Chương 14

    
húc mừng anh bạn trở về, tuy hơi hỗn một chút. Thằng Khánh chào tôi ở tư thế nửa nằm nửa ngồi mãn tính bằng một câu trịch thượng như thế. Và câu thứ hai là:
Sao? Đưa về cho nhà được bao nhiêu?
Nhiêu gì?
Anh bạn cứ hay vui tính. Nhiêu vàng chứ nhiêu gì nữa. Mấy chục cây? Hay hơn? Chắc cũng đủ sang tên được mấy miếng đất miếng vườn?
Cậu đùa hay thật đấy? - Một cục than đã bén lửa sau lưng, tôi nghiêm mặt.
Thằng Hùng, mày thấy tao thích đùa lắm à?
Vậy theo mày (Đã đến lúc không còn xử lễ được nữa) tao mang về bao nhiêu?
Bao nhiêu tự mày biết.
Tức là mày bảo tao ăn cắp, tao biển thủ, tao xà xẻo của chung?
Không hẳn như thế nhưng, chặc, cũng đại loại như thế. Bụng thằng nào chả cứt.
Cục lửa đã chạy lên đến đỉnh đầu, bao nhiêu u uất dồn về một lượt, không kìm chế nổi nữa và cũng không thèm kiềm chế, tôi nắm ngực áo dựng nó dậy, nói thốc vào mặt:
Khánh! Nể tình bạn bè, chịu ơn mày cưu mang, tao nhịn mày bao lâu nay thế là đủ lắm rồi, bây giờ ngồi thẳng người lên, nói chuyện người lớn. Ngồi lên!
Hắn ngồi nhưng lại ngoẹo đầu ra cười, cười rất đểu như đang cười một trò chơi con nít. Chát! Tôi giáng mạnh một cái bạt tai vào giữa mặt hắn. Bốp! Thêm một cú nữa. Hắn hết cười, mắt long lên sòng sọc:
Thằng Hùng! Mày dám đánh tao à?
Hắn mở ngăn kéo chắc là định lấy khẩu súng nhưng tôi kịp hất tay sập trở lại:
Tao không đánh. Tao đánh, mày không còn ngồi được như thế này đâu. Tao muốn cho mày tỉnh lại để nói chuyện.
Thoáng nhìn vào nắm tay to tướng đang nổi gân nổi guốc của tôi có thể sẵn sàng bổ xuống bất cứ lúc nào, hắn lại cười, nhưng là cái cười héo quắt:
Chuyện gì, nói! Ngắn gọn thôi, tao không có thì giờ.
Mày chỉ có thì giờ hút xách, bài bạc, đĩ điếm chứ gì. Thôi được, nghe đây, tao cũng không nhiều thì giờ lắm đâu. Thứ nhất, phải cải cách, sắp xếp lại toàn bộ và triệt để cung cách làm ăn.
Như nghị quyết thị uỷ, nghe kinh bỏ mẹ!
Phải thưởng phạt phân minh, phạt cái đáng phạt, thưởng cái đáng thưởng. Bãi bỏ đồng lương bình quân chết đói, từ nay áp dụng lương hai nấc: Làm tốt, ba chỉ, làm không tốt, hai chỉ để khuyên khích năng suất và cũng để lính khỏi bỏ đi chỗ khác. Phải lập vành đai bảo vệ tầm xa để tránh thất thoát và lực lượng bên ngoài thâm nhập, phải...
Phải! Phải! Ông đang bàn hay ông đang ra tối hậu thư cho tôi đấy?
Tốt! Đang từ mày xuống cậu giờ xuống ông là tốt rồi. Coi như chuyển động ngược chiều. Tôi càng đanh giọng:
Bàn. Nhưng cũng là tối hậu thư. Vì đây là lần đầu nhưng cũng là lần cuối tao bàn với mày. Muốn có năng suất, phải cho người về Hà Nội mua máy phát điện công suất lớn đưa vào hang để tăng cường độ sáng thay cho đất đèn và làm đèn chiếu sáng luôn cho các lán, phải có đường goòng, đường ống dẫn nước trong hang, phải có bể lọc thay vì vác nước. Cuối cùng, muốn bền, việc thu phục nhân công các nơi là bằng nhân tâm, bằng cuộc sống chứ không chỉ bằng vũ lực. Hết! Tạm thế đã.
Còn cái thứ hai?
Cái thứ hai là dành cho mày. Tao nói vậy là cạn lời, vì mày vì tao và vì hết thảy anh em, nếu mày vẫn không nghe, mày cứ lấy hút xách, cờ bạc làm đầu, bỏ bê công việc thì tao sẽ dần cho mày một trận cẩn thận rồi đường ai nấy đi và lúc ấy, nếu mọi người có theo tao thì cũng là chuyện đương nhiên. Sao?
Lần này nó không nhìn vào nắm đấm đang rung tít của tôi nữa mà nhìn xuống đất, lại nhìn những ngón tay gầy guộc, trắng bệch của mình. Hồi lâu nó ngẩng lên, cả cái nhìn cả giọng nói đều dường như không phải của nó, rưng rưng, mềm oặt:
Hùng! Nhìn trong mắt mày, đôi mắt chó chết, tao biết rồi nhất định sẽ có buổi hôm nay và tao cũng đang có ý chờ chỉ hiềm nó đến sớm quá, tao chưa kịp chuẩn bị. Tao... tao đang ốm, tao mệt, tao không muốn làm gì nữa, không thiết gì nữa, tao có lỗi với mày, có lỗi với anh em. Tao muốn nhờ mày một việc, một việc thôi...
Nói đi!
Tuần sau có khi tao phải sang Sing chữa bệnh có thể lâu có thể mau, nhân tiện nếu thuận thì chữa cai luôn. Nhờ mày ở lại trông coi Bưởng giúp tao. Phải là mày và chỉ có mày nhận lời thì tao mới yên tâm để đi. Dù sao cũng là mồ hôi nước mắt và cả xương máu, tao không thể ngồi nhìn nó rơi xuống vực. Giúp tao, tao ơn mày...
Đầu óc tôi bỗng chảy bẹt ra. Cứ tưởng là nó sẽ quật trở lại, sẽ gầm lên, rít rẩm, sẽ điên loạn, sẽ hô hoán vệ sĩ vào dần tôi ra bã, thậm chí sẽ cho tôi sang ngay bờ bên kia cuộc đời nếu không biết cách tự vệ, vậy mà nó lại bất ngờ xuống nước đến không thể xuống hơn được nữa thế này thì tôi chỉ còn biết đứng trơ khấc. Sóng dữ đã thành sóng lặng. Quả đấm đinh làm cú huỷ diệt nếu cần đã bay vút vào thinh không bẽ bàng. Nó thật bụng hay lại một ngón đòn ma muội để vận kế hoãn binh? Nhưng có điều hiển nhiên là nó đang bệnh thật, bệnh nặng nữa là khác, bàn tay nhớp ướt, hơi thở hầm hập, khăn mùi, da dẻ bạc phếch, thân thể khẳng khiu, mắt nhìn đờ đụt. Đôi mắt, đúng, đôi mắt có chút ngấn nước ấy làm đầu óc tôi dịu lại, bất giác như hai thằng trẻ trâu năm xưa, tôi ngồi xuống, khẽ ghì nó vào người, nước mắt cũng muốn rịn ra:
Khánh... tao xin lỗi. Cũng chỉ tại tao quá lo cho anh em, lo cho công sức của mày sắp tiêu tan. Bỏ qua đi! Thôi được rồi, đáng lẽ tao sẽ tách, sẽ không ở đây nữa nhưng vì mày, vì bệnh tật của mày, tao sẽ ở lại trông coi. Đi nhanh mà về.
Nó cũng nắm chặt lấy tay tôi, khẽ cười, cái cười thật thơ trẻ:
Ừ, có thế chứ. Tao biết mày không bao giờ bỏ tao, trước kia vậy mà bây giờ cũng vậy - Rút trong túi ngực ra một chiếc chìa khoá - đây là khoá két, tao giao luôn cho mày. Trong đó còn khoảng trên dưới năm chục cây, tất cả chỉ có thế, mày liệu mà sử dụng sao cho có lợi nhất, kể cả cái dự án cải cách cải tổ nghe như rắm thối kia.
Cầm chiếc chìa khoá tanh mùi hôi nách mà bỗng thấy đắng trong miệng. Vàng đang rẻ như bèo, năm chục cây đến nuôi ăn từng ấy con người một tháng cũng chẳng đủ thử hỏi còn làm được việc gì. Tôi định bật hỏi, thế số tiền, vàng trăm cây, ngàn cây mày đem gửi ở các ngân hàng đâu, nhưng rồi lại thôi. Nhìn cái bộ dạng kia, chán, chả buồn hỏi nữa mà có hỏi thì chắc cũng lại là một câu trả lời lấp liếm, trơn truội, ngứa ruột. Thôi thì bao nhiêu cũng được miễn là hắn mau cút đi để mình rảnh tay làm lại từ đầu.
Liên Disgan từ ngoài bước vào, đến gần hắn, vẻ như đã nghe được toàn bộ câu chuyện, nét mặt thật nũng nịu:
Anh... em có cần phải cùng đi không? Nghe nói anh đã thuê riêng một bác sĩ phục dịch bên đó rồi?
Khánh quay lại, cái nhìn thoắt trở nên uy quyền:
Vậy theo cô thì cô có nên đi không?
Em... không biết nên mới phải hỏi anh. Em nghĩ ở đây còn có nhiều việc cần em có mặt nên...
Đủ rồi đấy! - Hắn trừng mắt - Đi! Bổn phận của cô là phải đi, phải ở cạnh tôi đến tận cùng trời đất. Bằng không, ngay từ bây giờ cô có thể biến, biến ngay khỏi đây.
Ả xị mặt, chém cái nhìn sang tôi như thể muốn nói:
 “Đấy, anh biết rồi đấy, em rất muốn ở lại với anh, cùng anh vực lại bãi vàng nhưng...”
 Tôi nhìn đi nơi khác. Cô mà ở lại thì tôi chỉ có nước bán sới. Sau đêm đó tôi hãi lắm rồi. Thằng đàn ông trong tôi nó thụt lại rồi, ấy vậy mà khi ả cầm khăn ướt lau trán, lau tay cho nó, nói với nó bằng một chất giọng thuần tuý vợ chồng thì tôi lại không thể không nhói lên một chút ghen tuông. Câu đó là thế này:
“Anh ăn gì để em bảo nó nấu? Gà hầm thuốc bắc hay cháo chim câu?’
Con tim đàn bà đúng là loằng ngoằng, bí hiểm, ngóc ngách. Bí hiểm, loằng ngoằng hơn cả cái hang cổ có trầm tích vàng kia. Căm ghét, hận thù, thậm chí cả khinh miệt nhưng rồi vẫn cứ xa xót, vẫn cứ yêu thương, cả thằng kia nữa, phách lối, gia trưởng, tàn nhẫn, thậm chí đểu giả nhưng rồi vẫn không thể thiếu vắng được mùi hơi của nó. Thì ra, dạo này tôi hay sinh tật triết lý linh tinh, với nhau bắt đầu chỉ là phương tiện, thằng này là tình dục, con kia là tài chính, miết rồi thành quen, thành ngấm, thành chỗ dựa tâm hồn. Ha ha...