ai phủ khăn liệm? - Tôi. - Chỉ có một mình bác? - Phải, ngoài tôi và ông y sĩ của sở cảnh sát không người đàn ông nào được vào buồng ấy. Trên tường, có viết hẳn hoi như thế. - Đêm nay, lúc nhà tu ngủ cả, bác có cách nào giấu tôi vào buồng ấy được không? - Không: nhưng có một cái kho hẹp thông với nhà xác, để dụng cụ chôn cất; có thể giấu bác ở đấy được. Tôi giữ kho ấy, lại có chìa khóa. - Mấy giờ mai xe tang đến đưa quan tài đi? - Độ ba giờ chiều. Chôn ở nghĩa địa Vôgira, lúc sẩm tối. Cũng khá xa. - Tôi sẽ trốn trong buồng kho suốt đêm nay và buổi sáng sớm. Còn ăn uống thì thế nào. Bị đói mất. - Tôi sẽ mang cái ăn đến cho bác. - Thế là đến hai giờ trưa, bác đến đóng quan tài của tôi lại. Phôsơlơvăng lùi lại một bước, bẻ khúc tay kêu răng rắc. Không làm thế được. Có gì đâu, cứ việc cầm búa mà nện cho đinh ăn phập vào tấm ván mà! Điều đối với Giăng VanGiăng thật giản dị thì Phôsơlơvăng lại thấy dị thường. Giăng VanGiăng đã từng gặp nhiều khúc eo nguy hiểm hơn. Đã ở tù thì ai cũng biết cái nghệ thuật tài tình là thu mình cho lọt tất cả những khe hở để mà trốn thoát. Kẻ tù nhân bao giờ cũng mong vượt ngục, cũng như người ốm tất gặp lúc lên cơn, một là sống hai là chết. Vượt ngục, tức là khỏi bệnh này. Muốn khỏi bệnh thì làm gì chẳng phải làm? Để người ta đóng đinh lên quan tài mình nằm, rồi để người ta khuân đi như khuân một kiện hàng, sống khá lâu trong cái hòm kín mít, thở trong một nơi không có không khí, biết cách hà tiện hơi thở hàng mấy giờ liền, biết cách chịu ngạt mà không chết; đấy là tất cả tài nghệ não lòng của Giăng VanGiăng. Nhưng một cái áo quan đựng một người sống, mưu mẹo của một tù nhân khổ sai cũng là mưu mẹo của một vị hoàng đế. Nếu tin lời linh mục Ôtstanh Catstilêgiô, đây là cái mẹo của Sáclơ Canh dùng sau khi ông đã thoái vị để gặp lại một lần cuối cùng La Pôlômbơ: bằng cách ấy người ta đã đưa nàng kia vào trong tu viện Xanh Giuyt, rồi lại đưa ra. Phôsơlơvăng đã hơi hoàn hồn, ông nói: Làm thế nào để thở được? Tôi thở được. Trong cái hòm ấy à? Tôi chỉ nghĩ đến cũng đủ chết ngạt rồi. - Chắc là bác có mũi khoan; bác khoan cho tôi mấy lỗ nhỏ quanh chỗ mồm và lúc đóng ván thiên, bác chớ đóng khít quá. Được, thế nhỡ bác ho hay hắt hơi thì sao? Đã đi trốn thì không ho, cũng không hắt hơi. Giăng VanGiăng lại nói thêm: - Bác ạ, ta phải nhất quyết đi thôi: một là bị bắt ở đây hai là phải chui vào xe tang mà ra. Chắc ai cũng nhận thấy giống mèo ưa cái thú dừng lại quẩn quanh giữa hai cánh cửa hé mở. Ai chả bảo con mèo thì mày vào đi. Người cũng vậy, có những kẻ đứng trước một khó khăn vừa chợt tới thì cũng hay lưỡng lự giữa hai thái độ, để đến nỗi có khi số mệnh chợt ấp xuống nghiền nát mình và kết thúc sự kiện. Những kẻ quá thận trọng, mặc dù cẩn thận như mèo và chính vì họ là mèo, đôi khi gặp nguy hiểm hơn là những kẻ táo bạo. Phôsơlơvăng thuộc vào hạng người hay lưỡng lự như thế. Nhưng dù sao, sự gan dạ của Giăng VanGiăng cũng thắng được ông. Ông lầm bầm: Ngoài cách ấy cũng không còn cách nào khác. Giăng VanGiăng lại nói: - Tôi chỉ ngại có một điều là ra ngoài nghĩa địa không biết công việc sẽ thế như nào. - Ấy, cái ấy tôi lại không lo. Nếu bác biết cách nằm trong quan tài vô sự, thì tôi, chắc chắn là tôi sẽ lôi được bác lên khỏi huyệt. Cái lão đào huyệt, tôi quen thân, lúc nào cũng say bí tỉ. Lão Métchiên ấy mà. Lão đào huyệt bỏ người chết trong huyệt mà tôi thì tôi bỏ lão đào huyệt trong túi tôi. Công việc thế nào, để tôi nói bác rõ. Đến nghĩa trang lúc sắp tối, khoảng bốn mươi nhăm phút trước khi nghĩa trang đóng cổng. Xe tang đi đến tận huyệt; việc của tôi là phải đi theo xe. Tôi sẽ bỏ túi một cái búa, một cái đục và một cái kìm. Lúc xe đỗ, bọn phu đòn lấy thừng buộc quan tài lại, hạ bác xuống huyệt. Linh mục cầu kinh, làm dấu, rẩy nước thánh rồi chuồn. Thế là chỉ còn tôi với lão Métchiên. Ấy, bạn nối khố đấy nhé. Chỉ có hai điều, một là hắn say túy lúy, hai là không say. Không say thì tôi chỉ bảo: “Này, quán Bông-quăng còn mở đấy, ra làm một tợp đi”. Thế là cứ việc kéo hắn đi, rồi đổ rượu cho hắn say. Lão Métchiên thì chỉ một chốc là say mềm vì lúc nào hắn cũng đã sẵn ngà ngà. Lúc ấy tôi sẽ đặt hắn nằm xuống gầm bàn rồi lấy tấm thẻ của hắn để vào nghĩa trang một mình. Thế là chỉ còn một mình tôi với bác. Còn nếu hắn đã say sẵn thì chỉ việc bảo: “Thôi, cút đi, không ai khiến, mình làm hộ cho”. Hắn đi là tôi cứ việc kéo bác ở dưới hố lên. Giăng VanGiăng chìa bàn tay ra, ông Phôsơlơvăng ôm chầm lấy với tất cả tấm tình nồng nàn, chất phác. Cứ thế, bác Phôsơlơvăng nhé. Rồi ổn cả. Phôsơlơvăng nghĩ thầm: - Miễn là không gặp trở ngại gì. Không thì nguy lắm.